Showing posts with label Hải Phòng. Show all posts
Showing posts with label Hải Phòng. Show all posts

Tuesday 2 January 2024

Trích Lịch Sử Hải Phòng tập 3 (Nguyễn Văn Khánh chủ biên) từ trang 355 đến trang 358



 Trang 355:
Để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy, Bộ
Tổng tư lệnh, Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu Tả ngạn chỉ thị cho tỉnh
Kiến An tổ chức tập kích sân bay Cát Bi - một trong những sân
bay lớn nhất của Pháp ở Đông Dương nhằm triệt phá cầu hàng
không chủ yếu của địch tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ. Chấp hành chủ trương của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư
lệnh, chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn, ngay từ
tháng 7/1953, Tỉnh ủy, tỉnh đội Kiến An đã xây dựng phương án
tập kích sân bay Cát Bi.
Tập kích vào một căn cứ không quân thuộc loại lớn nhất của
địch ở Đông Dương, trong khi kinh nghiệm tác chiến của ta đối
với loại mục tiêu này chưa có, là một nhiệm vụ rất nặng nề đối
với quân, dân Kiến An. Nhưng với ý thức chấp hành mệnh lệnh
rất cao, từ tháng 7/1953, tỉnh đội đã huy động các chiến sĩ quân
báo đột nhập vào sân bay điều tra tình hình. Một mũi trinh sát
từ Đồ Sơn dùng thuyền vượt biển vào Đình Vũ, rồi từ đó vượt qua
bãi sình lầy vào sân bay. Nhưng do địa hình phức tạp, lương thực
hết và chưa tổ chức được cơ sở nên tổ phải rút ra ngoài. Một mũi
khác dựa vào xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy), ven đường 14 xây
dựng cơ sở, từ đó vượt sông Lạch Tray sang sân bay. Sau hơn
bảy tháng trời ròng rã với 36 lần đột nhập vào sân bay tiến hành
trinh sát thực địa, kết hợp với các nguồn thông tin khác, các
chiến sĩ quân báo của ta đã nắm được khá chính xác tình hình
địch, các vị trí, khu tập kết máy bay, tháp canh, quy luật tuần
tra, canh gác của chúng.

Trang 356:
Công tác xây dựng cơ sở các xã ven đường 14 để từ đó vượt
sông sang sân bay được Thường vụ Tỉnh ủy được giao cho huyện
Kiến Thụy phụ trách. Huyện ủy Kiến Thụy phân công hai đồng
chí Huyện ủy viên trực tiếp xuống các xã Tân Phong, Hợp Đức,
Hòa Nghĩa làm nhiệm vụ. Nhân dân đã hăng hái giúp đỡ bộ đội,
cung cấp tình hình địch. Nhiều gia đình đào hầm bí mật ngay
trong nhà để che giấu cán bộ, bộ đội. Riêng tại xã Hòa Nghĩa, 250
căn hầm bí mật đã được chuẩn bị cho 250 đồng chí tham gia trận
đánh theo phương án chiến đấu ban đầu.
Trong khi ta đang khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh thì
địch càn lớn. Chúng bắt được 2 đồng chí Huyện ủy viên phụ trách
việc chuẩn bị cơ sở. Các đồng chí đã hy sinh trước những đòn tra
tấn dã man của địch nhưng kế hoạch tác chiến vẫn được giữ bí
mật. Tiếp đến, trong một trận càn của địch, 2 chiến sĩ quân báo
và 1 du kích đã hy sinh.
Mặc dù bị địch càn quét khốc liệt, nhưng Tỉnh ủy xét thấy
kế hoạch tác chiến chưa bị lộ nên chủ trương tiếp tục đẩy mạnh
công tác chuẩn bị, đồng thời tổ chức tập kích sân bay Đồ Sơn để
rút kinh nghiệm cho trận Cát Bi.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Khu ủy, đêm 31/01/1954,
một phân đội bộ đội địa phương Kiến An tập kích vào sân bay Đồ
Sơn phá hủy 5 máy bay, đốt cháy 1 kho xăng của địch. Qua trận
tập kích sân bay Đồ Sơn, ta có thêm nhiều kinh nghiệm chuẩn bị
cho trận Cát Bi.
Yêu cầu của Khu ủy là phải phá hoại được ít nhất 50 máy
bay, đồng thời phải bảo toàn được lực lượng, bảo đảm thắng lợi cả
về quân sự và chính trị. Qua công tác nắm tình hình địch, nhất
là từ thực tiễn của cuộc tập kích sân bay Đồ Sơn, kế hoạch tập
kích sân bay Cát Bi đã kịp thời được điều chỉnh. Lực lượng ban
đầu dự kiến là 225 người - là những cảm tử quân, chấp nhận

Trang 357:
hy sinh, nay chỉ cần sử dụng 32 người. Đánh xong phải tổ chức
cho bộ đội vượt qua 3 con sông, vượt chặng đường dài 20km rút
nhanh về Tiên Lãng trước khi trời sáng. Các chiến sĩ đã tiến
hành luyện tập các phương án đánh địch dựa trên sơ đồ bố trí các
mục tiêu. Anh em phải thực hành “bôn tập” trong đêm tối trên
các cánh đồng chiêm trũng. Mỗi đêm phải chạy 30km, tốc độ phải
đạt 7km/h, phải tập bơi có mang theo vũ khí, và bảo quản tốt bộc
phá. Về cách tiếp cận mục tiêu, thời gian đầu do chưa hình dung
cụ thể về chiều cao máy bay, anh em tập chồng hai đến ba người
để có thể gắn bộc phá vào nơi quy định. Nhưng sau trận đánh vào
sân bay Đồ Sơn, ta đã xác định chính xác chiều cao máy bay cùng
các vị trí có thể gắn hoặc treo bộc phá. Công tác bảo đảm hành
quân, tác chiến và rút lui cũng được chuẩn bị chu đáo.
18 giờ ngày 05/3/1954, lực lượng tập kích sân bay Cát Bi dưới
quyền chỉ huy của đồng chí Lê Thừa Giao và đồng chí Đỗ Tất Yến
nhận lệnh xuất phát. Vị trí tập kết của đơn vị là xã Hòa Nghĩa.
Đêm 06/3/1953, từ xã Hòa Nghĩa đơn vị băng qua đường 14 sau
đó vượt sông Lạch Tray và vùng bãi lầy rộng 4 - 5km tiếp cận
sân bay.
1 giờ sáng ngày 07/3/1953, tiếng nổ của lựu đạn và bộc phá
bất ngờ vang dội sân bay Cát Bi. Một tiểu đội Âu - Phi đi tuần
và bọn lính canh gác khu vực máy bay đỗ bị tiêu diệt tại chỗ. Số
bom đạn địch chuẩn bị sẵn trong các máy bay bị nổ tung. Bọn
địch hoàn toàn bất ngờ trước đòn tiến công của ta. Chúng tập
trung hỏa lực bắn lên không trung. Mười phút sau chúng mới
phát hiện ra sân bay bị tập kích bằng bộ binh. Xe bọc thép của
địch gầm rú chạy vòng quanh sân bay, nhưng lực lượng ta đã rút
ra ngoài an toàn.
Suốt 17 tiếng đồng hồ, sân bay Cát Bi ngùn ngụt trong biển
lửa và tiếng nổ dữ dội. Nhiều máy bay địch bị phá hủy.


Trang 358:
Chiến thắng to lớn ở Cát Bi có ảnh hưởng vang dội đến chiến
trường cả nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của
quân và dân ta. Ngược lại, quân địch bị một đòn sấm sét bất ngờ
ở Cát Bi càng thêm hoang mang, bối rối, càng thêm khó khăn
trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường, nhất là chiến
trường Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt,
phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ của quân và dân cả nước. Chiến thắng Cát Bi là
kết quả của một quá trình chuẩn bị và tổ chức chiến đấu hết sức
công phu, đầy hy sinh, gian khổ của quân, dân Hải Phòng - Kiến
An. Chiến thắng Cát Bi là cơ sở thực tiễn đầu tiên để hình thành
cách đánh dùng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, luồn sâu, đánh
hiểm của bộ đội binh chủng đặc công Quân đội nhân dân Việt
Nam sau này.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về chiến thắng Cát Bi, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân
bay danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” và Huân chương Quân công
hạng Nhất. Đồng chí Tỉnh đội trưởng Kiến An và hai chiến sĩ
quân báo được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh được tặng thưởng
Huân chương Chiến sĩ (Huân chương Chiến công) hạng Nhất.