Wednesday, 16 May 2012

Kí ninh là từ gốc Pháp hay gốc Hán?


Đào Tiến Thi (2010) trong bài “Bàn tiếp về chuyện i ngắn y dài” cho rằng kí ninh là từ mượn âm Hán Việt nhưng gốc Ấn Âu. Từ quinine trong tiếng Pháp, tiếng Anh ứng với 奎寧tiếng Trung, âm Hán Việt là khuê ninh, không phải kí ninh. Không có văn bản nào cho thấy người Việt mượn âm kí ninh từ sách vở Trung Quốc.
Kí ninh xuất hiện trong tiếng Việt trước năm 1922:
 Nhà nước có lệ phát các thứ thuốc (như nước rửa mắt, tanh-tuya-ri-ốt, kí-ninh) không lấy tiền, Ấu-trĩ-viên dược viện theo lẽ ấy.
Nam Phong Tạp Chí số 61 (1922:4)
Theo ví dụ trên thì có vẻ như là  kí ninh được phiên âm từ tiếng Pháp cùng loạt với tanh-tuy-ri-ốt (teinture d’iode).
Ấy là khoa y-học Âu-tây ngày nay đã vào thời-kỳ phát-đạt lắm; biết bao nhiêu nhà bác-học đã chịu lao-tâm tổn-trí để nghiên-cứu mà bệnh phong cũng chưa thể trị được một cách hoàn-hảo, vì chưa tìm được thứ thuốc nào chuyên-trị công-hiệu như thuốc “ký-ninh” trị bệnh “sốt-rét”, thuốc “thủy-ngân” (水銀) và thuốc “thạch-tín” (石信) trị bệnh “dang-mai” vậy.
Nam Phong Tạp Chí số 80 (1924:107, Đỗ Uông)
Nếu ký-ninh được mượn từ tiếng Trung Quốc, có lẽ Đỗ Uông đã kèm chứ Hán bên cạnh như đã làm với các từ thủy ngânthạch tín.
Quinine có lúc được phiên âm khá sát là kí-nin:
 Người Mường ở đất Mường chưa hiểu phép vệ-sinh, ít khi dùng kí-nin mà nào có mấy khi kêu sốt-rét. Nam Phong Tạp Chí số 95 (1925:436, Nguyễn Văn-Ngọc)

No comments:

Post a Comment