“ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NHÌN TỪ
KHÍA CẠNH VĂN HOÁ HỌC VÀ VĂN BẢN HỌC
Trần Ngọc Thêm*
I- ĐỀ CƯƠNG
VĂN HÓA CỦA MỘT DÂN TỘC YÊU CHUỘNG VĂN HÓA
1.1. Trong đời sống của một xã hội, bên cạnh
kinh tế (cơ sở hạ tầng) thì văn hoá và chính trị (kiến
trúc thượng tầng) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Những tư
tưởng và hoạt động văn hoá thường hay đi trước để dọn đường và/hoặc đi sau
để hoàn tất các cuộc cách mạng xã hội.
Ở Pháp, những tư tưởng văn hoá mới của Voltaire, Montesquieu, Rousseau,
Diderot đã chuẩn bị mảnh đất cho Cách mạng Pháp 1789 thành công, nhưng đó mới là những tư tưởng cá nhân. Ở
Trung Quốc, Cuộc vận động Ngũ Tứ (4-5-1919) đã dọn đường cho Cách mạng Trung
Hoa giương cao ngọn cờ dân chủ, nhưng chất “văn hoá” mà người ta thường nhắc
tới của cuộc vận động này chỉ là ở chỗ nó khởi đầu từ giới sinh
viên, còn nội dung vẫn là sự phản kháng nhà cầm quyền nói chung. Bài nói chuyện của Mao Trạch Đông
ở cuộc toạ đàm văn nghệ Diên An năm 1942 là tiếng nói của lãnh tụ
nhưng nó giới hạn ở việc trình bày quan điểm văn nghệ phục vụ công
nông nhằm mục đích chỉnh phong chứ chưa phải một loại đề cương văn hóa.
Như vậy là có lẽ chưa ở đâu mà trước khi cách mạng
thành công, đã có một văn kiện đề cương về văn hóa được công bố rõ ràng
như ở Việt Nam.
1.2. Sự xuất hiện của Đề cương về văn hóa trong tiến
trình cách mạng của Việt Nam hoàn toàn không mang tính ngẫu nhiên. Có
thể thấy có ba lí do:
a) Dân tộc Việt Nam với truyền thống 4000 năm của mình không chỉ coi trọng
các giá trị văn hoá theo nghĩa rộng mà còn rất coi trọng các giá
trị văn hoá theo nghĩa hẹp – văn
hoá tinh hoa, văn hoá nghệ thuật; coi trọng các giá trị tinh thần hơn
vật chất, coi trọng nội dung hơn hình thức, coi trọng đức hơn tài, coi
trọng văn hơn v”... Đưa ra Đề cương về văn hóa chính là
Đảng đã đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng này của nhân dân. Hồi kí của những người
trong cuộc về những ngày tháng này cho thấy ở khắp những nơi nào có
Đề cương đến, mọi người đều say sưa “vùi đầu vào đọc ngay”, “chép lại”, rồi “bàn
bạc, truyền tay”...
Nếu dân chúng không có nhu cầu và nguyện vọng thiết tha thì dù một
đề cương hay mười đề cương đưa ra cũng sẽ bị rơi vào quên lãng.
b) Chính là nhắm vào những nhu cầu văn hoá của nhân dân mà trong
thời kì này có cả rừng sách báo, tạp chí... cùng các trào lưu văn
hoá nghệ thuật được bung ra. Trong khi ngay văn hoá bất hợp pháp cũng
còn có nhiều nhược điểm thì thực dân Pháp khuyến khích các xu hướng
lãng mạn, “vui
vẻ, trẻ trung” trong
đời sống văn học, nghệ thuật, cho xuất bản các sách khiêu dâm, kiếm
hiệp, thần bí...; cho mở nhiều tiệm hút, tiệm nhảy; tổ chức các Nha
thông tin, tuyên truyền; ủng hộ các phong trào phục cổ, tôn sùng các
tục lệ cũ; đề xướng các phong trào thể dục rầm rộ... Phát xít
Nhật thì lập ra Viện văn hoá Nhật, tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông
Á... bởi
vậy mà trong bài Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam lúc này viết năm 1944, Tổng bí thư Trường
Chinh đã nhận định rằng “văn hoá Việt Nam hiện nay – hay nói cho đúng, văn hoá hợp pháp
Việt Nam hiện nay – mang
ba nhược điểm, ba căn bệnh lớn: phản dân tộc, phản khoa học, phản đại
chúng” (Trường Chinh 1985:
29). Đưa ra Đề cương về văn hóa chính là
Đảng đã trực tiếp tuyên chiến với phản văn hoá nói chung và văn hoá
ru ngủ quần chúng của thực dân Pháp và phát xít Nhật nói riêng.
c) Dân chúng có nhu cầu về văn hoá, văn hoá thực dân và phát xít
cần phải được đánh đổ, nhưng nếu Đảng Cộng sản Đông Dương không có
những lãnh tụ am hiểu về văn hoá, có tầm nhìn chiến lược về văn
hoá thì cũng không thể có được Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Lại cũng chính là vì dân tộc Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã luôn đề cao văn hoá nên trong
lịch sử, các nhà quân sự thiên tài như Lí Thường Kiệt, Lê Lợi,
Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... đều đồng thời là những người uyên thâm về
văn hoá. Trong thời hiện đại thì Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn
Đồng, Võ Nguyên Giáp... cũng đều là những nhà văn hoá. Hồ Chí Minh
là một nhà văn hoá kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, còn Trường Chinh,
Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cho dù tham gia lãnh đạo về quân sự
hay chính trị, cũng đều có sáng tác văn hoá, quan tâm đến các vấn
đề lí luận văn hoá (sử học, văn học, ngôn ngữ học, Việt Nam
học...). Trong đó Trường Chinh, trên
cương vị Tổng bí thư Đảng những năm 40, là người có đóng góp trực
tiếp nhất cho việc hình thành Đề cương về
văn hóa Việt Nam.
1.3.
Theo hồi kí của Học Phi, “anh
Trường Chinh rất quan tâm đến văn hoá, văn nghệ ngay từ hồi Mặt trận bình dân” (Một chặng đường 1985: 136). Theo Trần Độ thì “từ năm 1941 trở đi, anh Trường Chinh càng chú ý thường
xuyên theo dõi và nghiên cứu tình hình
các sách báo xuất bản và văn hoá nói chung”; anh đọc “cuốn sách
tiếng Pháp dày cộp nói về nghệ thuật và văn học của Mác và
Ăng-ghen do Jăng Frê-vin xếp đặt và đề tựa” (Một chặng đường 1985: 98, 97). Hồi ký này còn cho biết: “Theo anh Trường Chinh kể lại thì anh
suy nghĩ từ lâu về bản Đề cương văn hoá này... Năm 1941, tại Hội nghị trung ương
lần thứ 8 họp ở hang Pắc Bó, gặp Bác, anh Trường Chinh báo cáo
tình hình hoạt động văn hoá. Bác có nhận xét
và chỉ thị nhiều ý kiến”. Đầu năm 1943, “tại
nhà cụ Bạch ở làng Võng La - ... huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phú, các
anh Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã bàn bạc rất
nhiều... Sau đó anh Trường
Chinh căn cứ vào ý kiến hội nghị đã bàn bạc để khởi thảo Đề cương
tại làng Phú Gia – bây
giờ thuộc xã Phú Thượng –
ngoại thành Hà Nội” (Một chặng đường
1985: 98-99).
II- TÍNH
KHOA HỌC VÀ TÍNH CÁCH MẠNG CỦA ĐỀ CƯƠNG
Đọc Đề cương, ta thấy nổi lên hai đặc
điểm rõ nhất là tính khoa học và tính cách mạng.
2.1. Tính khoa học thể hiện trước hết ở bố cục: Đề cương
gồm 5 phần có quan hệ với nhau rất chặt chẽ và sắp xếp
rất khoa học.
Các phần
|
Các mục
|
A-
Cách đặt vấn đề
|
1.
Khái niệm văn hoá
2.
Quan hệ giữa văn hoá với kinh tế và chính trị
3. Thái độ của
Đảng đối với vấn đề văn hoá
|
B-
Lịch
sử và tính chất văn hoá VN
|
1.
Các giai đoạn trong lịch sử văn hoá VN
2.
Tính chất văn hoá VN hiện tại
|
C-
Nguy
cơ văn
hoá VN dưới ách
Nhật-Pháp
|
1.
Những thủ đoạn mà phát xít trói buộc và giết
chết văn hoá VN
2.
Hai ức thuyết về tiền đồ văn hoá VN
|
D-
Vấn
đề cách mạng văn hoá VN
|
1.
Quan niệm của người CS về v/đ cách mạng văn hoá
2.
Mục tiêu của cách mạng văn hoá Đông Dương
3.
Quan hệ giữa cách mạng văn hoá VN và cách
mạng dân tộc giải phóng
4.
Ba
nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới VN trong giai đoạn này
5.
Tính chất của nền văn hoá mới VN
|
E-
Nhiệm
vụ cần kíp của những nhà văn hoá Mác-xít Đông Dương...
|
1.
Mục đích trước mắt
2.
Công việc
phải làm
3.
Cách vận động văn hoá
|
Khởi đầu từ “Cách
đặt vấn đề” (A)
với 3 nội
dung (định nghĩa đối tượng, xác định các mối quan hệ của đối tượng,
và thái độ của chủ thể đối với đối tượng), Đề cương chuyển
sang trình bày về Lịch sử vấn đề (B) và hiện trạng của vấn đề (C)
từ đó đi tới khả năng giải quyết vấn đề (D) và cuối cùng là các
việc phải làm để giải quyết vấn đề (E).
Tính khoa học của Đề cương thể hiện ở cách lập luận chặt
chẽ theo lối cấu trúc móc xích, giàu sức thuyết phục, ví dụ: “c-
đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong; d- có lãnh đạo được
phong trào văn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên
truyền của Đảng mói có hiệu quả”. Hoặc: “a) Phải hoàn thành cách
mạng văn hoá mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội; b) Cách
mạng văn hoá muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh
đạo; c) Cách mạng văn hoá có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính
trị thành công...”.
Tính khoa học của Đề cương cũng thể hiện ở việc đưa ra
các khả năng khác nhau: “Tiền đồ văn hoá Việt Nam: hai ức thuyết:
- Nền văn hoá phát xít (văn hoá Trung cổ và nô dịch hoá) thắng thì
văn hoá dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém; - Văn hoá dân tộc Việt
Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở
xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hoá tân dân chủ thế giới”.
Tính khoa học của Đề cương còn thể hiện ở cách
diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát: “Thái độ Đ.C.S.Đ.D. đối với
vấn đề văn hoá: a-... b-.... c-... d-...”, “Quan niệm của người C.S. về
vấn đề cách mạng văn hoá: a-... b-... c-...”, ở cố gắng phân biệt
rành mạch các cặp phạm trù đối lập: “Văn hoá Việt Nam hiện nay về
hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản”; “Văn
hoá mới Việt Nam là một thứ văn hoá có tính chất dân tộc về
hình thức và tân dân chủ về nội dung”.
2.2. Tính cách mạng của Đề cương thể hiện ở thái độ dứt
khoát, sử dụng những từ ngữ có nghĩa rất r” ràng: “Phải hoàn
thành...”, “chống mọi ảnh hưởng... / mọi chủ trương...”,
“chống lại tất cả những cái gì...”, “phải kịch liệt
chống...”, “Tranh đấu về học thuyết, tư tưởng (đánh tan
những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á...làm cho
thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”, “Tranh
đấu về tông phái văn nghệ (...) làm cho xu hướng tả thực
xã hội chủ nghĩa thắng”...
2.3. Chính là nhờ tính khoa học và tính cách mạng này mà Đề
cương có được sức truyền cảm và sức thu hút lớn,
làm cho những người đương thời khi cầm lấy Đề cương
đều phải “đọc luôn một mạch”, đọc xong rồi thì “như thấy có lửa
cháy bừng bừng trong người”...
III- GIÁ
TRỊ LỊCH SỬ VÀ NHỮNG HẠN CHẾ CỦA ĐỀ CƯƠNG
3.1. Đề cương đề cập đến văn hoá,
thực chất là đưa ra cương lĩnh về “cách mạng văn hoá” như một bộ
phận của cách mạng xã hội (“Phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới
hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”) bên cạnh cách mạng chính
trị (“Cách mạng văn hoá có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính
trị thành công (cách mạng văn hoá phải đi sau cách mạng chính
trị...)”). Không phải ngẫu nhiên mà trong Đề cương, cụm
từ “cách mạng văn hoá” được nhắc lại tới bảy lần. Có trường hợp
cụm từ “cách mạng văn hoá” còn
xuất hiện ngay ở tên gọi của Đề cương. Hồi kí của Vũ Quốc Uy
cho biết: “Một buổi tối vào khoảng cuối thu năm 1943, anh Lê Quang Đạo
đưa cho tôi một phong bì dán kín... Tôi khoá chặt cửa, hồi hộp mở
phong bì, và thấy tám trang giấy kẻ ô, đặc sít chữ viết nhỏ... Trên
trang đầu đề rõ ràng mấy chữ: “Đề cương về
cách mạng văn hoá Việt Nam” (Một chặng đường 1985: 50).
Do Đề cương có nhiệm vụ lịch sử cụ thể như
vậy, cho nên xem xét Đề cương cũng phải đặt trong bối
cảnh lịch sử cụ thể ấy.
Khi nêu ra ba nguyên tắc “dân tộc - khoa học - đại chúng”, Đề cương
viết rất rõ rằng đó là “Ba nguyên tắc vận động của cuộc
vận động văn hoá nước Việt Nam trong giai đoạn này”. Những đặc
điểm của văn hoá (hợp pháp) của Việt Nam giai đoạn này đã được
Trường Chinh nói rất rõ trong bài “Mấy nguyên tắc của cuộc vận động
văn hoá mới Việt Nam” viết ngày 23-9-1944: đó là thứ văn hoá vừa lố
lăng, lai căng, thiếu tính dân tộc; vừa duy tâm, thần bí, kém
cỏi, bị giáo dục theo kiểu nhồi sọ, thiếu óc khoa học; lại
vừa chỉ hướng vào tầng lớp quyền quý, xa rời quần chúng (Trường Chinh 1985: 26-31). Bởi vậy mà ba
nguyên tắc dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá là hoàn
toàn thích hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Nguyễn Khánh Toàn (với bút danh Hồng Lĩnh) bảo vệ ba nguyên tắc
này vào năm 1946 với bài viết “Văn học Việt Nam còn nên dựa vào ba
nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng nữa không?” (Một chặng đường
1985: 238-244) cũng hoàn toàn hợp lý vì sau khi cách mạng vừa mới thành công, tình
hình văn hoá chưa được cải
thiện gì hơn. Nhưng đến ngày nay thì đã khác hẳn. Văn hoá ngày nay
là văn hoá của nhân dân, vì vậy nguyên tắc đại chúng không còn thích hợp. Óc khoa học của dân ta
cũng không đến nỗi kém cỏi, vì vậy nguyên tắc khoa học cần được thay
bằng yêu cầu hiện đại, tiên tiến. Không phải ngẫu nhiên mà điều 30 của Hiến pháp Việt Nam
năm 1992 nói đến một nền văn hoá Việt Nam “dân tộc, hiện đại, nhân
văn”. Nghị quyết 5 BCH TW khóa VIII (tháng 7-1998) nói đến “một nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” càng
chính xác hơn nữa, vì văn hoá từ trong bản chất đã mang tính nhân văn
rồi.
3.2. Cũng phải được xem xét đúng như nó đã
được trình bày trong Đề cương là chủ trương “Tranh đấu về học
thuyết, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu,
Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh,
Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche),
v.v..., làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng)”.
Hiển nhiên là Khổng, Mạnh, Descartes, Kant... đều là những triết gia
lớn mà nhiều điều trong tư tưởng của các ông đã được Hồ Chí Minh,
Engels ca ngợi. Nhưng nếu ta đọc kỹ thì sẽ thấy trong Đề cương,
chủ trương “đánh tan những quan niệm sai lầm” của các ông nằm trong
mục E.II là những “Công việc phải làm” nhằm phục vụ cho “Mục “ (E.I)
là “Chống lại văn hoá phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn
hoá ngu dân và phỉnh dân”. Có mục đích trước mắt ấy là vì tình
hình cụ thể lúc bấy giờ thực dân Pháp đang khuyến khích phong trào
trở về với tư tưởng Khổng-Mạnh của Trần Trọng Kim, phong trào sùng
bái truyện Kiều của Phạm Quỳnh, phong trào chạy theo các tư tưởng
bảo thủ, tư tưởng cổ điển và lãng mạn phương Tây của Nguyễn Văn
Vĩnh... nhằm đề cao đạo đức phong kiến, đánh lạc hướng trí thức,
thanh niên, gián tiếp chống lại các tư tưởng dân chủ và cách mạng.
Không phải ngẫu nhiên mà trước đó không lâu, cụ Ngô Đức Kế vừa ở Côn
Đảo về đã lập tức lên án phong trào sùng bái truyện Kiều là thủ
đoạn mê hoặc thanh niên, Phan Khôi đã mở cuộc bút chiến với Trần
Trọng Kim về học thuyết Khổng-Mạnh...
Việc quá đề cao, tán dương như nói rằng suốt
từ đó đến nay toàn bộ Đề cương vẫn “giữ nguyên giá trị”, cũng
như việc phê phán, coi chủ trương tranh đấu với những quan niệm sai lầm
của triết học Khổng, Mạnh, Descartes, Kant... là “tả khuynh, quá đà”
đều là những biểu hiện của việc chưa hiểu đúng chân giá trị lịch
sử của Đề cương.
3.4. Đề cương không phải là không có những
hạn chế.
3.4.1. Trước hết, “văn hoá” là một khái niệm
rất phức tạp, trong Đề cương, đây là khái niệm duy nhất
chưa đủ rõ ràng. Đề cương viết “Văn hoá bao gồm cả tư tưởng,
học thuật, nghệ thuật” và là một trong ba thành tố, bên cạnh kinh tế
và chính trị. Chữ cả ở đây có thể hiểu theo hai cách: cả
là đại từ với nghĩa “hết thảy” (vd, “cả nước”) và cả
là trợ từ với nghĩa là bao gồm bổ sung (“ngoài A còn cả B”).
Nếu hiểu theo cách thứ hai thì không rõ phần còn lại của văn hoá có
những gì, còn nếu hiểu theo cách thứ nhất thì nội dung của văn hoá
lại bị thu hẹp quá. Quan niệm hẹp này có vẻ như được xác nhận khi
ta đọc thấy trong bài
“Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá mới Việt Nam” của Trường
Chinh viết năm 1944 có câu: “Những nhà văn ấy phải đấu tranh trên tất
cả các mặt trận văn hoá, nghệ thuật, ngôn ngữ, phong tục,
tín ngưỡng, v.v.” (Trường
Chinh 1985: 32; tôi nhấn mạnh - TNT) - ở đây, văn hoá được dùng với nghĩa còn hẹp hơn nữa, khi nó đứng cạnh
không chỉ phong tục, tín ngưỡng mà cả nghệ
thuật, ngôn ngữ là những thành tố mà trong
Đề
cương đã được bao gồm vào văn hoá.
Đến báo cáo của Trường Chinh tại Hội nghị văn
hoá toàn quốc lần thứ hai tháng 7-1948 nhan đề “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”, nội dung của
khái niệm văn hoá mới trở nên phong phú hơn. Lúc này, ông viết:
“văn hoá là một vấn đề rất lớn bao gồm cả
văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học, phong tục, tôn giáo...”
và chú thích: “đây là nói văn hoá theo nghĩa hẹp, nghĩa thông thường.
Nói rộng ra, văn hoá gồm cả văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất” (Trường Chinh 1985: 53; tôi nhấn mạnh - TNT) -
cách hiểu này đã hoàn toàn phù hợp với các quan niệm khoa học về
văn hoá.
3.4.2. Khi đưa ra chủ trương “Tranh đấu về tông
phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ
nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v... làm cho xu hướng tả
thực xã hội chủ nghĩa thắng)”, Đề cương không tránh khỏi hạn
chế chung của thời đại bấy giờ, khi mà ở Liên Xô, phương pháp sáng
tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đang giữ địa vị độc tôn.
Tuy nhiên, chính ở chỗ này, phải nói rằng
Trường Chinh đã có cái nhìn khá sáng suốt khi trong Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, ông đã lưu ý rằng “thái độ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thái
độ khách quan” và giải thích rằng có những sự thật không có
lợi cho ta, ví dụ một trận ta thua chẳng hạn, vẫn hoàn toàn có thể
đưa vào tác phẩm, chỉ có điều là nên tả sao cho người xem nhận thấy
các chiến sĩ của ta anh dũng hy sinh như thế nào, vì sao ta thua, và
trong cái thua ấy, đâu là phần ta thắng... (Trường Chinh 1985: 115-116). Đây là một gợi ý
rất chí lý. Ngoài sai lầm từ phía trên coi chủ nghĩa hiện thực là độc tôn, nếu các
văn nghệ sĩ ta không quá dễ dãi với mình, mà bỏ công sức tìm tòi
theo hướng Trường Chinh đã gợi ý thì vẫn có thể thu được những sáng tác hiện thực chủ nghĩa có giá trị chứ không đến nỗi cho ra những sáng tác theo kiểu minh hoạ, tô hồng...
III- MỘT
SỐ VẤN ĐỀ VĂN BẢN HỌC
3.1. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã, đang và sẽ còn là
một trong những văn kiện cực kỳ quan trọng đối với lịch sử văn hoá Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Bởi vậy, tính chính xác về mặt văn bản học là điều
không thể xem thường.
Ra đời tháng 2 năm 1943, ban đầu Đề cương tồn tại dưới dạng
viết tay, cũng có khi nó được in thạch (Một chặng đường
1985: 148). Mãi đến năm 1945, được phép của trên, một nhóm 5 người
trong Hội Văn hoá Cứu quốc gồm Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng,
Như Phong và một người nữa về quê Nguyễn Huy Tưởng ở làng Dục Tú
(Bắc Ninh) để làm số 1 báo Tiên phong mà trong đó lần đầu tiên
chính thức công bố toàn văn bản Đề cương. Báo in chưa xong thì
đã tổng khởi nghĩa, vì vậy đến tháng 11 in lại mới ghi là tái bản (Một chặng đường 1985:
69). Như vậy, trong khi không có được bản viết tay của chính Tổng bí
thư Trường
Chinh năm 1943, thì bản in
trên tạp chí Tiên phong số 1 này có thể chấp nhận là bản gốc.
Về sau, năm 1977, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được in
lại trong sách Văn kiện Đảng 1930-1945, tập III, do Ban
Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản (tr. 365-368). Đến năm
1985, nhân kỷ niệm 40 năm Đề cương, Ban nghiên cứu lý luận của
Viện văn học và Nhà xuất bản “Tác phẩm mới” đã cho ra mắt cuốn
sách Một chặng đường văn hoá, trong đó Đề cương được in
ở các tr. 15-20. Tiếp đến gần đây, theo quyết định của Ban Bí thư
khoá VII (số 101 QĐ/TW, ngày 12-l-1995) và Bộ Chính trị khoá VIII (số
25-QĐ/TW, ngày 3-2-1997), bộ Văn kiện Đảng Toàn tập đã được
xuất bản năm 1998 dưới sự chỉ đạo của một Hội đồng xuất bản, trong
đó Đề cương về văn hóa Việt Nam được in trong tập 7 (1930-1945),
tr. 316. Bản này in lại hoàn toàn theo bản in trong Văn kiện Đảng
1930-1945, tập III, xuất bản năm 1977.
3.2. Như vậy là hiện ta có hai bản Đề cương về văn hóa Việt
Nam - một bản in trong hai bộ Văn kiện Đảng và một bản in
trong sách Một chặng đường văn hoá - cả hai đều được tuyên bố
là theo đúng bản gốc. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu sơ bộ, chúng
tôi thấy giữa hai bản này có một số dị biệt cơ bản như trình bày
trong bảng sau (các chữ cái hoa A, B, C, D... chỉ các phần trong đề cương):
Stt
|
Địa chỉ
|
Bản in trong
Văn kiện Đảng |
Bản in trong Một chặng đường văn hoá
|
Số lần
|
Phân loại
|
1.
|
nhiều nơi
|
Đảng Cộng
sản Đông Dương
|
Đảng
C.S.Đ.D. / Đ.C.S.Đ.D.
|
3
|
A. Viết tắt
|
2.
|
D.1
|
người cộng sản
|
người C.S.
|
1
|
|
3.
|
nhiều
|
Đông Dương
|
Đông-dương
|
5
|
B. Dấu ngang nối trong địa danh
|
4.
|
C.1.b
|
Nhật Bản
|
Nhật-bản
|
2
|
|
5.
|
C.1.b
|
Đại Đông Á
|
Đại-Đông-Á
|
2
|
|
6.
|
D.4
|
tờrốtkít
|
tờ-rốt-kít
|
1
|
C. Dấu ngang nối trong phiên âm nhân danh
|
7.
|
E.II.a
|
Đềcác
|
Đê-các-tơ
|
1
|
|
8.
|
E.II.a
|
Bécsông
|
Béc-son
|
1
|
|
9.
|
E.II.a
|
Nítsơ
|
Nít-sờ
|
1
|
|
10.
|
B.1.a
|
Trung Quốc
|
Tàu
|
1
|
D. Biến thể địa danh
|
11.
|
E.III
|
III- Cách vận động
|
III- Cách vận động văn hoá
|
1
|
Đ. Rút gọn
|
12.
|
B.1.b
|
xu hướng tiểu tư sản
|
xu hướng tiền tư bản
|
1
|
E. Nhầm lẫn, sai sót
|
13.
|
B.2
|
nội dung là tiền tư bản
|
nội dung là tiểu tư sản
|
1
|
|
14.
|
D.4
|
Ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hoá nước
Việt Nam trong giai đoạn này:
|
Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hoá mới
Việt Nam trong giai đoạn này:
|
1
|
|
15.
|
E.II.a
|
Niesche
|
Nietzsche
|
1
|
|
16.
|
E.II.b
|
Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ
nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v.) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa
thắng.
|
Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ
nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v...
làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng).
|
|
|
17.
|
C.1.a
|
Đàn áp các nhà văn hoá cách mạng dân chủ chống phát xít.
|
Đàn áp các nhà văn hoá cách mạng, dân chủ, chống
phát xít.
|
1
|
F. Thiếu dấu phảy
|
18.
|
C.1.a
|
Ra tài liệu tổ chức các cơ quan...
|
Ra tài liệu, tổ chức các cơ quan...
|
1
|
|
19.
|
C.1.a
|
Làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục và đức dục cho dân.
|
Làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục, và đức dục
cho dân.
|
1
|
|
20.
|
A.3.c
|
-
|
c) đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong.
|
1
|
G. Bỏ sót nguyên một đoạn
|
3.3. Tuy chưa có điều kiện tiếp xúc với bản gốc in trên tạp chí Tiên
phong số 1, nhưng qua phân tích những khác biệt này, chúng tôi có
thể kết luận rằng bản Đề cương in trong sách Một chặng đường
văn hoá gần với (hoặc theo đúng) bản gốc hơn, vì bốn lý do sau:
1-́́Các chữ viết tắt Đảng
C.S.Đ.D. / Đ.C.S.Đ.D., người C.S. của bản in trong sách Một chặng
đường... phản ánh đúng văn phong “đề cương” hơn cách viết đầy đủ
trong Văn kiện Đảng;
2-́́Cách viết địa danh
với dấu ngang nối như Đông-dương, Nhật-bản của bản in trong sách Một chặng đường...
là đúng theo cách viết của đồng chí Trường Chinh, người chấp bút
khởi thảo Đề cương;
3-́́Cách viết nhân danh
của các ngôn ngữ phương Tây
theo kiểu phiên âm có ngang nối như Đê-các-tơ,
Nít-sờ của bản in trong
sách Một chặng đường... là đúng với cách viết những năm 40,
còn cách phiên âm viết liền Đềcác,
Nítsơ trong Văn kiện
Đảng là cách viết hiện đại;
4-́́Cách dùng chữ Tàu
để chỉ Trung Quốc trong sách Một chặng đường...
cũng là đúng với cách dùng từ phổ biến trong những năm này
(chẳng hạn, năm 1946 Nguyễn Khánh Toàn với bút danh Hồng Lĩnh trong
bài “Văn học Việt Nam còn
nên dựa vào ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng nữa không?” đã viết: “Ở Tàu cũng vậy...
mấy năm gần đây, người ta vẫn hết sức biểu dương tinh thần dân tộc Tàu,
những giai đoạn tranh đấu giải phong trong buổi quá khứ của dân tộc Tàu” (Một chặng đường 1985: 240).
3.4. Bốn trường hợp dị biệt vừa nêu của bản in trong Văn kiện
Đảng có lẽ đều là những chỉnh sửa có chủ ý nhằm giúp
cho người đọc tiếp thu được dễ dàng hơn. Việc rút gọn tiêu đề “III-
Cách vận động văn hoá” thành “III- Cách vận động” (dị biệt số 11) cũng gọn
hơn, phù hợp hơn với hai tiêu đề nhỏ trước đó (“I- Mục đích trước
mắt” và “II- Công việc phải làm”). Song công bằng mà nói, những sửa
chữa dễ dãi này không phù hợp với những nguyên tắc khoa học văn bản
học và với chính những yêu cầu của việc xuất bản Văn kiện Đảng
Toàn tập được nêu trong Lời nói đầu là “trung thực, chính
xác, khách quan, tương đối đầy đủ, toàn diện, có hệ thống, bảo đảm
tính khoa học và tính lịch sử”.
Hai trường hợp dị biệt số 12-13 giữa bản in trong Văn kiện
Đảng và bản in trong sách Một chặng đường văn hoá là sự
đổi chỗ của hai từ “tiền tư bản” và “tiểu tư sản” thì không còn
là chỉnh sửa có chủ ý nữa mà là sự nhầm lẫn rõ ràng, và
đã dẫn đến sự sai biệt lớn về nội dung. Căn cứ vào nội dung thì
bản in trong sách Một chặng đường... cũng hợp lý hơn:
- “Thời kỳ từ Quang Trung đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm: văn hoá
phong kiến có xu hướng tiền tư bản” thì đúng hơn là “tiểu tư
sản”.
- “Tính chất văn hoá Việt Nam hiện tại: văn hoá Việt Nam hiện nay
về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiểu tư sản” thì
đúng hơn là “tiền tư bản”.
Trường hợp 14 ở bản in trong Văn kiện Đảng thiếu một chữ
“của” và sai một chữ - “cuộc vận
động văn hoá mới Việt Nam” bị in sai thành “cuộc vận động văn
hoá nước Việt Nam”. “Văn hoá mới”
là một thuật ngữ được dùng rất phổ biến lúc bấy giờ, còn “cuộc
vận động văn hoá nước Việt Nam” là một cụm từ vô nghĩa.
Trường hợp 15-16 ở bản in trong Văn kiện Đảng tên riêng Nietzsche được ghi thành Niesche,
và dấu đóng ngoặc đơn đặt sai vị trí.
Ba trường hợp dị biệt số 17-19 do bản in trong Văn kiện Đảng thiếu
một loạt những dấu phẩy. Tuy chỉ là những dấu phẩy nh” nhưng đã
làm sai lạc lớn về nội dung. Chẳng hạn, Văn kiện Đảng in là “Đàn áp các
nhà văn hoá cách mạng dân chủ chống phát xít” nghĩa là chỉ có
những nhà văn hoá đồng thời hội đủ cả ba đặc trưng “cách mạng”, “dân chủ”, và “chống phát
xít” mới bị đàn áp; trong khi đúng ra phải là
“Đàn
áp các nhà văn hoá cách mạng, dân chủ, chống phát xít” - nghĩa là cả ba loại nhà văn hoá đều bị đàn áp!
Cuối cùng, trường hợp
dị biệt số 20 là nghiêm trọng nhất: trong mục (3) thuộc phần đầu của
Đề cương (“Cách đặt vấn đề” - “Thái độ của Đ.C.S.Đ.D. đối
với vấn đề văn hoá”), ở bản in trong Văn kiện Đảng thiếu hẳn
một đoạn (c) là “đảng tiên phong
phải lãnh đạo văn hoá tiên phong” (ở bản in trong Văn kiện Đảng, mục A.3 này
chỉ có 3 tiểu mục a-b-c, còn ở bản in trong sách Một chặng đường...
thì có 4 tiểu mục a-b-c-d).
Do tính chính thống của việc tổ chức xuất bản Văn kiện Đảng và
uy tín của cơ quan xuất bản nên dễ hiểu là bản Đề cương
về văn hóa Việt Nam in ở đây thường được xem
là bản chính thức, và có lẽ cũng chính vì vậy mà theo điều tra
“bỏ túi” của chúng tôi thì khá nhiều các nghiên cứu và trích dẫn
lâu nay được tiến hành theo
bản in này. Bởi vậy, nhân dịp này chúng tôi đề nghị Hội đồng xuất
bản Văn kiện Đảng Toàn tập nên cho rà soát, đối chiếu lại kỹ
càng từng văn bản in trong đó theo văn bản gốc, xứng đáng với những
giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam và
những văn kiện quan trọng khác của Đảng.
Tài
liệu tham khảo
1.
Một
chặng đường 1985: Một chặng đường văn hoá (Tập hồi ức và tư liệu về Đề cương văn hóa của Đảng và đời sống tư tưởng văn nghệ 1943-1948). - H.: NXB Tác phẩm mới.
2.
Trường
Chinh 1985: Về văn hoá và nghệ thuật, tập I. – H.: NXB Văn học.
3.
Văn
kiện 1977: Văn kiện Đảng 1930-1945, tập III. – H.: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương
xuất bản.
4.
Văn
kiện 1998: Văn
kiện Đảng Toàn tập, tập 7. – H.: NXB Chính trị Quốc gia.
Tóm tắt
“ĐỀ CƯƠNG
VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” NHÌN TỪ KHÍA CẠNH VĂN HOÁ HỌC VÀ VĂN BẢN HỌC
Prof. Dr. Trần Ngọc Thêm
Bài viết phân tích bối cảnh ra
đời của đề cương văn hóa 1943 như đề cương văn hóa của một dân tộc yêu
văn hóa. Phân tích tính khoa học và tính cách mạng như những đặc
điểm nổi bật nhất của đề cương. Đồng thời bài viết cũng chỉ ra
những giá trị lịch sử cùng những hạn chế của đề cương. Cuối cùng, tác
giả chỉ ra những khác biệt và sai sót về mặt văn bản học tồn tại
trong những văn bản đề cương đang lưu truyền phổ biến hiện nay.
No comments:
Post a Comment