Sunday, 14 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Ngành họ Nguyễn Hữu Phật Giáo ở Hội Kê (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 8

 

 

NGÀNH HỌ NGUYỄN HỮU PHẬT GIÁO Ở HỘI KÊ.

          Khi chạy về Thượng Hộ, cụ Vinh có đem theo một người cháu gọi cụ bằng chú ruột. Ông này là Nguyễn Hữu Thố thuộc ngành trưởng. Người cháu này vẫn giữ nguyên tôn giáo cũ là Phật giáo, đó là thân phụ ông Nguyễn Hữu Chẩm. Ông Chẩm sinh ra các ông Nguyễn Hữu Công, Nguyễn Hữu Ký và Nguyễn Hữu Nhiên. Con trưởng của ông Nguyễn Hữu Công là Nguyễn Hữu Thảo hiện nay vẫn còn ở Hội Kê. Ông Thảo thuộc ngành trưởng nên Chi này vẫn được quyền nhận các lễ đầu ngành trong toàn tộc. Hai người cháu nữa là Nguyễn Hữu Nhàn (ông Trương Nhàn) và Nguyễn Hữu Rinh (thân phụ của hai ông Nguyễn Hữu Tuyên và Nguyễn Hữu Điền) gọi cụ Vinh bằng bác, sau này đã tìm đến để cùng gia nhập làng Hội Kê khi mới thành lập. (Hậu duệ của hai ông Tuyên và Điền hiện nay vẫn đang sinh sống ở Long Thành – Đồng Nai). Ông Nguyễn Bích (thân phụ ông Nhàn) và ông Nguyễn Hữu Rinh được cụ Vinh nuôi dưỡng. Ngoài ra còn hai người cháu được cụ Nguyễn Hữu Đoài nhận làm dưỡng tử là ông Nguyễn Hữu Trí và ông Nguyễn Hữu Dụng (con cháu hai ông này hiện nay vẫn đang sinh sống ở giáo xứ THÁI LẠC, thuộc thị trấn Long Thành, Đồng Nai).

Saturday, 13 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Gia đình cụ Bá Nguyễn Hữu Đoài (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 7

 

GIA ĐÌNH CỤ BÁ NGUYỄN HỮU ĐOÀI.

          Cụ Bá Đoài sinh hạ được tất cả 9 người con, sáu trai và ba gái. Sáu người con trai đều được theo học và đều là những người rất có ý chí, trung thành với truyền thống bất khuất của tổ tiên.

- Cụ Nguyễn Hữu Hân, trưởng nam (1867) đã hợp tác với ông Kỳ Đồng Nguyễn văn Cẩm trong việc đánh thành Namđịnh.

- Cụ Nguyễn Hữu Hiên gia nhập phong trào Cần Vương.

- Cụ Nguyễn Hữu Quý mưu đồ chống Pháp với ông giáo học Trần văn Trung, dựa vào sự giúp đỡ của người Đức, mang quân đánh đồn Tà Lùng ở biên giới Việt-Hoa, nhưng bị thất bại.

Cụ Nguyễn hữu Lục theo Nguyễn Hải Thần sang Trung Hoa mưu đồ phục quốc cùng với Cụ Phan Bội Châu. Bị bội phản, cụ bị bắt cùng với một số đồng chí, bị giam giữ môt thời gian khá lâu. Sau khi được tha, cụ bị Pháp theo dõi và quản thúc tại làng. Sự quản thúc của cụ hồi đó ở Hội Kê, do ông Nguyễn Hữu Biền, đương kim lý trưởng sở tại quản lý. Ông Nguyễn Hữu Biền lại là con trai trưởng của cụ Nguyễn Hữu Hiên, nghĩa là cháu trông coi việc quản thúc chú, nên việc quản thúc – dù là vẫn còn bị theo dõi – cũng nhẹ nhàng và rồi sau một thời gian cũng nhanh chóng trôi qua.

          Về hai cụ, thứ ba là Nguyễn Hữu Phú và thứ năm là Nguyễn Hữu Ngũ cũng đã lần lượt giữ chức vụ Lý trưởng của làng liên tục trong nhiều năm. Riêng cụ Nguyễn Hữu Phú, để tỏ lòng nhiệt thành với tôn giáo của mình, đã xin từ chức lý trưởng để nhường lại cho người em thứ năm là cụ Nguyễn Hữu Ngũ làm lý trưởng, còn cụ thì xin nhận làm trùm họ cho họ giáo Hội Kê. Chính vì vậy nên sau này, dân ở đây thường gọi là Cụ Trùm Phú hay Ông Lý Phú thì cũng vẫn là một.

          Ngành họ NGUYỄN HỮU ở Gia Lạp cũng lập nên sự nghiệp, hiện nay vẫn còn hậu duệ.

Friday, 12 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Sự phát triển họ Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 6

 

SỰ PHÁT TRIỂN HỌ NGUYỄN HỮU.

            Làng Hội Kê hay Cối Kê thành lập chưa được bao lâu thì những biến cố đau thương dồn dập xảy đến. Cuối đời Minh Mạng (1838-1842) và đầu đời Tự Đức (1848), lệnh cấm đạo được triệt để thi hành. Cũng vào thời kỳ đó, ông Trịnh Quang Khanh tức Cụ Thượng Khanh, Tổng đốc Nam Định, nguyên quán tại phủ Tiên Hưng, được cử làm Khâm sai thi hành lệnh cấm đạo, đã hạ lệnh bắt cụ Vinh và mười người nữa ở Thượng Hộ.   

          Sau khi bị bắt và dẫn giải về làng Thái Đường ở Hưng Yên, các cụ bị bắt buộc phải “quá khóa” tức là bước qua Thập Tự Giá (Thánh Giá), ai không tuân đều bị cực hình và xử trảm, tức là chém đầu. Cụ Nguyễn Hữu Vinh và mười cụ ở Thượng Hộ  đều bị xử Tử Đạo. Như vậy, cụ Vinh bị bắt vào cuối đời Minh Mạng hoặc đầu đời Tự Đức.

          Lúc cụ Vinh bị bắt, con cụ là Nguyễn Hữu Đoài và bốn người em gái của cụ Đoài lúc đó còn ít tuổi. Ba  cô em sau này là các bà Nguyễn văn Kiên (bà đội Kiên, Gia Lạc), bà Nguyễn đình Huyến (bà lý Huyến, Hội Kê) và bà Lê khắc Đôn (bà trùm Đôn, Gia Lạc). Cô em gái thứ tư là bà Quy chưa xuất giá. Riêng cụ Đoài mới vào khoảng 16 tuổi nên chỉ nhớ được thân phụ mình bị bắt vào ngày Đông Chí (không nhớ năm) và bị xử Tử Đạo. Con cháu sau này chỉ còn biết lấy ngày Đông Chí làm ngày Giỗ Tổ.

          Thuở hàn vi, cụ Nguyễn Hữu Đoài còn ít tuổi nên bị một số người làng có thế lực lúc đó chèn ép, bắt nạt đến nỗi cụ phải bỏ làng Hội Kê sang bên kia sông tá túc tại làng PHÚ CỐC, ở nhà ông Bá Giản. Sau đó một thời gian, nhờ sự giúp đỡ của vị quan Dinh điền, cụ Đoài được trở về làng Hội Kê. Lúc đến ngụ tại làng Phú Cốc, cụ Đoài mới chỉ là một thanh niên nông thôn thuần túy, chưa được học hành gì mấy, nhưng khi trở về làng cũ, Cụ đã là một người thành đạt, có học vấn đàng hoàng, được nhiều người khen ngợi và kính nể. Dân làng đã suy cử Cụ làm lý trưởng và sau đó được thưởng hàm Cửu Phẩm Bá Hộ, và cũng từ đó Cụ có danh xưng là Cụ Bá Đoài. Cụ Đoài vốn tính tình hào phóng, cư xử lịch thiệp. Khi phải tha hương để đi tìm cuộc sống mới, Cụ đã dựng quyết tâm là phải làm một việc gì để ngày trở về làng cũ phải là ngày “y cẩm hồi hương”. Có lẽ Cụ đã có cái tâm trạng của THỪA CUNG[1] hay CHÂU TRÍ[2] ngày trước mà đạt được ý nguyện ngày nay ? …

            Chuyện kể lại rằng, một lần cụ cùng với ông em vợ là cụ THƠ CỪU – người Gia Lạc, thân phụ của các ông Hinh, ông Hịch và ông Cử bây giờ - đi buôn tre ở Hưng Nhân. Hưng Nhân lúc đó vẫn còn thuộc tỉnh Hưng Yên, chưa thuộc về Thái Bình. Hai cụ biết được hôm đó hai viên quan đầu tỉnh là Công sứ Hưng Yên người Pháp và Tuần phủ Hưng Yên sẽ đi thanh tra việc giữ đê, trông coi đê của địa phương. Hai cụ trông thấy trên đê có mấy chỗ rò rỉ, còn gọi là lỗ “công cống”. Thế là hai cụ lội xuống sông, lấy rơm có sẵn ở trên đê, lặn xuống nhét bịt mấy lỗ công cống đó. Thế là quãng đê này không bị rò rỉ nữa, tránh được việc vỡ đê. Hai viên quan này tình cờ thấy cụ Đoài rất vất vả và nhiệt tình làm việc này, nên cho gọi cụ Đoài lên hỏi. Cụ Đoài cứ thực tường khai là cụ có sức khỏe và quen lao động nên chỉ mình cụ làm được việc này, còn cụ kia là em vợ, nhưng vì là thư sinh nên không làm được. Hai viên quan này hứa với cụ Đoài là sẽ trọng thưởng. Rồi một tháng sau, tự nhiên cụ Đoài và làng Hội Kê nhận được một sắc phong của triều đình từ Huế gửi về, phong đích danh cụ Đoài là Cửu Phẩm Bá Hộ làng Hội Kê. Từ đó, cụ càng phấn khởi, nỗ lực làm việc để phục hưng gia đình và cải tạo cuộc sống.

          Cụ Bá Nguyễn Hữu Đoài lập gia đình rất muộn, mãi tới khi ngoài 40 tuổi cụ mới kết duyên với bà Nguyễn thị Đơn, nguyên quán tại Gia Lạc, trưởng nữ của cụ Trùm Thường (thân phụ của ông ĐỘI KIÊN). Gia Lạc trước kia cũng là một xóm của làng Thượng Hộ. Sau này, cụ Quản Hạnh – con cụ Lang Lễ - tổ phụ họ Bùi xin tách ra và lập thành làng, sau đó thành xứ Gia Lạc theo Gia Tô giáo.  Xứ Gia Lạc trước đó chỉ là một họ lẻ, thuộc giáo xứ Duyên Lãng, tức là Xứ Riền, nhà thờ Riền mà sau này dân Gia Lạc và Hội Kê đã tản cư về đây hồi chiến tranh chống Pháp xâm lăng. Thời trước chiến tranh Việt-Pháp ít lâu chưa có địa phận Thái Bình. Mãi sau này, khi giáo dân Thái Bình có đủ số để thành lập một địa phận riêng, thì Thái Bình vẫn còn là vùng thuộc giáo phận Bùi Chu, vì Bùi Chu là trung tâm Công giáo từ ngày đạo Công giáo du nhập Việt Nam. Sau khi Thái Bình được tách ra thành địa phận riêng, tức địa phận Thái Bình, thì giáo xứ cũng thêm ra nhiều. Đã có lúc cụ Quản Hạnh xứ Gia Lạc phải trông coi, quản lý cả mấy giáo xứ một lúc nên mới gọi là cụ Quản là vì thế. Chữ Quản ở đây có nghĩa là quản phủ mà bây giờ gọi là Đốc Phủ xứ như ông Đốc Phủ xứ NGUYỄN HỮU BIỀN của xứ Gia Lạc, không dính dáng gì đến Quản hay Cai, Đội của nhà binh. Có một điều ta cần phân biệt là về phương diện hành chính quốc gia, thì Thượng Hộ là làng lớn nhất và xưa nhất của vùng này, được đứng đầu trong tổng, nên mới có danh từ tổng Thượng Hộ. Nhưng về phương diện tôn giáo thì Thượng Hộ lại chỉ là một họ lẻ của Xứ đạo Gia Lạc mà thôi, cũng như họ Hội Kê, họ Phú Hậu.



[1] THỪA CUNG là tên của một nhân vật trong «Quốc văn giáokhoa thư của Trần Trọng Kim và Nguyễn văn Ngọc” do Nha Học chính Đông Pháp xuất bản, được dùng trong các trường Tiểu học cà nước thời VN còn thuộc Pháp. Đó là truyện NGƯƠI THỪA CUNG ĐI CHĂN LỢN. Thừa Cung là một thanh niên nghèo khổ, phải đi chăn lợn cho một phú ông trong làng, nhưng nhờ có quyết tâm, cho nên đã lợi dụng thời gian nhàn rỗi HỌC KÉ những học trò khác mà cũng trở thành người có học.

 

[2] CHÂU TRÍ : Cũng trong QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ nói trên. Lúc nhỏ, CHÂU TRÍ NHÀ NGHÈO NHƯNG RẤT HAM HỌC. Ông không có nhà, phải ở nhờ chái hè của chùa Long Tuyền. Tối tối, ông thường phải đi quét lá đa hay nhặt lá bàng đem về đốt lửa cho sáng để học, Về sau, ông thành người học giỏi và đậu cao, nên đã có thơ khen ngợi như sau :

                        Một anh trò kiết chùa Long Tuyền

                        Ai ngờ nay lại đỗ Giải Nguyên

                        Ở đời chẳng có việc gì khó

                        Người ta lập chí phải nên kiên.