Showing posts with label thuật ngữ Công giáo. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ Công giáo. Show all posts

Tuesday 10 July 2018

Từ "Dòng" là của riêng người Công Giáo Việt Nam (Nguyễn Long Thao - Công Giáo)




Từ "Dòng" là của riêng người Công Giáo Việt Nam

1/25/2017 1:50:29 PM 
(http://conggiao.info/tu-dong-la-cua-rieng-nguoi-cong-giao-viet-nam-d-40030) 
Khi nói tới từ “Dòng”, người Công Giáo Việt Nam nào cũng hiểu “dòng” là một tu hội như Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Phan Xi Cô, Dòng Đa Minh v.v...

dongtu.jpg
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các bộ tự điển quan trọng của Việt Nam, như Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931, hay Đại Từ Điển Tiếng Viết của Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam xuất bản năm 1999 lại không giải thích dòng là một tu hội? Vậy phải chăng “dòng” là một đặc ngữ của người Công Giáo Việt Nam và đâu là nguyên nhân các vị thừa sai dùng từ này để chỉ một tu hội? Đó là nội dung bài nghiên cứu này.

Dòng là từ Nôm lấy dạng của bộ thủy 氵và dụng 用 trong tiếng Hán để ghép lại. Theo nghĩa thông thường của các từ điển, từ Dòng chỉ ý nghĩa sự gì liên tục như dòng nước, dòng sông, dòng nhạc, dòng dõi. Hai tự điển quan trọng nêu trên giải thích từ Dòng như sau:

(1) Khối chất lòng chảy dọc, dài ra.

(2) Chuỗi dài kế tiếp không đứt đoạn.

(3) Hàng ngang trên giấy như dòng kẻ.

(4) Tập hợp những người cùng một huyết thống kế tục từ đời này sang đời kia.

Như vậy từ “Dòng” hiểu theo nghĩa của người Công Giáo là một tu hội đều không có trong tự điển.

Từ Dòng Là Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam

Từ Dòng xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ của người Công Giáo Việt Nam. Vào năm 1670 khi Đức Cha Lambert De La Motte thành lập tu hội “Mến Thánh Giá Câu Rút Đức Chúa Giêsu”, thì thấy ngài dùng từ Dòng để đặt tên cho tu hội đầu tiên của các phụ nữ tại Việt Nam. Ngài viết như sau:

“Những bổn đạo nữ ở nước Annam đã lâu khấn cùng Đức Chúa Lời giữ mình sạch sẽ. Ta nghe tin này thì muốn tạ ơn Đức Chúa Lời vì Đức Chúa Lời đã mở lòng cho những kẻ ấy sẵn lòng mà khấn những sự trọng làm vậy, lại xin cho được vào dòng ấy mà tìm lẽ nào cho được phó cả và mình làm tôi Đức Chúa Lời cho lọn. Ấy đàng Đức Chúa Lời đã mở ra, cho nên ta lập dòng chị em tu hành nước Annam, mà đặt tên là Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu”.

Từ đó, người Công Giáo Việt Nam bắt đầu dùng từ Dòng để chỉ tu hội. Tự Điển của Đức Cha Taberd xuất bản năm 1838, ngoài nghĩa thông thường như đã nói trên còn có nghĩa Dòng là một tu hội: Ordo Religiosus: Tu Hội Dòng. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của không ghi từ Dòng theo nghĩa như từ điển của Đức Cha Taberd nhưng ghi hai từ: thầy Dòng: thầy tu, kẻ vào hội tu thân. Vào Dòng: chịu theo phép tu trì cực khổ. Như vậy, người Công Giáo bắt đầu dùng từ Dòng từ năm 1670 tức từ năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá. Trong bài viết Tự Vị Taberd Và Di Sản Văn Hóa Việt Nam được in trong phần đầu của Từ Điển Taberd do nhà Xuất Bản Văn Học tái bản năm 2004, giáo sư Trần Văn Toàn cũng cho rằng từ Dòng là từ ngữ chuyên môn của Công Giáo Việt Nam. Như vậy chúng ta có thể kết luận từ Dòng là đặc ngữ của người Công Giáo Việt Nam.

Lý Do Chọn Từ Dòng Để Chỉ Tu Hội

Đến đây chúng ta đặt câu hỏi tại sao các vị thừa sai đã dùng từ dòng để chỉ tu hội? Không có tài liệu nào giúp ta trả lời câu hỏi này. Do vậy chúng ta phải suy luận.

Trước hết chúng ta cần xác định những đặc tính của tu hội xem có phủ hợp với từ Dòng trong tiếng Nôm hay không? Tu hội là một tập thể người, tuy không cùng huyết thống, nhưng sống chung với nhau, có cùng một lý tưởng mà từ chuyên môn gọi là linh đạo. Cơ cấu tổ chức tu hội cũng giống như gia đình, gia tộc là sống theo phẩm trật có trên, có dưới được kế tục từ đời này sang đời kia, tạo thành một cơ cấu giống như cơ cấu xã hội mà ta gọi là dòng tộc.

Ngoài ra, các nhà thừa sai cũng thấy 3 từ Ordo Religiosus, Ordre Religieuse, Religious Order của ba ngôn ngữ Latin, Anh Pháp vừa có nghiã phậm trật thứ tự, vừa có nghiã là một tu hội. Nên các Ngài đã dịch Ordo là Dòng để chỉ một tu hội

Tất cả những đặc tính nêu trên của tu hội phù hợp với ý nghiã của dân gian Việt Nam hiểu từ Dòng là tập hợp những người cùng một huyết thống kế tục từ đời này sang đời kia, cũng phù hợp với ý nghiã của từ Ordo Religiosus, hay Ordre Religieuse, hay Religious Order nên các nhà thừa sau ban đầu đã dùng từ Dong để chỉ một tu hội.

Đến đây chúng ta có thêm bằng chứng để kết luận rằng các nhà thừa sai ban đầu đã chú ý đến vấn đề hội nhập văn hóa Việt vào Kitô giáo. Các ngài đã không phiên âm từ Ordo trong tiếng Latin như kiểu phiên âm Đức Thánh Pha Pha do tiếng Papa trong La ngữ để chỉ Đức Giáo Hoàng hay đã không dùng từ Tu Hội của người Công Giáo Tầu để đặt tên cho một tổ chức mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam gọi là dòng.

(Nguyễn Long Thao, VCN 24.01.2017)

Tuesday 5 April 2016

Thuật ngữ Công Giáo: Mặc khải hay mạc khải (Stêphanô Huỳnh Trụ - Dòng Tên)

Thuật ngữ Công Giáo: Mặc khải hay mạc khải

(http://dongten.net/noidung/40352)

GlimpseGlorifiedChristMặc khải là Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại qua trung gian loài người như ông Môsê, ông Êlia, nhất là qua Chúa Giê-su. Đến lượt mình, Chúa Giêsu lại tỏ cho các Tông Đồ biết mọi bí nhiệm, ý định của Thiên Chúa“[1].
Ở đây, vấn đề chúng tôi muốn tìm hiểu là vì trong tiếng Việt, ngoài thuật từ “mặc khải” còn có “mạc khải” (cả hai đều dịch từ chữ La Tinh là revelatio, có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp là apocalypsis) để diễn tả việc “Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại”.
1. Nguyên ngữ apocalypsis, revelatio.
Mặc khải hay mạc khải dịch từ chữ La Tinh là revelatio, gốc từ chữ Hy Lạp là apocalypsis.
1.1. Apocalypsis, có tiếp đầu ngữ apo- nghĩa là cách, tách biệt, khỏi (off, from, away); calypsis có nghĩa là che, phủ (cover). Như vậy, apocalypsis nguyên nghĩa là vén màn che lên (lifting of the veil), tức là tỏ ra cho biết, cho thấy.
1.2. Revelatio :Danh từ velum trong La ngữ có nghĩa là: Mạng che mặt, khăn trùm hay tấm màn (trước thế kỷ XIII: Pháp: voile; Anh: veil). Từ đó có động từ velare nghĩa là: che phủ, che đậy, giấu kín (thế kỷ XIV: Pháp: voiler, couvrir; Anh: to veil, to cover) và revelare (với tiếp đầu ngữ re- hàm nghĩa là: phản nghĩa với) nghĩa là: bỏ mạng che mặt, cất màn; nghĩa rộng là: khánh thành; trình bày công khai; để lộ, tiết lộ (Pháp: dévoile, découvrir; Anh: unveil, uncover). Từ hậu bán thế kỷ XIV, revelare được dịch sang tiếng Pháp là reveler và tiếng Anh là reveal có nghĩa là: bộc lộ, tiết lộ (điều bí mật); phát hiện, khám phá (vật bị giấu…). Vào khoảng năm 1230, tựa đề quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh được chuyển sang tiếng Anh là Apocalypse. Khoảng năm 1380, John Wiclif (Tin Lành) dịch tựa đề sách này là Revelation. Thời Trung Cổ, từ này có nghĩa là “insight, vision, hallucination” (thấu thị, thị kiến, ảo giác); ngày nay có nghĩa là “A cataclysmic event” (Một cuộc hồng thủy hay câu chuyện về ngày tận thế)[2].
Revelatio có nghĩa[3]: (1) Hành vi vén mở, tiết lộ. (2) Những việc trước đây không được biết đến, nay được biết đến. (3) (Về mặt thần học): (a) Chúa để lộ ra chính mình Chúa và thánh ý Chúa cho các loài thụ tạo. (b) Trường hợp truyền đạt hay tiết lộ. (c) Những việc được truyền đạt hay tiết lộ. (d) Những gì chứa đựng việc tiết lộ này, như Thánh Kinh. (4) Khi viết hoa, là chỉ cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan.
1.3. Hành trình đến Viễn Đông
Tại Viễn Đông, các nhà truyền giáo trong những thế kỷ đầu thường dùng những lý lẽ tự nhiên và những chứng cứ thực tế, cụ thể và dễ hiểu để trình bày đức tin Kitô Giáo. Các ngài rất ít khi viện dẫn tới những ý niệm thuộc siêu hình học hay thần học kinh viện cao xa. Vì thế, ý niệm về revelatio vắng mặt trong các tác phẩm như Phép Giảng Tám Ngày[4] và Từ Điển Việt-Bồ-La[5] của cha Đắc Lộ (xuất bản năm 1651) cũng như các thuật từ khải huyền, mạc khải hay mặc khải đều không có trong những tự điển, tự vị trước năm 1896 như Dictionarium Annamitico Latinum của Đức cha P.J. Pigneaux (1772) Dictionarium Anamitico-Latinum của Đức cha Taberd (1838), Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895-1896).
Có người cho rằng thừa sai Giêrônimô Majorica, S.J. là người đầu tiên đã dịch từ révélation sang chữ Nôm là khải mông[6] trong cuốn giáo lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (năm 1623). Điều này không đúng, vì cuốn này tuy là bản dịch ra chữ Nôm của cuốn Controverses[7] của Thánh Hồng Y Robert Bellaminô soạn năm 1581-1593, nhưng tựa đề của nó là do cha Majorica tự đặt ra và chính ngài giải nghĩa chữ khải mông là “lời tóm lại mọi sự Đức Chúa Giêsu truyền xưa” (x. đoạn I) còn nội dung bên trong thì không có chỗ nào sử dụng thuật từ révélation cả.
Có lẽ Julien Thiriet là người đầu tiên ghi nhận ý nghĩa phổ thông của từ revelatio là “sự tỏ ra, bày tỏ ra” trong cuốn Tự vị Latinh-Annam[8] xuất bản năm 1868, tiếp theo là P.G. Vallot[9] (năm 1898). Đồng thời gian này, Genibrel[10] ghi nhận révélation được dịch là mặc chiếu, mặc thị. Cha Cố Chính Linh trong bản dịch Thánh Kinh (1914-1916) cũng dịch từ này theo nghĩa phổ thông là “tỏ ra, tỏ hiện, hiện ra, hiện đến, soi sáng”. Trong Tân Ước (bản Vulgata) chữ apocalypsis xuất hiện 3 lần, cha Cố Chính Linh dịch là “tỏ sự kín nhiệm” (1 Cr 14,26) và “khải huyền” (tựa sách Kh và Kh 1,1), và ngài chú thích: “Apocalysis nghĩa là bày tỏ ra sự gì kín nhiệm hay là sự gì chưa biết: Revelatio, khải thị, khải huyền v.v…”. Bản dịch Thánh Kinh năm 1932 của cụ Phan Khôi cũng dùng chữ tỏ ra (revelation) và sự mặc thị, mặc thị lục (apocalypsis). Chúng tôi chưa tìm thấy chữ khải huyền trong tài liệu nào trước đó (1914) tại Việt Nam cũng như Trung Quốc.
2. Nghĩa chữ khải
Khải có các chữ Hán: 凱 (凯), 剴 (剀), 啟 (啓, 启),塏 (垲), 豈 (岂), 愷 (恺), 楷 , 覬, 鍇 (锴), 鎧 (铠), 闓 (闿), 卡, 咳(cũng đọc là khái),磕 (cũng đọc là khái), 綮 (棨) (cũng đọc là khể), 榼 (cũng đọc là khạp), và các chữ Nôm: 凯, 凱, 剀, 剴, 启, 啓, 垲, 塏, 愷, 揩, 鎧. Trong thuật từ mạc khải, mặc khải hay khải huyền, khải là chữ啟.
Chữ khải 啓giáp cốt văn là:
Chữ này do ba chữ cấu thành :  (môn : cửa), (thủ : tay), (khẩu : miệng), mang nghĩa một bàn tay mở cửa ra, rồi thuyết giáo.
Nghĩa gốc là ‘mở’, như Tả Truyện: “Môn khải nhi nhập: cửa mở cứ vào”. Nghĩa được mở rộng thành ‘chỉ đường’, như Luận Ngữ: “Bất phẫn bất khải, bất phi bất phát (不 憤不啟. 不悱不發): Đối với học sinh, phải chờ đến khi chúng không nghĩ ra, mới gợi ý; chờ đến khi chúng không nói ra được mới giải thích”. Trong tiếng Hán hiện đại, mặc cũng có nghĩa là ‘trần thuật’, ‘thông báo’.[11]
Khải啟 có các nghĩa: (đt.) (1) Mở: Khải môn (mở cửa). (2) Mở mang đất đai: Đại khải Nam Dương (mở mang Nam Dương rất nhiều). (3) Mở trí, chỉ dạy: Khải đạo (hướng dẫn chỉ dạy). (4) Bày tỏ, giải bầy: Khải sự (giải bầy công việc). (5) (cũng đọc là khởi) Bắt đầu: Khải lễ (bắt đầu nghi thức), khải hành (bắt đầu đi). (6) Báo tin (cổ văn): Kính khải giả (Xin báo cáo). (dt.) (7) Tờ viết (cổ văn): Tạ khải (thư cám ơn). (8) Từ ngữ viết thư, viết sau họ tên người nhận thư: XX đài khải (kính thư XX). (9) Họ Khải. (10) Phiên âm của hành tinh venus: Khải minh tinh.
3. Nghĩa chữ mặcmặc khải
3.1. Mặc có các chữ Hán: 默, 墨, 万, 纆, 嘿, 嚜; và các chữ Nôm: 默, 袙, 嚜, 墨. Trong thuật từ mặc khải, mặc là chữ默. Chữ mặc (默) gồm bộ khuyển (犬) và chữ hắc (黑), 黑 cũng dùng làm hình thanh, chỉ tối tăm, trong bóng tối. Nên nghĩa gốc chỉ con chó lén lút tấn công người. Tấn công ngầm thường không có tiếng động, nên chữ mặc còn có nghĩa là ‘im lặng, không lên tiếng’; nghĩa rộng là ‘lặng lẽ, tĩnh mịch, đen tối, trong bóng tối’ [12].
Mặc默, chữ Hán có nghĩa: (pht.) (1) Im (im lìm, im lặng, không nói ra, làm thinh, không lên tiếng): Mặc đảo (cầu nguyện thầm), mặc niệm (đọc thầm trong bụng), mặc toạ (ngồi im), mặc tụng (đọc không ra tiếng, lầm rầm). (2) Thầm kín (âm thầm, kín đáo, ngấm ngầm): Mặc cải chính trị (cải cách chính trị cách âm thầm), mặc thị (ra hiệu lén = tỏ ý một cách kín đáo, signal), mặc nhận (thầm nhận = ưng thuận cách ngấm ngầm). (3) Nhớ (thuộc lòng, nằm lòng): Mặc ký (nhớ trong lòng), mặc tả (viết thuộc lòng), mặc thức (ghi nhớ trong lòng), mặc toán (tính rợ, tính trong bụng). (4) (dùng kết hợp): Mặc mặc (im im = dáng buồn so); u mặc (có tính hài hước nhẹ nhàng). dt. (5) Họ Mặc.
Mặc Trong tiếng Hán hiện đại, cũng có nghĩa là trần thuật, thông báo[13] .
Mặc默, chữ Nôm có nghĩa: Nín lặng, không thèm nói đến; để tuỳ tiện, không kể đến: mặc ai, mặc bay, mặc dầu, mặc ý, mặc lòng, mặc sức, mặc tình, mặc xác, mặc kệ = mặc đời, phó mặc.
3.2. Mặc khải (révélation), có nghĩa : (1) Tỏ lộ những điều bí ấn, khó hiểu. (2) Chỉ những sách có công tác đó.[14]
4. Từ “mặc khải”… đến “mạc khải”
Năm 1956, theo sự phân công của của Ban Từ Ngữ Chuyên Môn trong Hội Nghị Thống Nhất Ngôn Ngữ Sài Gòn (từ ngày 5/9-3/10), Lm. Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh (sau này là Đức ông) được bầu làm trưởng ban đồng thời đặc trách Tiểu Ban Danh Từ Triết Học. Cuốn Từ Điển và Danh Từ Triết Học mà ngài xuất bản năm 1966 là kết quả của tiểu ban này sau gần 10 năm biên soạn, trong đó chúng tôi thấy có thuật từ mạc khải [15]. Vậy chúng tôi suy đoán rằng thuật từ mạc khải là do Đức Ông Hiến Minh tạo ra. Trước thời gian này, ngài sử dụng từ mặc khải trong các tác phẩm của mình[16] nhưng về sau thì ngài đã thay đổi bằng từ mạc khải[17]. Vài năm sau, hàng loạt sách quan trọng đã sử dụng từ mạc khải thay cho mặc khải có từ trước, như: Hai bản dịch các văn kiện Công Đồng Chung Vaticanô II của cha Trần Văn Thông, Senatus Sài Gòn (xb. năm 1969) và của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X; bộ Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X; Tân Ước của cha Nguyễn Thế Thuấn và đặc biệt là bộ Sách Bài Đọc, Sách Lễ Rôma, Sách Lễ Giáo Dân của Uỷ Ban Giám Mục về Phụng Vụ… tất cả đều xuất bản trong năm 1971. Đến nay, ngoài cuốn Điển Ngữ Đức Tin Công Giáo của cha Hồng Phúc (xb. 1996) và Tự Điển Đức Tin Kitô Giáo Pháp Việt (bản dịch khuyết danh, xb. 2001?) còn dùng thuật từ mặc khải, các từ điển Công Giáo khác đều sử dụng từ mạc khải mà thôi.
5. Chữ “mạc” viết thế nào?
Rất tiếc là chúng ta không biết người tạo ra thuật từ mạc khải đã muốn dùng chữ mạc nào trong tiếng Hán. Vì vậy mà có người cho rằng chữ mạc trong mạc khải là 幕(mạc莫thêm chữ cân 巾, nghĩa là cái màn幕); người khác[18] thì cho chữ mạc là 漠(mạc莫thêm bộ thuỷ 氵, có nghĩa là yên lặng 漠); hoặc mạc cũng là chữ mặc 默 trong mặc khải?
Trong Dictionnaire Annamite Français của J.F.M. Genibrel, xb. 1898, tr. 434 có ghi:” 默MẠC. (= Mặc), 1. Solitude, f. Silence, m. Se taire, r. 2. Mạc tưởng, Méditer, a. Mạc thổn, Considérer, a. Cung mạc tư đạo, Méditer sur ses devoirs dans un.”
(Nguồn: J.F.M. Genibrel, Dictionnaire Annamite Français, 1898, tr. 434)
Trang 442: “默 MẶC. (Lặng), Silence, m. Mặc thị, Révélation, f. Mặc chiếu, id. Mặc tưởng, Méditer, a. n. Réfléchir, n.”
(Nguồn: J.F.M. Genibrel, Dictionnaire Annamite Français, 1898, tr. 442)
Nếu mạc lấy chữ mạc bộ thuỷ (漠) hay chữ mặc (默)và lấy nghĩa im lặng, thì rõ ràng mạcmặc đồng nghĩa: mạc khải = mặc khải, chúng ta sẽ không có gì để tranh cãi. Có điều là chỉ có mặc 墨 (chữ hắc 黑 thêm chữ thổ 土, nghĩa là mực, sắc đen) mới đọc trại là “mạc”; còn nói như Génibrel thì rất lạ, chúng tôi chưa thấy tài liệu nào nói như vậy, phải chăng chỉ là cách phát âm riêng của một địa phương nào đó ở Việt Nam hay chỉ là một trong những sai sót của cuốn tự điển này?[19]
Còn phiên thiết theo (1)Thuyết Văn Giải Tự說文解字là : 莫(mạc) + 北(bắc), 切(thiết) → mặc. (2) Khang Hi tự điển 康熙字典là: 密(mật) + 北(bắc), 切(thiết) → mặc. (3)Từ Hải 辭海 và Từ Nguyên 辭源là :暮 (mật) + 劾 (hặc), 切 (thiết) → mặc. Như vậy默chỉ có duy nhất một âm là mặc.
Như số đông, chúng tôi cho rằng trong thuật từ mạc khải, mạc lấy nghĩa là màn và viết là幕 (mạc phần dưới có chữ cân).
6. Nghĩa chữ mạcmạc khải
6.1. Mạc có các chữ Hán: 莫, 幕 (幙), 摸, 漠, 獏, 瘼, 瞙, 羃,膜, 貘, 邈, 鏌 (镆), 鄚, 摹 (cũng đọc là mô), 模 (橅, 糢) (cũng đọc là mô), 寞 (冪, 羃, 幎, 幂) (cũng đọc là mịch), 墨 (còn đọc trại là mặc); và các chữ Nôm: 莫, 漠, 瘼, 訡, 邈. Trong thuật từ mạc khải, mạc là chữ幕, nghĩa là: (dt.) (1) Tấm màn. (2) Trướng (lều bạt): Doanh trại của tướng lãnh (Cái màn che ở trên gọi là mạc. Trong quân phải giương màn lên để ở, nên, chỗ quan tướng ở gọi là mạc phủ – bộ tư lệnh quân đội. Người tham mưu bí thư ở trong quân gọi là mạc hữu; những người thư ký coi việc văn thư gọi là mạc liêu.). (3) Màn (sân khấu): Việc bắt đầu hay kết thúc (Đóng tuồng trước phải căng màn, đến lúc diễn trò mới mở, vì thế sự gì mới bắt đầu làm đều gọi là khai mạc (mở màn, dẫn đầu); khi hết tuồng thì kéo màn đóng lại, vì thế sự gì kết thúc cũng gọi là bế mạc (đóng màn, chấm dứt). (4) Màn (kịch): Hồi ở bản kịch: Đệ nhất mạc (Màn một). (5) (còn đọc là mạn hay mán): Mặt trái hay mặt sau của đồng tiền (Đồng tiền thời xưa, mặt phải hay mặt trước có chữ, mặt trái hay mặt sau thì trơn). (6) Có khi dùng như chữ mạc 漠, nghĩa là: Bể cát : sa mạc; yên lặng: đạm mạc (hờ hững, không thể lấy danh lợi làm động lòng được). (đt.) (7) Bao phủ, che trùm: “Giải triều phục nhi mạc chi: cởi áo triều phục mà che lại” (Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển) (8) (dùng kết hợp) nội mạc (chuyện thật bên trong), mạc yến (én làm tổ trên màn: tình cảnh nguy ngập, ‘trứng treo đầu gậy’).
6.2. Mạc khải (révélation): Tác động của Thiên Chúa bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người. Ví dụ: Sự hiện hữu của Thiên Chúa vừa do lý trí khám phá vừa được chính Ngài mạc khải[20].
6.3. Mạc khải có sai ngữ pháp?
Mạc khải (幕啟) là từ ghép không có trong tiếng Hoa, chỉ mới có trong tiếng Việt gần 50 năm nay[21].
Trong tiếng Hoa có những từ ghép như: thùy mạc (垂幕,dt.: thả màn, drop curtain), yết mạc (揭幕, đt.: vén màn, to unveil,)… Nhưng những cụm từ như: mạc khải (幕啟 kéo màn, the curtain rises), mạc lạc (幕落hạ màn, curtainfall), mạc thùy (幕垂 thả màn, the curtain dropped) là những cụm từ tự do. Trong tiếng Việt, dù các thành tố đều có gốc Hán, nhưng nếu xét theo quan hệ cú pháp tiếng Hán, ta có những từ ghép như: khai mạc, bế mạc… (thành tố chính sau – thành tố phụ trước), còn xét theo quan hệ cú pháp tiếng Việt, ta cũng có những từ ghép như: trưởng đoàn, viện hàn lâm… (thành tố chính trước – thành tố phụ sau). Đặc điểm này có người gọi là “văn phạm kép” của tiếng Việt.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Giáp[22], từ ghép có hai đặc điểm là: (1) Hoàn chỉnh về nghĩa và (2) Tính phi cú pháp trong quan hệ của các thành tố cấu tạo:
(1) Một đơn vị được coi là có tính hoàn chỉnh về nghĩa khi nó có khả năng biểu thị một khái niệm về đối tượng tồn tại bên ngoài chuỗi lời nói. Từ ghép có tính hoàn chỉnh về nghĩa, còn cụm từ tự do không có tính chất này. Mạc khải được coi là từ ghép có tính hoàn chỉnh về nghĩa vì trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng đã được sử dụng như một thuật từ chuyên biệt (để chỉ tác động của Thiên Chúa bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người) chứ không phải là cụm từ tự do.
(2) “Về mặt lịch sử, chính cú pháp là địa hạt đã diễn ra sự cấu tạo của từ ghép, tức là các từ ghép đã được cấu tạo theo mô hình của cụm từ (mặc dù có thể có ngoại lệ) nhưng do tính hoàn chỉnh về nghĩa, do được sử dụng như các từ, cho nên quan hệ giữa các thành tố trong các từ ghép trở nên có tính phi cú pháp”. Mạc khải là từ ghép phụ nghĩa, gồm hai thành tố cùng loại (cùng gốc chữ Hán), có quan hệ cú pháp tiếng Hán (thành tố chính đứng sau – thành tố phụ đứng trước).
Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn[23], về nguyên tắc, từ ghép phụ nghĩa không thể có hiện tượng tự do về mặt trật tự; yếu tố nào phải đứng trước, yếu tố nào phải đứng sau, là một vấn đề do thói quen thông thường (ngữ ngôn) chứ không phải do chuẩn mực chi phối (ngữ pháp).
Chính yếu tố ngữ ngôn này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá các dân tộc. Chẳng hạn nếu nói khải mạc là mở màn, thì rất đúng ngữ pháp Hán Việt và tiếng Hoa, nhưng chúng ta lại không có “khải mạc” mà lại có thuật từ mạc khải – từ mà Trung Quốc không có! Có thể nêu ra ở đây một vài thí dụ để thấy rằng vị trí từ Hán Việt trong các từ ghép tiếng Việt đôi khi ngược với tiếng Hoa:
Tiếng Việt                     Tiếng Hoa
bản sao                          抄 本              sao bản
đầu đạn                         弹 頭              đạn đầu
hồn Việt                        越 魂             Việt hồn
liên quan                       關 連              quan liên
sắc phục                        服 色              phục sắc
số mệnh                         命數                mệnh số
thu hồi                           回收               hồi thu
bộ ngoại giao                外交部            ngoại giao bộ
quan hệ xã hội               社會關係        xã hội quan hệ
khoa học tự nhiên         自然科学        tự nhiên khoa học
Có những trường hợp tiếng Việt có hai cách nói, trong đó có cách nói giống tiếng Hoa:
Tiếng Việt = Tiếng Hoa               Tiếng Việt
(văn phạm Hán)                     (văn phạm Việt)
(danh từ chính sau)                (danh từ chính trước)
– trưởng đoàn                         – đoàn trưởng
– ngoại giao đoàn                    – đoàn ngoại giao
(danh từ chung sau)               (danh từ chung trước)
– hàn lâm viện                         – viện hàn lâm
– ngôn ngữ viện                      – viện ngôn ngữ
Sau đây, chúng tôi thử liệt kê một số từ ghép theo văn phạm tiếng Hán và tiếng Việt, với các thành tố chính chỉ sự vật (danh từ) kết hợp với thành tố phụ chỉ hành động (động từ) và trường hợp ngược lại (thành tố chính chỉ hành động (động từ) – thành tố phụ chỉ sự vật (danh từ)):
Văn phạm tiếng Hán (phụ trước – chính sau) Văn phạm tiếng Việt (chính trước – phụ sau)
Danh từ – Động từ Động từ – Danh từ Danh từ – Động từ Động từ – Danh từ
giáo thuyết linh ứng
ngôi hiệp
nhật tụng
sứ ngôn[24]
thần hứng
mạc khải
thần khải
thiên khải
thiên phú
thiên bẩm
bản sao
quốc phòng
pháo kích
tài trợ
bế mạc ái quốc
cách mạng
khai mạc
khai quốc
khai tâm
mục vụ
tác vụ
phụng vụ
ngôn sứ
vệ binh
tàu bay thợ cạo
thầy giáo
lưới vét
sứ ngôn
học trò tập sự
đốc binh
tri huyện
vâng lời
Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã có khá nhiều tài liệu nghiên cứu, phân tích và xếp loại về vấn đề từ ghép nghĩa. Việc phân loại căn cứ vào mặt từ loại, ví dụ phân loại thành kiểu kết cấu danh + danh, kiểu kết cấu động + động, kiểu kết cấu danh + động vv… cũng là một hướng nghiên cứu còn đang bỏ ngõ. Như vậy, chúng tôi chưa thấy đủ cơ sở để kết luận thuật từ mạc khải với cấu trúc danh + động là “sai ngữ pháp Hán Việt”.
7. Nhận xét
7.1.Mặc khài là từ ngữ chung trong văn hoá Trung Quốc và Việt Nam đã được các thế hệ tiền bối sử dụng như một thuật ngữ trong thần học. Nếu mặc khải theo nghĩa hẹp là “sự tỏ bày điều kín ẩn trong âm thầm”, thì từ này có thể dùng để hiểu chữ revelation cũng như inspiration. Công Giáo Trung Quốc đã từng hiểu như vậy, có lẽ vì thế mà ngày nay Giáo Hội Trung Quốc đã thay thế từ mặc khải bằng hai thuật từ khác, đó là khải thị (cho revelation) và mặc cảm (cho inspiration).
Tại Việt Nam, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Giáo Hội Việt Nam đã có sử dụng thuật từ mặc khải[25].
7.2.Mạc khải là thuật từ của riêng và mới có sau này trong thần học Công Giáo Việt Nam. Ban biên tập cuốn Từ Điển Đức Tin Kitô Giáo chắc phải có lý do gì đó khi xếp mục từ Révélation, rélvélé vào ngay bên dưới mục từ Voile (Khăn che, màn che)? – Có lẽ các tác giả muốn trước khi tìm hiểu Révélation, người ta cần đọc trước mục từ Voile: “tấm vải dùng để che giấu một cái gì… Màn đền thờ… Lý do tồn tại của các bức màn này là cái gì là thánh và thần linh đều phải không thấy được, không bị dơ nhớp bởi những cái nhìn của loài người… Khi Đức Kitô sinh thì, thì MÀN bị xé rách trọn vẹn, biểu tượng sự chấm dứt Giao Ước cũ...” [26] để có thể hiểu hơn về khái niệm Révélation trong Kitôgiáo? Kitô hữu Việt Nam khi sử dụng từ mạc khải có thể sẽ liên tưởng đến BỨC MÀN đó vậy.
8. Mặc hay mạc?
Năm 1994, trong bản dịch Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhóm CGKPV) xuất bản, nơi chú thích b) của Sách Khải Huyền, đoạn 1, câu 1 có ghi: “Do từ Hy Lạp apocalypsis, dùng từ mặc thay cho mạc. Nếu dùng mạc phải đổi lại là khải mạc mới đúng ngữ pháp Hán-Việt.
Sau đó, Sr. E. Nguyễn Thị Sang (thuộc Nhóm CGKPV) có bài viết nói rõ hơn về lý do Nhóm không sử dụng thuật từ mạc khải. Thời gian gần đây đã có nhiều bài viết hoặc bênh hoặc bác việc sử dụng thuật từ này[27]. Lý do quan trọng, nếu không nói được là duy nhất mà chúng tôi thấy qua các bài chủ trương không dùng thuật từ mạc khải chính là: Mạc khải là thuật từ Hán Việt có cấu trúc danh từ bổ túc + động từ ngược thứ tự bình thường của các thuật từ Hán Việt là động từ + danh từ bổ túc. Ví dụ: khai mạc, bế mạc… Không ai nói mạc khai, mạc bế, vậy cũng không nên sử dụng kiểu nói mạc khải. Nếu dùng mạc phải đổi lại là khải mạc mới đúng ngữ pháp Hán Việt.
Kết luận.
Trong giai đoạn trưởng thành, Giáo Hội Việt Nam may mắn đã sớm có được nhiều vị tiên phong tài ba và nhiệt tâm xây dựng một hệ thống thuật ngữ triết học và thần học bằng chữ Quốc ngữ. Trước là các cha Vũ Kim Điền (thường được gọi là Điền Rôma), Trần Văn Hiến Minh, Bửu Dưỡng, Đỗ Minh Hồng (Papineau), Đỗ Minh Vọng (Cras)… tiếp đến các cha Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Lập… Phần đông am hiểu chữ Hán, tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc và có đủ trình độ để giảng dạy triết học và thần học. Các ngài đã cống hiến công sức chế tạo từ mới hoặc xây dựng định nghĩa riêng cho hơn 5.000 mục từ trong lãnh vực triết học và thần học Kitô giáo để kịp thời phục vụ công việc giảng dạy, đào tạo và loan báo Phúc Âm.
Bốn cuốn: DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC (1952), DANH TỪ TRIẾT HỌC (1959), TỪ ĐIỂN LA-VIỆT-PHÁP (1960), TỪ ĐIỂN VÀ DANH TỪ TRIẾT HỌC (1966) đã là những tài liệu giáo khoa căn bản cho hàng vạn học sinh, sinh viên ban triết các trường trung học, đại học và các chủng sinh trãi bao thế hệ. Đó cũng là di sản văn hoá quý báu đối với Giáo Hội Việt Nam.
Phần lớn trong số 5.000 mục từ đó vẫn còn được đón nhận rộng rãi trong khi một số đã bị lãng quên. Chắc chắn cũng có một số thuật từ cần phải xem lại và thay thế cho thích hợp hơn. Công việc đó cũng cần có sự đóng góp ý kiến xây dựng của mọi người thiện chí, đồng thời cần phải dựa trên các học lý, học thuật nghiêm túc. Tránh thái độ phê phán, kích bác chỉ dựa trên cảm tính hay sở thích riêng. Trường hợp hai thuật từ mặc khảimạc khải cũng vậy.
Nhứ thế, ta có thế kết luận rằng, nếu muốn thuật từ được phổ thông thì dùng mặc khải, còn nếu muốn tạo ra thuật từ đặc ngữ cho Giáo Hội tại Việt Nam thì có thể dùng mạc khải, nhưng cần giải thích rõ ý nghĩa của chữ mạc và có tính thuyết phục.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
 * Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả Stêphanô Huỳnh Trụ, linh mục quản xứ Phanxicô Xaviê, TGP Sài Gòn và là một độc giả của dongten.net. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.
[1]Bản dịch Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhóm CGKPV) xuất bản năm 1994, nơi chú thích b) của Sách Khải Huyền, đoạn 1, câu 2.
[2] Tham khảo: www.etymonline.com.
[3] http://dictionary.reference.com/browse/revelation.
[4] Tựa đề sách này là: “Cathechismvs Pro Iis, Qui Volunt Suscipere Baptismvm, In Octo Dies Diuisus – Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muấn Chịu Phép Rứa Tọi, Ma Ƀěào Đạo Thánh Đức Chúa Blời (Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muốn Chịu Phép Rửa Tội, Mà Vào Đạo Thánh Đức Chúa Trời) – Ope Sacrae Congregationis De Propaganda Fide In Lucem Editus – Ab Alexandro De Rhodes è Societate Iesv, Ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico”, Roma, 1651.
[5] Tựa đề sách này là : “Dictionarivm Annamiticvm, Lvsitanvm, Et Latinvm, Ope Sacrae Congregationis De Propaganda Fide In Lvcem Editvm – Ab Alexandro De Rhodes E Societate Iesv, Eivsdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico”, Roma, 1651.
[6]Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, NXB. Trường Thi, Sài Gòn, 1957, tr. 360: “Khải mông (啓蒙) là mở mang cái tối tăm, cái ngu tối. Nghĩa bóng: Dạy học trò từ lúc bắt đầu còn ngu dốt”. Chữ này, nghĩa rất nghiêm nghị, được các giáo sĩ dùng trong bối cảnh truyền bá Đạo Kitô thời bấy giờ, “đem Đạo đến để mở mang tâm trí những kẻ còn ngu dốt tối tăm”. Vì vậy từ này về sau không còn sử dụng nữa. Thuật từ này bên Trung Quốc ngày nay vẫn sử dụng với nghĩa là học từ đầu, (môn học) nhập môn.
[7] Tựa sách đầy đủ là: “Disputationes De Controversiis Christianae Fidei Adversus Hujus Temporis Haereticos” thường được gọi tắt là “De Controversiis” hay “Controverses”.
[8] Julien Thiriet, Dictionarium Latino-Annamiticum, 1868, tr. 219: Revelatio, onis, f. Sự tỏ ra. Revelo, as, avi, atum, are, a. Bày tỏ ra.
[9] P.G. Vallot, Dictionnaire Franco-Tonkinois Illustre, 1898, tr. 323: Révélation: Sự tỏ điều kín, điều kín đã tỏ. Révéler: Tỏ sự kín, cho biết, tố cáo, tố giác.
[10] J.F.M. Genibrel, Dictionnaire Annamite-Français (Đại Việt Quốc Âm Hán Tự Pháp Thích Tập Thành), 1898, tr. 442 : 默 Mặc. (Lặng), Im lặng, m. Mặc thị, Révélation, f. Mặc chiếu, id. Mặc tưởng, ngẫm nghĩ, a. n. Hồi tưởng.
[11] Th.s. Nguyễn Mạnh Linh, Từ Điển Từ Nguyên Tiến Trung, Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr.389.
[12] Lý Lạc Nghị, Tìm VềCộinguồnChữ Hán, nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1997, tr. 389.
[13] Th.s. Nguyễn Mạnh Linh, Từ Điển Từ Nguyên Tiếng Trung, Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr.389.
[14] Trần Văn Hiến Minh, Kytô Học, Ra Khơi xb, Sài Gòn, 1957, tr. 386.
[15] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển Và Danh Từ Triết Học, Ra Khơi, Sài Gòn, 1966, tr. 148.
[16] Ví dụ xem: Trần Văn Hiến Minh, Kytô Học, Ra khơi, Sài Gòn, 1957, hayThượng Đế Học, Ra khơi, Sài Gòn, 1958.
[17] Ví dụ xem: Trần Văn Hiến Minh, Mari Học, Ronéo, TP. HCM, 1986.
[18] Trần Văn Chánh, HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN và Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1942, cho rằng: “Mạc 幕có khi cũng dùng như chữ mạc 漠” và trang http://vi.wikipedia.org. dùng chữ mạc 漠.
[19] Xem thêm bài của Nguyễn Quảng Tuân: “Những sai lầm trong quyển Tự Điển Génibrel” trong Tập Chí Hán Nôm, Số 2(3), năm 1987.
[20] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển Và Danh Từ Triết Học, Ra khơi, Sài Gòn, 1966, tr. 148.
[21] Cấu trúc thuật từ mạc khải cũng tương tự như thuật từ sứ ngôn mà chúng tôi đã có dịp tìm hiểu trong bài “Tiên tri – Ngôn sứ – Sứ ngôn” đã đăng trong Bài Giảng Chúa Nhật, số 11, năm 2006, trang 93.
[22] Nguyễn Thiện Giáp, Từ Vựng Học Tiếng Việt, NXB. ĐH&THCN, Hà Nội, 1985, tr.77-78.
[23] Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ Pháp Tiếng Việt, NXB. ĐH & THCN, Hà Nội, 1981, tr.91.
[24] Xin xem bài “Tiên tri – Ngôn sứ – Sứ ngôn” đăng trong Bài Giảng Chúa Nhật, Số tháng 8 năm 2006, tr. 93.
[25] Chúng tôi không có cuốn Từ Điển Pháp Việt (dictionnaire franẵais-vietnamien) của Lê Công Đắc xuất bản lần I năm 1939, nhưng có quyển xuất bản lần III của NXB. Nam Sơn, Hà Nội, 1954. Trong đó ghi: Révélation: n.f. Sự lộ ra, sự thóc mách, sự thú giác. Đạo trời lộ ra, đạo thiên khải, đạo mặc khải; Révélé, e.a. Được trời soi sáng, thiên khải, mặc khải; Révéler, v.t. Tỏ cho biết, tiết lộ, lộ. soi sáng, mặc chiếu. Se-révéler [à] v.p. Tỏ mình ra, lộ ra (cho), vở lở. Trong cuốn Danh Từ Thần Học và Triết Học của Ban giáo sư trường Thần Học Bùi Chu biên soạn,Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952, có ghi: Révélation: Mặc khải.
[26] Olivier de La Brosse & Ntg, Dictionnaire De La Foi Chrétienne, Cerf, Paris, 1968.
[27] Các bài chủ trương dùng từ Mặc khải: Khuyết danh: Góp ý về từ ngữ “mặc” trong “mặc khải” hay “mạc” trong “mạc khải” – Thiên Chúa “mặc khải” hay chỉ “mạc khải” (mặc hay mạc)? (http://tonggiaophanhue.net); Lm. Nguyễn Nhân Tài, SJB.: “Nên dùng chữ “mạc khải” hay “mặc khải”? (vietcatholic.com); Lm. Nguyễn Hữu Triết: Vấn đề hội nhập văn hoá; Các bài chủ trương dùng từ Mạc khải: Lm. Nguyễn Long Thao: Đặc ngữ Công Giáo Việt Nam: mạc khải hay mặc khải (www.dunglac.org); Đaminh Phan Văn Phước: Nguyên nghĩa của chữ mạc khải (http://tonggiaophanhue.net); Lê Anh Dũng: Mặc khải hay mạc khải, thiên khải? (www.thienlybuutoa.org); Huỳnh Christian Timothy: Mạc khải cuối cùng (www.thanhkinhthanhoc.net); Các bài chủ trương dùng cả hai từmạc khảimặc khải: Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo: Linh thao và mạc (mặc) khải” (www.chimviet.free.fr); Joseph Phạm Thanh Liêm, S. J. : Mặc khải (http://pierrequangminh.blogspot.com)

Thursday 25 February 2016

Nghĩa Các Từ Cổ Trong Các Kinh Sách Công Giáo Việt Nam (Nguyễn Kim Binh - Công Giáo Info)

Nghĩa Các Từ Cổ Trong Các Kinh Sách Công Giáo Việt Nam 2/17/2016 9:14:12 AM Xưa nay người Việt Nam ta vẫn thường đọc kinh trong gia đình, trong nhà thờ, với những kinh có truyền thống từ rất lâu. Có những từ mà nhiều khi chúng ta không hiểu được nghĩa và không hiểu nguồn gốc ra sao.
Với mong ước giúp các bạn có thể hiểu được những từ cổ trong kinh nguyện đó, Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn mục: Nghĩa các từ cổ trong các kinh sách Công giáo Việt Nam



 nhathoda.jpg


Trong các giờ cầu kinh trong nhà thờ hay ở gia đình, nhiều lúc chúng ta bắt gặp khá nhiều những từ ngữ khó hiểu, lạ tai chỉ áng chừng nghĩa của nó theo một ngữ cảnh nhất định nào đó. Chẳng hạn:

- Chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa khong khen cảm tạ Chúa về mọi ơn lành … (xem tr. 57, Kinh Nghĩa đức tin, Sách kinh Qui Nhơn).
- Chúng con quyết lòng từ này nhẫn sau (tr.369, sách kinh Qui Nhơn).
- Song le chúng con nhớ lại xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy (tr. 355, sách kinh Qui Nhơn).
- Nhà chúng con phải ghe phen, phải rủi ro vì có kẻ phải đi xa vắng (tr. 374)
- Ta rao trước đàng tua bồi bổ (tr. 449).
- Vì Chúa khấng ở cùng chúng con trong một nhà (tr.372).
- Lòng tin dạ tưởng mựa chớ lo ra (tr.397).
- Chúng con chẳng biết lấy đí gì mà phạt tạ Chúa cho xứng (tr.364).
- Xin Chúa con vào ở phô kẻ ấy cho chúng con được giảm bớt cơn phiến (tr.374).

Những từ ngữ khó hiểu này không phải là những điển tích hay là những từ ngữ Hán Việt cổ vốn chiếm nhiều trong các thư tịch cổ trước đây. Các từ ngữ này vốn là những từ ngữ thuần Việt bình thường đã có thời gian được sử dụng phổ biến trong lời nói hàng ngày, nhưng đến nay chúng không còn được thông dụng nữa mà chỉ còn tồn tại trong các tác phẩm cổ hay trong tục ngữ ca dao Việt Nam.Đặt biệt, theo khảo sát của chúng tôi, các từ ngữ này còn tồn tại khá nhiều trong các bản kinh Công giáo. Sách kinh giáo phận Qui Nhơn là một điển hình.

Theo lời tựa, Sách kinh Qui Nhơn có từ thời Thánh Giám mục Stêphanô, gồm những kinh đọc hằng ngày và những kinh đọc các ngày lễ, biên sọan từ bản kinh Latinh. Sách Kinh Nhật Khóa, Sách Mục Lục, Sách Kinh Lớn và nay là Sách Kinh Giáo Phận Qui Nhơn. Các bài kinh được sắp xếp trong 3 phần chứa trong 532 trang, tái bản năm 1996 và được Đức giám mục Paulus Hùynh Đông Các imprimatur trước đó.

Để tìm hiểu các từ ngữ cổ Công giáo, chúng tôi bắt đầu đọc kĩ các bản kinh để nắm được những đặc điểm về mặt biên sọan cũng như cách sắp xếp các đơn vị “Tiếng” trên mối quan hệ gần gũi về mặt ý nghĩa, ngữ âm địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng so sánh , đối chiếu các từ ngữ Hán Nôm trong các Sách kinh Công giáo, các từ ngữ , ngữ âm có xuất hiện trong các văn bản cổ khác cũng như trong các từ điển cũ và nhất là nơi các giáo dân lão thành đã “sống” với các từ ngữ cổ Công giáo này trong các giờ đọc kinh trước đây và hàng ngày nữa.

Giải thích nghĩa của các từ cổ tiếng Việt trong “Sách kinh giáo phận Quy Nhơn”.

1. khong khen: khen ngợi. (xem từ điển Việt – Pháp của J.F.M. Génibrel; Chinh phụ ngâm)
2. nhẫn: đến, cho đến, tới, tới lúc  (xem từ điển Từ Việt cổ của nguyễn Ngọc San, thơ Nôm Quốc âm thi tập).
3. song le : nhưng, nhưng mà  (xem các Thánh truyện chữ Nôm, từ điển Từ cổ của Vương Lộc)
4. ghe (phen) : nhiều, nhiều phen, nhiều lần (xem Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Của).
5. tua: nên, phải (âm cổ do chữ Hán “tu”) (xem thơ Nôm Quốc âm thi tập; từ điển Từ cổ của Vương Lộc)
6. mựa: chớ, sá…(xem Quốc âm thi tập; từ điển Từ Việt cổ của nguyễn Ngọc San)
7. đí (gì): cái gì, thứ gì, giống gì (xem Truyện các Thánh- chữ Nôm; từ điển Từ Việt cổ Nguyễn Ngọc San).
8. phô: các (dùng trước một số danh từ, đại từ với ý nghĩa số nhiều ( xem từ điển Paulus Của, từ điển Từ cổ -Vương Lộc).
9. rày : nay, giờ đây, lúc này, bây giờ. Ví dụ:-thì rày chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống..( trích từ tr.7, sách kinh giáo phận Qui Nhơn).
10.Trần cấu: trần gian, thế gian. Ví dụ: -Vui non nước khỏi vòng trần cấu (trích từ tr. 449, sách kinh địa phận Qui nhơn )
11. khấng ( khứng): ưng, thuận,chịu. Âm này được xuất phát từ âm Hán Việt “ khẳng”. Ví dụ: Vì Chúa khấng ở cùng chúng con trong một nhà( trích từ .tr.372, sách kinh Qui Nhơn).

Trong khi khảo sát các bản kinh cũng như các tài liệu khác của Công giáo, chúng tôi bắt gặp khá nhiều từ ngữ tiếng Việt khó hiểu, cổ kính …mà các thế hệ đi trước đã để lại. Không những là những từ ngữ cổ mà cả những từ ngữ, thành ngữ Hán Việt rất xa lạ với hiện nay mà cả những từ ngữ lịch sử, thuật ngữ, tên gọi chỉ có riêng cho Công giáo. Thiết nghĩ: nhu cầu giải thích để hiểu chúng là việc nên làm. Nếu các bạn còn nhã hứng, chúng tôi xin tiếp tục.

Theo quan niệm các nhà ngôn ngữ, từ cổ là những từ bị đẩy ra ngoài hệ thống từ vựng hiện tại, bởi trong quá trình phát triển, biến đổi, đã xảy ra những xung đột về đồng nghĩa hoặc đồng âm và bị từ khác thay thế.

Có hai dạng từ cổ:

1. Những từ đã mất hẳn trong từ vựng hiện đại. Muốn tìm và hiểu những từ này phải lùi lại những tài liệu ghi chép ở quá khứ.
2. Những từ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình: trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó; hoặc cũng có khi đứng trong một thành ngữ, tục ngữ nào đó mà người ta hiện nay không biết ý nghĩa. Ví dụ: Âu (lo âu); rập (giúp rập); giã (giã từ); đóan (xét đóan, phán xét).

Lại có một số từ tuy không trở thành thành tố cấu tạo từ như trên mà vẫn đứng trong một số lối nói hạn chế nào đó; nhưng người ta ít hiểu hoặc không hiểu chúng nữa. Ví dụ:
khôn (khôn lường; khôn xiết); dấu (yêu dấu); cả (sông cả; con cả; cả và mình); dái = sợ, kính, nể).

Giải thích nghĩa các từ cổ trong kinh sách.

1. Trẩy : đi xa, tới nơi khác
- Liền trẩy qua thành Bêlem vào hang đá (trích tr.204, sách kinh Qui Nhơn).
- Ông thánh Joseph khi ấy cũng trẩy bởi thành Nazareth… (Phép giảng 8 ngày)

2. Thửa: (từ được dùng để chỉ cái gì thuộc về của ai, hay để thay thế cho người, vật nói ở trên). Hán Tự viết “sở”, âm Nôm đọc “thửa”.
- Xin thương xót thửa lòng chúng tử (Trích tr.207, sách kinh Qui Nhơn)
- Biết thửa lòng: biết được lòng người nào.
- An thửa phận: an bổ phận mình. (Xem thêm Đại Nam quốc Âm tự vị, Paulus Của).

3. Khá : đáng , nên, xứng (Hán tự viết chữ “ khả”, âm Nôm đọc “khá”)
- Ấy phận hèn chớ khá kiêu căng (trích tr. 207, sách kinh Qui Nhơn). Khi đứng trước động từ có nghĩa là “hãy”
- Khá lắng tai mà nghe cho biết (trích tr. 215, sách kinh Qui Nhơn)

4. Thìn: giữ, giữ gìn. Hán tự viết “thần”, âm Nôm đọc “thìn
- Thuở hoan hỉ chẳng thìn nết vặt, ngày mạng chung nào lập khóc than? (trích tr. 208, sách kinh Qui Nhơn)
- Nguyệt Nga liếc thấy cũng thìn nết na (xem Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

5. Tiêu sái: phóng khoáng, tự do, không bị ràng buộc
- Lại con sẽ làm cho linh hồn con cùng linh hồn kẻ thân nghĩa con được nhờ phần phước đời này và đời sau được vui vẻ tiêu sái vô cùng. Amen (trích tr. 351, sách kinh Qui Nhơn).
- Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế (xem Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi)

6. Phỉ: no, đầy đầy đủ , thỏa mãn
- Song lòng quân dữ hãy còn chưa phỉ, lại tìm cách lạ mà làm khổ sở cho Đức Chúa Giêsu. (trích tr. 247, sách kinh Qui Nhơn)
- Chơi cho phỉ chí tang bồng (Nguyễn Công Trứ)

7. Đã: xong, khỏi bệnh
- Đoạn liền chữa tai người ấy được lành đã. (trích tr. 240, sách kinh Qui Nhơn)
- Kẻ đau nặng thì cho đã (xem Phép giảng 8 ngày)

8. Hản : chắc chắn, thật, rõ, không nghi ngờ gì
- Linh hồn con mơ ước cho hản lời Chúa hứa, mà con trộng cậy Chúa.
- Ớ trái tim Chúa nhân từ lân mẫn, hản thật con đã đáng Chúa lấy oai gia thạnh nộ mà đóan phạt. (trích tr. 364, sách kinh Qui Nhơn)

9. Trót : suốt, trọn, cùng tận.
- Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu là tòa trót tính Đức Chúa Trời ngự. (trích tr. 32, sách kinh Qui Nhơn)
- Chúng tôi trót đêm chịu khó bỏ lưới mà chẳng được đí gì. (xem Phép giảng 8 ngày)

10.Khắn khắn: canh cánh , nghĩ tới luôn, một mực không thay đổi.
-Xin giúp chúng con ghi tạc vào lòng con khắn khắn.(trích tr. 117, sách kinh Qui Nhơn).
- Khăn khắn dặn dò thửa lòng (xem Quốc Âm Thi Tập, b 187)

1. Đòi: (Hán tự viết chữ “ đồi”, âm Nôm đọc “ đòi”) với nghĩa:
* theo, bắt chước, làm theo, noi theo
Ví dụ: “Ai chẳng theo Mẹ học đòi bắt chước” (trích sách kinh Qui Nhơn, tr.77)
“Thảy được theo đòi gương phước đức Người” (Trích sách kinh Qui Nhơn , tr.11)
“Văn chương chép lấy đòi câu thánh ( xem Từ điển từ Việt cổ, tr.115)
Nghĩa khác:
*Từng, mỗi, nhiều, lắm, khắp, mọi duy chỉ có…
Ví dụ: “Da thịt mình Chúa nứt nở đòi nơi” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr.74)
“Bây giờ chẳng khác cắt ruột đòi cơn” (sách kinh Qui Nhơn tr. 225)
“Là nơi con sẽ được đầy dẫy no nê chẳng đòi khát nữa”( sách kinh Qui Nhơn, tr. 330).

Các nghĩa khác:
+ Đòi tói: giống như “lòi tói”, dây trói
+ Đòi một: chỉ có một, độc nhất
Ví dụ:
“Tài so đòi một, hoạ là chẳng hai” (Từ điển tiếng Việt cổ, tr. 61)

2. chưng: (âm cổ của Hán tự “chi”): Nó biểu thị chỉ nguyên nhân : bởi, tại, do, vì…
Ví dụ: “Vì chưng ta yêu dấu ngươi lắm” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr. 278)
“Vì chưng thương nó phải mất linh hồn.” (sách kinh Qui Nhơn, tr. 272)
Nó biểu thị nơi chốn tồn tại của sự vật, sự việc được nói đến: ở, tại…
Ví dụ: “củi quế, gạo châu, kham khổ nằm chưng trường ốc” (xem thêm Quốc âm thi tập, b.138)
Nó biểu thị thời gian diễn ra sự việc: đang, khi..
Ví dụ: “Chưng ấm người dạ tuyết lòng sương” (xem Phép giảng 8 ngày, tr.10)

3. Kíp : (Hán tự viết “cấp”, Nôm đọc “gấp”, “kịp”)
cần thiết, thiết yếu, chính đáng…
Ví dụ: “Thì chúng con dám xin Chúa hãy khấng ban những ơn cần kíp, cho chúng con được rỗi linh hồn” (sách kinh Qui Nhơn, tr.57)
“Con kíp lên trời, khắp chín phẩm Thiên Thần chầu chực” (sách kinh Qui Nhơn, tr.387)
“giã chàng nàng mới kíp dời song sa” (xem thêm Truyện Kiều)

4. Rạc : (Hán tự viết “lạc”, âm Nôm “rạc”) với nghĩa nhà tù, nhà giam (xem Vương lộc, từ điển từ Việt cổ, tr.139)
Ví dụ: “Hằng ngóng trông ngày nào linh hồn chúng con ra khỏi chốn rạc ràng.” (sách kinh Qui Nhơn, tr.285)
- tù rạc: nhà giam, nhà tù (sách kinh Qui Nhơn, tr.258)
- ràng rạc : (giống như rạc ràng) nơi bị giam giữ (sách kinh Qui Nhơn, tr.258)

5. chớn chở : chót vót, dốc, cao
Ví dụ:
chớn chở nguy nga, quới thanh trăm thức” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr.199)
+ chớn : cao, có tầng, có ngăn
+ chớn chở: có tầng, có ngăn
+chớn thủy : chỗ lõm ở giữa ngực (xem Nguyễn Ngọc San, từ điển, từ Việt cổ, tr.69)

.6. lòi tói : dây trói
Ví dụ:
“Chúng liền đem lòi tói cùng dây da buộc cổ và trói tay Đức Chúa Giêsu” (sách kinh Qui Nhơn, tr.240)
“Thương ĐCG chịu mang lòi tói vì tội chúng con” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr.241)
- Lòi tói : giống như đòi tói (xem Vương Lộc, từ điển từ Việt cổ, tr.61).

7. Đoạn: xong, kết thúc, hết, hòan tất…
Từ “đoạn” biểu thị một sự việc, một hành động diễn ra tiếp sau một sự việc, một hành động trước đó.
Ví dụ:
“Ở thế gian 33 năm, đoạn chịu chết trên cây Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ (sách kinh Qui Nhơn, tr.58)
“Thì Đức Chúa Giêsu phán rằng : đã đoạn” (sách kinh Qui Nhơn, tr.256)

8. Sinh thì: chết, qua đời (từ này chỉ thường thấy trong các văn bản Công giáo)
Ví dụ:
“Song xác ĐCG chẳng biết đau vì đã sinh thì” (sách kinh Qui Nhơn, tr.259)
 “Năm ấy có lụt cả thì ông Mathusala mới sinh thì” (xem thêm Phép giảng tám ngày, tr.96).
Lưu ý: Từ điển Việt-Bồ- La, A. De Rhodes (Roma, 1651) cho biết: “sinh thì” : “giờ lên”. Một số tác phẩm chữ quốc ngữ thời kì đầu của Bento Thiện, Igesio Văn Tín và trong các tác phẩm chữ Nôm của Maiôrica đều sử dụng “ sinh thì” với nghĩa: chết

9. Đụt : trú, ở tạm, tránh
Ví dụ:
“Thân tất tưởi đụt nhờ xó tiện” (sách kinh Qui Nhơn, tr.179)
- đụt nắng, đụt mưa (xem thêm Nguyễn Ngọc San, từ điển từ Việt cổ, tr.123)

10. Bát ngát: âu sầu, lo âu, bâng khuâng, trạng thái lo buồn
Ví dụ:
“Bỏ Chúa bát ngát, vò võ một mình (sách kinh Qui Nhơn, tr.214)
“Lòng thu bát ngát trong khi ấy, hầu cắt làm khuây, lại chẳng khuây” (Hồng Đức quốc âm thi tập, b.21)

1.      Cả: tất cả, toàn bộ, tòan thể
Ví dụ: “Nay cả và nhà chúng con thảy đều sấp mình dưới chân Chúa” (sách kinh Qui Nhơn, tr. 188).
Ví dụ: “Song cả và loài người ta chịu khốn chịu khó chẳng ai khỏi được” (sách kinh Qui Nhơn, tr. 517)
- cả: lớn, to…
VÍ Dụ: “A thân lạy Thánh cả giuse hiển vang rất mực” (sách kinh Qui Nhơn, tr.189)
Ví dụ: “Ao sâu nước cả khôn chài cá” (Nguyễn Khuyến).
- cả: nhiều, lắm
Cả ăn, cả mặc, cả lo…
- Cả hoà: giống cả và
- cả dám: cả gan

2. Đoái (thương, nhìn,): Hán tự viết “đối”, Nôm đọc “đoái”
ngoảnh lại, quay mặt lại.
Ví dụ: “Hãy thương xót linh hồn kẻ có tội xin đoái thương dân nước Việt Nam” (sách kinh Qui Nhơn, tr.187)
- Đoái : nghĩ đến, tưởng đến
Ví dụ: “Xin Chúa khoan nhân đoái đến nhà này là của Chúa (Sách kinh Qui Nhơn, tr.189)

2.      Hầu: để mà, ngõ hầu
Ví dụ: “Xin Chúa hãy làm cho họ tìm đến Chúa hầu ngày sau được nghỉ ngơi trên nước Thiên đàng.” (sách kinh Qui Nhơn, tr.188).
- hầu : sắp, gần, cận kề, gần như
Ví dụ: “Người cũng đã hầu sinh thì”( Phép giảng 8 ngày, tr.231)
Ví dụ: “Khi tóc con mồ hôi dựng đứng trên đầu, là bảo tin lâm chung cùng tận hầu đến cho con” (sách kinh Qui Nhơn, tr.488)
- Hầu : có thể, mà có thể
Ví dụ: “Nếu Chúa xem xét tội khiên, thì ai hầu đứng được (sách kinh Qui Nhơn, tr.504)

3.      ngõ : (Hán tự viết “ngọ”, Nôm đọc “ngõ”)
để mà, để rồi
Ví dụ: “Hầu khi ở đời tạm này hằng tôn vinh kính mến Chúa, ngõ sau được ngợi khen Chúa đời ở trên trời”. (sách kinh Qui Nhơn, tr.189)
Ví dụ: “Ngõ sau ngàn dặm đăng trình mới an” (xem thêm Lục Vân Tiên, c.45)

4.      Một: duy nhất, chỉ có.
Ví dụ: “Kính lạy ơn thánh Bổn Mạng, là đấng hưởng phước thanh nhàn đời, chẳng còn lo sợ điều gì nữa, một âu lo trông ước cho con được hưởng phước như vậy. (190)
- Một thác: chỉ có chết
Ví dụ: “Tướng hằng sống liều mình một thác” (sách kinh Qui Nhơn, tr.289)

5.      Cầm: xem như, coi như, giữ…
Ví dụ: “Xin Thanh bổn Mạng phù hộ và cầu nguyện cho con được vững cầm nhân đức tin cậy như neo thần con” (sách kinh Qui Nhơn, tr. 191)
Ví dụ: “Vì chẳng ai ở thế gian được cầm mình vẹn sạch trước mặt Chúa. (sách kinh Qui Nhơn, tr.505)
Ví dụ: “Xin Thánh bổn Mạng phù hộ và cầu nguyện cho con được vững cầm nhân đức tin cậy như neo thần con” (sách kinh Qui Nhơn tr. 191)
- Cầm: hòng, mong
Ví dụ: “Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây” (xem thêm truyện Kiều, câu 3022).

6.      Những : chỉ, toàn là, chỉ là, nếu như là…
Ví dụ: “Những quý tiện đòi nơi dinh dã (sách kinh Qui Nhơn tr.449)
Ví dụ: “Những ngồi chờ bệnh đến mà ban (sách kinh Qui Nhơn, tr.344)
Ví dụ: “Con là đứa rất hèn, cúi lưng chịu nặng nề quá sức, trót ngày những lo buồn sầu não” (sách kinh Qui Nhơn, tr.496)
Ví dụ: “Những như âu yếm vành ngoài, còn toan mở mặt với người cho qua” (xem thêm truyện Kiều, c.3151)

7.      Thon von : cô đơn, gian nan, vất vả.
Ví dụ: “Khi lòng yếu đuối con thon von rũ liệt” (sách kinh Qui Nhơn, tr.489)
Thon von: cheo leo, nguy hiểm, suy vi…
Ví dụ: “phù trì mựa khá để thon von” (Xem thêm Quốc âm thi tập b. 870)
Ví dụ: “ bơ vơ đất khách thon von tháng ngày” (xem thêm Lục Vân Tiên, c.830)

8.      Chỉn : vốn, chỉ, vốn thật
Ví dụ: “Chỉn tài thêm nhiều phước lạ” (sách kinh Qui Nhơn, tr.384.)
Ví dụ:“tính kể chỉn còn 3 tháng nữa” (Xem thêm Quốc âm thi tập, b. 230).

9.      Đắng đót: đắng, buồn rầu, đau đớn…
Ví dụ: “Hưởng mỹ vị không chi đắng đót” (sách kinh Qui Nhơn, tr.345)
Ví dụ: “mảnh riêng đắng đót bấy lâu” (Xem thêm từ điển Vương lộc tr.56)

1.Tấc : (193)
- Đơn vị cũ đo độ dài, bằng một phần mười của một thước.
Ví dụ: “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” (xem Truyện Kiều, câu 2168)
- Dùng trong một số tổ hợp từ
+ tấc dạ: tấc lòng, tấm lòng
Ví dụ: “Khi thấy Chúa làm người bé tí! Há nỡ dửng dưng tấc dạ” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr.193)
Ví dụ: “Môn đệ Chúa hiệp vầy đủ mặt, tới đưa Bà, tấc dạ bàng hoàng” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr.392)
+ tấc niềm : tấm lòng
+ tấc bóng : ngày giờ
+ tấc vuông : tấc lòng
(xem thêm Vương lộc, từ điển từ cổ, tr.151)

2.Tây : (âm cổ Hán tự “”)
Riêng, riêng tư
Ví dụ: “Các con chớ khá phiền muộn lo tây”(sách kinh Qui Nhơn, tr.273)
Ví dụ: Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là (Truyện Kiều, câu 316)
- thiên vị, ích kỉ
Ví dụ: “Khéo nỡ lòng tây mau quên lắm bấy” (sách kinh Qui Nhơn, tr.213)

3. Bấy :
- Như vậy, như thế
Ví dụ: “Ấy vườn nọ vườn này, sao khác nhau bấy?”(sách kinh Qui Nhơn, tr.229)
Ví dụ: “Cho trọn thửa lời, mau quên vội bấy?” (sách kinh Qui Nhơn, tr.229)
- dường ấy, ngần ấy, quá chừng…
Ví dụ: “Mừng bấy! Bà được về cùng Chúa. (sách kinh Qui Nhơn, tr.392)
Ví dụ: “Rung động bấy đất trời” (sách kinh Qui Nhơn, tr.261)
+ Bấy chầy: bấy lâu, bao lâu
Ví dụ: “Nào lời khi trước quả quyết bấy chầy: Dẫu ai bỏ Thầy, song mình chẳng bỏ;” (sách kinh Qui Nhơn, tr.229)
+ Bấy : mấy
Ví dụ: “ …bấy đứa ấy lại hỏi…”(Phép giảng tám ngày, tr.12)
Ví dụ: “ …bấy thằng ấy…” (Phép giảng tám ngày,tr.194)
 Bấy thuở : mấy thuở
Ví dụ: “An phận chốn đày bấy thuở” (sách kinh Quy Nhơn, tr.316)

4.Kình.
lớn, mạnh, cứng ( xem Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển)
Ví dụ: “Thiên Thần là đấng đầy lửa kình mến “(sách kinh Qui Nhơn, tr.214)
Kình (ngạc): cá voi

5. khôn:
- khó lòng, khó có thể
Ví dụ: “Từ trời xanh xuống viếng dân đen, khiến lòng đỏ khôn cầm lụy bạc” (xem sách kinh Qui Nhơn, tr.204)
Ví dụ: “ Ao sâu nước cả khôn chài cá” ( Nguyễn Khuyến)
+ Khôn kể : khó nói hết được
Ví dụ: “Chúa chịu đắng cay thảm sầu khôn kể”(sách kinh Qui Nhơn, tr. 212)
+ Khôn sánh: không thể so bì được
+ Khôn cùng : không thể hết được
+Khôn ví: khó sánh bằng

6. Thanh bai: thanh cảnh, nhẹ nhõm ,dịu dàng
Ví dụ: Tiếng ngọt thanh bai (Sách kinh Qui Nhơn, tr.310)
Ví dụ: “Thanh bai hơn mật ngọt muôn phần” (Sách kinh Qui Nhơn, tr.332)

7. Ca xang: múa hát
+ca: hát
+xang: múa, vung tay, giơ lên
Ví dụ:” Lọ là đứng gió xang tay” (xem Quốc âm thi tập, b.172)
+ xang : ( Hán tự ghi “ xướng” cũng có nghĩa “ hát”
Ví dụ: “Khúc ngợi ca xang,xướng ca mừng Mẹ” ( sách kinh Qui Nhơn tr.198)

8.Xuê xoang: xinh đẹp, sang trọng, khoe khoang, tốt tươi
Ví dụ: “Hằng trổ sinh trăng trái xuê xoang (sách kinh Qui Nhơn, tr.407)
Ví dụ: “Rày trổ sinh hoa nhị xuê xoang” (sách kinh Qui Nhơn, tr.321)
Ví dụ: “Liền được nên sạch sẽ xuê xoang” (sách kinh Qui Nhơn, tr.334)

10.  Mỏn: mòn mỏi, gần kiệt sức,mòn hơi,mất sức,
Ví dụ: “ĐCG sức thì đã mỏn, thở chẳng ra hơi” (sách kinh Qui Nhơn, tr.251)
Ví dụ: “Chìu lòn e cũng mỏn hơi già”(xem thêm Phan Văn Trị,Họa vần mười bài liên hòan, Từ điển tự cổ, tr.110)

11.  Mắng (tiếng) : “ mảng”: nghe
Ví dụ: “ Rất Thánh Đức bà mắng tiếng đem con đi giết”. (sách kinh Qui nhơn, tr.254).
Ví dụ: “ ... khi mắng tiếng phép cả ấy…” ( trích Phép giảng tám ngày, tr.125)
Các ngôn ngữ họ hàng ghi “mắng
- Tiếng Mường (măng); tiếng Mày (tamăng); tiếng Sách và Rục (cơmang); tiếng Xtiêng (măng). Từ điển Việt –Bồ -la (mắng )

1. Loàn: loạn, làm điều sai bậy, hỗn hào, sai trái, vô phép
Ví dụ: Muôn lạy Chúa miễn chấp con loàn (sách kinh Qui Nhơn, tr.308)
Ví dụ: Mười hai thánh Chúa tranh đua làm loàn (xem Việt sử diễn âm, câu 557)

2. Thác
- nhờ, gửi
Ví dụ: “Mẹ ở lại mọi lời kí thác” (sách kinh Qui Nhơn , tr.294)
- chết
Ví dụ: “Tướng hằng sống liều mình một thác”(sách kinh Qui Nhơn, tr.289)
Ví dụ: “Chúa chuộc tội cho nên phải thác” (sách kinh Qui Nhơn, tr.281)
Ví dụ: “ Vua rất lành lại lãnh lấy thác oan” (sách kinh Qui Nhơn, tr.321)

3. Rìu rín : (giống như bìu rín)
- Quyến luyến không dứt, chẳng rời
Ví dụ: “Những tưởng Mẹ còn rìu rín” (sách kinh Qui Nhơn, tr.395)
Ví dụ: “Ấy còn bìu rín lấy chi vay?” (xem thêm Quốc âm thi tập, b.75)

4.Đàn hòa
- Bàn tán, bàn bạc, phân xử
Ví dụ: “Muôn dân lớn mọn, ai chẳng đàn hòa” (sách kinh Qui Nhơn, tr.383)
Ví dụ: “Gối phục, dạ phục, tiếng đàn hòa” (sách kinh Qui Nhơn, tr.397)
Ví dụ: “ Lại thêm sự thế đàn hòa …” (xem thêm Tự điển từ cổ, tr.53)

5. Giã : từ giã
Ví dụ: “Mà Đức Chúa Giêsu thương xót thiên hạ mới phú mình cho chịu nạn, thì giã Đức Mẹ mà đi thành Giêrusalem..” (sách kinh Qui Nhơn, tr.236)
Ví dụ: “Giã mẹ ở lại, giã con Việt Nam! Giã con các nước. (sách kinh Qui Nhơn, tr.221).
Ví dụ: “Giã chàng, nàng mới kíp dời song sa” (xem thêm Truyện Kiều, câu 428)

6. Dõi : noi theo, tuân theo
Ví dụ: “Một xin cho thuận dõi thửa ý Cha” (sách kinh Qui Nhơn, tr.228)
Ví dụ: “…đừng bắt chước quân Giudêu chuộng Baraba hơn Đức Chúa Giêsu là ưng theo dõi tà ma, thịt mình, thế tục. (sách kinh Qui Nhơn, 245)

7. Xảy: bỗng, chợt
Ví dụ: “Xảy thấy trên đầu đỏ như lưỡi lửa” (sách kinh Qui Nhơn, tr.296)
Ví dụ: “Xảy nghe mở hội khoa thi” (xem thêm Lục Vân Tiên, c.15)
Ví dụ: “Xảy đâu Tử Trực vừa về” (xem thêm Lục Vân Tiên, c.1203)

8. Nồng nàn: ngang ngược, không tôn kính, bất nhã, cay nghiệt, xấc xược
VÍ Dụ: “Thấy những đảng nghịch thấy những đoàn gian. Thấy những nồng nàn, thấy nhiều cay đắng” (sách kinh Qui Nhơn,tr.214)
Ví dụ: “Biển này những lửa, biển kia nồng nàn”. (sách kinh Quy Nhơn, tr.219)
Ví dụ: “Ai ngờ sự lạ, tay người thế gian, lấy phép nồng nàn hại con Thiên Chúa” (sách kinh Qui Nhơn, tr.223)
Ví dụ: “gạn gùng đến mực nồng nàn mới thôi” (Xem Truyện Kiều, câu 1154)

9. Vặc vặc: sáng choang, sáng tỏ
Ví dụ: “Chúa tôi trước vô thủy hằng có. Sau vô chung vặc vặc đâu cùng ,..” (sách kinh Qui Nhơn, tr.204)
Ví dụ: “vầng trăng vặc vặc giữa trời” (xem Kiều, trích từ điển từ Việt cổ tr.347)

10. Biên : viết, ghi, chép
Ví dụ: “Trong ấy biên mọi việc chánh tà” (sách kinh Qui Nhơn, tr.262)
Lưu ý:
- “biên” là từ Hán Việt (biên tập, biên bản, biên dịch…)
- “biên” : mái tóc (xem thêm từ điển từ Việt cổ, tr.34)
Ví dụ: “hỡi kẻ biên xanh chớ phụ người” (Quốc âm thi tập, bài 203)
“sầu nặng Thiếu Lăng biên đã bạc” (Quốc âm thi tập, b.50)

1.      Sắm : tính liệu, sửa soạn, chuẩn bị
Ví dụ: “Đoạn tôi sắm thuốc thơm tho, đi đến viếng thăm mộ Chúa”. (sách kinh Qui Nhơn, tr.292)
Ví dụ: “Là phần cơ nghiệp Đức Chúa Giêsu Kitô đã lấy máu mình mà sắm,” (sách kinh Qui Nhơn, tr.112)
Ví dụ: “Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng”(Chinh phụ ngâm, c.180)
Ví dụ: “Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”( Kiều, c.46)

2.      Nhận : đè xuống, ấn xuống
Ví dụ: “Con xin nhận chìm linh hồn vào đó. (sách kinh Quy Nhơn, tr. 341)
Ví dụ: “Vì kẻ nghịch thù theo bắt linh hồn con, mà nhận con xuống đất”(sách kinh Qui Nhơn, tr.505)

3.      Rốt: chót, sau cùng, cuối cùng, thấp kém
Ví dụ: “xưng mình rốt Tông đồ ai nấy” (sách kinh Qui Nhơn, tr.454)
Ví dụ: “Xin lấy lòng thương xót mà dung thứ cho con là đứa rốt hèn” (sách kinh Qui Nhơn, tr.415)
Ví dụ: “ … sinh ra rốt hết lòai thứ ba…” (Phép giảng 8 ngày, tr.45)

4.Diềm dà : xanh tươi, rậm rạp(dùng cho cây cối)
Ví dụ: “Noi phép này,xinh tốt diềm dà”(sách kinh Qui Nhơn, tr.398)
Ví dụ: “Cây Thánh Giá rất mực diềm dà êm mát” (sách kinh Qui Nhơn, tr.108)
Ví dụ: “Rừng công cây đức diềm dà” (Xem thêm Đào Duy Từ, Tư Dung Vãn, c.189)

5.Trắn tríu : quấn quýt, nhận mình vào, gieo mình vào, yêu thương không lìa xa được..
Ví dụ: “Hầu mến yêu trắn tríu trái tim” (sách kinh Qui Nhơn, tr.342)
(xem thêm “trắn tríu”, Lê Ngọc Trụ, Chính tả Việt ngữ, tr.76 và tr.96)

6 Rập : cùng, đều, nhịp nhàng, theo khuôn…
Ví dụ: “Xin đem nó về đàng chính lộ, cho rập một dạ kính tin”(sách kinh Qui Nhơn, tr.347)
Ví dụ: “ Rập ca xang trổi tiếng dịu dàng” (sách kinh Quy nhơn,tr.395)
Ví dụ: “ Chớ chi cả và thiên hạ chóng rập một tiếng tán tạ tung hô rằng:..” (sách kinh Qui Nhơn, tr.24)
Ví dụ: “Thì thùng tiếng trống, rập rình nhạc quân” (Nguyễn Du - xem Thanh Nghị tự điển,tr.1093)
Rập : lưới bắt chim
Rập : giúp đỡ, phò tá
Ví dụ: “ Rập đời nên đấng anh hào” (xem thêm Truyền kỳ mạn lục, c.1965)

7. E : hơi sợ, ngại
Ví dụ: “Song nhát sợ e mất lòng dân” (sách kinh Qui Nhơn, tr.244)
Ví dụ: “Lại bởi sợ Người chết dọc đàng, e đi đi chẳng đến nơi chăng” (sách kinh Qui Nhơn, tr.250)
Ví dụ: “Phêrô e lo chối dài không chịu”(sách kinh Qui Nhơn, tr.272)
Ví dụ: “ Tình trong như đã, mặt ngòai còn e” (xem Kiều, c.164)
Ví dụ: “ Kẻ nhìn rõ mặt người e cúi đầu” (Xem Kiều, c.322)

+ e ấp
+ e lệ
+ e thẹn
+ e ngại

8.Lảu: giống như “ làu”, rất thuộc, rất thông thạo
Ví dụ: “Cung thương làu bậc ngũ cung”( Kiều, c.31)
Ví dụ: “Kinh lảu thuộc, các danh sư thông thái đâu tày” (sách kinh Quy Nhơn, tr.454)

9. Trau: sửa sang, tu dưỡng, làm cho tốt hơn
Ví dụ: “Xưa thìn mình chẳng nhuộm bơn nhơ, trau lòng gương vặc vặc” (sách kinh Quy Nhơn, tr.459)
Ví dụ: “Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” (Lục Vân Tiên, c.6)
+Trau dồi
+Trau chuốt
10. Hòa:
- Vừa
Ví dụ: “Con hòa sanh, lưỡi mới thông ra” (sách kinh Qui Nhơn, tr.449)
Ví dụ: “Hòa bền, hòa sắc như lời kim cương” (Chỉ nam ngọc âm, tr.152)
- Và
Ví dụ: “Khóc hòa mừng, 2 ấy một tình” (sách kinh Qui Nhơn, tr.447)
Ví dụ:”Thấp hòa cao, chen vóc non xanh” (Chinh phụ ngâm, c.86)
- cả và, tất cả
Ví dụ: “Đoạn tôi sấp mình xuống đất mà thương khóc cả hòa hai Mẹ Con” (sách kinh Qui Nhơn, tr.291)
- Cùng, mà
Ví dụ: “hòa mến hòa khen, hòa ngợi”(sách kinh Qui Nhơn, tr.400)
Ví dụ: “Nỗi chàng, nỗi thiếp, ai hòa nhỏ to” (Chinh phụ ngâm, c.46)

Nguyễn Kim Binh
(http://conggiao.info/news/2147/33945/nghia-cac-tu-co-trong-cac-kinh-sach-cong-giao-viet-nam.aspx)