Friday 25 May 2012

Giải phóng là từ của ai?


Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) chưa có giải phóng. Ít năm sau đó từ giải phóng được mượn từ tiếng Trung Quốc và xuất hiện trong các từ điển Pháp Việt để dịch các từ émanciper, délivrer, libérer... (Đào Duy Anh, 2005:293; Đào Duy Anh, 1950:943; Gustave Hue 1937:326): libérationsự giải phóng, libérateurngười giải phóng, guerre libératricechiến tranh giải phóng... Trong thời gian đất nước có chiến tranh các từ điển song ngữ và từ điển tường giải ở cả hai miền đều đối xử với giải phóng như một từ bình thường của tiếng Việt.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân lịch sử, từ giải phóng được thâm dụng ở miền Bắc và các vùng do chính phủ lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát. Trong các vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, từ này hầu như không có dịp xuất hiện trừ khi cần phải nói về đối phương (Mặt Trận Giải Phóng). Từ giải phóng vì thế mà trở thành từ của Việt Cộng. Cũng như các dấu hiệu nhận dạng cá nhân trên thẻ căn cước, người ta có thể dựa vào tần số xuất hiện của từ giải phóng mà biết được tác giả hay tác phẩm đó thuộc về Việt Cộng hay không.
Phải chăng vấn đề ở đây chỉ là vấn đề cách sử dụng. Nghĩa là ở ngữ cảnh. Chỉ ở ngữ cảnh? Từ giải phóng hiển nhiên là từ của Việt Cộng trong các tổ hợp Mặt Trận Giải Phóng, bộ đội giải phóng, anh Giải Phóng, ngày giải phóng miền Nam... nhưng khi ở trong các ngữ cảnh khác như giải phóng kho bãi, giải phóng mặt bằng, giải phóng mặt đường... chẳng liên quan gì đến Việt Nam Cộng Hòa cả thì có hết chất Việt Cộng được không? Việt Cộng dùng từ giải phóng một cách thoải mái hơn nửa thế kỷ qua trong khi những người chống Cộng không muốn dùng nó và cũng không có dịp để dùng. Bỗng dưng người Mỹ đứng ra tiến hành hai, ba cuộc chiến tranh giải phóng, thế là vốn từ của người chống Cộng tự nhiên hẫng hụt. Không dùng từ giải phóng thì quả thật:
 Không có chữ gì khác. Dùng riết, trong bối cảnh ấy, chữ “giải phóng” bỗng trở lại nguyên nghĩa của nó. Mà như thế, kể cũng phải. Đứng một mình, chữ ấy hoàn toàn trong sáng. Và trong sạch.
Từ ngữ nào đứng được một mình, có nghĩa một mình, không cần đến ngữ cảnh và không cần đến bối cảnh xã hội? Thôi thì cứ cho là từ giải phóng do các học giả đầu thế kỷ 20 chứ không phải Việt Cộng tạo ra nhưng nếu Việt Cộng không cố công giữ gìn từ giải phóng trong hơn nửa thế kỷ qua thì bây giờ các ông ấy lấy đâu ra từ ngữ để dùng và để người khác có thể hiểu được các ông ngay? Không ai lạ gì số phận của những từ ngữ bị Việt Cộng chê, không dùng: xuất tiến tuyến, đường thông thủy, trường võng mạc... Vậy có gì đáng xấu hổ khi phải sử dụng từ ngữ của Việt Cộng? Việc gì phải chối?

No comments:

Post a Comment