Showing posts with label thuật ngữ y dược. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ y dược. Show all posts

Friday 20 March 2020

Cần chờ bao lâu để ổn định một thuật ngữ dịch tễ học?



Thuật ngữ social distancing hiện được dịch bằng nhiều cách:
-cách biệt cộng đồng
https://www.msn.com/vi-vn/lifestyle/lifestylenews/thực-hiện-social-distancing-thời-covid-19-thế-nào-cho-đúng/ar-BB11rRoB?li=BBr8zL3&sa=U&ved=0ahUKEwis

)
-cách ly xã hội (
)
-giãn cách khi tiếp xúc

-giãn cách xã hội
)

-giữ khoảng cách cộng đồng

-giữ khoảng cách giao tiếp xã hội
)
-giữ khoảng cách khi xã giao
)
-giữ khoảng cách ở nơi công cộng
-giữ khoảng cách xã giao
)
-giữ khoảng cách xã hội

-hạn chế các giao tiếp xã hội và sinh hoạt cộng đồng
)
-hạn chế giao tiếp xã hội
)
-hạn chế tiếp xúc với đám đông

-hạn chế tương tác với đám đông

-phân cách người trong xã hội
)
-tạo khoảng cách xã hội
)
-tránh tiếp xúc xã hội
)
-tự cách ly và cô lập giao tế xã hội
)

Wednesday 10 January 2018

Chu sinh thì vòng quanh cái gì?





TT - Sáng 24-4, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu về môn tâm lý chu sinh” và chính thức ra mắt phân môn này của trường.


Phân môn tâm lý chu sinh ra đời nhằm trang bị cho các bác sĩ sản khoa và bác sĩ sơ sinh các kiến thức để dự phòng rối nhiễu tâm lý cho trẻ nhỏ cũng như các bệnh lý tâm thần sớm ở trẻ như tự kỷ để có hướng can thiệp sớm.
("Cần biết, 25/04/2012 00:08 GMT+7, https://tuoitre.vn/can-biet-488729.htm)




Chu sinh trong bản tin này tương đương với perinatal của tiếng Anh và périnatal của tiếng Pháp, chỉ thời kỳ gần đến ngày sinh và thêm ít tuần sau khi sinh.

Hội chăm sóc trẻ chu sinh (từ 22 tuần tuổi đến 7 ngày sau sinh) và sơ sinh (từ 7 ngày đến hết ngày thứ 28) TPHCM đã ra đời ngày 12/1 tại bệnh viện Nhi Đồng 1 H với sự tham gia tình nguyện của gần 300 bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh.
Vân Sơn – Ngọc Thanh

(Thứ năm, 13/01/2011 - 07:2, "Thành lập Hội chăm sóc trẻ chu sinh và sơ sinh", http://dantri.com.vn/suc-khoe/thanh-lap-hoi-cham-soc-tre-chu-sinh-va-so-sinh-1295179865.htm)


Gốc Hy Lạp peri (nghĩa là gần) có mặt trong các từ ghép tiếng Anh & Pháp như perimeter & périmètre (chu vi), periodontitis & périodontite (nha chu), period & période (kỳ hoặc thời kỳ hoặc chu kỳ tùy trường hợp) peripheral & périphérique (ngoại biên hay ngoại vi tùy trường hợp), pericard & péricarde (tâm nang / màng ngoài tim), periostum  &  périoste (cốt mạc / màng xương), peritoneum / péritoine (phúc mạc / màng bụng)...

Chu sinh hơi khó hiểu vì chu không thể hiện được cái nghĩa vòng quanh trong chu vi, chu kỳ, chu lưu, chu kỳ, chu san, chu tất, chu thiên, chu đáo, chu du, chu cấp hay nha chu. Trước đây Lê Khả Kế et al. (2001:1212) dịch périnatalcận sản, nhưng cận sản lại có thể bị hiểu là gần đến ngày sinh, như cận kỳgần đến kỳ. Trung Quốc dịch perinatal/périnatal围产期 (vi sản kỳ), dùng chữ vi (nghĩa là vây bọc xung quanh) của chu vi, vi kỳ (cờ vây).

Sản được dùng nhiều trong các từ ghép Hán Việt chỉ người mẹ (sản phụ, sản khoa, tiền sản, hậu sản...) còn sinh có thể dùng cho cả mẹ lẫn con (bệnh lý chu sinh, tử vong chu sinh, trẻ chu sinh, trẻ sơ sinh, cặp song sinh, người đàn bà vô sinh...). 

Xem ra về phương diện cấu tạo, chu sinh không tốt cũng không tệ hơn vi sản hay cận sản. Nếu giới chuyên môn dùng quen rồi báo chí phổ biến giúp thì nó có nhiều khả năng thanh toán các đối thủ cạnh tranh trong dãy xung đột đồng nghĩa. Chu sinh chỉ bị thanh toán nếu trong vòng vài năm tới đây vẫn không có ai đủ khả năng sáng tạo một thuật ngữ khác diễn đạt chính xác hơn ý niệm ngay trước và ngay sau (không phải vòng quanh) và nếu người đó có uy quyền phổ biến thuật ngữ mới.

Friday 9 December 2011

Chích ven là chích vào đâu?

Ven là tĩnh mạch. Gốc của ven (có khi được ghi là vênh) là từ veine của tiếng Pháp.
Ngữ liệu:

* Năm năm sau vẫn còn cảm thấy đau khổ, mỗi lần người ta lách kim vào thái dương, vào trán, vào hai cổ chân tìm ven của con. (Lê Lựu, 2006:313)
* Cháu bé thế này ven mạch ở đâu mà cắm kim, lại còn chằng buộc thế nào để giữ yên tay nó mấy tiếng đồng hồ ? (Bùi Ngọc Tấn, 2008:356)

Saturday 26 November 2011

Dương mai hay giang mai?

Sách báo hiện nay đều dùng từ giang mai để gọi chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục do thủ phạm là con vi trùng trê-pô-nem (Treponema pallidum).
Các từ điển cũ không có giang mai., chỉ có dương mai và định nghĩa là bệnh tim la (Huình Tịnh Của, 1868a:253);  Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:162; Lê Văn Đức, 1970a:392; Đào Duy Anh, 2005:212).

Hai là khuếch-trương nghề mãi-dâm, các nơi thành-trấn chỗ nào đông người đều cho mở nhà điếm người Nhật, người Triều-tiên, không có hạn-chế gì cả, đều được miễn thuế doanh-nghiệp để tỏ ý khuyến-khích, làm cho lan mãi nọc độc dương-mai ra. (Nam Phong Tạp Chí số 207, 1934:212)

Tiếng Trung Quốc là 梅毒 (âm Hán Việt: mai độc) nhưng dân gian hay gọi là 楊梅瘡. (âm Hán Việt: dương mai sang). Sang nghĩa là bệnh nhọt. Cây dương mai là một giống cây nhỡ, quả có hình dáng và màu sắc giống quả dâu; tiếng Pháp gọi là arbousier hay arbre à fraises. Tên bệnh như thế là do người bệnh phát nhọt màu đỏ trông như quả dương mai (梅毒所發之瘡,, 色紅, 似楊梅 mai độc sở phát chi sang, sắc hồng, tự dương mai).
Do trong tiếng Việt sự chuyển đổi ương-ang khá phổ biến (đương / đang, lên đường / lên đàng, an khương / an khang, cương thường / cang thường...), dương mai cũng có thể được nói là dang mai (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:162). Nói thì như thế nhưng viết lại là giang mai. Đến đây thì tên gọi mất đi sự liên hệ với ý nghĩa ban đầu.
Các từ điển hiện nay đều xem dương mai là từ cũ, giang mai mới là từ chính thức được lưu hành. Dương mai được quy về giang mai và chỉ giang mai mới có định nghĩa (Nguyễn Như Ý, 1999:564), Nguyễn Kim Thản, 2005:490; Hoàng Phê, 2006:272).

Sunday 21 August 2011

Pa-nen là từ mượn âm của ngôn ngữ nào ?

Pa nen (tấm bê tông dùng để lắp ghép sàn hay mái nhà) là một từ được các kỹ sư xây dựng miền Bắc mượn từ tiếng Nga (панель) trước năm 1975. Từ pa nen này được dùng để chỉ các loại vật liệu dạng tấm như pa nen [năng lượng] mặt trời.  Tấm pa nen có khi bị gọi trại thành tấm nên.
Pa nen trong pa nen điều khiển hệ điều hành Windows có lẽ là từ mượn tiếng Anh (control panel) đọc theo kiểu Việt nếu như không phải là kỹ sư tin học nào đó đã chủ ý dùng từ pa nen của tiếng Việt chuyên ngành xây dựng để dịch thuật ngữ control panel. Nhưng ai là người đầu tiên dịch như vậy và thật sự thì điều gì đã xảy ra trong óc người ấy ?


Pa nen trong pa nen hồng cầu chắc chắn là đã được các thầy thuốc Việt Nam dịch từ panel de globules rouges của tiếng Pháp. Bản thân từ panel trong tiếng Pháp vẫn đang bị coi là một từ ngoại lai gốc Anh (anglicisme), tức là một từ tiếng Anh đọc theo kiểu Pháp. Kiểu đọc này cũng tương tự như cách các kỹ sư tin học Việt Nam đọc từ panel trong thuật ngữ pa nen điều khiển.