Saturday 27 July 2013

Thục Điểu muốn trả thù Thông Reo



Báo giới quốc ngữ ngoài Bắc có một tờ tên là Đông phương. Trong bộ biên tập Đông phương lại có một người tên là Thục Điểu. Nếu như tôi không lầm, thì Thục Điểu nầy chẳng phải là con chim nước Thục, mà là cái oan hồn mới hiện lên của Thiết Khẩu Nhi ở Phổ thông ngày trước(*). Tôi lại xin giới thiệu thêm với độc giả rằng Thục Điểu ở báo Đông phương cũng có cái địa vị tương đương như Tân Việt ở Thần chung như Thông Reo ở Trung lập mình vậy.
Còn nhớ hồi ở báo Phổ thông, có một bữa kia, không rõ vì sao mà Thục Điểu lại hào hứng - (có lẽ là vì đương lúc ngồi ăn kem ở bờ hồ chăng?) ra tài nhả ngọc phun châu mà sửa một bài thơ vịnh cảnh mặt trời mọc trên bờ hồ thì phải. Nguyên văn sao thì không nhớ, nhưng Thục Điểu thì sửa câu phá lại như thế nầy: Hào quang muôn đạo chói trời đông, nghĩa là khi mới mọc, mặt trời chói tia sáng ra nhiều lắm, chớ không gì lạ. Thế nhưng chói trời đông, Thục Điểu không viết chói, mà lại nhè viết là trói trời đông! Khi số báo ấy gởi vào trong nầy, Thông Reo xem thấy tức cười quá, không thể nín được, bèn viết một bài mà hỏi cay rằng bộ ông Trời ở ngoài Hà Nội ổng cũng theo cọng sản nữa sao mà báo Phổ thông đăng tin rằng ổng mới bị trói, bị bắt hè?(**). Coi đến bài ấy dám chắc dẫu là người khinh đời như Thục Điểu là cũng không thể không bựt buồn cười; nhưng cười thì cười, chớ trong bụng anh ta cũng xốn. Nghĩ đường đường một ông chủ bút của một tờ báo lớn ở đất văn vật nghìn năm, ai bảo lại đi nhè ông trời mà trói làm chi cho chúng kiêu ngạo?! Xốn thật! Bởi vậy từ ấy nhẫn nay, Thục Điểu vẫn hằm hằm hễ trông cho có dịp là trị Thông Reo mới nghe. Ngày nào anh ta cũng dở tờ Trung lập ra tìm tòi những cái lỗi về mặt chữ, nhưng theo như lời anh ta đã thú nhận, thì "Trung lập là tờ báo chữ in ít phốt nhứt các báo Đông Dương, nên tìm mãi từ ngày Phổ thông còn sống cho đến bữa thứ sáu 17 Avril vừa rồi, anh ta mới gặp được một chữ bậy của Trung lập, là chữ Thể tháo.
Nguyên hai chữ thể tháo là lấy trong chữ Nho ra, mà theo như vần chữ Nho, thì phải đọc là thể thao mới đúng. Thục Điểu mừng quýnh mới vịn đó mà kiêu ngạo lại Thông Reo rằng thuở giờ bác vẫn chủ trương cái thuyết viết quốc ngữ phải viết cho đúng, như trước thuật bác bảo phải viết trứ thuật, sao nay thấy trong báo Trung lập là tờ báo có bác dự vào, hai chữ thể thao lại nhè viết ra thể tháo chèm bẻm, như vậy thì bác chẳng thấy nó chướng mắt lắm ru? Mà nếu đã chướng mắt, thì sao bác chẳng bảo Trung lập làm ơn nhổ giùm cái đinh cắm trong con mắt bác, tức là cái dấu sắc ở trên chữ thao đi?…
Trước hết, tôi phải nhìn nhận rằng cái giọng nói kiêu ngạo, mỉa mai của Thục Điểu gần nay thiệt đã tiến bộ và ở Trung lập đây chúng tôi vẫn biết thưởng thức những lời nói chơi của anh ta nhiều lắm. Vả lại, về hai chữ thể thao mà Thục Điểu nói đó, thì ai là người có học nho cũng phải chịu là phải, chớ không còn chối đi đường trời mô. Bởi vậy, riêng phần ông Thông Reo thì đối với những chữ như thế đành rằng ông lấy làm khó chịu lắm chớ chẳng phải không. Nhưng vì những lẽ gì mà báo Trung lập không thể nhổ giùm cái đinh trong con mắt ông Thông Reo được, để sau nầy tôi sẽ nói chuyện thêm với bác Thục Điểu.

 
Phiêu linh(*)
Trung lập, Sài Gòn, s.6426 (28.4.1931)
(*) Thục Điểu và Thiết Khẩu Nhi là hai bút danh của Ngô Tất Tố.
(**) Bài ấy ở mục "Những điều nghe thấy", Trung lập, 12/2/1931.
(*) Phiêu Linh có lẽ là bút danh của Bùi Thế Mỹ; bài này có thể do Bùi Thế Mỹ viết, vì lúc này Bùi Thế Mỹ là Chủ bút Trung lập, và vì bài đụng tới va chạm mới của các đồng nghiệp cũ là Ngô Tất Tố và Phan Khôi (thời kỳ họ cùng viết ở Đông Pháp thời báo và Thần chung, 1927-1930).

No comments:

Post a Comment