Showing posts with label thuật ngữ xây dựng. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ xây dựng. Show all posts

Wednesday 18 January 2017

Vôi ve sao lại màu vàng?





Bài “Bảo quản di tích không thể như quét vôi nhà” (báo Tiền Phong, Toan Toan, 06:35 ngày 18/01/2017) có đoạn như sau:
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội trả lời báo chí việc quét vôi Đoan Môn dựa theo gốc của lần tu bổ năm 1998, rằng màu vôi ve chỉ có sắc vàng như thế. Điều đó có đúng không thưa ông?
Ve (gốc Pháp vert) là màu xanh. Nguyễn Kim Thản et al. (2005:1783) giảng là tựa như màu lá mạ. Từ này cũng có mặt trong nhiều từ điển khác (Nguyễn Quảng Tuân et al. (1992:450), Lê Ngọc Trụ (1993:805), Nguyễn Như Ý et al. (1999:1806), Lê Phương Thanh (2001:1336), Hoàng Phê et al. (2006:1109) ...). Không ai hiểu ve có sắc vàng như thế. Nhưng dường như người làm nhà, xây nhà, sửa nhà bây giờ đều hiểu vôivôi trắng còn ve  vôi màu.

Sunday 1 September 2013

Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc (TCC)


Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc


Bỗng một ngày… có một đàn em nhờ tui viết lại những từ mà dân Kiến trúc chúng tui thường xài trong trường, những mật khẩu mà chúng tui được kế thừa truyền miệng lại từ thế hệ sinh viên này đến thế hệ khác và liên tục được sáng tác thêm… Để rồi thiệt ngộ nghĩnh, thiệt riêng khi khoái trá nói với nhau tâm đắc trong sự ngơ ngác của các bạn bè bà con… ngoại đạo.
Và dĩ nhiên hành trình tiến hóa của ngôn ngữ Kiến luôn luôn thay đổi theo thị hiếu và các giai đoạn của Kiến sinh các thời kỳ. Trước đó các KTS đàn anh như anh Minh Bò, anh Đạm Vều, anh Sơn Ốm… đã đề cập và kể lại cho đàn em khóa sau khá nhiều. Các thuật ngữ Kiến trúc phổ biến lúc đó là: cạc-nê sì-tê (stéréotomie) môn thiết thể vật liệucạc-nê-cồng (carnet de constructiondày như quyển tự điển làm nhanh cũng phải mất từ 3 tới 6 tháng, làm analo, làm esquisse, làm concours, làm projet, đớp valeur, ăn bài, phua bài, a-văng-xê, sa-rết, răng-đu… trong trường, các đàn anh vẫn giữ thói quen nói chuyện với nhau chen vào một số từ tiếng Pháp.
sinh vien thi thiet ky y tuong kien truc
Từ thông dụng nhứt  được lưu truyền đến ngày nay cần phải kể tới đầu tiên là từ Sa rết, Sa rớt (Charrette)  có nguồn gốc từ École des Beaux-Arts ở Paris trong thế kỷ 19 có nghĩa  thường xài: bài làm bị trễ, nhưng ẩn ngữ là nghiên cứu sáng tác cho tới tận cùng thời hạn được giao. Từ này nổi tiếng đến nỗi từ điển Wikipedia tiếng Anh phải đề cập tới.
(Ảnh bên: các sinh viên Kiến trúc tự do thể hiện đồ án trong Festival Kiến trúc hàng năm)
Kế nữa, việc nghiên cứu, việc thể hiện đồ án kiến trúc được nói vắn tắt là binh bài và lên đồ án. Đối với sinh viên kiến trúc, mỗi kỳ lên đồ án luôn tập trung toàn bộ sức lực ngày đêm binh bài. Sa rết là bịnh muôn đời của dân kiến trúc, trong mọi công việc, làm bài, làm truyền thống, làm ap phe, cả trong việc hẹn hò cũng vậy. Đồ án đậu gọi là bài ăn, bị rớt gọi là bài thua là những từ lóng mà dân Kiến đời sau Việt hóa thành công từ chữ Phua (Four) là cái lò sưởi, ý chỉ bài bị rớt thì liệng vào lò sưởi. Ai đia (idea) thời các Kiến sính xài tiếng Anh thay vì ý tưởngRam, rốp là chôm ý“tham khảo” thiết kế bài bạn về vẽ vô… bài mình! át-suya-rê (Hachuré), răng du (Rendu) hoặc Hắt (Hatch) song song,Ren đơ (render) được trộn chung lại mà nói ra nhưng sinh viên Kiến nào cũng hiểu thay vì nói kẻ các đường song song hay diễn họa. Nói như vậy mới đã, mới khoái, mới ra dân Kiến chứ nói như thông thường thì mất Sướng. Những từ ngữ rất riêng đó, được sinh viên Kiến trúc chấp nhận, lưu truyền và phát triển, lập tức, nó trở thành truyền thống.
MG_6381-500x250
Festival Kiến trúc 2012 tại Đà Nẵng
Một điều nữa rất đáng để bàn luận là cặp từ Ne Ba Trông chỉ có trường Kiến Trúc mới có, rất đặc thù nêu cao tình đàn anh chỉ bảo truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em, nghĩa đồng môn Nègre và Patron luôn luôn gắn bó như anh em ruột thịt trong gia đình. Nguyên nghĩa Ne (Nègre) có nghĩa là đầy tớ chỉ là đàn em theo phụ đàn anh, Ba trông (Patron) có nghĩa là Chủ chỉ các đàn anh có trách nhiệm chỉ bảo cho đàn em các tuyệt chiêu. Chữ nghĩa nghe qua có tưởng như là có sự cách biệt Chủ và Tớ, nhưng lại là sự ví von vui và bình dị. Kiến trúc nhờ truyền thống Negre – Patron đã kết nối các thế hệ đàn em xa lắc, mà được sự gần gũi, chở che, bảo ban từ cả một cộng đồng Kiến Trúc không có tuổi tác, không có cô, cậu, chú, bác, dì… chỉ là ai vô trước làm đàn anh, sau 40 năm vẫn là đàn em… không có rào cản, không dị biệt về tất cả mọi chuyện. Điều này thấy rõ nhứt là khi đi tới đâu chỉ cần biết là dân Kiến với nhau thì lập tức có ngay sự nồng nhiệt, ân cần và tương trợ.
Còn nữa, những từ như Trưởng tràng ví von cho chức vụ Đại diện cho tất cả sinh viên của trường trong 1 niên khoáThiên lôi cho các sinh viên giữ gìn trật tự trong trường, cách nói này đã hoàn toàn được dịch sang tiếng Việt thay cho từ chef cochon của trường Kiến trúc Bố Già (Beaux-Arts) nghĩa Heo sếp vì dân Kiến trúc thường lấm lem, mặt mũi tay chân dính màu mè tùm lum mỗi khi làm bài đồ án. Do việc một người (Ba Trông)làm bài có 2, 3 người phụ (Ne) rồi đi ăn chung, làm bài chung, mệt quá thì lăn ra ngủ hoặc gục bên bài luôn nên lối học quá đặc biệt đó làm cho bạn bè trở nên rất thân thiết, tình cảm với nhau. Cũng nhờ lối cộng tác làm đồ án quá đặc thù mà có nhiều cặp đã cùng nhau thề nguyền binh bài chung suốt cuộc đời.
Dân Kiến trúc thường tự nhận mình là dân Kiến, tự hào là một phần của một tôn giáo Sáng Tạo, Trường Kiến trúc rèn luyện sinh viên tinh thần cống hiến trí lực Sáng tác không ngừng, thiết kế chẳng dừng để phục vụ nơi ăn chốn ở cho con người, siêng năng, cần mẫn trong công việc, kỷ luật và làm việc nhóm tuyệt vời. Dân Kiến phục vụ cộng đồng, từ thành phố lớn đến vùng sâu vùng xa và cầu mong thế giới đẹp hơn bởi những công trình kiến trúc cho đời sống trong lành tiện ích. Dân Kiến là một từ chung, một thuật ngữ trong Kiến trúc là một kết thúc dễ thương cho bài viết này. Không khó để biết trang web kienviet.net của Hội KTS VN và rất nhiều những công ty thiết kế kiến trúc bắt đầu bằng từ Kiến như một dấu chỉ định danh cho ngành nghề.
Thay lời kết:
Sinh viên nói chung, luôn là hồn nhiên, nhiệt tình, và rất nhiều hoài bão trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ. Riêng sinh viên Kiến trúc với cách học đặc sắc và chơi không giống ai trên tiêu chí “Sáng tác không ngừng, thiết kế chẳng dừng” “HAY, VUI, LẠ, ĐẸP” làm cho ta được tiếp thêm sức trẻ và tin tưởng các đàn em thế hệ sau giữ gìn phát huy những giá trị truyền thống, những thuật ngữ của anh em họ nhà Kiến.
Viết vì lời yêu cầu của Kiến Đất Thủ Lion Arc (biệt danh của Sư Tử Ác Nguyễn Huỳnh Linh Thảo)
TCC
Việc xong ai có giờ thong thảHẹn chốn Bụi trần uống vài chungBạn bè chia sớt điều nghiêng ngả?
185377_450
Sinh viên Kiến trúc trong một buổi tập vẽ ngoài trời
Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc - Phần thêm
Việc học hành và đồ án dồn dập và áp lực, nghiên cứu và thể hiện ngày đêm. Sinh viên Kiến nào nghe giảng đề và sửa bài siêng năng thì may ra Ăn bài còn thì Thua riết 2,3 bận vẫn không qua. Nhưng có những bài đáng lẽ ra về dây chuyền bị đánh rớt nhưng do Răng đu đẹp hay có nét nhỏ nhỏ gì đó độc đáo, có nghiên cứu thì các thầy cũng thương tình cho Đậu Vớt thì mừng kể gì nói. Cái Đậu vớt nó còn vui gấp bội hơn Đậu ngon lành, Đậu đàng hoàng. Nên mỗi khi được Đậu vớt các bạn nhẩy cẫng, bá vai bá cổ hò hét từ các hành lang ra tới cổng và nghêu ngao trên đường: 1 Vớt, 2 Vớt, 3 Vớt, 4 Vớt, 5 Vớt, Vớt Vui Vẻ Về Với Vợ, rồi biến thể cả cách theo chuyện đánh vần 1 vớt thành ra 1 Vờ, 2 Vờ
Tui cũng từng một thời như vậy, giờ là 10 năm họp lớp, tụi tui vẫn bá vai bá cổ, hò hét những kỷ niệm thuở xưa, dưới mái nhà Kiến trúc là gia đình lớn cho tất cả chúng tui. Quả là Mười năm gặp lại, tình… thành ngất… ngư… !
Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc - Phần thêm nữa
imagesNgồi café với đàn em Kiến Đất Thủ, update thêm vài thuật ngữ mới. Thời đại, vi tính vi teo, vẽ đồ án bằng phần mềm này nọ, các Kiến em lập tức chớp, chợp ngay các lịnh vẽ máy để tạo nên những từ mới chuyên dùng như:Mu (Move tức là di chuyển) khối này qua đây nè, Cặp pi Pác (copy past đồng nghĩa vớiRam, Rốp…) cái đó dzô. Thằng đàn em nào lơ ngơ lớ ngớ mới vô hoặc lười biếng hổng chịu nghiên cứu bài, ngồi bàn đồ án mà ngơ ngác liền bị chọc là A ma tơ (Amateur) vậy mậy!
(Ảnh bên: Kiến Đất Thủ và thầy Phúc)
Những từ như làm mượt bài đi em! Queo (Well) đi! Chạy ống tay vịn cầu thang! Là những thuật ngữ mới tinh ra lò nói ra là được sinh viên Kiến trúc chấp nhận ngay hổng thắc mắc, lưu truyền và phát triển, lập tức, nó trở thành truyền thống Kiến trúc.
Ôi! Con thuyền Kiến trúc dù đi đến đâu, nó cũng chiếu cái bóng mình xuống nước.
Viết xong Ta có giờ thong thảXuống chốn Bụi trần uống vài chungNerge ơi chia sớt điều nghiêng ngả!
(Tạm cảm thấy hài lòng)
TCC

Friday 16 December 2011

Răm li là cái gì?

Dân xây dựng gọi vạt gỗ đóng trần là răm li. Đó là một từ gốc Pháp (lambris de  plafond). Khi từ này vào tiếng Việt, đã xảy ra hiện tượng lẫn lộn /r/ và /l/. Hai âm này đều âm lỏng. 

Wednesday 16 November 2011

Tại sao dây dọi còn được gọi là lập lòn?

Dây dọi / lập lòn gồm một quả đồng thau dằn chì cho nặng treo vào đầu một sợi dây. Thợ xây thả dây dọi/lập  lòn để kiểm tra xem tường có thẳng đứng hay không. Dây dọi tiếng Pháp là fil à plomb, dịch sát từng từ là sợi dây có cục chì. Người Việt bỏ âm tiết đầu, chỉ giữ đoạn sau thành ra lập lòn.

Monday 14 November 2011

Tăng đơ là cái gì?

Bộ phận dùng để căng dây xích/sên nay gọi là bộ tăng sên, xưa gọi là tăng đơ, do ảnh hưởng của tiếng Pháp (tendeur de chaîne).

Thiết bị điều chỉnh sức căng dùng để chằng buộc hàng hóa, các công trình như cột điện, trạm phát sóng.. cũng được gọi là tăng đơ: tăng đơ chữ U (tiếng Pháp là tendeur en U),  tăng đơ dạng khung (tiếng Pháp là tendeur à lanterne), tăng đơ cáp (tendeur de câble)...

Một số người, thường là người Nam, không nói tăng đơ mà phát âm là tăng đưa, tức là dùng một nguyên âm đôi trong tiếng Việt để thể hiện trường độ của nguyên âm /œ/ trong âm tiết thứ hai của từ tiếng Pháp (–deur). 

Friday 14 October 2011

Làm ne là làm gì?


Trong tiếng Pháp nègre vốn có nghĩa là mọi da đen.
Cuối thế kỷ 18 từ nègre có thêm nghĩa là tác giả ma, tức người viết (mướn) để người khác ký tên. Alexandre Dumas, tác giả của cả trăm quyển tiểu thuyết lịch sử bất hủ, trong đó có Ba người lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires), Hai mươi năm sau (Vingt Ans Après), Hoa tu-líp đen (La Tulipe Noire)... đã sử dụng một số tác giả ma; đuợc hậu thế biết đến nhiều nhất là Auguste Maquet, chuyên làm công việc tìm tài liệu, viết phác thảo rồi chuyển cho Alexandre Dumas hoàn thiện bản thảo. Suy cho cùng cũng là làm mọi.
Dân kiến trúc nước ta gọi người giúp việc là ne, thực chất là bắt làm mọi:
Ne ơi ta bảo ne này,
Ne vô họa thất ne “cày” cùng ta,
Trưởng tràng có luật đưa ra,
Kêu gì làm nấy, liệu mà biết khôn,
Bắt cởi truồng, phải cởi truồng,
Kêu nằm “quậy cỏ”, liệu hồn “rendu”

Sunday 11 September 2011

Gạch ba banh là gạch gì?

Gạch ba banh là gạch nén. Gốc của nó là từ parpaing tiếng Pháp. Từ này vào tiếng Việt thành pác panh, pa panhba banh. Chỉ có pác panh vào được từ điển Nguyễn Như Ý (1999:1311). Các từ điển khác không ghi nhận dạng nào cả.

Wednesday 24 August 2011

Tại sao độ cao (so với mặt chuẩn) được gọi là cốt?

Trên mặt đường, đường xá (sic) có thể nhấp nhô nhưng nền của cái thành phố ngầm này buộc phải đặt theo “cốt” chuẩn, để nước thải khi vơi, khi đầy đều chảy theo hướng xác định chứa đầy các hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu… rồi đổ ra sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch… (Lê Văn Ba, 2009:60)
Cốt là từ gốc Pháp (cote). Các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:388) và Hoàng Phê (2006:213) ghi chú là từ cũ và cho từ tương đương là cao trình.
Thật ra thì từ cốt này nằm trong số những từ ngoại lai bị các nhà từ điển học tìm cách thanh toán không thương xót để giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Nhưng rốt cục nó vẫn không chết. Dân trong nghề xây dựng  tiếp tục dùng nó suốt mấy chục năm qua. Rồi do gần đây nhà cửa đất cát trở thành chuyện thời sự, từ cốt dần dần phủ kín các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ít người biết nó từ đâu chui ra.

Sunday 21 August 2011

Pa-nen là từ mượn âm của ngôn ngữ nào ?

Pa nen (tấm bê tông dùng để lắp ghép sàn hay mái nhà) là một từ được các kỹ sư xây dựng miền Bắc mượn từ tiếng Nga (панель) trước năm 1975. Từ pa nen này được dùng để chỉ các loại vật liệu dạng tấm như pa nen [năng lượng] mặt trời.  Tấm pa nen có khi bị gọi trại thành tấm nên.
Pa nen trong pa nen điều khiển hệ điều hành Windows có lẽ là từ mượn tiếng Anh (control panel) đọc theo kiểu Việt nếu như không phải là kỹ sư tin học nào đó đã chủ ý dùng từ pa nen của tiếng Việt chuyên ngành xây dựng để dịch thuật ngữ control panel. Nhưng ai là người đầu tiên dịch như vậy và thật sự thì điều gì đã xảy ra trong óc người ấy ?


Pa nen trong pa nen hồng cầu chắc chắn là đã được các thầy thuốc Việt Nam dịch từ panel de globules rouges của tiếng Pháp. Bản thân từ panel trong tiếng Pháp vẫn đang bị coi là một từ ngoại lai gốc Anh (anglicisme), tức là một từ tiếng Anh đọc theo kiểu Pháp. Kiểu đọc này cũng tương tự như cách các kỹ sư tin học Việt Nam đọc từ panel trong thuật ngữ pa nen điều khiển.

Wednesday 17 August 2011

Ống buy là ống gì?

Ống buy (gốc tiếng Pháp là buse) là từ dùng trong ngành xây dựng ở miền Bắc từ trước năm 1975. Miền Nam gọi là ống cống.

Tuesday 19 July 2011

Từ ciment của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành từ gì?


Từ ciment của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành các từ sau đây xi măng, xi manh, xi mo, xi mon, xi mong, xi moon, xi moong, si mo, si mon, si mong, si moong. Trong số các từ này chỉ có từ xi măng là còn tồn tại đến ngày nay, được dùng phổ biến ở tất cả các loại văn bản trong mọi hoàn cảnh.
Người có công đưa xi măng lên địa vị này là Hoàng Xuân Hãn. Năm 1942 khi soạn quyển Danh Từ Khoa Học, ông đã quyết định phiên âm cimentxi măng cho gần với tiếng gốc mà không chọn các từ đã có sẵn trong dân gian như xi mo, xi mong... (Hoàng Xuân Hãn, 1959:xxxiii). 

Xi măng đã xuất hiện trước đó trên sách báo cùng với các dạng phiên âm khác:

 Sáng mồng 6, 7 giờ 15, tới bến Hải-phòng, tầu chạy đến đây là thôi, chỗ màn bắc cầu bằng xi-măng, vững-chãi sạch-sẽ, không như màn phà ở Nam và Hà-nội.
Nam Phong số 168 (1932:84, Nhàn Vân Đình)


Quyển từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh in trước quyển Danh Từ Khoa Học vài năm ghi cả hai dạng xi măngxi moong trong mục từ cimentTừ điển của Gustave Hue (1937:1164) chỉ ghi nhận dạng xi mo.
Bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn gặp các biến thể cũ của xi măng rơi rớt lại trong một số câu hát của dân gian:
Chợ Sài Gòn cẩn đá, chợ Rạch Giá cẩn xi-mon
hay:
Một thương tóc húi ca rê,
Hai thương cái nói bạc lề tự do.
Ba thương mặt trát xi mo, (Mặt trát xi mo là mặt đánh phấn rất dày).
Hay trong các tác phẩm tiền chiến in lại:
Nước bể rút xuống lúc khuya còn để lại gờ bến xây xi-moong những ngấn rêu và bùn nhầy nhụa. (Nguyễn Tuân, 2006c:181)

Sunday 17 July 2011

Từ văng trong thuật ngữ cầu dây văng có nghĩa là gì?

Cầu dây văng là cầu gồm một hoặc nhiều trụ, với cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Văng có lẽ  là từ phiên âm từ gốc Nga ванты
, có nghĩa là thừng chăng cột buồm.
Cầu dây văng (tiếng Nga : ВАНТОВЫЙ МОСТ ) cũng gọi là cầu dây băng. Có thể văngbăng đều là biến thể phát âm của cùng một từ. Cũng có thể cầu dây băng xuất phát từ thuật ngữ tiếng Pháp tương đương là pont à haubans.