Wednesday 25 July 2012

Từ nguyên của "khăng", "săng" (Trần Trọng Dương)

từ nguyên của "khăng", "săng"

Về mặt từ nguyên, thì "săng" có lẽ là một từ gốc Nam Á, ( có loại cây gọi là Săng lẻ ở Tây Nguyên?). Tiếng Mường có các từ chỉ gỗ như "kơn, gỗ, săng"[xem Nguyễn Văn Tài 2006: 225].
Từ điển "Chỉ Nam ngọc âm" thế kỷ XVI-XVII ghi: "MAO THỨ: tranh săng lợp qua" (26a), "LUÂN TÀI: thợ khéo chọn săng" (tr.34b), "MỘC TƯỢNG: tạc làm tượng săng" (44b), "ÁP MỘC: khéo tiện cây đầu nên săng"(63a).
Từ điển của A de RHodes ghi: "săng: gỗ, cây. Gỗ: cùng một nghĩa. săng cỏ: cây và cỏ. Blanh săng: tranh dùng để lợp nhà, nhưng không phải là rơm lúa" [tb1994: 201].

Sách "Lý hạng ca dao" thế kỷ XIX ghi: "đục đến chạm, chạm đến săng" (3b)

Từ nghĩa này nên mới có, "săng" là trỏ cái hòm bằng GỖ để chôn người chết,
kiểu như chữ "tầu sáu ván" của ta ngày nay.
Từ điển của A de RHodes ghi: "Săng: hòm, săng dùng để chôn người chết. Cái săng, cái quan: cùng một nghĩa. Áo săng: tấm vải phủ hòm, săng" [tb1994: 201].
Từ điển của Huình Tịnh Của cuối tkXIX ghi

"săng: hòm chôn người ta. Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn chết thì lết vào săng: muốn cho có mà ăn thì phải chịu khó nhọc"[tr.900]. Từ đển Tự Đức thánh chế cũng ghi nhận "cái săng" (q.IV, tr 19b)
Từ thế kỷ XV về trước, có lẽ từ SĂNG này là một từ có tổ hợp phụ âm đầu,
đọc là *khlăng.
Cứ liệu để đi đến nhận định này là hai dạng chữ Nôm dùng thanh phù "lăng棱" và thanh phù "khang 康".
Lưu tích của nó hiện còn trong từ "khăng" (trò chơi của trẻ em, dùng các đoạn GỖ mà đánh). "Đánh khăng" là "đánh gỗ" vậy.

như vậy, câu "bật săng văng tiểu" nghĩa là "bật nắp quan tài và quật tiểu lên",
Câu này liên quan đến "văn hóa quật mả":), trong các cuộc chiến tranh, đều có hiện tượng này, Ví dụ như vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng quân Nguyên về thăm lăng mộ, thái miếu đã từng thốt rằng: "xã tắc hai phen chồn ngựa đá" (ngựa ở lăng mộ). cái này cần khảo thêm các tư liệu ở Đại việt sử ký toàn thư và các bộ sử khác.
Hay việc nhà Nguyễn quật mả Quang Trung, Ngọc Hân,...
những việc như thế rất nhiều.

1 comment:

  1. Xin cho em được hỏi, từ 'săng' liệu có phải là gốc tiếng Việt không hay là có gốc của tiếng dân tộc thiểu số ạ?

    ReplyDelete