by An Chi on Tuesday, July 3, 2012 at 11:14pm ·
Huệ Thiên
Trong bài «Về mối quan hệ nguồn gốc của các ngôn ngữ Việt Mường» (Ngôn ngữ, số 1, 1979, tr. 46-58), Phạm Đức Dương đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng hầm bà làng (theo cách ghi của ông – HT) là một từ tiếng Việt chính tông và nó có thể được «phục nguyên» thành *[mblań]. Theo ông, ba tiếng trên đây vốn chỉ là một từ đơn âm tiết trong đó [m] là một âm vị phụ, cũng gọi là «siêu âm vị», có tính chất tiền mũi; [b] là phụ âm đầu; [l] là âm vị phụ đứng sau phụ âm đầu; [a] là nguyên âm chính; còn [ń] là phụ âm cuối, chữ quốc ngữ viết thành ng. Chỉ về sau nó mới tách ra làm ba tiếng: yếu tố tiền mũi trở thành hầm, phụ âm đầu trở thành bà và phần còn lại trở thành làng. Sự thật có đúng như thế không?
Một sự phân tích như trên rõ ràng là rất thông thái nhưng nó làm cho người ta phải ngạc nhiên vì«hầm bà làng» không phải là tiếng Việt. Đó là tiếng Quảng Đông. Ghi thật chính xác bằng chữ quốc ngữ Việt Nam thì đó là hằm pà làng và hằm pà làng có nghĩa là hết thảy, tất cả. Thí dụ: Hằm pà làng kẻj tố là «hết thảy là bao nhiều?» – Hằm pà làng xám pạc lục xặp mắn là «hết thảy (là) ba trăm sáu mươi đồng», v.v... Đây là một cụm từ đặc biệt, riêng của phương ngữ Quảng Đông mà cả Hán ngữ văn ngôn lẫn phương ngữ Bắc Kinh đều không có. Chính vì thế mà người ta đã phải ghi nó bằng thứ chữ gọi là tục tự Quảng Đông.
Tục tự Quảng Đông có thể so sánh với chữ Nôm của Việt Nam nhưng không làm thành một hệ thống độc lập và đầy đủ vì đại đa số các tiếng của phương ngữ Quảng Đông đã ứng với những chữ sẵn có trong cái kho chữ Hán đồ sộ rồi. Những tục tự này chỉ được đặt ra để ghi những đơn vị từ vựng nào không có chữ Hán tương ứng hoặc không còn được xem là có chữ Hán tương ứng nữa mà thôi. Cũng như trong chữ Nôm một tiếng có khi có thể được ghi bằng mấy chữ khác nhau, ba tiếng hằm pà làng cũng đã được ghi bằng nhiều cách. Chẳng hạn, Thi Đạt Chí thì ghi 冚罷爛 (Nghiên cứu chữ Hán, Chợ Lớn. Không ghi năm, tr. 17) còn Hà Thủ Văn thì ghi 含吧囒 (Việt Quảng ngữ đối chiếu, Chợ Lớn, 1965, tr. 33, mục cả thảy).
Từ nguyên của yếu tố hằm trong cụm từ đang xét vẫn còn hoàn toàn rõ ràng: hằm chính là âm Quảng Đông của chữ 含 mà Hà Thủ Văn đã dùng, đọc theo âm Hán Việt hiện đại là hàm, có nghĩa là bao gồm, chứa đựng. Còn pà làng thì sao? Một sự quan sát tỉ mỉ từ vựng của tiếng Quảng Đông cho thấy nó có một số yếu tố gốc Mã Lai. Riêng pà làng có thể bắt nguồn từ tiếng Mã Laibarang mà nghĩa gốc là đồ dùng. Trong tiếng Indonesia hiện nay, barang barang (số nhiều) là của cải, đồ đạc, dụng cụ, hành lý, ... ; barang bahan là nguyên liệu; barang makanan là thực phẩm;barang pakaian là áo quần; v.v... Tiếng Quảng Đông không có [b] và [r] nên đã thay thế hai phụ âm này bằng [p] và [l]. Vì vậy mà nó đã Quảng Đông hóa barang thành pà làng cũng như nó đã nói Bà Rịa thành Pà Lịa. Vậy hằm pà làng có nghĩa gốc là bao gồm đủ thứ đồ đạc, rồi sau một quá trình hư từ hóa, ngày nay nó mới có nghĩa là hết thảy, tất cả.
Nhưng dù từ nguyên của cụm từ hằm pà làng do chúng tôi trình bày có là đúng hay là sai thì điều sau đây vẫn là chắc chắn: hằm pà làng là tiếng Quảng Đông. Điều này thì người Việt ở Sài Gòn - Chợ Lớn hầu như ai cũng biết. Trong khẩu ngữ, nhất là trong lời nói vui, thỉnh thoảng họ vẫn dùng mấy tiếng hằm pà làng với ý thức rõ ràng là mình đang dùng «tiếng Tàu».
Tiếng Việt có thành ngữ trăm thứ bà giằn mà Từ điển tiếng Việt 1992 giảng là «nhiều thứ linh tinh, lôi thôi». Chúng tôi cho rằng thành ngữ gốc vốn là trăm thứ bà *rằng trong đó bà *rằngcũng bắt nguồn từ tiếng Mã Lai barang và đương nhiên cũng có nghĩa là đồ dùng. Vậy trăm thứ bà *rằng là trăm thứ đồ đạc, đủ thứ đồ đạc. Do nghĩa gốc này mà có nghĩa thông dụng mang thêm sắc thái chê bai, phàn nàn hiện nay như đã trích dẫn trên đây. Hình thức gốc trăm thứ bà *rằng đã bị từ nguyên dân gian biến thành trăm thứ bà giằn một phần do sự lẫn lộn khá phổ biến giữa r với gi, một phần do ảnh hưởng của bà giằn một biến thể phương ngữ của bà chằn có nghĩa là người đàn bà xấu xí, hung dữ. Trong thành ngữ trăm thứ bà *rằng, thoạt đầu bà *rằng đã biến thành bà *giằng, sau đó bà *giằng mới biến thành bà giằn; từ đây ta mới có hình thức trăm thứ bà giằn như hiện nay. Điều đáng chú ý là trăm thứ bà giằn rất gần nghĩa với hằm pà làng.
Tóm lại, theo chúng tôi, pà làng của tiếng Quảng Đông và bà giằn < bà *giằng < bà *rằng của tiếng Việt đều bắt nguồn từ tiếng Mã Lai barang có nghĩa là đồ dùng. Sự xuất hiện của mỗi từ trong từng thứ tiếng trên đây là kết quả của những cuộc giao thương thời xưa đã từng diễn ra ở miền duyên hải Quảng Đông và Bắc Việt Nam; tại đó và trong những dịp đó, tiếng Quảng Đông và tiếng Việt đã thường xuyên tiếp xúc với tiếng Mã Lai. Danh từ barang hẳn phải là một danh từ mà cả người nói tiếng Việt lẫn người nói tiếng Quảng Đông thời ấy đã từng nghe thấy rất nhiều lần và chính họ cũng đã phải dùng đến. Có thể là vào thời xa xưa đó, barang đã từng có nghĩa là hàng hóa nữa. Và tần số sử dụng của nó ngay cả trong tiếng Việt lẫn tiếng Quảng Đông hẳn cũng phải cao. Có thế nó mới nhập tịch được vào từ vựng của hai ngôn ngữ này mà tiếp tục tồn tại mãi cho đến tận ngày nay. ●
* Đăng lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay, số 87, ngày 1-7-1992.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 201-204.
No comments:
Post a Comment