Friday, 11 May 2012

Được và bị cứ phải là dấu hiệu của thái bị động sao?


Năm 1992 ông Cao Xuân Hạo dạy ngữ pháp chức năng cho khóa 1 cao học ngôn ngữ học so sánh (Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh). Lần đầu tiên tôi được nghe giảng rằng tiếng Việt không có cái gọi là (dạng) bị động (thuật ngữ hiện nay là thái bị động, tiếng Pháp là voix passive). Thời ấy ảnh hưởng của các quan điểm “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) còn rất mạnh.. Cứ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga có món gì là các nhà ngữ pháp nước ta tìm được ra ngay món ấy trong tiếng Việt. Tiếng Tây có động từ bị động, câu bị động... tiếng Việt chẳng lẽ chịu kém? Nhưng ông Hạo lại lội ngược dòng:

-Ý nghĩa từ vựng của đượcbị rõ ràng lắm. Ông (quên mất tên, hình như là Emeneau hay Thompson gì đấy), ông ấy dịch đượcenjoy, bịsuffer. Có gì giống với câu bị động của tiếng Pháp, tiếng Anh đâu?

Ý kiến này về sau được một người học trò của ông là chị Nguyễn Thị Ảnh phát triển thành bài “Tiếng Việt có thái bị động không?” đăng ở tạp chí Ngôn Ngữ năm 2000. Nhưng đó là chuyện mãi chục năm về sau.  Rồi hơn chục năm sau nữa đây đó vẫn còn người cho rằng tiếng Việt phải có thái bị động cho bằng chị, bằng em. Cứ như là ngữ pháp tiếng Việt hai mươi năm qua không tiến được bước nào. Xem ra cái não trạng đòi vát gọt bàn chân Việt cho vừa chiếc giày Tây vẫn sống rất khỏe. Tự nhiên nhớ đến thầy Hạo khi ông nhận xét quyển Le parler vietnamien của Lê Văn Lý:
-Sai được như thế là khó lắm!

Trừ khi người ta cố tình sai.

No comments:

Post a Comment