Saturday 14 July 2012

Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình? (Chân Luận)

Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình?

Chân Luận
Trên báo Người Lao Động ngày 7-1-2006 có bài “Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” của GS-TS Phạm Văn Hường (ĐH Bordeaux). Có thể tóm gọn ý chính của bài nghiên cứu này là: Alexandro Rhodes (theo cách của GS-TS Hường) không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ; và Alexandro Rhodes đã “đạo” công trình của hai giáo sĩ khác là Antonio Barbosa, Gaspar de Amaral.

Về vấn đề Alexandre de Rhodes (ảnh) không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ

Alexandre de Rhodes
Có thể nói rằng: cho đến nay, những công trình nghiên cứu về sự phát triển của chữ quốc ngữ cả trong và ngoài nước (VN) đều không ai coi Alexandro Rhodes là “ông tổ” của chữ quốc ngữ, hay là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Nhưng vì sao khi nhắc đến chữ quốc ngữ, người ta lại nghĩ ngay đến Alexandre de Rhodes?
Lý do rất đơn giản là vì ba công trình: Từ điển Việt – Bồ - La (Dictionnarium Annamitcum Lusitanum et Latinum), Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đông Kinh (Linguae annamitcae seu Tunkinensis Brevis Declaratio), Phép giảng tám ngày (Cathechismus proiuo qui voluat sulcipere baptisnum in octo dies divisus – Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào (bèao) đạo thánh đức Chúa blời), được Alexandre de Rhodes cho in ở Rome năm 1651 là những tài liệu về chữ quốc ngữ được phát hiện sớm nhất, và trong một thời gian dài, ngoài ba tài liệu trên, người ta không biết đến tài liệu nào khác.
Nhưng, qua các tư liệu sưu tầm được về sau này, tất cả các nhà nghiên cứu chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20 như: Đào Trinh Nhất (Người có công với chữ quốc ngữ từ 300 năm trước, Cha Alexandre de Rhodes, Phụ nữ Tân Văn, số Xuân 1923), linh mục Thanh Lãng (Những chặng đường chữ quốc ngữ, Đại học Huế, số 1, 1961), linh mục Nguyễn Khắc Xuyên (Giáo sĩ A lịch sơn Đắc Lộ với chữ quốc ngữ, Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, 1961), linh mục Đỗ Quang Chính (Lịch sử chữ quốc ngữ (1620 - 1659), Sài Gòn 1972)… cho đến các nhà Việt ngữ học sau này như: Nguyễn Thị Bạch Nhạn (Tìm hiểu sự biến đổi hình thức chữ quốc ngữ từ “Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes” đến “từ điển Việt-La” của Pigneaux de Béhaine,Tạp chí Ngôn ngữ số 1, 1994), Lý Toàn Thắng (Về vai trò của Alexandre de Rhodes đối với sự chế tác và hoàn chỉnh chữ quốc ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ số 1, 1996), Nguyễn Đình Đầu (Dinh trấn Quảng Nam với sự sáng tạo chữ quốc ngữ, Tạp chí Xưa và Nay số 124, 2002)… đều công nhận rằng: Alexandre de Rhodes là người có công lớn đối với việc đưa chữ quốc ngữ lên một mức hoàn chỉnh. Và năm Alexandre de Rhodes xuất bản ba công trình nói trên, năm 1651, được tính như một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của chữ quốc ngữ.
Cho nên, nếu có ai đó cho rằng Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ quốc ngữ, thì quả là đã không công nhận sự nỗ lực của những nhà Việt ngữ học trong suốt thế kỷ 20.
Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình của hai giáo sĩ Atonio Barbosa và Gaspar de Amaral hay không?
Có thể khẳng định ngay rằng: không! Cho tới nay, tất cả những nghiên cứu trực tiếp hay gián tiếp về Từ điển Việt-Bồ-La đều luôn làm rõ một điều rằng: từ điển ấy là một sự kế thừa, một sự tổng hợp… những thành tựu của các công trình đi trước, và nỗ lực học hỏi, tìm tòi, quan sát, phân tích… của chính Alexandre de Rhodes.
Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp trong công trình “Lược sử Việt Ngữ học” (Nxb Giáo dục, 2004) đã cung cấp cho chúng ta những cứ liệu chính xác về tính minh bạch của vấn đề này qua việc trích dẫn lời tựa của Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt – Bồ - La như sau:
Trong lời tựa cuốn Từ điển Việt-Bồ-La, Alexandre de Rhodes kể lại: “Trong công việc này (tức việc biên soạn cuốn từ điển Việt-Bồ-La - NV), ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm, thời gian tôi lưu lại xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu, tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn…” (Sđd, tr.114). Ở đoạn khác, giáo sư trích dẫn tiếp lời của Alexandre de Rhodes: “Tôi lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc dòng Tên, nhất là Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi người một cuốn từ điển. Ông Gaspar de Amaral làm cuốn Annamiticum – Lusitanum (từ điển Việt-Bồ - NV), ông Antonio Barbosa làm cuốn Lusitanum – Annamiticum (từ điển Bồ - Việt -NV). Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông để viết ra cuốn từ điển mới, có chua thêm tiếng Latin, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng Latin theo lệnh của các Đức Hồng y” (sđd tr.116).
Như thế, chẳng những Alexandre de Rhodes không “đạo” công trình của hai giáo sĩ Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa, mà còn trân trọng nhắc đến hai ông cùng những giáo sĩ khác, cũng như những người bản xứ trong việc giúp Alexandre de Rhodes hoàn thành cuốn từ điển nổi tiếng này.
Học giả Roland Jacques, người Pháp, một người cũng có nhiều chuyên khảo về tiếng Việt và chữ quốc ngữ, đã tìm thấy ở Lisbon tài liệu “Manuductio al linguam Tunckinensen – Dẫn luận về tiếng Bắc Kì” mà ông cho rằng của giáo sĩ Onofre Borges, người đã truyền giáo tại Bắc kì từ năm 1643 đến 1663. Sau khi so sánh công trình “Manuductio al linguam Tunckinensen – Dẫn luận về tiếng Bắc Kì” và “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đông Kinh - Linguae annamitcae seu Tunkinensis Brevis Declaratio” đã kết luận: “Rhodes và Borges đã làm việc riêng rẽ trên cùng một văn bản cơ sở, vốn là di sản chung của các giáo sĩ Dòng Tên trong giáo đoàn ở Việt Nam, và mỗi người đã điều chỉnh và bổ sung theo cách riêng của mình.”
Và nếu đọc lại các công trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ nói chung và về Từ điển Việt-Bồ-Lanói riêng, của các nhà Việt ngữ học trong và ngoài nước, chúng ta đều bắt gặp những đoạn trích dẫn lời tựa của Alexandre de Rhodes nhằm làm sáng tỏ rằng: chữ quốc ngữ được hình thành trong một thời gian dài với công sức của rất nhiều giáo sĩ phương Tây và người bản xứ, đến thời Alexandre de Rhodes thì đạt đến một mức độ hoàn chỉnh nhất định. Điều đó hoàn toàn trái ngược với luận điểm “Alexandre de Rhodes đã “đạo” công trình”.
Chữ “de” trong Alexandre de Rhodes có “kệch cỡm”?
Thiết tưởng cũng cần phải nói đến chữ “de” mà GS-TS Phạm Văn Hường cho là “kệch cỡm”. Trong cuốn “Divers Voyages et Missions” (Hành trình và truyền giáo)[1] xuất bản tại Pháp năm 1653, người ta thấy cái tên Alexandre de Rhodes đường hoàng đứng ở vị trí tác giả. Ở mấy trang đầu của cuốn sách này, có bản “trích đặc quyền” mà Nhà vua, Hoàng hậu nước Pháp thời bấy giờ, cùng với Hội đồng quản trị thành phố Paris cho phép nhà xuất bản Cramoisy được phép in hay cho in cuốn sách nhan đề “Các Hành trình và Truyền giáo của Cha Alexandre de Rhodes tại Trung Quốc, và các Vương quốc khác với việc ông trở lại Âu châu nga qua Ba Tư và Armênia”. Liền ngay sau trích đặc quyền này là phép của cha Francois Annat, Bề trên Giám tỉnh Dòng Tên tại Pháp, “cho phép ông Sébastien Cramoisy, thương gia chủ hiệu sách và chủ ấn quàn thường trực của Vua, Cựu thành viên Hội đồng Quản trị và Thẩm phán Lãnh sự của thành phố Paris in cuốn “Các Hành trình và Truyền giáo của CHA ALEXANDRE DE RHODES tại Trung Quốc, và các Vương quốc khác.v.v.” mà ba trong số các cha Dòng chúng tôi đã đọc và chấp thuận”. Chắc hẳn Nhà Vua, Hoàng hậu, Hội đồng quản trị thành phố Paris, và các cha Dòng Tên tại Pháp thời đó đủ tỉnh táo để nhận ra tính chân thực hay không của cái tên Alexandre de Rhodes.
Có lẽ điều này cũng đủ để trả lại lại tư cách cho chữ “de” của con người Alexandre de Rhodes.
Còn những vấn đề khác trong bài (như phụ âm (chứ không phải phụ ngữ), vấn đề tám ngày), chúng ta có thể tìm đọc trong những công trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ rất chi tiết và xác thực của các nhà Việt Ngữ học trong suốt thế kỷ 20 ./.
[1] Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên), bản Pháp ngữ của Nxb Cramoisy năm 1653. Sách do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp.HCM xuất bản năm 1994, có sao chụp nguyên vẹn bản Pháp ngữ năm 1653.

No comments:

Post a Comment