Tuesday, 29 May 2012

Thấy gì qua số phận của từ pa?


Trong một tác phẩm xuất bản cách đây chưa lâu, Tô Hoài (2006g:107) có câu :
Anh ra đi với em vài pa.
Người Việt hiện nay chỉ có thể dựa vào ngữ cảnh để phỏng đoán  ý nghĩa của từ pa. Đứng một mình chữ ấy (có muốn) hoàn toàn trong sáng, và trong sạch cũng không được vì không có từ điển tường giải nào thu nhận nó để giảng cho ta biết cái nghĩa trong sáng và trong sạch của nó là gì. Chỉ dân sành ăn chơi, thạo nhảy đầm biết nghĩa của pa và nếu không là dân học tiếng Pháp, thì chắc không biết gốc của nó là từ pas, nghĩa là bước.
Lạ một điều là từ pa đã có mặt trong quyển từ điển Nga Việt xuất bản ở Mát-xcơ-va hơn ba mươi năm trước. Alikanôv (1977b:9) đã dùng từ này để dịch từ па của tiếng Nga.
Phải chăng па vì của tiếng Nga nguyên là pas của tiếng Pháp được nhập vào qua đường mượn âm mà các nhà biên soạn từ điển Nga Việt ở Mát-xcơ-va nghĩ là tiếng Việt cũng nên phiên thành pa? Nếu trong tay các soạn giả ấy không có quyển từ điển Việt nào và cũng không có tác phẩm nào sử dụng từ pa thì pa phải được xem là một từ tân tạo, mượn âm tiếng Nga.
Tuy nhiên ta cũng biết là trong ba người đứng tên tác giả từ điển Nga Việt có ít nhất một người Việt là ông Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội tỵ nạn ở Liên Xô từ năm 1964. Ông này lấy bút danh là Alikanôv. Ông Nguyễn Minh Cần, tức Alikanôv, có thể biết từ pa từ khi còn ở Việt Nam. Các đồng soạn giả kia có thể cũng biết hoặc có thể không. Nhưng dù tất cả cùng biết hay chỉ một người biết thì họ chỉ có thể biết qua khẩu ngữ của dân nhảy đầm và có học chữ Pháp. Vậy vì lý do gì một từ chưa được chính thức chấp nhận trong các từ điển của Việt Nam lại được đưa vào từ điển Nga Việt?

No comments:

Post a Comment