Khẩn trương khai thác hồ sơ địch để lại và số đối
tượng bị bắt kết hợp với công tác trinh sát nghiệp vụ, các đơn vị chức
năng tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), mà chủ yếu là lực lượng Công an, đã từng
bước làm rõ về kẻ phản bội, tên nội gián nguy hiểm này.
Từ năm 1955, ngay sau khi thiết lập tổ chức mang tên Đoàn công tác
đặc biệt miền Trung (ĐCTĐBMT), Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chủ
trương sử dụng một số cán bộ của ta bị bắt nhằm âm mưu tiếp tục chống
phá Cách mạng. Trong số đầu hàng phản bội có Lê Văn Tu, tức Hoàng
Nguyên, đã khai báo chi tiết về T., cán bộ hoạt động tình báo Liên khu V
trong phong trào hướng đạo tại Thừa Thiên Huế. ĐCTĐBMT đã cho nhận diện
và bố trí giám sát mọi quan hệ, hoạt động của T..
Ngày 2//958, chúng đã bố trí bắt T. tại nhà thuốc Ngọc Diệp trên
đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Trưởng Cơ quan Đặc biệt Huế Lê Văn
Dư cùng hai phụ tá là Lê Khắc Lự và Lê Phước Thưởng (đều là cán bộ Cách
mạng đã đầu hàng, phản bội) liên tục thẩm vấn T.. T. đã khai báo hoạt
động của mình và nhận công tác với địch chống lại Cách mạng.
Sinh ngày 1//914 tại Thừa Thiên Huế, T. xuất thân trong một gia đình
quan lại Nam Triều (cũ), tham gia Cách mạng và được vào Đảng Cộng sản.
Từ tháng 8/1945, hoạt động trong cơ quan tình báo Liên khu V tại Huế. Đã
được Cách mạng cho dự học các lớp chính trị, nghiệp vụ. Nội dung thể
hiện trong các tài liệu lưu trữ cho thấy T. đã khai chi tiết toàn bộ hệ
thống tổ chức của Ủy ban Kháng chiến Liên khu V, số lượng và tình hình
đảng viên trong chi bộ, cấp ủy và các cơ quan khác mà y biết. Đặc biệt
nghiêm trọng là T. đã khai toàn bộ kế hoạch tình báo của Liên khu V giao
cho y thực hiện, gồm nhiệm vụ, ý đồ chiến lược, thời gian tiến hành và
nội dung, phương châm, phương pháp hoạt động trong lòng địch.
T. khai báo tỉ mỉ về các đường dây, cán bộ làm giao liên trong tổ
chức và các cơ sở nội tuyến của ta ở Huế. Trong đó có đồng chí Phan Mạnh
Lương, cán bộ tình báo được phái từ Hà Nội vào hoạt động tại Huế từ năm
1954 và đang làm việc tại Liên vụ Thông tin Hoa Kỳ (USIS). T. còn chỉ
điểm cho địch biết một số cán bộ của ta được phái vào hoạt động tình báo
ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…
Từ tin tức khai báo và qua một số thử thách ban đầu, địch đã kết
luận: T. "thành khẩn và chuyển hướng tốt", đủ khả năng để chúng thực
hiện ý đồ chiến lược "đánh" vào nội bộ "Cộng sản". Theo đó, T. được
ĐCTĐBMT xác lập hồ sơ theo đúng thủ tục một mật báo viên quan trọng.
Tháng 2/1958, T. nhận nhiệm vụ của địch và rời trại giam Tòa khâm
dưới hình thức "phóng thích", trở lại bình phong hành nghề tại hiệu
thuốc Ngọc Diệp và hoạt động trong phong trào hướng đạo của Huế. Mọi
hoạt động của T. đều đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của các tên Dư,
Thưởng, Lự. Do tạo được vỏ bọc hợp pháp và với kinh nghiệm nghề nghiệp
đã được trang bị nên T. nhanh chóng gây được ảnh hưởng và uy tín đối với
cán bộ cấp trên cũng như trong phong trào của quần chúng Cách mạng.
Cảnh giác với âm mưu của địch và do chủ trương sách lược của ta trong
giai đoạn đó nên việc T. tự tìm bắt liên lạc với cán bộ cơ sở của ta
đang hoạt động nội thành không thực hiện được. Vì vậy, một mặt T. phải
trường kỳ mai phục, chờ thời cơ, đồng thời thực hiện chỉ đạo của địch đi
sâu vào tổ chức hướng đạo Huế nắm tình hình các phong trào đấu tranh
của học sinh, sinh viên, nắm xu hướng và tư tưởng của một số trí thức có
tên tuổi. T. coi đây là một thử thách nên đã hăng hái hoạt động và đã
cung cấp cho địch nhiều tin tức quan trọng để chúng sử dụng đàn áp phong
trào Cách mạng, lùng bắt cán bộ, gây nhiều tổn thất cho ta. Mặt khác
chúng còn chú ý tạo điều kiện để T. được tiếp xúc với nhiều sĩ quan Mỹ,
ngụy để học tập và củng cố tư tưởng chống phá Cách mạng.
Cuối năm 1965, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh và sự mất cảnh giác của
ta, T. đã móc nối được với đường dây liên lạc của tổ chức Đảng tại
thành nội Huế và trở thành cán bộ của đường dây này. Ngay lập tức, T.
thông báo cho Lê Văn Trốn (mới được địch bố trí trực tiếp điều khiển T.)
và báo công luôn bằng một số tin tức ban đầu về tình hình đường dây này
mà y nắm được. Cũng từ đó, một số chủ trương và chỉ đạo kế hoạch đấu
tranh của phong trào Cách mạng đã gặp nhiều khó khăn, có lúc bị tổn thất
nặng.
|
Các chiến sĩ An ninh đang thu thập tài liệu của địch tại chi khu quân sự Gio Linh - Quảng trị, năm 1972. Ảnh: Tư liệu.
|
Tháng 6/1967, Cố vấn Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Hayes
từ Sài Gòn ra Thừa Thiên Huế chỉ đạo Ty Cảnh sát Quốc gia nhanh chóng
thành lập toán tình báo đặc biệt, lấy bí số là T115, do Trốn làm trưởng
toán và T. trở thành một trong 10 đầu mối tình báo viên của toán này. T.
được giao nhiệm vụ xâm nhập nội bộ các tổ chức Cách mạng dưới sự điều
khiển trực tiếp của cố vấn Mỹ và Trốn, có quy ước liên lạc riêng. Kể từ
đây, T. vừa làm việc cho CIA (thông qua T115), vừa làm việc cho cơ quan
Cảnh sát Đặc biệt ngụy.
Tuy vậy, ĐCTĐBMT vẫn nuôi ý đồ tình báo chiến lược là đưa T. chui vào
đơn vị hoạt động bí mật của ta. Năm 1968, T. được đưa ra khu căn cứ
Cách mạng để tham gia thành viên của liên minh các lực lượng dân tộc,
dân chủ Huế. Kẻ địch xác định đây là cơ hội để T. trở thành con bài dự
trữ nằm trong các ý đồ hậu chiến của chúng sau này. Tháng 9/1968, khi đã
được ra Bắc an dưỡng và học tập, T. vẫn tìm mọi cách để ngấm ngầm tạo
dựng vỏ bọc kín đáo hơn chờ cơ hội leo cao, chui sâu.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, T. trở lại Huế và được giao
chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân Cách mạng kiêm Trưởng phòng Thể dục Thể
thao Thừa Thiên. Ở cương vị công tác mới, T. càng có điều kiện "đánh
bóng" mình, tạo uy tín để củng cố địa vị.
Khi chính thức trở thành đại biểu Quốc hội thống nhất (Khóa VI) và
được giao chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng ty và Phó bí thư
Chi bộ Ty Thể dục Thể thao (thời đó đảng viên còn ít, nhiều cơ quan cấp
sở, ty chưa đủ yếu tố thành lập Đảng bộ), T. đã lợi dụng quyền hành để
thực hiện một số hoạt động che giấu tội ác quá khứ của bản thân và âm
mưu lôi kéo tụ tập tay chân bằng cách chứng nhận lý lịch "có hoạt động
Cách mạng" cho một số phần tử địch trước đây để đưa chúng vào làm việc
trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể Cách mạng…
Sau khi dựng lại quá trình phản bội của T. thông qua các nguồn tài
liệu và thẩm tra các đầu mối T. đang củng cố, Cơ quan an ninh đã tập hợp
báo cáo kịp thời lên Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày
31/8/1978, Công an Bình Trị Thiên (cũ) thực hiện chỉ đạo của Bộ đã thi
hành Quyết định số 312/NQ/QH6 ngày 25/8/1978 của Quốc hội, bắt khẩn cấp
Nguyễn Thúc T. và công khai mở cuộc điều tra.
Trước những chứng cứ, tài liệu xác đáng, T. đã phải khai báo toàn bộ
quá trình làm tay sai cho địch. Ngày 27/4/1980, tại Huế, Tòa án nhân dân
mở phiên tòa công khai xét xử Nguyễn Thúc T. can tội làm gián điệp cho
Mỹ - ngụy, và phạm tội gián điệp (Điều 5 pháp lệnh trừng trị các tội
phản Cách mạng). Trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân,
Tòa tuyên phạt T. mức án 18 năm tù giam. Đồng bọn của y cũng lần lượt bị
bắt và bị xử phạt thích đáng.
Khám phá, triệt tiêu đầu mối nội gián Nguyễn Thúc T. đã góp phần vô
hiệu hóa một mũi trong kế hoạch tình báo chiến lược sau chiến tranh của
địch. Đó là một chiến công lớn của quân và dân Bình Trị Thiên mà Lực
lượng Công an là nòng cốt. Sự kiện trên cũng là bài học xương máu về
tinh thần cảnh giác cách mạng trong mọi tình huống - thời chiến tranh
cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi
hậu quả khôn lường.
* Theo lời kể của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy - tự Bảy Khiêm