Monday, 9 July 2012

Ông Bùi Trọng Liễu muốn chờ đợi đến bao giờ?


Ông Bùi Trọng Liễu trong bài Có nên trả cho tên gọi “tiến sĩ” vị trí cũ của nó (http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tien-si-xua-va-nay/) cho rằng dịch docteur sang tiếng Việt thành tiến sĩkhông biết thực chất cái học vị docteur là gì:
Tên gọi tiến sĩ (Hán học) tồn tại đến năm 1919 (Khải Định năm thứ 4), khoa thi hội thi đình Hán học cuối cùng triều Nguyễn dưới thời Pháp thuộc; Hán học chấm dứt từ đó. Sau đó, một số người Việt Nam sang Pháp du học, rồi làm luận án, bảo vệ để có được học vị “docteur” (trong các ngành không phải là Y): học vị đó, vào những khoảng năm 1920, 30 trở đi được dịch là “tiến sĩ” (trong ngành Y thì dịch là “bác sĩ”), có lẽ vì với một số người Việt Nam, đó là tên gọi học vị cao nhất. Vì trót dịch như thế rồi, thì thành ra thói quen, chứ trên thực tế, cách học, cách đào tạo, tiến hành thi cử hoàn toàn không có gì liên quan với nhau cả.
Sự ngộ nhận nếu có, không phải là đối với người Việt Nam và cũng không phải đến những năm 1920, 30 mới xảy ra. Génibrel (1898:753) đã dịch tiến sĩ docteur. Trước đó, Le Grand de la Liraye (1868:145) thì ghi tiến shĩ / tấn shĩdocteur. Trước đó nữa Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị in năm 1838 dịch tiến sĩ sang tiếng La Tinh là doctor (Taberd, 2004:518) Lúc đó chưa người Việt nào nhìn thấy mặt mũi cái bằng doctorat ra sao. Các ông Tây thế kỷ 19 thừa biết tiến sĩ Việt khác với docteur Tây, nhưng họ đã tham khảo học chế của nhiều nước trong khu vực để xem tiến sĩ tương đương với docteur chứ không phải là licencié hay agrégé hay bất cứ cái gì khác.
Sự ngộ nhận chỉ xảy ra ở người ít học, ít chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn, nhất định đem cái hiểu biết hạn hẹp của mình ra dạy khôn cho thiên hạ, vừa dạy vừa kêu trong khi chờ đợi một sự thay đổi, tôi vẫn phải dùng từ ngữ như hiện nay, dù nó phi lý. Người trong nước không ngu si đến nỗi đụng đâu thay đó mỗi khi một vị khoa bảng Việt kiều thắc mắc về từ ngữ mà không biết hỏi ai, đọc sách nào.
Ông Bùi Trọng Liễu làm ra vẻ rất nghiêm túc:
Tôi đặt câu hỏi và không có ý “kiến nghị tiếu lâm”, vì phải vô trách nhiệm lắm mới đem việc trọng đại của dân tộc (giáo dục đào tạo) ra làm chuyện đùa bỡn, trong cách phát biểu, hay hơn thế nữa, trong cách tiến hành.
Không kiến nghị tiếu lâm, không vô trách nhiệm thì là gì?

2 comments:

  1. Ông Bùi Trọng Liễu mà tác giả nhắc đến ở đây, phải chăng là giáo sư Bùi Trọng Liễu, người có trang buitronglieu.net?
    Nếu đúng thì Gs Liễu đã qua đời.

    ReplyDelete
  2. Khi viết bài này, tôi chưa biết ông Bùi Trọng Liễu đã đi xa. Nhưng tôi không sửa cái tựa vì đó là câu hỏi dẫn đến các ý đã trình bày trên đây.

    ReplyDelete