Đã
Đã là một tác tử tình thái đánh dấu ý nghĩa hiện thực hoặc tính có thật (có tác giả gọi là “đã xảy ra”) xét ở thời điểm quy chiếu
của sự tình được miêu tả ở ngữ đoạn theo sau nó. Thông thường một câu “trần
thuật khẳng định” sẽ diễn đạt sự tình hiện thực mà không cần đánh dấu, thậm chí
cũng không cần viện đến vai trò của tình huống giao tiếp hoặc văn cảnh. Chẳng
hạn, khi A nói với B một câu “đơn độc” “Anh Nam tặng hoa hồng cho cô Lan” thì
nhân vật B chỉ có thể hiểu đó là một sự tình hiện thực (trước thời điểm phát
ngôn) chứ không có cách hiểu nào khác. Nếu thực cách của sự tình được đánh dấu
bằng đã (“Anh Nam đã tặng hoa hồng cho cô Lan”) thì bao
giờ cũng kèm theo một tình thái riêng, có thể được nhìn nhận trong sự đối lập
với chưa/không với hàm ý “trước đây thì chưa/không” (có lẽ không có người
bản ngữ nào cho rằng sự tình này thuộc về “quá khứ”, nghĩa là đã kết thúc, đã
chấm dứt, không liên quan gì đến hiện tại)([1]).
Như vậy, câu “Nam đã ăn sáng”, có thể
hiểu là “Nam có ăn sáng” (trước thời điểm nói), với hàm ý rằng “Bây giờ Nam
đang no”, “Bây giờ Nam không muốn đi ăn sáng nữa”, v.v.; với câu “Nam đã sống ở Nhật hai năm” hiểu là “Nam có
sống ở Nhật hai năm” (trước đây) có thể có hàm ý “Thời gian hai năm ở Nhật của
Nam đã qua, bây giờ Nam quay về”, “Thời gian hai năm ở Nhật của Nam đã qua, Nam
chỉ còn một năm nữa”, “Nam có biết về nước Nhật”, v.v. và v.v..
Ý nghĩa tình thái hiện thực của đã
thể hiện rõ nhất là ở các sự tình trạng thái; so sánh: “Nó khỏe” – “Nó đã khỏe”, “Cô ấy có chồng” – “Cô ấy đã có chồng”, “Bố tôi già” – “Bố tôi đã già”, v.v.. Tất cả cho biết một trạng
thái bắt đầu từ trước thời điểm nói và vẫn hiện tồn, kèm theo tiền giả định
rằng trước đây chưa/không có trạng thái đó. Cao Xuân Hạo đã chỉ ra rằng với
những vị từ trạng thái ở hai cực tạo thành một quá trình tự nhiên một chiều thì
đã bao giờ cũng đi với vị từ bên phải:
nhỏ-lớn, trẻ-già, sống-chín, còn-hết, sớm-muộn, v.v. (CX Hạo 1999: 487): *đã nhỏ – đã lớn, *đã trẻ – đã già, *đã còn – đã hết, v.v., dĩ
nhiên có thể không đúng trong một thế giới khác.
Điều vừa nói trên giải thích tại sao đã
liên quan đến “quá khứ” có thể xuất hiện trong các phát ngôn biểu hiện sự tình
hiện tại (ngay tại thời điểm nói) hoặc tương lai([2]),
chẳng hạn:
(1) a.
Ồ, cảm ơn chị. Tôi đã hiểu. (// Trước
đây chưa hiểu)
b.
Bây giờ đã khuya, mọi người đã ra về.
c.
Một tiếng nữa thì chị đã làm xong việc.
d.
Cuối năm sau anh đã nghỉ hưu.
e.
Chúng ta sẽ có tiền khi họ đã nhận được
hàng.
Có thể định nghĩa, đã là một
tác tử tình thái miêu tả một sự tình hiện thực ở trước thời điểm quy chiếu
(thời điểm được chọn làm mốc hoặc thời điểm nói) nhưng có liên quan hoặc để lại
kết quả ở thời điểm quy chiếu.
Với tư cách là vị từ tình thái, đã
có thể rời khỏi vị trí điển hình của nó (trước vị từ ngôn liệu) để chuyển ra
sau thuyết hóa một ngữ đoạn danh từ (cấu trúc [số từ + danh ngữ]) hoặc một ngữ
đoạn vị từ bổ ngữ. Ví dụ:
(2) a.
Nam về Sài Gòn đã ba ngày. (// Nam đã về Sài Gòn ba ngày.)
b. Nam làm việc đó đã xong.
(// Nam đã làm việc đó xong.)
[1] Câu “Anh Nam tặng hoa hồng cho cô Lan” được dùng để đưa ra một
thông tin không cần điều kiện tiên quyết; trong khi đó “Anh Nam đã tặng hoa hồng cho cô Lan” phải có điều
kiện, chẳng hạn người nói biết “Nam yêu Lan mà chưa dám tỏ tình” hoặc “Nam tỏ
tình với Lan rồi, anh Hà đã chậm chân”, v.v..
[2] Đây là trường hợp thường được giải thích là “quá khứ tương đối”,
nghĩa là “quá khứ” khi quy chiếu một thời điểm không phải là thời điểm phát
ngôn.
No comments:
Post a Comment