Tuesday, 19 July 2011

Từ ciment của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành từ gì?


Từ ciment của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành các từ sau đây xi măng, xi manh, xi mo, xi mon, xi mong, xi moon, xi moong, si mo, si mon, si mong, si moong. Trong số các từ này chỉ có từ xi măng là còn tồn tại đến ngày nay, được dùng phổ biến ở tất cả các loại văn bản trong mọi hoàn cảnh.
Người có công đưa xi măng lên địa vị này là Hoàng Xuân Hãn. Năm 1942 khi soạn quyển Danh Từ Khoa Học, ông đã quyết định phiên âm cimentxi măng cho gần với tiếng gốc mà không chọn các từ đã có sẵn trong dân gian như xi mo, xi mong... (Hoàng Xuân Hãn, 1959:xxxiii). 

Xi măng đã xuất hiện trước đó trên sách báo cùng với các dạng phiên âm khác:

 Sáng mồng 6, 7 giờ 15, tới bến Hải-phòng, tầu chạy đến đây là thôi, chỗ màn bắc cầu bằng xi-măng, vững-chãi sạch-sẽ, không như màn phà ở Nam và Hà-nội.
Nam Phong số 168 (1932:84, Nhàn Vân Đình)


Quyển từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh in trước quyển Danh Từ Khoa Học vài năm ghi cả hai dạng xi măngxi moong trong mục từ cimentTừ điển của Gustave Hue (1937:1164) chỉ ghi nhận dạng xi mo.
Bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn gặp các biến thể cũ của xi măng rơi rớt lại trong một số câu hát của dân gian:
Chợ Sài Gòn cẩn đá, chợ Rạch Giá cẩn xi-mon
hay:
Một thương tóc húi ca rê,
Hai thương cái nói bạc lề tự do.
Ba thương mặt trát xi mo, (Mặt trát xi mo là mặt đánh phấn rất dày).
Hay trong các tác phẩm tiền chiến in lại:
Nước bể rút xuống lúc khuya còn để lại gờ bến xây xi-moong những ngấn rêu và bùn nhầy nhụa. (Nguyễn Tuân, 2006c:181)

No comments:

Post a Comment