Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Rừng nhiệt đới ở nước ta có nhiều loại thảo mộc khác nhau. Mặc dù vậy, trước khi tiếp xúc với người Pháp, nông dân ta không biết nhiều loại cây thực phẩm, cây ăn trái và cây kỹ nghệ vì không giao tiếp rộng rãi với thế giới bên ngoài và vì dành hầu hết đất đai để trồng lúa, trồng khoai để phòng nạn đói thường xuyên đe dọa nếu có loạn lạc, bão tố, lụt lội và hoàng trùng. Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Anh, Pháp mang nhiều cây thực phẩm, cây thuốc và cây kỹ nghệ sang trồng ở các thuộc địa của họ ở Nam Á, Đông Nam Á và trên các hải đảo Thái Bình Dương.
Trong bài viết nầy tôi tạm ghi nhận hoặc đưa giả thuyết về nguồn gốc tên gọi một số thảo mộc quen thuộc quanh ta và nhờ độc giả góp ý cho bài viết tăng thêm tín lực và sự phong phú.
*
Trái mãng cầu gai (sugar apple) được người Việt Nam ở miền Bắc gọi là trái NA. Trong tiếng Việt NA có nghĩa là ẩm, bồng, mang đi. Nghĩa nầy không dính dáng gì đến tên gọi của một loại cây gốc Mỹ Châu nhiệt đới nầy. Người Tainos gọi mãng cầu ngọt là annon. Người Tây Ban Nha dựa vào cách gọi nầy để cho ra đời tên gọi anona sau khi thám hiểm và chinh phục nhiều quốc gia trên tân lục địa. Người Tây Ban Nha chiếm quần đảo Phi Luật Tân và đem hột giống mãng cầu ngọt sang quần đảo Phi Luật Tân rồi từ đó mãng cầu được du nhập vào Mã Lai, Xiêm La (Thái Lan). Mãng cầu có thể được các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dòng Dominican (Đa Minh) đưa vào miền Bắc sớm nhất là vào thập niên 1530. Chữ NA mà người miền Bắc gọi là trái mãng cầu ngọt có phải chăng là âm sau cùng của chữ amona của Tây Ban Nha? Người Mã Lai gọi mãng cầu ngọt là No-Na, Thái: Noi-Na. Tất cả đều có âm của chữ anona.Cây Bình Bát cũng gốc ở vùng biển Caribbean. Đó là thân thuộc của mãng cầu. Người Tây Ban Nha gọi bình bát là anona corazon. Người Phi Luật Tân gọi mãng cầu là atis (dựa theo chữ até của người Mễ Tây cơ và ata của người Bồ Đào Nha) trong khi gọi bình bát là anonas (Tagalog). Người Mã Lai và Indonesia gọi làbua nona. Tên gọi bình bát của Việt Nam có phải là âm trại của chữ mean bat của người Khmer dùng để chỉ một loại cây thân thuộc với mãng cầu nhưng ở vùng ẩm ướt? Trái bình bát giống mãng cầu Xiêm nhưng nhỏ, ruột màu vàng sậm, có nhiều hột đen và không có hương vị như mãng cầu ngọt và mãng cầu Xiêm.
Cây mãng cầu Xiêm Annona muricata thực sự gốc ớ Mỹ Châu. Nhưng các nhà trồng tỉa Việt Nam gọi nó là mãng cầu Xiêm vì biết nó qua trung gian Xiêm La tức Thái Lan bây giờ.
Cây sầu riêng xuất phát từ Mã Lai và Indonesia được du nhập vào Thái Lan, Lào, Cambodia trước khi đến Việt Nam qua trung gian các tu sĩ Thiên Chúa Giáo ở chủng viện Penang, Mã Lai. Người Mã Lai gọi sầu riêng là durian tức trái có gai bén nhọn (duri: gai). Người Anh cũng dùng tên gọi nầy. Người Pháp âm trại thànhdurion, Thái: thurian, Lào: thourien, Miến Điện: du lin. Tên gọi sầu riêng của người Việt Nam âm từ thurian. Khi phát âm chữ T dễ lẫn lộn với D và TH để lẫn lộn với S.
Trong tiếng Việt chữ măng cụt hoàn toàn vô nghĩa. Đó là một loại cây ăn trái gốc ở Indonesia và Mã Lai. Chữ "măng" là âm của chữ manggis của Mã Lai. Ở Mã Lai và Miến Điện có nhiều măng cụt mọc hoang gọi là manggishutan (hutan: rừng, Manggishutan: rừng cây măng). Người Thái gọi măng cụt là mangkut, Lào:mangkut, Khmer: mongkut v.v... Như vậy tên gọi măng cụt âm từ mangkut của người Thái vậy.
Sầu riêng, măng cụt được các tu sĩ Thiên Chúa Giáo đưa vào Việt Nam từ Penang và trồng ở Cái Mơn, Bình Nhâm, Nhị Bình vào giữa thế kỷ XIX. Vào thế kỷ XIX Xiêm La là quốc gia trái độn giữa hai ảnh hưởng chánh trị Anh và Pháp. Đó là quốc gia không bị các nước Âu Châu xâm chiếm làm thuộc địa nên được triều đình Huế đặc biệt lưu ý để học hỏi. Khi triều đình Huế ra lịnh cấm và giết đạo Thiên Chúa, một số tín đồ Thiên Chúa Giáo bỏ trốn sang Xiêm La. Khi gặp khó khăn trước sự đe dọa của Pháp, triều đình Huế cử người đi sứ sang Xiêm để tìm hiểu xem do đâu nước nầy tránh khỏi sự xâm chiếm của các nước Âu Châu mặc dù họ phải ký hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng. Các sứ đoàn đem một giống chuối về nước trồng. Chuối đó gọi là chuối sứ (vì đem về nước sau khi đi sứ) hay chuối Xiêm (vì đem từ Xiêm về tuy rằng nước nầy không phải là sinh quán của loại chuối đang đề cập). Xiêm La trở thành quốc gia trung gian cung cấp cho Việt Nam nhiều loại cây ăn trái xuất phát từ tân lục địa và được người Tây Ban Nha đưa sang Phi Luật Tân rồi từ quần đảo nầy sang Mã Lai và Indonesia.
Cây sa-bô-chê gốc ở Mễ Tây Cơ được đưa sang Phi Luật Tân rồi Mã Lai trước khi đến Xiêm La, nhưng khi đến Việt Nam nó được gọi là hồng Xiêm. Chữ sa-bô-chê là âm của tiếng Pháp sapotier (cây sa-bô-chê) Sapotilla zapota. Người Indonesia gọi là trái sa-bô-chê (sapot) là sawo manila (trái sa-bô Manila) vì từ Manila đến. Trái sa-bô-chê ngọt và thơm ngon. Hột láng, giẹp, nhọn và cứng. Lá kết hợp với su hào (cải bắp) sắc nước uống hạ huyết áp. Ở Mễ Tây Cơ người ta nghiền hột thành bột để làm thuốc trục sạn thận, sạn bàng quang, gây buồn ngủ và tẩy xổ.
Sầu đâu là tên gọi của một loại cây cao từ 15 - 25m và được biết dưới tên khoa học Azadirachta indica. Tên gọi sầu đâu âm từ tiếng Khmer sdau. Người Việt Nam còn gọi là sầu đông vì rụng lá vào mùa đông hay xoan đào, có thể là tên gọi âm từ chữ sa dao của người Thái. Người Thái, Lào và Khmer ăn trái và lá sầu đâu. Người Việt Nam rất sợ chất đắng của trái và lá của loại thảo mộc nầy và không có nhiều kinh nghiệm về việc dùng sầu đâu để trị bịnh. Trong y học dân gian Ấn Độ sầu đâu được xem nhu là nhà thuốc xã thôn. Vị đắng của sầu đâu trị sốt rét. Người ta bỏ lá sầu đâu khô dưới giường để rệp và kiến bò đi. Lá sầu đâu khô bỏ trong sách thì sách không bị mối mọt ăn.
Cây thốt nốt giống như cây dừa. Đó là cây biểu tượng của người Khmer. Chữ thốt nốt do chữ thnoat của người Khmer mà ra. Người Khmer cất rượu hay làm đường từ cây thốt nốt. Người Việt Nam không dùng đường thốt nốt mà dùng đường mía. Họ trống cau, dừa nhưng không trồng thốt nốt mặc dù cây thốt nốt mang nhiều lợi ích kinh tế và chịu nắng hạn rất tốt.
Cây cao su gốc ở Brazil được người bản địa Brazil gọi là cây cahutchu (cây khóc) và được người Pháp đem trồng thí nghiệm ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX ở Nha Trang và Bình Hòa, Gia Định. Chữ cao su của ta âm từ chữ caoutchouc (arbre qui pleure) của tiếng Pháp. Và chữ caoutchouc của Pháp được âm từ chữcahutchu với nghĩa cây khóc vì có nhiều nhựa trắng tuôn vọt ra khi băm sâu vào thân cây. Cây cao su thích hợp với vùng đất đỏ (terre rouge) ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cao nguyên Nam Trung Bộ. Ở Dầu Tiếng có công ty Michelin. Ở Biên Hòa, Bà Rịa, Xuân Lộc, Long Thành có công ty SIPH (Société Indochinoise des Plantations d'Héveas). Ở Chơn Thành có Viện Nghiên Cứu Cao Su Đông Dương (IRCI: Institut de Recherche du Caoutchouc Indochinois). Đồn điền cao su ở Nam Bộ là sân khấu của những thảm kịch xã hội và đấu tranh đẫm máu từ đầu thập niên 1930. Cây cao su gốc ở Nam Mỹ nhưng sau nầy các nước Đông Nam Á như Indonesia, Mã Lai và Việt Nam trở thành những nước sản xuất nhiều cao su trên thế giới.
Cây cà phê gốc ở Kaffa, Ethiopia. Từ địa danh Kaffa ra đời chữ cafế. Dưới thời Pháp thuộc người Pháp lập nhiều đồn điền trồng cà phê trên cao nguyên Nam Trung Bộ. Cây cà phê gốc ở Phi Châu và Trung Đông nhưng hiện nay quốc gia nổi tiếng sản xuất cà phê trên thế giới là Colombia. Đến năm 1945 chưa có quán cà phê ở Việt Nam. Cà phê chỉ bán ở tiệm nước do người Trung Hoa làm chủ. Thời bấy giờ người ta pha cà phê bằng vợt ngâm cà phê trong một cái siêu đặt trên lò than nóng khiến cho cà phê đen sậm và đắng như thuốc sắc. Bằng từ ngữ khôi hài người ta gọi đó là cà phê kho.
Ở Việt Nam không có trồng cây ô-liu. Loại thảo mộc nầy gốc ở ven biển Địa Trung Hải. Chỉ có những người sống ở thành phố lớn và có tiếp xúc với người Pháp mới biết trái ô-liu và dầu ô-liu. Chữ ô-liu âm từ chữ olive của Pháp.
Xá lị là trái lê. Ổi xá lị Psidium pomiferum là trái ổi to, ruột trắng, mềm, rất ít hột. Trái ổi giống trái lê về hình dáng, có ruột trắng và mềm như trái lê Pyrus communis. Loại ổi nầy thường được bán tại bến phà Mỹ Thuận để ăn với muối ớt hay mắm ruốc dầm ớt.
Cây lê-ki-ma gốc ở Trung và Nam Mỹ, nơi nó được biết dưới tên thông thường lucuma và tên khoa học Lucuma sapota cùng gia đình với cây sa-bô-chê. Người Việt Nam có vẻ không hưởng ứng hương vị của trái lê-ki-ma khi chín có cơm vàng như tròng đỏ hột gà, ngọt nhưng mau ngán vì có nhiều bột. Ở Nam Mỹ nhiều người bản địa không dám đi gần cây lê-ki-ma ban đêm vì cho rằng đó là nơi có nhiều ma.
Cho đến giữa thế kỷ XX người miền Nam mới biết cây avocado do tổng thống Magsaysay của Phi Luật Tân gởi tặng. Lúc bấy giờ dựa vào chữ avocado người ta gọi đó là cây trạng sư. Khi cây ra trái và ăn có vị béo, người ta lại gọi là trái bơ (beurre).
Cây cau Areca catechu còn có tên gọi khác là bình lang. Đó là âm của tên đảo Penang có nghĩa là cây cau theo tiếng Mã Lai. Trái cau chát không ăn được nhưng lá trầu và trái cau có vai trò đặc biệt trong hôn sự và trong việc xã giao trong cộng đồng các dân tộc Nam Á, Đông Nam Ấ và hải đảo Thái Bình Dương.
Trái cốc xanh mà người Trung Hoa ngâm với cam thảo để ăn với muối ớt được tìm thấy nhiều ở các nước Nam Á, Đông Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương, kể cả bắc Úc Đại Lợi. Tôi không biết tại sao nó được gọi là Jewish plum hay trái cốc ngoại trừ chữ CỐC là âm cuối cùng của tên gọi trái cốc của người Thái: makok.
Tên gọi trái cà na âm từ tên khoa học Canarium. Cà na trắng Canarium album gọi là cam lăm âm từ tiếng Trung Hoa ganlan. Người Anh gọi là Chinese olive. Cà na đen mang tên khoa học Canarium nigrum. Người Trung Hoa ngâm trái cà na với cam thảo cho người bịnh ngậm sạch miệng. Trái cà na được dùng để giải rượu. Người ta cho rằng hột cà na to và cứng thán (đốt ra than), tán thành bột có khả năng làm tan xương cá khi bị hóc xương. Xin các thầy thuốc Đông Y, Tây Y góp ý kiến về chuyện nầy.
Từ khi tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam bắt đầu làm quen với rau cải, trái cây và vài loại hoa miền ôn đới.
Hoa lai-ơn âm từ glaieul của Pháp mà ra. Tên khoa học của loại hoa nầy là Gladiolus cardinalis (màu đỏ như áo của Hồng Y) (gladius: cây kiếm).
Hoa ọt-tăng-sia âm từ tên khoa học Hortensia macrophylla (lá to). Ở Nhật người ta dùng hoa Hortensia serrata nấu làm trà ngọt ama-cha. Họ cũng nấu nước bằng hoa hortensia nầy để tắm các tượng Phật.
Hoa ti-gôn âm từ tiếng Pháp liane antigone, được biết dưới tên khoa học Antigonon leptopus. Về sau hoa nầy mang tên hoa hiếu nữ.
Cải xà-lách do chữ salade mà ra. Tên khoa học là Lactura longifolia cùng dòng với cải lettuce nhưng lá dài và mỏng, màu vàng-xanh thật nhạt. Cải xà-lách cólactucin C15 H16 O5 là một chất ma túy như á phiện nhưng nhẹ. Nó nhuận trường và gây buồn ngủ. Người Việt Nam ăn cải xà-lách như rau cải. Các đầu bếp Trung Hoa luôn luôn cho cải xà-lách vào các tô hủ tiếu hay mì.
Xà-lách-son hoàn toàn không có liên hệ gì đến cải xà-lách. Đó là tên gọi âm lệch từ chữ cresson mà ra. Xà-lách-son mọc hoang rất nhiều ở miền ôn đới (Thụy Điển, Ngũ Đại Hồ, v.v...).Tên khoa học là Nasturstium microphyllum (lá nhỏ và xanh sậm). Người ta thường ăn cải xà-lách-son với thịt bò xào. Xà-lách-son được xem như bổ máu và lợi phế. Ở Âu Châu ngày xưa người ta ngâm xà-lách-son trong rượu bia để uống ngừa bịnh scorbut vì thiếu sinh tố C.
Cà tô-mát Lypcopersicon esculentum gốc ở Mỹ Châu. Người Việt Nam gọi là cà chua vì nó có vị chua. Tên gọi tô-mát âm từ chữ tomate của người Pháp, người đã đem giống cà nầy sang Việt Nam. Cà tô-mát được dùng để làm cà xốt để nấu ragout, spaghetti, làm ketchup. Ở Việt Nam cà tô-mát được dùng để nấu canh chua với cá, giá đậu xanh, thơm, cà bắp nêm với rau thơm như rau quế, rau tần dày lá, ngò om hay ngò gai. Cà tô-mát có lycopene C40 H56 có tính kháng oxy hóa và ngừa ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer). Về việc lycopene (carotene) có ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt được hay không vẫn còn là một đề tài tranh luận. Lycopene không chỉ có trong trái cà tô-mát mà trong củ cải cà-rốt, trái đu đủ chín, dưa hấu, trái strawberry, v.v…
Tên gọi củ cải cà-rốt âm từ chữ carotte của Pháp mà ra. Củ cải cà-rốt mang tên khoa học Daucus carota sativus. Củ cải cà-rốt được dùng để nấu súp. Người Việt Nam Việt hóa củ cải cà-rốt khi biến nó thành đồ chua trong chén nước mắm ăn bì cuốn. Củ cải cà-rốt là một nguồn sinh tố A và carotene quan trọng lợi cho thị giác. Nhưng dùng nhiều cà-rốt sẽ bị vàng da.
Trong rau cải bán ở Việt Nam có trái su và su hào. Thoáng mới thấy tưởng đó là tiếng Việt, nào ngờ cả hai tên gọi trên đều âm từ chữ chouchou và chou rave của Pháp.
Trái su kết quả trên một loại dây mang tên khoa học Sechium edule. Người Pháp gọi trái su là chouchou, Brazil: chuchu, Trung Hoa: Fo Shu gua (Phật thủ quả: trái tay Phật), Tây Ban Nha: chayote (phỏng theo cách gọi của người Da Đỏ ở Mỹ Châu). Trái su giống trái lê màu xanh nhạt, vị ngọt lạt. Người ta thường xào thịt bò với trái su như xào với dưa chuột vậy.
Su hào tức là cải bắp hay cải nồi. Người Pháp gọi là chou rave. Tên khoa học là Brassica oleracea. Người ta ăn sống, hấp chín hay dùng lá cải để nấu súp thịt bò, khoai tây và củ cà-rốt. Người Việt Nam ở thành phố dừng cải bắp, cà-rốt để trộn gỏi gà thay cho bắp chuối hay chuối con. Cải bắp có nhiều sinh tố C, glutamine, amino acid kháng việm. Đó là một nguồn indol-3-carbinol (i 3c) dùng để chữa u bướu trong đường hô hấp.
*
Qua những dữ kiện trên chúng ta thấy cây cỏ cũng có tên tuổi, nguồn gốc, quá trình sống và sự cống hiến của chúng đối với nhân loại. Chúng được các nhà chinh phục và các nhà truyền giáo mang đi quảng bá khắp nơi trên thế giới. Chúng thay đổi địa bàn sống và cách sống tập thể có tổ chức và được chăm sóc từ thức ăn, thức uống đến chất dinh dưỡng thích hợp. Cây cao su, cây cà-phê không phát đạt và vinh hiển ở sinh quán của chúng, lại trở nên quan trọng và được quí mến ở môi trường sống khác sau khi bị các nhà chinh phục và các nhà truyền giáo đưa chúng xuống tàu buộc phải vĩnh viển ly xứ quán. Cây cao su ở Lai Khê, Dầu Tiếng hoàn toàn xa lạ với nguồn gốc Amazon của tổ tiên chúng cũng như cây cà phê Colombia và Java hoàn toàn xa lạ với quê hương Kaffa và Mocha của họ Coffea trong đại gia đình Rubiaceae.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
No comments:
Post a Comment