Thursday, 4 July 2013

Một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam: Khả năng ứng biến (TRẦN QUỐC VƯỢNG - Văn Hóa Nghệ An)


Một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam: Khả năng ứng biến

  •   TRẦN QUỐC VƯỢNG
  • Thứ năm, 16 Tháng 5 2013 19:40
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ

Bàn về bản lĩnh – bản sắc (Identité) của dân tộc và văn hóa Việt Nam, cố giáo sư Cao Xuân Huy khả kính đưa ra một hình ảnh – biểu tượng: Nước, đưa ra một khái quát về triết lý Việt Nam: triết lý nước hay là Nhu đạo.

Đó là một ý tưởng độc đáo.
Nó đúng, với cái nhìn sinh thái – nhân văn. Một đặc điểm nổi bật của tự nhiên Việt Nam là tính chất bán đảo:nước Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương, lại chiếm trọn phần đông của bán đảo ấy nên tính chất bán đảo càng nổi trội.
Tính biển hay là tính Mã – Lai, nói rộng ra là tính Dân chài, hòa với tính Thung lũng, hay là tính Tày-Thái, nói rộng ra là tính dân làm ruộng lúa nước, ngay từ rất sớm (“từ buổi bình minh của lịch sử”) đã ngấm đẫm vào nền văn hóa sơ sử Đông Sơn và trở thành một nhân tố hữu cơ của cơ cấu văn hóa Việt cổ.
Người anh hùng văn hóa (héros culturel) Việt cổ là từ nước, từ biển mà đi lên, từ Ngư tinh, Hồ tinh và Mộc tinh trên ba không gian văn hóa – xã hội Việt cổ: miền ven biển, miền châu thổ và miền núi. Đó là Lạc-Long-Quân.
Trên đất liền Việt Nam, miền “chân núi” của những dãy núi lớn Á châu là một mạng dày đặc sông, suối, đầm, hồ. Người ta đã tính ra rằng trung bình cứ 1km vuông đất đai có hơn 1km đường sông nước. Bởi vậy, nếu hiểu văn hóa là “cái môi trường được con người thích nghi và biến đổi (mam madenvironment), thì tính sông nước cần được xem là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Các di chỉ từ thời đạiđá mới,các bản làng từ đầu thời đại kim khí về sau đều phần lớn phân bổ ở bờ nước: bờ sông, bờ đầm hay bờ biển…
Làm ruộng, trồng lúa, thì mối bận tâm hàng đầu cũng là nước: thủy lợi là biện pháp kỹ thuật hàng đầu mà thủy tai (lũ lụt) cũng là cái hại hàng đầu. Bữa ăn hằng ngày là cơm+rau+thủy sản (cua cá, tôm tép, ếch lươn…). Món ăn đặc sắc, chân chất Việt Nam là món luộc (dùng nước đun sôi mà làm chín).
Giao thông vận tải cổ truyền quan trọng nhất là đường nước. Con thuyền các loại là một hình ảnh thân quen của cảnh quan địa lý – nhân văn Việt Nam, với dòng sông và bến nước.
Thế cho nên, người Việt từ thượng cổ đã nổi tiếng “lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”.
Thế cho nên, tâm thức người Việt, từ rất sớm và hằng xuyên qua “thời gian của người”, không thể không bận lòng vì nước.
Thế cho nên, người Việt đã đồng nhất không gian xã hội, cộng đồng lãnh thổ, Tổ quốc của họ… với nước. Và phổ xã hội (spectre social) của họ được mở rộng dần, bắt đầu từ cái nhà – Nhà, qua họ hàng, xóm làng tới quốc gia –Nước…
Thế cho nên, người Việt không thể không học hỏi nơi nước nôi và với tấm lòng cởi mở, hồn nhiên, thô phác, nguyên sơ, họ đã tự đồng nhất mình với nước.
Nướclà một chất liệu lỏng, có đặc tính linh động và sinh động, không cố định cứng nhắc nơi một hình dạng nào.
Người thợ luyện kim có thể nói: Họ “giống nhau như đúc”. Nhưng bất cứ người dân thường Việt Nam nào cũng có thể nói: Họ “giống nhau như hai giọt nước”.
*
**
Nước không câu nệ nơi hình thức, nhưng không vì thế mà đánh mất bản chất nước của mình.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”
Giảng giải cho tôi câu triết lý dân gian này, thầy Cao Xuân Huy bảo: Anh chớ nên xem đấy là một thế ứng xử cơ hội chủ nghĩa của người Việt Nam. Nếu có ai đó nghĩ như vậy thì quả là tầm thường… và sai lạc.
Trònhay dài chỉ là hình thức, đâu có ý nghĩa lớn lao gì, cái chính là nước vẫn giữ được bản chất của mình, nó đâu có bị “tha hoá” bị “vong thân” (aliéné) để trở thành chính cái bầu, chính vỏ quả bầu hay chính cái ống, chính ống bương hay ống tre…
Thì cứ xem, người Việt thượng cổ thời Đông Sơn đóng khố và mặc váy, người Việt trung cổ và cận cổ mặc cái “quần ta” mà chính ra là cái quần Tàu được thích nghi và cải biến, và người Việt hiện đại mặc “quần phăng”, quần Âu và thậm chí cả “quần bò” nữa… ấy thế mà, về cơ bản, người Việt có đánh mất cái bản chất “ta lại là ta” đâu, họ có vì sự thay đổi y phục (hình thức khoác ngoài thân xác) mà bị Hoa hóa, Pháp hóa hay là Mỹ hóa đâu. Quả có thật: “Người đẹp vì lụa…” song giá trị nhân văn Việt Nam vẫn là ở chỗ “cái nết đánh chết cái đẹp”.
Cái xác nhà Việt Nam cũng trải qua biết bao lần biến đổi, từ mái “nhà Đông Sơn” – nhà sàn mái võng cong hình thuyền được chạm khắc trên trống đồng đến nếp nhà tranh dựng trên nền đất bằng – mà mô hình đất nung của nó được tìm thấy nơi nhiều ngôi mộ cổ thời “Bắc thuộc” – đến những ngôi nhà caotầng, những dinh thự và biệt thực kiểu Âu – Mỹ trong các đô thị Việt Nam hiện đại…
Song tinh thần ngôn ngữ kiến trúc Việt Nam cổ truyền – như kiến trúc sư lão thành Nguyễn Cao Luyện đã vạch ra – vẫn là cái hướng nhà (“Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”) và giá trị đạo đức hằng xuyên của người Việt Nam vẫn là “rộng nhà không bằng rộng bụng”, “ăn hết nhiều chứ ở hết mấy” và cái chính là “đường ăn nết ở”, cái thế ứng xử về ăn và về ở, với ta và với mọi người.
Nước, qua quá trình nghiệm sinh và nội tâm hóa (intériorisé) của người Việt Nam, có lòng đại lượng khoan dung(générosité). Nó thu nhận tất cả vào lòng nhưng đâu vì vậy mà nó trở thành “vô nguyên tắc”! ..
Tự mình, nước biết “gạn đục khơi trong” như là người Việt Nam vậy. Tiến sĩ H.R.Ferraye cho rằng nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam là tính cách “không chối từ” (non refus) của nó.
Thực ra nó chỉ có một chối từ: sự đồng hóa cưỡng bức. Còn lại nó tìm cách dung hòa và hội nhập mọi sở đắc văn hóa, của Hoa, của Ấn, của Nam Đảo, của Âu-Tây… cả ngôn từ và kỹ thuật, cả tôn giáo và nghệ thuật…
Thì đó trong từ vựng tiếng Việt, giới ngôn ngữ học có thể “lọc” ra những từ vựng cơ bản gốc Môn-Khơme, những từ liên quan đến nghề nông trồng lúa gốc Tày-Thái, những từ liên quan đến cá mú và biển khơi hải đảo gốc Mã-Lai, những từ gốc Tạng-Miến, biết bao từ vựng triết lý và đạo lý gốc Hoa, viết bao từ của Phật giáo gốc Ấn, biết bao từ kỹ thuật học hiện đại gốc Âu Tây. Nhưng tiếng Việt vẫn là tiếng Việt, duyên dáng và trong sáng!.
Thì đó, cây mít và cây nhài gốc Ấn, cây sầu riêng và cây măng cụt gốc Mã Lai, cây khoai tây gốc Mỹ, cây sứ,cây đại gốcThái – Lào, cây su su, súp lơ, su hào, hoa dơn… gốc Pháp.
Nhưng cơ cấu nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng nghề nông trồng lúa nước, gốc bản địa, tự lâu đời…
Tôi nghĩ đến cái triết lý chuẩn mực sống của người trí thức thời Trần “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng và bụi bặm). Sống ở đời, không thể không dính chút bụi trần, thì có sao đâu nếu nội lực vẫn thâm hậu và luôn phát sáng.
Nghĩ về nước tôi nghĩ đến hai triều đại quân chủ Việt Nam có gốc gác dân chài: triều Trần và triều Mạc. Cả hai đều có tư duy phóng khoáng, cởi mở, không câu nệ và bảo thủ, không độc đoán và hẹp hòi… Nó dung hòa hay thậm chí làm vật đối trọng của cái căn tính nông dân – địa chủ khá thâm căn cố đế của một nhà Lý ở Đình Bảng xứ Bắc, của một nhà Lê ở xứ Thanh…
*
* *
Ngắm nhìn dòng chảy, người Việt Nam thấy không gì mềm mại như nước, nó vấp phải bao nhiêu vật cản, vật rắn… song nó vẫn tự tìm lấy đường đi về biển… “chúng thủy triều Đông”.
… Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông…
(Thơ ức Trai).
Như Việt Nam trên dặm dài lịch sử “hoạn nạn mới gây nổi nước, lo phiền mới đúc nên tài”, “gian nan nhiều, tư lự sâu”, biết bao tên đế chế, thực dân, đế quốc, siêu cường… muốn cản ngăn sự phát triển Việt Nam. Bọn chúng đều dương cương, đều rắn đầu, đều sắt đá… Làm sao để thắng chúng mà tiến lên?
Thì đây:
Nước chảy đá mòn
Nhu có thể thắng cương, yếu có thể chống mạnh, ít có thể địch nhiều… chính đó là bản sắc Việt Nam, Chính đó là triết lý Việt Nam của cha mẹ tổ tiên ta qua nghiệm sinh mà rút đúc được: Cần ứng biến.
Giữa cơn cớ vận nước nghìn cân treo sợi tóc đầu năm 1946, cụ Hồ đi Tây trao lại cụ Huỳnh tờ cẩm nang: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cụ Hồ giàu chữ nghĩa mà vẫn rất dân gian. Dân gian suy ngẫm: Nước chảy là đá mòn. Yếu tố cốt tử là con người, là tấm lòng trung trinh bất biến:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào – khê nước chảy vẫn còn trơ trơ!
*
* *
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, luận về bản sắc văn hóa Việt Nam, một học giả Mỹ ví Việt Nam như một cây gậy nhìn bề ngoài thấy phủ một lớp sơn tây (sơn dầu) mỏng: cạo lớp sơn ấy đi, vẫn thấy phủ một lớp sơn (sơn then, sơn mài) có phần dày hơn; song cạo tiếp lớp sơn tàu ấy nữa, thì lộ ra cốt lõi gậy tre đực Việt Nam! Một ví von hay, hơn là một luân lý đúng. Song cây tre và gậy tre thì quả là một biểu tượng của Việt Nam cổ truyền. Từ cây gậy tre thời Phù Đổng Thiên Vương đến cây gậy tầm vông thời đại Hồ Chí Minh đền nợ nước, trả thù nhà:
Thù này ghi nhớ còn sâu
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què.
Nhưng tre có thể uốn, hun làm gậy cứng, mà cũng có thể chẻ tre đan nón ba tầm, chẻ tre làm lạt. Mà: Lạt mềm buộc chặt.
Lại một khía cạnh triết lý nữa về cương – nhu, về nhu đạo thắng cương cường…
Người ta bảo: Văn hóa là một hệ chuẩn mực, mật mã, giá trị, biểu tượng. Con người – chính vì nó là người – không chỉ có một “thế giới thực” (monde réel) mà còn sáng tạo ra một “thế giới các biểu tượng” (monde de représentations) mô phỏng rồi dẫn dắt trở lại hiện thực.
Một biểu tượng kỳ vĩ đặc sắc của dân tộc và văn hóa Việt Nam, chẳng biết rõ xuất hiện từ bao giờ nhưng chậm lắm là từ thế kỷ X, là con rồng.
Rồng là biểu tượng của cội nguồn dân tộc: Con Rồng cháu Tiên, con Hồng cháu Lạc, con của mẹ tiên Âu và bố rồng Lạc.
Kinh thành Đại Việt thời phục hồi dân tộc phục hưng văn hóa (Lý – Trần) được mang một cái tên độc đáo không hề có ở Trung Hoa hay bất cứ nơi đâu khác: Thành phố rồng bay (Thăng Long). Và văn hóa Đại Việt thời đó cũng được mệnh danh là văn hóa Thăng Long với hình tượng con rồng độc đáo mà cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã dày công nghiên cứu để vạch ra cái bản sắc của nó, khác xa con long mã của Trung Hoa, gốc từ 1 loài thú bốn chân.
Rồng Thăng Long Đại Việt là loại Rồng – Rắn, mình tròn trịa và thanh tú, với nhiều khúc uốn lượn nhịp nhàng, là loại có vẩy, ở nước và cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, cái nhân tố bận tâm hàng đầu của người dân trong lúa nước…
Rồng, cũng như nước, có đặc trưng nổi bật là khả năng ứng biến (Resiliance, Redressement), như người Việt Nam vậy. Nó có nhiều trạng thái, hay đúng hơn, thích nghi với nhiều trạng thái: ở dưới nước (tiềm long vu thuỷ), nó giữ bầu nước của thiên hạ (Long Vương). Nó có thể xuất hiện ở trên đất, trên đầm lầy (hiện long vu điền, vu đại trạch) như một “điềm báo” mà Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, coi là điểm rồng vàng báo điều tốt đẹp. Nó có thể bay cao trên trời (phi long tại thiên) vùng vẫy trong mây (Long vân khánh hội) gây mưa tưới nhuần đồng ruộng. Đây là lúc anh tài đua nở.
Rồng mây gặp hội anh hào ta tay…
Nói theo ngôn từ của Đạo học phương Đông, cái thể (bản chất) và cái dụng (chức năng) của rồng có thể là âm(dưới nước) mà cũng có thể là dương (trên trời).
Rồng là loại giỏi thích nghi (mieux adapté), rất huyền thoại (trong cơ cấu) mà cũng rất chi là thực (trong từng chi tiết: vẩy, sừng, móng, râu…) Con Rồng cháu Tiên cũng là một dân tộc giỏi thích nghi, trải những thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Luôn luôn cố gắng thích nghi tối ưu và tối đa vớitự nhiên trong làm ăn (thời vụ: tuỳ thời mà làm mùa: tuỳ thế đất và chất đất mà bố trí cơ cấu cây trồng…). Tìm cách thích nghi với hoàn cảnh khiđánh giặc: Tiến công Ung, Khâm, Liêm. Phòng ngự bến Như Nguyệt (Lý). Ba lần tạm bỏ Thăng Long lui về Thiên Trường, Thanh Hóa, tiến công nơi Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng (Trần) biêt tự chủ thật sự (indépendaneréelle) mà cũng biết thần phục giả vờ, (vassalité fictive) đối với nước lớn phương bắc trong trận cờ thế giới trung đại (mọi triều đại từ Khúc, Đinh đến Nguyên Tây – Sơn)… Thắng lớn mà biết nhún mình cho biện sĩ qua sông bàn hòa (Lý Thường Kiệt).
Gặp khó khăn ở Chí Linh, biết nhún mình cầu hòa (viết “Hàng thư” 1424) để một năm sau tiến quân vào xứ Nghệ thắng Trà Lâm như trúc chẻ tro bay rồi qua xứ Thanh ra Bắc làm nên chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, rồi Chi LăngXương Giang, 1427 (Lê Lợi – Nguyễn Trãi)…
Ví dụ lịch sử biết mấy cho vừa!
Tôi gọi cái bản lĩnh – bản sắc biết nhu, biết cương, biết công, biết thủ, biết “trông trời trông đất trông mây…” rồi tuỳ thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục”… ấy, là khả năng ứng biến của người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam!
Ngày mồng 1 tháng 7 năm 1987.
*Nguồn: Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, 2003.

No comments:

Post a Comment