Thứ Hai, 18/03/2013 - 9:05 AM | |||||||
Cùng với các nhà làm phim người Nga, bộ phim còn có các nhà làm phim Việt Nam phối hợp thực hiện: Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Tiến Lợi và nhà văn Nguyễn Đình Thi với vai trò cố vấn văn học. Cho đến nay, hầu hết những người tham gia vào bộ phim đều đã mất. Nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cho biết: Trong số những người cùng với các nghệ sĩ người Nga rong ruổi nhiều tháng trời ở nhiều miền đất nước, góp phần làm nên bộ phim lịch sử này, có NSND Nguyễn Khắc Lợi, khi đó là phụ quay của một nhóm. Chúng tôi đã tìm đến đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi, ông đã ở tuổi 82, nhưng người đạo diễn vốn đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho điện ảnh CAND, một nhân chứng quan trọng của bộ phim “Việt Nam” vẫn rất minh mẫn, khi cùng chúng tôi ngược dòng ký ức. Theo lời NSND Nguyễn Khắc Lợi, năm 1954, R. Karmen và đoàn làm phim Liên Xô đã đến Việt Nam, giúp Việt Nam ghi lại những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện một giai đoạn lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà làm phim người Nga. Họ chia làm 3 nhóm, trước khi hội tụ về Hà Nội quay cảnh đại quân ta tiếp quản Thủ đô: R. Karmen làm phim ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các lãnh tụ Việt Nam. Nhóm do ông Isurin phụ trách, chuyên về cuộc sống của nhân dân Việt Nam, đến Nghệ An, còn nhóm của Mukhin, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi, chuyên quay về quân sự, lên Điện Biên và nhiều tỉnh khác. Chặng đường từ Thái Nguyên lên Sơn La vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhóm chủ yếu đi ban đêm để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giao thông bị phá hủy, nên hầu như mọi người phải đi bộ.
Để có những thước phim quí giá này, không chỉ những người làm phim vất vả, gian truân, mà những người lính tham gia cũng phải chịu hy sinh. Cảnh bộ đội ta kéo pháo ở Điện Biên trong phim, được R. Karmen cho dàn dựng và quay tại Tuyên Quang. NSND Nguyễn Khắc Lợi nhớ lại: Để lột tả cảnh bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên vất vả, lại giữa làn bom đạn của kẻ thù, Mukhin bố trí bên cạnh đoàn quân một số người lính trú sau bụi cây làm nhiệm vụ ném thủ pháo. Khi bộ đội đã kéo pháo, phim đã quay, mà thủ pháo vẫn không nổ. Thì ra, khi đó chưa có kíp điện tử, phải dùng dây cháy chậm, nên lẽ ra phải đốt dây rồi mới ném, nhưng mấy anh lính chưa đốt đã vội ném. Sau 2 lần, Trung đội trưởng liền bảo mấy cậu lính ra để mình làm thay. Anh rút bật lửa, đốt dây cháy chậm, không ngờ, dây cháy chậm cắt quá ngắn, nên đã nổ ngay khi anh chưa kịp ném, khiến cả đống thủ pháo trước mặt cùng nổ tung. Người Trung đội trưởng đã hy sinh cho những thước phim quý giá… Tháng 10/1954, trước khi ta tiếp quản Thủ đô vài ngày, cả 3 nhóm làm phim “Việt Nam” đều kéo về Hà Nội. NSND Nguyễn Khắc Lợi tự hào: Về Hà Nội sớm, nên nhóm của Mukhin may mắn ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút khỏi Thủ đô ở cầu Long Biên, nơi có một đoàn quốc tế giám sát. Hình ảnh này hơn mọi lời bình về sự thảm bại của Pháp. Bộ phim “Việt Nam” có lẽ là duy nhất đã ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội năm 1954. Ở Nghệ An, để có cảnh quay một con hổ sống, các lãnh đạo địa phương rất bối rối. Nhưng Isurin nói rằng: Các anh cần tin vào nhân dân, họ sẽ làm được điều đó. Thế mà đúng. Những người dân báo tin có hổ về, rồi tổ chức vây chặt con hổ trên đồi, cắm nứa vót nhọn xung quanh, để con hổ phải nằm im chịu trận. Đợi 2 ngày sau, khi con hổ khát nước, người dân lại mở một lối nhỏ để con hổ xuống suối uống nước. Cảnh quay con hổ đắt giá trong phim đã được chính những người dân “dàn dựng” như thế. Tài tình của R. Karmen là đã đan xen giữa cảnh thật với cảnh dựng, nhưng đều dựa trên sự thật lịch sử: Cảnh bắt sống tướng Đờ-cát được dựng lại ở núi rừng Tuyên Quang, nhưng đi kèm đó là cảnh quân Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên phủ là phim tư liệu thật. Hình ảnh đầy ý nghĩa của đoàn tù binh Pháp được R. Karmen bố trí quay ở khu vực Trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang), nhưng cái thật chính là hàng dài tù binh với cận cảnh những gương mặt vô hồn vì khiếp đảm. Và đó là câu trả lời đanh thép mà R. Karmen đưa ra: Họ chiến đấu không có lý tưởng, vì chỉ là những người lính đánh thuê cho một cuộc chiến phi nghĩa.
|
Tuesday 27 August 2013
Kể chuyện làm phim “Việt Nam” của Roman Karmen (Thanh Hằng - Công An Nhân Dân)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment