Showing posts with label từ quốc tế. Show all posts
Showing posts with label từ quốc tế. Show all posts

Wednesday 16 January 2013

Người Việt Nam đi tắc xi từ khi nào?

Từ tắc-xi xuất hiện lần đầu (có lẽ) là trên Nam Phong Tạp Chí số 205 (1934:129):
Mới bắt đầu có xe ô-tô “tắc-xi” (taxis) chạy ở Hà nội -  Ô-tô tắc-xi là một thứ xe ô-tô chở thuê hành khách chạy khắp các đường phố Hà-nội;  ngày mồng 8 Octobre, hiệu Thuận-thái phố hàng Buồm đã mời quan Đốc-lý Hà-nội đến chứng-kiến để cho sáu chiếc xe bắt đầu chạy.

Thursday 26 July 2012

Do đâu có tên chồn mác?

Mác có thể là từ mượn âm tiếng Pháp (martre) mà cũng có thể là dạng rút gọn của mác tét. Từ này có âm rất gần với tên La Tinh (Martes martes). Chồn mác Mỹ và chồn mác-tét Mỹ là một (tiếng La Tinh là Martes americana; tiếng Pháp là martre américain). Rất khó đoán được người đặt tên chồn lấy tiếng nào làm gốc. Tuy nhiên có thể thấy rõ dấu vết của tiếng La Tinh trong tên chồn mác ba-ra (Eira barbara)

Friday 6 April 2012

Bồi là từ gốc Anh hay gốc Pháp?


Bồi là một trong số mươi từ mượn âm được thu nhận vào từ điển tiếng Việt sớm nhất. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:56) cắt nghĩa là người hầu hạ và ghi chú là bởi chữ “boy” tiếng Hồng-mao, nghĩa là thằng nhỏ. Phần đông các nhà nghiên cứu về sau xem bồi là từ gốc Pháp (Nguyễn Quảng Tuân, 1992:78; Nguyễn Kim Thản, 2005:166) bởi vì từ này được người Việt mượn âm trực tiếp từ tiếng Pháp khi Việt Nam bị Pháp đô hộ.


Người An-nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang Bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v.
Nam Phong Tạp Chí số 59 (1922:351, Vũ Công-Nghi)

Thursday 15 March 2012

Hoa di nha là hoa gì?


Hoa di nha thuộc họ Cúc (Asteracae). Lá mọc đối, hình trái xoan thuôn dài, mặt lá phủ lông. Hoa có màu trắng, vàng, đỏ, hồng, tím. Tên hoa tiếng La Tinh là zinnia, được đặt theo tên nhà thực vật học người Đức Johann Gottfried Zinn (1727-1759). Từ zinnia này được giữ nguyên dạng trong nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha... Tiếng Nga là цинния, phiên âm cũng khá gần. Khó có thể xác định di nha được phiên âm từ thứ tiếng nào trong các ngôn ngữ châu Âu kể trên.
Di nha còn được gọi là hoa bách nhật, do tên hoa tiếng Trung Quốc là 百日草 (âm Hán Việt là bách nhật thảo, nghĩa là cỏ trăm ngày).

Friday 26 August 2011

Hoa cốt mốt là hoa gì?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:462) giải thích cốt mốt là cúc chuồn chuồnTừ điển của Hoàng Đình Cầu (1976:182), Lê Khả Kế (1978:56) chỉ có cúc chuồn chuồn.
Cốt mốt hay cúc chuồn chuồn, hoa bướm, cúc ngũ sắc, sao nhái, sao nháy, soi nhái cũng đều là một. Từ cốt mốt có tính quốc tế: tiếng Anh và tiếng Pháp là cosmos, tiếng Nga là космос. Tên khoa học bằng tiếng La Tinh là Cosmos sulphureus. Gốc của tất cả các từ này là κόσμος của tiếng Hy Lạp; từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là trang hoàng. Quy nguyên cốt mốt về tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, tiếng Nga đều hợp lý.
Cây cốt mốt xuất phát từ Mê-hi-cô, là một loại thân thảo mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm. Nhìn từ xa vườn hoa cốt mốt trông giống như một bầu trời sao lấp lánh. Đây có thể là nguồn gốc của tên gọi sao nháy.
Tên gọi tương đương bên tiếng Pháp là cosmos sulfureux étincelant (étincelant nghĩa là sáng chói). Cốt mốt thuộc bộ cúc (tiếng La Tinh là asterales, tiếng Pháp là ordre des astérales; gốc La Tinh astrum nghĩa là ngôi sao).
Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng các tên gọi sao nháisoi nhái rất có thể là do sao nháy biến thành.

Sunday 21 August 2011

Pa-nen là từ mượn âm của ngôn ngữ nào ?

Pa nen (tấm bê tông dùng để lắp ghép sàn hay mái nhà) là một từ được các kỹ sư xây dựng miền Bắc mượn từ tiếng Nga (панель) trước năm 1975. Từ pa nen này được dùng để chỉ các loại vật liệu dạng tấm như pa nen [năng lượng] mặt trời.  Tấm pa nen có khi bị gọi trại thành tấm nên.
Pa nen trong pa nen điều khiển hệ điều hành Windows có lẽ là từ mượn tiếng Anh (control panel) đọc theo kiểu Việt nếu như không phải là kỹ sư tin học nào đó đã chủ ý dùng từ pa nen của tiếng Việt chuyên ngành xây dựng để dịch thuật ngữ control panel. Nhưng ai là người đầu tiên dịch như vậy và thật sự thì điều gì đã xảy ra trong óc người ấy ?


Pa nen trong pa nen hồng cầu chắc chắn là đã được các thầy thuốc Việt Nam dịch từ panel de globules rouges của tiếng Pháp. Bản thân từ panel trong tiếng Pháp vẫn đang bị coi là một từ ngoại lai gốc Anh (anglicisme), tức là một từ tiếng Anh đọc theo kiểu Pháp. Kiểu đọc này cũng tương tự như cách các kỹ sư tin học Việt Nam đọc từ panel trong thuật ngữ pa nen điều khiển.

Friday 19 August 2011

Mô-men là từ gốc Pháp hay gốc Nga?

Mô-men là một thuật ngữ dùng trong toán và vật lý. Trước đây thuật ngữ này được ghi là mo-men (Hoàng Xuân Hãn, 1959:116, Đào Đăng Vỹ, 1991:1290), rõ ràng là một từ gốc Pháp mặc dù âm của nó gần với tiếng Nga hơn (момент).

Thursday 18 August 2011

Pa-pi-ê-ma-sê có phải là từ gốc Pháp không?

Người biết tiếng Pháp tạo ra từ này từ tiếng Pháp (papier mâché):
Papier-mâché (em xin phiên âm kiểu bình dân học vụ là pa-pi-ê ma-shê) là một từ tiếng Tây chỉ môn nghệ thuật tạo hình từ giấy, bột giấy và hỗn hợp hồ dán, tinh bột. (http://www.dieudieu.info/2011/05/papier-mache-mo-hinh-giay.html)
Nhưng trước đây pa-pi-ê-ma-sê đã xuất hiện trong từ điển Nga Việt tập 2 của Alikanôp (1977)  ở mục từ папье-маше

Alikanôp là bút danh của Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội đã tỵ nạn ở Liên Xô từ những năm 60. Cách làm của Alikanôp cũng là cách làm của các nhà khoa học ở miền Bắc cùng thời khi chế tác thuật ngữ để diễn đạt khái niệm mới:

Nguyên tắc chung là cố gắng hạn chế vay mượn từ nước nước ngoài. Tuy nhiên tính quốc tế của thuật ngữ có thể được vận dụng nếu bản thân tiếng Nga mượn  âm thuật ngữ một tiếng châu Âu khác (thường là tiếng Pháp). Khi đó việc mượn âm cũng có thể được áp dụng trong tiếng Việt mà người đề xuất việc vay mượn không sợ bị tố là làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Kết quả là trong tiếng Việt chính thức xuất hiện hàng loạt từ ngữ và thuật ngữ có âm gần với gốc Pháp  mà nếu không nhờ gần âm với tiếng Nga sẽ vĩnh viễn bị cấm cửa.
Việt
Pháp
Nga
Nguồn
a-gi-ô
agio
ажио
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:15)
a pô ri
aporie
апория
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:22)
công xoóc xiom
consortium
консорциум
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:99)
nu men
noumène
ноумен
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:138)
xi ních
cynique
циник
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:242)
sa man
chaman
шаман
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:245)
ôtômat
automate
автомат
Nguyễn Đình Đằng (1979:13)
ôtônôm
autonome
автономный
Nguyễn Đình Đằng (1979:14)
alep
aleph
алеф
Nguyễn Đình Đằng (1979:16)
compac
compact
компактный
Nguyễn Đình Đằng (1979:68)
continum
continuum
континуум
Nguyễn Đình Đằng (1979:70)