Saturday 21 July 2012

Không là lính thì là gì ? (Năng Lượng Mới số 135 ,6-7-2012). An Chi / Huệ Thiên

Không là lính thì là gì ? (Năng Lượng Mới số 135 ,6-7-2012).

by An Chi on Friday, July 6, 2012 at 9:50am ·
      Bạn đọc : Chung quanh việc ông cố đạo Alexandre de Rhodes muốn xin người bằng từ “soldat”, xin ông An Chi cho hỏi : “Soldat” là lính hay là thừa sai? Tôi để ý trên các báo ông cộng tác, thấy hình như ông chưa góp ý kiến về chuyện này.
                                                                                                    (Một người bạn ở Hà Nội).
        An Chi : Trước nhất, xin chép lại cái câu hữu quan của Alexandre de Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Cramoisy, Paris,1653):
J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’ Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises.
Xin dịch như sau:
“ Tôi tin rằng, (vì) là vương quốc sùng đạo nhất thế giới, nước Pháp sẽ cấp cho tôi nhiều binh sĩ lên đường chinh phục toàn cõi Phương Đông để bắt nó quy phục Jesus Christ, và đặc biệt là ở đó tôi sẽ tìm ra cách để có được các Đức Giám mục, từng là các cha  và các thầy của chúng ta tại các giáo đoàn đó.”
“Soldat” ở đây hiển nhiên là lính. Nhưng, để chống chế cho A. de Rhodes, một số tác giả đã suy luận theo chủ quan hầu chứng minh rằng ông cố đạo này chỉ xin thêm người truyền đạo, chứ không xin lính tráng. Điển hình là ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm, mà tác giả Chương Thâu đã tường thuật như sau trong bài “Từ một câu chữ của A. de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau”:
“Cũng vào thời gian cuối tháng 3-1993, tại một cuộc Hội thảo “Tưởng niệm A. de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, có nhiều nhà khoa học tham dự, đọc tham luận. Trong đó Giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm, một lần nữa lại đề cập “câu chữ” trên đây của A. de Rhodes và dịch lại (theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ 17) cụm từ plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo”, và coi như “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn” (dịch soldat là lính chiến, là quân lính đi xâm lược) như trước đây trong một số giáo trình lịch sử Việt Nam đã dẫn dụng.”
                                                                                 (Công giáo và Dân tộc, ngày 15.3.1996).
GS Đinh Xuân Lâm là người “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn” còn ông Chương Thâu thì khẳng định đó là “dịch lại theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ17”. Thực ra thì, dù là ở thế kỷ XVII, danh từ soldat của tiếng Pháp cũng tuyệt đối không có nghĩa là “chiến sĩ truyền giáo”. Xưa nay, nó vẫn chỉ có nghĩa là lính mà thôi. Về các tư liệu cùng thời với A. de Rhodes, trên tongiaovadantoc.com  ngày 28-1-2012, tác giả Bùi Kha đã đưa ra dẫn chứng từ hai cuốn : A Dictionarie of the French and English tongves của  Randle Cotgrave (London, 1611) và Le Dictionnaire de L’Académie Françoise (1ère édition, 1694). Cuốn trước cho :  “Soldat: m. A soldier; one that followes the warres”. Cuốn sau thì : “Soldat : s.m. Home de guerre, qui est à la solde d’un Prince, d’un Estat”. Nhưng Bùi Kha chỉ đơn giản diễn ý của hai cuốn từ điển đó là “chữ soldat: giống đực, số ít, có nghĩa là binh lính, người có súng.” Trên cơ sở sự trích dẫn của ông, chúng tôi mạn phép phân tích thêm như sau :
Trong lời giảng của quyển trước thì “soldier” hiển nhiên có nghĩa là “lính” còn “one that followes the warres” là tiếng Anh thế kỷ XVII mà nếu diễn đạt theo tiếng Anh hiện đại thì sẽ là “one who follows the wars”. Ngoài quyển từ điển Bùi Kha đã dẫn, ta còn có thể thấy ngữ đoạn vị từ “follow the wars” tại hồi V, cảnh II trong vở The Dutchess of Malfi của John Webster. Nếu vào “John Webster's The Duchess of Malfi: text, notes, and commentary” của Larry A. Brown, ta sẽ thấy “follow the wars” được giảng là “become a mercenary”, nghĩa là “ trở thành lính đánh thuê”. Vậy, với quyển từ điển trước thì “soldat” là “lính; lính đánh thuê”. Còn với quyển sau thì đó là “ chiến binh, (kẻ) hưởng lương của một hoàng thân, một quốc gia”. Không có bắt cứ một nét nghĩa lớn, nhỏ nào liên quan đến các khái niệm “thừa sai” hoặc “ truyền giáo”, như một số tác giả, đặc biệt là GS Đinh Xuân Lâm, đã gán ghép cho từ “soldat”.
Chúng tôi thiển nghĩ không ai cấm cản nhà sử học vận dụng cứ liệu ngữ học làm chỗ dựa cho việc nghiên cứu của mình; chỉ xin nhấn mạnh rằng đó phải là cứ liệu chính xác của ngữ học, còn nếu là của chính nhà sử học thì ông ta phải là người có kiến thức ngữ học chắc chắn. Về danh từ “soldat” thìDictionnaire Hachette, édition 2005, đã cho tại nghĩa 3 như sau : “figlitt. Celui qui se bat pour une cause, un idéal. Soldats de la foi.” ([nghĩa] bóng, văn chương. Người chiến đấu cho một sự nghiệp, một lý tưởng. [Thí dụ]: Những chiến sĩ của đức tin). Chỉ cần nhạy bén một chút xíu, ta cũng có thể thấy rằng danh từ “soldat” cần phải có một “complément de nom prépositionnel” (CdNP – bổ ngữ của danh từ được kết nối bằng giới từ ), ở đây là “ de la foi” (của đức tin), thì mới có thể mang cái nghĩa đó. Điều này đã được tác giả Lý Đương Nhiên chỉ ra một cách chí lý :
“Tôi đã lớn tuổi, có đọc sách hiểu rằng chữ “chiến sĩ” đứng một mình có nghĩa chỉ về quân đội. Chữ “chiến sĩ” muốn có thêm nghĩa bóng hoặc văn vẻ thì phải thêm chữ chỉ nghĩa vào đằng sau, như: chiến sĩ văn hoá, chiến sĩ tự do, chiến sĩ Phúc Âm...” (“Chữ ‘plusieurs soldats’ thời A. D. Rhodes”,sachhiem.net, ngày 14-3-2009).
Cái mà Lý Đương Nhiên diễn đạt bằng hai chữ “nghĩa bóng” chính là chú thích “fig” (figuré) trongDictionnaire Hachette, cái mà ông nói là “văn vẻ” thì chính là chú thích “litt” (littéraire) trong quyển từ điển này còn cái mà ông gọi là “chữ chỉ nghĩa [thêm] vào đằng sau” thì chính là cái mà chúng tôi gọi là CdNP. Chỉ hiềm một nỗi là thay vì “soldat”, Lý Đương Nhiên lại viết  “chiến sĩ”, đồng thời cách diễn đạt của ông cũng không thật sự “chuyên môn” về ngữ pháp. Nhưng ý kiến của ông, một người “lớn tuổi, có đọc sách” thì hoàn toàn chính xác. Vấn đề lại càng rõ hơn, khi ta mở Le Petit Robert ra ở mục “soldat”. Tại nghĩa 3 của nó, ta đọc được : “ FIG. Celui qui combat pour la défense ou le triomphe de ( une croyance, un idéal). Un soldat du Christde la liberté.” (Người chiến đấu vì sự bảo vệ [đối với] hoặc cho sự chiến thắng của [một đức tin, một lý tưởng]. Một chiến sĩ của Ki của tự do). Sự có mặt của giới từ “de” ở cuối lời giảng bằng tiếng Pháp cho phép ta khẳng định rằng nếu chỉ được dùng một mình (không có CdNP đi theo) thì “soldat” tuyệt đối không thể có nghĩa là “chiến sĩ truyền giáo”. Mà ngay cả khi có CdNP đi theo thì nó cũng đâu có nhất thiết có nghĩa đó. “Soldat de la liberté” (chiến sĩ của tự do), “soldat de la science” (chiến sĩ của khoa học), “soldat de la paix” (chiến sĩ [đấu tranh vì] hoà bình), “soldat des droits de l’homme” (chiến sĩ [đấu tranh vì] nhân quyền), v.v., chẳng hạn, thì dính dáng gì đến truyền giáo! Chỉ có khi nào nói rõ “soldat de l’Évangile” (chiến sĩ Phúc âm) thì đó mới là “chiến sĩ truyền giáo”.
Nhưng để cho càng rõ hơn nữa, xin dẫn Le Grand Robert.  Sau những phần giảng giải cực kỳ chi tiết và những thí dụ phong phú  về từ “soldat”, quyển này có một mục phụ rất ngắn gọn:
Soldat de …, qui combat pour la défense ou le triomphe de …” (người chiến đấu tranh để bảo vệ cho hoặc vì chiến thắng của …).
Cái “khuôn đúc” “soldat de …” chỉ rõ rằng nếu không có CdNP đi theo sau nó thì từ tổ này tuyệt đối không thể có cái nghĩa “ qui combat pour la défense ou le triomphe de …”. Từ đây suy ra, dịch “soldat(s)” (không có CdNP) trong câu văn của A. de Rhodes thành “chiến sĩ truyền giáo”  thì không thể xem là đã dịch đúng.

1 comment:

  1. PHONG UYÊN (KHÁCH VIẾNG THĂM)
    cách đây 1 tuần 1 ngày
    Bản kiến nghị chỉ sao lại những lập luận tôi đã có nhiều dịp phản bác trong những bài tôi viết trên Talawas và Dân Luận trước đây. Tôi xin nhắc lại những điểm chính :
    1) Alexandre de Rhodes thật sự không phải là người Pháp mà là người Y pha Nho gốc Do Thái. Cha Alexandre tên thật là Ruada, chạy lánh nạn bài trừ Do Thái qua Avignon một tiểu quốc thuộc Giáo Hoàng,. Tiểu quốc này, mãi đến năm 1789 mới bị Cách mạng Pháp chiếm lại, sáp nhập vào Pháp . Ông Ruada lập nghiệp ở Avignon đổi đạo, lấy tên là Rhodes. Alexandre đi tu theo dòng Jesus, tiếng Việt gọi là dòng Tên, như dòng của Giáo hoàng bây giờ. Tên tiếng Pháp của dòng là Compagnie de Jésus (Đại đội Giê Su) vì vị sáng lập dòng coi mỗi người theo dòng là một chiến binh, lấy kiến thức truyền bá Đức Tin. "Soldats" có nghĩa là như vậy
    2) Năm 1624 de Rhodes được cử đi Nhật Bản. Nhưng vì bên Nhật đang giết đạo, nên Dòng đổi de Rhodes và 5 người giáo sĩ khác tới Faifo (Hải Phố, Hội An bây giờ), một thương điếm quốc tế thuộc Đàng Trong. De Rhodes ở đó truyền đạo cho tới 1627 mới ra Đàng Ngoài, khi đó là một nước khác. Bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài " năm sau, 1627, De Rhodes đi Macao dạy học cho tới 1645 mới đi Ba Tư chết ở bên đó. Trong thời gian từ 1640 tới 1645, de Rhodes đi đi lại lại Đàng Trong cả thẩy 4 lần, ẩn trú trong khu Nhật Bản ở Faifo? Như vậy, nếu kể cả thời gian này, De Rhodes chỉ ở VN cả thẩy 11 năm, ít hơn ở Macao.
    3) Thời gian nào de Rhodes viết thư cho vua Louis XIV và hoàng hậu và phải hiểu "chinh phục toàn cõi Đông Phương" theo nghĩa nào?
    Đông Phương thời đó phải được hiểu là gồm Cận Đông (Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ), Trung Đông (Ba Tư), tất cả đều đã nằm trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo và Viễn Đông, gồm 2 nước Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam, gồm 2 nước Đàng Trong và Đàng Ngoài, chỉ được coi là một phần đất phụ thuộc Trung Quốc. Vào Việt Nam chỉ nhằm mục đích duy nhất là để vào Trung Quốc truyền đạo giống như Macao vậy. Tất cả nhiệm vụ truyền đạo vùng Viễn Đông này đều được Giáo hoàng giao cho Bồ Đào Nha. Giáo hội Pháp chống đối với Giáo Hoàng, không có phần gì trong đó cả. Cuốn từ điển VIệt Bồ La không có tiếng Pháp và "Chinh phục Phương Đông" chỉ có nghĩa đem kiến thức truyền bá Đức Tin và chiến binh cua Bồ Đào Nha là các giáo sĩ. Chinh phục theo nghĩa thực dân chỉ có thể xẩy ra ở những phần đất hoang vu Châu Mỹ vừa mới được khám phá: Anh Pháp chia nhau Bắc Mỹ. Y pha Nho, Bồ Đào Nha, Nam Mỹ.
    Bức thư de Rhodes gửi cho vua và hoàng hậu Pháp cũng không dính dáng gì đến Việt Nam cả : Vua Pháp được kể là Louis XIV sinh năm 1638. De Rhodes ở VN kể cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, từ 1624 cho tới 1630, nghĩa là rời VN 8 năm trước khi vua sinh ra! Chỉ có thể là vua Louis XIII khi đó mới 23 tuổi, đang đánh nhau với mẹ ruột mình, hoàng thái hậu Marie de Médicis giữ quyền nhiếp chính lâu quá ! Vậy vua nào và hoàng hậu nào?
    4) Dịch "plusieurs soldats" là nhiều lính cũng chứng tỏ dốt đặc về tiếng Pháp: "plusieurs" có nghĩa là "plus d'un", (quá một), đồng nghĩa với "quelques" gốc từ chữ "quals" trong tiếng La tinh. Trong tiếng Việt chỉ có thể được dịch là "một vài, vài", nghĩa là dưới 10 người. Thời đó những thư từ đều viết bằng tiếng La Tinh. "Plusieurs" hay "quelques" chỉ là chữ được dịch ra tiếng Pháp từ chữ Quals trong bức thư.
    Xem:
    https://www.danluan.org/tin-tuc/20191206/a-de-rhodes-va-bon-bat-chanh-danh#comment-162518

    ReplyDelete