Cập nhật lúc 22h21, ngày 25/01/2010
TÌNH HÌNH CẤU TRÚC CHỮ NÔM QUA KHÓA HƯ LỤC GIẢI NGHĨA VÀ KHÓA HƯ LỤC GIẢI ÂM
ThS. TRẦN TRỌNG DƯƠNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Tình hình phân loại cấu trúc chữ Nôm
Các nhà nghiên cứu từ trước đến nay khi nghiên cứu về cấu trúc chữ Nôm đều luôn cố gắng đưa ra một mô hình phân loại cho đối tượng nghiên cứu khá phức tạp này. Đến nay, chúng ta có thể thấy năm cách phân loại sau: 1. Phân loại cấu trúc chữ Nôm theo lục thư: Ngô Thì Nhậm, Vương Lực, Nguyễn Quang Xỹ, Vũ Văn Kính, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn. 2. Phân loại cấu trúc chữ Nôm theo nguồn gốc tiếng Việt trong mối tương quan với âm Hán Việt: Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đình Hòa, Bửu Cầm. 3. Phân loại cấu trúc chữ Nôm theo sự đối lập hình thể của những chữ vay mượn và những chữ sáng tạo: Nguyễn Tài Cẩn và N.V. Xtankêvich, Lê Văn Quán, Lê Anh Tuấn. 4. Phân loại cấu trúc chữ Nôm theo hướng âm đọc: Nguyễn Ngọc San chia chữ Nôm làm hai loại: dựa âm và không dựa âm; Hoàng Thị Ngọ chia chữ Nôm làm hai loại: loại ghi một tiếng bằng hai mã chữ và loại ghi một tiếng bằng một mã chữ. 5. Phân loại chữ Nôm theo hướng tổng hợp: Nguyễn Khuê - Nguyễn Nam, Trần Xuân Ngọc Lan.
Có thể thấy, hai cách phân loại đầu là nhìn cấu trúc chữ Nôm trong tương quan với cách cấu tạo của chữ Hán. Cách phân loại thứ hai đã chú ý đến vị trí của âm Hán Việt khi tham gia vào cấu trúc của chữ Nôm. Cách phân loại thứ ba của Nguyễn Tài Cẩn có cái nhìn rạch ròi hơn về tự dạng, xét về tự dạng để phân định mã chữ nào là của chữ Hán, mã chữ nào là sáng tạo của riêng Việt Nam. Cách phân loại thứ tư có ưu thế riêng, phản ánh được các nguyên tắc, cơ chế hình thành chữ Nôm, được đánh giá là hữu lý và mới, bởi lẽ âm là thành tố chủ yếu trong phương thức cấu tạo chữ Nôm, gồm 14 kiểu chữ Nôm. Cách phân loại thứ năm là cách phân loại có cố gắng đưa ra một mô hình rộng nhất cho mọi trường hợp của chữ Nôm theo lịch đại. Các tiêu chí hình, âm, nghĩa - dụng học được tiến hành hết sức chặt chẽ. Mô hình của Nguyễn Khuê với 24 tiểu loại chữ Nôm là mô hình hợp lý hơn cả với thực tế sáng tạo cấu trúc chữ Nôm trong suốt lịch sử tồn tại của loại chữ này. Tuy nhiên, đơn vị trong một số tiểu loại xuất hiện rất ít và khó có thể áp không nhiều, nếu không muốn nói là dụng xuất hiện rất ít và khó có thể áp dụng đối với việc phân loại chữ Nôm trong một văn bản cụ thể.
2. Cơ sở phân loại cấu trúc chữ Nôm
Đối tượng của bài viết là tình hình cấu trúc chữ Nôm qua hai bản Khóa hư lục giải nghĩa AB.268 của Tuệ Tĩnh và Khóa hư lục giải âm AB.367 của Phúc Điền Hòa thượng. Bài viết này nhằm mục đích xác lập sự khác biệt về cấu trúc chữ Nôm trong cái nhìn lịch sử qua hai bản trên.
2.1. Mô hình phân loại
Mô hình phân loại chúng tôi thấy hợp lý với đối tượng khảo sát hơn cả là mô hình phân loại theo âm đọc. Nếu sử dụng mô hình phân loại chữ Nôm theo tiêu chí hình thức thì không đủ để lý giải mọi trường hợp một cách thoả đáng, ví dụ như: chữ 驢LƯ đọc âm Nôm là LỪA (nghĩa là con lừa), nhưng trong văn cảnh đó nghĩa là “lừa đảo”. Mô hình tổng hợp của Nguyễn Khuê thì quá lớn, nhiều tiểu loại chắc chắn sẽ không có đơn vị thống kê. Chúng tôi chọn mô hình phân loại chữ Nôm theo âm đọc là cách lựa chọn hợp lý hơn cả với đối tượng khảo sát tương ứng.
Chữ Nôm là loại văn tự ghi âm. Âm dựa (mượn) bao gồm ba loại: âm Hán Việt, âm Phi Hán Việt (âm Tiền Hán Việt và âm Hậu Hán Việt) và âm Nôm. Theo phương thức ghi âm, chúng tôi thực hiện bước lưỡng phân thứ nhất, chia chữ Nôm làm 2 loại: I. Chữ Nôm cấu tạo theo phương thức dựa âm và II. Chữ Nôm cấu tạo theo phương thức không dựa âm. Loại chữ Nôm không dựa âm chỉ có 2 tiểu loại: Tiểu loại H là tiểu loại ghép nghĩa (hội ý), hình chữ cấu tạo trên cơ sở chất liệu văn tự Hán; Tiểu loại N là tiểu loại đọc theo nghĩa của từ Hán, mượn nguyên văn tự Hán. Theo cách dựa âm (dựa âm hoàn toàn và dựa âm không hoàn toàn), chúng tôi thực hiện bước lưỡng phân thứ hai, chia làm 2 loại: 1. Loại chữ Nôm không chỉnh âm và 2. Loại chữ Nôm chỉnh âm.
Đặc điểm của loại chữ Nôm không chỉnh âm là mượn hoàn toàn cả văn tự Hán. Theo tiêu chí âm dựa, chúng tôi tiến hành bước lưỡng phân thứ 3, chia loại này làm 2: 1. Loại chữ Nôm đọc theo âm Hán Việt và 2. Loại chữ Nôm đọc theo âm phi Hán Việt (tức loại A2, theo cách quy ước truyền thống, chúng tôi để nguyên kí hiệu quy ước này cho tiện theo dõi, so sánh với các kết quả thống kê trước đây), lấy nghĩa và mượn văn tự Hán. Theo tiêu chí nghĩa của chữ Hán, chúng tôi tiến hành bước lưỡng phân thứ 4, chia làm 2 loại: 1. Loại chữ Nôm lấy nghĩa (Loại A1) và 2. Loại chữ Nôm bỏ nghĩa (Loại B). Đặc điểm chung của loại chữ Nôm chỉnh âm là dùng âm dựa để ghi một âm Nôm có vỏ ngữ âm gần giống. Theo phương thức định hướng âm dựa, chúng tôi tiến hành bước lưỡng phân tiếp theo, chia chữ Nôm làm 2 loại: 1. Loại chữ Nôm không có định hướng và 2. Loại chữ Nôm có kí hiệu định hướng.
Loại chữ Nôm không có định hướng có đặc điểm chung là không dùng kí hiệu để báo đọc chệch âm. Theo âm dựa, chúng tôi thực hiện bước lưỡng phân thứ 4, chia chữ Nôm làm 2 loại: 1. Loại chữ Nôm không định hướng cho âm dựa-Hán Việt (Loại C1) 2. Loại chữ Nôm không định hướng cho âm dựa - Nôm (Loại C2). Loại chữ Nôm có định hướng có đặc điểm chung là: ngoài thành phần ghi âm còn có thành phần để báo hiệu về nghĩa và âm đọc. Theo tiêu chí này, chúng tôi tiến hành bước lưỡng phân thứ 4, chia loại chữ Nôm có định hướng làm 2 loại: 1. Loại chữ Nôm có định hướng về âm đọc và 2. Loại chữ Nôm có định hướng về nghĩa/ âm. Loại chữ Nôm có định hướng về âm đọc tiếp tục được lưỡng phân thành 2 loại: 1. Loại chữ Nôm dùng kí hiệu (bộ khẩu, cá nháy, hai phẩy biên) để báo hiệu đọc chệch âm (Loại D) và 2. Loại chữ Nôm có kí hiệu ghi tổ hợp phụ âm đầu. Loại chữ Nôm có kí hiệu ghi tổ hợp phụ âm đầu được tiến hành lưỡng phân: 1. Loại chữ Nôm dùng 2 mã chữ tương đương với 2 khối vuông tách rời để ghi tổ hợp phụ âm đầu (Loại E1) và 2. Loại chữ Nôm có 2 mã chữ nén trong một khối vuông dùng để ghi tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt cổ (Loại E2). Chúng tôi tiếp tục tiến hành bước lưỡng phân tiếp theo, chia loại chữ Nôm có định hướng về nghĩa làm hai: 1. Loại chữ Nôm có định hướng về trường nghĩa bằng bộ thủ và 2. Loại chữ Nôm có định hướng xác chỉ nghĩa bằng một chữ Hán (Loại G). Chúng tôi tiến hành lưỡng phân tiếp theo, chia loại chữ Nôm có định hướng về trường nghĩa bằng bộ thủ làm hai: 1. Loại chữ Nôm định hướng về âm Hán Việt (Loại F1) và 2. Loại chữ Nôm định hướng âm Nôm (Loại F2). Trên thực tế, loại A1 có thể tiến hành lưỡng phân một bậc nữa theo tiêu chí văn tự: 1. Loại chữ dùng văn tự chính xác (A1.1) và 2. Loại chữ dùng văn tự không chính xác (Loại A1.2). Loại A1.2 là loại dùng văn tự của một từ Hán đồng âm để ghi một từ Hán đồng âm khác nghĩa. Loại chữ này GS. Nguyễn Tài Cẩn đã từng nhắc đến. Nguyễn Tuấn Cường cũng đã khảo sát một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, bài viết tạm thời chưa đưa tiểu loại này vào mô hình phân loại vì tư liệu hiện còn chưa thật đủ.
Mô hình phân loại chữ Nôm
DỰA ÂM | KHÔNG DỰA ÂM | ||||||||||||||||
Không chỉnh âm | Chỉnh âm | ||||||||||||||||
Không định hướng | Có định hướng bằng kí hiệu gia cố | ||||||||||||||||
Kí hiệu phụ | Kí hiệu chỉnh âm đầu | Bộ thủ | Chữ Hán | ||||||||||||||
Âm Hán Việt | Âm phi Hán Việt | Âm Hán Việt | Âm Nôm | Âm Hán Việt | Âm Hán Việt | Âm Hán Việt | Âm Hán Việt | Âm Nôm | Âm Hán Việt | ||||||||
Lấy nghĩa | Bỏ nghĩa | Lấy nghĩa | Bỏ nghĩa | Lấy trường nghĩa | Lấynghĩa | Ghép nghĩa | Lấy nghĩa | ||||||||||
才 | 没 | 務 | 別 | 窒 | 嗎 | 婆割 | 疩 | 覥 | 口乊 | 佂 | 俼 | 爪 | |||||
Tài | Một | Mùa | Biết | Dứt | Mựa | Bà cắt | Blăng | Ve | Hít | Chín | Trời | Vuốt | |||||
Mượn hình chữ | Tự tạo hình chữ | Mượn | |||||||||||||||
A1 | B | A2 | C1 | C2 | D | E1 | E2 | F1 | F2 | G | H | N | |||||
2.2. Đơn vị và tiêu chí xác định đơn vị thống kê
Một đơn vị thống kê bao giờ cũng được xác định bằng nhiều tiêu chí khác nhau. Trong bài viết, đơn vị thống kê được xác định lần lượt theo từng tiêu chí như sau: 1. Tiêu chí hình thức: Mỗi một đơn vị thống kê là một khối vuông Nôm (Trừ những trường hợp đặc biệt như bà cắt, la đá; bởi xét về cấu trúc âm tiết chúng thuộc loại C(v)(c)CV(C), chúng tôi coi các từ la, bà là các từ dùng để ghi tiền âm tiết, được coi là các âm tiết mờ; đá, ngựa là các âm tiết tỏ). 2. Tiêu chí âm đọc: Các chữ có âm đọc khác nhau thì sẽ có vị trí tương đương nhau: cùng là một đơn vị thống kê. 3. Tiêu chí cấu trúc: các chữ có cấu trúc phân loại khác nhau sẽ là các đơn vị độc lập với nhau. 4. Tiêu chí tự dạng (hình chữ): Các chữ Nôm cùng cấu trúc, cùng âm đọc, nhưng nếu có hình thức, tự dạng khác nhau sẽ được tách thành các đơn vị tương đương nhau.
3. Kếtquả phân loại cấu trúc chữ Nôm theo tiêu chí âm đọc
3.1. Bảng kết quả phân loại chữ Nôm
Loại chữ | Bản | Đơn vị | Phần trăm | Số lượt | Phần trăm |
A1 | Tuệ Tĩnh | 608 | 28,07% | 2.896 | 23,65% |
Phúc Điền | 524 | 33,06% | 2.929 | 31,17% | |
A2 | Tuệ Tĩnh | 148 | 6,83% | 975 | 7,96% |
Phúc Điền | 110 | 6,94% | 623 | 6,63% | |
B | Tuệ Tĩnh | 160 | 7,37% | 1.130 | 9,23% |
Phúc Điền | 122 | 7,69% | 814 | 8,66% | |
C | Tuệ Tĩnh | 665 | 30,70% | 4.281 | 34,96% |
Phúc Điền | 123 | 7,76% | 1.038 | 11,05% | |
D | Tuệ Tĩnh | 134 | 6,19% | 364 | 2,97% |
Phúc Điền | 79 | 4,98% | 305 | 3,25% | |
E | Tuệ Tĩnh | 11 | 0,51% | 29 | 0,24% |
Phúc Điền | 3 | 0,89% | 10 | 0,11% | |
F | Tuệ Tĩnh | 330 | 15,24% | 1.310 | 10,70% |
Phúc Điền | 376 | 23,72% | 1.434 | 15,26% | |
G | Tuệ Tĩnh | 99 | 4,57% | 1.148 | 9,38% |
Phúc Điền | 98 | 6,12% | 1.082 | 11,52% | |
H | Tuệ Tĩnh | 2 | 0,09% | 55 | 0,44% |
Phúc Điền | 2 | 0,13% | 55 | 0,58% | |
I | TuệTĩnh | 1 | 0,04% | 17 | 0,14% |
Phúc Điền | 4 | 0,25% | 41 | 0,44% | |
N | Tuệ Tĩnh | 8 | 0,35% | 22 | 0,17% |
Phúc Điền | 2 | 0,13% | 3 | 0,03% | |
Tổng | Tuệ Tĩnh | 2.166 | 100% | 12.244 | 100% |
Phúc Điền | 1.585 | 100% | 9.396 | 100% |
3.2. Nhận xét chung về chữ Nôm qua hai bản Khóa hư lục giải nghĩa và Khóa hư lục giải âm
Loại A1: Đây là loại chữ mượn hình thể (văn tự), âm đọc và nghĩa. Việc nghiên cứu tỉ lệ loại chữ này trong các văn bản Nôm là một việc có ý nghĩa. Bởi qua đó, ta sẽ có một hình dung về sự hoạt động của từ Hán Việt ở tiếng Việt trong suốt lịch sử, qua đó ta cũng có thể nhận thức rõ ràng hơn về cơ chế gia nhập của loại từ này vào vốn từ vựng tiếng Việt trong môi trường song ngữ. Số liệu thống kê cho thấy: bản AB.268 có 608 đơn vị loại A1, bản AB.367 có 524 đơn vị, Tuệ Tĩnh dùng nhiều đơn vị từ Hán Việt hơn Phúc Điền; nhưng số lần sử dụng các từ Hán Việt của Phúc Điền lại cao hơn Tuệ Tĩnh (2929 đơn vị so với 2896 đơn vị). So với độ dài văn bản, loại A1 của bản AB.268 thấp hơn nhiều so với bản AB.367. Loại A1 trong bản giải nghĩa chỉ chiếm 23, 65% độ dài văn bản, trong khi loại A1 trong bản giải âm chiếm đến 31,17%. Số liệu này góp phần làm sáng tỏ về sự khác biệt giữa phong cách giải âm và phong cách giải nghĩa.
Loại A2: Đây là loại mượn văn tự, mượn nghĩa, và mượn âm đọc (gồm âm đọc Tiền Hán Việt và âm đọc Hậu Hán Việt, gọi tắt là âm Phi Hán Việt). Số liệu thống kê cho thấy: Tuệ Tĩnh dùng 148 âm Phi Hán Việt với số lần sử dụng là 975, Phúc Điền dùng 110 âm Phi Hán Việt với số lần sử dụng là 623; so với độ dài toàn văn bản, loại A2 trong bản giải nghĩa chiếm 7,96%, loại A2 trong bản giải âm chiếm 6,63%.
Loại B: Đây là loại mượn văn tự, mượn âm Hán Việt, bỏ nghĩa (còn gọi là loại chữ giả tá, theo phép phân chia lục thư). Số liệu thống kê cho thấy: bản AB.268 có 160 đơn vị loại B với tần số 1130, bản AB.367 có 122 đơn vị với tần số 814 lần. So với độ dài văn bản, loại B trong bản giải nghĩa chiếm 9,23%, loại B trong bản giải âm chiếm 8,66%.
Loại C: Đây là loại mượn văn tự, mượn âm Hán Việt đọc chệch, bỏ nghĩa. Số liệu thống kê cho thấy: bản AB.268 có 665 đơn vị với tần số 4.284 lần, bản AB.367 có 123 đơn vị với tần số 1.038 lượt; so với độ dài văn bản, loại C trong bản giải nghĩa chiếm 34,96%, loại C trong bản giải âm chiếm 11,05%.
Loại D: Đây là loại chữ Nôm có kí hiệu đọc chệch, trong bản Khóa hư lục giải nghĩa thường có các kí hiệu đọc chệch sau: bộ khẩu 口, cự 巨, hai phẩy biên ‘ ’. Khóa hư lục giải âm chỉ có kí hiệu đọc chệch là khẩu. Xét về tiêu chí hình thức, loại này thuộc về loại tự tạo (cũng có khi có sự trùng hình giữa loại này với văn tự Hán). Nhưng xét về chức năng của kí hiệu (chức năng chỉnh âm), thì loại D chỉ là một hình thức khác của loại C, hai loại này giống nhau ở chỗ: cùng mượn văn tự, cùng bỏ nghĩa và mượn âm Hán Việt để đọc chệch, chỉ khác nhau ở điểm: loại D có kí hiệu báo đọc chệch, còn loại C lại không có. Số liệu thống kê cho thấy: bản AB.268 có 134 đơn vị với tần số 364 lần, bản AB.367 có 79 đơn vị với tần số 305 lần; so với độ dài văn bản, loại D trong bản giải nghĩa chiếm 2,97%, loại D trong bản giải âm chiếm 3,25%.
Loại E:Đây là loại chữ có kí hiệu chỉnh âm đầu và chữ Hán làm thành tố phụ. Ở đây thành tố phụ ghi âm cụ thể hoặc ghi nghĩa cụ thể làm cho hướng chỉnh âm thu hẹp lại. Loại này chia làm hai tiểu loại: tiểu loại E1: dùng hai mã chữ, tiểu loại E2: dùng một mã chữ. Tiểu loại E1: Trong bản Khóa hư lục giải nghĩa có hai đơn vị thuộc loại E1. Đó là: la đá (xuất hiện 2 lần), bà cắt (xuất hiện 1 lần). Bỏ lưới cùng là vây vóc đánh rấp rong bà cắt mà giục cẩu. 64b2. [設網張羅哾鷹走狗]; Phải bàn la đá giập xuống thì một hồi phân ra làm hai đoạn. 22b5 [遭剉磕則一刀兩段Bị bàn đá sập xuống thì thân liền đứt ra làm hai], Hoặc là nâng chưng dưới hòn la đá cùng nơi chốn dưới núi Ốc Tiêu, hoặc ở trong núi Thiết Vi chỉn là nơi chốn ngục A Tỳ. 22b4 [或接沃焦石下, 或在鐵圍山間 ]. Đây là tiểu loại rất quan trọng để xác định niên đại cho dịch phẩm. Vì theo các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt thì từ thế kỉ XVII về trước, trong tiếng Việt còn tồn tại một số tổ hợp phụ âm đầu và các thành tố tiền âm tiết như: PL, BL, KL, KHL, KR, GR… và nếu ngược lên sớm hơn nữa có thể có các tổ hợp phụ âm hoặc các thành tố âm tiết khác nữa. Điều này được phản ảnh trong cách ghi âm tiếng Việt của Trần Cương Trung (Sứ giao châu tập - TK XIII), trong cách ghi chữ quốc ngữ cuốn Từ điển Việt Bồ La của de Rhodes (1651)và trong cách ghi chữ Nôm của những văn bản cổ như: Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Quốc âm thi tập, Chỉ Nam ngọc âm… Cụ thể như sau:
Trong Sứ giao châu tập của Trần Cương Trung (được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục có hiện tượng một chữ Hán được dịch sang một từ Việt, từ này được ghi bằng hai tự, ví dụ: 月nguyệt: 勃夌 (bột lăng): blăng > trăng; 天 Thiên: 勃耒 (bột lỗi): blời > trời. Trong An Nam dịch ngữ, theo bản Vương Lộc chú giải, giới thiệu cũng có những trường hợp tương tự: 牛 Ngưu: 革蔞 (cách lâu): klâu > trâu; 太陽 Thái dương: 托爛 (thác lan): tlán > trán. Trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, hiện tượng này xuất hiện rất nhiều. Ví dụ: 婆論Bà luận: Blọn > trọn; 波涅 Ba niết: ( - ) nát > nát. Trong Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, số lượng này đã giảm, chỉ còn một số hiện tượng như: bà ngựa, la ngàn, la đá, bà cắt (bồ cắt)… Trong Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, tiểu loại E1 không thấy xuất hiện. Lúc này từ ĐÁ đã là từ đơn tiết, tức là đã hoàn tất quá trình đơn tiết hóa.
Như vậy, bước đầu có thể khẳng định rằng: (với cứ liệu trong tiểu loại E1) bản giải nghĩa Khóa hư lục giải nghĩa của Tuệ Tĩnh viết vào khoảng thời gian trước Truyền kì mạn lục giải âm. Đến chữ Nôm thế kỉ XIX, loại E1 đã hoàn toàn biến mất, thể hiện qua số liệu thống kê trong Khóa hư lục giải âm của Phúc Điền hoà thượng. Qua số liệu của Nguyễn Tuấn Cường [11] trong Kim Vân Kiều tân truyện Liễu Văn đường 1871, loại E1 cũng đã biến mất. Cụ thể như bảng dưới đây.
VĂN BẢN(1) | NĂM | ĐƠN VỊ | TẦN SỐ | ĐỘ DÀI VB |
Phật thuyết | XV< (?) | 75 | 103 | 4.942 |
Chỉ Nam ngọc âm | XV | 11 | 16 | ? |
Quốc âm thi tập | XV | 3 | 6 | 12.500 |
Hồng Đức quốc âm | XV | 2 | 4 | 21.400 |
Khóa hư lục giải nghĩa | ? | 2 | 3 | 12.244 |
Truyền kì mạn lục | XVII | 0 | 0 | 40.000 |
Kim Vân Kiều tân truyện | 1794 | 0 | 0 | 22.778 |
Khóa hư lục giải âm | 1861 | 0 | 0 | 9.396 |
Tiểu loại E2: Đây là loại dùng phép ghi âm + âm: tức là dùng hai yếu tố tự dạng của chữ Hán ghép trong một khối vuông Nôm để ghi lại tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ. Trong bản Khóa hư lục giải nghĩa cụ thể có các mã chữ như sau: 古Cổ + 弄lộng: 弄古 klống > trống trong các câu: tám xin klống pháp trỗi chỉn nghiêng tai.43b6, lậu canh sơ đà điểm sang klống ba.67b3, tiếng klống pháp cổ đánh ngã trong thế gian chiêm bao.75b4; 車Cư + 略lược: 訳Klước > trước trong các câu suốt cả ba tài mà đứng ở trong, làm klước muôn vật chưng chỉn rất thiêng.7a4, Miếng ăn nghẹn thời ở klước, tiếng ái cha thời ở sau.8b5…; 巨Cự + 郎lang: 禥Krang > sang trong các câu chẳng luận kẻ khó cùng người krang cùng vào một đường thác mất.15b2; 古Cổ + 卥la: 卥古Kra > sa trong câu hai lỗ mũi nước ngưng chảy kra, hun thửa kinh giáo, xông lên tượng Phật.49a1; 車Cư + 卢lô: 暦kro > so trong câu chẳng luận kro đấng trí cùng với đấng ngu thảy thảy đều cùng vào chưng trong lòng cưu mang.7a5. Tổng cộng có 5 đơn vị với 12 lần xuất hiện. Trong Khóa hư lục giải âm cũng có tiểu loại E2: trống ở các vị trí 24b6, 30b9, 38a7, 43b7; sang ở các vị trí 12b3, 14b1, 22b5, 32a7. Tổng cộng: 2 đơn vị, 8 lần.
Bảng chữ E2 trong các bản Nôm
VĂN BẢN | NĂM | ĐƠN VỊ | TẦN SỐ | ĐỘ DÀI VB |
Phật thuyết | XV | 185 | 559 | 4.942 |
Khóa hư lục giải nghĩa | XIV | 7 | 17 | 12.224 |
Kim Vân Kiều bản 1871 | 1871 | 2 | 5 | 22.778 |
Khóa hư lục giải âm | 1861 | 2 | 8 | 9.396 |
Như vậy, theo số lượng và tần số xuất hiện của các đơn vị trong tiểu loại E2, ta có thể đi đến nhận định sau: 1. Từ thế kỉ XV trở về trước là giai đoạn các loại chữ E2 dùng để ghi các tiền âm tiết và tổ hợp phụ âm đầu như:BL, KR, TL xuất hiện rất nhiều với tần số cao, chiếm 11,31 % độ dài văn bản (qua số liệu của Phật thuyết).2. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII là giai đoạn các loại chữ E2 giảm đáng kể về mặt số lượng và tần số, 7 đơn vị xuất hiện với tần số 17 lần, chiếm 0,15%. 3. Từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX: giai đoạn các loại chữ E2 có thể coi như đã hoàn toàn biến mất. Giai đoạn này chỉ còn hai ba chữ như trống, trước và sang còn sót lại, đây là lưu tích của chữ Nôm của các giai đoạn trước, nó không còn chức năng ghi âm. Tỉ lệ xuất hiện là 0,04% (qua tổng trung bình số liệu bản Kiều 1871 và Khóa hư lục giải âm).
Khi các tiền tố trong những phụ âm đầu kép đã biến mất thì sự tồn tại trong chữ Nôm của các thành tố vốn được dùng để biểu thị tiền tố như cư, cự, ma, cá…trở nên vô nghĩa. Theo quy luật, yếu tố dư thừa, không có chức năng sẽ bị loại bỏ. Các thành tố ghi âm này, sang thế kỉ XVIII - XIX đã gần như không còn nữa. Phương thức cấu trúc lại thường xảy ra theo ba hướng sau: 1. Những yếu tố ghi âm tiết chính trước đây được giữ lại (trong khi các chữ ghi tiền âm tiết đã rụng mất) có khi để nguyên và nhập vào hệ thống chữ Nôm đọc chệch âm Hán Việt; 2. Có khi nó được gia thêm một thành tố nghĩa phù (bộ thủ) để chỉnh trường nghĩa, lúc này nó lại gia nhập vào hệ thống chữ Nôm thuộc loại hình thanh- loại F; 3. Có khi nó lại gia thêm thành tố ghi nghĩa xác chỉ, lúc này nó lạigia nhập vào loại chữ Nôm G.
Qua sự vận động của loại chữ này, ta thấy: 1. Chữ Nôm đã phản ánh tình hình đơn tiết hóa trong tiếng Việt từ thế kỉ XV - XVII. Loại chữ Nôm E2 mới đầu xuất hiện khá nhiều, rồi giảm dần cùng với quá trình mài mòn và biến mất của một số tổ hợp phụ âm đầu như KL, TL, KR, KHL…. 2. Xu hướng chính xác hoá trong các cách ghi âm của chữ Nôm cho phù hợp với ngữ âm của từng giai đoạn. Mỗi khi vỏ âm thanh thay đổi, phương tiện dùng để kí âm (văn tự) cũng được biến đổi theo. Ta có thể coi đây như là cơ chế tự điều chỉnh trong cấu trúc của chữ Nôm.
Loại F: Đây là loại gồm nghĩa phù (bộ thủ để chỉnh trường nghĩa của chữ) và âm phù (một chữ Hán hay Nôm có sẵn). Loại F chia làm 2 tiểu loại: Tiểu loại F1 có mô hình: bộ thủ + thanh phù đọc âm Hán Việt (mượn hình thể chữ Hán), loại này chiếm 99% số lượng và số lần xuất hiện. Tiểu loại F2 có mô hình: bộ thủ + thanh phù đọc theo âm Việt (mượn hình thể chữ Nôm), loại này chiếm số lượng rất ít. Nhưng do đặc điểm cấu tạo đặc thù như vậy nên chúng tôi vẫn xếp thành một tiểu loại riêng. Khóa hư lục giải nghĩa có 330 đơn vị thuộc loại F (chiếm 15,24% tổng số đơn vị thống kê), xuất hiện với tần số 1.310 (chiếm 10,70% độ dài văn bản). Trong đó, loại F2 chỉ có 1 đơn vị (lời 坘) xuất hiện với tần số 17 lần. Khóa hư lục giải âm có 376 đơn vị thống kê thuộc loại F (chiếm 23,72 % tổng số đơn vị thống kê), xuất hiện với tần số 1434 lần (chiếm 15,26% độ dài văn bản). Trong đó, có 6 đơn vị thuộc loại F2, gồm: buốt 冫幒, lời坘,chòm廸, mời 対, nhỏ才岺, quở 口晫. Có thể thấy, càng về sau, chữ Nôm loại này có xu hướng tăng lên nhiều hơn.
Loại G: Loại này có cấu trúc là chữ Hán làm nghĩa phù + chữ Hán làm thanh phù. Đây là loại có thành tố ghi nghĩa xác chỉ. Khóa hư lục giải nghĩa có 99 đơn vị (chiếm 4,57% tổng số đơn vị thống kê) xuất hiện với tần số 1148 lần (chiếm 9,38%). Khóa hư lục giải âm có 98 đơn vị (chiếm 6,12% tổng số đơn vị thống kê), xuất hiện với tần số 1082 lần (chiếm 11,52%). Có thể thấy: tỉ lệ chữ hình thanh giữa hai văn bản không chênh nhau là mấy. Nguyên nhân là do bản Khóa hư lục giải nghĩa là bản chép tay, nên đã chịu nhiều sửa đổi về văn tự trong các quá trình sao chép khiến cho văn bản nhiều khi không còn mang đúng phong cách văn tự của nguyên tác nữa. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê ta cũng có thể thấy xu hướng vận động của chữ Nôm: từ việc ghi âm sẽ gần tiến đến ghi âm- chỉnh trường nghĩa và cuối cùng là ghi âm - xác chỉ ý nghĩa. Thể hiện qua tần số xuất hiện của loại này: Khóa hư lục giải nghĩa chỉ chiếm 9,38% độ dài văn bản, trong khi Khóa hư lục giải âm chiếm 11,52%. Dùng tiêu chí này để xác định tính chất của cấu trúc chữ Nôm qua các giai đoạn lịch sử là một việc làm có ý nghĩa, bổ sung thêm vào các phương pháp khác: xác định tỉ lệ chữ giả tá, xác định tỉ lệ chữ ghi tiền âm tiết…trong các văn bản Nôm.
Loại H: Đây là loại chữ nghĩa + nghĩa. Loại này chiếm tỉ lệ rất ít trong các văn bản Nôm của các giai đoạn. Các đơn vị cũng rất ít, khoảng dưới 10 đơn vị. Khóa hư lục giải nghĩa có 2 đơn vị (chiếm 0,09% tổng số đơn vị thống kê) xuất hiện với tần số 55 lần (chiếm 0,44% độ dài văn bản). Đó là hai chữ: trời và mấy. Khóa hư lục giải âm có 2 đơn vị thống kê (chiếm 0,13% tổng số đơn vị thống kê), xuất hiện với tần số 55 lần (chiếm 0,58% độ dài văn bản). Đó là hai chữ: trời và trùm.
Loại N: Đây là loại chữ mượn tự dạng chữ Hán, bỏ âm, đọc theo nghĩa. Khóa hư lục giải nghĩa có 8 đơn vị thống kê (chiếm 0,35% tổng số đơn vị thống kê), xuất hiện với tần số 22 lần (chiếm 0,17% độ dài văn bản). Khóa hư lục giải âm có 2 đơn vị thống kê (chiếm 0,13% tổng số đơn vị thống kê), xuất hiện với tần số 3 lần (chiếm 0,03% độ dài văn bản). Có thể thấy càng lùi về sau này số lượng và tỉ lệ của loại chữ đọc theo nghĩa càng giảm dần. Nguyên nhân: trong giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỉ XIII cuối thế kỉ XVI) tiếng Việt đang tiếp thu những yếu tố Hán mà nó còn đang khuyết thiếu. Tình hình này ta có thể thấy rất rõ qua số lượng các từ gốc Hán gia nhập vào các văn bản Nôm sơ kì.
4. Kết quả phân loại chữ Nôm theo tiêu chí tự dạng (chữ Nôm vay mượn và chữ Nôm sáng tạo)
Phương pháp định lượng tỉ lệ hình chữ vay mượn và hình chữ tự tạo trên cơ sở chất liệu chữ Hán là một trong những phương pháp sớm nhất được sử dụng để xác định diễn biến cấu trúc của chữ Nôm trong lịch sử. Theo các nhà nghiên cứu chữ Nôm, loại vay mượn tự dạng càng nhiều thì niên đại của văn bản càng có khả năng xưa hơn, vì trong giai đoạn đầu phát triển, chữ Nôm chủ yếu dùng phương pháp giả tá. Càng về sau này, loại chữ Nôm tự tạo tăng lên, thể hiện xu hướng ghi âm chính xác cả về nghĩa và âm trong chữ Nôm. Loại chữ vay mượn bao gồm các chữ thuộc loại A1, A2, B, C1, C2, N. Loại chữ tự tạo trên cơ sở chất liệu chữ Hán bao gồm các chữ loại D, E1, E2, F1, F2, G, H. Ta có thể thấy sự vận động của chữ Nôm trong 2 văn bản qua bảng so sánh sau:
Loại chữ | Bản | Đơn vị | Tỉ lệ | Số lượt | Tỉ lệ |
Vay mượn | Tuệ Tĩnh | 1.591 | 73,34% | 9292 | 76,73% |
Phúc Điền | 879 | 55,45% | 5404 | 57,51% | |
Tự tạo | Tuệ Tĩnh | 575 | 26,66% | 2952 | 23,27% |
Phúc Điền | 706 | 44,55% | 3992 | 42,49% | |
Tổng số | Tuệ Tĩnh | 2.166 | 100% | 12.244 | 100% |
Phúc Điền | 1.585 | 100% | 9.396 | 100% |
Như vậy, ta có thể thấy: loại vay mượn hình chữ trong văn bản Khóa hư lục giải nghĩa gấp đôi loại vay mượn hình chữ trong văn bản Khóa hư lục giải âm, cả về số lượng đơn vị lẫn tần số xuất hiện. Loại tự tạo hình chữ trong văn bản Khóa hư lục giải nghĩa thấp hơn loại hình chữ tự tạo trong Khóa hư lục giải âm. Theo các nhà nghiên cứu chữ Nôm, loại vay mượn hình thể càng nhiều với tần số xuất hiện càng cao thì niên đại văn bản càng có khả năng xưa hơn, vì nó phản ánh lịch sử phát triển của chữ Nôm từ giả tá sang hình thanh. Đế có cái nhìn rộng hơn về vị trí của bản Khóa hư lục giải nghĩa và Khóa hư lục giải âm trong tiến trình từ chữ Nôm Việt. Chúng tôi lập bảng so sánh với một số tác phẩm Nôm tiêu biểu như sau:
VĂN BẢN (2) | NIÊN ĐẠI | TỔNG SỐ CHỮ | CHỮ MƯỢN HÌNH | TỈ LỆ |
Cư trần lạc đạo phú | 1308 (stác) | 1.622 | 1.397 | 86,1% |
Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca | 1308 (stác) | 316 | 277 | 87.7% |
Phật thuyết đại báo phụ mẫu… | XV (stác) | 4.942 | 4.177 | 84,52% |
Quốc âm thi tập (64 tờ đầu) | XV (stác) | 10.258 | 9.242 | 90% |
Hồng Đức quốc âm thi tập (50 tờ) | XV (stác) | 10.929 | 9.051 | 83% |
Chỉ Nam ngọc âm | XVI- XVII | ? | ? | 82% |
Truyền kì mạn lục | XVI (stác) | 10.199 | 9.061 | 88% |
Thập tam phương gia giảm | ? | 8.456 | 7.538 | 89,7% |
Tam thiên tự toản yếu | XVIII | 3.000 | 2.387 | 79,6% |
Khóa hư lục giải nghĩa | ? | 12.244 | 9.292 | 76,73% |
Truyện Kiều (LVĐ 1871) | 1795 (s.tác) | 22.778 | ? | 68,24% |
Khóa hư lục giải âm | 1861 (stác) | 9.396 | 5.404 | 57,51% |
Có thể thấy xu hướng chung trong mô thức cấu trúc chữ Nôm là giảm dần số lần sử dụng loại vay mượn và tăng dần loại tự tạo (về mặt hình thể, tự dạng). Theo bảng trên, ta có thể phân làm hai giai đoạn: 1. Giai đoạn thứ nhất (từ thế kỉ XVIII về trước): đây là giai đoạn loại chữ vay mượn tự dạng có tỉ lệ rất cao từ 80% đến 90% độ dài văn bản. 2. Giai đoạn thứ hai (thế kỉ XIX): đây là giai đoạn loại chữ vay mượn đã giảm xuống đáng kể, chiếm dưới 70% độ dài văn bản. Loại chữ vay mượn tự dạng trong văn bản Khóa hư lục giải âm chỉ chiếm 57,51%; đây có thể coi là con số thấp nhất thống kê được từ trước đến nay về loại này. Loại chữ vay mượn tự dạng trong văn bản Khóa hư lục giải nghĩa chiếm 76,73% độ dài văn bản. Điều này cho thấy: văn bản AB.268 là một bản chép tay sau này, nó không còn phản ánh đúng tình hình cấu trúc của chữ Nôm vào thời điểm sáng tác nữa. Như vậy, phương pháp tính niên đại tác phẩm theo tỉ lệ chữ vay mượn/ tự tạo sẽ gặp khó khăn nếu gặp phải những trường hợp có vấn đề về văn bản học. Mặt khác, phương pháp này cũng có một số bất cập khác như: tỉ lệ cấu tạo chữ Nôm còn chịu sự chi phối của đề tài cũng như chủ thể sáng tạo. Trong những văn bản chính thống, quan phương, hay các văn bản triết học (như Phật, Nho) tỉ lệ chữ Hán sẽ tăng lên do có sự xuất hiện đáng kể của các thuật ngữ Nho học, Phật học… Trong các thể loại thơ, phú; từ Hán Việt cũng được sử dụng phổ biến để thứ nhất tạo sự cổ kính, trang nhã cho câu thơ, thứ hai để phục vụ việc gieo vần, thứ ba để chứng tỏ sự uyên bác của người viết. Phương pháp này cũng sẽ gặp khó khăn đối với những trường hợp giải âm và giải nghĩa: các tác phẩm giải âm có xu hướng đối dịch âm tiết rất cao, đối dịch âm tiết đối với cả những từ Hán Việt quen thuộc, trong khi xu hướng này thể hiện không mạnh bằng ở các tác phẩm giải nghĩa. Sự bất cập của phương pháp này còn thể hiện ở việc phân kì chữ Nôm như chúng tôi đã trình bày. Chia cấu trúc chữ Nôm làm hai giai đoạn (theo tiêu chí hình thức) sẽ không phản ánh đúng bản chất của chữ Nôm trong từng giai đoạn nhỏ hơn: giai đoạn chữ Nôm trước thế kỉ XV, giai đoạn chữ Nôm từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII, giai đoạn chữ Nôm thế kỉ XVIII - XIX.
Việc phân kì chữ Nôm nên được tiến hành theo phương pháp ngữ âm xác định theo một hệ các tiêu chí khác nhau, bao gồm: 1. Sự vận động của các đơn vị thuộc loại C sang loại D trong các giai đoạn phát triển: tức là sự vận động của các chữ mượn hình đọc chệch sang loại chữ định hướng bằng báo hiệu. 2. Sự vận động của các đơn vị thuộc loại D sang loại F1 trong các giai đoạn phát triển: cụ thể là sự vận động của các chữ mượn âm Hán Việt đọc chệch có gia thêm dấu phụ báo hiệu chỉnh âm/ chỉnh nghĩa sang loại chữ mượn âm Hán Việt đọc chệch có gia cố thêm bộ thủ để báo hiệu đọc chệch và chỉnh trường nghĩa. Chức năng chỉnh trường nghĩa là chức năng chính, chức năng đọc chệch là chức năng đi sau. Khác với các kí hiệu phụ (nháy, cá, cự…), các kí hiệu này chỉ thông báo đọc chệch âm mà không cho biết phải đọc chệch theo trường nghĩa nào. Muốn đọc chính xác phải dựa vào văn cảnh. 3. Sự vận động của các đơn vị thuộc loại C1/ D và F1 sang loại chữ G:+ Sự vận động của các đơn vị thuộc loại C1/D sang loại G: tức là sự vận động của các chữ đọc chệch âm Hán Việt (có/ không có kí hiệu đọc chệch) sang loại chữ đọc chệch âm Hán Việt có gia cố thêm thành phần xác chỉ về nghĩa. Có một số đơn vị chuyển thẳng từ C sang G như các từ thuộc về số đếm như: từ chín㐱sang chín 佂, ba 巴sang ba 倈, muôn 門sang muôn 鎽, ngàn 彥sang ngàn懯, sau 婁sang sau 畱 /蜶, trước 略sang trước 苉 / 遟, trâu 婁sang trâu 橮, cũ 屢sang cũ 辸… Có một số đơn vị chuyển từ D sang G; + Sự vận động của các đơn vị thuộc loại F1chuyển sang loại G: như từ cỏ 枯sang cỏ 礊….4. Sự vận động của các đơn vị trong E1 chuyển sang E2/ C/ D/ F1/ G: tức là sự vận động của các chữ được ghi bằng hai mã chữ (hai khối vuông tách biệt) sang chữ Nôm được ghi bằng một mã chữ (một khối vuông nén hai chữ Hán dùng để ghi tổ hợp phụ âm đầu và tiền âm tiết trong giai đoạn đầu của chữ Nôm). Ví dụ: chuyển từ mắng 車莽sang mắng 車莽/ 渕, trọn 婆論sang trọn 論/ 淿, trông 車籠sang trông 籠/饢, la ngàn 卥彥sang ngàn 彥/ 懯,… Tuy nhiên, việc khảo sát cụ thể hiện tượng diễn biến sẽ được đề cập trong một dịp khác.
5. Tiểu kết
5.1. Văn bản Khóa hư lục giải nghĩavẫn còn sót lại một số ít các mã chữ Nôm cổ: loại E1 và E2 chỉ có ở các văn bản chữ Nôm được sáng tác đầu thế kỉ XV như: Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Chỉ Nam ngọc âm. Loại E1 có 2 trường hợp xuất hiện với tần số 3 lần. Ngoài ra, văn bản còn có một số chữ Nôm thuộc loại C ghi các tổ hợp phụ âm đầu như: BL, KL, KR (cùng với loại E2). Cụ thể là: có 3 chữ Nôm ghi tổ hợp phụ âm KR xuất hiện với tần số 5 lần; có 5 chữ Nôm ghi tổ hợp phụ âm đầu KL xuất hiện với tần số 49 lần; có 3 chữ Nôm ghi tổ hợp phụ âm đầu BL xuất hiện với tần số 11 lần. Trong khi văn bản Khóa hư lục giải âm hoàn toàn không có hiện tượng này.
5.2 Văn bản Khóa hư lục giải nghĩa có số chữ Nôm loại C gấp 4 lần văn bản Khóa hư lục giải âm cả về số lượng và tần số xuất hiện. Bản Tuệ Tĩnh dùng 665 đơn vị với tần số 4.284 lần, bản Phúc Điền dùng 123 đơn vị với tần số 1.038 lượt; so với độ dài văn bản, loại C trong bản giải nghĩa chiếm 34,96%, loại C trong bản giải âm chiếm 11,05%. Như vậy, bước đầu ta có thể nhận định rằng: tỉ lệ chữ Nômđọc chệch âm Hán Việt (so với độ dài văn bản) trong các văn bản Nôm thế kỉ XIX chỉ bằng 1/3 so với văn bản Nôm thuộc giai đoạn trước đó. Dĩ nhiên, đây là số liệu chưa thật chính xác bởi văn bản Khóa hư lục giải nghĩa là văn bản chịu nhiều ảnh hưởng của cấu trúc chữ Nôm giai đoạn sau như chúng tôi đã chứng minh ở trên.
5.3. Khóa hư lục giải nghĩa chỉ có 10 chữ Nôm thuộc loại không dựa âm gồm loại hội ý và loại đọc theo nghĩa(/2.166 chữ, chiếm tỉ lệ 0,46%) xuất hiện với tần số 77 (/12.244 lượt, chiếm 0,62% độ dài văn bản). Còn lại, chữ Nôm dựa âm có 2.156 đơn vị (/2.166 đơn vị, chiếm 99,54%) xuất hiện với tần số 12.177 (/12.244 lượt, chiếm99,36% độ dài văn bản). Khóa hư lục giải âm cũng chỉ có 4 chữ Nôm thuộc loại không dựa âm (/1.585 đơn vị, chiếm 0,25%)xuất hiệnvới tần số 58 lần (/9.396 lượt, chiếm 0,61% độ dài văn bản). Loại chữ Nôm F trong hai văn bản xấp xỉ nhau. Trong đó, Khóa hư lục giải nghĩa chỉ có 1 trường hợp đọc dựa theo âm Nôm (loại F2) xuất hiện với tần số 17 lần, còn Khóa hư lục giải âm có 6 trường hợp, xuất hiện với tần số 55 lần. Cả hai văn bản đều có các âm dựa là: âm Hán Việt, âm phi Hán Việt, và âm Nôm. Theo tiêu chí âm đọc, chữ Nôm trong suốt lịch sử là thứ văn tự ghi âm.
5.4. Theo tiêu chí tự dạng (chữ Nôm vay mượn và chữ Nôm tự tạo), văn bản Khóa hư lục giải nghĩa có 1.591 loại chữ vay mượn (/2.166 chữ, chiếm 73,34%) xuất hiện với tần số 9.292 (/12.244 lượt, chiếm 76,73% độ dài văn bản); loại chữ tự tạo 575 chữ (/2.166 chữ, chiếm 26,66%) xuất hiện với tần số 5.404 (/12.244 lượt, chiếm 23,27% độ dài văn bản). Văn bản Khóa hư lục giải âm có 879 loại vay mượn (/1.585 chữ, chiếm 55,45%) xuất hiện với tần số 5.404 (/9.396 lượt, chiếm 57,51% độ dài văn bản) và có 706 chữ tự tạo (/1.585 chữ, chiếm 44,55% tổng số mã chữ) xuất hiện với tần số là 3.992 lượt (/9.396 lượt chữ, chiếm 42,49% độ dài văn bản). Số liệu này chứng tỏ:
5.4.1 Chữ Nôm trong văn bản Khóa hư lục giải nghĩa đã chịu ảnh hưởng khá nặng của chữ Nôm hậu kì. Tỉ lệ chữ Nôm vay mượn (so với độ dài văn bản) trong văn bản AB.268 chỉ có 76,73%, gần bằng số liệu của các văn bản thuộc thế kỉ XVIII như Tam thiên tự toản yếu (79,6%), kém số liệu của các văn bản từ thế kỉ XVII về trước, như: Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (84,52%), Chỉ Nam ngọc âm (82%), Quốc âm thi tập (90%), Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (88%)…
5.4.2. Chữ Nôm trong văn bản Khóa hư lục giải âm cho thấy: tỉ lệ chữ Nôm vay mượn (so với độ dài văn bản) chiếm tỉ lệ khá thấp, chỉ có 57,51%. Đây là số liệu thấp nhất thống kê được từ trước đến nay. Theo số liệu thống kê của Nguyễn Tuấn Cường qua Truyện Kiều bản Liễu Văn đường 1871 thì tỉ lệ chữ vay mượn ở văn bản này là 68,24%). Có thể đi đến nhận định rằng: nếu đặt chữ Nôm trong văn bản Khóa hư lục giải âm trong tiến trình chữ Nôm Việt, ta thấy xu hướng chung trong cấu trúc chữ Nôm là giảm dần loại vay mượn và tăng dần loại tự tạo. Trong đó có hai xu hướng nhỏ: xu hướng gia cố nghĩa phù (trường nghĩa hoặc xác chỉ) và xu hướng ghi chính xác âm đọc bằng việc sử dụng một âm Nôm khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chữ Nôm vay mượn dù ở giai đoạn nào cũng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với loại tự tạo (cả về số chữ và số lần xuất hiện).
Chú thích:
(1) Bảng thống kê loại E1 qua một số văn bản Nôm. Số liệu trong Phật thuyết được tiếp thu từ Hoàng Thị Ngọ, trong Chỉ Nam ngọc âm được tiếp thu từ Trần Xuân Ngọc Lan; loại E1 trong Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Tân biên truyền kì mạn lục là theo số liệu thống kê của chúng tôi.
(2) Thứ nhất là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Hai tác phẩm có thể được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1293 đến năm 1308, chúng tôi lấy năm 1308 làm mút cuối cho thời điểm sáng tác. Số liệu thống kê lấy theo [1]. Thứ hai là văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Đây là tác phẩm được đoán định là diễn Nôm vào thế kỉ XV [6, 25]. Thứ ba là Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, ra đời vào khoảng thời gian từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII. Số liệu thống kê chúng tôi căn cứ theo Trần Xuân Ngọc Lan [4]. Thứ tư là chữ Nôm trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Chúng tôi lấy số liệu thống kê của Lê Văn Quán [7]. Thứ năm là chữ Nôm trong bản Hồng Đức quốc âm thi tập kí hiệu AB.292 (bản chép tay) theo số liệu của Lê Văn Quán [7]. Thứ sáu là chữ Nôm trong văn bản Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú. Thứ bảy là Thập tam phương gia giảm (thế kỉ XVII) theo số liệu thống kê của Lê Văn Quán [7]. Thứ tám là chữ Nôm trong Tam thiên tự toản yếu thế kỉ XVIII theo số liệu thống kê của Lê Văn Quán [7]. Thứ chín là chữ Nôm trong Truyện Kiều bản in Liễu Văn đường 1871, theo số liệu thống kê của Nguyễn Tuấn Cường [11].
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đào Duy Anh: Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.
2.Nguyễn Tài Cẩn & N.V.Xtankêvich: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985.
3.Tân biên truyền Kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú. Nguyễn Quang Hồng phiên khảo, Nxb. KHXH, H. 2001.
4.Trần Xuân Ngọc Lan: Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985.
5.Vương Lộc: An Nam dịch ngữ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2001.
6.Hoàng Thị Ngọ: "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh", Nxb. KHXH, H. 1999.
7.Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1981.
8.Nguyễn Ngọc San: Lý thuyết chữ Nôm- văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
9.Nguyễn Thanh Tùng: Chữ Nôm và tiếng Việt qua Thiền tông khóa hư ngữ lục (báo cáo khoa học sinh viên), Đại học Sư phạm, H. 2002.
10.Nguyễn Khuê: Giáo trình chữ Nôm (Lưu hành nội bộ), khoa Ngữ Văn Đại học Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, Tp HCM. 1987.
11. Nguyễn Tuấn Cường: "Bước đầu khảo sát cấu trúc chữ Nôm trong bản Kim Vân Kiều tân truyện” - Liễu Văn đường 1871 (Khóa luận tốt nghiệp), ĐH KHXH & NV, H. 2003./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (87)2008; Tr.43-57)