Thursday 29 August 2013

Một số suy nghĩ về cách dùng từ và từ của Bác (Đỗ Đức Thuần)

Một số suy nghĩ về cách dùng từ và từ của Bác5/18/2010 9:22:46 AM
Nhân kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra trọng thể trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài. Cũng vào dịp này, nhân dân cả nước cũng đang hướng tới kì Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tiến tới chào đón Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi.

Trong những ngày tháng lịch sử này, xin giới thiệu cùng bạn đọc gần xa bài viết về việc sử dụng tiếng Việt và thái độ của Bác đối với ngôn ngữ và tiếng nói của dân tộc, qua đó giúp chúng ta, đặc biệt là những giáo viên trẻ hiểu sâu hơn tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
Như chúng ta đã biết, trong cuộc đời hoạt động sôi nổi và vô cùng oanh liệt của mình, Bác Hồ luôn coi tiếng Việt là vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người thấy rõ khả năng to lớn và kì diệu của tiếng nói dân tộc trong trong giao tiếp hàng ngày, Người dạy chúng ta: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn lấy nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” (Hồ Chí Minh - bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ ba của Hội nhà báo Việt Nam). Ngày xưa, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng xem chữ nghĩa văn chương cũng là thứ vũ khí vô cùng lợi hại, ông viết:
“Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”.
Quay trở lại với việc dùng từ của Bác, chúng ta thấy rằng cống hiến  to lớn của Bác Hồ cho tiếng nói dân tộc bao gồm nhiều mặt: từ việc nhỏ như đặt câu, dùng từ, trau dồi văn phong đến những việc lớn như chính sách ngôn ngữ, cải tiến chữ viết v.v...
Chỉ tính riêng việc dùng từ và tạo từ mới trong các tác phẩm văn xuôi tiếng Việt của Bác cũng thấy nhiều điều lí thú. Người chú trọng dùng từ sao cho chính xác, giản dị, trong sáng và truyền cảm. Tính chính xác, giản dị trước hết ở chỗ Người luôn có ý thức dùng tiếng ta, thứ tiếng biểu hiện được đời sống tình cảm và tâm hồn ViệtNam. Người nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Tiếng nào có sẵn thì ta dùng” (Chống thói ba hoa - 1947) hoặc “những chữ mà ta có thì phải dùng tiếng ta” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai của Hội nhà báo Việt Nam - 1959) v.v...
Trong nhiều bài viết, bài nói với các cán bộ tuyên truyền, báo chí của ta, Bác thường chỉ ra những “khuyết điểm lớn” trong việc dùng từ quá nhiều từ nước ngoài mà không dùng những từ mà tiếng ta có. Người hỏi sao không dùng “đường to” mà dùng “đại lộ”, “người bắn giỏi” thay cho “xạ thủ”... sao không gọi “máy bay” mà gọi là “phi cơ”, không gọi “xe lửa” mà gọi “hỏa xa”, không gọi “nước nhà” mà gọi là “quốc gia”...? v.v...
Bác dí dỏm chế giễu việc dùng “hàng đống danh từ lạ”, nhiều khi dùng không đúng, như là một “bệnh”, một “thói xấu” dẫn đến những “chuyện cười”, “chuyện đau lòng”, “tai hại” như “thông phong”, “luyến ái” (Chống thói ba hoa), “phụ đạo”, “giáo cụ trực quan” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai của Hôi nhà báo Việt Nam).
Trong khi phê bình những “chứng bệnh” ấy, Bác đã dùng tiếng ta, chữ ta một cách tự nhiên, giản dị. Viết thư cho các cháu học sinh trong ngày mở đầu năm học, Người dùng từ “mở trường” mà không dùng “khai trường” hoặc “khai giảng”, dùng “năm học” mà không dùng “niên học”, “niên khóa”. Ngoài ra, khi nói chuyện tại các hội nghị, các cơ quan đoàn thể khác nhau, Bác Hồ của chúng ta cũng có cách nói rất riêng, phù hợp với chuyên ngành và đặc trưng nghề nghiệp của các ngành đó. Thí dụ, khi nói chuyện với cán bộ giáo dục và những người làm báo, Bác nói “cách làm”, “cách viết” mà không nói “phương pháp”. Nói về ngành công nghiệp nặng nước ta, Bác nhắc đi nhắc lại từ “sức điện” mà không nói “điện lực”. Với ý thức giữ gìn tiếng nói dân tộc như vậy, Người đã “Việt hóa” thành công nhiều từ gốc Hán hoặc Hán - Việt như  “Hội Chữ thập đỏ” thay cho “Hội Hồng thập tự”, “vùng trời” thay “không phận” v.v...
Tuy nhiên, Bác cũng mạnh dạn phê phán những trường hợp vì quá máy móc khi một số người cố ý không mượn tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt ta còn thiếu. Vì thế trong văn của Người, ta thấy có nhiều lần các từ “độc lập”, “tự do”, “giai cấp”, “cộng sản”, “kinh tế”, “chính trị” v.v... Người còn dạy: “Khoa học càng phát triển, có từ nước ta chưa có thì phải mượn”. Quá trình vay mượn chính là quá trình làm cho “tiếng ta đầy đủ thêm”, phong phú thêm.
Qua đây, người viết cũng xin được mạn đàm đôi dòng suy nghĩ rằng, trong xu thế hội nhập sâu sắc và toàn diện như hiện nay, việc dùng từ của một bộ phận thanh thiếu niên (và cả người lớn, của cán bộ công chức đường hoàng) của chúng ta cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn. Theo đó, hiện nay chúng ta thấy xuất hiện tràn lan trên các báo, tạp chí, trên Internet các “từ mới” như “rùi” (rồi) “iu” (yêu), “thui” (thôi). Bên cạnh đó, việc nhiều “trí thức” của ta hiện nay quá lạm dụng tiếng “Tây” trong bài viết, bài nói của mình. Họ “đệm” vào như là để chứng minh cho cái trình độ học vấn của mình. Các từ “lăng - xê”, “boa”, “cát - xê”, “lai - sâu” v.v... hình như đã trở thành câu cửa miệng của một người trong cuộc. Trong lúc đó, tiếng Việt của chúng ta thừa sức để diễn tả những khái niệm đơn giản, “tầm thường” đó!
Trở lại với câu chuyện về cách dừng từ và từ của Bác Hồ, chúng ta thấy rằng ngoài việc dành phần lớn thời gian và công sức cho sự  nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do của nhân dân, Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của chúng ta cũng rất chú tâm đến cách nói, cách viết thứ tiếng nói dân tộc. Qua việc phân tích một vài cách dùng từ và từ của Bác, ta thấy rằng từ ngữ trong tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng vĩ đại, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn... đã thực sự đã trở thành một thứ vũ khí diệu kì.
Đỗ Đức Thuần

No comments:

Post a Comment