Showing posts with label cú pháp. Show all posts
Showing posts with label cú pháp. Show all posts

Wednesday 15 December 2021

Tây viết hay Việt viết?

 


Báo chí bây giờ thượng vàng hạ cám. Đây là cám:

Người đàn ông đã bị kéo khỏi xe bởi những người đi đường và đưa đến bệnh viện với vết thương nhẹ ở chân và đầu, Seven News đưa tin.
(Adelaide Tuần Báo số 972 ra ngày 25 tháng 3 năm 2021, trang 14)

Còn đây mới là vàng:
Người đàn ông được những người đi đường kéo ra khỏi xe. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện với vết thương nhẹ ở đầu và chân (Seven News).

 

Muốn viết báo phải học cách viết câu trước đã.

 



 

Sunday 14 March 2021

Phụ huynh của ai?

 


Một đặc điểm quan trọng của ngữ pháp tiếng Việt là định ngữ là nó gắn rất chặt với danh ngữ đi trước (xe của tôi, nhà của nó, ngữ pháp của tiếng Việt... và phụ huynh của các em học sinh). Khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt không nên bám sát trật tự của câu văn tiếng Anh (a letter to all parents / caregivers of children in South Australian schools and preschools from Minister for Education, Hon John Gardner MP => thư gửi phụ huynh của bộ trưởng giáo dục). Cách khắc phục rất đơn giản, đảo trật tự một chút là xong: thư của bộ trưởng giáo dục gửi phụ huynh).



Saturday 19 August 2017

Biển Đông của ai?

Viết thế này thì người đọc sẽ không rõ biển Đông của ai (Việt Nam, người dám nói mạnh hay Trung Quốc):

Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là không ai dám nói mạnh về việc xâm chiếm biển Đông của họ.
("Nước cờ nào cho VN?", Adelaide Tuần Báo số 792, 17.6.2017, tr.4)

Sửa lỗi này rất dễ: 
Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là không ai dám nói mạnh về việc TQ xâm chiếm biển Đông.

Viết việc họ xâm chiếm biển Đông thì tránh được chuyện thắc mắc biển Đông của ai, nhưng người đọc lại không rõ ai là người đi xâm chiếm (người dám nói mạnh hay Trung Quốc), thành thử phải chấp nhận lặp từ TQ.

Muốn tránh lặp từ TQ, có thể viết:  
Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là  việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 

Muốn hay hơn nữa, nên viết:  
Trước mắt, các đề nghị của VN đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 

Từ của này không gây hiểu lầm như từ của trong bản gốc, lại giúp loại bớt một từ ra.

Muốn tránh cả của lẫn ra:
Trước mắt, những gì VN đề nghị đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 
 

 

Friday 11 May 2012

Được và bị cứ phải là dấu hiệu của thái bị động sao?


Năm 1992 ông Cao Xuân Hạo dạy ngữ pháp chức năng cho khóa 1 cao học ngôn ngữ học so sánh (Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh). Lần đầu tiên tôi được nghe giảng rằng tiếng Việt không có cái gọi là (dạng) bị động (thuật ngữ hiện nay là thái bị động, tiếng Pháp là voix passive). Thời ấy ảnh hưởng của các quan điểm “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) còn rất mạnh.. Cứ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga có món gì là các nhà ngữ pháp nước ta tìm được ra ngay món ấy trong tiếng Việt. Tiếng Tây có động từ bị động, câu bị động... tiếng Việt chẳng lẽ chịu kém? Nhưng ông Hạo lại lội ngược dòng:

-Ý nghĩa từ vựng của đượcbị rõ ràng lắm. Ông (quên mất tên, hình như là Emeneau hay Thompson gì đấy), ông ấy dịch đượcenjoy, bịsuffer. Có gì giống với câu bị động của tiếng Pháp, tiếng Anh đâu?

Ý kiến này về sau được một người học trò của ông là chị Nguyễn Thị Ảnh phát triển thành bài “Tiếng Việt có thái bị động không?” đăng ở tạp chí Ngôn Ngữ năm 2000. Nhưng đó là chuyện mãi chục năm về sau.  Rồi hơn chục năm sau nữa đây đó vẫn còn người cho rằng tiếng Việt phải có thái bị động cho bằng chị, bằng em. Cứ như là ngữ pháp tiếng Việt hai mươi năm qua không tiến được bước nào. Xem ra cái não trạng đòi vát gọt bàn chân Việt cho vừa chiếc giày Tây vẫn sống rất khỏe. Tự nhiên nhớ đến thầy Hạo khi ông nhận xét quyển Le parler vietnamien của Lê Văn Lý:
-Sai được như thế là khó lắm!

Trừ khi người ta cố tình sai.

Wednesday 9 May 2012

Tiếng Việt bây giờ sao lắm sự thế?


Năm 1981 tôi học dịch Việt Pháp với bà Nguyễn Thị Phương Dung. Bà cho dịch câu gì quên rồi, nhưng tôi nhớ có một cụm từ là trên bầu trời mênh mông (hay mênh mang, bao la gì đấy). Tôi dịch là dans l’immense firmament, được bà khen vì không dùng từ ciel quá tầm thường mà dùng một từ firmament nên thơ hơn nhiều. Nhưng bà vẫn sửa:
-Nên dịch là dans l’immensité du firmament.
Bà giáo lấy cái sự mênh mông (immensité) làm thành phần trung tâm, bầu trời (firmament) trở thành yếu tố phụ nghĩa. Tây nói sự mênh mông của bầu trời thì hay nhưng Việt thì phải nói bầu trời mênh mông mới đúng với kiểu tư duy của người Việt. Viết tiếng Pháp mà quá ít danh ngữ kiểu immensité du firmament, quá nhiều immense firmament là biết ngay Việt viết tiếng Tây chưa thạo. Tương tự, không viết bầu trời mênh mông lại viết sự mênh mông của bầu trời thì có thể biết ngay đó là Tây viết tiếng ta.
Nhiều người dịch hiện nay cứ đụng tới danh từ của tiếng Tây là nhất loạt chuyển thành sự: sự im lặng của bầy cừu, sự thiếu quan tâm của lãnh đạo, đừng chết vì sự thiếu hiểu biết... Có lẽ họ nghĩ rằng cần phải sự... sự... thật nhiều để thể hiện (sự) tư duy đặc thù của người Tây chăng?