Chợ LớnLịch sử địa lý, kinh tế và văn hóaPhần 3
Nguyễn Đức Hiệp
Bến Chương Dương, Hàm Tử, Bình Tây, Bình Đông
Ngoài sông
Saigon thì con đường thuỷ quan trọng thứ nhì vùng Sài Gòn - Chợ Lớn là
Kinh Tàu Hủ (người Pháp gọi chung rạch bến Nghé và kinh Tàu Hủ là Arroyo
Chinois). Sau này có thêm một kinh chạy song song với Kênh Tàu Hủ, nối
với kinh Tẻ và rạch Bến Nghé ra sông Saigon gọi là Kinh Đôi.
Theo Vương Hồng Sển (4) thì :
“ Khảo
ra vì Rạch Chợ Lớn cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có
một con kinh rộng lớn hơn, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Vua hạ
lịnh cho đào Kinh Tàu Hủ. Phó Tổng Trấn Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý
(cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm Sai, hiệp với ông Tổng Thanh
Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm sáu chục nhơn công
(11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu
phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ Mão
(1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề
Thông (nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói
kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây =
576 x 9,5 = 5.472 m). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính
ra 0,32 x 8 x 15 = 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9
= 17m28). Mỗi bên kinh có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông
liền với đường sứ rộng sáu tầm. Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh
ấy là An Thông Hạ.
Nay ráp với đoạn Chợ Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hủ (Tài liệu rút trong Phổ Thông số 15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết). Theo bộ Gia Định Thông Chí của
ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua
địa đồ xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì
không thấy có con rạch nhỏ ấy.”
Cho tới các năm gần đây, dọc theo kinh Tàu Hủ là các bến tàu vẫn còn hoạt động : bến Chương Dương (Quai de Belgique), bến Hàm Tử (Quai Le Marne), bến Lê Quang Liêm (Quai de My Tho).
Từ khi khởi công xây đại lộ Đông Tây, các bến này dần biến mất và không
còn tàu ghé đến nữa. Các bến và cảnh quan chung quanh đã hầu như nhanh
chóng thay đổi toàn diện qua sự cải tiến về hạ tầng cơ sở lưu thông
đường bộ tương phản với sự thu hẹp mất dần giao thông đường thủy và một
số khu nhà ổ chuột dọc bên kênh. Nhà cửa ở các khu phố dọc bến và bên
trong cũng thi nhau biến dạng qua những kiến trúc tầng lầu tân thời, cao
thấp, rộng hẹp mỗi nhà một vẻ.
Trở lại cách
đây đúng 150 năm, ta hãy đọc những gì Leopold Pallu, một sĩ quan Pháp,
đã tả quang cảnh chung quanh bờ từ rạch Bến Nghé đến kênh Tàu Hủ vào năm
1861 trên đường vào Chợ Lớn như sau (17) :
“ Rạch
Bến Nghé - Kênh Tàu Hủ (Arroyo chinois), mà ta vẫn thường nghe khi nói
về Sài Gòn, rất có thể là rạch được đào hay ít nhất cũng là do tay người
cải tiến thành kênh cho tàu bè thông thương. Kênh tách ra theo một
hướng thẳng góc với sông Sài Gòn, mặt nước phẳng đều, rộng khoảng 100m,
ăn sâu vào phía trong vùng xứ sở. Rạch Bến Nghé - Kênh Tàu Hủ nối với
kênh Bà Bèo (Arroyo commercial, sau này gọi là kênh Tháp Mười nối
sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền, là kênh buôn bán thương mại chính giữa
Sài Gòn - Chợ Lớn với miền Tây. Từ kênh Tàu Hủ còn phải qua kênh Ruột
Ngựa đến sông Rạch Cát hay sông Chợ Đệm đến sông Vàm Cỏ trước khi đến
kênh Bà Bèo để đi qua sông Tiền, ghi chú người dịch) và họp với các kênh rạch khác tạo thành một đường giao thống huyết mạch, đổ vào sông Cambodge (tức Tiền Giang, ghi chú người dịch) mà tất cả thương mại ở miền Tây (basse Cochinchine) dựa vào.
Đi từ Saigon
vào rạch, dọc hai bờ vương lên nhiều chòm cây mãng cầu, cây mít, cây hoa
lài thơm ngát, cây lô hội và lau sậy. Cây cối bên bờ trái che khuất các
ruộng lúa mênh mông đến tận chân trời. Hàng cây bên bờ phải thỉnh
thoảng ở các khoảng cách hé lộ ra cho ta thấy được một miếu thờ nhỏ,
được dựng lên để thờ một vị thần quen thuộc của vùng, nhưng thường hơn
là những nhà xinh đẹp dễ chịu của người An Nam, các nhà này lợp ngói, có
các cây xương rồng làm hàng rào bao quanh kho xuyên qua được.
Một
con đường lớn được bảo trì khá tốt, rộng như một tỉnh lộ ở Pháp, được
các cây xinh đẹp che làm bóng mát, chạy song song dọc với rạch Bến Nghé -
kênh Tàu Hủ, chỉ cách bờ rạch khoảng 200m.Đó là một đoạn của con đường
từ Sài Gòn đi Mỹ Tho. Rời Sài Gòn vào rạch, ở phía bên phải, là các chùa
đã biến thành các đồn Barbé, đồn Ô Ma (des Mares, tức đền Hiển
Trung vị trí ở sở nuôi ngựa và thành Ô Ma hay thành Cộng Hòa, trụ sở
Công An sau này, ghi chú của người dịch), đồn
Kiểng Phước (Clochetons), và đồn Cây Mai. Cũng về bờ bên phải, xa khỏi
con đường, địa thế cao dần lên với cánh đồng trãi đến chân trời. Những
cây cau, cây xanh được thay thế bởi những bụi cây cằn cỗi, các loại cỏ
vàng. Quang cảnh trông rất cằn cỗi và buồn bã, bị nung đốt bởi mặt trời.
Những nấm mồ, các mộ sáng chiếu và được sơn phết, duy nhất làm ta để ý.
Cánh đồng người chết khổng lồ này là cánh đồng Kỳ Hòa. Xa hơn nữa là
phòng tuyến của người An Nam, với địa hình mờ nhạt hòa vào với màu đất,
chỉ có thể nhận ra bởi các kỵ binh và chòi canh gác trên đó.
Thành
phố người Hoa, được biết với tên là Chợ Lớn, một từ tiếng Hoa, trải dài
hai cây số dọc hai bên bờ rạch. Thành phố trông náo nhiệt bởi sự di
chuyển rất đông của các cu li người Hoa và An Nam, không ngừng khiêng
tải lên xuống các bao gạo, tiền đồng, dê con và cá khô. Những mái nhà
ngói đỏ trông như tách rời một cách thôn dã giữa những bụi cây cau, mà
thân cây thẳng và có khía rảnh trông giống các cột theo kiểu Corinthian (một loại kiến trúc cột Hy Lạp, chú thích người dịch) ”.
Sau này,
Charles Lemire (18) vào năm 1884 cho biết đã có các tàu chở khách từ Sài
Gòn vào Chợ Lớn theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ rất thường, cứ mỗi
nửa tiếng là có với giá 0,25 Fr. Quang cảnh đi tàu từ Sài Gòn đến Chợ
Lớn rất đẹp mắt. Dọc theo bờ kênh và các bờ rạch trong Chợ Lớn, Lemire
đã mô tả như sau (tr. 162) :
“ Cuối
cùng thẳng hàng dọc theo bờ, là những tòa nhà thương mại lớn của người
Hoa, các kho chứa gạo, đường, cây chàm, sáp ong, lụa, gốm men, gốm đất,
da trâu, bò, da rắn, da cọp, chim, cá khô, đậu phọng, vân vân. Vào trong
các kho ta sẽ thấy đủ loại cân đo với kích thước khác nhau, các bao
hàng, các mẫu hàng giữa rất nhiều các nhân viên, các cu-li hay công nhân
khuân vác.
Rạch Lò Gốm và
đủ loại các kênh rạch khác trong Chợ Lớn cho phép các ghe tàu đến tận
chân các kho này và cho phép các tàu đi lại trong khắp thành phố. Những
ghe của người An Nam, xuồng, tàu đánh cá, ghe của người Cam Bốt đi qua
lại và đậu san sát trong những kênh rạch này. Những ghe xuồng giống như
những hành lang nổi, dài, hình chữ nhật, làm bằng gỗ, độn tre bên ngoài.
Những tàu khác có khoang cá mà người An Nam dùng để chứa cá tươi mà họ
mang ra chợ bán...
Không có gì náo nhiệt hơn là quang cảnh mà người ta có thể thấy khi đứng từ trên cao ở cầu Jaccareo nhìn xuống (rạch Jaccareo bây giờ đã lấp thành đường Tản Đà, chú thích người dịch). Các
ghe, tàu, xuồng tụ họp mà phía đằng sau là một màn cây xanh đối diện
với đồn Cây Ma, những bến tàu mà người ta thấy tàu đậu san sát, các cu
li luôn hoạt động, các nhân viên kho hàng, các tiểu thương, tất cả tạo
thành một tập hợp rất lý thú và làm cho những người còn hoài nghi về
tương lai của Nam Kỳ phải suy nghĩ lại.”
Đầu thập niên
80 của thế kỷ 20, qua chính sách thâu mua lúa gạo của nhà nước cộng với
sự phát triển và hiệu quả kinh tế của đường bộ từ Sài Gòn và các tỉnh
đến Miền Tây và ngược lại đã đưa đến sự cạnh tranh và qua đó giảm đi tầm
quan trọng của sư chuyên chở nông sản, hàng hóa qua đường sông và kênh
rạch phân phối đến Sài Gòn và các tỉnh miền Đông. Vì thế vị trí trung
tâm trung chuyển của Chợ Lớn với miền Tây đã lần lần mất đi, kéo theo
vai trò chủ lực kinh tế của Chợ Lớn. Mặc đầu vậy, cho đến trước khi Đại
lộ Đông Tây được khởi xây và quyết định của chính quyền thành phố không
cho phép ghe thuyền đậu ở các bến trên Kênh Tàu Hủ, hàng hóa tiêu dùng
sản xuất từ Chợ Lớn hay phân phối từ các nơi khác và sản phẩm miền Tây
vẫn còn được vận chuyển đến Chợ Lớn và từ Chợ Lớn đi các nơi khác. Ngoài
ra, hiện nay một số chợ buôn bán nông và hải sản trong Chợ Lớn cũng
phải di chuyển ra ngoài đến khu chợ mới được xây ở Bình Điền và hoàn
thành vào năm 2010.
Các bến tàu dọc
theo kênh Tàu Hủ và gần trung tâm Chợ Lớn không còn là kho và nguồn
hàng hóa nữa cho Sài Gòn-Chợ Lớn và các nơi khác, và thực sự chấm dứt
hoạt động khi Đại Lộ Đông Tây được xây dựng.
Hình 3 : Khu phố cổ còn lại của người Hoa ở bến Chương Dương. Bến Hàm Tử thì hoàn toàn không còn sót lại các nhà cổ có kiến trúc của người Hoa thời Pháp thuộc như ở bến Chương Dương.
Sự thay đổi cơ
bản về kinh tế ở Chợ Lớn là khuynh hướng chung ở nhiều nơi trong thời kỳ
có nhiều biến chuyển về chính sách và tốc độ phát triển kinh tế của
toàn khu vực. Điều này đòi hỏi sự thích ứng của Chợ Lớn vào môi trường
kinh tế mới, không những phát triển kỷ nghệ mới nhưng cũng tận dụng và
phát huy những di sản cơ sở vật chất sẵn có với những ưu điểm và tìm
năng đặc thù của nó để tìm thị trường và nguồn thu hút mới như nhiều
thành phố khác đã làm với các qui hoạch có tầm nhình xa của họ.
Ngày nay bộ mặt
của bến Chương Dương, Hàm Tử, Lê Quang Liêm đã thay đổi rất nhiều, nhất
là từ khi đại lộ Đông Tây xây dọc theo bờ bên phải kênh Tàu Hủ từ bến
Chương Dương đến bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu). Tất cả các bến này
đã biến mất. Hiện nay chỉ còn một vài dãy nhà phố cổ ở dọc bến Chương
Dương từ khi đại lộ Đông Tây được xây dựng. Riêng bến Hàm Tử thì hoàn
toàn không còn các khu dãy nhà cổ, thay vào đó là các nhà kiến trúc tân
thời không đồng bộ, rất nhếch nhác về cảnh quan.
Ngay ở cửa vào
rạch Bến Nghé từ sông Sài Gòn vào Chợ Lớn, nơi xưa kia các tòa nhà lớn
như Ngân hàng Đông Dương (Banque de L’ Indochine), Phòng Thương Mại
(Chambre de Commerce, do ông Vương Thái xây, có thời được dùng làm trụ
sở của thị trưởng và Hội đồng quản hạt thành phố Sài Gòn trước khi Tòa
thị sảnh được xây, sau này là Thượng nghị Viện chính quyền Sài Gòn và
nay là Phòng Giao dịch Chứng khoáng) ngự trị, đã biến đổi với các tòa
nhà này chìm trong các kiến trúc cao tầng thiếu trật tự khác.
Hình 4 (trái) : Kênh Tàu Hủ - Bến Hàm Tử - Lê Quang Liêm đầu thế kỷ 20
Hình 5 (phải) : Quai My Tho - Bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu ngày nay) - Chợ Lớn
Đối diện bên
kia kênh là các bến Vân Đồn, Phạm Thế Hiển, Bến Bình Đông. Các bến này
vẫn còn nhưng cũng như bến Chương Dương và Hàm Tử đã biến dạng rất
nhiều. Nhất là bến Bình Đông, nhiều nhà, chùa cổ đã biến mất. Nơi đây
xưa kia là các nhà máy xay lúa gạo nơi lúa gạo từ miền Tây đổ về, và từ
đây được xuất cảng đi nhiều nước.
Từ bến Lê Quang
Liêm (thời Pháp gọi là “Quai My Tho” vì là bến nơi tàu, ghe từ Mỹ Tho
và miền Tây đổ về đây), hàng hóa nông phẩm, trái cây được đưa đến chợ
Bình Tây và các chợ khác khắp Sài Gòn và hàng sản xuất từ Chợ Lớn được
đưa xuống trở lại miền Tây. Vì thế Chợ Lớn là trung tâm thương mại ở
miền Nam. Ngày nay tất cả các bến Chương Dương – Hàm Tử - Trần Văn Kiểu
đều không còn hoạt động thay thế bằng đại lộ Đông Tây. Bến Bình Đông và
bến Mễ Cốc bên kia kênh hầu như cũng không còn hoạt động, duy chỉ có
những ngày gần Tết, một số thuyền bè từ miền Tây được phép mang cây
kiểng, bonsai, hoa mai… lên đoạn cuối bến Bình Đông gần bến Mễ Cốc bán
cho các nhà buôn cây kiểng dọc bến.
Dọc bến, có
nhiều nhà kho, nhà ở đã có từ lâu đời với kiến trúc kết hợp đông và tây.
Các nhà này giống như kiến trúc nhà cổ ở Singapore, Malacca, Quảng Châu
vì xưa kia các thương gia, nhà thầu gốc Hoa từ những thành phố này đã
có mặt nơi đây. Họ cùng các thương gia Chợ Lớn xây dựng các cơ sở vật
chất, nhà cửa, kho hàng…
Hình 7 : Từ cầu Chà Và ở bến Hàm Tử - Trần Văn Kiểu (Quai Mytho) nhìn sang bến Bình Thông ngày nay
Hình 8 : Bến Bình Đông đang thay đổi
Hình 8 : Bến Bình Đông đang thay đổi
Hiện nay các
khu phố cổ Chinatown và Clark Quay ở Singapore được bảo tồn và trở thành
nơi du lịch có giá trị văn hóa nổi tiếng ở xứ này. Khu Clark Quay kế bờ
sông, xưa kia là nơi buôn bán, có nhiều nhà kho chứa hàng và nhà ở san
sát từ các tàu buôn (giống như bến Lê Quang Liêm, bến Bình Đông dọc kênh
Tàu Hủ), ngày nay là khu thanh lịch có nhiều nhà cổ đầy cá tính đặc
biệt của kiến trúc đầu thế kỷ 20 và được người dân và du khách đông đảo
ưa chuộng viếng thăm. Tiếc thay ở Chợ Lớn, chúng ta đã chưa làm được như
vậy, mà ngược lại nhiều nhà cổ, và ngay cả đình đã biến mất.
Hình 9 : Một khu phố cổ ở bến Bình Đông vẫn còn nhưng xuống cấp vì không bảo trì
Hình 10 : Bến Bình Đông - bến Mễ Cốc nhìn sang đoạn cuối của bến Trần Văn Kiểu, nay có cầu của đại lộ
Đông Tây bắc qua giao điểm của rạch Lò Gốm (chảy ra phía trái) và kênh Tàu Hủ
Hình 10 : Bến Bình Đông - bến Mễ Cốc nhìn sang đoạn cuối của bến Trần Văn Kiểu, nay có cầu của đại lộ
Đông Tây bắc qua giao điểm của rạch Lò Gốm (chảy ra phía trái) và kênh Tàu Hủ
Hình 11 : Các nhà kho dọc bến Bình Đông lần lượt biến mất
Hình 12 : Ghe từ Bến Tre mang cây kiểng đến bến Bình Đông những ngày giáp tết 2011
Hình 12 : Ghe từ Bến Tre mang cây kiểng đến bến Bình Đông những ngày giáp tết 2011
Hình 13 : Bến Bình Đông với cây kiểng từ miền Tây mang lên trong dịp sắp tết
Hình 14 : Một ngôi chùa ở bến Bình Đông
Hình 14 : Một ngôi chùa ở bến Bình Đông
Xưa nay gạo là
nguồn hàng nông sản thương mại chính của Chợ Lớn. Gạo từ các nhà máy xay
lúa dọc kênh Tàu Hủ được phân phối đi các tỉnh thành miền Nam, Trung
Bắc và xuất ra nước ngoài (như Singapore, Hong Kong). Chợ gạo, đường
Trần Chánh Chiếu gần bến xe Chợ Lớn, là đầu mối bán sỉ gạo và từ đây các
thương gia mua hàng dùng xe tải mang gạo đến các chợ và các nơi khác.
Gần đây (2008), “chợ gạo” Trần Chánh Chiếu (thật ra là các dãy nhà của
các hộ gia đình tiểu thương) không còn phép hoạt động, phải dời đi đến
chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Cộng với các nhà máy xay lúa không còn ở
Chợ Lớn và các thương gia, xe hàng ngày nay đi đường bộ đến thẳng miền
Tây và các nhà máy xay lúa ở đó, vai trò của Chợ Lớn là đầu vựa của nông
sản gạo không còn như xưa nữa.
Tổng luận về Chợ Lớn và tương lai phát triển
Ngày nay tốc độ
phát triển đô thị ở Sài Gòn - Chợ Lớn rất là nhanh chóng, bộ mặt thành
phố đổi thay rất nhiều. Điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa
lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để
chúng trở thành cảnh quan có giá trị tinh thần vô giá cho thành phố và
các thế hệ sau nối tiếp. Hiện nay trong vùng Chợ Lớn, các di tích được
quan tâm, bảo tồn là những chùa, đình, hội quán đã được xếp hạng thuộc
diện di tích lịch sử cấp quốc gia do Bộ Văn hóa công nhận. Tuy nhiên
những khu phố có cảnh quan đặc biệt, các dãy nhà hay các nhà cổ có những
kiến trúc đặc thù tiêu biểu cho một thời trong các thế kỷ trước thì
hoàn toàn không có quy định gì liên quan đến phát triển, bảo tồn mà hoàn
toàn tùy thuộc vào địa phương quản lý. Chính quyền thành phố vì thế
đóng một vai trò rất quan trọng trong qui hoạch bảo tồn di sản cảnh quan
văn hóa tạo ra cá tính đặc thù của thành phố mình.
Như đã đề cập,
vị trí trung chuyển và cơ cấu kiến trúc kinh tế ở Chợ Lớn đã thay đổi
qua sự biến mất của các bến tàu, kho hàng. Vì thế phải chuyển cơ bản
kinh tế Chợ Lớn từ cung cấp, phân phối hàng hóa đến kinh tế chủ yếu dựa
vào dịch vụ. Dựa vào các di sản văn hóa của người Hoa duy trì cho đến
nay và các cơ sở vật chất để lại do lịch sử Chợ Lớn bắt nguồn từ kinh tế
qua sông rạch, một trong những dịch vụ có tìm năng cao là du lịch và
phục vụ khách thăm viếng. Điều này đòi hỏi cảnh quan có giá trị văn hóa
lịch sử phải được bảo tồn và đầu tư phát triển mà chỉ có chính quyền
thành phố Hồ Chí Minh mới có thể làm được qua quy hoạch, khuyến khích
đầu tư và hợp tác với cộng đồng địa phương. Tôi tin rằng người dân Chợ
Lớn với truyền thống tinh thần mở đường, gan dạ và can trường trong
thương mại của họ có từ lâu đời sẽ biến Chợ Lớn thành một thành phố xứng
đáng với tìm năng của nó như Singapore và Hồng Kông trong lãnh vực kinh
tế và du lịch.
Hội đồng thành
phố và thị trưởng (được dân bầu ở các nước dân chủ) hay Ủy ban nhân dân
và bí thư thành ủy có quyền hoạch định chính sách, đưa ra quy định về
tiêu chuẩn phát triển khu dân cư, thương mại, bảo tồn kiến trúc, cảnh
quan có giá trị văn hóa lịch sử và thực thi trong công tác quản lý trong
phạm vi thành phố.
Để có thể thực
hiện được sự hài hòa trong phát triển và bảo tồn cảnh quan văn hóa và
môi trường sinh thái. cơ chế quản lý và hoạch định đô thị phải được tuân
thủ dựa theo các nguyên lý cơ bản và các kinh nghiệm đã thâu lượm được
trong nhiều năm qua trong vấn đề quản lý sự phát triển bền vững và hoạch
định đô thị trên thế giới :
- Trong suốt trong quá trình hoạch định và quản lý
- Sự tham dự của các thành phần liên quan (stakeholders)
trong đó có cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp, các tổ chức
phi chính phủ (chính quyền không thể có tai mắt ở khắp mọi nơi)
- Nguyên lý cẩn trọng (precaution principle)
: nếu hệ quả do con người tác động không xác định được chính xác nhưng
nếu xảy ra sẽ to lớn thì chúng ta không nên làm. Liên quan đến nguyên lý
cẩn trọng là trong đề án phát triển và bảo tồn lúc nào cũng phải có bài
toán xác định rủi ro (risk assesment).
- Phù hợp với luật môi trường (như đa dạng sinh học,..), luật bảo tồn văn hóa và các qui định, điều lệ về cảnh quan đô thị.
Chúng ta nên học hỏi và áp dụng các bài học và kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Tất cả đều cho thấy rằng
- Giao thông bền vững (sustainable transport)
sẽ đưa lại các hệ quả kinh tế cao, lợi ích an sinh và sức khỏe rất to
lớn. Xây thêm, nới rộng đường không phải là giải pháp lâu dài cho xe cộ.
Xây dựng hệ thống di chuyển khối lựợng (mass transit)
có hiệu quả (như hệ thống xe điện) mới chính là giải pháp bền vững cho
giao thông, nhất là trong tình trạng quá tải hiện nay ở thành phố Hồ Chí
Minh.
- Chỉ số phát triển GDP (Gross Domestic Product)
chỉ tập trung vào kinh tế không còn hợp với trào lưu phát triển bền
vững hiện thời. Chỉ số mới trong đó tiêu chuẩn sống như môi trường, y
tế, giáo dục được mang vào trong hoạch định phát triển con người và xã
hội. Bảo tồn cảnh quan văn hóa và môi trường sống của thành phố sẽ nâng
cao giá trị và tiêu chuẩn đời sống văn hóa an sinh xã hội trong cộng
đồng và cho cả mỗi thành viên.
Thành phố Hồ
Chí Minh (bao gồm Sài Gòn - Chợ Lớn) cần có quy định hay ít nhất có kế
hoạch rõ về các khu phố, các nhà có giá trị văn hóa cần được giữ lại nét
đặc thù, đặc trưng cho khu vực và sự cần thiết tăng nhanh chóng diện
tích cây xanh cho khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ nhiều năm nay, trong khu
vực Chợ Lớn và phụ cận, nhiều kênh rạch bị lấp hay thu hẹp, mật độ
đường xá và các khu dân cư mới tăng nhanh, cộng với thiếu diện tích cây
xanh đã làm khả năng rút nước trên mặt và ngầm dưới đất suy giảm nhiều,
đưa đến tình trạng dễ lụt trong mùa mưa, nhất là khu vực thấp gần chung
quanh rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ. Giải quyết các vấn đề trên là tiên
quyết cho sự phát triển bền vững Sài Gòn - Chợ Lớn. Không phải là dễ
nhưng không phải là không làm được, với sự kiên trì trong mục tiêu, sự
trong suốt và sự tham dự với cộng đồng công dân của thành phố.
Nguyễn Đức Hiệp
Tham khảo
(1) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai,
(2) Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs, conférence faite au collège des interprètes par M. P. Truong Vinh Ky, Éditeur : Impr. coloniale (Saïgon), 1885.
(3) Les colonies françaises : notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique, Quantin (Paris), 1889-1890.
(4) Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.
(5) Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp, De Batavia à Sài Gòn : notes de voyage d’ un marchand chinois (1890), Archipel, 1994, Vol. 47, pp. 155-191.
(6) Hình ảnh, tư liệu : Belle Indochine
(7) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
(8) Eugène Bonhoure, Indo-Chine, Challamel (Paris), 1900.
(9) Lê Văn Lưu, Pagodes chinoises et annamites de Cholon (orné de 26 photogravures), Imprimerie Tonkinoise, Hanoi,1931.
(10) Séance du 2 mars 1893, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1893, pp. 63, 1893, Société des études indochinoises (Saïgon).
(11) Pierre Passerat de la Chapelle, L’industrie du decorticage du riz, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1901, 1901/1 (no. 41)-1901/6, pp. 53, Société des études indochinoises (Saïgon).
(12) Louis Finot, Les papiers de Landes, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient,1903, Vol. 3, No. 3, pp. 657-660.
(13) Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine française, publié après la mort de l'auteur par Antoine Cabaton, 1935, Contributeur: Cabaton, Antoine (1863-1942). Éditeur scientifique,
(14) Nola Cooke, King Norodom’s Revenue Farming System in Later-Nineteenth-Century Cambodia and his Chinese Revenue Farmers (1860-1891), Chinese Southern Diaspora Studies, Volume One, 2007.
(15) Choi Chi-Cheung, Cheung Ah-Lum, A biographical note, Journal of the Hong Kong. Branch of the Royal Asiatic Society, v. 24 (1984), pp. 282-7. ().
(16) Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l'Union (157 rue Catinat, Saïgon), 1917.
(17) Léopold Pallu de la Barrière, Histoire de l’Expedition de Cochinchine en 1861, Berger-Levrault et Cie, Paris 5 Rue des Beaux-Arts, 1888.
(18) Charles Lemire, L'Indo-Chine. Cochinchine française, royaume de Cambodge, royaume d'Annam et Tonkin ; 3e edition, Challamel aîné (Paris), 1884.
(http://thaolqd.blogspot.com/2015/09/cho-lon-lich-su-ia-ly-kinh-te-va-van_10.html)
No comments:
Post a Comment