Friday 23 August 2013

Về lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát (Nguyễn Đoàn - Lao Động)

Về lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát

Trận Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu. Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của chiến thắng này.
Đồng chí Hoàng Đăng Vinh được
Bác Hồ gắn huân chương và huy hiệu
sau chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Từ một bài báo...

Tôi đọc tạp chí "Lịch sử quân sự" số 5-2001 trang 19 có bài của đại tá Trần Quang Vĩ, viết: "14 giờ chiều ngày 7.5.1954, Đại đội 360 vượt hàng rào bùng nhùng, bất ngờ tiến công cứ điểm 507. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ súng giơ tay hàng. Không đầy 15 phút, cứ điểm 507 đã bị đánh chiếm. Ngay sau đó, đài quan sát trung đoàn báo cáo phát hiện có cờ trắng cả hai bên sông Nậm Rốm. Thời cơ đã đến, Ban chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm phải thừa thắng xông lên, lệnh cho Tiểu đoàn 130 và 154 vượt qua các cứ điểm 508, 509, cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy của Đờ Cát.

Nhận lệnh của trung đoàn, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy trung đội của Chu Bá Thệ vượt cầu Mường Thanh, mặc cho khẩu đại liên 12 ly 7 của địch đang khạc đạn, tiến thẳng vào hầm Đờ Cát. Lúc đầu có đồng chí Vinh và Nhỏ, sau đồng chí Luật tới thì cả năm người (Luật, Vinh, Nhỏ, Lam, Hiếu) xông vào hầm. Đồng chí Luật nói tiếng Pháp bắt tướng Đờ Cát đầu hàng cùng toàn bộ ban tham mưu của ông ta".

Như vậy không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát như trong phim, ảnh. Sự thực thì khi đó mỗi tiểu đoàn chỉ được phát một lá cờ đỏ sao vàng dưới có thêu chữ "Quyết chiến quyết thắng" và không phải chỉ có Đại đội 360 được giao nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy của địch nên đại đội cũng không có lá cờ nào để cắm trên nóc hầm Đờ Cát lúc đó. Ông Vinh cho biết chưa bao giờ, khi kể chuyện bắt sống Tướng Đờ Cát, lại nói đến việc đã cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy. Ông cũng đã báo cáo với Tổng cục Chính trị tháng 5.1984, nói với cán bộ Viện Lịch sử Quân sự VN khi về làm việc năm 1983 và trước Hội nghị các nhà báo họp tại Điện Biên tháng 3.1994 về vấn đề này. Ông nói: Sự việc diễn ra vào lúc 5 giờ chiều, ở miền núi đã hết bóng nắng nên cũng không ai cắm cờ để chụp ảnh. Việc chụp ảnh và quay phim là do nhà điện ảnh Karmen (Liên Xô) phối hợp với điện ảnh ta quay phim. Khi quay, kịch bản có cảnh cắm cờ để làm rõ chủ đề chiến thắng. Ba chiến sĩ được chọn ra để phất cờ và vác súng trên nóc hầm Đờ Cát như lâu nay ta thường thấy trong ảnh không phải là nhóm chiến sĩ của đồng chí Luật mà là các chiến sĩ của Đại đoàn 316 dựng lại giờ phút vinh quang của chiến thắng".

... đến việc cố gắng ghi dấu khoảnh khắc lịch sử
Từ bài báo trên, tôi rất băn khoăn về việc có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát hay không? Vì từ năm 1954 đến nay, trong ảnh, tranh, cho đến cả con tem bưu chính và các văn hoá phẩm khác khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ đều lấy cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát của Karmen quay làm hình ảnh tiêu biểu. Riêng tem bưu chính phát hành 20 mẫu tem trong 6 đợt về Điện Biên Phủ, thì có đến 9 mẫu tem có vẽ hình ảnh cắm cờ. Để tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này, tôi đã đi tìm nhân chứng sống là Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng, Hoàng Đăng Vinh và đồng chí Nhỏ, Đào Văn Hiếu và đồng chí Lam ở Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 hồi ấy thì được biết nay đồng chí Nhỏ và đồng chí Luật đã mất, đồng chí Lam từ khi vào chiến trường miền Nam không rõ nay ở đâu, chỉ còn xác định được địa chỉ của đồng chí Đào Văn Hiếu ở Ngọc Hưng - Nga Sơn - Thanh Hoá, Hoàng Đăng Vinh nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Bắc Ninh. Tôi đến gặp ông Vinh và được ông Vinh kể lại toàn bộ diễn biến trận đánh và khẳng định: "Không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát vì thứ nhất tiểu đội chúng tôi không mang theo cờ, đại đội của tôi cũng không mang theo cờ, thứ hai là lúc đó đã chiều rồi, cả khu trung tâm đó không có một nhà nào, toàn giao thông hào, tù binh đã được áp giải ra hết và đơn vị chúng tôi cũng rút ra theo".

Như vậy, giờ phút cuối cùng của cuộc chiến này, bộ đội ta chỉ xông vào hầm sở chỉ huy của địch bắt sống Đờ Cát và toàn bộ đội ngũ sĩ quan của ông ra rồi áp giải đi, không có chuyện các chiến sĩ xông lên phất cờ trên nắp hầm Đờ Cát, mà đó là cảnh nhà quay phim Karmen dựng thêm khi quay phim.
Nguyễn Đoàn

5 comments:

  1. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hoi-uc-nguoi-quay-phim-chien-truong-dien-bien-phu-2131170.html
    https://www.youtube.com/watch?v=tS7B8IdQceI ---> phim chiến trường chứ không phải phim dựng nhé., xem phút thứ 53.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng thế bạn Hoàng Thái Hòa ạ .
      Đại đội của Tạ quốc Luật có ông Vinh được lệnh dẫn giải tức khắc Đờ Cát về trung đoàn nên các ông không hề biết rằng các đơn vị đến sau đó đã mang cờ QCQT múa và cắm trên nóc hầm để mừng chiến thắng .Người đầu tiên cắm cờ sau khi đại đội của ông Luật ông Vinh rút đi là Tạ Văn Thinh thuộc đại đoàn 308 .Còn có cả cờ của trung đoàn 209 nữa mà

      Delete
  2. Đúng thế bạn Hoàng Thái Hòa ạ .
    Đại đội của Tạ quốc Luật có ông Vinh được lệnh dẫn giải tức khắc Đờ Cát về trung đoàn nên các ông không hề biết rằng các đơn vị đến sau đó đã mang cờ QCQT múa và cắm trên nóc hầm để mừng chiến thắng .Người đầu tiên cắm cờ sau khi đại đội của ông Luật ông Vinh rút đi là Tạ Văn Thinh thuộc đại đoàn 308 .Còn có cả cờ của trung đoàn 209 nữa mà

    ReplyDelete
  3. Đúng thế bạn Hoàng Thái Hòa ạ .
    Đại đội của Tạ quốc Luật có ông Vinh được lệnh dẫn giải tức khắc Đờ Cát về trung đoàn nên các ông không hề biết rằng các đơn vị đến sau đó đã mang cờ QCQT múa và cắm trên nóc hầm để mừng chiến thắng .Người đầu tiên cắm cờ sau khi đại đội của ông Luật ông Vinh rút đi là Tạ Văn Thinh thuộc đại đoàn 308 .Còn có cả cờ của trung đoàn 209 nữa mà

    ReplyDelete
  4. Cảnh cắm cờ là cảnh dựng mang tính biểu tượng.

    ReplyDelete