Showing posts with label thuật ngữ cơ khí. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ cơ khí. Show all posts

Thursday 28 June 2012

Kìm công lực là cái gì?



Kìm (kềm) cộng lực là loại kìm cắt sắt thép có hai cán dài. Có thể một người nào đó đánh máy nhanh, bỏ sót dấu nặng thành ra kìm (kềm) công lực rồi rồi vì nhiều người không hiểu cái nguyên lý cơ học trong từ cộng lực, tai quen nghe công lực của phim võ hiệp hơn nên càng ngày càng có nhiều người viết kìm (kềm) công lực mà không thấy chướng nữa.

Thursday 29 December 2011

Bông tu là cái gì?

Trong ngành ô tô - xe máy, bông tu là cây kim của bộ chế hòa khí (bình xăng con). Khi đầu cao su của bông tu bị chai, bông tu đóng không kín thì xe bị chảy xăng. Bông tu này là từ gốc Pháp (pointeau de carburateur). Nó còn hai dạng khác trong tiếng Việt là poăng tupông tu

 Thanh thép nhọn dùng để lấy dấu trên chi tiết cơ khí cũng được một số thợ lớn tuổi gọi là bông tu / pông tu / poăng tu. 

Monday 14 November 2011

Tăng đơ là cái gì?

Bộ phận dùng để căng dây xích/sên nay gọi là bộ tăng sên, xưa gọi là tăng đơ, do ảnh hưởng của tiếng Pháp (tendeur de chaîne).

Thiết bị điều chỉnh sức căng dùng để chằng buộc hàng hóa, các công trình như cột điện, trạm phát sóng.. cũng được gọi là tăng đơ: tăng đơ chữ U (tiếng Pháp là tendeur en U),  tăng đơ dạng khung (tiếng Pháp là tendeur à lanterne), tăng đơ cáp (tendeur de câble)...

Một số người, thường là người Nam, không nói tăng đơ mà phát âm là tăng đưa, tức là dùng một nguyên âm đôi trong tiếng Việt để thể hiện trường độ của nguyên âm /œ/ trong âm tiết thứ hai của từ tiếng Pháp (–deur). 

Sunday 13 November 2011

Tại sao chỉ có tăng sên mà không có giảm sên?

Tăng trong tăng sên là một từ gốc Pháp (tendre, có nghĩa là căng) . Bản thân sên cũng là một từ gốc Pháp (chaîne, nghĩa là sợi xích của xe đạp). Tăng sên là căng sợi xích. Một số người hiểu tăng sêntăng cái gì đó, sức căng chẳng hạn, cho sợi xích nên ngược với tăng sên phải là giảm sên. Nhưng số người này không nhiều. Vì vậy người ta vẫn nói tăng sên mà không mấy ai nói giảm sên.

Tuesday 11 October 2011

Cây ắc là cây gì?



Ắc, còn gọi là cây chốt, là từ của dân cơ khí, chỉ một chi tiết máy hình đoạn thẳng làm trục cho một hoặc nhiều chi tiết khác quay quanh. Từ nguyên dân gian giải thích rằng khi cây chốt gãy thì xe kêu “ặc ặc”. Thật ra ắc là một từ gốc Pháp (axe), có nghĩa là trục.

Thursday 6 October 2011

Vên là cái gì?

Từ bielle của tiếng Pháp nghĩa là thanh truyền, vào tiếng Việt thành biên (ở phía Bắc) và vên/dên ở phía Nam. Từ điển Hoàng Phê (2006:62) có biên, không có vên. Từ điển Lê Văn F9ức (1970b:1765) có vên, không có biên. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999) có cả biênvên.

Tuesday 27 September 2011

Mô bin là cái gì?


Từ bobine của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành bô bin: bô bin đánh lửa (bobine d’allumage) ; bô bin sơ cấp (bobine primaire)... Bô bin có một biến thể là mô bin :
Đặc biệt Khanh đã hợp lý hóa các thao tác trong công nghệ dệt, phân loại môbin thu hồi để tái sản xuất. (Triệu Xuân, 2007:67)
Hiện tượng chuyển đổi này không có gì khó hiểu: /b/ và /m/ đều là âm môi hữu thanh.

Friday 23 September 2011

Có bao nhiêu từ bót gốc Pháp?



Có năm từ bót gốc Pháp.

Từ bót thứ nhất có nguyên từ là poste, giống đực, nghĩa là cái đồn : bót cảnh sát (tiếng Pháp là poste de police), bót gác (poste de garde), bót cút lít (poste de police)... Từ bót này hiện nay được xem là từ cũ.  Ở cửa ngõ thị xã Pleiku ngày xưa có đặt một trạm kiểm soát nên người ta gọi chỗ đó là ngã ba bót công trôn (poste de contrôle), sau này là ngã ba Phù Đổng.
Từ bót thứ hai cũng có nguyên từ là poste, nhưng giống cái, nghĩa là bưu điện. Từ bót này chỉ còn dấu vết trong địa danh Kinh Bót (arroyo de la Poste). Đó là con kinh bưu điện thời Pháp, làm nhiệm vụ vận chuyển thư tín từ Sài Gòn qua Tân An, về Mỹ Tho. Con kinh này về sau được đổi tên thành Bảo Định Hà, tức là kinh Bảo Định.
Từ bót thứ ba có nghĩa là cái bàn chải. Gốc Pháp của nó là brosse. Bót đánh răng (brosse à dents) hay cái bàn chải đánh răng cũng là một thứ.
Từ bót thứ tư chỉ cái ống để cắm thuốc hút. Nó là kết quả mượn âm yếu tố porte trong một số từ ghép tiếng Pháp: bót thuốc lá (porte-cigarette), bót xì gà (porte-cigare).
Từ bót cuối cùng là từ của dân cơ khí. Gốc Pháp là boîte.  Bót lái/bót số (boîte de vitesse), chính là hộp cơ cấu lái trong ô tô

Thursday 15 September 2011

Tua bin có phải là từ gốc Nga không?

Tua bin gần với âm Nga (турбина) hơn cả, nhưng nó là từ gốc Pháp (turbine). Nó xuất hiện từ trước 1945 trong Danh Từ Khoa Học (Hoàng Xuân Hãn,  1959:182) và được ghi nhận trong các từ điển xuất bản ở miền Nam trước 1975 (Thanh Nghị, 1967:1264).

Sunday 28 August 2011

Xi lanh có phải là ống tiêm (ống chích) hay không?

Từ điển chỉ có xi lanh (gốc Pháp là cylindre) rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí với nghĩa là một chi tiết máy hình ống (Thanh Nghị, 1967:1515, Nguyễn Như Ý, 1999:1860, Nguyễn Kim Thản, 2005:1848, Hoàng Phê, 2006:1149): xi lanh liền khối (tiếng Pháp là cylindre monobloc) ,  xi lanh phanh (hay xi lanh thắng, tiếng Pháp là cylindre de frein), mét xi lanh (tiếng Pháp là maître-cylindre)...
Khoảng chục năm gần đây xi lanh được nhiều người, trong số đó có các nhà văn, dùng với nghĩa là ống tiêm (ống chích):
* Mẹ lấy xi lanh đã khử trùng sẵn, chẳng cần đèn đóm, mẹ bảo con giơ đùi ra ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn đường hắt vào. (Lữ Huy Nguyên & Chu Giang, 1998e:92, Y Ban)
* Hành trang của Minh là chiếc ba lô bạc màu của Giang gửi lại, trong đó ngoài mấy bộ quần áo, một bộ sách để ôn thi đại học còn có một hộp thuốc chống say xe, một chiếc xi lanh với một lọ bông cồn. (Chu Thị Phương Lan, 2006:133)
* Anh dốc nó vào xi-lanh với một ít nước đã vô trùng. (Trần Thanh Hà, 2007:111)
Ống tiêm có một từ gốc Pháp đồng nghĩa là xơ ranh (seringue). Từ này bị xung đột đồng nghĩa với ống tiêm ở phía Bắc và ống chích ở phía Nam, không đủ sức cạnh tranh và trên thực tế đã bị loại khỏi các văn bản chính thức.
Phần đông người Việt ngày nay không biết tiếng Pháp, do đó không thể nhìn ra sự liên hệ giữa xơ ranh của tiếng Việt với seringue của tiếng Pháp. Trong khi đó ranhlanh rất dễ phát âm lẫn lộn vì /r/ và /l/ đều là các âm lỏng (như người ta vẫn gọi đinh tán – tiếng Pháp là rivet - là đinh ri vê hay đinh lê huê đều được). . Cái ống tiêm lại trông rất giống một cái xi lanh, gồm một ống hình trụ và một pít tông bên trong. Bởi vậy gọi ống tiêm là xi lanh có vẻ rất hợp lý.

Saturday 27 August 2011

Lên cốt là làm gì?

Cốt (tiếng Pháp là cote) là chỉ số kích thước của xi lanh.
Xe chạy một thời gian thì ma sát giữa bạc xéc măng, pít tông với xi lanh làm cho các bộ phận này bị mài mòn, tạo ra khoảng hở. Hậu quả là sức nén của động cơ bị yếu, nhớt trào lên buồng đốt nên phải thay bạc xéc măng. Có khi phải thay cả xi lanh, bạc, pít tông, rất tốn kém.
Để cho đỡ tốn kém, khi xi lanh bị hở, người ta đưa ra tiệm cho thợ doa xoáy nòng (gọi là lên cốt, tiếng Pháp là majorer les cotes) và thay bạc, pít tông mà không cần thay xi lanh mới.  Chưa lên cốt lần nào là cốt tăng đa (tiếng Pháp là cote standard) . Xoáy xi lanh lần đầu là cốt 1. Lên đến cốt 4 là hết cốt, phải thay xi lanh mới.