Sunday, 8 July 2012

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... ngáo ộp ! (Nguyễn Dư)

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... ngáo ộp ! (Nguyễn Dư)

Ngày xửa ngày xưa. Ôi ! Cái thời... loanh quanh ở nhà với mẹ. Biết ngày nào khôn ? Khôn hay dại thì phải chờ hỏi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trẻ con làm sao biết được. Trước mắt chỉ nghe mẹ quát :- Trẻ con đi chỗ khác chơi!
Đi đâu mẹ ơi ? Cái phòng vừa làm buồng ngủ, vừa làm chỗ ăn, chỗ tiếp khách, chỗ học bài, làm gì còn chỗ để chơi. Cái sân, cái bếp thì hai ba gia đình chung đụng. Người vào, người ra từ sáng đến chiều... Chỉ có ngoài đường mới vắng vẻ. Cây to bóng mát. Năm 1948, 1949, phố Bà Triệu rộng thênh thang ! Dăm ba cái xe đạp, xe xích lô đủng đỉnh qua lại. Thỉnh thoảng mới có một cái ô-tô nhà binh, hay cái " bình bịch " hiến binh Pháp, một mình một chợ, phóng ầm ầm. Hè phố Hà Nội của mấy năm mới hồi cư còn rộng rãi, quang đãng, sạch sẽ. Trẻ con chơi đùa... như chỗ không người.
Thằng con chợt hiểu ám hiệu của mẹ. Cám ơn mẹ. Giờ tháo cũi xổ lồng đã điểm. Hỡi đám tiểu yêu hè phố đang chờ ta... Ta cùng nhau đi... lêu lổng cho vui. Nhưng này, " hỡi các cậu bé con, trong lúc tuổi còn non", các cậu phải coi chừng. Không được lêu lổng... vô trật tự, hỗn quân hỗn quan. Lêu lổng cũng phải kết bè, chia phe cho đàng hoàng. Rồi lại phải cãi nhau chí choé chọn trò chơi. Đánh đáo, bắn bi, bịt mắt bắt dê, lò cò là lêu lổng của đám đàn anh, đàn chị. Những tay anh chị đã từng được đào tạo, rèn luyện ở trường này, trường nọ. Tay nào cũng xuất sắc, chơi giỏi hơn học. Còn bọn hỉ mũi chưa sạch, chưa biết i tờ là cái quái gì thì quanh đi quẩn lại chỉ có hú tim, chạy đuổi, hò hét. Đàn em lêu lổng không cần phải đến trường. Chẳng cần tinh mắt, khéo tay. Cứ ồn ào như vỡ chợ là được rồi. Nào, ta cùng nhau chơi đùa...
1) Ngáo Ộp

Ngáo Ộp là ai, là cái gì ? Đừng thắc mắc phí thời giờ. Cứ chơi đi. Chơi xong rồi thắc mắc cũng chưa muộn. Mau mau bắt cái xem đứa nào phải làm Ngáo Ộp nào. Mau lên !
Đứa làm Ngáo Ộp cho hai ngón tay giữa vào miệng, kéo xệch về phía mang tai...

- Đằng ấy rửa tay chưa?
... dùng hai ngón tay trỏ kéo vành mắt xuống Kéo cho lòi tròng trắng mắt...
- Hèn gì mắt đằng ấy lúc nào cũng có dử.
... miệng há hốc, thở phì phì như người say rượu.
- Đằng ấy sún răng từ bao giờ vậy ?
Ngáo Ộp là một con yêu méo mồm, mắt trợn ngược, gầm gừ đi bắt trẻ con. Ai trông thấy mà chả sợ. Thế là cả bọn hét rú lên, chạy tán loạn. Tìm gốc cây mà nấp cho mau. Đứa nào bị Ngáo Ộp bắt thì phải làm Ngáo Ộp. Cứ thế mà chơi, chán thì thôi.
Ngáo Ộp là cụ nào, ông nào mà đến trẻ con chưa biết gì cũng phải sợ vậy ? Xin nhờ người lớn trả lời giùm.
Từ điển xưa của ta, của tây không có Ngáo Ộp. Chỉ có Ngáo thôi.
Tự điển Huỳnh Tịnh Của (1896) cho biết Ngáo là tên riêng một người mạnh mẽ đời xưa, lấy lưng đỡ nổi một chiếc thuyền, thường hiểu ra nghĩa ngơ ngáo, lảng lơ, như ngốc như dại. Thằng ngáo là thằng ngốc.
Thằng ngáo của Huỳnh Tịnh Của không đáng để trẻ con phải sợ. Ngáo này không phải là Ngáo Ộp.
Tự điển Génibrel (1898) có nhiều từ Ngáo. Nhưng không có từ nào dính dáng đến người hay yêu tinh, ma quỷ.
Tự điển Jean Bonet (1900) định nghĩa Ngáo là nhân vật thô lỗ (personnage grossier), ngốc (sans esprit, sans raison), dã man (brute). Ngáo của Bonet vẫn chưa phải là Ngáo Ộp.
Cả 3 cuốn tự điển xưa này đều không có nhân vật nào tên là Ộp hay Ngáo Ộp.
Mấy chục năm sau, Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931), Tự điểnViệt Nam của Nhà Sách Khai Trí (1971) đưa ra định nghĩa mới : Ngoáo là vật tưởng tượng đặt ra để doạ trẻ con. Riêng Tự điển Việt Nam còn nói thêm Ngoáo ộp  là ngoáo lớn.
Thế là lại thêm một thắc mắc khác. Nếu Ngoáo Ộp là ngoáo lớn thì phải gọi ngoáo con là gì? Gọi là lũ... ngổ ngáo chăng ? Ngoáo Ộp to con nhưng bị khập khiễng, đứng không vững. Tuy vậy, Khai Trí cũng đã có công đưa Ngoáo Ộp vào tự điển, mở đường cho sau này.
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) cho biết Ngoáo Ộp là tên gọi một quái vật bịa ra để doạ trẻ con ; thường dùng để ví vật đưa ra để doạ dẫm, uy hiếp tinh thần.
Phải công nhận một điều là người lớn " chơi " chưa lại trẻ con. Người lớn " chậm tiến " quá. Trẻ con Hà Nội biết Ngáo Ộp từ ngày xửa ngày xưa.
Trở lại nguồn gốc của Ngáo Ộp.
Truyện cổ tích của ta, của Tàu không có nhân vật này. Thế nhưng, bộ tranh dân gian Oger (Hà Nội, 1909) lại có tấmNgáo Ộp doạ trẻ. Chẳng lẽ Ngáo Ộp lại là Tây à ? Nghi ngờ, thắc mắc, biết hỏi ai bây giờ ? Có người mách thử hỏi ông Tây Charles Perrault (1628-1703), tác giả của nhiều truyện nổi tiếng như Cô bé quàng khăn đỏ (Le petit Chaperon Rouge), Cô bé lọ lem (Cendrillon), Thằng bé tí hon (Le Petit Poucet), Yêu Râu Xanh (Barbe-Bleue), v.v. Đọc truyện của Perrault mới vỡ lẽ. À, thì ra thế !
Thằng bé tí hon kể truyện một gia đình tiều phu nghèo, sinh được bảy đứa con trai. Thằng út thông minh nhất nhà. Nhưng thân hình thì thấp bé tí hon. Nhà nghèo quá, không nuôi nổi đàn con, vợ chồng bác tiều phu quyết định đem bỏ chúng trong rừng. Một hôm anh em thằng bé tí hon đến gõ cửa một nhà kia để xin ăn. Không ngờ rơi vào nhà của một cặp yêu tinh và bảy cô con gái yêu. Cả nhà ai cũng thích ăn thịt tươi. Nhất là... thịt trẻ con. Thằng bé tí hon phải dùng mưu mẹo mới cứu được mấy anh em. Nó còn lấy được đôi hia bảy dặm và vàng bạc của yêu tinh.
Bảy anh em tìm trở về nhà cha mẹ. Vợ chồng con cái bác tiều phu lại được đoàn tụ. Bắt đầu một cuộc sống sung túc.
Yêu tinh ăn thịt trẻ con của truyện Thằng bé tí hon tiếng Pháp gọi là Ogre (Ô-gờ-rờ). Ogre theo chân thực dân sang Việt Nam, được Việt hoá thành Ộp.
Đúng ra thì Ngáo của ta và Ộp của tây là hai nhân vật khác nhau. Tiếng Việt đã có sẵn thằng ngáo, thằng ngố, thằng ngốc. Ộp sinh sau đẻ muộn nhưng là... con tây, nên không bị gọi là thằng Ộp. Trái lại, người ta ghép Ngáo (hay Ngoáo) với Ộp thành ông Ngáo Ộp.
Trẻ con quen gọi là Ông Áo Ộp.

2) Mẹ Mìn
Tiếng Việt không có Bà Ngáo Ộp (Ogresse). Bù lại, tiếng Việt có Mẹ Mìn.Ngày xưa, thời Pháp cai trị nước ta. " Nạn mẹ mìn ghê sợ. Trẻ ra chơi bờ hè, nhất là con gái hay bị bắt đem bán ở Móng-Cáy hay Hạ-Long. Nó dùng cả thuốc mê bắt phụ nữ ". (Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 79).
Ngáo Ộp (Ogre) là yêu tinh ăn thịt trẻ con. Yêu tinh chỉ đi bắt trẻ con nhưng không ăn thịt thì tiếng Pháp gọi là Croque-mitaineCroque-mitaine được Việt hoá và rút gọn thành Mìn. Đàn bà đi bắt trẻ con là Mẹ Mìn.
Gustave Hue định nghĩa lẫn lộn Ngáo ộp là croquemitaine. Hãi như trẻ con trông thấy ngáo ộp (épouvanté comme des enfants qui voient un croquemitaine).
Thời nào yêu ma ấy. Thời Pháp, Mẹ Mìn bắt trẻ con, phụ nữ. Thời kinh tế thị trường, Mẹ Mìn phải nhường chỗ cho Má MìMá Mì " khôn " hơn Mẹ Mìn, chỉ bắt con gái lớn, có khả năng hành nghề. Lao động bất kể ngày đêm.
Chồng của Má Mì là Ma Cô (maquereau). Cặp yêu ma này chuyên bắt con tin (teen). Dạy nghề đấu hót (hot), tiếp khách. Thôi mà thầy Hai. Xếch (sex) mé hoài ! Mời thầy vô chơi.

3) Ba Bị

Yêu Râu Xanh (Barbe-Bleue) là một đại gia, có bộ râu quai nón màu xanh. Xấu xí khủng khiếp.Xấu xí nhưng lúc nào cũng có em chỉ mong được " hoàng tử đẹp trai " rước về làm vợ. Hi vọng được hưởng cái gia tài kếch sù kia. Nhưng phiền một nỗi là em nào về làm vợ hắn cũng chỉ được một thời gian ngắn là mất tích... Cho đến một ngày kia, cô vợ trẻ sau cùng khám phá ra một căn phòng bí mật của lâu đài chứa ngổn ngang xác chết đàn bà... Sắp đến lượt em... chết bỏ mẹ, bỏ cha rồi anh Hai ơi. Cứu em với ! Hồi hộp, gay cấn. Người kể bắt đầu nổi da gà. Xin tạm ngưng. Có dịp sẽ kể tiếp...
Pháp có Barbe-Bleue. Việt Nam có Ba Bị.
- Ba bị : tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con. Xấu xí, tồi tàn : bộ quần áo ba bị. Thiếu nhân cách, lăng nhăng, chẳng ra gì. Anh chàng ba bị, đồ ba bị (Hoàng Phê).
- Ba bị : Giống quái lạ người ta bịa ra để doạ trẻ con : Ba bị chín quai mười hai con mắt : nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí : đồ ba bị. (Khai Trí Tiến Đức).
- Ba bị chín quai mười hai con mắt : Tả một con ngáo ộp để doạ trẻ con (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam,1989).
Ba Bị của Việt Nam cũng có hình thù quái dị, xấu xí. Ông Ba Bị của tranh Oger cũng có râu quai nón. Barbe-Bleue và Ba Bị giống nhau như anh em sinh đôi. Thì ra, Barbe-Bleue của Perrault đã nhập tịch Việt Nam, lấy tên Việt là Ba Bị.
Ngày xưa bên nước Lang Sa
Có chàng Ba Bị xấu là xấu ơi !
Thế mà nhiều gái mê tơi
Hiến dâng... tưởng được của rơi, của chìm !
Không hiểu tại sao các bà các cô lại đẩy người tình Barbe-Bleue râu ria, lông lá của mình sang cho đám trẻ con ? Đem ông Ba Bị ra làm cái bung xung doạ trẻ con. Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Thật ra, Ba Bị không hề bắt trẻ con mà chỉ bắt mấy con nai tơ " nghèo mà ham ". Mơ mộng được đạp trên " vàng lá " rơi đầy sân lâu đài.Tuy nhiên, định doạ trẻ con nhưng chính người lớn lại bị rơi vào mê hồn trận. Nhiều người tìm cách giải thích câu nói vu vơ Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Dĩ nhiên là càng giảng giải, càng sai. Sai lầm thứ nhất là tách Ba Bị(tên riêng) thành hai từ : ba (số 3) và bị (cái túi, cái giỏ). Sai lầm thứ nhì là cố bóp méo sự thật cho... phù hợp với câu nói không có nghĩa. Génibrel giải thích : Bị chín quai là bị của ăn mày (besace du mendiant). Mang bị chín quai nghĩa là đi ăn mày (aller mendier). Gustave Hue cũng đồng ý rằng Ông ba bị chín quai là... ông già đeo 3 cái bị chín quai (le vieux aux trois sacs et neuf anses).
Nước ta không có bị chín quai. Tranh Oger có nhiều tấm vẽ ăn mày. Bị của ăn mày là bị thông thường, chỉ có một quai. Tranh Ông Ba Bị vẽ một người râu xồm, đeo 3 cái bị một quai. Oger gọi Ông Ba Bị là Ogre (quái vật thích ăn thịt trẻ con trong truyện Thằng bé tí hon).
Các từ điển của ta không rơi vào cái bị 9 quai nhưng thỉnh thoảng cũng bị lúng túng vì câu nói vu vơ.
Không ngờ Thằng bé tí hon và Yêu Râu Xanh của Pháp lại chơi thân với trẻ con Việt Nam đến như vậy. Mấy anh lớn thích chơi bi (billes), mấy chị lớn thích chơi bịt mắt bắt dê (colin-maillard) , lò cò (marelle). Trẻ con Hà Nội năm xưa chơi đùa như... Tây con !
***
Tôi vốn yếu bóng vía.Thuở bé sợ Ngáo Ộp, Ba Bị, Mẹ Mìn. Sợ... yêu Tây. Sợ cả ma xó, quỷ nhập tràng. Nghĩa là sợ cả... yêu ta. Sợ toàn những cái mắt chưa thấy bao giờ.
Lớn lên, bố mẹ cho đi tây ăn học. Ăn và học. Phải bớt ăn mới có thì giờ học. Dạ vâng. Dạ dạ, vâng vâng như vậy nhưng ăn thì luôn nhớ, học thì hay quên. Dù sao thì đi tây cũng là một dịp được học ăn học nói, tập tành bạo dạn hơn lên. Hết sợ yêu. Tưởng là yên thân. Không ngờ bây giờ, tự dưng lại đổ đốn. Đôi lúc... sợ người ! Sợ cái khoảnh khắc hoang mang, rờn rợn. Nhìn trời, trời chạng vạng, nhá nhem. Các cụ gọi là lúc " nhọ mặt người ".
Nguyễn Dư
(Lyon, 8/2011)

No comments:

Post a Comment