Thursday, 12 July 2012

Thần tượng là gì?


Câu 2 trong đề thi đại học môn văn, khối D năm 2012 "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa” có nhiều chỗ nhảm nhí. Một trong những cái nhảm đó là giả định rằng có những từ ngữ được người ra đề, người làm bài và người chấm thi hiểu giống nhau, không sai chạy đi đâu được.
Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) không có thần tượng.
Vào quãng thời gian đó (đầu thế kỷ 20), thần tượng được mượn từ tiếng Hán với nghĩa là Di tượng của người chết (Đào Duy Anh, 2005:832)
Đến giữa những năm 60 ở miền Nam, nhiều từ điển ở miền Nam vẫn định nghĩa thần tượng khác với cách hiểu thông thường hiện nay. Đào Đăng Vỹ (1965:1263) ghi nhận hai nghĩa: tượng thần ( statue d’un génie) và ảnh người quá cố (portrait d’un défunt). Đến Thanh Nghị (1967b:1323), ta thấy có một sự biến chuyển quan trọng: nghĩa cơ bản của thần tượng vẫn là Tượng được tôn thờ như vị thần, nhưng có thêm nghĩa rộng là Người được tôn thờ, hoan nghênh như một vị thần; ghi chú tương đương tiếng Pháp là idole.
Nghĩa căn bản của Idole trong tiếng Pháp và idol trong tiếng Anh (tượng được tôn thờ như vị thần) trước đó đã được dịch là ngẫu tượng (Đào Duy Anh, 1950:810;. Nguyễn Văn Khôn, 1959:778) còn nghĩa mở rộng thì chưa có từ riêng mà chỉ được miêu tả dông dài là Người hay vật được người ta sùng bái, hoan nghinh. Thanh Nghị (1967a:760) dứt khoát dịch nghĩa căn bản của idolengẫu tượng và nghĩa bóng là thần tượng. Cái nghĩa bóng này hiện nay là nghĩa thông dụng nhất:
Thứ tượng của các vị thần; thường dùng để chỉ cái được tôn sùng, chiêm ngưỡng (Nguyễn Kim Thản, 2005:1503)
Tượng thần; thường dùng để ví cái được tôn sùng, chiêm ngưỡng. (Hoàng Phê, 2006:926)
Một từ điển còn ghi nhận tất cả các nghĩa của thần tượng trong lịch sử là Đại Từ Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1999:1545):
1. Hình hoặc ảnh người đã chết. 2. Hình một đấng thiêng liêng được tôn sùng. 3. Người hay vật được đề cao, tôn sùng.
Nghĩa thứ ba trong từ điển Nguyễn Như Ý chính là cái nghĩa thường dùng nhất hiện nay, áp dụng cho chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được mà dùng để chi Maria Ozawa cũng không sai vì cái danh hiệu Japanese AV Idol hiện nay chỉ có thể dịch ra tiếng Việt là thần tượng phim người lớn Nhật Bản. Ngưỡng mộ thần tượng Maria Ozawa có đương nhiên là nét đẹp văn hóa không? Người ra đề có lường trước chuyện thí sinh đặt vấn đề mê muội thần tượng Hồ Chí Minh không?
Sau cùng, nếu thí sinh chọn nghĩa 1 hay nghĩa 2 của thần tượng trong từ điển Nguyễn Như Ý (1999), tức là nghĩa căn bản của các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005), Hoàng Phê (2006), để làm bài thì có bị xem là hiểu sai đề không? Ai bảo là sai? Tại sao sai?

4 comments:

  1. Tôi cảm thấy cách nói "ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa" không ổn. Vì nếu nói như vậy thì (i) "thần tượng" là một cái gì đó có sẵn, anh chỉ "ngưỡng mộ" nó thôi; (ii) không chắc đó là "nét đẹp văn hóa".
    Cách nói đó chỉ đúng khi hiểu thần tượng như Ché Guevara...
    Còn bình thường người ta nói "xem... là thần tượng", "có thần tượng", "bắt chước thần tượng", "thân tượng hóa..." Lúc này không thể xem đương nhiên là "nét đẹp văn hóa".

    ReplyDelete
  2. em cung cấp thêm mấy thông tin từ TQ:
    1. Thần Tượng:(http://www.zdic.net/cd/ci/9/ZdicE7ZdicA5Zdic9E176723.htm) có 3 nghĩa: 1. hình tượng của thần linh (từ thời sách Lễ Kí, khoảng 2.500 năm trước); 2. hình tượng của thần điểu, tức chim phượng hoàng (đời Tấn); 3. tranh hoặc tượng của thần (đời Đường).
    2. Ngẫu Tượng với nghĩa idol chỉ có từ thời Lỗ Tấn. Đào Duy Anh theo từ điển TQ nên cũng dịch là ngẫu tượng.
    Ghi chú: bác Minh dùng bản Đào Duy Anh 1950, chắc là bản tái bản rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Tuấn Cường đã bổ sung những chi tiết mà mình chưa được biết. Nhờ Cường thường xuyên theo dõi và góp ý cho các ghi chú khác.

      Đào Duy Anh (1950) đúng là bản in lần 2, nhưng đó là bản chụp y nguyên của bản gốc từ điển Pháp Việt 1936, 37 gì đó.

      Delete