Monday 16 April 2018

CHỮ NÔM VỚI NGỮ ÂM ĐỊA PHƯƠNG NAM BỘ - Nguyễn Thị Lâm - Tạp Chí Hán Nôm số 2/1993


TB

Có một hiện tượng mà những người làm công tác nghiên cứu các văn bản Nôm địa phương không thể không xét đến. Đó là sự phản ánh ngữ âm của từng vùng vào chữ viết, tuy nhiên mỗi vùng lại có những sắc thái riêng. Điều này được quy định bởi nhiều nguyên nhân như điều kiện lịch sử, địa lý, sự giao lưu văn hóa… kết quả là tạo nên một số nét khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân. Gần đây, trong khi tiếp xúc với một số tác phẩm Nôm xuất xứ ở Nam Bộ(1) chúng tôi thấy có những đặc điểm cần lưu ý như sau:
1. Về âm đầu:
Âm đầu hay thanh mẫu là một thành tố kết hợp với âm đệm, vần và thanh điệu để tạo thành từ, đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Nếu so sánh với hệ thống phụ âm đầu ở Bắc Bộ và Trung Bộ thì Nam Bộ không có âm /v/ mà âm /v/ được thay thế bằng /z/, (chính tả ghi các phụ âm này là d và gi). Chúng ta cũng có thể thấy rõ điều này qua chữ Nôm, chẳng hạn dùng chữ “dã” 也 ghi “vả”, dùng “giới” 界 ghi “vái”:
“Vả” chăng đường còn xa, sao ông không đi mà ông ngồi xuống đó a ông Địa ?”

Vái phật trời chứng Địa người ngay” v.v…
(Địa Nàng(2), tr.6b và tr.10b)
Như vậy ở đây không còn sự phân biệt giữa ba phụ âm v, gi, d. Ngay cả ở những tác giả lớn như Nguyễn Đình Chiểu cũng có hiện tượng như vậy, chẳng hạn dùng chữ “dòng” 匇(Nôm, yếu tố Hán Việt biểu âm: dụng) để ghi âm “vòng”:

“Bĩ bàn trà rượu vừa xong,
Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ”
(Lục Vân Tiên, tr.13a).
Những chữ Nôm thuộc loại này có khoảng 2%. Ngoài ra, việc dùng chữ “giả” 者 ghi “trả”, dùng “dầu” 油 ghi “giàu” lại thể hiện dấu vết của cách phát âm không phân biệt tr và gi hoặc giữa gi với d:

“Dốc lòng trả nợ áo cơm,
Sống mà trọn nghĩa thác thơm danh hiền”.
“Mệnh Kim lại ở cung Càn,
Tuổi này là tuổi giàu sang trên đời”
(Lục Vân Tiên, tr.20a và 23a).
Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cũng đã viết:
“Phương ngữ nam Trung Bộ - Nam Bộ phản ánh sự tranh chấp giữa hai biến thể tr và gi”(3). Tình hình này có phần như ở Bắc Bộ, chẳng hạn có thể dùng song song cả hai cách phát âm: trầu - giầu, trăng - giăng, trời - giời… Hai phụ âm d và gi cũng hầu như nhập làm một /z/ cho nên trong chính tả có người viết “déo dắt” có người lại viết “giéo giắt”… Theo điều tra ngôn ngữ học thì hiện nay chỉ có một vài địa phương lẻ tẻ phía bắc Bình Trị Thiên là còn phát âm phân biệt d, gi mà thôi(4).
2. Về âm cuối.
Âm cuối kết hợp với yếu tố đứng trước nó là nguyên âm để tạo thành vần. Một đặc điểm nổi bật của ngữ âm địa phương Nam Bộ là hầu như toàn bộ những vần có phụ âm cuối [-n,-t] đều biến thành [-ng,-k]. Hiện tượng này khá phổ biến trong chữ Nôm:
-n thành -ng: chẳng hạn dùng chữ “thang” 湯 để ghi âm “than”, dùng “dạng” 樣 ghi “dạn”:
“Ghét đời U Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần”
(Lục Vân Tiên, tr.14a).
“Hổ bì mặt dày mày dạn, tiếc thay mình ngọc vóc ngà” v.v.
(Kim Thạch kỳ duyên, tr. 30b).
-t thành -k: chẳng hạn dùng “các” 各 ghi “cát”, dùng 得 “đắc” ghi “đắt”:
“Xuống sông có rắn mãng xà, doi cát trường sa đi về lục động”
(Địa Nàng, tr.6a).
“Kiệm rằng; nàng nói sai rồi,
Ai từng bán đắt, mà ngồi chợ trưa” v.v…
(Lục Vân Tiên, tr.40a).
Bởi những chữ như “than” và “thang” đều thành “thang”, “đắt” và “đắc” đều thành “đăk” nên tần số xuất hiện của loại này cũng tăng lên gấp đôi, với tỉ lệ khoảng 6%. ở đây đã có sự biến đổi của cặp phụ âm đầu lưỡi thành phụ âm gốc lưỡi. Cách phát âm này bao trùm một vùng rộng lớn từ phía Bắc Thừa Thiên - Huế vào đến tận Minh Hải. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có sự phát âm không phân biệt -n, -ng, -t, -k ở Nam Bộ là do ảnh hưởng của tiếng Triều Châu. Người Triều Châu chiếm một số lượng đáng kể trong số người Hoa di cư sang miền Nam nước ta và trong tiếng nói của họ cũng chỉ có hai cặp phụ âm cuối [-m, -p] và [-ng, -k] (5). Lý do này cũng có cơ sở bởi vì: “Chúng ta không thể phủ nhận những mối quan hệ họ hàng và ảnh hưởng qua lại, sự vay mượn lẫn nhau giữa tiếng nói của các dân tộc định cư và sống trong một vùng, trên một lục địa”(6). Trong thực tế, tiếng địa phương Nam Bộ ngoài việc giao lưu với tiếng Khơ me, tiếng Chàm là những ngôn ngữ bản địa, còn có sự tiếp xúc với tiếng Hán của những người Hoa di cư sang, nên không thể không có những mặt ảnh hưởng nhất định.
3. Về thanh điệu.
Trong tiếng Việt, thanh điệu là một đặc điểm chủ yếu giúp cho việc phân biệt tiếng nói giữa người vùng nọ với người vùng kia. Song mỗi vùng lại có một hệ thống thanh điệu riêng: Bắc Bộ nhìn chung có sáu thanh (không, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Trung Bộ phát âm không phân biệt thanh ngã với thanh nặng. Còn Thanh Hóa và các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào Nam phát âm không phân biệt thanh hỏi với thanh ngã. Người đọc cũng dễ nhận ra điều này khi tiếp xúc với các tác phẩm Nôm Nam Bộ, như dùng chữ 解 “giải” ghi “dãi”, dùng 保 “bảo” ghi “bão”
“Quản bao thân trẻ dãi dầu,
Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên”
(Lục Vân Tiên, tr.3b)
Bão tháng chín tháng mười, chớ bão đâu tháng hai tháng ba mà bão” v.v…
(Địa Nàng, tr.1a).
Loại này có khoảng 1,5%.
Khi gặp những chữ Nôm thuộc các trường hợp trên đây, nếu người đọc không chú ý đến xuất xứ của tác phẩm, thì cũng dễ cho là tác giả viết cẩu thả hoặc khắc in sai. Những chữ như “đắt” được ghi bằng “đắc”, “với” được ghi bằng “giới” hoặc “vả” được ghi bằng “dã”… thực khó có thể tìm thấy ở trong bất kỳ một cuốn tự điển, từ điển chữ Nôm nào. Nhưng đích thực đó là sự phản ánh của ngữ âm địa phương vào chữ viết. Hiện trạng này lại có thể nảy sinh ra nhiều cách viết khác nhau. Thậm chí có những chữ người vùng này sáng tạo ra thì người vùng kia không hiểu được. Nhưng xét từ các đặc điểm của ngữ âm địa phương thì không thể cho đó là những chữ viết sai. Bởi vậy, chúng ta cần có những tri thức nhất định về phương ngữ học thì mới có thể đọc và lý giải được những ví dụ tương tự như chúng tôi vừa nêu.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bất kỳ một đặc điểm nào của ngữ âm địa phương cũng ghi nhận ở trong chữ Nôm. Chúng ta biết rằng cặp phụ âm cuối [-nh, -ch] thường đứng sau các nguyên âm ngắn (i, ê). Nhưng trong cách phát âm của người Nam Bộ không có hai phụ âm cuối đó, chúng chuyển thành [-n, -t], nghĩa là ở đây có sự biến đổi của cặp phụ âm mặt lưỡi thành phụ âm đầu lưỡi. Song dù có phát âm “anh, ách” thành “ăn, ắt”, “khanh, khách” thành “khăn, khắt” thì chữ Nôm vẫn cứ ghi là 英 厄 , 卿 客 phải chăng đây là một thứ chữ đã được sử dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước. Và các nhà thơ, nhà văn của ta ngay từ thời trước cũng đã có ý thức viết thế nào cho toàn dân dễ hiểu. Dù họ là người trong Nam hay ngoài Bắc, cái ngôn ngữ mà họ sử dụng trên đại thể vẫn là dựa trên nền tảng của ngôn ngữ toàn dân. Nguyễn Du là người Nghệ Tĩnh, vậy mà trong Truyện Kiều bất hủ của ông người ta chỉ đếm được có bảy từ địa phương mà thôi(7).
Trên đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Muốn hiểu biết một cách đầy đủ, chúng ta cần cố gắng đi sâu vào nhiều tác giả, tác phẩm hơn nữa. Tuy nhiên, sự phản ánh của ngữ âm địa phương vào trong chữ Nôm vẫn là một vấn đề mang tính chất khách quan. Những cách phát âm đó không phải đã đi vào quá khứ mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu biết nhìn nhận một cách đúng mức vấn đề này thì nhất định chúng ta sẽ tiến hành công tác phiên âm, chú thích văn bản một cách có hiệu quả hơn.
CHÚ THÍCH
1. Ví dụ: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu (Nguyễn Đình Chiểu); Kim Thạch kỳ duyên (Bùi Hữu Nghĩa), Địa Nàng (khuyết danh), Phan Lương Khê lịch sử tập (có Nôm, Diệp Bá Ngự sao chép) v.v.
2. Xem Huỳnh Ngọc Trảng: Địa Nàng (Nxb. Tp. HCM. 1992). Đây là một tiết mục diễn xướng dân gian Nam Bộ có kết hợp với nghệ thuật tuồng. Những dẫn chứng trong tác phẩm này chúng tôi ghi theo bản phiên âm của Cao Tự Thanh (Sđd).
3. Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước Nxb. KHXH, 1989, tr.71.
4. Nguyễn Tri Niên - Nguyễn Phan Cảnh: Sơ lược về tình hình phát âm phân biệt d và gi hiện nay - Nghiên cứu Văn học 8-1961.
5. Hoàng Thị Châu, Sđd, tr.227.
6. Nguyễn Khánh Toàn: Về lịch sử tiếng Việt - Ngôn ngữ số 4 - 1978.
7. Hoàng Dũng - Nguyễn Tiến Mậu - Đinh Văn Thiện: Một số ý kiến về vấn đề sắc thái ngôn ngữ địa phương và văn bản Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngôn ngữ số 4-1982./.

No comments:

Post a Comment