Wednesday, 10 July 2013

Ai đem măng cụt vào đất này?




Người biết tiếng Pháp thường nghĩ rằng măng cụt là từ gốc Pháp (Phạm Văn Tình, Nguyễn Đức Tuấn). Người Pháp gọi quả măng cụt là mangouste. Nhưng ngoài sự trùng hợp về âm thanh đó ra, không có bằng cớ cho thấy là người Việt nào đó biết tiếng Pháp đã phiên âm mangouste thành măng cụt.
Trương Vĩnh Ký có thể là người có công lớn trong việc phổ biến trái măng cụt (và từ măng cụt) ở miền Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là từ măng cụt được phiên âm từ tiếng Pháp. 

 Từ măng cụt đã được ghi nhận năm 1838 trong Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị của Taberd (2004:297), dịch sang tiếng La Tinh là garcinia mangoustana. Như vậy măng cụt phải xuất hiện trong tiếng Việt và người Việt đã phải khá quen thuộc với thứ trái cây này từ trước cả khi Trương Vĩnh Ký chào đời (tháng 12 năm 1837). Theo Eveillard (1887:10), cây măng cụt đó nguyên bỡi bên Phố mới mà ra: đức giám mục d’Adran, đem cây ấy qua bên nầy, trồng tại Lái thiêu gần Sài gòn. Phố mới là Xinh-ga-po / Tân Gia Ba ; giám mục d’Adran (évêque d’Adran) là đức cha Bá Đa Lộc / Pigneau de Béhaine (1741-1799).

Giả sử các nhà truyền giáo là những người giới thiệu măng cụt cho người Việt (từ nhiều năm) trước 1838, khó có thể tin rằng họ dựa vào từ mangouste của tiếng Pháp để đặt tên Việt cho thứ trái cây này:
Từ mangouste xuất hiện trên sách vở tiếng Pháp lần đầu năm 1798 (Macartney, 1798, Voy. dans l'intér. de la Chine et de la Tartarie, t. 1, p. 362 ds König, p. 139) và được định nghĩa là fruit du mangoustan, tức là quả của cây mangoustan. Từ mangoustan có tiền thân trong tiếng Pháp là mangostan. Từ mangostan này có khi chỉ cây măng cụt (trong Lodewijcksz, 1598, Premier livre de l'histoire de la navigation aux Indes orientales par les Hollandois, fo38 rods Arv., p. 315), có khi chỉ quả măng cụt (trong Lodewijcksz, 1598, Premier livre de l'histoire de la navigation aux Indes orientales par les Hollandois, fo38 rods Arv., p. 314). Các nhà từ nguyên học Pháp đã xác định được rằng gốc của mangoustanmangostae của tiếng Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 và người Bồ Đào Nha mượn của tiếng Mã Lai (manggoestan).

Từ điển của Viện Hàn Lâm xuất bản năm 1835 không có từ mangouste. Đối với người Pháp thời đó mà nói, mangouste vẫn còn mang âm hưởng xa lạ, chưa được coi là là một từ tiếng Pháp chân chính, thực thụ. Thương nhân và nhà truyền giáo người Pháp lang thang ở Đông Nam Á có thể biết từ mangouste nhưng người Pháp bình thường không biết từ này, không biết đó là thứ gì. Như vậy các giáo sĩ, nếu quả thật họ là những người đầu tiên chỉ cho người Việt biết trái măng cụt là gì, không thể ý thức rằng họ đang dùng một từ tiếng Pháp hay tiếng Bồ để gọi tên thứ trái đó. Cùng lắm họ chỉ có thể biết rằng họ đang dùng một từ mà nhiều người trong vùng Đông Nam Á  (Mã Lai, Pháp, Bồ...) dùng chung, trừ người An Nam (!) vì phải đợi đến khi có mặt các giáo sĩ người phương Tây, người An Nam mới đi lại, buôn bán với Mã Lai (!).

Mặt khác, hơn hai nghìn trường hợp từ Việt có âm đầu [k] mượn tiếng Pháp cũng có âm đầu là [k]: ca <  cas, ca dèn < caserne, côn < cône, < coup, cốt lết < côtelette...). Nói chung người Việt không có vấn đề gì khi bắt chước âm [g] của tiếng Pháp vì vậy âm đầu [g] tiếng Pháp sẽ được  bảo lưu khi chuyển qua tiếng Việt: gare > ga, garde > gác, gomme > gôm.  Chỉ có một vài trường hợp âm [g] tiếng Pháp chuyển thành âm [k] tiếng Việt và đều song song tồn tại với dạng bắt đầu bằng âm [g]: cà mèn / gà mèn < gamelle), bánh ca-tô / ga-tô (gâteau). Người Việt nếu mượn từ mangouste của tiếng Pháp hầu như chắc chắn sẽ gọi đó là trái măng gút hay măng gụt chứ khó có thể gọi là măng cụt.

Âm [k] này khiến ta phải nghĩ đến sự tiếp xúc giữa người Việt và những người gặp khó khăn nhất định với âm [g] như người Trung Hoa chẳng hạn. Măng cụt  trong tiếng Hán có nhiều tên gọi. Một trong những cái tên đó là mãng cát thị (莽吉柿). Lê Văn Đức (1970b:893) cũng ghi nhận một cái tên Hán Việt khác là mã cật
Tiếng Mã Lai hiện nay gọi măng cụt là manggis / manggistan. Một quyển từ điển xuất bản đầu thế kỷ 20 của Wilkinson (1901-1903:647 và 651) chú manggista là từ ngữ văn học cổ điển, manggis là từ địa phương Riau và Johore, masta (phương ngữ Kedah), mesta (phương ngữ bắc). Tuy nhiên, vài năm sau đó, trong bản giản yếu của quyển từ điển này, Wilkinson (1908:506) ghi cả manggis, manggista, manggustan và không chú thích gì, xem như cả ba dạng tương đương nhau. De Clercg (1909:1592) ghi nhận manggis (tiếng Mã Lai, Java và Bali), manggistan (tiếng Mã Lai), manggus (Lampung), manggusta (tiếng Mã Lai, Bali, Bima), manggustan (tiếng Mã Lai Melaka). Waruno Mahdi (2007:142-143) cho rằng dạng manggustan này là tiếng Mã Lai Melaka vay mượn ngược từ tiếng Bồ. Trương Vĩnh Ký ắt phải biết từ này khi du học ở Mã Lai. Các thương nhân người Hoa đi đi lại lại giữa các nước trong vùng Đông Nam Á cũng phải biết. So với các nhà truyền giáo phương Tây thì thương nhân người Trung Hoa hẳn phải có vai trò năng động hơn trong việc làm cầu nối giữa miền Nam nước ta với miệt dưới. Do đó có nhiều khả năng từ măng cụt vào nước ta bằng cách theo chân thương nhân người Hoa hơn là qua miệng các ông giáo sĩ.

Có thể còn một con đường nữa để măng cụt vào nước ta. Từ điển Huình Tịnh Paulus Của (1896b:17) giảng măng cụtbứa xiêm. Tiếng Thái Lan gọi thứ trái này là mạngkhud (มังคุด). Người bán hàng ngoài đường bây giờ có thể bán đủ thứ nho Mỹ, bắp Ấn Độ, dứa Thái Lan... mà ta không thể biết thật sự nguồn gốc từ đâu. Nhưng hơn trăm năm trước bứa xiêm có lẽ là bứa Thái Lan thật.

1 comment:

  1. xưa quá rồi, nhưng "măng-cụt" là mankhoot của người Thái chớ còn ở đâu ra?

    ReplyDelete