Tuesday 30 August 2011

Gạo chiêm là gạo gì?




Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:355) định nghĩa chiêm là (lúa hay hoa màu) cấy trồng vào tháng 10 tháng 11, gặt hái vào tháng 5 tháng 6. Các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:292), Hoàng Phê (2006:156) về cơ bản cũng định nghĩa như vậy. Tiếng Anh dịch là fifth-month rice hoặc summer rice. Chỉ có Lê Văn Đức (1970a:300) nhắc việc gạo chiêm, lúc chiêm, ruộng chiêm là do giống của Chiêm Thành. Từ chiêm viết thường khiến người ta khó liên hệ gạo chiêm với nước Chiêm:
Mẹ đần lại đẻ con đần,
Gạo chiêm đem giã mấy lần vẫn chiêm.
Nhiều người học xong phổ thông cũng không biết nước Chiêm là nước nào, thành thử vẫn ăn gạo chiêm mà không biết nó từ đâu đến.

Sunday 28 August 2011

Xi lanh có phải là ống tiêm (ống chích) hay không?

Từ điển chỉ có xi lanh (gốc Pháp là cylindre) rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí với nghĩa là một chi tiết máy hình ống (Thanh Nghị, 1967:1515, Nguyễn Như Ý, 1999:1860, Nguyễn Kim Thản, 2005:1848, Hoàng Phê, 2006:1149): xi lanh liền khối (tiếng Pháp là cylindre monobloc) ,  xi lanh phanh (hay xi lanh thắng, tiếng Pháp là cylindre de frein), mét xi lanh (tiếng Pháp là maître-cylindre)...
Khoảng chục năm gần đây xi lanh được nhiều người, trong số đó có các nhà văn, dùng với nghĩa là ống tiêm (ống chích):
* Mẹ lấy xi lanh đã khử trùng sẵn, chẳng cần đèn đóm, mẹ bảo con giơ đùi ra ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn đường hắt vào. (Lữ Huy Nguyên & Chu Giang, 1998e:92, Y Ban)
* Hành trang của Minh là chiếc ba lô bạc màu của Giang gửi lại, trong đó ngoài mấy bộ quần áo, một bộ sách để ôn thi đại học còn có một hộp thuốc chống say xe, một chiếc xi lanh với một lọ bông cồn. (Chu Thị Phương Lan, 2006:133)
* Anh dốc nó vào xi-lanh với một ít nước đã vô trùng. (Trần Thanh Hà, 2007:111)
Ống tiêm có một từ gốc Pháp đồng nghĩa là xơ ranh (seringue). Từ này bị xung đột đồng nghĩa với ống tiêm ở phía Bắc và ống chích ở phía Nam, không đủ sức cạnh tranh và trên thực tế đã bị loại khỏi các văn bản chính thức.
Phần đông người Việt ngày nay không biết tiếng Pháp, do đó không thể nhìn ra sự liên hệ giữa xơ ranh của tiếng Việt với seringue của tiếng Pháp. Trong khi đó ranhlanh rất dễ phát âm lẫn lộn vì /r/ và /l/ đều là các âm lỏng (như người ta vẫn gọi đinh tán – tiếng Pháp là rivet - là đinh ri vê hay đinh lê huê đều được). . Cái ống tiêm lại trông rất giống một cái xi lanh, gồm một ống hình trụ và một pít tông bên trong. Bởi vậy gọi ống tiêm là xi lanh có vẻ rất hợp lý.

Saturday 27 August 2011

Lên cốt là làm gì?

Cốt (tiếng Pháp là cote) là chỉ số kích thước của xi lanh.
Xe chạy một thời gian thì ma sát giữa bạc xéc măng, pít tông với xi lanh làm cho các bộ phận này bị mài mòn, tạo ra khoảng hở. Hậu quả là sức nén của động cơ bị yếu, nhớt trào lên buồng đốt nên phải thay bạc xéc măng. Có khi phải thay cả xi lanh, bạc, pít tông, rất tốn kém.
Để cho đỡ tốn kém, khi xi lanh bị hở, người ta đưa ra tiệm cho thợ doa xoáy nòng (gọi là lên cốt, tiếng Pháp là majorer les cotes) và thay bạc, pít tông mà không cần thay xi lanh mới.  Chưa lên cốt lần nào là cốt tăng đa (tiếng Pháp là cote standard) . Xoáy xi lanh lần đầu là cốt 1. Lên đến cốt 4 là hết cốt, phải thay xi lanh mới.

Friday 26 August 2011

Hoa cốt mốt là hoa gì?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:462) giải thích cốt mốt là cúc chuồn chuồnTừ điển của Hoàng Đình Cầu (1976:182), Lê Khả Kế (1978:56) chỉ có cúc chuồn chuồn.
Cốt mốt hay cúc chuồn chuồn, hoa bướm, cúc ngũ sắc, sao nhái, sao nháy, soi nhái cũng đều là một. Từ cốt mốt có tính quốc tế: tiếng Anh và tiếng Pháp là cosmos, tiếng Nga là космос. Tên khoa học bằng tiếng La Tinh là Cosmos sulphureus. Gốc của tất cả các từ này là κόσμος của tiếng Hy Lạp; từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là trang hoàng. Quy nguyên cốt mốt về tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, tiếng Nga đều hợp lý.
Cây cốt mốt xuất phát từ Mê-hi-cô, là một loại thân thảo mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm. Nhìn từ xa vườn hoa cốt mốt trông giống như một bầu trời sao lấp lánh. Đây có thể là nguồn gốc của tên gọi sao nháy.
Tên gọi tương đương bên tiếng Pháp là cosmos sulfureux étincelant (étincelant nghĩa là sáng chói). Cốt mốt thuộc bộ cúc (tiếng La Tinh là asterales, tiếng Pháp là ordre des astérales; gốc La Tinh astrum nghĩa là ngôi sao).
Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng các tên gọi sao nháisoi nhái rất có thể là do sao nháy biến thành.

Thursday 25 August 2011

Tại sao xập xí xập ngầu có nghĩa là nhập nhằng, gian lận?

Theo An Chi, xập xí là âm Triều Châu của   (tiếng Trung Quốc); cụm từ này có âm Hán Việt là thập tứ, nghĩa là 14, còn xập ngầu  (âm Hán Việt là thập ngũ) nghĩa là 15Mười bốn cũng như mười lăm, chính là chơi trò gian lận, nhập nhằng. Tuy nhiên nhiều tác giả (Hoàng Văn Hành, chủ biên (Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994); Nguyễn Lân (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1989 & Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2000); Nguyễn Như ý, chủ biên (Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1999) cho rằng xập xí xập ngầu là âm Quảng Đông.

Wednesday 24 August 2011

Tại sao độ cao (so với mặt chuẩn) được gọi là cốt?

Trên mặt đường, đường xá (sic) có thể nhấp nhô nhưng nền của cái thành phố ngầm này buộc phải đặt theo “cốt” chuẩn, để nước thải khi vơi, khi đầy đều chảy theo hướng xác định chứa đầy các hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu… rồi đổ ra sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch… (Lê Văn Ba, 2009:60)
Cốt là từ gốc Pháp (cote). Các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:388) và Hoàng Phê (2006:213) ghi chú là từ cũ và cho từ tương đương là cao trình.
Thật ra thì từ cốt này nằm trong số những từ ngoại lai bị các nhà từ điển học tìm cách thanh toán không thương xót để giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Nhưng rốt cục nó vẫn không chết. Dân trong nghề xây dựng  tiếp tục dùng nó suốt mấy chục năm qua. Rồi do gần đây nhà cửa đất cát trở thành chuyện thời sự, từ cốt dần dần phủ kín các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ít người biết nó từ đâu chui ra.

Tuesday 23 August 2011

Quần côn là quần gì?

Quần [ống] côn là kiểu quần thắt ống từ mông xuống mắt cá chân. Quần côn được nhiều phụ nữ ưa thích vì nó dễ tạo ấn tượng chân dài miên man.
Quần côn được dịch từ cone pants tiếng Anh. Tiếng Pháp có pantalon cône, nhưng không chắc là người Việt có tham khảo tiếng Pháp khi tạo ra từ quần côn.
Côn là từ gốc Pháp (cône), nghĩa là hình nón. Từ này vào tiếng Việt đã lâu, rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí: côn di động (cône mobile), côn định tâm (cône de centrage), côn giảm tốc (cône de réduction), côn kép (cône double), côn lăn (cône de roulement), côn ngoài (cône extérieur), côn siết (cône de serrage), côn thẳng (cône droit), côn trong (cône intérieur), côn vòng (cône circulaire), bạc côn (douille conique),  dao doa côn (alésoir conique), dây côn (cône d’embrayage),  ren côn (filet conique), vòng côn (bague conique)...

Monday 22 August 2011

Súng dóp là súng gì?

Bộ đội đã đến kia!
A lúi! Những người là người
Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp

(Bộ đội Ông Cụ - Nông Quốc Chấn)
Súng dóp / súng gióp / súng giáp là tên gọi một số kiểu súng mút-cơ-tông (tiếng Pháp là mousqueton) do Pháp sản xuất. Dóp ba là súng mút-cơ-tông Berthier Mle 1892 8x50mm, xài ổ đạn ba viên. Dóp năm là mút-cơ-tông Berthier Mle 1892 M16 8x50mm, xài ổ đạn năm viên; kiểu súng này được tướng Joffre ra lệnh chế tạo để trang bị cho quân đội Pháp (năm 1916). Người Việt sang Tây tòng chinh trong đệ nhất thế chiến gọi viên tướng này là ông Dóp. Kiểu súng mới vì vậy được gọi là súng dóp. Súng này về sau được trang bị cho quân đội Pháp ở Đông Dương và được người Việt tiếp tục sử dụng một thời gian dài trong kháng chiến chống Pháp. 

Sunday 21 August 2011

Pa-nen là từ mượn âm của ngôn ngữ nào ?

Pa nen (tấm bê tông dùng để lắp ghép sàn hay mái nhà) là một từ được các kỹ sư xây dựng miền Bắc mượn từ tiếng Nga (панель) trước năm 1975. Từ pa nen này được dùng để chỉ các loại vật liệu dạng tấm như pa nen [năng lượng] mặt trời.  Tấm pa nen có khi bị gọi trại thành tấm nên.
Pa nen trong pa nen điều khiển hệ điều hành Windows có lẽ là từ mượn tiếng Anh (control panel) đọc theo kiểu Việt nếu như không phải là kỹ sư tin học nào đó đã chủ ý dùng từ pa nen của tiếng Việt chuyên ngành xây dựng để dịch thuật ngữ control panel. Nhưng ai là người đầu tiên dịch như vậy và thật sự thì điều gì đã xảy ra trong óc người ấy ?


Pa nen trong pa nen hồng cầu chắc chắn là đã được các thầy thuốc Việt Nam dịch từ panel de globules rouges của tiếng Pháp. Bản thân từ panel trong tiếng Pháp vẫn đang bị coi là một từ ngoại lai gốc Anh (anglicisme), tức là một từ tiếng Anh đọc theo kiểu Pháp. Kiểu đọc này cũng tương tự như cách các kỹ sư tin học Việt Nam đọc từ panel trong thuật ngữ pa nen điều khiển.

Saturday 20 August 2011

Tại sao nước tương được gọi là xì dầu?

Xì dầu là một loại nước chấm của người Trung Quốc được làm từ đậu nành (đỗ tương) rang chín, lên men. Xì dầu là âm Quảng Đông của  豉油 . Âm Hán Việt là thị du: du nghĩa là dầu, thị đậu thị, thường gọi là đậu xị (hàm đậu xị hay hàm thị là đậu xị muối; đạm đậu xị hay đạm thị là đậu xị nhạt).
Xì dầu trước đây không được xem là tiếng Việt mặc dù đã xuất hiện trên sách báo tiếng Việt từ rất sớm:
Những yếu-hạng về sự tăng thuế như sau này:
1.      Thuế sở-đắc,
2.      Thuế rượu,
3.      Thuế nước chấm (xì-dầu),
4.      Thuế tiêu-phí về đồ dệt,
5.      ..... (Nam Phong Tạp Chí số 7, 1918:56-57) Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) và Gustave Hue (1937) không ghi từ xì dầu. Đến Thanh Nghị (1967:1516), Lê Văn Đức (1970b:1835) mới thấy có mục từ xì dầu.

Friday 19 August 2011

Mô-men là từ gốc Pháp hay gốc Nga?

Mô-men là một thuật ngữ dùng trong toán và vật lý. Trước đây thuật ngữ này được ghi là mo-men (Hoàng Xuân Hãn, 1959:116, Đào Đăng Vỹ, 1991:1290), rõ ràng là một từ gốc Pháp mặc dù âm của nó gần với tiếng Nga hơn (момент).

Thursday 18 August 2011

Pa-pi-ê-ma-sê có phải là từ gốc Pháp không?

Người biết tiếng Pháp tạo ra từ này từ tiếng Pháp (papier mâché):
Papier-mâché (em xin phiên âm kiểu bình dân học vụ là pa-pi-ê ma-shê) là một từ tiếng Tây chỉ môn nghệ thuật tạo hình từ giấy, bột giấy và hỗn hợp hồ dán, tinh bột. (http://www.dieudieu.info/2011/05/papier-mache-mo-hinh-giay.html)
Nhưng trước đây pa-pi-ê-ma-sê đã xuất hiện trong từ điển Nga Việt tập 2 của Alikanôp (1977)  ở mục từ папье-маше

Alikanôp là bút danh của Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội đã tỵ nạn ở Liên Xô từ những năm 60. Cách làm của Alikanôp cũng là cách làm của các nhà khoa học ở miền Bắc cùng thời khi chế tác thuật ngữ để diễn đạt khái niệm mới:

Nguyên tắc chung là cố gắng hạn chế vay mượn từ nước nước ngoài. Tuy nhiên tính quốc tế của thuật ngữ có thể được vận dụng nếu bản thân tiếng Nga mượn  âm thuật ngữ một tiếng châu Âu khác (thường là tiếng Pháp). Khi đó việc mượn âm cũng có thể được áp dụng trong tiếng Việt mà người đề xuất việc vay mượn không sợ bị tố là làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Kết quả là trong tiếng Việt chính thức xuất hiện hàng loạt từ ngữ và thuật ngữ có âm gần với gốc Pháp  mà nếu không nhờ gần âm với tiếng Nga sẽ vĩnh viễn bị cấm cửa.
Việt
Pháp
Nga
Nguồn
a-gi-ô
agio
ажио
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:15)
a pô ri
aporie
апория
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:22)
công xoóc xiom
consortium
консорциум
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:99)
nu men
noumène
ноумен
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:138)
xi ních
cynique
циник
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:242)
sa man
chaman
шаман
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:245)
ôtômat
automate
автомат
Nguyễn Đình Đằng (1979:13)
ôtônôm
autonome
автономный
Nguyễn Đình Đằng (1979:14)
alep
aleph
алеф
Nguyễn Đình Đằng (1979:16)
compac
compact
компактный
Nguyễn Đình Đằng (1979:68)
continum
continuum
континуум
Nguyễn Đình Đằng (1979:70)




Wednesday 17 August 2011

Ống buy là ống gì?

Ống buy (gốc tiếng Pháp là buse) là từ dùng trong ngành xây dựng ở miền Bắc từ trước năm 1975. Miền Nam gọi là ống cống.

Tuesday 16 August 2011

Tại sao người ta gọi món thịt heo nướng có ướp mắm muối (hoặc xì dầu) và húng lìu là xá xíu ?

 Xá xíu là món ăn của người Trung Quốc. Xá xíu là âm Quảng Đông của叉燒 . Âm Hán Việt của từ này là xoa thiêu ; nghĩa của nó là nướng xâu.

Sunday 14 August 2011

Tại sao khúc ngoặt trên đường đi được gọi là khúc cua?

Cua là từ mượn âm Pháp. Gốc của nó là courbe.
Xong anh vòng một cua trên bờ sông, lộn lại đường Võ Di Nguy cốt báo hiệu cho Chơn và cả cho anh Bảy nữa  (Mai Ngữ, 2005:256)
Từ quẹo chỉ phổ biến ở miền Nam. Từ rẽ chỉ phổ biến ở miền Bắc. Dùng từ cua trên văn bản kỹ thuật là phù hợp nhất: hệ thống điều khiển cua an toàn (système de contrôle des courbes), khúc cua chữ S (courbe en S)...

Saturday 13 August 2011

Tại sao bộ phận áo ngực che bầu ngực được gọi là cái cúp?

Từ gốc ở tiếng Anh là cup, đọc theo kiểu Việt Nam là cúp. Tiếng Việt có một từ tương đương là quả áo ngực, nhưng chỉ người Bắc dùng từ này thôi. Ở Sài Gòn mà ra chợ hỏi quả áo ngực thì không ai biết là cái gì.

Friday 12 August 2011

Do đâu có địa danh Ô Quắn?

Mũi Nghinh Phong (Vũng Tàu) thời Pháp được gọi là Pointe au Vent. Người Việt đọc trại hai từ au vent thành Ô Quắn, sau đó lại dịch Pointe au Vent thành Mũi Nghinh Phong.

Thursday 11 August 2011

Chít ben là làm gì?


Chít ben (và cả chích ben) vốn từ chiết ben mà ra. Chiết trong nghề may có nghĩa là thu hẹp lại (như chiết ống tay áo chẳng hạn). Từ ben không được ghi nhận trong từ điển nào cả. Gốc của nó pince tiếng Pháp, có nghĩa là đường chiết.

Wednesday 10 August 2011

Chạy cờ tút là làm gì?


Tút là từ mượn âm touche của tiếng Pháp. Cờ tút là cờ của trọng tài biên (tiếng Pháp là juge de touche) trong bóng đá. Công việc của trọng tài này là chạy dọc đường biên (tiếng Pháp là ligne de touche) phất cờ bắt lỗi việt vị hoặc báo hiệu bóng ra ngoài biên.

Tuesday 9 August 2011

Tại sao áo nịt ngực phụ nữ được gọi là xu chiêng?

Xu chiêng là phiên âm của từ soutien-gorge tiếng Pháp. Từ này vào tiếng Việt có các biến thể khác như xu chiên, xu cheng, xú cheng, xú chiêng....
Thanh Nghị (1967) không ghi nhận dạng nào cả mặc dù thời đó xu chiêng đã phổ biến lắm rồi. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999), Hoàng Phê (2006) chỉ ghi nhận dạng xu chiêng. Nói chung, từ này nghe không được tao nhã bằng áo (nịt) ngực mặc dù không phải loại áo nịt ngực nào cũng là xu chiêng.
Cũng chính vì cái tên gọi mơ hồ này mà xu chiêng còn được gọi là cọc xê (hay coọc xê / coóc xê) trong khi đúng ra cọc xê (tiếng Pháp là corset) là loại trang phục lót nịt cả bụng và ngực:
* Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như các bạn gái ta đời nay mặc coóc-xê vậy) cô rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. (Nguyễn Vỹ, 2006:18)
* Mùa hè, ở bên đó, thiếu nữ toàn mặc váy ngắn, áo hở cổ, lại không có coóc xê. (Bùi Việt Sỹ, 2009:287)
Xu hướng bây giờ gọi xu chiêngáo bra, nghe “sang trọng” hơn.  Các tiệm thời trang chỉ quảng cáo áo bra thôi, không ai rao bán xu chiêng cả.

Monday 8 August 2011

Nên viết là xốt cà chua hay sốt cà chua?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999) chấp nhận cả sa bôxa bô (gốc Pháp là sabot), sa lôngxa lông (gốc Pháp là salon), sa tanhxa tanh (gốc Pháp là satin) nhưng chỉ công nhận xốt (gốc Pháp là sauce).
Trên thực tế cách viết sốt cà chua lại phổ biến hơn.
Đối với người Bắc, viết xốt hay sốt đều phát âm như nhau và khá gần với phát âm gốc tiếng Pháp. Nhưng không có luật nào bắt buộc từ vay mượn phải phát âm giống hệt từ gốc cho nên nếu có ai viết là sốt và phát âm theo kiểu Nam Bộ thì đó cũng không phải là một cái tội đáng để lên án. Cách giải quyết tốt nhất có lẽ là chấp nhận cả xốtsốt.

Sunday 7 August 2011

Xíu mại là món gì?

Xíu mại là âm Quảng Đông của từ Trung Quốc 燒賣.
Từ này có âm Hán Việt là thiêu mại, có nghĩa là nấu để bán. Xíu mại là một món tỉm xắm của người Trung Quốc. Món này trên các thực đơn tiếng Anh được ghi là pork dumplings, tức là há cảo thịt heo.
Món xíu mại của người Việt thực chất là thịt heo viên, trên các thực đơn tiếng Anh được ghi là Vietnamese meatballs, ăn với cơm hoặc kẹp bánh mì. Xíu mại xốt cà chua của người Việt gần giống với món thịt viên Ý.

Saturday 6 August 2011

Xí quách là xương gì?

Xí quách là âm Quảng Đông của豬骨. Từ này có âm Hán Việt là trư cốt, có nghĩa là xương heo. Nhưng bây giờ xương gì đem hầm ra nước lèo cũng được gọi là xí quách tuốt.

Bánh lăng là có phải là kem ca-ra-men?

Bánh lăng chính là kem ca ra men. Kem ca-ra-men (thông dụng hơn ở phía Bắc) là phiên âm của từ crème caramel tiếng Pháp. Bánh lăngbánh phơ lăng thông dụng hơn ở phía Nam; lăngphơ lăng là phiên âm của flan tiếng Pháp.

Thursday 4 August 2011

Đậu lăng là đậu gì?

Đậu lăng còn có tên là đậu lăng ti. Từ lăng ti là phiên âm của lentille tiếng Pháp.

Wednesday 3 August 2011

Tại sao lính cứu hỏa gọi vòi phun nước là cái lăng?

Nghề chữa cháy do người Pháp đưa vào Việt Nam. Từ lăng này bắt nguồn từ tiếng Pháp lance d’incendie, có nghĩa vòi phun chữa cháyCái lăng còn có tên gọi nữa là vòi rồng.

Tuesday 2 August 2011

Đậu cô ve và đậu que có phải là một?

Cô ve là phiên âm của haricot vert tiếng Pháp. Đậu cô ve còn được gọi là đậu ve. Người miền Nam đọc trại thành đậu que (chuyển tính môi của phụ âm /v/ vào bán nguyên âm /w/)

Đậu bi, đậu bo, đậu tí bo, đậu boa và đậu bi bo là mấy thứ đậu?

Đậu boa, còn gọi là đậu Hòa Lan, là một loại đậu hạt tròn có tên khoa học là  Pisum sativum L. được người Pháp đem vào Việt Nam. Từ boa là phiên âm của từ pois bên tiếng Pháp. Có khi đậu boa được gọi là đậu bo, cũng như tiền boa hay tiền bo đều là một thứ.
Trong số các giống đậu Hòa Lan có giống bơ-ti-boa (cũng viết là pơ-ti-poa), phiên âm của từ petit-pois tiếng Pháp. Nhưng dạng rút gọn thông dụng hơn là tí bo.
Đậu bi là từ mới xuất hiện do ảnh hưởng của tiếng Anh (pea). Để cho rõ nghĩa của bi người ta cho nó kèm với một từ đã có sẵn trong tiếng Việt là bo. Vì vậy mà có tên gọi đậu bi bo.

Monday 1 August 2011

Xà lách xoong không phải là xà lách?

Toàn bộ cụm xà lách xoong, cũng viết xà lách xon, là phiên âm của từ cresson tiếng Pháp. Từ tiếng Pháp này vào tiếng Việt còn sinh ra các biến thể khác như cách xonkét xông, nhưng thông dụng hơn cả là (cải) xoong hay (cải) xon. Đây là một một loại rau mọc trôi nổi trên mặt nước và có tên khoa học là Nasturtium officinale.