Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:269) định nghĩa đĩ là hạng đàn bà làm nghề rước khách làng chơi. Đến Thanh Nghị (1967:875) đĩ vẫn là gái chơi bời, gái rước khách đàn ông để lấy tiền. Lê Văn Đức (1970a:445) định nghĩa đĩ là điếm, đàn bà làm nghề bán dâm cho khách làng chơi. Gần đây hơn là Nguyễn Kim Thản (2005:555), đĩ vẫn là người đàn bà làm nghề mại dâm và đĩ điếm là phụ nữ làm nghề mại dâm, nói chung. Hoàng Phê (2006:315) lịch sự hơn thì đĩ là người phụ nữ làm nghề mại dâm.
Người xưa có câu:
Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh đàn bà.
Nhưng đó là chuyện đời xưa. Từ nhiều năm nay ai cũng biết là không chỉ có đàn bà bán dâm cho đàn ông mà có cả đàn ông bán cho đàn bà, đàn bà bán cho đàn bà và đàn ông bán cho đàn ông. Vậy tại sao từ điển vẫn không thoát nổi nguyên nghĩa?
Với tư cách là một công cụ chuẩn hóa, từ điển góp phần củng cố một cấu hình tư tưởng được các lực lượng thống trị xã hội ủng hộ. Các quan hệ xã hội (trong đó có quan hệ giữa người bán và người mua trên thị trường nhục dục) bị ép phải lọt qua cái khuôn mẫu đã được từ điển định sẵn, trước khi chạm đến ý thức của người sử dụng ngôn ngữ . Ý thức vì vậy không thể phản ánh hiện thực một cách chân thực. Nhưng đó là cái ý thức mà thế lực thống trị xã hội mong muốn.
Còn mày, mày là con cái đứa đánh đĩ thập phương, là con thằng khố rách áo ôm, cu-li poóc-tê. (Ma Văn Kháng, 2003V:535)
Cái đứa đánh đĩ thập phương chỉ có thể là phụ nữ. Vì vậy khi Ngọc Trinh, nữ hoàng nội y, tuyên bố Tôi còn phải chừa một phương lấy chồng chứ, người ta liên tưởng ngay lập tức đến nghề làm đĩ mặc dù có thể cô không làm nghề ấy. Đây không phải là thiên hạ ghen ăn tức ở gì với cô người mẫu. Chẳng qua chỉ vì chưa đến lúc việc bán dâm được xem như một nghề nghiệp chân chính và Ngọc Trinh lại phải thể hiện suy nghĩ trong khuôn khổ những từ ngữ khinh miệt chính phái tính của mình.
No comments:
Post a Comment