Monday, 23 July 2012

Từ nguyên của «bù nhìn» (An Chi Huệ Thiên)

by An Chi on Saturday, June 30, 2012 at 5:20am ·
                                                                                                                      Huệ Thiên

Ngày nay, chẳng ai lại có thể tin rằng bù nhìn là do «Bố Nhiên» (tên của một ông lão gác ruộng dưa) mà ra như Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã chú giải trong Nam thi hợp tuyển. Không kém phần hồn nhiên và tự nhiên là ý kiến trong quyển Ngữ pháp tiếng Việt, «biên soạn dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam»[1], cho rằng bù nhìn là gốc ở một phương ngữ của Trung Quốc giống như mạt chược, xì dầu và ca la thầu.
Tỏ ra khoa học hơn là ý kiến sau đây của Lê Trung Hoa: «Trong từ điển của A. de Rhodes có ba dạng: bồ nhin, bồ din và mồ dìn, đồng nghĩa với bù nhìnBồ hay , theo Đỗ Hữu Châu trong Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, có nghĩa là «con» (bồ cóc: con cóc). Bồ cũng được đọc bù, mồ, mù. Ở thế kỷ XVII những từ nhân (người) còn đọc và viết nhin (...) Vậy bồ nhìn vốn có nghĩa là «con người» vì hình dạng con bồ nhìn là hình dạng con người. Còn nhin biến thành nhìn là do thanh huyền của từ bồ đã đồng hóa thanh ngang của từ nhin»[2].
Rất tiếc rằng lập luận trên đây không thể đứng vững được. Trước nhất, xin nói về tiếng bồ. Lê Trung Hoa đã cả tin mà nói theo Đỗ Hữu Châu rằng bồ có nghĩa là «con». Thực ra, sau khi nêu lên một số thí dụ trong đó có bù nhìn, bồ các và bồ hóng, tác giả này chỉ viết một cách ngắn ngủi và đơn giản như sau: « hoặc bồ có nghĩa là con (bồ cóc: con cóc)»[3] mà không hề chứng minh hoặc biện luận. Một kết luận «chay» như thế không thể được xem là có căn cứ. Huống chi bồ trong bồ cóc lại là một hình vị tiếng Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 鳧 mà âm Hán Việt hiện đại là phù, có nghĩa là con le le. Tiếng Việt đã từng mượn nguyên vẹn cái cấu trúc phù ông 鳧翁, có nghĩa là con le le trống, và đã đọc thành bồ ông để chỉ một giống «chim có mỏ dài», như đã được ghi và được giảng trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes. Phù bồ là một hiện tượng hoàn toàn bình thường (so sánh: phù công anh = bồ công anh hoặc bồ công đinh) đối với ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Việt gốc Hán. Hình vị bồ đã đi vào tiếng Việt rồi trở thành một hình vị chỉ chủng loại (générique) như có thể thấy trong: bồ chao, bồ các, bồ cắt, bồ câu, bồ cóc, bồ nông (và bồ ông). Vậy không thể nói một cách võ đoán như Đỗ Hữu Châu rằng bồ có nghĩa là «con» một cách chung chung được vì đó phải và chỉ có thể là con... chim mà thôi. Lê Trung Hoa đã dựa vào Đỗ Hữu Châu mà đánh đồng người với... chim thì oan cho người đấy. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, Lê Trung Hoa nói rằng «bồ cũng còn được đọc bù, mồ, mù» nhưng rất tiếc rằng người ta chẳng bao giờ nói «mù chao», «mù cắt», «mù câu», «mù nông»,... Lý do rất đơn giản: bồ trong các cấu trúc chỉ chim trên đây không đồng nhất với bồ trong bồ nhìn. Chỉ có hình vị sau cùng này mới có các biến thể bù, mồ, mù.
Thứ ba, với cách giải thích của mình (bồ nhìn = con người), Lê Trung Hoa đã mặc nhận rằng nhìn là một hình vị độc lập. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thật: trong lịch sử tiếng Việt, nhìn > nhin > nhân bao giờ cũng là một hình vị ràng buộc.
Thứ tư, Lê Trung Hoa cho rằng nhin trong bồ nhin biến thành nhìn trong bồ nhìn là do «thanh huyền của từ bồ đã đồng hóa thanh ngang của từ nhin». Điều này cũng trái ngược với kết quả của ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Việt gốc Hán: trong mối quan hệ có tính chất nguồn gốc giữa thanh 2 với thanh 1 thì thanh 2 bao giờ cũng xưa hơn. Thí dụ: – dùng trong duyên dùng (của phương ngữ Nam bộ) xưa hơn dung 容 trong dung mạo; – dầm trong mưa dầm xưa hơn dâm trong dâm vũ; – liều trong liều lĩnh xưa hơn liêu 聊 trong liêu thả, v.v... Vì vậy mà bồ nhìn phải có trước bồ nhin. Thì làm sao có chuyện «thanh huyền của bồ đồng hóa thanh ngang của nhin »?
Vì bốn điểm trên đây nên chúng tôi mới nói rằng lập luận của Lê Trung Hoa không thể đứng vững được. Ngoài cách giải thích của tác giả này, trước đây, N. V. Xtankêvich đã có đưa ra một cách giải thích rất đáng chú ý. Bà đã viết như sau: «Hiện nay, ít ai nghĩ đến việc liên hệ nhìn trong bù nhìn (...) với động từ nhìn (như trong mắt nhìn) vì ai cũng nghĩ đơn giản rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt ngữ âm. Thật ra đây vốn không phải là hiện tượng thuần túy đồng âm đâu. Theo ông Nguyễn Bạt Tụy cho biết, ở ngôn ngữ dân tộc ít người còn có thể tìm được cứ liệu cho thấy rõ  có nghĩa làtrông nhìn (...) và bù nhìn (...) vốn là kết cấu gồm hai yếu tố đồng nghĩa đẳng lập với nhau. Như vậy nhìn trong bù nhìn (...) vốn đúng là động từ với nghĩa như trong mắt nhìn (...). Sở dĩ người ta không dễ dàng nghĩ đến điều đó chỉ là vì chúng được đặt vào trong những kết cấu có ý nghĩa đã chuyển đi xa, mà việc chuyển nghĩa đi xa trong quá trình kết hợp với yếu tố khác là một hiện tượng không lạ lùng gì đối với ngôn ngữ học»[4].
Hoàn toàn đồng ý với N. V. Xtankêvich rằng «việc chuyển nghĩa đi xa trong quá trình kết hợp với yếu tố khác là một hiện tượng không lạ lùng gì đối với ngôn ngữ học», chúng tôi vẫn không cho rằng cách lý giải của bà về nguồn gốc của danh từ bù nhìn là thỏa đáng. Lý do của chúng tôi như sau:
Một là tất cả những quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc đều giảng đại ý rằng bù nhìn là «vật hình người» – điều này tất nhiên là hoàn toàn đúng – cho nên liên hệ yếu tố nhìn, tiền thân của nhin, rồi của nhân, với cái nghĩa «người» thì hợp lý hơn là nói rằng nhìn là một hoạt động liên quan đến thị giác.
Hai là dựa vào , một yếu tố đã mất nghĩa – hoặc cũng có thể chỉ là kết quả của biện pháp âm tiết hóa yếu tố thứ nhất của một tổ hợp phụ âm đầu – để luận ra nghĩa của nhìn, một yếu tố chưa biết nghĩa, thì có sợ là đã làm một chuyện nghịch lý hay không?
Ba là, huống chi, nếu nhìn có quả là một động từ chỉ hoạt động của mắt, thì bù cũng không nhất thiết có nghĩa là «trông nhìn» như Nguyễn Bạt Tụy đã phát hiện. Nghĩa của nó hoàn toàn có thể là ngược lại: biết rằng bù nhìn cũng nói thành mù nhìn, vậy  có thể =  = mất khả năng nhìn. Có lẽ cũng do một sự liên hệ như thế mà người ta đã có câu đối (xuất) Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù chăng? Xét theo lý thì cách giải thích này và cách giải thích kia đều có giá trị ngang nhau.
Bốn là, huống chi, hoàn toàn không nhất thiết hễ trong ngôn ngữ của một dân tộc ít người nào đó ở Việt Nam (hoặc Đông Dương) có một từ có nghĩa là «nhìn» mà lại có dáng dấp ngữ âm từa tựa như  thì  trong bù nhìn tất nhiên phải có nghĩa là «nhìn». Lý do rất đơn giản: muốn khẳng định như thế, thì ít nhất và trước nhất, phải chứng minh được rằng trong quá khứ xa xôi, giữa tiếng Việt và ngôn ngữ hữu quan đã chắc chắn có một cội nguồn chung mà lại là trực hệ chứ cũng không phải bàng hệ. Mà ngay cả nếu có chứng minh được lối liên quan trực hệ thì cái động từ có nghĩa là «nhìn» trong tiếng Việt và thứ tiếng kia cũng không nhất thiết phải là những từ cùng gốc. Vậy dựa vào tiếng nói của một dân tộc ít người nào đó để luận ra rằng  trong bù nhìn có nghĩa là «trông nhìn», là đã làm một việc mạo hiểm.
Năm là đứng về cấu tạo từ trong tiếng Việt mà xét thì cái kiểu dùng một cấu trúc đẳng lập gồm hai động từ vốn có nghĩa là «trông nhìn» để tạo ra một danh từ chỉ thằng bù nhìn là một kiểu cấu tạo hoàn toàn lạ lẫm. Đây là chuyện rất khó tin.
Tóm lại, cách giải thích của Lê Trung Hoa và cách giải thích của N. V. Xtankêvich là không thỏa đáng. Về phần mình, chúng tôi xin đưa ra các nguyên từ (etymon) sau đây cho từ nguyên của từ bù nhìn.
1. Trước nhất, một thân hữu có thông báo cho chúng tôi rằng đó là bồ nhân 蒲人, nghĩa là cái hình nhân kết bằng cỏ bồ. Đây rõ ràng là một nguyên mẫu lý tưởng rất đẹp cho từ bù nhìn. Cá nhân chúng tôi cũng đã ấp ủ cái ý tưởng ấy. Thằng bù nhìn là một thằng người giả kết bằng cỏ bồ dùng để dọa chim chóc hầu góp phần bảo vệ mùa màng thì nghe ra rất có lý. Tiếng Hán gọi bù nhìn là cảo nhân. Vậy đã nói được cảo nhân thì sao không nói được bồ nhân? Hiềm một nỗi, chúng tôi tìm mãi mà không ra được chứng cứ bằng văn liệu hẳn hoi của hai chữ bồ nhân. Bồ đoàn, bồ điếm, bồ luân, bồ phiến, bồ tịch, bồ tiên, bồ xa, v.v... , thì có mà bồ nhân thì không. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là cái cấu trúc bồ nhân đã không hề tồn tại trong tiếng Hán. Tuy nhiên, vì bản thân mình chưa tận mắt nhìn thấy nó nên trong trường hợp này chúng tôi đành phải nghĩ đến câu nói của J. Vendryes, rằng cáivraisemblable không phải bao giờ cũng vrai.
2. Chúng tôi muốn đưa ra cấu trúc danh từ tính tiếng Hán phù nhân 符人(= người bùa), căn cứ theo nghĩa của các cấu trúc bồ nhin, bồ din và mồ dìn mà A. de Rhodes đã cho trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh: «Những hình làm bằng rơm được các thầy phù thủy dùng để làm hại người khác» và «Hình bằng rơm mà các thầy phù thủy dùng làm bất cứ điều ác nào họ muốn để nhờ ma quỷ làm hại người khác»[5].
Cứ theo những lời giảng trên đây thì bù nhìn rất có thể có nghĩa gốc là «người bùa», tức là cái thứ hình nhân có công dụng như A. de Rhodes đã nói, rồi về sau mới chuyển nghĩa như đang được hiểu hiện nay. Bùa, âm cổ của phù 符, chuyển thành bồ/bù là chuyện có thể xảy ra, còn nhìn hẳn hoi là âm xưa của nhân. Vậy bù nhìn phù nhân không phải là chuyện không hợp lý. Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa tìm thấy được sự hiện diện của cấu trúc phù nhân trong thư tịch nên cũng phải dè dặt mà tạm gác trường hợp này lại.
3. Có thể đây là trường hợp của cấu trúc mạo nhân 冒人 (= người giả). Giả thiết mù là âm xưa của mạo hoàn toàn có thể tin tưởng được (so sánh: mạo 帽 ~ ) còn nhìn thì, như đã thấy, là âm xưa của nhân. Vậy mù nhìn (> bù nhin) ~ mạo nhân. Cấu trúc này đã được tiếng Tày-Nùng vay mượn thành mào nhền, cũng dùng với nghĩa là bù nhìn. Ngoài ra, ngôn ngữ này còn có cấu trúc mào làng, có nghĩa là hình nhân, trong đó làng là lang 郎 còn mào cũng mạo 冒. Nhưng chúng tôi cũng chưa tìm thấy cấu trúc này trong thư tịch bằng tiếng Hán.
4. Bù nhìn mù nhìn cũng thực sự thích hợp về nghĩa với mộc nhân 木人 (đồng nghĩa với mộc ngẫu – tượng gỗ) là một cấu trúc dễ dàng tìm thấy trong thư tịch. Sự chuyển nghĩa từ «tượng gỗ» sang cái nghĩa thường dùng của hai tiếng bù nhìn hiện nay hoàn toàn có thể giải thích được.
5. Nhưng cuối cùng, cái nguyên từ của bù nhìn mà chúng tôi chính thức lựa chọn là môn nhân 門人 , có âm xưa là mùn nhìnMùn là âm xưa của môn, một chữ thuộc vận bộ hồn (mà nhập thanh là một 没), một vận bộ gồm có nhiều chữ mà phần vần xưa cũng là -unđun (= đẩy) là âm xưa của đôn 敦 trong đôn đốc; đùn (= đẩy cho tụ lại thành đống), của đồn 屯 trong đồn tụđụn, của độn 囤 (nơi chứa thóc quay bằng phên liếp); hùn trong hùn hạp, của hỗn 混 trong hỗn hợpmút  trong mút mắt, của một 没 trong một thế (= suốt đời); đụt (yếu kém về trí khôn), của đột (đồng nghĩa với độn 鈍); ngút trongngút ngàn, của ngột 兀 (= cao); ... Trở lên là nói về mối quan hệ un - ôn giữa mùn và môn, còn về quan hệ thanh 2 ~ thanh 1 giữa hai yếu tố này thì cũng giống như trường hợp nhìn > nhin (nhân) đã nói trên kia. Cuối cùng mùn nhìn → mù nhìn chẳng qua là do một sự dị hóa phụ âm cuối của âm tiết thứ nhất từ [n] thành zéro vì trong cấu trúc này có đến bốn âm mũi (m-, -n, nh-, -n) trong đó âm cuối của tiếng thứ nhất và tiếng thứ hai đều là n.
Trên đây là nói về ngữ âm. Còn về ngữ nghĩa thì sự chuyển dịch từ cái nghĩa «người gác cửa» của môn nhân sang cái nghĩa «hình người bằng rơm đóng vai trò của người trông coi ruộng nương để dọa chim chóc» của mù nhìn không phải là điều gì khó hiểu trong ngữ học.
Từ trên đây suy ra, mù nhìn có trước bù nhìnmù nhìn và bù nhìn có trước mồ nhìn và bồ nhìn còn mù nhìn thì bắt nguồn từ tiếng Hán 門人 mà âm Hán Việt xưa là mùn nhìn. Ý kiến của chúng tôi về từ nguyên của bù nhìn là như thế, xin mạo muội nêu ra để thỉnh giáo ở các nhà chuyên môn. ●
(Tháng 2-1998)
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 1-1998.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 223-232.
[1] Nxb. KHXH. Hà Nội, 1983. tr.65
[2] Nguồn gốc các từ thằn lằn, bồ nhìn, tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 12 (26), 1997, tr.26.
[3] Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1981, tr.33.
[4] Loại hình các ngôn ngữ, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982, tr.167.
[5] Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. KHXH, 1991.

No comments:

Post a Comment