Thursday 1 August 2013

Hồ sơ Gia Định báo (Trần Nhật Vy - Tuổi Trẻ)


TRẦN NHẬT VY
Kỳ 1Tờ báo tiếng Việt đầu tiên

TT- Đã 146 năm đi qua, Gia Định báo, tờ báo bằng “quốc ngữ âm tiếng Lang Sa” (chữ Việt ngày nay), được phổ biến công khai ở Việt Nam. Công khai vì trước đó chữ quốc ngữ chỉ phổ biến hẹp trong các xứ đạo, các nhà thờ Thiên Chúa giáo và nội bộ giáo dân. Gia Định báo đã tạo dựng bước đi đầu tiên cho sự phát triển báo chí, in ấn, văn học, ngôn ngữ... Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 như thế nào?

Trong Courrier de Saigon số 7 ngày 5-4-1865, đăng lời rao về Gia Định báo (GĐB) số đầu tiên như sau: “Trong tháng này sẽ ra số thứ nhất một tờ báo in bằng tiếng An Nam thông thường. Dưới hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hằng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được...”. (Theo thư viện VN).
http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=503545
Những mẩu quảng cáo thời kỳ đầu tiên trên tờ Gia Định báo
Cho tới nay, các tài liệu đều nhất trí GĐB là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của làng báo Việt Nam và ra đời vào năm 1865.

Một mét đất Sài Gòn mua được... 4 tờ báo!

Sự nhất trí này có thể do mẩu tin trích ở trên, cũng có thể do thông tin ngay trên trang 1 của GĐB những số 4, 5 và 6 năm 1865. Song ngày ra đời báo này thì có chút bàn cãi. Cho tới năm 1973, khi Huỳnh Văn Tòng phổ biến luận văn tiến sĩ của ông thì cuộc tranh cãi gần như chấm dứt sau một thời gian khá dài.

Ông Tòng viết: “Theo những lần nghiên cứu ở thư viện Trường Ngôn ngữ Đông phương tại Paris, tôi đã tìm ra được số báo cũ nhất của tờ GĐB phát hành ngày 15-7-1865” (Báo chí VN từ khởi thủy đến 1945). Tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM có ba số báo 4, 5 và 6 của năm 1865 không ghi ngày, chỉ ghi tháng và năm. Tờ số 4 do số bị nhòe không đọc được, đề là “Giáng sinh 1865 tháng juillet”, và tờ số 5-1865 thì ra vào tháng 8. Căn cứ vào tiêu chí “mỗi tháng ra một kỳ vào ngày rằm tháng tây”, có thể cho rằng 15-4-1865 là ngày phát hành số báo đầu tiên.

Còn Nguyễn Văn Trung trong Lục Châu học, trích “thư của Roze (thống đốc Nam kỳ) gửi tổng trưởng hải quân và thuộc địa Pháp ngày 9-5-1865” (từ Lịch sử báo chí Việt Nam của tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Trí Đăng, Sài Gòn 1973 trang 52): “Số đầu tiên của tờ GĐB được in bằng chữ An Nam theo chữ Latin phát hành ngày 15-4 vừa qua”. Những tài liệu này khẳng định ngày phát hành số báo đầu tiên là ngày 15-4-1865.

Những năm đầu tiên GĐB xuất bản hằng tháng, có bốn trang, khổ A3, in chữ chì typo trên giấy trắng ngà, dày và viết bằng chữ quốc ngữ tương đối “hiện đại”. Nhưng không “phát không” như tờ Courrier de Saigon đã nêu mà “Tờ báo này mỗi tháng tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư”. Nghĩa là báo bán với giá 6 franc/năm với giá nửa quan một tờ.

Đây là giá thuở ban đầu. Từ năm 1874, báo tăng lên hai kỳ/tháng và lên giá “20 góc tư/năm”. Tới năm 1881 trở thành tuần báo vẫn giá 20 góc tư/năm. Tới năm 1884 thì giá báo đổi thành “trót năm thì 4 đồng bạc”, năm 1895 giá bán lên “6 đồng 67 một năm” và năm 1898 tăng lên “8 đồng/năm”.

Xin lưu ý thời kỳ này ở Nam kỳ sử dụng nhiều loại tiền, phổ biến là tiền Đông Dương (do chính quyền thuộc địa phát hành còn gọi là đồng), tiền quan Pháp (franc, quan) và tiền nhà Nguyễn (gọi là tiền). Một đồng Đông Dương đổi được 5 quan Pháp hoặc 50 tiền. Góc tư là cách gọi một franc, đồng quan Pháp (Huỳnh Tịnh Của -Đại Nam quấc âm tự vị) mặc dù việc quy đổi lại hoàn toàn khác.

Giá báo này so với thời giá là khá cao. “Có một khoảnh đất thổ cư tại Saigon ở tại đường Espagne góc đường Mac Mahon, giá bán mỗi thước tây là một quan năm. Như ai muốn mua thì cứ hỏi ông thông phán Bollon ở Saigon mà mua” (quảng cáo trên GĐB số ra ngày 12 janvier 1881). Espagne - Mac Mahon là ngã tư Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay.

Với giá 20 góc tư/năm (1881) thì mỗi tờ báo có giá khoảng 0,40 quan. Mua bốn tờ báo bằng mua một thước vuông đất, ngày nay ai dám?

Công cụ để “yên dân”

Nguyên nhân ra đời của báo, theo nhiều tài liệu thì “Trương Vĩnh Ký đã yêu cầu lập một tờ báo chữ quốc ngữ mang tên GĐB khi thống đốc Nam kỳ Kerguda mời cụ ra làm quan”. Và lời yêu cầu ấy được “chấp thuận” bằng nghị định cho phép xuất bản ký vào ngày 1-4-1865 nhưng không phải cho cụ Trương mà cho Ernest Potteaux, thông ngôn của thống đốc Nam kỳ (tài liệu.vn), người mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, trong Sài Gòn - Chợ Lớn từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, cho rằng “rất rành tiếng quốc ngữ”, làm chủ biên với chức danh “GĐB chánh tổng tài” (chức danh tương đương tổng biên tập ngày nay).

Tra danh sách các thống đốc Nam kỳ trong thời kỳ này, chúng tôi không tìm được vị thống đốc nào có tên Kerguda, mà chỉ có Roze, tạm quyền, thay cho La Grandière về Pháp lãnh hàm phó đô đốc, từ tháng 12-1864 đến tháng 3-1866. Và cũng chính Roze là người viết thư cho tổng trưởng hải quân và thuộc địa ngày 9-5-1865 về GĐB.

Có thể các tài liệu đã ghi lầm tên hoặc là lỗi kỹ thuật do trích lại đã làm sai lệch? Đây cũng là “nguyên nhân” được các nhà nghiên cứu chấp nhận nhưng không chỉ rõ tài liệu nguồn.

Thiển nghĩ, nguyên nhân ra đời của GĐB như thế thì quá đơn giản! “GĐB là ấn bản bản xứ của tờ Công báo” (Smith D.Warres Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỷ 19 - Ngô Bắc dịch) trong phần viết về Nam kỳ và Sài Gòn đã nhận định như thế.

Đây có thể là mục đích thật sự sự ra đời của GĐB. Bởi năm 1865 Pháp còn chân ướt chân ráo ở ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, vẫn còn âm mưu nuốt ba tỉnh còn lại và đang mơ tới ôm trọn cả Đông Dương, thậm chí cả một phần phía nam của Trung Quốc. Thực hiện giấc mơ to lớn ấy, Pháp cần rất nhiều “quân nhân Pháp” hiểu biết tiếng nói bản xứ và người bản xứ cộng tác, nhằm để “yên dân”, làm cho người bản xứ hiểu được chính sách của Pháp đồng thời lôi kéo họ về phía mình, làm tiêu hao sức lực của lực lượng chống đối. Thời gian đầu, Pháp dựa hẳn vào các giáo sĩ trong việc thông dịch.

Để giảm bớt sự dựa dẫm ấy, trường thông ngôn đã được mở ra cho quân nhân Pháp lẫn người Việt và chữ quốc ngữ là lựa chọn ưu tiên vì đó là thứ chữ “ghi lại” tiếng nói của người Việt. Và tờ báo được coi là phương tiện giao tiếp giữa chính quyền và người địa phương.

Trước khi GĐB ra đời, đã có ba tờ báo bằng tiếng Pháp là Le Bulletin Officiel de l’Expedition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo), Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) và Le Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín).

Nhưng tiếng Pháp vẫn còn là một cách biệt lớn giữa chính quyền thực dân và dân chúng, vì vậy mà tờ báo tiếng Việt ra đời. Nó vừa là công cụ để chính quyền phổ biến thông tin, vừa là tài liệu để các viên thông ngôn, học trò trong các trường dùng để thực tập chữ quốc ngữ.

Kỳ 2“Bếp núc” tờ Gia Định báo 

TT- Cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, việc ra báo ở Nam kỳ vẫn “phải xin phép” nếu là báo viết bằng tiếng Việt và chỉ có báo bằng tiếng Pháp mới được “tự do” xuất bản. Do đó, việc Gia Ðịnh báo trong thời gian đầu phải cấp phép cho một người Pháp làm chánh tổng tài (chức tương đương tổng biên tập ngày nay) là chuyện bình thường
http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=503689
Đường D’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay), một trong những địa chỉ từng in tờ Gia Định báo – Ảnh tư liệu
“Gia Định báo chánh tổng tài”

Tới ngày 16-9-1869, quyền thống đốc Nam kỳ Ohier mới ký quyết định 189 giao hẳn tờ báo cho cụ Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. “Kể từ hôm nay việc biên tập tờ Gia Ðịnh báo được giao phó cho ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là chánh tổng tài của tờ này, sẽ được lãnh khoản lương hằng năm là 3.000 đồng quan Pháp. Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần. Nó sẽ được chia ra làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông thống đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do nha nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác không chính thức, sẽ gồm những bài viết bổ ích và vui về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự… để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến. Trước khi phát hành, việc trao đổi sẽ thực hiện tại Nha nội vụ. Giám đốc Nha nội vụ thi hành quyết định này…” (Lê Nguyễn – Xã hội VN thời Pháp thuộc, trang 84 NXB VHTT).

Quyết định này là một sự “đổi mới” trong chính sách đối với báo chí ở Nam kỳ. Do chưa tìm thấy những số báo từ 1869-1871, chúng tôi không đủ tư liệu gốc để so sánh với quyết định trên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cụ Trương làm chánh tổng tài cho tới năm 1897, có người lại cho rằng ông làm tới năm 1873.

Qua bản vi phim tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, chúng tôi thấy năm 1872 (không tìm thấy các số báo năm 1873) thì chánh tổng tài là E. Potteaux. Và từ năm 1874 thì J.Bonet là chánh tổng tài. Và ông Bonet còn làm chánh tổng tài của báo cho tới những năm 1881. Như vậy, thời gian làm “Gia Ðịnh báo chánh tổng tài” của cụ Trương cũng không dài, nhiều nhất là từ năm 1869-1871.

Thực tế qua những tờ báo còn lưu lại ở thư viện (bản vi phim) và ở những nơi khác, chúng tôi có đủ chứng liệu để khẳng định E.Potteaux làm chánh tổng tài từ 1865-1869. Kế tiếp là Trương Vĩnh Ký từ 1869-1871. E.Potteaux chánh tổng tài năm 1872. Do không thấy tờ báo năm 1873 nên không chắc ai là chánh tổng tài. Năm 1874 E.Bonet làm chánh tổng tài. Từ năm 1880, chúng tôi cũng thấy ông Bonet tiếp tục làm chánh tổng tài chứ không phải Trương Minh Ký như nhiều người nói. Năm 1884, ông Potteaux trở lại làm chánh tổng tài. Từ năm 1893 trở đi không thấy ghi tên người phụ trách nên không rõ là ai.

Ai quản lý Gia Ðịnh báo qua các thời kỳ? Nhiều ý kiến cho rằng sau Potteaux là cụ Trương và sau cụ Trương là Huỳnh Tịnh Của quản lý tờ báo. Tới năm 1881 Trương Minh Ký làm chánh tổng tài. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng còn cho biết “chính ông Huỳnh Tịnh Của đã được giao phó chức vụ chủ bút tờ Gia Ðịnh báo” (sách đã dẫn). Và có học giả còn xác định ông Trương Minh Ký cũng từng là phụ trách tờ báo “sau Huỳnh Tịnh Của”. Nhưng tất cả luận cứ này đều không có tư liệu dẫn chứng.

Ðầu thế kỷ 20, Tập san hành chánh Nam kỳ năm 1918 đăng nghị định ký ngày 20-9-1908 cử “ông Diệp Văn Cương thay ông Nguyễn Văn Giàu, được chỉ định giữ chức vụ khác, làm chủ biên Gia Ðịnh Báo và được hưởng phụ cấp 250 đồng/ tháng” (Nguyễn Văn Trung – Lục Châu học). Còn trên thư viện.vn thì trích từ tạp chí Bách Khoa số 416 một phần nghị định của thống đốc nam kỳ Outrey đăng trên Tập san hành chánh Nam kỳ, trang 2864: “… Ông Diệp Văn Cương, thông ngôn hạng nhất ngạch châu Âu, được giao trách nhiệm biên tập tờ Gia Ðịnh báo kể từ ngày 21-5-1908, thay thế ông Nguyễn Văn Giàu được giao nhiệm vụ khác. Với cương vị này, đương sự sẽ được lãnh phụ cấp 250 đồng (piastre) dự liệu định ngày 27-12-1901″.

Ðáng tiếc, tài liệu này không cho biết chính xác ông Giàu là ai, phụ trách tờ báo này vào những năm nào. Như vậy chúng ta có danh sách (tạm thời) những người quản lý tờ Gia Ðịnh báo là E.Potteaux (1865-1869 và 1872, từ tháng 2-1882 đến 1884), Trương Vĩnh Ký (1869-1871), J. Bonet (1874 hoặc 1873-? và 1880 đến tháng 2-1882), Nguyễn Văn Giàu (?) và Diệp Văn Cương (1908-1909?).

“Cộng tác viên”

Ngay khi ra đời, báo thu hút nhiều cộng tác viên có tiếng là giỏi quốc ngữ như Paulus Của (Huỳnh Tịnh Của), Paulus Toi, Trần Bảng Vàng, Trương Vĩnh Ký, phủ Ka (đốc phủ Trần Tử Ca)… Nhiều người trong số cộng tác viên là thông ngôn, viết tin bài từ cơ sở gửi cho báo. Ðó là những người có tên trên báo dưới danh nghĩa “người viết báo” xuất hiện khá nhiều trong khoảng 10-15 năm đầu. Nhưng đến năm 1881 thì không còn thấy tên “cộng tác viên” lẫn “người viết báo” xuất hiện trên mặt báo nữa.

Song tờ báo này không chỉ có cộng tác viên viết báo mà cần có không ít cộng tác viên hoặc các viên chức “dịch chữ quốc ngữ” cho tờ báo. Trước khi báo in ra, tất cả tin tức, văn bản đều bằng tiếng Pháp và phải thông qua văn phòng “quan lại bộ thượng thơ”, tức nha nội vụ, để duyệt. Dù ông Potteaux được tiếng là giỏi quốc ngữ cũng không thể là người dịch toàn bộ tin bài trên báo mà cần một đội ngũ giỏi quốc ngữ làm việc ấy. Họ là ai? Ðáng tiếc là trên mặt báo hoàn toàn không thấy tên người nào ngoài người viết tin. Có lẽ vì vậy mà lâu nay các nhà nghiên cứu về Gia Ðịnh báo cũng không đặt vấn đề này.

Qua nghiên cứu nhiều tài liệu và văn phong, cách chấm câu, cách viết trên báo, có thể khẳng định việc “dịch quốc ngữ” trên Gia Ðịnh báo có nhiều hơn một người dịch. Và có hai người có thể là “cộng tác viên chuyên dịch quốc ngữ” của báo từ đầu là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của.

Khẳng định này căn cứ vào các nguyên nhân sau: Một là sự xuất hiện khá thường xuyên trên báo tên của hai ông Pétrus và Paulus ngay từ những số báo đầu tiên. Dù quyết định để ông Potteaux làm chánh tổng tài nhưng chính quyền thực dân không thể không dựa vào những người giỏi quốc ngữ đương thời mà hai ông Petrus và Paulus là đại diện. Và không chỉ hai ông mà còn có nhiều học trò của hai ông như Trương Minh Ký, học trò của Trương Vĩnh Ký, rất kính trọng thầy, cũng là người được coi là giỏi quốc ngữ, tham gia công việc dịch từ tiếng Pháp ra quốc ngữ cho báo. Sự gắn bó của hai ông Petrus và Paulus với Gia Ðịnh báo nhiều đến mức có nhà nghiên cứu cho rằng ông Petrus là tổng biên tập còn ông Paulus là chủ bút của báo!

Luận án cao học ngữ học của Nguyễn Văn Y (Ðại học Văn khoa Sài Gòn) có trích bài của Nguyễn Kỳ Sắt trong bài “Chữ quốc ngữ” trên báo Nữ Giới Chung số 1 ra ngày 28 Mars 1930: “Nghe tiếng Huỳnh Tịnh Trai (ông đốc phủ Của) chớ chưa biết tài ngài. Năm 1889 thượng thơ đổi lại là Direction du Servive local, tôi vào làm việc tại phòng thông ngôn, tùng quyền ngài phụ dịch tờ Gia Ðịnh báo với ngài…Một tay tôi với Huỳnh Mai Liễu, cháu ruột ngài làm thông phán, làm gần hết cuốn tự vị quốc ngữ đó” (Nguyễn Văn Trung – Lục Châu học). Và “cụ đã từng viết ở Gia Ðịnh báo” khi nói về Ðặng Thúc Liêng. Những tài liệu này cho thấy có nhiều người tham gia Gia Ðịnh báo chứ không chỉ có hai tên tuổi mà chúng ta đã biết làm tờ báo này.

Kỳ 3Thuở đầu nghề báo 

TT- Những số đầu tiên, dưới măngsét Gia Định báo là tên báo bằng chữ Hán, nhưng tới năm 1881 thì không thấy nữa. Đến năm 1893, phía trên măngsét của báo xuất hiện dòng chữ Cộng hòa Pháp và đề từ Tự do, bình đẳng, bác ái bằng tiếng Pháp. Dưới măngsét là dòng chữ thông báo về ngày ra báo, giá báo và nơi mua.
http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=503854
Một trong những nhà in của Gia Định báo, nay là tòa nhà số 4-6 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
In ấn, trình bày

Phần trình bày báo chia ra làm hai cột ở tất cả các trang. Đầu tiên là ghi tóm tắt những tin bài thuộc về “công vụ và tạp vụ” (cho tới những số báo năm 1872 mới có hình thức này) và sau đó là những tin bài thuộc về công vụ. So với trình bày báo ngày nay thì không khác gì mấy, trừ trang báo chỉ có hai cột nên đọc hơi mệt hơn. Vấn đề này có thể do kỹ thuật in ấn hồi ấy. Báo cũng không có tranh, ảnh minh họa mà chỉ thuần chữ là chữ. Không thấy tên người trình bày, do đó có thể đoán rằng việc trình bày báo do nhà in thực hiện.

Số lượng trang của báo về nguyên tắc là bốn trang. Song những năm về sau thì có sự thay đổi, có khi tăng lên tám, 12 và tối đa là 16 trang vì có nhiều thông tin cần kíp. Những năm từ sau 1879 do có nhiều thông tin, biên bản từ các cuộc họp của hội đồng quản hạt nên số trang thường nhiều hơn bốn. Về phụ trang thì từ năm 1874 đã xuất hiện phụ trang. Song số lượng không nhiều lắm, thông thường là hai trang và nội dung chủ yếu của các phụ trang cũng chỉ đăng thông tin “thứ vụ” như đua ngựa, đua ghe ngo ngày lễ tết, danh sách những người được giải thưởng canh nông, hội đấu xảo...

Báo được in ở đâu? In số lượng bao nhiêu? Ai phát hành? Những điều này hoàn toàn chưa được biết đến.

Khoảng 20 năm, báo được in ở “nhà in nhà nước”. Vì các tờ báo chỉ ghi tên “chánh tổng tài” và “bản in nhà nước” nhưng không có địa chỉ nhà in nên không biết nhà in này ở đâu. Theo Lục Châu học thì Sài Gòn thập niên 1960-1970 của thế kỷ 19 chỉ có hai nhà in. Một của nhà nước và một của tư nhân ở nhà thờ Tân Định.

Có tư liệu cho rằng nhà in nhà nước nằm ở số 63 Catinat (Đồng Khởi). Một đoạn dài trên đường Catinat ngày xưa đều là nhà in như Claude et Cie ở số 119, 121, 123, 125, 127 đường Catinat, Phát Toán ở 55-57 đường d’Ormay (Mạc Thị Bưởi), Imprimerie - Librairie de l'Union, số 157 Catinat... Và một vài tài liệu thuộc nhà nước những năm 1945 đã được in tại địa chỉ nêu trên. Song theo trang cinet.gov.vn, nhà in nhà nước ở Sài Gòn từ năm 1862-1868 nằm ở góc đường Nguyễn Du - Hai Bà Trưng nhưng không rõ ở phía nào.

Rất có thể là như thế vì nơi đây rất gần với “dinh quan thượng thơ” ở đường Catinat (có thể là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch hiện nay - theo Nguyễn Hữu Hiệp). Từ năm 1893, báo in ở “nhà hàng Rey, Curiol et Cie”. Đây là nhà in tư nhân chuyên in sách báo thời ấy và cũng là nhà in quyển Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, nằm ở số 4 đường d’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay). Tới năm 1895 báo lại đổi nhà in và năm này báo in tại Imprimerie nouvelle Claude et Cie. Đây là một công ty in lớn thời kỳ này thành lập vào năm 1881 và có địa chỉ ở 99, 119, 121, 123,125, 127 Catinat (Đồng Khởi hiện nay).

Quảng cáo báo chí thời sơ khởi

Cho tới năm 1881, báo xuất hiện những trang quảng cáo ở trang cuối cùng. Thoạt đầu chỉ có nửa trang, dần dần số lượng tăng lên một trang và kéo dài khá ổn định, ít nhất cho tới năm 1900. “Nhà hàng ông Lacaze ở đường Catinat, Saigon có bán rượu chát, các thứ rượu, các món múi và làm dưa, để lâu, đồ đi săn bắng (bắn), thuốc súng, bì súng bể (bì không), đạng (đạn) súng sáu lòng (nòng), hạng nào cũng có...” hoặc “Pharmacie Normale ở góc đường Catinat và đường Olivier... Và cho ai nấy đặng hay, ông ấy có các vị thuốc riêng, làm theo bên I-viện thành Paris, cho đặng mà chữa các bệnh đau đậu mới cũ đặng và khỏi đau đớn gì; nội trong chừng 5-6 bữa thì lành bệnh...”.

“Pharmacie Normale ở góc đường Catinat và đường Olivier. Ông chủ thứ nhứt tiệm thuốc nầy làm lời rao cho mấy thân chủ năng tới bỏ thuốc đặng hay ông ấy có các thứ thuốc nhứt hạng để mà trị hết thảy các bệnh và trị các bịnh thuở nay người ta năng lấy làm khó...” (Ngày 28-1-1881). Có thể coi đây là những mẩu quảng cáo báo chí đầu tiên của nước ta.

Còn giấy in báo thì chắc chắn phải từ Pháp sang bởi kỹ thuật làm giấy in báo lúc ấy VN chưa có. Số lượng phát hành bao nhiêu chúng ta cũng không thể biết chắc. Theo Smith D.Warres, dân số Sài Gòn năm 1897 là 32.561 người, Chợ Lớn có 67.712 người, còn dân số cả Nam kỳ là 1.860.872 người (Đông Dương thuộc Pháp thế kỷ 19 - Ngô Bắc dịch). Theo Lục châu học của Nguyễn Văn Trung, báo Nông Cổ Mín Đàm những số đầu thập niên 1900 chỉ phát hành có 350 tờ. Trong tình hình và dân số như vậy, ước đoán số lượng phát hành của báo cũng không nhiều lắm, chừng 500 tới 1.000 tờ là nhiều.

Về thời điểm tồn tại của Gia Định báo trong bao lâu cũng chưa xác định rõ ràng. Có tài liệu cho rằng báo chấm dứt vào năm 1897, có người lại nói là năm 1909. Tập san hành chánh Nam Kỳ (Bulletin de Administration de la Cochinchine) năm 1909 cho biết nghị định của thống đốc Nam kỳ Guorbeil ngày 21-8-1909 ấn định ngày đình bản của tờ báo là 1-1-1910 (Nguyễn Văn Trung - Lục Châu học).

Mục lục trong vi phim về Gia Định báo ở Thư viện Tổng hợp thành phố cũng ghi số báo cuối cùng vào năm 1909 dù chỉ có bản phim tới năm 1900. Còn nhà nghiên cứu Lê Nguyễn xác định báo tồn tại đến ngày 31-12-1909. Nếu chọn năm 1909 là thời điểm cuối cùng thì tờ báo tồn tại đúng 45 năm.

Theo một số nhà nghiên cứu thì thời điểm của những năm 1880, chính quyền thực dân tập trung biến tờ báo thành một tờ công báo đúng nghĩa và phần “thứ vụ” hoặc “tạp vụ” vẫn còn nhưng không nhiều, tập trung cho các “thứ vụ” của chính quyền như thông báo “bán đất công thổ”, “danh sách các tiệm bán nha phiến”, thông báo nhắc dân chúng về những lệnh, quyết định đã công bố sắp có hiệu lực, thông báo về việc tòa án... “Cho ai nấy đặng hay nhà nước cho phép người ta lảnh (lãnh) mãi công ti đặt rượu, từ năm 1882, 1883 và 1884, lảnh riêng từ chỗ, mà không phải đấu giá, vậy ai muốn lảnh thì phải làm đơn, ở ngoài địa phương thì do quan chánh tham biện, ở tại Saigon thì do quan tá lý phó thượng thơ mà đầu đơn. Còn về lời giao ước, thì cũng tựu hai sở ấy mà coi” (Lời rao ngày 25-4-1881).

Kỳ 4Nam bộ trên mặt báo xưa 

TT- “Gia Định báo là ấn bản bản xứ của tờ công báo” cho thấy nội dung chính của Gia Định báo là “thông tin nhà nước” là chính. Phần công vụ là phần quan trọng nhất và luôn chiếm từ 3/4 đến 4/5 mặt trang. Phần lớn là các lệnh, nghị định, thông báo... liên quan hoặc không hề liên quan tới dân chúng.
Những năm đầu, phần công vụ không nhiều và tỉ lệ các bài báo gắn với đời sống nhiều hơn. Càng về sau, ít nhất từ năm 1881, tỉ lệ công vụ áp đảo từ 70-90% mặt trang. Phần tạp vụ nhỏ nhưng chứa đựng nhiều “thông tin báo chí” nhất của Gia Định báo.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=504030
Xe lửa nội thành Sài Gòn thế kỷ 19, một trong những "dấu ấn" đất Sài thành xưa - Ảnh tư liệu
Chuyện mới, chuyện lạ... Sài thành

Có nhà nghiên cứu cho rằng “từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm giám đốc, nội dung của Gia Định báo phong phú, sinh động hẳn lên” (Lịch sử báo chí Sài Gòn - TP.HCM 1865-1995, Nguyễn Công Khanh, trang 17 NXB Tổng Hợp TP.HCM 2006). Sự phong phú này có được do “Gia Định báo tổ chức mạng lưới cộng tác viên, thông tin viên ở các tỉnh để thu nhận tin tức mới, chuyện lạ để đăng báo”.

Và ngay trên báo số 11 ngày 8-4-1870, chánh tổng tài Trương Vĩnh Ký đã có lời rao như sau “Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập... đặng hay: Nay việc làm Gia Định báo tại Saigon, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở như: Ăn cướp ăn trộm. Bệnh hoạn tai nạn. Sự rủi ro, hùm tha sấu bắt. Cháy chợ, cháy nhà: mùa màng thế nào. Tại sở nghề nào thạnh hơn... Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ đem vô nhựt trình cho người ta biết. Viết rồi thì phải đề mà gửi cho Gia Định báo chánh tổng tài ở Chợ Quán”.

Thật ra điều này không có gì mới! Ngay từ những số đầu tiên, Gia Định báo đã làm những chuyện như vậy. “Từ rầy về sau ai có muốn đặt chuyện gì vào nhựt trình, thì phải gửi ngày mồng 7 tháng tây, bỡi (bởi) một mình tôi thì không có lẽ mà làm kịp trong 5 ngày, mà có gửi thì phải gửi công vụ trước hết. Paulus Tôi, compositeur de l’Imprimerie” (số 4 tháng 7-1865).

Ngay trong số báo này có đăng bài viết của Paulus Tôi: “Ngày 1-6 Annam cũng là ngày 26 tháng tây, nơi phủ Bình Long có bắt đặng một con cọp lớn lắm, khi đi săn có các quan Phalangsa ở Thuận Kiều cùng đồn Tây Thới đi với quan phủ...”. “Quan lớn đang lo đút tiền thưởng công lớn hơn đồng bạc có nhứt hạng, nhì hạng, tam hạng để trả thưởng những ai làm ruộng giỏi, làm nghề nghiệp hay, nuôi trâu bò đặng béo tốt. Cả thảy ai làm nghề chi hay thì cũng đặng thưởng. Paulus Của” (số 4 tháng 7-1865). “Tháng trước mưa khá, ai nấy lo làm mùa màng gieo giống bắt mạ tở mở, té ra qua tháng nầy phần thì gió phần thì nắng, nhiều nơi ruộng khô mạ héo, lại trâu mắc toi chết cũng nhiều, hóa ra ruộng nương làm không đặng bao nhiêu, sợ có khi năm mất mùa, thiên hạ đói khát như năm trước, nghe phía Tây Ninh dân sự đói khổ lắm, có kẻ ăn những bắp hột trái cây mà chịu, ấy xưa nay chưa từng nghe những đều (điều) khốn nạn làm vậy...” Paulus Của (số 5 tháng 8-1865).

“Có người bà con ở trên Mọi đã lâu năm về có tới thăm có nói chuyện lại về thói phép phong tục trên ấy... Đất thì là của chung ai muốn mở đâu mà cất nhà lập vườn trồng trạc thì mặc ý không có tranh dành (giành) nhau, đây ta nói sơ qua vậy một chút cho biết, đến sau ta sẽ nói chuyện cho dài hơn vì cũng là đều (điều) nên biết. Trương Vĩnh Ký” (số 6 tháng 9-1865). “Ngày 18 tháng nầy, sáng ngày thấy các quan thủy đi tam bản có máy lửa và kéo dạng một chiếc ghe khác theo trong rạch Ngưu Tấn vô Chợ Lớn. Ít nữa bên Phalangsa sẽ gửi qua nhiều chiếc khác để đi các sông rạch nhỏ mà hết trộm cướp nó không còn dấu (giấu) ẩn được, giá một chiếc tam bản không có bao nhiêu tiền mà người nhà buôn jễ (dễ) mua mà chở hàng hóa cho chắc và jắt (dắt) chiếc ghe từ Mĩ Tho, từ Vĩnh Luông đến đây” (số 4 ngày 15-7-1865).

Những phần trích này cho biết ngay từ đầu, phần tạp vụ của Gia Định báo đã phong phú lắm chứ không chờ tới khi ông Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài. “3-Việc dùng chữ quốc ngữ để mà làm sổ họa đồ ruộng đất cùng các việc khác trong làng, thì là rất dễ cho các viên quan, song những làng chưa biết chữ ấy cho đủ, thì cũng còn khó, bỡi (bởi) vì các làng thường phải thâu tiền dân mà trả tiền cho biện lại; các làng trong một tổng phải chung nhau mà chịu 600 francs, để mà lập trường cùng cấp cho thầy dạy. Chúng tôi xin phải buộc thầy dạy ấy biên lấy sổ sách cho các làng không biết chữ quốc ngữ. Ký tên Cao Văn Sanh, Nguyễn Thanh Trưng, Đổ Kiểng Phước, thuộc viên Hội đồng quản hạt. Thông ngôn Huc F” (công vụ ngày 22-3-1882).

Phổ biến tri thức

Những năm về sau, nhất là từ năm 1881 trở đi, phần tạp vụ với nhiều tin tức thú vị bị teo tóp dần. Dù có xuất hiện những bài thơ kiểu thơ “khuyên đừng cờ bạc” của Võ Thành Đức “Vì thương nên phải thầm lo. Hơn thua mọi lẻ (lẽ) dặn dò các nơi. Nôm na mượn bút vẽ lời. Gọi là chút đỉnh với đời phải chăng!” (19-10-1897), hay trích Đại Nam quấc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (7-12-1897) thì tạp vụ vẫn không còn nhiều đất dành cho thông tin đời sống.

Trong 45 năm tồn tại Gia Định báo không chỉ thu hút được những tài năng đương thời như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký... mà còn đi đầu trong việc phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng. Với sự tham gia đông đảo của những người “rành chữ quốc ngữ”, tờ báo đã phổ biến nhiều tri thức mới cho người đọc, dù có thể rất giới hạn trong số những người biết chữ quốc ngữ, như khoa học, truyện, tiểu thuyết của phương Tây, khoa học, thơ phú của người Việt, Trung Quốc (dịch từ chữ nôm hay chữ Hán ra quốc ngữ), biết thêm thông tin đó đây, trong và ngoài nước.

Về mặt thông tin mà nói, với người đương thời, những thông tin trên báo chỉ “có ích” với chính quyền. Tất cả những gì in trên báo đều buộc phải “thông qua” nha nội vụ nên người đọc báo chỉ biết những gì mà chính quyền muốn họ biết. Do đó, trên mặt báo ngoài những thông báo, nghị định (cũng bị cắt gọt theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền), nhiều nghị định, quyết định đã không được in báo vì tính chất “thực dân” hiện rõ trong những văn bản ấy. Phần thông tin còn lại là những tin mà ngày nay gọi là tin “xe cán chó”. Đó là những tin bắt bớ, xử án, trộm cắp, mua bán đất công, giá cả ở chợ...

Mãi đến những năm 1881, báo mới đăng một phần biên bản thảo luận trong các cuộc họp của Hội đồng quản hạt. Còn đời sống đương thời, các cuộc nổi dậy chống Pháp của nhân dân Nam kỳ, những hoạt động của chính quyền, tổ chức chính trị... đều không được báo đề cập đến. Có thể vì vậy mà ông Tho, thành viên Hội đồng quản hạt, đã nhận định về Gia Định báo “Tờ báo chẳng cho người Annam biết gì cả, ngoại trừ tên một số thuốc nhãm (nhảm) chữa nhiều bịnh” (Lục châu học - Nguyễn Văn Trung). Ngày nay, những văn bản nghị định trên báo chính là những tài liệu quý và những tin vặt ngày xưa chừng mực nào đó cũng cho chúng ta biết được sinh hoạt của người xưa...

Kỳ cuốiTiếng Việt thời Gia Định báo

TT- Có thể nói rằng chữ trong Gia Ðịnh báo không hoàn toàn như ngày nay nhưng cũng không quá cổ xưa. Nếu trong Phép giảng tám ngày (được Alexandre de Rhodes viết) chúng ta gặp những từ cực khó hiểu như “blời” để chỉ “trời” thì Gia Ðịnh báo hoàn toàn không có. 

Nếu có thì chỉ trong vài số đầu tiên, báo dùng chữ “j” để thay thế “gi”, “d” không khó hiểu lắm. Hoặc các từVĩnh Luông hiểu là Vĩnh Long, “hiệp là hợp”đặng là được...là những từ ngày nay ít dùng nhưng trong dân gian vẫn còn. Tuy nhiên, nhiều chữ nếu không tra tự vị từ quyển Ðại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì khó mà hiểu hết.
http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=504185
Đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay), nơi tập trung nhiều nhà in, nhà xuất bản ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu
Từ "nước giá"...

Chúng tôi phải mất khá nhiều thời giờ để hiểu hai chữ “nước giá”. Không chỉ là nước giá bình thường mà còn có cả “lò đặt nước giá”, “nhà đặt nước giá” nữa. “Ðầu năm 1878, lò đặt nước giá của ông David phải hư hại, việc Nhà nước đã lo về dân Saigon, bởi vì không có nước giá là món rất cần kíp để mà nuôi người ta tại Nam kỳ, thì đã xin sổ coi việc làm nhà làm một cái giấy phỏng nghỉ, để mà cất một cái nhà đặt nước giá tại Saigon, lấy nước giá tự nhiên bên bắt Trung Quốc để mà nuôi người ta...”, “phải có nước giá cho đủ trong thành phố và bán mỗi kilo là 35 centimes”. 

Suy nghĩ bình thường của thời nay thì không hiểu “nước giá” dùng để làm gì! Mà lại là loại nước “rất cần kíp”và có “nước giá tự nhiên” nữa mới lạ. Và để cung cấp đủ nước giá, người ta đã “thành lập công ti” và mua“máy mới” từ bên Tây. Nước gì đây?

Ðến khi đọc tới câu “nước giá tan ra” ở một trang báo khác khi hội đồng quản hạt bàn về việc cầu phà thì chúng tôi mới vỡ ra. “Ông Roque: Tại sông Rhin không có nước ròng nước lớn. Quan quản lý: Không có nước ròng nước lớn, nhưng vậy mực nước nhảy không đều có khi lên tới bẩy thước. Lại có khi phải chịu với nước giá tan ra...”. 

Giá chính là lạnh! Nước giá chính là nước đá. Toát mồ hôi! Tra lại tự vị Huỳnh Tịnh Của thì thấy “nước giá là nước đông đặc”.

Trong ngôn ngữ thường dùng ở miền Nam, từ “lò” hiện nay vẫn còn sử dụng nhiều. Các kiểu lò nghệ thuật, lò võ, lò vôi, lò chén, lò bò, lò heo (nơi giết mổ heo bò)... Nhờ cách này chúng tôi hiểu được cụm từ “lò đặt nước giá” chính là nhà máy sản xuất nước đá. Hay từ “đặt” có nghĩa là “làm, sản xuất” hiện nay cũng còn tương đối phổ biến ở miền Nam.

... Tới đồ bắt cọp và... ông quan "thủ ngữ"! 

“Sanh ý”, “bài thuế sanh ý” là từ xuất hiện nhiều trong các câu nói, quyết định về thuế khóa. Số báo ngày 15-5 1874 ghi rõ: “Bài sanh ý là bài riêng cho mỗi một người hể (hễ) phát ra cho ai thì nấy dùng. Bài sanh ý phát ra cho hiệu công ty nào thì cả người hùn trong công ty ấy hoặc làm việc buôn bán, hoặc làm nghề nghiệp đều đặng dùng. Mỗi một vợ chồng, phân chia của cải, mà ở chung cùng buôn bán làm ăn một chỗ, lảnh (lãnh) một cái bài cũng đủ việc. Krantz” (Chuẩn đô đốc Jules François Émile Krantz là quyền thống đốc Nam kỳ từ tháng 3 đến tháng 11-1874). Hai từ này không có bất cứ liên hệ nào để suy luận.

“Những quán cafés hay là restaurant mà đóng thuế sanh ý hạng nhứt, phải đóng cửa khi tới nửa đêm” có thể suy đoán rằng “thuế sanh ý” là “thuế môn bài” hiện nay. Tra lại tự vị Huỳnh Tịnh Của không tìm thấy từ “sanh ý”. Trong mục từ “sinh” có “sinh ý” nghĩa là “phương làm ăn”. Tra lại mục từ “bài” thì thấy “bài sanh ý” là “giấy cấp riêng về việc làm ăn buôn bán”. Bài là giấy thẻ, còn sanh ý là buôn bán.

“Góc tư” xuất hiện rất nhiều trong báo khi nói về tiền bạc. Vì từ này đi liền với số tiền nên có thể hiểu đó là tiền. Ví dụ “thưởng 100 góc tư cho...”, “bổng hàng năm là 3.000 góc tư...”. Nhưng một “góc tư” là bao nhiêu? Cuối thế kỷ 19, Nam kỳ thuộc Pháp còn sử dụng các loại tiền là quan Pháp còn gọi là franc (khi mới chiếm Nam kỳ), bạc Ðông Dương gọi là đồng bạc (sau một thời gian cai trị) và tiền nhà Nguyễn gọi là tiền.

Một đồng bạc Ðông Dương bằng (hoặc hơn một chút) 5 quan (franc), một quan bằng 50 tiền. Một góc tư bằng bao nhiêu franc hoặc bao nhiêu đồng bạc? Tra tự vị Huỳnh Tịnh Của mới rõ “góc tư” là “một phần tư, hiểu theo nghĩa bây giờ thì là một quan tiền Tây; thiệt sự là một phần thứ năm trong đồng bạc”. Cùng nghĩa đó, khi thấy “một góc tám” thì phải hiểu đó là “một phần 10”, có nghĩa là “năm tiền” hay “nửa quan”.

“Vuông” nằm trong đơn vị đo lường bằng bao nhiêu? Một vuông lúa, vuông gạo. Ðơn vị đo lường cổ không có“vuông”. Phải tìm đến tự vị để biết vuông là “giạ” tương đương 40 lít. Ðây là đơn vị tính khi đong lúa gạo.

“Chẳng ngờ con cọp nhảy lại chụp bà ấy, bị vít nặng lắm, không la đặng”“ai ngờ sự rủi hai anh kia trờ tới chổ nó nằm, nó liền chụp hai anh ấy bị vít nữa”“người dạy làng tổng đem khại đi vây, khi tới đó, khại liền áp vào tứ phía”...”Vít” và “khại” nghĩa là gì? Theo tự vị thì “vít” là “dấu thương tích”, còn “khại” là đồ bắt cọp như tấm vách đan bằng tre lớn. Ðây là thứ dụng cụ chuyên... bắt cọp ngày xưa!

"Làm đầu" là từ thường gặp trong các cuộc họp hội đồng quản hạt năm 1881. Làm đầu là “quyền” mà thống đốc Nam kỳ dành riêng cho mình khi tổ chức họp hội đồng quản hạt. Cho tới cuối năm 1881 thì mới nhường quyền ấy cho hội đồng chọn nhưng thòng thêm câu “người lớn tuổi” trong hội đồng “chọn người làm đầu”. Tự vị Huỳnh Tịnh Của không có từ làm đầu. Làm có nghĩa là “gây việc”, “ra tay”, “hành sự”, “chuyên chú việc gì”... Và làm đầu có nghĩa là chủ trì, giám đốc, manager, chủ tịch... tùy theo ngữ cảnh.

“Chích”, “chích mát” là từ ít gặp nhưng cũng xuất hiện. “Vợ chồng chích mát để tang cho nhau”“như có chích đôi lẻ bạn”... Tự vị cho biết “chích” là “chiếc”, “lẻ loi” và “mác” (không phải mát) nghĩa là “khuyết”. Chích mác chính là lẻ loi, vợ chồng mất đi một người.

“Ngữ” cũng là từ thường gặp trong báo. Thoạt đầu, từ này dễ làm chúng ta hiểu lầm là “chữ nghĩa”, thế nhưng trong nhiều ngữ cảnh thì không phải vậy. “Bởi vì Lộc đi báo quan ngữ súng ống nó giấu trong làng”. Hay “ở cột cờ Thủ ngữ”.

Rõ ràng trong các ngữ cảnh này “ngữ” không hề có nghĩa là “từ ngữ’. Vậy ngữ là gì? Tự vị Huỳnh Tịnh Của cho biết “ngữ là chuyện sự, số ngạch” và “ngăn giữ”. “Thủ ngữ” có nghĩa là “chức quan coi tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh”.

“Vi thỉ” cũng là từ gây nhức đầu. Cụm từ này thường nằm ở cuối câu kết các lệnh, quyết định. Trong tự vị, mục từ “vi” nghĩa là làm, làm trái nhưng không có cặp “vi thỉ”. Ở mục từ “thỉ” tìm thật kỹ mới thấy “vi thỉ” là làm dấu chấm hết!
***
Bỏ qua tính chất "công báo" phục vụ chế độ thực dân, tờ Gia Ðịnh báo, trong điều kiện lịch sử riêng, đã góp phần lưu lại những dấu tích thời gian của quá khứ cách đây 146 năm. Gia Ðịnh báo đã tỏ rõ được vai trò “thư ký thời đại” theo cách của mình.
Nguồn Tuổi Trẻ Online

No comments:

Post a Comment