Năm
1964, Đại học Sư phạm Huế có cơ ngơi mới rất khang trang:
tòa nhà chữ Y ở hữu ngạn dòng Hương. Bên cạnh, một tòa
nhà chữ Y giống đúc là Trung học Kiểu Mẫu Huế, cơ sở
thực nghiệm lẫn thực hành của Đại học Sư phạm Huế.
Được thực hiện theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết
Thụ (1), cả hai
tòa nhà ba tầng nọ tọa lạc trong khuôn viên rộng 39.000m2,
xưa là Toà Khâm sứ của Pháp.
Ngày 4-8-1964, nghị
định 1352GP/PC/NĐ được ban hành nhằm "thiết lập trường
Trung học Kiểu Mẫu Huế trực thuộc trường Đại học Sư
phạm Huế". Ngày 20-9-1964, Trung học Kiểu Mẫu Huế khai
giảng niên khóa đầu tiên với 8 lớp (gồm 4 lớp đệ thất (2)
và 4 lớp đệ lục (3)),
320 học sinh, 24 nhà giáo, 7 nhân viên, do nhà giáo Trần Kim
Nở làm Hiệu trưởng.
Trên một quả đồi
thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định,
trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và Trung học Kiểu Mẫu
Thủ Đức được xây dựng trong khuôn viên 5.107m2
theo đồ án cũng của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Trường
Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức được thành lập theo nghị
định 840GP/PC/NĐ, khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày
11-10-1965 với 8 lớp (cũng gồm 4 lớp đệ thất và 4 lớp
đệ lục), 280 học sinh, do nhà giáo Dương Thiệu Tống làm
Hiệu trưởng.
Trung học Kiểu
Mẫu Cần Thơ được thành lập theo nghị định 2072GP/PC/NĐ
ngày 4-12-1968, xây dựng hoàn tất ngày 30-12-1969.
Xét thực tế, rõ
ràng Trung học Kiểu Mẫu Huế trở thành "trưởng tràng" trong
hệ thống các trường Trung học Kiểu Mẫu tại Việt Nam (4).
Điều đó từng được tạp chí Thế Giới Tự Do tập XXI
số 2 khẳng định: "Trong vụ khai trường năm nay (1965), một
trường trung học phổ thông Kiểu Mẫu thứ hai đã được
khánh thành tại Thủ Đức, cách phía đông bắc Sài Gòn 14
cây số, gần xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Trường trung học
phổ thông Kiểu Mẫu thứ nhất cũng thuộc loại này đã xây
cất tại Huế và đã khai giảng từ năm 1964." Vả lại, kỷ
yếu Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức niên khóa đầu
tiên 1965 - 1966 tam ngữ Việt - Anh - Pháp (5)
hiện vẫn còn bảo lưu.
Thời
đó, hầu hết học sinh các trường phổ thông phải tuân theo
quy định về đồng phục: nam mặc áo trắng, quần xanh sẫm;
nữ mặc áo dài trắng. Riêng học sinh Kiểu Mẫu hơi đặc
biệt: nam mặc áo xanh da trời, quần xanh sẫm; nữ mặc áo
dài hoặc váy xanh da trời. Ấy là hình thức. Còn nội dung
và phương pháp học hành, thi cử của học sinh Kiểu Mẫu
có gì khác lạ?
Trước tiên, về
quy chế, trường Trung học Kiểu Mẫu không do Ty Giáo dục
quản lý như tất cả trường công lập, bán công và tư thục
trên địa bàn, mà trực thuộc Đại học Sư phạm. Tuy nhiên,
trường Trung học Kiểu Mẫu vẫn giữ quyền tự trị nhất
định: có ban giám hiệu độc lập và đội ngũ nhà giáo riêng
đạt trình độ chuyên môn xuất sắc.
Triết lý giáo dục
của trường Trung học Kiểu Mẫu dựa trên 3 nguyên tắc và
4 phương thức. 3 nguyên tắc: nhân bản, dân tộc, khai phóng.
4 phương thức: toàn diện, thích nghi, thực dụng, tân tiến.
Đường lối giảng
dạy mà Trung học Kiểu Mẫu chủ trương và áp dụng là chú
trọng việc hướng dẫn từng cá nhân. Do đó, sĩ số mỗi
lớp thường không quá 45 học sinh. Yêu cầu đặt ra: trang
bị cho học sinh một số kiến thức tổng quát tối thiểu
và phổ thông để sau đủ khả năng theo đuổi bậc đại
học, đồng thời cung cấp một số kiến thức thực dụng
giúp học sinh hiểu biết để lựa chọn nghề nghiệp phù
hợp trong tương lai hoặc bất đắc dĩ thì có thể mưu sinh
nếu chẳng may không tiếp tục được việc học ở trường
ốc.
Cần lưu ý rằng
nội dung chương trình giảng dạy của trường Kiểu Mẫu thường
xuyên được sửa đổi trên tinh thần linh động uyển chuyển
nhằm thích ứng kịp thời với những khám phá mới trong lĩnh
vực khoa học giáo dục Việt Nam và thế giới.
Từ thập niên 1960,
học sinh Trung học Kiểu Mẫu đã được làm quen tân toán
học, nhập môn lớp 6 liền "vui chơi" với lý thuyết tập
hợp của Georg Cantor (1845 - 1918) thông qua tập hợp rỗng và
tập hợp chứa ít nhiều phần tử với mấy mối quan hệ
giao hoặc hội được thể hiện trực quan bằng giản đồ
Venn. Các môn khác gồm Việt văn, sinh ngữ lẫn cổ ngữ (Anh,
Pháp, Hán), lịch sử, địa lý, vật lý, hoá học, vạn vật
(tức sinh học) cũng có nhiều đổi mới so với các trường
khác cùng thời, thể hiện qua bài học ngắn gọn với các
kiến thức cập nhật, đề cao suy luận sáng tạo hơn ghi nhớ
máy móc, chăm chú rèn giũa kỹ năng thí nghiệm và thực hành.
Học sinh Kiểu Mẫu còn học âm nhạc, hội hoạ, thể dục
thể thao, lại được huấn luyện thêm nhiều môn mà các trường
phổ thông khác không dạy như võ thuật, canh nông, chăn nuôi,
công kỹ nghệ, doanh thương, kinh tế gia đình.
Lề lối thi cử
của trường Kiểu Mẫu được cải tiến đáng kể: bãi bỏ
thi lục cá nguyệt (học kỳ), bãi bỏ hệ số các môn thi
cuối cấp (tú tài). Điều đó xuất phát từ quan niệm: cần
trang bị kiến thức nền một cách toàn diện và không xem
thi cử là quyết định tối hậu.
Hồi ấy, các trường
trung học chấm bài theo thang điểm 20, riêng Kiểu Mẫu không
dùng điểm số mà áp dụng điểm chữ: A (giỏi), B (khá),
C (trung bình), D (kém), L (loại / liệt). Đề thi nhập học
(tuyển sinh vào lớp 6 được áp dụng ngay từ niên khoá đầu
tiên), thi tú tài và cả nhiều bài kiểm tra bình thường ở
trường Kiểu Mẫu đều được soạn chủ yếu dưới dạng
trắc nghiệm với nhiều kiểu khác nhau: điền khuyết, chọn
lựa, trả lời vắn tắt, v.v.
Trung học Kiểu
Mẫu Huế niên khoá thứ nhì 1965 - 1966 đã có 12 lớp, 476 học
sinh, 30 nhà giáo, 12 nhân viên, với Hiệu trưởng Dương Đình
Khôi. Năm học kế tiếp, trường được 15 lớp, 492 học sinh,
37 nhà giáo, 12 nhân viên, với Hiệu trưởng Trần Hữu Long.
Niên khoá 1974 - 1975, nhà giáo Lê Bá Quân làm Hiệu trưởng
Trung học Kiểu Mẫu Huế. Kể từ năm học 1975 - 1976, Trung
học Kiểu Mẫu Huế chuyển tên thành Trung học Lê Lợi, do
nhà giáo Trần Kiêm Tiềm (anh ruột của nữ ca sĩ Hà Thanh)
làm Hiệu trưởng, tới mùa hè 1977 thì trường giải thể.
Trung học Kiểu
Mẫu Thủ Đức niên khoá đầu 1965 - 1966 có 8 lớp (gồm 4
lớp đệ thất và 4 lớp đệ lục), 280 học sinh, do nhà giáo
Dương Thiệu Tống làm Hiệu trưởng. Các vị Hiệu trưởng
tiếp theo của trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Nguyễn
Thị Nguyệt giai đoạn 1966 - 1969, Phạm Văn Quảng giai đoạn
1969 - 1972, Dương Văn Hoá giai đoạn 1972 - 1973, Huỳnh Văn Nhì
giai đoạn 1974 - 1975. Từ niên khoá 1975 - 1976, Trung học Kiểu
Mẫu Thủ Đức đổi tên thành Trung học Thực Dụng, tới
mùa hè 1981 thì cũng giải thể.
Nhiều
học sinh Kiểu Mẫu đã theo học đại học và sau đại học
ở trong lẫn ngoài nước, ngày nay đang cống hiến năng lực
ở bao lĩnh vực: giáo dục, y tế, báo chí, văn học nghệ
thuật, thể dục thể thao, giao thông vận tải, sản xuất
kinh doanh, v.v.
Thầy trò của Kiểu
Mẫu vẫn thường xuyên liên hệ để thăm nom giúp đỡ nhau
rất nghĩa tình, đã tổ chức một số đợt cứu trợ nạn
nhân bão lụt và trợ cấp học bổng, thực hiện các trang
web và ấn hành kỷ yếu, giai phẩm, đặc san (6),
v.v.
Kiểu Mẫu Huế
hội ngộ, liền vang vọng Kiểu Mẫu ca của Đặng Văn
Nhuận:
Trong lòng miền
Trung, Kiểu Mẫu ta hiên ngang
Hồn thiêng rền
vang tiếng nung nấu bao lòng trai tráng
Sức ta khơi
mạch nguồn, ý ta luôn trường tồn
Cho ngày mai huy
hoàng Việt Nam.
Kiểu Mẫu Thủ
Đức gặp mặt, vui tươi đàn hát Học sinh hành khúc
- bài ca chính thức của trường này được Lan Đài (7)
soạn nhạc, Bàn Thạch (8)đặt
lời:
Đây đoàn học
sinh lên đường cầm tay dưới nắng hồng
Reo lên vui tươi
kết đoàn cùng một tấc lòng
Xây dựng ngày
mai non Việt hạnh phúc tràn nơi nơi
Quốc dân no
ấm, thương yêu tấm tình đầy vơi.
Được biết thời
gian qua, Đại học Sư phạm Huế có lúc mong muốn tái lập
Trung học Kiểu Mẫu Huế để làm cơ sở thực tập lẫn kiến
tập, đồng thời làm nơi phát hiện và bồi dưỡng học sinh
năng khiếu. Vì muôn vàn lý do, kế hoạch đó đến bây giờ
vẫn chưa thể triển khai (9).
Quả thật, các
trường Trung học Kiểu Mẫu Huế, Thủ Đức, Cần Thơ thuở
nào vẫn là mô hình rất đáng tham khảo cho công cuộc chấn
hưng sự nghiệp giáo dục của nước nhà hiện nay. |