Thuật ngữ Công Giáo: Mặc khải hay mạc khải
(http://dongten.net/noidung/40352)
“Mặc khải là Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại qua trung gian loài người như ông Môsê, ông Êlia, nhất là qua Chúa Giê-su. Đến lượt mình, Chúa Giêsu lại tỏ cho các Tông Đồ biết mọi bí nhiệm, ý định của Thiên Chúa“[1].Ở đây, vấn đề chúng tôi muốn tìm hiểu là vì trong tiếng Việt, ngoài thuật từ “mặc khải” còn có “mạc khải” (cả hai đều dịch từ chữ La Tinh là revelatio, có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp là apocalypsis) để diễn tả việc “Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại”.
1. Nguyên ngữ apocalypsis, revelatio.
Mặc khải hay mạc khải dịch từ chữ La Tinh là revelatio, gốc từ chữ Hy Lạp là apocalypsis.
1.1. Apocalypsis, có tiếp đầu ngữ apo- nghĩa là cách, tách biệt, khỏi (off, from, away); calypsis có nghĩa là che, phủ (cover). Như vậy, apocalypsis nguyên nghĩa là vén màn che lên (lifting of the veil), tức là tỏ ra cho biết, cho thấy.
1.2. Revelatio :Danh từ velum trong La ngữ có nghĩa là: Mạng che mặt, khăn trùm hay tấm màn (trước thế kỷ XIII: Pháp: voile; Anh: veil). Từ đó có động từ velare nghĩa là: che phủ, che đậy, giấu kín (thế kỷ XIV: Pháp: voiler, couvrir; Anh: to veil, to cover) và revelare (với tiếp đầu ngữ re- hàm nghĩa là: phản nghĩa với) nghĩa là: bỏ mạng che mặt, cất màn; nghĩa rộng là: khánh thành; trình bày công khai; để lộ, tiết lộ (Pháp: dévoile, découvrir; Anh: unveil, uncover). Từ hậu bán thế kỷ XIV, revelare được dịch sang tiếng Pháp là reveler và tiếng Anh là reveal có nghĩa là: bộc lộ, tiết lộ (điều bí mật); phát hiện, khám phá (vật bị giấu…). Vào khoảng năm 1230, tựa đề quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh được chuyển sang tiếng Anh là Apocalypse. Khoảng năm 1380, John Wiclif (Tin Lành) dịch tựa đề sách này là Revelation. Thời Trung Cổ, từ này có nghĩa là “insight, vision, hallucination” (thấu thị, thị kiến, ảo giác); ngày nay có nghĩa là “A cataclysmic event” (Một cuộc hồng thủy hay câu chuyện về ngày tận thế)[2].
Revelatio có nghĩa[3]: (1) Hành vi vén mở, tiết lộ. (2) Những việc trước đây không được biết đến, nay được biết đến. (3) (Về mặt thần học): (a) Chúa để lộ ra chính mình Chúa và thánh ý Chúa cho các loài thụ tạo. (b) Trường hợp truyền đạt hay tiết lộ. (c) Những việc được truyền đạt hay tiết lộ. (d) Những gì chứa đựng việc tiết lộ này, như Thánh Kinh. (4) Khi viết hoa, là chỉ cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan.
1.3. Hành trình đến Viễn Đông
Tại Viễn Đông, các nhà truyền giáo trong những thế kỷ đầu thường dùng những lý lẽ tự nhiên và những chứng cứ thực tế, cụ thể và dễ hiểu để trình bày đức tin Kitô Giáo. Các ngài rất ít khi viện dẫn tới những ý niệm thuộc siêu hình học hay thần học kinh viện cao xa. Vì thế, ý niệm về revelatio vắng mặt trong các tác phẩm như Phép Giảng Tám Ngày[4] và Từ Điển Việt-Bồ-La[5] của cha Đắc Lộ (xuất bản năm 1651) cũng như các thuật từ khải huyền, mạc khải hay mặc khải đều không có trong những tự điển, tự vị trước năm 1896 như Dictionarium Annamitico Latinum của Đức cha P.J. Pigneaux (1772) Dictionarium Anamitico-Latinum của Đức cha Taberd (1838), Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895-1896).
Có người cho rằng thừa sai Giêrônimô Majorica, S.J. là người đầu tiên đã dịch từ révélation sang chữ Nôm là khải mông[6] trong cuốn giáo lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (năm 1623). Điều này không đúng, vì cuốn này tuy là bản dịch ra chữ Nôm của cuốn Controverses[7] của Thánh Hồng Y Robert Bellaminô soạn năm 1581-1593, nhưng tựa đề của nó là do cha Majorica tự đặt ra và chính ngài giải nghĩa chữ khải mông là “lời tóm lại mọi sự Đức Chúa Giêsu truyền xưa” (x. đoạn I) còn nội dung bên trong thì không có chỗ nào sử dụng thuật từ révélation cả.
Có lẽ Julien Thiriet là người đầu tiên ghi nhận ý nghĩa phổ thông của từ revelatio là “sự tỏ ra, bày tỏ ra” trong cuốn Tự vị Latinh-Annam[8] xuất bản năm 1868, tiếp theo là P.G. Vallot[9] (năm 1898). Đồng thời gian này, Genibrel[10] ghi nhận révélation được dịch là mặc chiếu, mặc thị. Cha Cố Chính Linh trong bản dịch Thánh Kinh (1914-1916) cũng dịch từ này theo nghĩa phổ thông là “tỏ ra, tỏ hiện, hiện ra, hiện đến, soi sáng”. Trong Tân Ước (bản Vulgata) chữ apocalypsis xuất hiện 3 lần, cha Cố Chính Linh dịch là “tỏ sự kín nhiệm” (1 Cr 14,26) và “khải huyền” (tựa sách Kh và Kh 1,1), và ngài chú thích: “Apocalysis nghĩa là bày tỏ ra sự gì kín nhiệm hay là sự gì chưa biết: Revelatio, khải thị, khải huyền v.v…”. Bản dịch Thánh Kinh năm 1932 của cụ Phan Khôi cũng dùng chữ tỏ ra (revelation) và sự mặc thị, mặc thị lục (apocalypsis). Chúng tôi chưa tìm thấy chữ khải huyền trong tài liệu nào trước đó (1914) tại Việt Nam cũng như Trung Quốc.
2. Nghĩa chữ khải
Khải có các chữ Hán: 凱 (凯), 剴 (剀), 啟 (啓, 启),塏 (垲), 豈 (岂), 愷 (恺), 楷 , 覬, 鍇 (锴), 鎧 (铠), 闓 (闿), 卡, 咳(cũng đọc là khái),磕 (cũng đọc là khái), 綮 (棨) (cũng đọc là khể), 榼 (cũng đọc là khạp), và các chữ Nôm: 凯, 凱, 剀, 剴, 启, 啓, 垲, 塏, 愷, 揩, 鎧. Trong thuật từ mạc khải, mặc khải hay khải huyền, khải là chữ啟.
Chữ khải 啓giáp cốt văn là:
Chữ này do ba chữ cấu thành : (môn : cửa), (thủ : tay), (khẩu : miệng), mang nghĩa một bàn tay mở cửa ra, rồi thuyết giáo.
Nghĩa gốc là ‘mở’, như Tả Truyện: “Môn khải nhi nhập: cửa mở cứ vào”. Nghĩa được mở rộng thành ‘chỉ đường’, như Luận Ngữ: “Bất phẫn bất khải, bất phi bất phát (不 憤不啟. 不悱不發): Đối với học sinh, phải chờ đến khi chúng không nghĩ ra, mới gợi ý; chờ đến khi chúng không nói ra được mới giải thích”. Trong tiếng Hán hiện đại, mặc cũng có nghĩa là ‘trần thuật’, ‘thông báo’.[11]
Khải啟 có các nghĩa: (đt.) (1) Mở: Khải môn (mở cửa). (2) Mở mang đất đai: Đại khải Nam Dương (mở mang Nam Dương rất nhiều). (3) Mở trí, chỉ dạy: Khải đạo (hướng dẫn chỉ dạy). (4) Bày tỏ, giải bầy: Khải sự (giải bầy công việc). (5) (cũng đọc là khởi) Bắt đầu: Khải lễ (bắt đầu nghi thức), khải hành (bắt đầu đi). (6) Báo tin (cổ văn): Kính khải giả (Xin báo cáo). (dt.) (7) Tờ viết (cổ văn): Tạ khải (thư cám ơn). (8) Từ ngữ viết thư, viết sau họ tên người nhận thư: XX đài khải (kính thư XX). (9) Họ Khải. (10) Phiên âm của hành tinh venus: Khải minh tinh.
3. Nghĩa chữ mặc và mặc khải
3.1. Mặc có các chữ Hán: 默, 墨, 万, 纆, 嘿, 嚜; và các chữ Nôm: 默, 袙, 嚜, 墨. Trong thuật từ mặc khải, mặc là chữ默. Chữ mặc (默) gồm bộ khuyển (犬) và chữ hắc (黑), 黑 cũng dùng làm hình thanh, chỉ tối tăm, trong bóng tối. Nên nghĩa gốc chỉ con chó lén lút tấn công người. Tấn công ngầm thường không có tiếng động, nên chữ mặc còn có nghĩa là ‘im lặng, không lên tiếng’; nghĩa rộng là ‘lặng lẽ, tĩnh mịch, đen tối, trong bóng tối’ [12].
Mặc默, chữ Hán có nghĩa: (pht.) (1) Im (im lìm, im lặng, không nói ra, làm thinh, không lên tiếng): Mặc đảo (cầu nguyện thầm), mặc niệm (đọc thầm trong bụng), mặc toạ (ngồi im), mặc tụng (đọc không ra tiếng, lầm rầm). (2) Thầm kín (âm thầm, kín đáo, ngấm ngầm): Mặc cải chính trị (cải cách chính trị cách âm thầm), mặc thị (ra hiệu lén = tỏ ý một cách kín đáo, signal), mặc nhận (thầm nhận = ưng thuận cách ngấm ngầm). (3) Nhớ (thuộc lòng, nằm lòng): Mặc ký (nhớ trong lòng), mặc tả (viết thuộc lòng), mặc thức (ghi nhớ trong lòng), mặc toán (tính rợ, tính trong bụng). (4) (dùng kết hợp): Mặc mặc (im im = dáng buồn so); u mặc (có tính hài hước nhẹ nhàng). dt. (5) Họ Mặc.
Mặc Trong tiếng Hán hiện đại, cũng có nghĩa là trần thuật, thông báo[13] .
Mặc默, chữ Nôm có nghĩa: Nín lặng, không thèm nói đến; để tuỳ tiện, không kể đến: mặc ai, mặc bay, mặc dầu, mặc ý, mặc lòng, mặc sức, mặc tình, mặc xác, mặc kệ = mặc đời, phó mặc.
3.2. Mặc khải (révélation), có nghĩa : (1) Tỏ lộ những điều bí ấn, khó hiểu. (2) Chỉ những sách có công tác đó.[14]
4. Từ “mặc khải”… đến “mạc khải”
Năm 1956, theo sự phân công của của Ban Từ Ngữ Chuyên Môn trong Hội Nghị Thống Nhất Ngôn Ngữ Sài Gòn (từ ngày 5/9-3/10), Lm. Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh (sau này là Đức ông) được bầu làm trưởng ban đồng thời đặc trách Tiểu Ban Danh Từ Triết Học. Cuốn Từ Điển và Danh Từ Triết Học mà ngài xuất bản năm 1966 là kết quả của tiểu ban này sau gần 10 năm biên soạn, trong đó chúng tôi thấy có thuật từ mạc khải [15]. Vậy chúng tôi suy đoán rằng thuật từ mạc khải là do Đức Ông Hiến Minh tạo ra. Trước thời gian này, ngài sử dụng từ mặc khải trong các tác phẩm của mình[16] nhưng về sau thì ngài đã thay đổi bằng từ mạc khải[17]. Vài năm sau, hàng loạt sách quan trọng đã sử dụng từ mạc khải thay cho mặc khải có từ trước, như: Hai bản dịch các văn kiện Công Đồng Chung Vaticanô II của cha Trần Văn Thông, Senatus Sài Gòn (xb. năm 1969) và của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X; bộ Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X; Tân Ước của cha Nguyễn Thế Thuấn và đặc biệt là bộ Sách Bài Đọc, Sách Lễ Rôma, Sách Lễ Giáo Dân của Uỷ Ban Giám Mục về Phụng Vụ… tất cả đều xuất bản trong năm 1971. Đến nay, ngoài cuốn Điển Ngữ Đức Tin Công Giáo của cha Hồng Phúc (xb. 1996) và Tự Điển Đức Tin Kitô Giáo Pháp Việt (bản dịch khuyết danh, xb. 2001?) còn dùng thuật từ mặc khải, các từ điển Công Giáo khác đều sử dụng từ mạc khải mà thôi.
5. Chữ “mạc” viết thế nào?
Rất tiếc là chúng ta không biết người tạo ra thuật từ mạc khải đã muốn dùng chữ mạc nào trong tiếng Hán. Vì vậy mà có người cho rằng chữ mạc trong mạc khải là 幕(mạc莫thêm chữ cân 巾, nghĩa là cái màn幕); người khác[18] thì cho chữ mạc là 漠(mạc莫thêm bộ thuỷ 氵, có nghĩa là yên lặng 漠); hoặc mạc cũng là chữ mặc 默 trong mặc khải?
Trong Dictionnaire Annamite Français của J.F.M. Genibrel, xb. 1898, tr. 434 có ghi:” 默MẠC. (= Mặc), 1. Solitude, f. Silence, m. Se taire, r. 2. Mạc tưởng, Méditer, a. Mạc thổn, Considérer, a. Cung mạc tư đạo, Méditer sur ses devoirs dans un.”
(Nguồn: J.F.M. Genibrel, Dictionnaire Annamite Français, 1898, tr. 434)
Trang 442: “默 MẶC. (Lặng), Silence, m. Mặc thị, Révélation, f. Mặc chiếu, id. Mặc tưởng, Méditer, a. n. Réfléchir, n.”
(Nguồn: J.F.M. Genibrel, Dictionnaire Annamite Français, 1898, tr. 442)
Nếu mạc lấy chữ mạc bộ thuỷ (漠) hay chữ mặc (默)và lấy nghĩa im lặng, thì rõ ràng mạc và mặc đồng nghĩa: mạc khải = mặc khải, chúng ta sẽ không có gì để tranh cãi. Có điều là chỉ có mặc 墨 (chữ hắc 黑 thêm chữ thổ 土, nghĩa là mực, sắc đen) mới đọc trại là “mạc”; còn nói như Génibrel thì rất lạ, chúng tôi chưa thấy tài liệu nào nói như vậy, phải chăng chỉ là cách phát âm riêng của một địa phương nào đó ở Việt Nam hay chỉ là một trong những sai sót của cuốn tự điển này?[19]
Còn phiên thiết theo (1)Thuyết Văn Giải Tự說文解字là : 莫(mạc) + 北(bắc), 切(thiết) → mặc. (2) Khang Hi tự điển 康熙字典là: 密(mật) + 北(bắc), 切(thiết) → mặc. (3)Từ Hải 辭海 và Từ Nguyên 辭源là :暮 (mật) + 劾 (hặc), 切 (thiết) → mặc. Như vậy默chỉ có duy nhất một âm là mặc.
Như số đông, chúng tôi cho rằng trong thuật từ mạc khải, mạc lấy nghĩa là màn và viết là幕 (mạc phần dưới có chữ cân).
6. Nghĩa chữ mạc và mạc khải
6.1. Mạc có các chữ Hán: 莫, 幕 (幙), 摸, 漠, 獏, 瘼, 瞙, 羃,膜, 貘, 邈, 鏌 (镆), 鄚, 摹 (cũng đọc là mô), 模 (橅, 糢) (cũng đọc là mô), 寞 (冪, 羃, 幎, 幂) (cũng đọc là mịch), 墨 (còn đọc trại là mặc); và các chữ Nôm: 莫, 漠, 瘼, 訡, 邈. Trong thuật từ mạc khải, mạc là chữ幕, nghĩa là: (dt.) (1) Tấm màn. (2) Trướng (lều bạt): Doanh trại của tướng lãnh (Cái màn che ở trên gọi là mạc. Trong quân phải giương màn lên để ở, nên, chỗ quan tướng ở gọi là mạc phủ – bộ tư lệnh quân đội. Người tham mưu bí thư ở trong quân gọi là mạc hữu; những người thư ký coi việc văn thư gọi là mạc liêu.). (3) Màn (sân khấu): Việc bắt đầu hay kết thúc (Đóng tuồng trước phải căng màn, đến lúc diễn trò mới mở, vì thế sự gì mới bắt đầu làm đều gọi là khai mạc (mở màn, dẫn đầu); khi hết tuồng thì kéo màn đóng lại, vì thế sự gì kết thúc cũng gọi là bế mạc (đóng màn, chấm dứt). (4) Màn (kịch): Hồi ở bản kịch: Đệ nhất mạc (Màn một). (5) (còn đọc là mạn hay mán): Mặt trái hay mặt sau của đồng tiền (Đồng tiền thời xưa, mặt phải hay mặt trước có chữ, mặt trái hay mặt sau thì trơn). (6) Có khi dùng như chữ mạc 漠, nghĩa là: Bể cát : sa mạc; yên lặng: đạm mạc (hờ hững, không thể lấy danh lợi làm động lòng được). (đt.) (7) Bao phủ, che trùm: “Giải triều phục nhi mạc chi: cởi áo triều phục mà che lại” (Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển) (8) (dùng kết hợp) nội mạc (chuyện thật bên trong), mạc yến (én làm tổ trên màn: tình cảnh nguy ngập, ‘trứng treo đầu gậy’).
6.2. Mạc khải (révélation): Tác động của Thiên Chúa bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người. Ví dụ: Sự hiện hữu của Thiên Chúa vừa do lý trí khám phá vừa được chính Ngài mạc khải[20].
6.3. Mạc khải có sai ngữ pháp?
Mạc khải (幕啟) là từ ghép không có trong tiếng Hoa, chỉ mới có trong tiếng Việt gần 50 năm nay[21].
Trong tiếng Hoa có những từ ghép như: thùy mạc (垂幕,dt.: thả màn, drop curtain), yết mạc (揭幕, đt.: vén màn, to unveil,)… Nhưng những cụm từ như: mạc khải (幕啟 kéo màn, the curtain rises), mạc lạc (幕落hạ màn, curtainfall), mạc thùy (幕垂 thả màn, the curtain dropped) là những cụm từ tự do. Trong tiếng Việt, dù các thành tố đều có gốc Hán, nhưng nếu xét theo quan hệ cú pháp tiếng Hán, ta có những từ ghép như: khai mạc, bế mạc… (thành tố chính sau – thành tố phụ trước), còn xét theo quan hệ cú pháp tiếng Việt, ta cũng có những từ ghép như: trưởng đoàn, viện hàn lâm… (thành tố chính trước – thành tố phụ sau). Đặc điểm này có người gọi là “văn phạm kép” của tiếng Việt.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Giáp[22], từ ghép có hai đặc điểm là: (1) Hoàn chỉnh về nghĩa và (2) Tính phi cú pháp trong quan hệ của các thành tố cấu tạo:
(1) Một đơn vị được coi là có tính hoàn chỉnh về nghĩa khi nó có khả năng biểu thị một khái niệm về đối tượng tồn tại bên ngoài chuỗi lời nói. Từ ghép có tính hoàn chỉnh về nghĩa, còn cụm từ tự do không có tính chất này. Mạc khải được coi là từ ghép có tính hoàn chỉnh về nghĩa vì trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng đã được sử dụng như một thuật từ chuyên biệt (để chỉ tác động của Thiên Chúa bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người) chứ không phải là cụm từ tự do.
(2) “Về mặt lịch sử, chính cú pháp là địa hạt đã diễn ra sự cấu tạo của từ ghép, tức là các từ ghép đã được cấu tạo theo mô hình của cụm từ (mặc dù có thể có ngoại lệ) nhưng do tính hoàn chỉnh về nghĩa, do được sử dụng như các từ, cho nên quan hệ giữa các thành tố trong các từ ghép trở nên có tính phi cú pháp”. Mạc khải là từ ghép phụ nghĩa, gồm hai thành tố cùng loại (cùng gốc chữ Hán), có quan hệ cú pháp tiếng Hán (thành tố chính đứng sau – thành tố phụ đứng trước).
Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn[23], về nguyên tắc, từ ghép phụ nghĩa không thể có hiện tượng tự do về mặt trật tự; yếu tố nào phải đứng trước, yếu tố nào phải đứng sau, là một vấn đề do thói quen thông thường (ngữ ngôn) chứ không phải do chuẩn mực chi phối (ngữ pháp).
Chính yếu tố ngữ ngôn này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá các dân tộc. Chẳng hạn nếu nói khải mạc là mở màn, thì rất đúng ngữ pháp Hán Việt và tiếng Hoa, nhưng chúng ta lại không có “khải mạc” mà lại có thuật từ mạc khải – từ mà Trung Quốc không có! Có thể nêu ra ở đây một vài thí dụ để thấy rằng vị trí từ Hán Việt trong các từ ghép tiếng Việt đôi khi ngược với tiếng Hoa:
Tiếng Việt Tiếng Hoa
bản sao 抄 本 sao bản
đầu đạn 弹 頭 đạn đầu
hồn Việt 越 魂 Việt hồn
liên quan 關 連 quan liên
sắc phục 服 色 phục sắc
số mệnh 命數 mệnh số
thu hồi 回收 hồi thu
bộ ngoại giao 外交部 ngoại giao bộ
quan hệ xã hội 社會關係 xã hội quan hệ
khoa học tự nhiên 自然科学 tự nhiên khoa học
Có những trường hợp tiếng Việt có hai cách nói, trong đó có cách nói giống tiếng Hoa:
Tiếng Việt = Tiếng Hoa Tiếng Việt
(văn phạm Hán) (văn phạm Việt)
(danh từ chính sau) (danh từ chính trước)
– trưởng đoàn – đoàn trưởng
– ngoại giao đoàn – đoàn ngoại giao
(danh từ chung sau) (danh từ chung trước)
– hàn lâm viện – viện hàn lâm
– ngôn ngữ viện – viện ngôn ngữ
Sau đây, chúng tôi thử liệt kê một số từ ghép theo văn phạm tiếng Hán và tiếng Việt, với các thành tố chính chỉ sự vật (danh từ) kết hợp với thành tố phụ chỉ hành động (động từ) và trường hợp ngược lại (thành tố chính chỉ hành động (động từ) – thành tố phụ chỉ sự vật (danh từ)):
Văn phạm tiếng Hán (phụ trước – chính sau) | Văn phạm tiếng Việt (chính trước – phụ sau) | ||
Danh từ – Động từ | Động từ – Danh từ | Danh từ – Động từ | Động từ – Danh từ |
giáo thuyết
linh ứng ngôi hiệp nhật tụng sứ ngôn[24] thần hứng mạc khải thần khải thiên khải thiên phú thiên bẩm bản sao quốc phòng pháo kích tài trợ |
bế mạc
ái quốc cách mạng khai mạc khai quốc khai tâm mục vụ tác vụ phụng vụ ngôn sứ vệ binh |
tàu bay
thợ cạo thầy giáo lưới vét sứ ngôn |
học trò
tập sự đốc binh tri huyện vâng lời |
7. Nhận xét
7.1.Mặc khài là từ ngữ chung trong văn hoá Trung Quốc và Việt Nam đã được các thế hệ tiền bối sử dụng như một thuật ngữ trong thần học. Nếu mặc khải theo nghĩa hẹp là “sự tỏ bày điều kín ẩn trong âm thầm”, thì từ này có thể dùng để hiểu chữ revelation cũng như inspiration. Công Giáo Trung Quốc đã từng hiểu như vậy, có lẽ vì thế mà ngày nay Giáo Hội Trung Quốc đã thay thế từ mặc khải bằng hai thuật từ khác, đó là khải thị (cho revelation) và mặc cảm (cho inspiration).
Tại Việt Nam, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Giáo Hội Việt Nam đã có sử dụng thuật từ mặc khải[25].
7.2.Mạc khải là thuật từ của riêng và mới có sau này trong thần học Công Giáo Việt Nam. Ban biên tập cuốn Từ Điển Đức Tin Kitô Giáo chắc phải có lý do gì đó khi xếp mục từ Révélation, rélvélé vào ngay bên dưới mục từ Voile (Khăn che, màn che)? – Có lẽ các tác giả muốn trước khi tìm hiểu Révélation, người ta cần đọc trước mục từ Voile: “tấm vải dùng để che giấu một cái gì… Màn đền thờ… Lý do tồn tại của các bức màn này là cái gì là thánh và thần linh đều phải không thấy được, không bị dơ nhớp bởi những cái nhìn của loài người… Khi Đức Kitô sinh thì, thì MÀN bị xé rách trọn vẹn, biểu tượng sự chấm dứt Giao Ước cũ...” [26] để có thể hiểu hơn về khái niệm Révélation trong Kitôgiáo? Kitô hữu Việt Nam khi sử dụng từ mạc khải có thể sẽ liên tưởng đến BỨC MÀN đó vậy.
8. Mặc hay mạc?
Năm 1994, trong bản dịch Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhóm CGKPV) xuất bản, nơi chú thích b) của Sách Khải Huyền, đoạn 1, câu 1 có ghi: “Do từ Hy Lạp apocalypsis, dùng từ mặc thay cho mạc. Nếu dùng mạc phải đổi lại là khải mạc mới đúng ngữ pháp Hán-Việt.”
Sau đó, Sr. E. Nguyễn Thị Sang (thuộc Nhóm CGKPV) có bài viết nói rõ hơn về lý do Nhóm không sử dụng thuật từ mạc khải. Thời gian gần đây đã có nhiều bài viết hoặc bênh hoặc bác việc sử dụng thuật từ này[27]. Lý do quan trọng, nếu không nói được là duy nhất mà chúng tôi thấy qua các bài chủ trương không dùng thuật từ mạc khải chính là: Mạc khải là thuật từ Hán Việt có cấu trúc danh từ bổ túc + động từ ngược thứ tự bình thường của các thuật từ Hán Việt là động từ + danh từ bổ túc. Ví dụ: khai mạc, bế mạc… Không ai nói mạc khai, mạc bế, vậy cũng không nên sử dụng kiểu nói mạc khải. Nếu dùng mạc phải đổi lại là khải mạc mới đúng ngữ pháp Hán Việt.
Kết luận.
Trong giai đoạn trưởng thành, Giáo Hội Việt Nam may mắn đã sớm có được nhiều vị tiên phong tài ba và nhiệt tâm xây dựng một hệ thống thuật ngữ triết học và thần học bằng chữ Quốc ngữ. Trước là các cha Vũ Kim Điền (thường được gọi là Điền Rôma), Trần Văn Hiến Minh, Bửu Dưỡng, Đỗ Minh Hồng (Papineau), Đỗ Minh Vọng (Cras)… tiếp đến các cha Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Lập… Phần đông am hiểu chữ Hán, tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc và có đủ trình độ để giảng dạy triết học và thần học. Các ngài đã cống hiến công sức chế tạo từ mới hoặc xây dựng định nghĩa riêng cho hơn 5.000 mục từ trong lãnh vực triết học và thần học Kitô giáo để kịp thời phục vụ công việc giảng dạy, đào tạo và loan báo Phúc Âm.
Bốn cuốn: DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC (1952), DANH TỪ TRIẾT HỌC (1959), TỪ ĐIỂN LA-VIỆT-PHÁP (1960), TỪ ĐIỂN VÀ DANH TỪ TRIẾT HỌC (1966) đã là những tài liệu giáo khoa căn bản cho hàng vạn học sinh, sinh viên ban triết các trường trung học, đại học và các chủng sinh trãi bao thế hệ. Đó cũng là di sản văn hoá quý báu đối với Giáo Hội Việt Nam.
Phần lớn trong số 5.000 mục từ đó vẫn còn được đón nhận rộng rãi trong khi một số đã bị lãng quên. Chắc chắn cũng có một số thuật từ cần phải xem lại và thay thế cho thích hợp hơn. Công việc đó cũng cần có sự đóng góp ý kiến xây dựng của mọi người thiện chí, đồng thời cần phải dựa trên các học lý, học thuật nghiêm túc. Tránh thái độ phê phán, kích bác chỉ dựa trên cảm tính hay sở thích riêng. Trường hợp hai thuật từ mặc khải và mạc khải cũng vậy.
Nhứ thế, ta có thế kết luận rằng, nếu muốn thuật từ được phổ thông thì dùng mặc khải, còn nếu muốn tạo ra thuật từ đặc ngữ cho Giáo Hội tại Việt Nam thì có thể dùng mạc khải, nhưng cần giải thích rõ ý nghĩa của chữ mạc và có tính thuyết phục.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
*
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả Stêphanô
Huỳnh Trụ, linh mục quản xứ Phanxicô Xaviê, TGP Sài Gòn và là một độc
giả của dongten.net. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông
Dòng Tên Việt Nam.[1]Bản dịch Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhóm CGKPV) xuất bản năm 1994, nơi chú thích b) của Sách Khải Huyền, đoạn 1, câu 2.
[2] Tham khảo: www.etymonline.com.
[3] http://dictionary.reference.com/browse/revelation.
[4] Tựa đề sách này là: “Cathechismvs Pro Iis, Qui Volunt Suscipere Baptismvm, In Octo Dies Diuisus – Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muấn Chịu Phép Rứa Tọi, Ma Ƀěào Đạo Thánh Đức Chúa Blời (Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muốn Chịu Phép Rửa Tội, Mà Vào Đạo Thánh Đức Chúa Trời) – Ope Sacrae Congregationis De Propaganda Fide In Lucem Editus – Ab Alexandro De Rhodes è Societate Iesv, Ejusdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico”, Roma, 1651.
[5] Tựa đề sách này là : “Dictionarivm Annamiticvm, Lvsitanvm, Et Latinvm, Ope Sacrae Congregationis De Propaganda Fide In Lvcem Editvm – Ab Alexandro De Rhodes E Societate Iesv, Eivsdemque Sacrae Congregationis Missionario Apostolico”, Roma, 1651.
[6]Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, NXB. Trường Thi, Sài Gòn, 1957, tr. 360: “Khải mông (啓蒙) là mở mang cái tối tăm, cái ngu tối. Nghĩa bóng: Dạy học trò từ lúc bắt đầu còn ngu dốt”. Chữ này, nghĩa rất nghiêm nghị, được các giáo sĩ dùng trong bối cảnh truyền bá Đạo Kitô thời bấy giờ, “đem Đạo đến để mở mang tâm trí những kẻ còn ngu dốt tối tăm”. Vì vậy từ này về sau không còn sử dụng nữa. Thuật từ này bên Trung Quốc ngày nay vẫn sử dụng với nghĩa là học từ đầu, (môn học) nhập môn.
[7] Tựa sách đầy đủ là: “Disputationes De Controversiis Christianae Fidei Adversus Hujus Temporis Haereticos” thường được gọi tắt là “De Controversiis” hay “Controverses”.
[8] Julien Thiriet, Dictionarium Latino-Annamiticum, 1868, tr. 219: Revelatio, onis, f. Sự tỏ ra. Revelo, as, avi, atum, are, a. Bày tỏ ra.
[9] P.G. Vallot, Dictionnaire Franco-Tonkinois Illustre, 1898, tr. 323: Révélation: Sự tỏ điều kín, điều kín đã tỏ. Révéler: Tỏ sự kín, cho biết, tố cáo, tố giác.
[10] J.F.M. Genibrel, Dictionnaire Annamite-Français (Đại Việt Quốc Âm Hán Tự Pháp Thích Tập Thành), 1898, tr. 442 : 默 Mặc. (Lặng), Im lặng, m. Mặc thị, Révélation, f. Mặc chiếu, id. Mặc tưởng, ngẫm nghĩ, a. n. Hồi tưởng.
[11] Th.s. Nguyễn Mạnh Linh, Từ Điển Từ Nguyên Tiến Trung, Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr.389.
[12] Lý Lạc Nghị, Tìm VềCộinguồnChữ Hán, nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1997, tr. 389.
[13] Th.s. Nguyễn Mạnh Linh, Từ Điển Từ Nguyên Tiếng Trung, Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr.389.
[14] Trần Văn Hiến Minh, Kytô Học, Ra Khơi xb, Sài Gòn, 1957, tr. 386.
[15] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển Và Danh Từ Triết Học, Ra Khơi, Sài Gòn, 1966, tr. 148.
[16] Ví dụ xem: Trần Văn Hiến Minh, Kytô Học, Ra khơi, Sài Gòn, 1957, hayThượng Đế Học, Ra khơi, Sài Gòn, 1958.
[17] Ví dụ xem: Trần Văn Hiến Minh, Mari Học, Ronéo, TP. HCM, 1986.
[18] Trần Văn Chánh, HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN và Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1942, cho rằng: “Mạc 幕có khi cũng dùng như chữ mạc 漠” và trang http://vi.wikipedia.org. dùng chữ mạc 漠.
[19] Xem thêm bài của Nguyễn Quảng Tuân: “Những sai lầm trong quyển Tự Điển Génibrel” trong Tập Chí Hán Nôm, Số 2(3), năm 1987.
[20] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển Và Danh Từ Triết Học, Ra khơi, Sài Gòn, 1966, tr. 148.
[21] Cấu trúc thuật từ mạc khải cũng tương tự như thuật từ sứ ngôn mà chúng tôi đã có dịp tìm hiểu trong bài “Tiên tri – Ngôn sứ – Sứ ngôn” đã đăng trong Bài Giảng Chúa Nhật, số 11, năm 2006, trang 93.
[22] Nguyễn Thiện Giáp, Từ Vựng Học Tiếng Việt, NXB. ĐH&THCN, Hà Nội, 1985, tr.77-78.
[23] Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ Pháp Tiếng Việt, NXB. ĐH & THCN, Hà Nội, 1981, tr.91.
[24] Xin xem bài “Tiên tri – Ngôn sứ – Sứ ngôn” đăng trong Bài Giảng Chúa Nhật, Số tháng 8 năm 2006, tr. 93.
[25] Chúng tôi không có cuốn Từ Điển Pháp Việt (dictionnaire franẵais-vietnamien) của Lê Công Đắc xuất bản lần I năm 1939, nhưng có quyển xuất bản lần III của NXB. Nam Sơn, Hà Nội, 1954. Trong đó ghi: Révélation: n.f. Sự lộ ra, sự thóc mách, sự thú giác. Đạo trời lộ ra, đạo thiên khải, đạo mặc khải; Révélé, e.a. Được trời soi sáng, thiên khải, mặc khải; Révéler, v.t. Tỏ cho biết, tiết lộ, lộ. soi sáng, mặc chiếu. Se-révéler [à] v.p. Tỏ mình ra, lộ ra (cho), vở lở. Trong cuốn Danh Từ Thần Học và Triết Học của Ban giáo sư trường Thần Học Bùi Chu biên soạn,Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952, có ghi: Révélation: Mặc khải.
[26] Olivier de La Brosse & Ntg, Dictionnaire De La Foi Chrétienne, Cerf, Paris, 1968.
[27] Các bài chủ trương dùng từ Mặc khải: Khuyết danh: Góp ý về từ ngữ “mặc” trong “mặc khải” hay “mạc” trong “mạc khải” – Thiên Chúa “mặc khải” hay chỉ “mạc khải” (mặc hay mạc)? (http://tonggiaophanhue.net); Lm. Nguyễn Nhân Tài, SJB.: “Nên dùng chữ “mạc khải” hay “mặc khải”? (vietcatholic.com); Lm. Nguyễn Hữu Triết: Vấn đề hội nhập văn hoá; Các bài chủ trương dùng từ Mạc khải: Lm. Nguyễn Long Thao: Đặc ngữ Công Giáo Việt Nam: mạc khải hay mặc khải (www.dunglac.org); Đaminh Phan Văn Phước: Nguyên nghĩa của chữ mạc khải (http://tonggiaophanhue.net); Lê Anh Dũng: Mặc khải hay mạc khải, thiên khải? (www.thienlybuutoa.org); Huỳnh Christian Timothy: Mạc khải cuối cùng (www.thanhkinhthanhoc.net); Các bài chủ trương dùng cả hai từmạc khải và mặc khải: Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo: Linh thao và mạc (mặc) khải” (www.chimviet.free.fr); Joseph Phạm Thanh Liêm, S. J. : Mặc khải (http://pierrequangminh.blogspot.com)