Về việc ông Huỳnh Công
Tín trong quyển từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, 2007:894) giảng rằng nhà báo là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám
vào gia đình, có hai ý kiến trái ngược nhau trong số những người cùng phản đối
ông. Một bên (Phan Thế Hoài, Lê Khắc Cường) cho rằng đó là nghĩa bóng của từ nhà báo. Bên kia (Nguyễn Văn Hiệp) cho rằng báo đó là báo trong báo đời, báo cô, báo hại, đồng âm với báo của báo chí. Hai bên cùng đúng hay hai bên cùng sai? Hay là nhà
báo diễn đạt sai lời các ông Phan Thế Hoài và Lê Khắc Cường?
Tiện đây ca đô luôn cho hai
ông Phan Thế Hoài và Lê Khắc Cường hai bài tập nhỏ (nhưng hơi bị khó) về đồng âm
và đa nghĩa
1) Có mấy từ ba tê trong
các câu sau?
* Còn tên Lợi bị ông cò
cho ăn vài ba cái ba-tê nguội. Trung Lập Báo số 94 (1924:4)
* Ai dè đâu, chưa xức mà
lại bị chũ tiệm thộp chóp và cho ăn vài ba cái ba tê nóng chơi. Trung Lập Báo
số 113 (1924:4)
* Người vợ bị ăn ba-tê,
la lên om-sòm, lính phú-lích chạy lại chổ, mời hai người về bót phạt. Trung Lập
Báo số 146 (1924:4)
* Bánh Ca-la-men
Săn-đuých, Ba-tê, Bánh-Beo, Chả dò Saigon, Bánh tôm, Kem Socola, Vani và đủ thứ
giải khát Trung Bắc Chủ Nhật số 254 (1945:27)
* Tối hôm qua, nàng chỉ
chuẩn bị món giáo đầu là món ba-tê gan ngổng được cất trong tủ lạnh mà
thôi. Thế Kỷ 21 số 10 (1990:58, Hồ
Trường An)
* Ảnh dọn bánh đủ thứ mà
đãi con ba-tê, săng-uých, bánh ngọt, nước cam, xá xị, ảnh ép ăn uống với ánh
muốt nứt bụng. Hồ Biểu Chánh (2005c:102)
* Thấy mình đội than,
ông ấy hay dúi cho từng gói ba tê bánh tây, từng bọc khăn và giày dép. Nguyên
Hồng (2005tk:167)
* Trong khi người lớn
chóng mặt, buồn nôn, cảm thấy không muốn ăn, thì Cu khỏe hẳn lên và chén tì tì
các khẩu phần khô, ba tê, xúc xích, cái hộp bơ bằng nhựa bé tí xinh xắn, miếng
pho mát cũng vậy, tất cả đều giống đồ chơi. Đặng Thị Hạnh (2008:352)
2) Bà trong bà đầm có nghĩa là gì trong các ví dụ sau?
* Làng-Báo Annam được ăn nói tự do,
Bà-đầm Kiểm-Duyệt bị thải về « lơ-tết
». Phong Hóa Tuần Báo số 133 (1935:4, Tú Mỡ)
* Lê văn Thanh ghi số quan khách phải mời dự tiệc, trên một tờ giấy như sau
đây:
- Quan Công Sứ và bà Đầm,
- Quan Phó Sứ và bà Đầm,
- Quan Thầy Thuốc,
- Quan Tuần Vũ
- Quan Án Sát
- Quan Đốc Học,
- Bốn thầy Trợ-giáo (thầy học
cũ của chàng)
- Phán Bích, đầu tòa. Nguyễn Vỹ
(1970a:59-60)
Một số câu hỏi có tính cách lý thuyết để mọi người cùng suy nghĩ:
1) Trong trường hợp nào từ ngữ có cùng một hình thức và cùng một nguồn gốc được xử lý như đồng âm?
2) Trong trường hợp nào từ ngữ có cùng một hình thức nhưng không cùng một nguồn gốc được xử lý như một từ ngữ đa nghĩa?