Monday, 10 February 2014

HOÀNG SA, TRƯỜNG SA THEO TRUNG QUỐC SỬ (NGUYỄN HỮU THỐNG - Văn Hóa Nghệ An)


HOÀNG SA, TRƯỜNG SA THEO TRUNG QUỐC SỬ

  •   LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỐNG
  • Thứ năm, 28 Tháng 7 2011 15:10
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Dẫn Nhập
Thời Thế Chiến II, cuối thập niên 1930 Nhật Bản cấu kết với Đức Quốc Xã và Phát Xít Ý để phát động Chiến Tranh Thái Bình Dương. Năm 1938 Nhật chiếm 3 đảo tại Hoàng Sa là Phú Lâm, Lincoln và Hữu Nhật. Qua năm sau, ngày 30-3-1939, Chính Phủ Đông Kinh ra Tuyên Cáo đòi chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1937, Nhật oanh tạc và tiến chiếm Nam Kinh Thượng Hải trong cuộc chiến tranh không tuyên chiến. Trước đó, năm 1931, Nhật chiếm Mãn Châu để thành lập Mãn Châu Quốc và đem Phổ Nghi là ông vua cuối cùng của triều Mãn Thanh về làm vua Mãn Châu.
Việc Nhật Bản thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa năm 1939 là một hành động xâm lăng võ trang làm bàn đạp tấn công các quốc gia thân Tây Phương tại Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Miến Điện và Việt Nam. Đặc biệt để kết hợp Mặt Trận Hoa Nam với Mặt Trận Đông Bắc tại Nam Kinh Thượng Hải. Đây là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Trung Hoa. Mặc dầu vậy, Chính Phủ Trùng Khánh vẫn án binh bất động và không lên tiếng phản đối.
Trong khi đó, thay mặt Việt Nam, ngày 21-4-1939, Chính Phủ Pháp đã gửi Công Hàm phản kháng hành động xâm lăng phi pháp của Nhật Bản tại Biển Đông Hải, đồng thời công bố chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại Hà Nội, bàn về vụ tranh chấp Biển Đông, nhà văn Hoàng Đạo trong Nhóm Ngày Nay quan niệm rằng: “Lấy luật mới cũ ra mà nói thì Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhưng trên trường quốc tế, người ta không theo luật mới cũ gì cả. Chỉ có Luật của Sức Mạnh. Đó là quan điểm thực tiễn theo châm ngôn Kẻ Mạnh Bao Giờ Cũng Có Lý, và Sức Mạnh Là Lẽ Phải. (La raison du plus fort est toujours la meilleure; Might is right).
Để phản bác quan niệm phi nhân này, chúng ta đề ra nguyên lý căn bản trong việc tổ chức xã hội loài người:
Vì con người không phải là cầm thú nên nhân loại văn minh không chấp nhận Luật Rừng Xanh Mạnh Được Yếu Thua.
Vì con người không phải là tôm cá nên chúng ta phủ nhận quan niệm Cá Lớn Nuốt Cá Bé.
Đó là nói về thời điểm 1939.
35 năm sau, tháng 1-1974, thừa dịp quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp Định Paris 1973, Trung Quốc vận dụng toàn lực chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm phía tây nam với các đảo Hoàng Sa, Quang Hòa, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng và Tri Tôn.
Trước đó, hồi tháng 4-1956, thừa dịp quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp Định Geneva 1954, Trung Quốc chiếm 7 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm An Vĩnh phía đông bắc. Đó là vùng biển của Việt Nam có danh xưng là Thất Châu Dương gồm 7 đảo: Phú Lâm, Lincoln, Đảo Hòn Đá, Đảo Cây, Đảo Bắc, Đảo Trung và Đảo Nam.
Năm 1974, từ Paris Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn nhận định rằng: “Hoàng Sa thất thủ là do sự rạn nứt của khối đại đoàn kết dân tộc. Hoàng Sa là đất của Việt Nam, của nước Việt Nam thống nhất. Khi Việt Nam còn chia đôi thì chúng ta không có tư thế để điều đình đòi lại quần đảo này, mặc dầu theo lịch sử có nhiều bằng chứng cho biết đó là đất của Việt Nam”.
Do đó muốn giành lại chủ quyền hải phận và hải đảo tại Biển Đông Hải phải có sự đoàn kết quốc dân trong một quốc gia thống nhất.
Đó là cảm nghĩ của nhà trí thức lý tưởng, tha thiết đến tiền đồ đất nước.
Tuy nhiên, từ 1974 đến nay đã 36 năm, thời gian cho biết nhận định này đã tỏ ra không chính xác.
Vì ngày nay đất nước ta đã thống nhất. Và toàn dân ta, với trên 85 triệu người Việt trong và ngoài nước, đã đồng tâm nhất trí đứng lên đấu tranh đòi lại những hải đảo và hải phận đã mất. Vậy mà, theo chiều hướng hiện tại, càng ngày chúng ta càng mất chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông Hải. Lý do không phải vì đất nước chúng ta bị qua phân, mà vì chúng ta có một chính quyền đi trái lòng dân, không cho người dân đứng lên bảo toàn đất tổ và hành sử quyền yêu nước bằng những cuộc biểu dương lực lượng quy mô và đồng loạt khắp nơi trên thế giới làm chấn động dư luận quốc tế và cảnh tỉnh lương tri nhân loại. Đồng thời gây áp lực buộc kẻ xâm lược phải chùn bước xâm lăng, phải tôn trọng danh dự và chữ ký của họ. Và phải ngồi vào bàn hội nghị để các cơ quan trọng tài hay tài phán quốc tế đưa ra những giải pháp công bằng và hợp lý theo tinh thần và bản văn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà họ đã ký kết tham gia năm 1982. Công Ước này là một văn kiện trong chính sử Trung Quốc và có hiệu lực chấp hành từ năm 1994.
1. Quy Chế Thềm Lục Địa
Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các quốc gia duyên hải được hưởng quy chế Thềm Lục Địa 200 hải lý (370km) để thăm dò và khai thác dầu khí. Đây là chủ quyền chuyên biệt (sovereign exclusive right), không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm hữu, khai phá hay tuyên bố minh thị (occupation, exploration or assertion of right). Mọi sự tự tiện chiếm cứ của ngoại bang dầu có võ trang hay không đều bất hợp pháp, vô giá trị và vô hiệu lực (các Điều 77 và 81).
Về mặt địa lý, tại quần đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý, và đảo Hoàng Sa chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy quần đảo Hoàng Sa nằm trong Thềm Lục Địa 200 hải lý của Việt Nam.
Trong khi đó các đảo Hoàng Sa cách Hoa Lục tới 270 hải lý nên không nằm trong Thềm Lục Địa của Trung Hoa.
Về mặt địa chất, các chuyên gia quốc tế như Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt, Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu, đo đạc và vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển, đã lập phúc trình kết luận rằng: “Về mặt địa chất, các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam”. (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam). Về địa hình đáy biển Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp lục địa Việt Nam.
Độ sâu nhất tại vùng biển Hoàng Sa là 900m. (Trong quá trình hình thành nước Biển Đông Hải đã rút xuống 4,000m). Ngày nay nếu nước biển rút xuống 900m thì các đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một hành lang chạy thoai thoải từ dẫy Trường Sơn qua Cù Lao Ré đến các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm. (Phúc Trình Krempt về Hoàng Sa lập trong hai năm 1925-1927 được lưu trữ tại Văn Khố Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris).
Vì đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo dài ra ngoài biển nên chiếu Điều 76 Luật Biển, Việt Nam có triển vọng được Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc cho mở rộng Thềm Lục Địa Pháp Lý 200 hải lý thành Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng đến 350 hải lý (650km).
Trong khi đó từ Hoàng Sa về lục địa Trung Hoa có một rãnh biển sâu tới 2,300m. Như vậy về mặt địa chất và địa hình đáy biển, Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển. Trong trường hợp này Trung Hoa không được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng.
Tại Trường Sa cũng vậy, tại Bãi Thanh Long Tứ Chính, nơi khai thác dầu khí, độ sâu chỉ tới 400m, và tại đảo Trường Sa độ sâu chỉ tới 200m. Như vậy về mặt địa chất và địa hình đáy biển, cũng như Hoàng Sa, các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Theo quan điểm của các Luật Sư Covington và Burling trong Bản Tường Trình tháng 6-1995 gửi Chính Phủ Việt Nam, quần đảo Trường Sa có triển vọng được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng đến 350 hải lý.
Trong khi đó từ Trường Sa về bờ biển Quảng Đông có một rãnh biển sâu tới 4,550m. Như vậy các đảo Trường Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển. Và Trung Quốc không được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng 350 hải lý. Dầu sao, trong mọi trường hợp, khoảng cách từ Hoa Lục tới đảo Trường Sa là 750 hải lý (quá xa tầm 350 hải lý Thềm Lục Địa Mờ Rông nếu có).
Hơn nữa, về mặt địa lý, Bãi Thanh Long Tứ Chính và đảo Trường Sa chỉ cách lục địa Việt Nam từ 150 đến 220 hải lý. Trong khi đó quần đảo Trường Sa cách lục địa Trung Hoa từ 550 đến 800 hải lý nên không nằm trong thềm lục địa Trung Hoa.

Trong Bản Tường Trình nạp tại Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc ngày 11- 5-2009, Chính Phủ Bắc Kinh chỉ đề cập đến hải phận hay Biển Lịch Sử chứ không vẽ Thềm Lục Địa Mở Rộng theo các tiêu chuẩn luật định về khoa học và kỹ thuật như Liên Hiệp Quốc đòi hỏi.
Cũng vì vậy Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc sẽ bác bỏ không cứu xét đơn thỉnh nguyện của Bắc Kinh. Để trốn tránh vấn đề và làm lạc hướng dư luận, Trung Quốc chỉ đơn thuần đòi vùng biển phác họa theo hình chữ U mà họ gọi là Lưỡi Rồng Trung Quốc hay Biển Lịch Sử.
2. Lưỡi Rồng Trung Quốc
Lưỡi Rồng Trung Quốc (mà dân gian gọi là Lưỡi Bòchiếm 80% hải phận Biển Đông Nam Á. Nó nằm sát bờ biển các quốc gia duyên hải, chỉ cách Quảng Ngãi 40 hải lý và cách Phi Luật Tân và Mã Lai 25 hải lý. Như vậy nó tước đoạt ít nhất 160 hải lý của Thềm Lục Địa Việt Nam, và 175 hải lý của các Thềm Lục Địa Phi Luật Tân và Mã Lai. Đây hiển nhiên là sự vi phạm thô bạo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dành chủ quyền chuyên biệt cho các quốc gia duyên hải như Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai được hưởng tối thiểu 200 hải lý Thềm Lục Địa Pháp Lý để thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo học giả Mark J. Valencia tại Viện Hải Học Đông Tây Hawaii (East-West Institute) yêu sách của Trung Quốc về Biển Lịch Sử không được Luật Pháp và Tòa Án chấp nhận. Ngày nay càng ngày dư luận quốc tế càng phê phán và chế giễu Lưỡi Rồng Trung Quốc là khôi hài và lố bịch (China‘s claim is being increasingly criticized and even ridiculed: China and the South China Sea Disputes, Mark J. Valencia, Oxford University Press. October 1995).
Hồi thế kỷ thứ nhất Đế Quốc La Mã cũng đòi chủ quyền lãnh thổ toàn vùng Biển Địa Trung Hải mà họ gọi là “Biển Lịch Sử Của Chúng Tôi!” (Mare Nostrum: Notre Mer/ Our Sea). Địa Trung Hải là vùng biển bao la chạy từ bờ biển Tây Ban Nha qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến các bờ biển Trung Đông và Bắc Phi. Đó là một quan niệm bá quyền lỗi thời từ 2 ngàn năm trước.
Mặc dầu vậy, từ 1955, để phục hồi Chủ Nghĩa Bá Quyền, Mao Trạch Đông lại nêu lên thuyết Biển Lịch Sử để đòi chủ quyền lãnh thổ tại vùng biển và các hải đảo Hoàng Sa Trường Sa. Theo ngoa ngôn của Bắc Kinh Lưỡi Rồng Trung Quốc rộng bằng phân nửa lục địa Trung Hoa. Họ cho đó là một vấn đề bất khả tranh nghị.
Về điểm này chúng ta nhắn nhủ nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng: Trong thế kỷ này và dưới vòm trời này, không có điều gì, việc gì, hay vấn đề gì là bất khả tranh nghị. Về mặt tinh thần, văn hóa và đạo lý, Trung Quốc không thể nói một đàng làm một nẻo. Họ phải tôn trọng danh dự quốc gia và chữ ký của họ trong Công Ước. Họ phải chấp nhận công khai hóa vụ tranh chấp và phải đưa ra trước thanh thiên bạch nhật những tài liệu và quan điểm cho biết tại sao và căn cứ vào đâu mà đòi tước đoạt chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á tại các thềm lục địa như đã quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết tham gia với tư cách một trong Ngũ Cường hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết? Nếu không đưa ra sự giải thích hợp lý và các cơ sở pháp lý thì Trung Quốc vẫn chỉ là kẻ sử dụng Luật Rừng Xanh theo chủ trương Mạnh Được Yếu Thua và Cá Lớn Nuốt Cá Bé. Để tước đoạt 4/5 Thềm Lục Địa Pháp Lý của Việt Nam, đồng thời tước đoạt 7/8 Thềm Lục Địa Pháp Lý của Phi Luật Tân và Mã Lai.
Hơn nữa, chiếu các Điều 77 và 81 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, chủ quyền của các quốc gia duyên hải tại thềm lục địa có tính tuyệt đối và chuyên biệt. Bất cứ sự xâm phạm nào của ngoại bang dầu là xâm chiếm võ trang hay không võ trang cũng đều bất hợp pháp, vô giá trị và vô hiệu lực. Cũng như việc Nhật Bản đã chiếm cứ bất hợp pháp các hải đảo và hải phận tại Hoàng Sa và Trường Sa thời Thế Chiến II từ 1938 đến 1945.
Chắc hẳn Trung Quốc cũng hay biết rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là một văn kiện pháp lý rút trongchính sử mà trên một trăm quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc phải tôn trọng và thực thi.
Trung Quốc không thể tự coi mình là một ngoại lệ bằng cách ban hành Luật Biển Quốc Nội năm 1992 (Domestic Law of the Sea) để mở rộng đường cơ sở của Biển Lãnh Thổ (Territorial Sea) và Vùng Tiếp Cận (Contiguous Zone) và coi ranh giới Lưỡi Rồng Trung Quốc là “biên thùy chiến lược” của đảo Hải Nam. Tuy nhiên biên thùy này cách lục địa Trung Hoa cả ngàn cây số nên không thể coi là biên thùy cho một hải đảo hay một lục địa.
Chiếu nguyên tắc “các hiệp ước quốc tế phải được tôn trọng” (Rule Pacta Sunt Servanda), Điều 26 Công Ước Vienna về Luật Hiệp Ước (Vienna Convention on the Law of Treaties 1969) quy định như sau: “Các hiệp ước quốc tế có hiệu lực chấp hành buộc các quốc gia kết ước phải ngay tình tuân thủ“. Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Luật Quốc Tế (The United Nations International Law Commission) coi đây là “một nguyên tắc căn bản về luật hiệp ước, có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất trong công pháp quốc tế”.
Chiếu nguyên tắc về giá trị thượng tôn của Luật Quốc Tế đối với Luật Quốc Nội (Rule of Supremacy of International Law), các quốc gia kết ước phải thực sự thi hành những quyến hạn và nghĩa vụ ghi trong các hiệp ước hay công ước quốc tế. Họ không thể viện dẫn luật quốc nội để khước từ thi hành nghĩa vụ của họ ghi trong các hiệp ước và công ước quốc tế mà họ đã ký kết hay tham gia.
Đó chính là trường hợp của Trung Quốc. 10 năm sau khi ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, năm 1992, Bắc Kinh ban hành Luật Quốc Gia về Biển mở rộng đường cơ sở của Biển Lãnh Thổ và Vùng Tiếp Cận để xâm phạm chủ quyền chuyên biệt tại các Thềm Lục Địa của Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân.
Ngoài ra, như đã trình bày, ranh giới Lưỡi Rồng Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa không thể coi là biên thùy chiến lược của đảo Hải Nam hay của Hoa Lục. Vì, theo định nghĩa, biên thùy phải nằm sát hải đảo hay lục địa.
Những vi phạm Luật Biển nói trên phải được đệ trình Tòa Án Quốc Tế (The Hague) hay các Tòa Án Luật Biển do Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thiết lập. Muốn giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp về thềm lục địa, về hải phận và hải đảo, về mặt tố tụng, các quốc gia đương tụng phải, trước hết, tuân hành những phương thức điều giải ôn hòa như hòa giải, thương nghị hay trọng tài trước khi nội vụ được thụ lý bởi các tòa án quốc tế.
Ngoài Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, còn có rất nhiều tài liệu lịch sử rút ra từ chính sử hay ngoại sử Trung Quốc theo đó chủ quyền của Việt Nam tại các hải đảo Hoàng Sa Trường Sa đã được thừa nhận bởi các quốc gia trên thế giới kể cả Trung Quốc.
3. Trung Quốc Khước Từ Chủ Quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa và Trường Sa trong Tuyên Cáo Cairo 1943
Trong khi Thế Chiến II còn đang tiếp diễn, năm 1943, ba cường quốc đồng minh đại diện bởi Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill và Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã hội nghị tại Cairo (Ai Cập), và đã ký Tuyên Cáo Cairo ngày 27-11-1943 trong đó có đoạn như sau:
“Đối tượng của các quốc gia đồng minh là tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các lãnh thổ và hải đảo tại Thái Bình Dương mà Nhật đã cưỡng chiếm từ khi khởi sự Thế Chiến I. Tất cả các lãnh thổ và hải đảo mà Nhật Bản đã chiếm đoạt của nhân dân Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ phải giao hoàn cho Trung Hoa Dân Quốc”. Điều đáng lưu ý là, tại Hội Nghị Cairo Tổng Thống Tưởng Giới Thạch không đòi Hoàng Sa và Trường Sa. Và như vậy đã khước từ chủ quyền tại hai quần đảo này. (U. N. Treaty Series, American Policy 1950-1955).
Năm 1931, bằng chiến tranh võ trang, Nhật xâm chiếm Mãn Châu để thành lập “Mãn Châu Quốc”. Lúc này theo khuyến cáo của Luật Sư Ngoại Trưởng Henry Stimson, Tổng Thống Hoa Kỳ Herbert Hoover đề ra Chủ Thuyết Stimson theo đóHoa Kỳ không thừa nhận các quốc gia hay chính phủ thiết lập do chiến tranh võ trang. Năm 1931, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã áp dụng Chủ Thuyết Stimson khi Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu bằng võ lực. Cũng vì vậy trong Tuyên Cáo Cairo 1943 Tổng Thống Roosevelt và Thủ Tướng Churchill tán thành đề nghị của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch về việc Đồng Minh sẽ giao hoàn Mãn Châu cho Trung Quốc khi chiến tranh kết thúc.
Trước đó, trong Chiến Tranh Trung-Nhật 1894-1895, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cũng bị Nhật Bản chiếm cứ bằng võ lực nên cũng sẽ phải giao hoàn cho Trung Quốc.
Tại Biển Đông Hải, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã bị Nhật Bản chiếm cứ bằng võ lực hồi khởi sự Thế Chiến II. Năm 1938 Nhật Bản chiếm 3 đảo tại Hoàng Sa là Phú Lâm, Lincoln và Hữu Nhật (Robert). Năm 1939 Nhật Bản công bố chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa và đổi tên Hoàng Sa thành Hirata Gunto và Trường Sa thành Shinnan Gunto. Nếu quả thật hai quần đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc thì lẽ cố nhiên Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cũng đã đề nghị giao hoàn Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc tại Hội Nghị Cairo 1943.
Theo công pháp quốc tế Tuyên Cáo Cairo 1943 là một hiệp ước quốc tế tạo nên những nghĩa vụ quốc tế áp dụng cho các quốc gia liên hệ. Nó có hiệu lực cưỡng hành đối với Trung Quốc, dầu là Trung Hoa Dân Quốc hay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là quốc gia kế thừa chủ quyền. Đặc biệt là, trong hiện vụ, cả hai phe Quốc Cộng Trung Hoa đều xác nhận như vậy.
Thật vậy, ngày 4-12-1950, Chu Ân Lai, lúc này là ngoại trưởng, tuyên bố tán thành Bản Tuyên Cáo Cairo 1943 là văn kiện lịch sử quốc tế mà Hoa Kỳ, Anh Quốc và Trung Quốc đã ký kết để làm căn bản cho Hòa Ước ký với Nhật Bản (Hòa Ước San Francisco ngày 8-9-1951). (Chou En Lai’s Statement on the Peace Treaty with Japan. People’s China, 12-16-1950).
12 năm sau khi ký, ngày 8-2-1955, trong bản “Duyệt Lại Tình Hình Thế Giới” Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cũng xác nhận Tuyên Cáo Cairo và Tuyên Ngôn Potsdam đã phản ảnh chính xác sự thật lịch sử: “Tôi còn nhớ năm 1943 cố Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt và Thủ Tướng Anh Churchill đã cùng tôi họp Hội Nghị Cairo để thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc tiến hành Chiến Tranh Chống Nhật. Trong Bản Tuyên Cáo công bố vào ngày bế mạc Hội Nghị (27-11-1943) chúng tôi loan báo rằng tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc, kể cả Đông Bắc Tỉnh (Mãn Châu), Đài Loan và Bành Hồ, phải được giao hoàn cho Trung Quốc. Bản Tuyên Cáo này đã được Tuyên Ngôn Potsdam (ngày 26-7-1945) thừa nhận và được Nhật Bản chấp nhận thi hành khi đầu hàng. Như vậy giá trị Tuyên Cáo Cairo đặt căn bản trên những thỏa thuận không ai có thể dị nghị được“. (Review of International Situation, China Publishing Co, Taipei 1956, p.p 22-23).
Tuyên Cáo Cairo ngày 27-11-1943 cũng đã được Liên Sô tán thành tại Hội Nghị Tehran ngày 30-11-1943 giữa Tổng Thống Roosevelt, Thủ Tướng Churchill và Chủ Tịch Stalin. Trong phiên Hội Nghị này Stalin cho biết ông đã đọc Tuyên Cáo Cairo với đầy đủ nội dung của nó. Ông cũng nhìn nhận rằng việc giao hoàn Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ cho Trung Quốc là hợp lý. (The Conferences at Cairo and Tehran 1943, The Foreign Relations of the United States, Washington D.C, 1961)
4. Đồng Minh Không Thừa Nhận Chủ Quyền Lãnh Thổ của Trung Quốc tại Hoàng Sa Trường Sa trong Tuyên Ngôn Potsdam 1945.
Tháng 5-1945 Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh. Tháng 7-1945 Mỹ, Anh và Liên Sô họp Hội Nghị Potsdam (Đức) để thảo luận về tương lai chính trị, đặc biệt về vấn đề tổ chức tuyển cử tại các nước Đông Âu và Trung Âu. Ngoài ra Tuyên Ngôn Potsdam ngày 26-7-1945 còn ấn định thể thức giải giới quân đội Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh tại Thái Bình Dương. Để tước khí giới quân đội Nhật, Đồng Minh quyết định chia Việt Nam thành 2 khu vực giải giới theo Vĩ Tuyến 16: Quân đội Trung Hoa có nghĩa vụ giải giới và hồi hương quân đội Nhật từ Vĩ Tuyến 16 ra Bắc. Và quân đội Anh được ủy nhiệm giải giới và hồi hương quân đội Nhật từ Vĩ Tuyến 16 vào Nam. (Japan Subdued: The End of The War in the Pacific, Princeton Press University, 1961). Theo Tuyên Ngôn Potsdam, Trung Quốc có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật từ Vĩ Tuyến 16 ra Bắc kể cả tại quần đảo Hoàng Sa tọa lạc tại Vĩ Tuyến 16: Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent Group) phía tây nam tại vĩ độ 16o30 và Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group) phía đông bắc tại vĩ độ 16o50.
Trong khi đó quân đội Anh có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật từ Vĩ Tuyến 16 vào Nam, kể cả tại quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các Vĩ Tuyến từ 12o đến 7o (từ Cam Ranh xuống Nam Cà Mau).
Giải giới quân nhân không phải là tiếp thu hay chiếm hữu lãnh thổ. Do đó nếu Anh Quốc không có chủ quyền lãnh thổ tại Trường Sa, thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa. Và lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ tại Trường Sa.
Về việc giải giới quân đội Nhật tại phía Bắc Vĩ Tuyến 16, ngày 28-2-1946 Trung Quốc ký với Pháp Hiệp Ước Trùng Khánhtheo đó “Pháp khước từ trị-ngoại pháp-quyền và các quyền liên hệ khác tại Trung Hoa” (chủ yếu là Pháp trả Trung Quốc các tô giới tại Thượng Hải và Quảng Châu Loan). Để bù lại Trung Quốc đồng ý để quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc Việt thay thế quân đội Trung Hoa giải giới quân đội Nhật tại phía bắc Vĩ Tuyến 16. (Jean R. Sainteny: Histoire D’une Paix Manquée, Indochine 1945-1947).
Một tuần sau Hiệp Ước Trùng Khánh, Chính Phủ Pháp ký với Chính Phủ Hà Nội Hiệp Ước Sơ Bộ Sainteny ngày 6-3-1946theo đó Pháp thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia tự do và tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. Về mặt quân sự 15 ngàn quân Pháp được đồn trú tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Theo tinh thần hợp tác quốc tế, Chính Phủ Hà Nội cam kết sẽ tiếp đón quân đội Pháp vào Bắc Việt để thay thế quân đội Trung Hoa giải giới quân đội Nhật.
Việc này cho biết, khác với Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, Đồng Minh không nhìn nhận Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Lý do là vì, tại Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, Trung Quốc được quyền tiếp thu rồi tự mình đứng ra giải giới quân đội Nhật Bản mà không phải nhờ đến các quốc gia đồng minh Anh Pháp.
5. Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951 Thừa Nhận Chủ Quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Mùa Xuân 1945, 51 quốc gia đồng minh họp Hội Nghị San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc. 6 năm sau, năm 1951, 51 quốc gia đồng minh lại họp Hội Nghị để ký Hòa Ước Cựu Kim Sơn ngày 8-9-1951. Mục đích để chấm dứt tình trạng chiến tranh, phục hồi và tái thiết Nhật Bản nhằm xây dựng hòa bình thế giới trong tinh thần hòa giải, hợp tác và hữu nghị theo tôn chỉ của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và phỏng theo Kế Hoạch Marshall được thi hành từ 1947 để tái thiết Âu Châu.
Năm 1949 Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cướp chính quyền bằng võ trang tại Hoa Lục, và Chính Phủ Trung Hoa Dân Quốc đã di tản sang Đài Loan. Trong điều kiện chính trị này các Quốc Gia Đồng Minh Tây Phương không thừa nhận Chính Phủ Bắc Kinh chiếu Chủ Thuyết Stimson được áp dụng trong vụ Mãn Châu năm 1931. Do đó cả hai Chính Phủ Quốc-Cộng Trung Hoa đều không được mời tham dự Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951.
Trong khi đó, ngày 8-3-1949, Pháp ký với Việt Nam Hiệp Định Elysee để trả độc lập và thống nhất cho Quốc Gia Việt Nam. Ngày 23- 4-1949, chiếu nguyên tắc Dân Tộc Tự Quyết, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ thuộc địa để sát nhập Nam Phần vào Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. Từ đó Việt Nam có tư cách để đứng ra bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ từ Nam Quan đến Cà Mâu. Với tư cách này, Việt Nam được mời tham dự Hội Nghi San Francisco 1951.
Ngày 12-7-1951 Ban Tổ Chức Hội Nghị San Francisco đã phổ biến bản Dự Thảo Hòa Ước trong đó Điều 2 về Lãnh Thổ (Territory) đề cập đến 4 vấn đề chủ yếu sau đây:
(a) Nhật Bản nhìn nhận nền độc lập của Triều Tiên. [sau khi thắng Nga
năm 1905, Nhật thiết lập chế độ thuộc địa tại Triều Tiên].
(b)Nhật Bản khước từ chủ quyền tại các đảo Kurile và Sakhalin [để giao hoàn cho Liên Sô. Trước Chiến Tranh Nga-Nhật năm 1905 các đảo này thuộc chủ quyền của Vương Quốc Nga].
(c) Nhật Bản khước từ chủ quyền tại đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ [để giao hoàn cho Trung Quốc. Những đảo này Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc trong Chiến Tranh Trung-Nhật 1895].
(d) Nhật Bản khước từ chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [để giao hoàn cho Việt Nam].
Đây là một sự thật lịch sử và một quyết định hợp lý. Vì nếu Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc [cũng như Đài Loan và Bành Hồ] thì Điều 2 Hòa Ước San Francisco không cần phải chia thành hai đề mục riêng biệt (c) và (d), mà chỉ cần ghi: “Nhật Bản khước từ chủ quyền tại đảo Đài Loan và các quần đảo như Bành Hồ, Hoàng Sa và Trường Sa” [để giao hoàn cho Trung Quốc].
Khi Nhật Bản tuyên bố khước từ chủ quyền lãnh thổ về Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951, các quốc gia tham dự Hội Nghị đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc, và mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này. Thật vậy:
Ngày 5-9-1951, trong phiên Khoáng Đại Hội Nghị thứ 5, Ngoại Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko đệ trình Tu Chính Án yêu cầu Hội Nghị trao Đài Loan, Bành Hồ, Trường Sa và Hoàng Sa (Nam Sa và Tây Sa) cho Trung Quốc. Tu Chính Án này đã bị Hội Nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng.
Ngày 7-9-1951, trong phiên Khoáng Đại Hội Nghị thứ 7, Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Trần Văn HữuTrưởng Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và không gặp sự phản kháng nào của 51 quốc gia tham dự Hội Nghị (kể cả Liên Sô). Qua hôm sau, ngày 8-9-1951 các quốc gia tham dự Hội Nghị San Francisco chấp thuận toàn bộ Bản Dự Thảo Hòa Ước đặc biệt là Điều 2 quy định nền độc lập của Triều Tiên và giao hoàn 3 nhóm hải đảo tại Thái Bình Dương cho 3 nước Liên Sô, Trung Quốc và Việt Nam.
Về mặt pháp lý, với sự công bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trước 50 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc tham dự Hội Nghị San Francisco 1951, chúng ta khẳng định rằng: Từ 1951 các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các quốc gia trên thế giới thừa nhận thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, chứ không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Việc 92% các quốc gia Đồng Minh hội viên Liên Hiệp Quốc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa có giá trị tuyệt đối (erga omnes: full force and credit), kể cả đối với những quốc gia không tham dự Hội Nghị như Trung Quốc và Đài Loan. (Conference for the Conclusion and Signature of the Peace Treaty with Japan, U. N. Treaty Series, Volume 136, p. 46).
Như ta đã biết, chiếu Chủ Thuyết Stimson ban hành năm 1931, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh như Anh, Pháp không công nhận Chính Phủ Mao Trạch Đông vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cướp chính quyền tại Hoa Lục bằng võ trang hai năm trước đó (1949).
Ba năm sau Hội Nghị San Francisco 1951, Hội Nghị Geneva 1954 đã minh thị xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
6. Hiệp Định Geneva 1954 Minh Thị Xác Nhận các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Chủ Quyền Lãnh Thổ của Việt Nam
Tháng 7-1954, để giải quyết Chiến Tranh Đông Dương, Hội Nghị Geneva được triệu tập với sự tham dự của 9 quốc giagồm Ngũ Cường Mỹ, Anh, Pháp, Liên Sô và Trung Quốc, cùng Ai Lao, Cao Miên và 2 nước Việt Nam là Quốc Gia Việt Nam (Miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc). Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954 một lần nữa, đã minh thị xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa (lúc này là Quốc Gia Việt Nam) tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thật vậy:
a). Điều 4 Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954 quy định như sau:
Giới tuyến giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam (Vĩ Tuyến 17) kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển.
“Lực lượng Liên Hiệp Pháp (gồm có Quốc Gia Việt Nam, Pháp và đồng minh) phải rút khỏi tất cả các hải đảo tại phía Bắc giới tuyến (Vĩ Tuyến 17).
“Quân đội Nhân Dân Việt Nam (Bắc Việt) phải rút khỏi tất cả các hải đảo phía Nam giới tuyến” (Vĩ Tuyến 17) nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 7, từ Quảng Trị xuống Nam Cà Mau).
Do đó chiếu Hiệp Định Geneva 1954, quân đội Bắc Việt phải triệt thoái ra khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tọa lạc về phía nam Vĩ Tuyến 17 (Quảng Trị-Nam Cà Mâu). Và, lẽ tất nhiên, tất cả các quân đội ngoại quốc khác (kể cả Trung Quốc và nhất là Trung Quốc) phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa và không được chiếm cứ hay đồn trú tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kể cả vùng hải phận tại Biển Đông Hải. (Từ 1955 Quốc Gia Việt Nam thay đổi chính thể và lấy quốc hiệu là Việt Nam Cộng Hòa).
Vì Bắc Việt không có chủ quyền lãnh thổ từ Vĩ Tuyến 17 vào Nam, nên Chính Phủ Hà Nội không có tư cách sở hữu chủ để chuyển nhượng vùng hải phận và các hải đảo Hoàng Sa Trường Sa cho bất cứ quốc gia đệ tam nào, kể cả Trung Quốc và nhất là Trung Quốc. Kết quả là Công Hàm Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14-9-1958 không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý.
b). Hơn nữa Điều 24 Hiệp Định Geneva 1954 còn buộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa: “Hiệp định này áp dụng cho tất cả các lực lượng vũ trang của đôi bên. Lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của bên kia và không có hành động nào chống phá hay phong tỏa (bên kia), danh từ lãnh thổ bao gồm cả hải phận và không phận“.
c). Ngoài ra Điều 12 Bản Tuyên Ngôn Sau Cùng của Hội Nghị Geneva ngày 21-7-1954 cũng khẳng định: “Các quốc gia tham dự Hội Nghị Geneva (trong đó có Trung Quốc) cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam“. (Trung Quốc là một trong 9 quốc gia tham dự Hội Nghị Geneva 1954 với Anh Quốc và Liên Sô là đồng chủ tịch). (Thế Nguyên, Đông Dương 1945-1973, Saigon, 1973).
d). Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (1998) cũng khuyến cáo các quốc gia hội viên tránh mọi vi phạm tập thể, thô bạo và có hệ thống bắt nguốn từ sự kỳ thị chủng tộc, đô hộ hay chiếm đóng, gây hấn hay đe dọa chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ bằng cách phủ nhận quyền dân tộc tự quyết và quyền của các dân tộc được hành sử đầy đủ chủ quyền đối với các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước”.
Căn cứ vào những tài liệu lịch sử nói trên, Trung Quốc đã ý thức sự yếu kém của họ về cả ba mặt pháp lý, địa lý và lịch sử. Do đó họ không bao giờ dám công khai thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền các hải đảo và hải phận tại Biển Đông Hải. Họ thường tránh né và cho đó là một vấn đề bất khả tranh nghị. Lý do đơn giản là họ không có tài liệu hay lý lẽ gì để đưa ra tranh nghị công khai trong tinh thần chính đại quang minh.
Tất cả lý lẽ và lập trường của Trung Quốc chỉ thu gọn trong câu: “Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc”. Cách đây 2000 năm, trong thế kỷ thứ nhất, Đế Quốc La Mã cũng đã từng tuyên bố “Địa Trung Hải là Biển Lịch Sử của Chúng Tôi“. Theo các luật gia và chuyên viên hải học trên thế giới, thuyết Biển Lịch Sử của Đế Quốc La Mã và Đế Quốc Đại Hán đã lỗi thời và lạc hậu.
Kể từ 1982, vấn đề Biển Lịch Sử hay Nội Hải đã được giải quyết chung thẩm bởi Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển:
“Tòa Án Quốc Tế định nghĩa “Biển Lịch Sử là Nội Hải, nghĩa là vùng biển tọa lạc trên đất liền về phía bên trong đường cơ sở của Biển Lãnh Thổ. Theo Tòa Án Tối Cao: “Ngoại trừ trường hợp các quốc gia quần đảo (như Phi Luật Tân hay Nhật Bản), Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia nằm bên trong đất liền về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ(The International Court of Justice has defined “historic waters” as “internal water” (Fisherys cases UK vs. Norway, 1951, I. C. J. 116, 130); “Waters on the landward side of the baseline of the territorial sea form part of the internal water of the State” (Art. 8 LOS Convention 1982).
Trong khi đó, Biển Nam Hoa chỉ là ngoại hải chạy từ bờ biển Trung Hoa đến bờ biển Nam Dương, và rộng tới 2000 cây số.
7. Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ
Thêm một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Quốc là cuốn “Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978. Trong bài “Nghiên Cứu về Lịch Sử và Địa Lý” học giả Hsieh Chiao-Min nhận định về cuộc Thám Hiểm của Trung Hoa tại Đại Dương như sau: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương“. Theo những tài liệu lịch sử chính thống “thản hoặc nhà cầm quyền Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ ba và thứ hai Trước Công Nguyên, và tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ 15. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc” suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ ba Trước C. N. đến nhà Thanh từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20).
Dưới đời nhà Minh, Minh Thành Tổ cử Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, đồng thời khai triển Con Đường Tơ Lụa tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục vùng Biển Nam Hoanơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn hải thuyền chỉ đi qua (cross) Biển Nam Hoa nhằm khai phá (explore) Ấn Độ Dương. Phái bộ không hề ghé đến các hải đảo Việt Nam, trạm trú chân duy nhất là Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành. Sau khi Minh Thành Tổ mất, dư luận triều đình nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình nặng phần trình diễn của Trịnh Hòa vì đã làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.
(Throughout most of their long history of cultural and scientific development, the Chinese people have been but passively interested in the ocean. Historical records indicate that from time to time the Chinese authorities sent out maritime exploring expeditions, notably those to Japan as early as the second and third centuries B.C., and to Southeast Asia, India, and Africa during the fifteenth century. Apparently there have been few, if any, planned deep penetrations of the Pacific Ocean by the Chinese during their long history. But Chinese traders did follow the land and water trade routes to India and beyond to Africa and the Middle East, prior to the Renaissance. Chiao-Min Hsieh, Chinese History Middle Ages: China Academy, Taipei, 1978, p. 287.
During a period of twenty-eight years, from 1405 to 1433 Admiral Cheng Ho led seven exploring expeditions into the Pacific and Indian Oceans and visited more than thirty-seven countries. The large exploring expeditions that were to crossthe South China Sea and explore the Indian Ocean were criticized by the court as poor to (an impoverishment of) the country. Chiao-Min Hsieh, Ibid, p. 290-291).
(The Chinese expeditions were diplomatic not commercial, much less piratical or colonizing ventures. John King Fairbank, China, A New History: Harvard University Press 1991, p. 138).
Trong Trung Quốc sử có nhiều tài liệu lịch sử và nhiều tác phẩm của các học giả Trung Hoa xác nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1. Dưới đời Nhà Thanh, trong các thế kỷ từ 17 đến 20, theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ do Chính Phủ ấn hành năm 1894, thì đến cuối thế kỷ 19, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Qua thế kỷ 20 sự kiện này được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: “Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại Vĩ Tuyến 18″. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ Vĩ Tuyến 20 (ngang Thanh Hóa) đến Vĩ Tuyến 18 (ngang Nghệ Tĩnh). Trong khi đó quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ Vĩ Tuyến 17 đến Vĩ Tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và quần đảo Trường Sa tại các Vĩ Tuyến 12-8 (Cam Ranh – Cà Mâu).
2. Trong bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do Chính Phủ ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và không thấy ghi các danh xưng Hán hóa như Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc, Tuyên Đức, v…v….
Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên giậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam“. Như vậy có sự nhìn nhận rằng quần đảo này là biên thùy của Việt Nam.
Theo học giả Marwyn S. Samuels trong cuốn Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa, không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã sát nhập các hải đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc (There is no evidence here that the Ch’ing State had in any sense absorbed the islands into the imperial domain: Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea, Methuen London, 1982, note 31, p.38). Tập Địa Dư Chí Tỉnh Quảng Đông được vua Nhà Thanh duyệt phê năm 1731, không ghi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc (cũng như Bản Đồ Mao Khôn trong cuốn Vũ Bị Chí đời Nhà Minh).
Trong bộ sách địa lý “Đại Thanh Nhất Thống Chí” do Quốc Sử Quán Trung Hoa biên soạn năm 1842 với lời tựa của vua Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông.
Đặc biệt là trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (năm 1744), vùng hải phận của Việt Nam tại Biển Đông Hải được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương.
Ngoài ra cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán xuất bản năm 1695 đời Khang Hi cũng ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông Hải nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đời Nhà Hán, sau khi Hán Vũ Đế thôn tính và đổi tên nước Nam Việt thành Giao Chỉ Bộ, vùng biển Đông Hải chạy từ bờ biển Bắc Việt đến Thanh Hóa, Nghệ An (Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam) có tên là Giao Chỉ Dương.
3. Đời nhà Minh cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi (và cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi đời nhà Tống) cũng gọi Biển Đông Hải là Giao Chỉ Dương. Trong khi đó trên các bản đồ Trịnh Hòa Hạ Tây DươngTrịnh Hòa Hàng Hải Đồkhông thấy ghi các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa với các danh xưng Hán hóa Tây Sa, Nam Sa, Tuyên Đức, Vĩnh Lạc trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa 7 lần đi qua Biển Nam Hoa để khai phá Biển Tây Dương (Ấn Độ Dương).
Theo lịch sử Việt Nam trong hai thế kỷ 14 và 15 có sự giao chiến liên miên giữa Việt Nam và Chiêm Thành. Nếu quả thật nhà Minh đã chiếm đất Chiêm Thành năm 1413 trong chuyến đi thứ tư của Trịnh Hòa, thì lẽ tất nhiên sử sách của Trung Hoa và Việt Nam đã phải ghi chép việc đó. Trong khi đó theo sách Dư Địa Chí đời Hồng Đức, tới hậu bán thế kỷ 15 dưới đời vua Lê Thánh Tông năm 1471, Chiêm Thành đã là lãnh thổ của Đại Việt gồm có lục địa, hải phận và các hải đảo.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí về tỉnh Khánh Hòa thì cuốn Minh Sử cũng ghi chép như sau: “Sứ thần Chiêm Thành nói: Cổ lai đất nước Chiêm có 27 xứ, 4 phủ, 7 châu, 22 huyện, nay vua An Nam lấy đi chỉ còn 5 xứ, từ Bang Đô Lang đến Chân Lạp mà thôi”. Lúc này vua Nhà Minh sai sứ sang yêu cầu vua Lê Thánh Tông trả đất cho Chiêm Thành nhưng Ngài không chịu. (Lý do là vì Minh Chủ không trả đất Nam Việt của Triệu Vũ Đế cho nước Đại Việt).
Những tài liệu lịch sử này cho biết từ thế kỷ 15, các đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn hải phận ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Cũng nên ghi chú rằng từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Nhà Minh để giành lại chủ quyền độc lập đã bị Minh Thành Tổ tước đoạt từ 20 năm trước (1407).
4. Đời nhà Nguyên, trong thế kỷ 13 Trung Quốc bị Mông Cổ thôn tính trong 90 năm. Năm 1257, quân Mông Cổ đánh Vân Nam và tràn sang Đại Việt.
Trước đó trong chiến dịch Tây Tiến, dưới hiệu kỳ Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ đã chiếm giữ vùng Trung Á 6 ngàn dặm đến Hung Gia Lợi và nước Nga tại Bắc Âu và Ba Tư tại Nam Á. Ngoài ra họ còn thôn tính nước Tây Hạ phía tây bắc, nước Kim phía đông bắc rồi tràn sang Triều Tiên. Sau khi dẹp nhà Tống và đặt nền thống trị tại Trung Quốc, Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý hay Vân Nam Phủ. Tuy nhiên, tại Đại Việt, với quân dân một lòng, năm 1257 nhà Trần đã đánh tan quân Mông Cổ tại Đông Bộ Đầu phía đông Sông Nhị Hà. Đây là chiến thắng đầu tiên của Đại Việt đối với nhà Nguyên.
27 năm sau, năm 1284, con Nguyên Chủ là Thái Tử Thoát Hoan kéo quân sang báo thù.
Trong Hội Nghị Diên Hồng các bô lão đồng thanh xin đánh. Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 12 năm 1284 đến tháng 6 năm 1285, quân Đại Việt đã đánh đuổi quân Mông Cổ ra ngoài bờ cõi. Toa Đô bị bắn chết, Ô Mã Nhi bị đuổi quá gấp phải một mình chạy trốn bằng thuyền, trong khi Thoát Hoan phải chui ống đồng lên xe tháo chạy về Tầu.
Thời gian này Hốt Tất Liệt đã có kế hoạch thôn tính quần đảo Phù Tang. Nay quân Thoát Hoan đại bại kéo về, Nguyên Chủ phải đình chỉ kế hoạch Đông Tiến. Và hai năm sau, đầu năm 1287 Thoát Hoan lại tập trung lực lượng kéo quân sang Đại Việt để báo thù lần thứ hai.
Tuy nhiên, cũng như lần trước, chỉ trong vòng một năm quân Mông Cổ đã mua lấy thất bại. Ô Mã Nhi lần này bị bắt sống. Sau đó Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão đại phá quân Nguyên tại Bạch Đằng Giang khiến Thoát Hoan phải thu tàn binh tháo chạy về Yên Kinh. Và tại Thăng Long Trần Nhân Tông đem các tướng nhà Nguyên bị bắt như Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm lễ hiến phù tại Chiêu Lăng.
Đây là một vinh quang của Đại Việt đã ba lần đơn phương phá vỡ kế hoạch Nam Tiến (tại Việt Nam), đồng thời ngăn cản cuộc Đông Tiến (tại Nhật Bản) của đoàn quân Mông Cổ nổi danh là bách chiến bách thắng từ đời Thành Cát Tư Hãn.
Sau ba phen thất bại, Nhà Nguyên không còn dòm ngó Việt Nam cả trên lục địa đến các hải đảo. Và trong các thế kỷ 13 và 14, theo chính sử, quân Mông Cổ không xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo cuốn Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa của Marwyn Samuels “Trong suốt thế kỷ 14 các đội hải thuyền hùng mạnh của nhà Nguyên có đi tuần tiễu, nhưng tại Biển Nam Hoa các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa không bị chiếm đóng và không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc” (sách đã dẫn, trang 20).
Nguyên Sử cũng xác nhận điều đó. Cũng như các sách sử địa đời Nhà Thanh, cuốn Nguyên Sử Địa Lý Chí đã viết như sau: “Cương vực Trung Quốc đời Nhà Nguyên về phía Nam chỉ đến Đảo Hải Nam, và về phía Bắc không quá Sa Mạc Gobi“.
5. Đời Nhà Tống, cũng như trong thế kỷ 13 đời Nhà Nguyên, trong hai thế kỷ thứ 10 và 11, quân Đại Việt cũng đã 3 lần đánh thắng quân Nhà Tống.
Trước hết, đời Tiền Lê, năm 981 Lê Đại Hành phá tan hải quân của Lưu Trừng nhà Tống tại Bạch Đằng Giang.
Đến đời Nhà Lý, năm 1075, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản vây hãm quân Nhà Tống tại Châu Liêm, Châu Khâm (Quảng Đông) vả Châu Ung (Quảng Tây). Qua năm 1076, một lần nữa, Lý Thường Kiệt lại đánh bại hải quân Nhà Tống trên sông Như Nguyệt và sông Phú Lương.
Sau 3 phen thất bại, theo trình tấu của hoàng thân Triệu Nhữ Quát, vua Tống Thần Tông đã phải theo chính sách Trọng Võ Ái Nhân (thận trọng việc võ bị, thương xót mạng người, không phơi binh nơi lam chướng). Và đã thừa nhận nền độc lập của Đại Việt.
Sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát nhìn nhận rằng quần đảo Hoàng Sa mà tác giả gọi là Thiên Lý Trường Sa (Bãi Cát Dài Ngàn Dặm) là đất của nước phiên thuộc Việt Nam, chứ không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong đời Nam Tống cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”.
Nói tóm lại các sách sử địa Nhà Tống không bao giờ ghi chép rằng Trung Quốc đã chiếm hữu các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa như Chính Phủ Bắc Kinh đã xuyên tạc trong “Bản Chú Giải về Đảo Nam Uy và Quần Đảo Tây Sa”ngày 1-tháng 9-1951.
6. Đời Nhà Đường sách Đường Thư Nghệ Văn Chí có đề cập đến cuốn Giao Châu Dị Vật Chí của Dương Phu trong đó tác giả tường thuật những việc kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Như tại Thất Châu Dương (Nhóm An Vĩnh, Hoàng Sa) là nơi có nhiêu từ thạch hay đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt không đi qua được. Đây có sự thừa nhận các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam.
Ngoài ra sách Tứ Di Lộ Trình do Giã Đàm đời Đường khi ghi lộ trình hay hải đạo Hongkong-Tân Gia Ba cũng không ghi các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay các danh xưng Tây Sa, Nam Sa.
Kế tiếp đời nhà Đường là đời Ngũ Đại Thập Quốc (907-960). Đây là một giai đoạn lịch sử phân hóa và suy yếu. Thừa dịp này, năm 939 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán để giành lại chủ quyền độc lập cho Việt Nam.
7. Đời Nhà Hán, trong cuốn Chư Phiên Chí, sử gia Triệu Nhữ Quát đời Nhà Tống đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ như sau:
Năm 111 Trước Công Nguyên, sau khi thôn tính Nam Việt “Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra hai quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (Đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ nhất Trước C.N. Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam, mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ 6 và đầu thế kỷ thứ 7) mới đặt lại quyền cai trị”.
Như đã trình bày, đến cuối đời Nhà Thanh vào đầu thế kỷ 20, biên cương của Trung Quốc về phía Nam chỉ chạy tới quận Quỳnh Châu đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18.
Tổng kết lại, về mặt chính sửtrong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Hán đến sau Thế Chiến II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu nào ghi rằng Biển Đông Hải với Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Mãi tới năm 1951 nhân kỳ Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951, lần đầu tiên Chính Phủ Bắc Kinh mới đưa ra Công Bố ngày 1-9-1951 đòi chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là Bản Chú Giải về Đảo Nam Uy và Quần Đảo Tây Sa theo đó “đảo Nam Uy cùng toàn thể các quần đảo Nam Sa và Tây Sa đều là lãnh thổ của Trung Quốc, các tài liệu lịch sử liên quan đến các quần đảo này có từ đời nhà Tống. (Notes on the Nanwei and Sisha Islands, People’s China, Foreign Language Press, 9-1-1951).
Tuy nhiên lịch sử Trung Quốc đã không ghi nhận như vậy. Như đã trình bày, cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của sử gia Chu Khứ Phi đời Nhà Tống cũng gọi vùng biển Hoàng Sa Trường Sa là Giao Chỉ Dương (biển của nước Giao Chỉ tức Việt Nam đời Nhà Hán).
Qua năm 1956 khi Phi Luật Tân đòi chủ quyền các hải đảo Thái Bình (Itu Aba) và Trường Sa (Spratly), ngày 29-5-1956Chính Phủ Đài Bắc đã lên tiếng phản kháng và chủ trương rằng các hải đảo này đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc từ đời nhà Minh trong thế kỷ 15.
Tuy nhiên cũng như Bản Công Bố Chủ Quyền của Bắc Kinh năm 1951, Bản Phản Kháng Phi Luật Tân năm 1956 của Đài Bắc không viện dẫn được bằng chứng cụ thể nào về pháp lý, địa lý hay lịch sử để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả hai Chính Phủ Trung Hoa chỉ quả quyết suông rằng Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ các đời Hán Vũ Đế, Tống Thần Tông hay Minh Thành Tổ.
Trên thực tế đây chỉ là âm mưu của Chính Phủ Bắc Kinh nhằm khôi phục chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc do Mao Trạch Đông tái phát động từ cuối thập niên 1950. Và để thi đua tranh thủ nhân tâm, Chính Phủ Đài Loan cũng phụ họa luận điệu này. Mặc dầu, như đã trình bày, cho tới tháng 2-1955 Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch vẫn xác nhận giá trị Tuyên Cáo Cairo 1943 trong đó Trung Quốc khước từ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
8. Phục Hồi Chủ Nghĩa Đại Hán
Tháng 5-2008 trên tạp chí Duyệt Lại Nền Kinh Tế Tại Viễn Đông (Far Eastern Economic Review), học giả Micheal A. Ledeen trong Viện Nghiên Cứu Chính Sách của Hoa Kỳ đã mệnh danh chính sách bá quyền của Trung Quốc hiện nay là Chủ Nghĩa Phát Xít Cổ Điển (Beijing Embraces Classical Fascism).
Theo tác giả, thay vì tiếp thu chủ nghĩa đa nguyên theo sự mong đợi của mọi người, giới lãnh đạo Trung Quốc càng ngày càng trở nên giáo điều và bảo thủ. Cũng như tại Ý Đại Lợi 50 năm sau Cách Mạng Phát Xít, Nhà Nước Ý vẫn giữ nguyên chế độ độc tài và chủ yếu vẫn đàn áp chính trị. Để biện minh cho chế độ, họ đã nêu lên quan hệ về sự vinh quang cổ xưa của dân tộc Ý thời Đế Quốc La Mã. Ngày nay, để phỏng theo Chủ Nghĩa Phát Xít Cổ Điển Ý, Bắc Kinh cũng đề xướng “Dân Tộc Hán Vĩ Đại“. Mục đích để giữ chặt quyền lực chính trị hầu phục hồi Đế Quốc Đại Hán.
Đây chính là Chủ Nghĩa Đại Hán được xây dựng và phục hồi. Với “tứ hiện đại hóa” Trung Quốc ngày nay đã biểu lộ tính hiếu chiến trong chính sách bành trướng cả về kinh tế lẫn chủ quyền lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh để hy vọng có ngày đủ phương tiện nhằm lọai trừ hay phòng ngừa sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Á Châu Thái Bình Dương. Trong khi chờ đợi họ phóng kim ngân để tích cực vận dụng thông tin tuyên truyển hầu giành cảm tình và sự thán phục của các quốc gia trên thế giới. Sau đó, theo truyền thống và tự hào lịch sử, họ sẽ bước vào giai đoạn đối đầu với phe Dân Chủ Tây Phương. Họ kỳ vọng rằng với quyết tâm và phát triển kinh tế, hệ thống Trung Quốc sẽ nổi bật trên thế giới khiến các quốc gia khác phải khâm phục và mặc nhiên chấp thuận để họ thôn tính các vùng lãnh thổ và hải đảo tại Á Châu.
Những nhận định nói trên của ký giả Micheal A. Ledeen cũng là những nhận định của Tiến Sĩ Lo Chi-Kin từ Hong Kong trong Luận Án Tiến Sĩ đệ trình Đại Học Kinh Tế Chính Trị Luân Đôn năm 1986 : Đối với Trung Quốc, những lãnh thổ phụ dung trước kia đã được Trung Quốc chinh phục và khai hóa, nay phải trả lại (Trung Quốc) văn minh chứ không thể thuộc về phe (Đế Quốc) dã man (Territory once won for civilization must not be given back to barbarism: Chi-Kin Lo, China’s Policy Towards Territorial Disputes, Routledge London, 1989).
Trong thập niên 1960 khi phát động Cách Mạng Văn Hóa, Trung Quốc đã viện dẫn nguyên tắc này để giành giật chủ quyền lãnh thổ trong Chiến Tranh Biên Giới Ấn-Hoa. Lúc này chính sách ngoại giao của Bắc Kinh nhằm thu hồi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Đế Quốc Trung Hoa thời cực thịnh. Đó là quan niệm “trật tự thế giới theo truyền thống Trung Quốc“.
Từ sau Chiến Tranh Biên Giới Hoa-Ấn năm 1962, mọi người nhìn rõ tham vọng không bao giờ thỏa mãn của Trung Quốc muốn đòi những lãnh thổ mà họ đã thôn tính trong lịch sử. Chính sách này được phổ biến năm 1954 trong cuốn “Lược Sử Tân Trung Quốc” có kèm theo bản đồ, nhắc lại lời Mao Trạch Đông: “Tất cả các lãnh thổ và hải đảo thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đã từng bị phe Đế Quốc Tây Phương và Nhật Bản chiếm đoạt từ giữa thế kỷ 19 đến sau Thế Chiến I, như Ngoại Mông, Triều Tiên, “An Nam”, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Bhutan, Nepal, Ladakh, Hồng Kông, Macao, cùng những hải đảo Thái Bình Dương như Đài Loan, Bành Hồ, Ryukyu, Sakhalin, phải được giao hoàn cho Trung Quốc“.
Đây là khát vọng bá quyền của Trung Quốc không bao giờ thỏa mãn. Đế Quốc Ngai Rồng phát hiện từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế và Minh Thành Tổ đã được Mao Trạch Đông chủ trương phục hồi từ 1955.
Trong cuốn Cách Mạng Trung Quốc và Lịch Sử Đảng Cộng Sản Trung Quốc xuất bản sau năm 1949 có đoạn như sau:
“Sau khi đánh bại Trung Quốc trong chiến tranh võ trang, các đế quốc đã thôn tính nhiều nước phụ dung của Trung Quốc: Nhật Bản chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Bành Hồ, các đảo Ryukyu, và Port Arthur. Anh chiếm Miến Điện, Bhutan, Nepal và Hong Kong; Pháp chiếm “An Nam”; và ngay cả một quốc gia vô nghĩa như Bồ Đào Nha cũng chiếm Macao”.
(In earlier days, especially in the immediate aftermath of the Sino-Indian border war of 1962, a popular interpretation of China’s policies towards territorial disputes was that they were dictated by insatiable irredentist ambitions. It has been claimed that it is the belief of the Chinese that territory once won for civilization must not be given back to barbarism. Therefore territory which was once Chinese must forever remain so, and, if lost, must be recovered at the first opportunityC. P. Fitzgerald, The Chinese View of Foreign Relations, 1963.
In defeating China in war, the imperial states have taken away many Chinese dependent states and a part of her territories. Japan took away Korea, Taiwan, the Ryukyu Islands, the Pescadores and Port Arthur; Britain seized Burma, Bhutan, Nepal and Hongkong; France occupied “Annam”; and even an insignificant country like Portugal took Macao.
Mao’s remark is believed to have lent weight to the irredentist interpretation of China’s territorial policies. Guy Searls, Communist China’s Border Policy, Dragon Throne Inperialism? Hongkong 1963).
(Irredentist interpretation means an advocate of the recovery of lands of which his nation has been deprived, or, of territory historically or culturally related to his nation but now subject to a foreign government).
Nhận định nói trên của họ Mao đã yểm trợ cho chính sách thổ địa của Trung Hoa với quan niệm cực đoan cho rằng, về phương diện lịch sử và văn hóa, bất cứ lãnh thổ nào trước kia thuộc ảnh hưởng Trung Quốc hiện bị các đế quốc (Tây Phương) xâm chiếm, nay phải giao hoàn cho Trung Quốc.
Riêng tại Việt Nam và vùng Biển Đông Nam Á, Trung Hoa đề ra thuyết Biển Lịch Sử và chủ trương rằng họ đã viện dẫn rất nhiều tài liệu lịch sử từ thời cổ xưa cho biết họ đã khám phá và chiếm cứ những hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó họ tự cho có ưu thế trên lãnh vực lịch sử và khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo trong Biển Nam Hoa là vấn đề “bất khả tranh nghị” (Both contentions are strong: the ancient title based on immemorial possession or discovery- occupation).
Điều đáng lưu ý là Bắc Kinh mới chỉ chính thức lên tiếng đòi chủ quyền tại Biển Đông Hải ngày 1-9-1951 viện cớ họ đã chiếm cứ Hoàng Sa Trường Sa từ đời Nhà Tống (thế kỷ thứ 10).
Trong khi đó, 5 năm sau, ngày 29-5-1956, trong bản kháng nghị Phi Luật Tân tại Trường Sa, Đài Bắc lại chủ trương rằng Trung Quốc chỉ thủ đắc chủ quyền các hải đảo này từ đời Nhà Minh (thế kỷ 15).
Trong mọi trường hợp, người Trung Hoa, dầu là quốc gia hay cộng sản vẫn chỉ căn cứ vào những tài liệu ngoại sử, vàothuyết Biển Lịch Sử và thuyết Thủ Đắc Chủ Quyền do Khám Phá và do Chiếm Cứ. Họ chủ quan cho đó là lập trường ưu thắng không ai có thể phủ nhận hay bác bỏ.
Nếu quả thật muốn trung thành với chủ trương phải giao hoàn các lãnh thổ bị lấn chiếm do chiến tranh võ trang, thì trước hết Trung Quốc phải giao hoàn cho Việt Nam toàn thể lãnh thổ nước Nam Việt do Triệu Vũ Vương thiết lập năm 207 Trước C. N. bao gồm vùng trung nguyên Trung Quốc với các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam và Việt Nam. Năm 181 Trước C. N., sau khi đánh thắng quân Tây Hán tại quận Trường Sa, Triệu Vũ Vương xưng đế hiệu là Nam Việt Hoàng Đế, ngang hàng với Hán Cao Tổ tại miền Bắc. Năm 157 Hán Văn Đế sai Lục Giả đưa quốc thư khuyến dụ Triệu Vũ Đế từ bỏ đế hiệu với lời cam kết sẽ để Triệu Vũ Vương được toàn quyền cai trị vùng trung nguyên Trung Quốc từ Ngũ Lĩnh đến bờ biển Việt Nam.
Tuy nhiên năm 111 Trước C. N. Hán Vũ Đế đã phản bội cam kết của các tổ phụ và tiên vương nhà Tây Hán như Hán Cao Tổ và Hán Văn Đế. Và đã đem quân thôn tính Nam Việt nhằm Hán hóa vùng lãnh thổ này, mặc dầu Nam Việt có nền văn hóa và văn minh khác biệt với các dân tộc du mục miền Bắc. Đó cũng là nhận định của Giáo Sư C. P. Fitzgerald tại Đại Học Oxford: “Trong trường hợp nước Nam Việt giữ vững chủ quyền độc lập với nền văn hóa đặc thù của Miền Nam, thì dầu nhà Hán có chiếm được miền Quảng Châu và Vân Nam, họ cũng sẽ không thành công trong việc thiết lập ảnh hưởng tại vùng châu thổ Sông Tây Giang phía đông nam Trung Quốc”. (Had Nan Yueh remained independent, it is very possible a separate culture would have arisen in the south, and the Chinese might never have established their influence in the valley of West River. C. P. Fitzgerald: China, A Short Cultural History, Oxford University Press 1953, p.184).
Điều nghịch lý là, dầu quả quyết nắm chắc phần thắng trong tay, Trung Quốc không bao giờ dám công khai đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền hải đảo và hải phận tại Biển Đông Nam Á ra trước các cơ quan trọng tài quốc tế, kể cả các cơ quan điều giải do các quốc gia đệ tam vô tư phụ trách.
(Ironically, despite most of the existing studies having found in favour of China’s position over to islands, it appears thatChina has been most reluctant to subject the disputes to international legal arbitrationChi-Kin Lo. Ibid).
Ngay từ năm 1932, trong vụ tranh chấp về quyền khai thác phốt phát trên quần đảo Hoàng Sa, đại diện Việt Nam, Chính Phủ Pháp đã viện dẫn những tài liệu lịch sử để xác định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này. Để tỏ thiện chí hòa giải, Pháp đề nghị đưa vụ tranh chấp Hoàng Sa ra trước Tòa Án Quốc Tế là cơ quan tư pháp tối cao có thẩm quyền công bố những quan điểm tham vấn (consultative opinions). Tuy nhiên Trung Quốc đã tránh né và không dám công khai trình bầy những quan điểm pháp lý và những tài liệu lịch sử mà họ thường phô trương. (Báo cáo của Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier năm 1932 hiện lưu trữ tại Văn Khố Bộ Ngoại Giao Pháp).
Ngày nay chúng ta thách thức Trung Quốc công khai đưa vụ tranh chấp chủ quyền các hải đảo và hải phận tại Biển Đông Hải ra trước các cơ quan tài phán, trọng tài, hòa giải hay tham vấn theo thủ tục quốc tế (international litigation, arbitration, legal mediation or judicial consultation).
Giáo Sư Fairbank tại Đại Học Harvard và Giáo Sư Fitzgerald tại Đại Học Oxford cho rằng Trung Quốc vẫn chủ trương duy trì một trật tự thế giới nhằm tái lập vai trò bá chủ truyền thống của họ. Quá trình lịch sử của Trung Quốc đã ảnh hưởng quyết định đến chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh. Họ chỉ giảo hoạt nương theo trào lưu tiến hóa lịch sử để duy trì địa vị và uy thế, bất kể những mục tiêu tinh thần của Liên Hiệp Quốc như bình đẳng, hợp tác và hữu nghị giữa các quốc gia hội viên trên thế giới.
(Some historians like Fairbank and Fitzgerald believe in the existence of a Chinese traditional world order, or a traditional view of “their place in the world”. This historical legacy continues to exert an important influence on China’s foreign policy today. In Fitzgerald’s words “the Chinese view of the world has not fundamentally changed: it has been adjusted to take account of the modern world, but only so far as to permit China to occupy, still, the central place in the picture”, C. P. Fitzgerald, The Chinese View of Their Place in the World: Oxford University Press 1964: 68-72. J. K. FairbankThe Chinese World Order, Harvard University Press, 1968 and China‘s World Order, Encounter, December 1968:14-20).
Hiện nay, tại vùng Biển Đông Nam Á, rập theo tham vọng của Đế Quốc La Mã hồi thế kỷ thứ nhất coi Địa Trung Hải là Biển Lịch Sử La Mã, Bắc Kinh cũng đưa ra thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc và coi đó là mục tiêu chiến lược từ sau Thế Chiến II. Nhất là từ 1982 khi Trung Quốc ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển tại Montego Bay, Jamaica.
Tuy nhiên thuyết Biển Lịch Sử ngày nay đã lỗi thời. Nó đi trái những điều khoản của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và đi trái Luật Tục Lệ Quốc Tế của Tòa Án Quốc Tế The Hague.
9. Biển Lịch Sử và Thuyết Thủ Đắc Chủ Quyền
Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Tông, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ 20 (năm 1951), Trung Quốc không bao giờ lên tiếng đòi chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Họ khẳng định đó là một vấn đề “bất khả tranh nghị”. Để tránh né mọi cuộc tranh luận công khai trước các cơ quan điều giải, trọng tài hay tố tụng. Lý do là vì họ không đưa ra được quan điểm pháp lý hay một bằng chứng lịch sử khả tín nào cho thấy họ có chủ quyền tại các quần đảo này.
Năm 1982, sau khi ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh tập hợp 400 học giả, ngày đêm nghiên cứu, thảo luận trong suốt 10 năm để kết luận rằng “Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay”. Rồi họ hội nghị với 100 nhà trí thức Đài Loan để xác định chủ trương này.
Tuy nhiên về mặt Công Pháp Quốc Tế, chiếu án lệ của Tòa Án Quốc Tế The Hague, muốn có Biển Lịch Sử phải hội đủ 3 điều kiện:
1) Phải có sự hành sử chủ quyền;
2) Một cách liên tục và trường kỳ; và
3) Được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải, đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện.
Dầu sao Tòa Án Quốc Tế đã định nghĩa “biển lịch sử là nội hải”.
Năm 1982 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã kết thúc mọi cuộc tranh luận khi quy định trong Điều 8 như sau:
“Ngoại trừ trường hợp các quốc gia quần đảo [như Phi Luật Tân hay Nhật Bản] Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia nằm bên trong đất liền, về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ. The International Court of Justice has defined historic waters as “internal water” (Fisherys cases UK vs. Norway, 1951, I. C. J. 116, 130); “Waters on the landward side of the baseline of the territorial sea form part of the internal water of the State” (Art. 8 LOS Convention 1982).
Ngoài ra Trung Quốc còn nêu lên thuyết Thủ Đắc Chủ Quyền các đất vô chủ, thủ đắc do khám phá và thủ đắc do chiếm cứ.
A. Thủ Đắc do Khám Phá (Acquisition by Discovery).
Theo các tài liệu do Bắc Kinh xuất trình, từ hơn 2000 năm nay, dưới đời nhà Hán, với 100 ngàn hải quân, Đô Đốc Yang Pu đã khám phá các hải đảo tại Biển Nam Hoa, và do đó đã thủ đắc chủ quyền các hải đảo này.
Lý luận này hoàn toàn vô căn cứ:
1) Trước hết không có tài liệu khách quan vô tư nào kiểm chứng có sự tuần thám của 100 ngàn hải quân Trung Quốc tại các tiểu đảo san hô trên Biển Đông Hải. Có chăng chỉ là đội hải thuyền của Tào Tháo mượn lệnh Hán Đế đi thôn tính Đông Ngô và đã bị Chu Du và Gia Cát Lượng đánh tan trong Trận Xích Bích.
Vả lại, như đã trình bày, trong thế kỷ thứ I Trước C.N, quân Nhà Hán đã rút khỏi đảo Hải Nam cho đến cuối thế kỷ thứ 6 mới đặt lại quyền cai trị.
Hơn nữa, sử sách đời Nhà Thanh còn ghi rõ “đến cuối thế kỷ 19, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18 là hết”. Như vậy trong 20 thế kỷ, từ đời Nhà Hán đến đời Nhà Thanh, hải quân Trung Quốc không chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tọa lạc về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến thứ 8 (Quảng Trị-Cà Mâu).
2) Vả lại kẻ khám phá không đương nhiên là kẻ sở hữu. Hoa Kỳ đã khám phá mặt trăng, treo cờ, lấy đá, chạy xe thử nghiệm và chiếm cứ tượng trưng nhiều lần. Nhưng không phải vì các hành động này mà Hoa Kỳ có thể tuyên bố: “Mặt trăng thuộc chủ quyền không gian của Hoa Kỳ”.
3) Các nhà thám hiểm hàng hải quốc tế từ thế kỷ 15, như Christopher Columbus khám phá Châu Mỹ, Vasco de Gama khám phá Mũi Hảo Vọng tại Phi Châu và các hoang đảo tại Ấn Độ Dương; Magellan đi xuyên ba đại dương từ Đại Tây Dương vượt Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, khám phá quần đảo Phi Luật Tân và hải đảo Guam. Vậy mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng không đòi chủ quyền các hải đảo này. Cũng trong tinh thần đó, năm 1867 Hải Quân Anh đã phát hiện Quần Đảo Trường Sa và đặt tên là Spratleys. Vậy mà Anh Quốc cũng không đòi chủ quyền các hải đảo này, dầu rằng, theo Tuyên Ngôn Potsdam 1945, Anh Quốc được Đồng Minh trao nghĩa vụ giải giới Quân Đội Nhật tại Spratleys.
4) Vẫn theo tinh thần đó, khám phá ra Bắc Cực, Nam Cực, rồi cắm cờ, dựng bia kỷ niệm cũng không có hiệu lực ban bố chủ quyền cho người chinh phục.
B. Thủ Đắc do Chiếm Cứ (Acquisition by Occupation)
Theo công pháp quốc tế, muốn thủ đắc chủ quyền các đất vô chủ (terra nullius), sự chiếm cứ phải có những đặc tính sau đây:
1) Chiếm cứ thực sự.
Tại Trường Sa trong số các đảo, cồn, đá, bãi có danh xưng quốc tế, Trung Quốc chiếm 8 đơn vị, Đài Loan chiếm đảo Ba Bình hay Thái Bình, trong khi Việt Nam chiếm 21 đảo và Phi Luật Tân chiếm 8 đảo..
2) Chiếm cứ công khai.
Sự chiếm cứ phải có tính công khai, không thể ngấm ngầm như trường hợp Trung Quốc lấn chiếm và xây công sự tại đá chìm Mischief trên thềm lục địa Phi Luật Tân năm 1995.
3) Chiếm cứ hòa bình.
Không có sự chối cãi rằng trong năm 1956 hải quân Trung Quốc đã chiếm cứ võ trang 7 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm An Vĩnh phía đông bắc.
Năm 1974 Trung Quốc lại dùng võ lực xâm chiếm 6 hải đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm phía tây nam.
Năm 1988, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tấn công võ trang các đảo Trường Sa, và đã chiếm Đá Chữ Thập và Đá Gaven cùng một số đá chìm và bãi ngầm.
Năm 1992, Trung Quốc lại dùng võ lực xâm chiếm Bãi Vạn An trên Thềm Lục Địa Việt Nam phía đông nam các Bãi Thanh Long và Tứ Chính.
Những vụ chiếm cứ này không có tính hòa bình mà do xâm lăng võ trang nên không được luật pháp và tòa án bảo vệ. Vì nó đi trái Điều 2 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Cũng như thời Thế Chiến II, Nhật Bản đã chiếm cứ Hoàng Sa và Trường Sa bằng võ lực nên không có tư cách chủ quyền hợp pháp.
4) Chiếm cứ liên tục và trường kỳ
Cho đến năm 1951 Trung Quốc không bao giờ lên tiếng đòi chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, ít nhất từ 1816 dưới đời Vua Gia Long, Việt Nam đã chiếm cứ công khai, liên tục, hòa bình các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bia chủ quyền do người Pháp dựng năm 1938 có ghi:
République Francaise (Cộng Hòa Pháp)
Empire D’Annam (Vương Quốc Việt Nam)
Archipel des Paracels (Quần Đảo Hoàng Sa)
1816 -Ile de Pattle- l938 (Đảo Hoàng Sa)
Chiếm cứ năm 1816 và dựng bia năm 1938)
Các căn cứ quân sự của người Pháp được thiết lập từ đầu thập niên l930. Đài Khí Tượng Hoàng Sa mang số 48860 thuộc Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới bắt đầu hoạt động từ 1938. Trước đó, trong thập niên 1920, Công Ty Phosphate Bắc Kỳ đã khởi sự khai thác phân chim. Ngoài ra còn có hải đăng, Miễu Bà, Nhà Thờ Thiên Chúa, cầu tàu và các nhà cửa công sự xây cất với sự đồn trú của Đội Phòng Vệ Đông Dương và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sự chiếm cứ này có tính công khai, hòa bình, trường kỳ và liên tục cho đến 1956 và 1974 khi hải quân Trung Quốc xâm lăng.
Lịch sử Trung Quốc không mang lại bằng chứng khách quan vô tư nào cho biết họ đã liên tục chiếm cứ, công bố và hành sự chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa từ các đời Hán Vũ Đế, Tống Thần Tông, Minh Thành Tổ hay Càn Long. Nếu chỉ có một số ngư dân lẻ tẻ từ đảo Hải Nam đến đánh cá theo mùa thì cũng không có sự công bố và hành sử chủ quyền của Nhà Nước Trung Hoa.
5) Hơn nữa sự chiếm cứ phải được sự thừa nhận của các quốc gia liên hệ.
Như đã trình bày, năm l951, 51 quốc gia đồng minh họp Hội Nghị Hòa Bình Cựu Kim Sơn để ký Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản, trong đó Nhật Bản từ bỏ chủ quyền về Hoàng Sa Trường Sa nhưng không nói để trả cho nước nào. Ngoại Trưởng Liên Sô yêu cầu Hội Nghị biểu quyết trao Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Quốc. Nhưng Hội Nghị đã bác bỏ thỉnh cầu này với 46 phiếu chống và 3 phiếu thuận . Sau đó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Quốc Gia Việt Nam lên diễn đàn công khai tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa Trường Sa và không gặp sự phản kháng nào.
Sự thừa nhận chủ quyền hải đảo chỉ có ý nghĩa nếu xuất phát từ các quốc gia duyên hải đối diện và tiếp cận. Vì các đảo này tọa lạc tại Biển Đông Nam Á, nên chỉ các quốc gia Đông Nam Á mới có thẩm quyền thừa nhận. Mà cho đến nay trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á không một nước nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều đáng lưu ý là, cho đến những năm 1956, 1974, 1988 và 1992 các đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã do Việt Nam chiếm cứ công khai, hòa bình và liên tục nên không thể coi đó là đất vô chủ. (terra nullius)
Như vậy thuyết Thủ Đắc Chủ Quyền do Khám Phá hay do Chiếm Cứ do Trung Quốc viện dẫn đã trở thành vô dụng. Nó chỉ dựa vào những lời tuyên bố suông, những khẩu thuyết vô bằng. Hơn nữa nó vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đồng thời vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Do đó, về mặt công pháp quốc tế, Thuyết Biển Lịch Sử không còn là một vấn đề tranh nghị tại các cơ quan trọng tài hay các Tòa Án Luật Biển. Vì thuyết này đi trái với Luật Tục Lệ Quốc Tế của Tòa Án Quốc Tế và đã bị Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bác bỏ trong Điều 8.
Vì biết rõ điều đó nên Trung Quốc không bao giờ dám đưa vụ tranh chấp hải phận và các hải đảo tại Biển Đông Nam Á ra trước Tòa Án Quốc Tế, Tòa Án Luật Biển hay trước các cơ quan Trọng Tài và Điều Giải của Liên Hiệp Quốc.
Trong mọi trường hợp, dầu cực đoan đến mấy, ngày nay Bắc Kinh không còn dám yêu sách đòi chủ quyền lãnh thổ tại một số các quốc gia Đông Á như Triều Tiên, Miến Điện, Nepal, hay Việt Nam mà Mao Trạch Đông thường miệt thị là “nước phụ dung An Nam”
10. Tín Nghĩa và Quyền Mưu
Muốn hội nhập vào cộng đồng nhân loại văn minh, thay vì tổ chức các thế vận hội về thể dục thể thao hay các hội chợ thế giới về văn hóa kỹ thuật với tác dụng phô trương tuyên truyền, Bắc Kinh nên trở về với tín nghĩa, pháp lý và đạo lý. Bằng cách tôn trọng danh dự quốc gia và chữ ký của mình để nghiêm chỉnh thực thi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà họ đã ký kết tham gia từ 28 năm nay. Nếu đi ngược trào lưu tiến hóa của nhân loại văn minh và trọng pháp, Trung Quốc sẽ bị các quốc gia trên thế giới chê cười và tẩy chay do thái độ trí trá, tiền hậu bất nhất, nói một đàng làm một nẻo.
Theo các nhà minh triết cổ kim có hai con đường lập quốc:
Lấy tín nghĩa mà lập quốc là theo chính đạo.
Lấy mưu mô quỷ quyệt mà trị nước là theo tà đạo.
Con đường này sẽ đưa đất nước đến suy vong.
(Tín nghĩa lập nhi nhân đạo, quyền mưu lập nhi vong quốc).
Tài liệu soạn cho các sinh viên Việt Nam ở trong nước
các sinh viên Việt Nam tại hải ngoại
và các sinh viên Việt Nam du học tại hải ngoại
Mùa Xuân 2010
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống

(Nguồn:www.dahieu.com/hoangsa_truongsa/hoangsatruongsatheotrungquocsu.pdf )

Sunday, 9 February 2014

Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội (Bùi Phan Kỳ - Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội 
17:36 | 24/11/2010
(ĐCSVN) - Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản giữ cho đảng cộng sản khó chấp nhận các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội. Tập trung dân chủ là một "pháp bảo" về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân,” tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới; Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản giữ cho đảng cộng sản khó chấp nhận các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hộị.

Những kẻ mắc hội chứng "chống Cộng" mãn tính, khi dùng cách "bới lông tìm vết" và "bóp méo" sự thật để phủ định quyền lãnh đạo của đảng cộng sản với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thường đi từ những định kiến cố hữu để mô tả đảng cộng sản như một tổ chức độc tài, nếu không "gia đình trị” như đảng "Cần lao nhân vị" của họ Ngô thì cũng độc đoán như đảng Quốc xã của Hítle, ở đó, những người có quyền lực muốn làm gì tuỳ ý. Cũng không ít kẻ đã từng là đảng viên cộng sản nhưng chưa bao giờ thực sự biết đến nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, đã tuỳ tiện chà đạp lên nguyên tắc “tập trung dân chủ” mà vẫn luôn tự nhận là “đảng viên chân chính”, “chẳng hiểu vì sao” lại bị đối xử bất công! Bất cứ ai chăm lo xây dựng Đảng đều hiểu rõ "tập trung dân chủ" là nguyên tắc tổ chức cơ bản mở ra một loạt các nguyên tắc cụ thể cho mọi tình huống hoạt động, không cho phép bất kỳ ai được quyền cá nhân quyết định một vấn đề gì trái với nghị quyết của tập thể. Cho đến lời nói và việc làm cũng không được trái với nghị quyết chung, dù cá nhân đó khi cần thiết vẫn được quyền bảo lưu ý kiến thiểu số, được phản ánh lên cấp trên xem xét. Trong các cơ sở đảng thực sự vững mạnh, từ các đảng viên lão thành đến lớp đảng viên trẻ, mọi người đều coi bảo vệ nguyên tắc tổ chức là nghĩa vụ hàng đầu của người đảng viên cộng sản.

Có thể nói, toàn bộ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài đoạn mở đầu nói gọn về quá trình hình thành, bản chất tôn chỉ mục đích của Đảng, tất cả các chương, điều còn lại đều thể hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” trên từng mặt hoạt động của ĐảngÝ thức tổ chức tự giác là nét riêng nổi bật để phân biệt đảng viên cộng sản với bất cứ đảng nào khác.

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản” có thể giải thích gọn là nguyên tắc quy định mọi công việc của Đảng đều phải đưa cho toàn thể đảng viên bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, rồi tập trung mọi ý chí và hành động của từng đảng bộ cho tới đảng viên trong toàn Đảng vào các trung tâm lãnh đạo của từng cấp. Những trung tâm đó không bao giờ là một cá nhân mà là một tập thể đã được toàn thể đảng viên trong đảng bộ lựa chọn và bầu cử bằng phiếu kín, không chịu áp lực của bất cứ thế lực nào. Trong lịch sử lâu dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ xảy ra tình trạng những đảng viên bình thường vì không bầu cho người có quyền thế không xứng đáng mà bị gây phiền nhiễu.

Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó khi vận dụng vào từng hoạt động cụ thể, từ việc kết nạp đảng viên, thảo luận và quyết định công việc của Đảng, phân công công tác trong các cấp uỷ, xét kỷ luật đảng viên... đều chuyển thành các nguyên tắc cụ thể, không cho phép bất cứ cá nhân nào thao túng để mưu tính lợi riêng. Muốn xin vào Đảng, dù là ai, nếu không được tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tín nhiệm, thừa nhận là cảm tình Đảng, có trình độ giác ngộ nhất định, có phẩm chất và năng lực, được ban chấp hành các đoàn thể và đảng viên cũ giới thiệu thì có "thần thế" đến đâu cũng không ép được cả một chi bộ biểu quyết đồng ý kết nạp vào Đảng. Thảo luận công việc thì hoàn toàn tự do, không ai cấm ai được nói hết ý của mình nhưng khi biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số, có biên bản ghi chép và được đọc lại cho toàn chi bộ nghe rõ. Ai cần bảo lưu ý kiến được ghi vào biên bản, báo cáo cấp trên xem xét. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" không cho phép bất cứ đảng viên nào được nói và làm trái nghị quyết chung. Khi cấp uỷ bàn bạc để triển khai nghị quyết của Đảng bộ thì phải thực hiện "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Không ai có quyền "xông" vào lĩnh vực mình không được tập thể phân công.

Mối quan hệ trong nội bộ Đảng thì cá nhân phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương, toàn Đảng phải phục tùng đại hội. Giữa 2 nhiệm kỳ đại hội là cấp uỷ từng cấp do Đại hội bầu ra... Do từng đảng viên được giáo dục điều lệ, hiểu rõ từng phần của nguyên tắc tổ chức cơ bản, những đảng bộ giữ vững nguyên tắc tổ chức thường rất ít khi phát sinh các vấn đề phức tạp. Khi xảy ra hiện tượng đột xuất mà giải quyết đúng nguyên tắc tổ chức đều không gây nên hậu quả gì nghiêm trọng. Qua màng lưới sàng lọc đó, không một thiên hướng cơ hội chủ nghĩa nào có thể đứng vững. Đó là thực tiễn mà tác giả đã tự thân trải nghiệm trong suốt 65 năm sinh hoạt Đảng đều đặn, qua rất nhiều đảng bộ từ dân sự đến quân sự, ở nhiều cấp bộ, vùng miền, không phải là lý thuyết.



Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức xương sống rất ưu việt của đảng cộng sản. Tập trung dân chủ là một "pháp bảo" về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”, tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới.


"Tập trung dân chủ" không phải là nguyên tắc tổ chức riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà là nguyên tắc tổ chức cơ bản rút ra từ “học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới” của Lênin, tổng kết kinh nghiệm suốt từ cuộc vận động cách mạng đầu tiên của K.Marx và F.Engels, trải qua 2 tổ chức quốc tế tới cuộc đấu tranh thành lập Quốc tế Cộng sản, gắn với cuộc đấu tranh chống phái menchevik trong đảng CNDCXH Nga để thành lập ĐCS Nga. Mấy nét dưới đây nhằm ôn lại quá trình gian khổ đó:

Từ 6/1847, K.Marx và F.Engels thành lập "Liên đoàn những người cộng sản" trước khi xuất bản "Tuyên ngôn của ĐCS" vào năm 1848, thành tổ chức tiền thân của Quốc tế I. Sau 5 năm truyền bá chủ nghĩa Marx, Liên đoàn tuyên bố tự giải tán ngày 17/11/1852 sau "vụ án những người cộng sản" ở Cologne. Mới qua bước khởi đầu, "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đã chỉ ra hàng loạt khuynh hướng cơ hội đều nhân danh CNXH, cùng hàng loạt luận điểm của các học giả tư sản tấn công hòng tiêu diệt CNXH, đủ biết ở bất kỳ thời nào, CNXH cũng phải sẵn sàng chống lại 2 đối thủ: chủ nghĩa cơ hội và các học giả "chống Cộng".

Vào thập niên 20 của thế kỷ XIX, khi những chính đảng đầu tiên của giai cấp tư sản công nghiệp đã lần lượt ra đời, như Đảng Bảo thủ Anh (1818), Đảng Dân chủ Mỹ (1828), rồi đến Đảng Cộng hoà Mỹ (1854)...đều đã thực sự trở thành đảng nắm giữ chính quyền, các nhà sáng lập CNXH khoa học ý  thức rõ trách nhiệm phải hình thành tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân để hướng dẫn phong trào cho có hiệu quả. K.Marx với sự hỗ trợ đắc lực của F.Engels đã thành lập "Hội liên hiệp lao động quốc tế" vào năm 1864. Đến Đại hội La Haye (7/1872) Quốc tế (I) đã lập tổ chức bí mật mang tên "Liên minh dân chủ XHCN" nhằm thúc đẩy giai cấp công nhân các nước giành chính quyền, đã cử ra cơ quan lãnh đạo T.Ư là "Tổng hội lao động quốc tế" do K.Marx là uỷ viên thường trực, đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa bè phái, hướng vào mục tiêu giành thắng lợi cho CNXH. Sau Công xã Paris, hình mẫu chính quyền đầu tiên của giai cấp vô sản, Quốc tế I thấy rõ nhu cầu phải xây dựng chính đảng ở từng nước tư bản nên đã tuyên bố tự giải tán tại đại hội Philadelphia (1876). Các đảng Xã hội đầu tiên ra đời ở châu Âu có thể là đảng Xã hội Đức (1869), đảng Xã hội Ý và đảng Xã hội Ba Lan (1892), đảng Lao động Anh (1893),đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga (1898), đảng Xã hội Pháp (1908), rồi mới tới đảng Xã hội Áo và nhiều nước khác.

Quốc tế II được khôi phục vào năm 1889, tới 4/1890 họp đại hội tại Paris, ra nghị quyết thành lập Cục quốc tế XHCN gồm đại diện các Đảng tới tham gia đại hội, vừa làm nhiệm vụ Ban chấp hành vừa là tổ chức thông tin. Những vấn đề thường khó nhất trí trong các đảng Xã hội lúc đó là thái độ của Đảng đối với các nhà nước tư sản. Tới năm 1914, nội bộ ban chấp hành Quốc tế II không thống nhất về thái độ đối xử với bọn trùm đế quốc gây chiến tranh chia sẻ thế giới nên cũng tự ý ngừng hoạt động. Riêng trong nội bộ đảng CNDCXH Nga, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ II (1903) khi thông qua Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã phát sinh nhiều chính kiến khác nhau. Số đông đảng viên (đứng đầu là Lênin) tán thành Đảng phải coi “cách mạng dân chủ tư sản” chỉ là cương lĩnh tối thiểu để tiến lên thực hiện cương lĩnh tối đa là “cách mạng XHCN”... trong khi số ít đảng viên (đứng đầu là Mactôp) không tán thành cách mạng vô sản, cải cách ruộng đất và chuyên chính vô sản... Về điều lệ, trong khi nhóm đa số chủ trương đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức của Đảng thì nhóm thiểu số chủ trương đảng viên chỉ cần tán thành cương lĩnh tối thiểu và ủng hộ Đảng về vật chất. Do điều lệ Đảng chưa có hình thức ràng buộc nào cụ thể, cuộc đấu tranh giữa 2 nhóm đa số (bolchevik) và thiểu số (menchevik) kéo dài từ đó cho tới ngày đánh đổ Nga hoàng vào tháng 2/1917.

Chính trong cuộc đấu tranh dai dẳng chống nhóm menchevik mà Lênin buộc phải nghiền ngẫm về lịch sử vận động cách mạng trong phong trào công nhân kể từ ngày K.Marx cùng F.Engels thành lập “Liên đoàn những người cộng sản”, trải qua 2 tổ chức quốc tế dẫn đến sự ra đời hàng loạt đảng Xã hội ở châu Âu, nay vận dụng vào thực tiễn xây dựng đảng CNDCXH Nga, hình thành nên “học thuyết Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”. Trong thời gian đó, một thành tựu nổi bật rút ra từ học thuyết được Lênin đề xuất và được Đại hội Đảng 1906 nhất trí đưa vào Điều lệ, đó chính là nguyên tắc “tập trung dân chủ” nhằm mở rộng triệt để sự đóng góp ý kiến của toàn thể đảng viên nhưng sau đó phải tập trung mọi ý chí và hành động vào cơ quan đầu não được bầu cử dân chủ qua mỗi kỳ đại hội. Bước thay đổi mang tính bước ngoặt về tổ chức cơ bản đã làm cho đảng CNDCXH Nga thoát khỏi tình trạng vô chính phủ, tập trung được ý chí và hành động, có sức lãnh đạo ngày càng thiết thực, vượt lên trên hàng loạt chính đảng ở Nga lúc đó: ngoài các đảng tư sản như đảng Dân chủ lập hiến,- phái Lao động đại diện những người dân chủ, tiểu tư sản trong các Đuma nhà nước, còn những đảng mang danh XHCN nhưng không kiên định lợi ích của giai cấp công nhân như "đảng XHCN cách mạng" đòi ruộng đất cho nông dân rồi đi theo giai cấp tư sản,- “những người XHCN cách mạng cánh tả" sau này đã vũ trang chống lại chính quyền Xô viết. Sau thành công của cách mạng Tháng Mười, Đảng CNDCXH Nga đã hoàn toàn đoạn tuyệt với phái menchevik, mở Đại hội VII vào cuối năm 1918, đổi tên thành ĐCS Nga. Vừa lãnh đạo cách mạng đánh bại những phản ứng của bọn bạch vệ và cuộc vũ trang can thiệp ào ạt của phe đế quốc, Lênin đã thành lập Quốc tế III tại Matxcơva vào năm 1919 lấy tên là Quốc tế Cộng sản với điều kiện gia nhập Quốc tế đã tổng kết từ cuộc đấu tranh trong nội bộ Quốc tế II, lấy “tập trung dân chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản để xây dựng các ĐCS . Hưởng ứng Quốc tế III, các đảng Xã hội ở châu Âu đều gạt bỏ những phần tử cơ hội, lần lượt gia nhập Quốc tế và tự đổi tên thành đảng Cộng sản. Các đảng ở châu Á đều thành lập sau khi Quốc tế Cộng sản ra đời như ĐCS Trung Quốc (1921), ĐCS Nhật (1922). ĐCSVN sau khi thành lập đã từng được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản (Kominter ), đến 1942 tự tuyên bố chuyển thành cơ quan "Thông tin Cộng sản" (Kominfor).

Nguyên tắc tập trung dân chủ được nhiều đảng cộng sản đưa vào điều lệ đã đóng góp đắc lực vào việc ổn định nội bộ của các đảng, tạo ra sự nhất trí đủ sức vượt qua những thời kỳ phong ba bão táp mà vẫn không bị phân liệt. Nhưng không phải mọi thế hệ lãnh đạo các  đảng cộng sản đều hiểu rõ điều đó. Khi đã ở cương vị lãnh đạo, qua tiếp xúc với các đảng phương Tây, họ đã nhiễm thói đọc quyền, độc đoán, coi thường điều lệ đảng. Khi đã vứt bỏ nguyên tắc “tập trung dân chủ” thì dù Đảng có thành tích đầy mình cũng không tránh khỏi đổ vỡ.

Những tư liệu trên có dụng ý nhắc lại một quá trình đầy sóng gió hình thành các chính đảng của giai cấp công nhân mà "tập trung dân chủ" đã thành một "pháp bảo" về khoa học tổ chức cuối cùng đúc kết được trải qua lịch sử rộng lớn của mấy thế hệ quốc tế và các đảng Dân chủ xã hội ở châu Âu, trong đó có đảng CNDCXH Nga do đích thân V.I Lênin cải tạo, đã phát huy tác dụng lãnh đạo làm nên những kỳ tích lịch sử.

Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ"

"Tập trung dân chủ" là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản nhằm thống nhất ý chí, thống nhất hành động của từng đảng bộ cho tới toàn thể đảng viên vào cấp uỷ cùng cấp đã được dân chủ bầu cử giữa 2 kỳ đại hội. Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó kéo theo hàng loạt nguyên tắc cụ thể trong từng bước hoạt động thành một chỉnh thể được thi hành đồng bộ, bỏ qua bước này sẽ lập tức tác động tới bước khác.
Thực tiễn hoạt động chính trị chứng minh rằng do xuất xứ và quá trình phát triển khác nhau, giữa các đảng viên cộng sản, để đạt được sự thống nhất về quan điểm, lập trường, thái độ ứng xử với mọi đối tượng và đối tác của cách mạng không bao giờ là việc giản đơn. Điều đó không tuỳ thuộc vào mối quan hệ tình cảm trong đời sống hàng ngày, nhưng chỉ có thể thực hiện trong những chính đảng tổ chức theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Trái với nhiều đảng cầm quyền lớn mạnh mới bước đầu gặp khó khăn đã vội vứt bỏ nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, người chủ trì không dựa vào tập thể, vào sức mạnh của đội ngũ đảng viên đông đảo bao gồm không ít các đảng viên lão thành, tự ý ứng xử kiểu thủ lĩnh của các đảng độc tài (như tự tuyên bố giải tán Đảng) thì tai họa không có cách gì tránh khỏi. Đảng ta cũng như nhiều Đảng anh em, từ khi thành lập đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm, có lúc phải tuyên bố “tự giải tán” mà vẫn không bị phân hoá, chỉ phát triển ngày càng vững mạnh chính là đã biết lấy nguyên tắc “tập trung dân chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức và thực hiện, không phải không còn những khía cạnh cần làm rõ:

Do có thời gian đã tiếp thu những kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc, nhiều từ ngữ được diễn đạt theo kiểu Hán - Việt: Đảng Cộng sản Đông Dương được viết là Đông Dương Cộng sản Đảng, Đảng Tân Việt được gọi là Tân Việt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ được viết (và nói) là nguyên tắc dân chủ tập trung... Tìm lại nguồn gốc, khi ghi nguyên tắc này vào Điều lệ của đảng CNDCXH Nga vào năm 1906, Lênin viết là Democraticheskii centralism, được các nước châu Âu dịch là centralisme démocratique (Pháp) và Democratic centralism (Anh, Mỹ), nguyên văn dịch sang tiếng Việt phải là “chế độ tập trung dân chủ” (tập trung là danh từ, đóng vai trò chủ ngữ còn dân chủ là tính từ, đóng vai vị ngữ hay thuộc ngữ), nói rành rọt ra là “sự tập trung mang tính dân chủ". Cái yếu của cách diễn đạt Hán - Việt là không cho phép phân biệt đâu là danh từ, đâu là tính từ, khiến không ít người hiểu cả 2 từ kép đó đều là tính từ đến mức đã đặt một dấu nối (-) giữa “tập trung - dân chủ”. Đã là tính từ tất phải nói lên tính chất của sự vật. Bởi vậy đã có vài luận án tiến sĩ phân tích về “hai mặt mâu thuẫn thống nhất, gắn bó với nhau, lồng vào nhau, quy định lẫn nhau, thể hiện tính biện chứng của một nguyên tắc tổ chức.” Không ít người dày công phân tích "tính tập trung" phản ánh bản chất của nền công nghiệp lớn, là nét đặc trưng của giai cấp công nhân. Chính đảng của giai cấp công nhân phải phản ánh đúng bản chất của giai cấp mình” v.v... Nhưng lịch sử các tổ chức chính trị của giai cấp công nhân trải qua từ Quốc tế I đến Quốc tế II, qua Quốc tế III lại xuất hiện Quốc tế IV, đã không chứng minh điều đó. Lịch sử các chính đảng của giai cấp công nhân trước khi tự chấn chỉnh theo Quốc tế III cũng không chứng minh điều đó. Những lập luận trên đây đã chạy sang lĩnh vực “bình luận chính trị” mà không còn đứng vững trên bình diện của “khoa học tổ chức”. Nét tinh tế, phức tạp nhất cần lay chuyển hiện nay là những nhận thức được khẳng định như một chân lý về “tính tập trung - dân chủ của nguyên tắc tổ chức"(?).

Nếu động từ "tổ chức" được hiểu là "sự sắp đặt, phối hợp để tạo ra một cấu trúc, một kết cấu cókhả năng hoạt động theo những mục tiêu nhất định" cũng có nghĩa là "làm cho có một trật tự, một nền nếp nhất định" thì "tập trung" không chỉ là hoạt động riêng hay tính chất đặc trưng của giai cấp công nhân. Giai cấp phong kiến phát triển từ cát cứ đến tập quyền, chủ nghĩa tư bản phát triển từ tự do đến độc quyền, giai cấp nông dân đi từ vườn ruộng manh mún tới các trang trại lớn. Hoạt động kinh tế đã thế, hoạt động chính trị là "biểu hiện tập trung của kinh tế" càng phải thế. Mỗi giai cấp xã hội đều thực hiện sự tập trung sức mạnh và quyền lực khi đã bước vào thời kỳ có tổ chức. Từ điển Petit Larousse định nghĩa "chế độ tập trung là chế độ kéo theo sự quy tụ mọi quyết định và hành động vào cơ quan đầu não của các đảng và các nghiệp đoàn", càng chứng minh chế độ tập trung là kết quả hoạt động tổ chức của mọi giai cấp xã hội, không riêng gì của giai cấp công nhân. Dù là giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản cho đến giai cấp nông dân khi thành giai cấp cầm quyền đều kiên quyết tập trung quyền lực (như Tần Thuỷ Hoàng, Hitle, Quang Trung). Vậy tập trung không phải là một tính chất của nguyên tắc tổ chức đảng cộng sản mà là nguyên tắc tổ chức của mọi giai cấp trong xã hội, giai cấp công nhân không thể làm trái. Chỉ có dân chủ mới là nét riêng cần xây dựng cho chính đảng của giai cấp công nhân. Vì chủ nghĩa Mác -Lênin coi “quần chúng là lực lượng làm nên lịch sử” nên chính đảng nào của giai cấp công nhân tuân theo chủ nghĩa Mác-Lênin đều phải lấy dân chủ làm nền tảng của chế độ tập trung. Đó là điều khác biệt duy nhất giữa chế độ tập trung của đảng cộng sản so với chế độ tập trung quan liêu, độc đoán của các đảng tư sản và phong kiến.

Lược lại hoàn cảnh của Lênin khi đề xuất nguyên tắc “tập trung dân chủ”, hơn ai hết cũng như Marx và Engels, Người phải chống chọi với bao dạng thức của chủ nghĩa cơ hội trong các thủ lĩnh của phong trào công nhân, tất không thể có ảo tưởng về "tính tập trung của giai cấp công nhân" mà phải dựa vào sự mẫn tiệp về tổ chức lực lượng của một nhà lãnh đạo để bàn riêng về “chế độ tập trung” (xem chương 8 Sđd).

Tập trung là nguyên tắc tổ chức của mọi chính đảng. Còn dân chủ mới là tính chất cần xây dựng, làm nền tảng cho nguyên tắc tập trung của các đảng cộng sản. Tính chất có thể cho phép phát triển từ "thấp" đến "cao", qua nhiều sắc thái, từ “nhạt” tới “đậm”. Còn nguyên tắc là bất di bất dịch.

Nhớ lại Đại hội II của đảng CNDCXH Nga, V.I. Lênin đã công khai khẳng định: “Cần phải dựa vào bản điều lệ (đảng) để rèn một vũ khí ít nhiều sắc bén để chống chủ nghĩa cơ hội. Những nguyên nhân của chủ nghĩa cơ hội càng sâu xa bao nhiêu thì vũ khí ấy càng phải sắc bén bấy nhiêu”(sđd.tr. 136).

Thiết nghĩ, việc sử dụng Điều lệ Đảng với nguyên tắc “tập trung dân chủ” cần được xem là một phương thức đắc lực giúp đảng bộ các cấp quản lý đảng viên, phòng ngừa các chiều hướng “tả, hữu khuynh” diễn ra một cách không tự giác. “Tập trung dân chủ”, nguyên tắc tổ chức xương sống của các đảng cộng sản, trước sau vẫn phát huy tác dụng loại bỏ các dạng thức của chủ nghĩa cơ hội, kể từ khi V.I. Lênin đưa nó vào điều lệ đảng làm vũ khí đánh bại phái menchevik, nâng đảng CNDCXH Nga lên thành đảng bolchevik, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa từ phạm vi lý thuyết sang phạm vi thực tiễn, thành bước đột phá trong lịch sử./.
Các từ khóa theo tin:
GS. Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ

Saturday, 8 February 2014

Sự "bùng nổ" của Facebook và một số vấn đề đặt ra (Nguyễn Hải Đăng - Nhân Dân)


Thứ năm, 06/02/2014 - 09:46 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), với hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng internet và mỗi ngày dành trung bình 52 phút có mặt trên internet là con số đáng mừng. Tuy nhiên từ hiện tượng "hạ nhiệt blog" để thay thế bằng "cơn sốt Facebook" lại đặt ra một số vấn đề cần được khảo sát, nghiên cứu và điều chỉnh... 
Từ sự phát triển của internet, đã có ý kiến lạc quan về kỷ nguyên số tại Việt Nam. Song dường như ý kiến lạc quan đó chưa quan tâm đến các vấn đề như: Từ những cụm từ không mấy hay ho liên quan tới các nhân vật "tai tiếng" trong làng giải trí, nghệ thuật, kế đó là tên một vài nhân vật trong trào lưu bôi xấu, hạ thấp danh dự người khác trên mạng cũng được nhiều người quan tâm. Thậm chí, các cụm từ này còn làm nhiều người nước ngoài hiểu lầm, như sự xuất hiện của nickname Phồng Tôm - một "món khai vị" của Việt Nam. Theo công bố của Facebook thì trung bình ba giây có một tài khoản mới đến từ Việt Nam; số người dùng Facebook tại Việt Nam đạt 19,6 triệu người, chiếm 74,1% lượng người sử dụng internet, vượt qua các trang mạng trong nước nhiều lần... Vậy, với sự phát triển chưa có dấu hiệu dừng lại, Facebook có phải là mạng xã hội hữu ích thật sự hay chỉ là "mốt" mới của một số người Việt Nam, nhất là giới trẻ?
Trong quá khứ, Yahoo! Blog từng thông báo con số ấn tượng về số người dùng lên tới hàng triệu tài khoản, rồi sau đó phải ngậm ngùi đóng cửa, khi bị người sử dụng quay lưng dần mà không biết lý do. Dù thế nào thì blog vẫn chỉ là nhật ký mạng. Blog không có tính riêng tư, vì mọi thông tin khai báo cũng như hoạt động của người sử dụng blog đều công khai và bất cứ ai cũng có thể truy cập. Do đó, blog không phải là nơi để người dùng giãi bày việc khó nói, đưa ra phát ngôn tùy tiện, nhất là những điều sai sự thật. Ở thời điểm "bùng nổ", blog cũng không phải là nơi để nhiều người thể hiện tài năng văn chương, khi nó giới hạn về số lượng ký tự. Nhưng Yahoo! Blog ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới đã bị người dùng làm biến dạng. Khi đã bắt đầu từ một tiền đề sai, người dùng không thể có kết quả đúng. Họ bị thôi thúc bởi việc cần chứng minh, hay thanh minh về những gì mình truyền đạt trên blog. Rồi người dùng phải chuyển tài khoản của mình thành website cá nhân, bởi họ không có khả năng duy trì blog lâu dài nếu không "cộng sinh" hoặc "đánh cắp ý tưởng" của người khác... Hiện tại, bên một số blog của một số cá nhân hoạt động lành mạnh, thì một số blog lại ra đời từ những kẻ nặc danh, lợi dụng blog để phát ngôn bừa bãi, tung tin hiếu kỳ, vu cáo người khác...
Từ blog đến Facebook, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam có bước nhảy vọt. Tuy nhiên các trang Myspace, Photobucket hầu như không nhận được sự chú ý, và họ cũng không biết nhiều tới Twitter hay Linkelin là các mạng xã hội khá non trẻ song nổi tiếng, có tuổi đời ngang hàng với Facebook. Nhìn qua thì Facebook có vẻ nổi trội hơn Twitter, vì mạng xã hội này cho phép viết một tin với nội dung vô hạn, trong khi Twitter hạn chế, không cho phép truyền tải một tin quá 140 ký tự. Facebook có tính năng giúp viết nhật ký, tuy nhiên ít người sử dụng tính năng này vì blog thực hiện tốt hơn. Còn các dịch vụ khác như nói chuyện phiếm, nhắn tin thì các trang mạng xã hội khác đều có tích hợp hoặc có phần mềm riêng phục vụ. Vậy chính xác, người sử dụng internet tại Việt Nam và thế giới trông đợi gì ở mạng xã hội Facebook? Câu trả lời là ở chỗ, Facebook là mạng xã hội mà người dùng có thể khai báo, sử dụng, trao đổi, chia sẻ các thông tin, thông điệp một cách công khai, bán công khai hay hoàn toàn bí mật.
Dù mang danh nghĩa bảo vệ người dùng mạng xã hội của mình, nhưng xem xét cụ thể thì thấy Facebook đã "vô tình" cổ động cho hành vi không minh bạch của nhiều người sử dụng. Với Facebook, một mạng xã hội đúng nghĩa đã biến mất, nhường chỗ cho hành động ứng xử đời thường. Chỉ khác một điểm, người ta sử dụng trên internet chứ không phải trong cuộc sống thực. Facebook trở thành nơi người dùng giao thiệp, quảng cáo về mình hơn là giao tiếp, đối thoại. Facebook tạo điều kiện để người dùng kết bạn càng nhiều, càng tốt, vì thế bạn bè theo đúng nghĩa trên Facebook luôn có thể là người xa lạ, người dùng chỉ biết đến thông qua những mối quan hệ rời rạc. Vì thế, nảy sinh tình huống người dùng sẽ gặp, đọc những thứ không cần thiết. Ðể khắc phục, Facebook đưa ra công thức cho phép người sử dụng Facebook có quyền bỏ qua thông tin họ thấy không cần thiết từ bạn bè mà không lo sẽ bị mất lòng hay ác cảm qua việc chọn lọc danh sách. Sắp tới, Facebook chuẩn bị đưa thêm tính năng "đồng cảm" (sympathy) vì quá nhiều người "thích" (like) các tin đau buồn, bất hạnh được viết trên Facebook. Cách chiều lòng này liệu có hợp lý hay lại là một "chiêu" tiếp theo ru ngủ và gây nghiện với người sử dụng? Bởi hiện tượng đang ngày một phổ biến là người dùng Facebook không đọc kỹ các thông tin hiện lên trên tài khoản của mình; nhất là sau khi Facebook công bố thêm ứng dụng dòng thời gian giúp thông tin chuyển dịch liên tục, người dùng chỉ việc ấn vào thứ mình thích thay vì vào trang cá nhân của mình, của người khác. Họ chỉ nhấn nút thích như một thói quen đối với "người bạn", ngược lại, có người mắc bệnh nghiện được "like", được tung hô, bất chấp đó chỉ là hành động xã giao. Không thiếu kẻ viết thông tin, đăng một bức hình để được "like".
Xuất hiện cùng thời điểm các dòng điện thoại thông minh, mạng không dây và liên tục được cải tiến, Facebook như tiếp thêm cánh nhưng cũng đồng thời "gây nghiện" với người sử dụng. Là mạng xã hội duy nhất cho phép người dùng không cần công khai tin tức cho tất cả mọi người, Facebook đã gián tiếp lôi kéo người sử dụng làm việc riêng trong giờ hành chính. Chưa có thống kê chính xác người Việt Nam dành bao thời gian cho Facebook trong 52 phút truy cập trên mạng và thường ở khung giờ nào, tuy nhiên căn cứ vào các trang web dịch vụ liên kết cũng như các trang quảng cáo trên Facebook, có thể thấy khoảng thời gian người Việt Nam truy cập Facebook thường từ 9 giờ -10 giờ, 14 giờ -15 giờ, 21 giờ - 22 giờ với việc đăng tải các bức hình, hay thông báo liên quan đến công việc như: họp hành vất vả, sếp khó tính, lao động nghiêm túc... Hai trong khoảng thời gian đó rơi vào giờ hành chính, được lý giải rằng đó là thời điểm nhân viên văn phòng họp hành, giải quyết công việc, và như thế là vi phạm Luật Lao động. Rồi khi truy cập vào trang tin hay trang quảng cáo, người dùng Facebook có thật sự đọc nội dung? Bởi thông tin bao giờ cũng được đặt với "tít" gây giật mình làm người dùng tò mò, nên sau một thời gian, phần lớn người dùng Facebook chỉ đọc tít mà đoán bài. Vì thế, nhiều người đã không đọc kỹ các thông tin đăng trên các trang báo "lá cải" và một số trang tin hải ngoại, rồi bình luận thiếu trách nhiệm. Chưa kể hiện nay vẫn chưa xử lý được loại tin đồn nhảm, xúc phạm, bôi xấu người khác với đầy rẫy trên các trang Facebook cộng đồng, hội không rõ nguồn gốc. Dù người dùng có thể đóng thông tin, không chia sẻ hoạt động trên mạng song khi cần thiết, Facebook có khả năng lan truyền tin rất nhanh qua chia sẻ thông tin dễ dàng, đánh dấu người cần thiết cho việc truyền tin; đồng thời kẻ xấu cũng có thể lẩn trốn rất nhanh bằng cách xóa bài viết nguồn hoặc tạm thời tắt sự hiện diện trên Facebook. Chưa kể vì nguồn ảnh trên internet là vô cùng lớn, kẻ xấu lợi dụng điều đó để "minh họa" tin. Và đáng chú ý nhất chính là các trang Facebook của các thế lực thù địch, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lập ra để vu cáo, vu khống, bình luận xuyên tạc về Việt Nam.
Sự góp mặt của Facebook với "mùa xuân Arab" hay việc Facebook sẵn sàng hợp tác với chính phủ Mỹ trong việc kê khai các tài khoản cá nhân đã sử dụng mạng xã hội này, khiến nhiều người truy cập Facebook băn khoăn. Tình hình bất ổn ở các nước Bắc Phi, cho thấy biến động dựa trên cái mà Facebook tuyên truyền về tự do, bình đẳng đã thất bại. Như vậy, Facebook và những quyền lợi phù du mà nó đem lại có đáng để đánh đổi những gì mà chúng ta không thể đánh mất? Ðề xuất cấm sử dụng Facebook đã được bàn đến tại nhiều quốc gia. Hiện tại một số nước không cho phép mạng xã hội này được hoạt động tại nước họ, bất chấp những luận điệu từ các tiếng nói đối lập của các tổ chức nhân quyền có trụ sở chủ yếu đặt tại Hoa Kỳ. Vì thế, để hạn chế người dùng Facebook một cách tiêu cực là cần xây dựng, phát huy tốt vai trò của những mạng xã hội trong nước cũng như nâng cao văn hóa của người sử dụng internet.
NGUYỄN HẢI ÐĂNG

Friday, 7 February 2014

Phở, phởn, phịa ... (Nguyễn Dư - Chim Việt)



 Phở, phởn, phịa ...
 Nguyễn Dư
(Kính tặng quý ông, quý bà đã từng mê mệt vì phở)
Hôm nay tôi xin được tập tễnh múa rìu qua mắt bá quan văn võ của viện hàn lâm ẩm thực, lạm bàn về phở.Thật ra thì những điều cần nói về phở đã được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích, ca tụng từ năm xửa năm xưa hết rồi. Chỉ cần lật mấy bài viết về phở của Thạch Lam (Hà Nội ba mươi sáu phố phường, 1943), Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội, khoảng 1952), Nguyễn Tuân (Phở, 1957) ra đọc là ai cũng có thể cảm nhận được hết cái ngon, cái thú, cái quyến rũ của một món quà cổ truyền của ta.
Nếu vậy thì còn gì để phải nói nữa ?
Ấy đấy, nếu chỉ ngừng ở chỗ ngon, ở cái thú thì chuyện đã xong từ lâu rồi. Khốn nỗi sau những giây phút no ấm ngất ngây, tinh thần sảng khoái, các chuyên gia ẩm thực lại bắt đầu... thắc mắc. Thế là chả ai bảo ai, tất cả cùng vung tay gạt bát đũa sang một bên, rủ nhau ngồi bàn luận hăng say, có người quên cả xỉa răng.
Câu hỏi quan trọng đầu tiên được các vị đặt ra là phở từ đâu ra ?
Nguyên Thanh (Phở, Đoàn Kết số tháng 10, Paris, 1987) , Nguyên Thắng và Xưng Xa Hột Lựu (Mũ phở khăn rằn, Đoàn Kết số tháng 7-8, Paris, 1988) đã luận bàn tỉ mỉ, chí lý về nguồn gốc của phở. Theo một số học giả thì phở vốn gốc Tàu, được Việt hóa. Tên phở đến từ chữ phấn của ngưu nhục phấn. Tuy nhiên thuyết này vẫn còn bị nhiều người phản đối khá gay gắt. Phở là món ăn hoàn toàn Việt Nam ! Tại sao cứ phải mang mặc cảm, chối bỏ nguồn gốc như vậy?Ta bị mặc cảm, nhưng tự ti hay tự tôn? Đang còn phân vân thì bỗng nghe tin Pháp đòi bản quyền tác giả của phở. Các ông ấy được tư vấn, cố vấn ra sao mà cứ nhất định rằng phở bắt nguồn từ... pot-au-feu.
Thoạt nghe thấy cũng có lý. Rõ ràng là tiếng phở của ta nghe rất giống tiếng feu của Pháp. Phở phải ăn nóng... như lửa mới ngon! Eo ơi ! Thế là một số bà con Việt Nam ta thắc mắc, hoài nghi, cuối cùng ngả theo thuyết cho rằng phở là của Pháp chứ chẳng phải ta hay Tàu gì cả.
Nể tình mà nói thì thực dân Pháp đến cai trị nước ta trong khoảng gần 100 năm đã để lại dấu vết của sâm banh, bít tết, ba tê, ba gai, xà lách, xà lim, cà rốt, cà nông v.v. và v.v., như vậy thì món pot-au-feu cũng có thể là cha đẻ của phở lắm chứ ?
Xét về lý thì pot-au-feu được Larousse định nghĩa là món ăn làm bằng thịt bò hầm với cà rốt, tỏi tây, củ cải v.v. hoặc là tên của miếng thịt dùng để nấu món pot-au-feu.
Hai định nghĩa của Larousse cho thấy rằng phở chỉ giống pot-au-feu nhiều lắm là tảng thịt bò hầm, còn lại mớ cà rốt, tỏi tây, củ cải và đồ gia vị thì xin gác qua một bên. Thịt bò hầm kiểu này cũng có mùi vị đặc biệt không giống thịt phở chín. Hơn nữa, người Pháp ăn pot-au-feu với bánh mì, khoai tây... chứ chưa thấy ai ăn với bánh phở bao giờ ! Xem vậy thì pot-au-feu khá xa lạ với phở.
Các hàng phở ở Hà Nội trước đây cũng đã thử nghiệm phở sốt vang (hai tiếng sốt vang hoàn toàn đến từ tiếng Pháp) để làm vừa lòng mấy ông tây bà đầm. Tôi chưa được ăn phở sốt vang, nghe nói khá đắt vì được xào xáo với rượu vang. Thuở bé xin mẹ được một đồng bạc, đánh chén một bát phở không, không thịt, là đủ sướng mê tơi rồi. Làm sao mà biết được phở sốt vang trong tiệm của người lớn. Sau này có tiền muốn ăn cũng không được vì món này chết yểu rất sớm. Đông và tây khó mà gặp được nhau trong bát phở.
Cái lý nó khuyên ta không nên lẫn lộn hai món ăn cổ truyền của hai quốc gia văn hiến. Nhưng nói như vậy chỉ là nói suông! Đành rằng ta vừa có tình vừa có lý, nhưng rốt cuộc ta mới phê bình pot-au-feu chứ ta vẫn chưa có bằng cớ gì về gốc gác của phở để bác pot-au-feu.
Xin lỗi các bạn, vì bực pot-au-feu nên tôi hơi dông dài. Bây giờ xin bàn có bằng cớ.
Hy vọng rằng 2 tấm tranh dân gian Oger (1909) tôi đem ra trình làng sau đây sẽ góp phần làm sáng tỏ được vấn đề nguồn gốc và tên gọi của phở.Tấm tranh thứ nhất vẽ một hàng quà. Những ai đã từng sống ở Hà Nội năm xưa, trước 1954, chắc đều nhận ra dễ dàng đây là một hàng phở gánh. Tấm tranh vẽ một bên là thùng nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục, bên kia xếp tất cả những đồ cần thiết. Chúng ta nhận ra con dao thái thịt to bản, lọ nước mắm hình dáng đặc biệt, cái xóc bánh phở bằng tre đan treo bên thành, cái liễn đựng hành, mùi. Tầng dưới là chỗ rửa bát, bên cạnh có cái giỏ đựng đũa. Con dao to bản và cái xóc bánh đủ cho chúng ta biết rằng đây là một gánh phở, có thể nói rõ hơn là phở chín. Sực tắc không dùng hai dụng cụ này. Sực tắc nhúng, trần những lọn mì bằng cái vỉ hình tròn, đan bằng giây thép. Còn hủ tiếu ? Cho tới năm 1954, đường phố Hà Nội chưa biết hủ tiếu. Vả lại những xe hủ tiếu (xe đẩy chứ không phải gánh) của Sài Gòn cũng không thái thịt heo bằng con dao to bản của hàng phở chín.
Tấm tranh này xác nhận rằng vào những năm đầu thế kỷ 20, ở ngoài Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, phở gánh còn do người Tàu (và có thể cả người Việt Nam ?) bán.
Tấm tranh thứ nhì có tên là hàng nhục phấn, vẽ thùng nước dùng. Hai thùng nước dùng của hai tranh khá giống nhau. Tranh thứ nhì cho biết rằng chữ ngưu của món ngưu nhục phấnsang đầu thế kỷ 20 bắt đầu bị rơi rụng. Tên món ăn trở thành nhục phấn.Nhưng dựa vào đâu để nói rằng chữ phở đến từ chữ phấn ?
Trong bài Đánh bạc của Tản Đà được viết vào khoảng 1915-1917 có đoạn :
(...) Trời chưa sáng, đêm còn dài, thời đồng tiền trong tay, nhiều cũng chưa hẳn có, hết cũng chưa chắc không. Tất đến lúc đứng dậy ra về, còn gì mới là được.
(...) Có nhẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức đêm ăn nhục phơ ?
Tản Đà gọi nhục phấn là nhục phơ. Chữ phấn chuyển qua phơ trước khi thành phở. Phơ của nhục phơ (chứ không phải feu của pot-au-feu) mới là tiền thân của phở,.
Tóm lại, ngưu nhục phấn đã được nói gọn thành nhục phấn từ đầu thế kỷ 20 (tranh dân gian). Nhục phấn được chuyển thành nhục phơ (Tản Đà). Ít năm sau nhục phơ được dân chúng đổi thành phở (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, 1933). Năm 1943 Thạch Lam đưa phở vào văn học.
Kể từ năm 1943, trong văn học cũng như trong dân chúng, tên phở được tất cả mọi người dùng.
Mới bàn đến tên phở thôi mà đã ồn ào như thế, huống hồ bàn đến những vấn đề to lớn khác !
Tôi không đủ khả năng đề cập đến những vấn đề thuộc phạm trù triết lý, thẩm mỹ. Có cho húp cạn dăm ba thùng nước phở tôi cũng chịu không biết rõ mặt mũi một bát phở đúng điệu phải ra sao, một bát phở ngon phải như thế nào ?
Trước khi ngừng, xin kể vài mẩu kỷ niệm của những lần được tay nâng môi kề một bát phở.Ai ơi bưng bát phở đầy... Khó quên được "phở" của bọn sinh viên chúng tôi vào những năm 65-70. Cái thời ở Pháp không kiếm đâu ra được bánh phở, nước mắm. Chúng tôi hầm thịt với muscat, đinh hương, viandox. Ăn với mì sợi, hành tây. Nghĩ lại mới thấy "phở" thời đó sao mà giống pot-au-feu thế. Thế mà đứa nào cũng khen ngon. Ôi, cái thời tuổi trẻ còn dễ tính.
Mấy năm đầu của thời kỳ Việt Nam đổi mới và mở cửa...
Hà Nội như một người mới ốm dậy đòi ăn giả bữa, xối xả lao mình vào... ăn trứng. Vừa bổ, vừa sang! Các cửa hàng rộn vang tiếng đòi đập thêm trứng. Bánh cuốn cũng trứng. Phở cũng trứng! Một trứng chưa đủ, vẫn còn thèm. Cho hai trứng nhé ông hàng ơi ! Nhiều con mắt liếc trộm khách hào hoa! Gọi một bát phở thường lúc này là chuyện hơi không bình thường.
Xế cửa nhà tôi ở trọ có một hàng phở bình dân. Không phải phở tiệm, cũng không phải phở gánh. Hàng phở kiểu này chưa có tên trong văn học. Tạm gọi là phở hè lè tè. Bàn ăn cũng như ghế ngồi của khách, của chủ chỉ cao cách mặt vỉa hè độ 20 phân. Ai thích nước phở trong và ngọt thì nên đến ăn ở đây. Trong vắt, không một váng mỡ ! Dường như xoong nước dùng chỉ có nước, muối và bột ngọt. Mỗi bát phở được cô hàng tặng thêm lưng thìa cà phê bột ngọt. Khách muốn đậm đà hơn ? Dạ có (muối trộn bột ngọt) đây ạ. Được cái phở cũng có ớt, chanh, hành hoa thái nhỏ.
Tại Huế, khu Gia Hội có một tiệm nho nhỏ nhưng chuyên làm cả một bảng các món đặc biệt. Hai ba kiểu mì xíu mại, hoành thánh, dầu chao quẩy. Ba bốn kiểu phở tái, chín, nạm, gầu. Có cả hủ tiếu Nam Vang, mì Quảng... Điểm độc đáo của tiệm là tất cả các món đặc biệt này chỉ cần một thùng nước dùng.
Một hôm tôi lang thang dưới Xóm Bóng (Nha Trang). Mải la cà chụp ảnh, quá ngọ mới đi ăn trưa. May quá còn tiệm phở mở cửa. Ông chủ vồn vã mời ăn phở đặc biệt (lại đặc biệt). Khoái quá, tôi gật đầu lia lịa. Làm xong bát phở, ông chủ đi nghỉ trưa. Cả tiệm chỉ còn tôi với bát phở đặc biệt ! Ăn hết mấy sợi bánh tôi vẫn chưa hết dè dặt với cái khối gì là lạ nổi trong bát. Một lát tôi ngoắc thằng bé từ nhà trong đi ra, hỏi nó xem tôi đang ăn phở gì ? Thằng bé chăm chú dòm bát phở. Con không biết, để con hỏi mẹ. Dạ mẹ không biết, chờ lát nữa hỏi ba. Dạ ba nói là phở giò. Phở giò của Vũ Bằng đây à ?
Ấy đấy, chữ nghĩa mà không rõ ràng thì thật là phiền.
Nhân dịp lên kinh đô ánh sáng, tôi được bạn rủ đi ăn phở. Mời ông ăn phở ngon nhất Paris, được sách hướng dẫn du lịch khen đàng hoàng. Cho 2 tô đặc biệt ! Không đặc biệt hóa ra thua thiên hạ à ? Ông bạn trịnh trọng múc tương tàu, tương ớt ra đĩa. Ủa, sao ông nói là ăn phở ? Phở đặc biệt chính hiệu con nai vàng đây. Vừa chín, vừa tái, lại thêm bò viên, cổ hũ, lá sách. Nhiều thứ vui lắm. Ăn phở mà lại vui nữa thì nhất rồi ! Giá mà thêm tí bê thui chấm tương gừng nữa thì vui hết xẩy !
Đến Mỹ mà không đi thăm khu Tiểu Sài Gòn thì...kể như chưa đến Mỹ. Nghe bên phải bên trái người ta nói như thế. Mới chân ướt chân ráo tới Cali tôi đã vội yêu cầu được tới thăm thủ đô thứ hai của Việt Nam.
Chúng tôi đi chợ, ăn phở. Hên quá, gặp lúc tiệm đang quảng cáo khuyến mại, mua một tặng một. Mua một bát phở người lớn, tặng một bát phở trẻ con. Theo thói quen, tôi bắt đầu bằng thưởng thức miếng thịt chín. Thôi nguy rồi ! Không có tăm ! Có chớ, để ở quầy trả tiền ngoài kia kìa. Mắc răng kiểu này thì chỉ còn nước ngồi ngắm mấy miếng thịt gân to bằng nửa quân bài tây, chờ mọi người ăn xong. Kỹ thuật thái thịt bây giờ tiến lắm. Đem đông lạnh, thái bằng máy, muốn to mấy cũng được.
Một lần khác, trong một tiệm phở khác, tôi bị bối rối. Tàu bay, tàu thủy, tàu hỏa, hàng không mẫu hạm... Cả một thời quá khứ, chọn gì đây ? Bát thường thôi ông ạ. Mấy cái tàu to như...cái chậu, sức tụi mình không kham hết đâu !
Việt kiều Cali rất hãnh diện là nơi đây thức ăn vừa rẻ, vừa đầy nồi !
Chúng ta có thể nói không ngoa là phở đã sống thăng trầm với người Việt Nam. Nơi thôn ổ hay chốn thị thành, tại quê nhà hay khắp năm châu, lúc khó khăn thiếu thốn cũng như buổi ấm no thanh bình, phở luôn ở bên cạnh mọi người.
Xa xưa, phở là phở bò, phở chín. Ngày nay, phở thay da đổi thịt, muôn màu muôn vẻ. Cách nấu, cách ăn thay đổi không ngừng. Đã đến lúc phải phân loại, đặt tên cho bát phở để tránh ngộ nhận.
Đại khái chúng ta có thể phân biệt :
Bát phở bò của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân thì gọi là...phở.
Tàu bay, tàu bò, thịt to bánh nhiều cốt làm vui lòng giới ẩm thực vũ bão thì nên gọi là...phởn.
Ngầu pín, viagra, cổ hũ, lá sách, trứng, giò heo, thịt chó (có người định thử) thì phải gọi là...phịa!
Còn cái thứ chết tiệt của mấy ông sinh viên ? Xin tự phê gọi nó là...phản.

Tiếng Việt vốn giàu âm thanh, ngữ nghĩa, còn nhiều chữ khác có thể dùng cho phở được. Tuy nhiên chúng ta cũng nên thận trọng yêu cầu các nhà văn học định nghĩa rõ ràng các chữ dùng kẻo lại gây ra những bàn cãi dài dòng cho mai sau.
Trong quá khứ đã từng có một giáo sư thuyết trình tại hội Việt Mỹ (Sài Gòn) rằng
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Chuông chùa Thiên Mụ ngân nga thánh thót, chicken soup của Thọ Xương thì tuyệt, không đâu ngon bằng !Mới đây, trong một cuốn hướng dẫn du lịch Việt Nam rất đẹp, soạn công phu, có chậu hoa màu đỏ được chú là... fleur de théier.
Trà với chè tuy hai mà một,
Trà với trà tuy một mà hai.
Trà (camélia) và trà (théier), đằng nào chả là trà. Cứ động đến ăn uống là các ông chỉ hay lý sự lôi thôi !
Nguyễn Dư
(Lyon, 2/ 2001)

Thursday, 6 February 2014

Con thịt thứ tư (Thu Tứ - Góc Nhìn)



THU TỨ



Thịt bò ngày xưa...
       Ở ngoài ca dao
       Vắng trên bát đĩa
       Thua cả thịt chó
       Vì sao từ lạ hóa quen?
Công của giặc Tây
       Phở là từ phấn?
       Nhờ giặc Tây bít-tết mà khách Tàu phấn?
       Mà Hà Nội ta phở?
Công của máy cày
       Bò từ ngoài dạ dày quê
       Do thôi cày mà vào được trong
       Phở giờ mới thực sự quần chúng...






Thịt bò ngày xưa...

Ở ngoài ca dao

Nói phở không thôi, gần như ai nấy đều hiểu là nói phở bò. Trong bát phở, con bò “đá” bay con gà. Chuyện đáng lạ, vì thịt của con gà nói chung “thân” với cái lưỡi Việt Nam hơn nhiều.

Ỷ có thịt thân, nó dám... cục tác:

“Con gà cục tác lá chanh”.

Ngoài gà, còn hai con nữa cũng cả gan léo nhéo đòi gia vị:

“... Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.

Ðó, ba con thịt thuộc loài cầm thú cơ bản nhất của ta. (Kể ra con vịt có “cạc cạc” đòi gừng chắc cũng không đến nỗi bị bà mắng, nhưng nó hay ở ngoài đồng, xa nhà. Mặc nó.)(1)

Con “ngu” (“ngu như bò”!), thi thoảng được biến thành thịt, không phải nó không ước ao được có chút sả, chẳng hạn, mà ướp cho... mát thân đâu, chẳng qua biết mình còn “sơ” (với ông thần khẩu của đa số người Việt), nó chỉ “ọ ọ” mấy tiếng rồi nhắm mắt, đưa thịt cho ta tùy nghi mắm muối!

Vắng trên bát đĩa

“Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Chắc chắn trước phở, Thăng Long và Phố Hiến đã từng có những sáng kiến ẩm thực xuất sắc. Tiếc xưa kia chưa có Tú Mỡ, Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân v.v., nên giờ không sao biết được chút gì về những sáng kiến ấy.

Giở Vũ trung tùy bút, không thấy tăm hơi “miếng ngon Thăng Long”(2) (giá thay vì chép chuyện uống trà Tàu, Phạm Ðình Hổ ghi lại cái ăn cái uống của ta thì hay quá). Cổ nhân không để lời nào, bèn liều đoán thử một lời: rằng trong không biết bao nhiêu thứ đồ ăn “thơm điếc mũi”, “ăn ngon quên chết” ở chốn đế đô tính từ thời Lý Công Uẩn “dọn kinh” từ Hoa Lư ra đến đại khái trước ngày phở ra đời, nếu chỉ tính những món “cơ bản”, nghĩa là món gần như lúc nào muốn ăn cũng có, thì không có lấy một món nào là món thịt bò cả!

Ấy, xin quý đồng bào người Nam Ðịnh hãy khoan giẫy nẩy. Cái món bê thui chấm tương gừng bày la liệt ở các chợ Viềng vùng tỉnh Nam vào dịp đầu Xuân (3) thì đến các chúa Trịnh hẳn cũng... thèm sơi, đã đành. Nhưng chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một ngày. Ăn xong bữa bê thui năm nay, ai nấy phải chịu khó nhịn thèm đợi đến đúng ngày này năm tới, “đến hẹn lại lên”(4) mà tái thưởng thức món thịt bò tái! Dĩ nhiên, bậc vua chúa muốn ăn gan rồng lúc nào thì ăn, nói chi thịt bò hay bê, nhưng người Việt Nam điển hình thời ấy, dù là người Thăng Long, hẳn có phải mỗi lúc muốn ăn thịt bò thì có thịt mà mua ngay về ăn được đâu...

Bằng vào thứ cơ sở gì mà dám bảo thịt bò xưa kia hiếm thế?

Cơ sở vững chắc. Tất cả các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam kể từ Ðào Duy Anh đều cho rằng truyền thống ẩm thực dân tộc có thể tóm tắt trong ba chữ: Cơm, Cá, Rau. Cơm, rau không kể, món đạm ngoài cá, có ba “con” mà bài ca dao nổi tiếng đã phong thần.

Thua cả thịt chó

Cùng “ngu” như nhau, thế mà chó “hơn” hẳn bò. Nghĩ xem: thịt chó dùng dịp đầu tháng sợ mất hên, chứ ngoài ra thì Vũ Bằng muốn ăn lúc nào mà lúc ấy chẳng có cầy tơ sẵn sàng biến thành dồi, thành chả chìa, nhựa mận cho ông sơi!(5) Trong khi “hóa” một con bò thành thịt bò thui, chẳng hạn, xưa kia chắc chắn là “đại sự”.

Mổ bò chuyện lớn, có gì lạ đâu. Bò tổ tiên ta nuôi là để cày. Nông dân có được hẳn một con bò để cày ruộng nhà mình là nông dân sướng, lẽ nào đem cái sướng ra mổ, thui để ngon miệng một lần (có thực thấy ngon không?) mà khổ cả đời!

Về cái độ phổ biến rất kém của thịt bò ở ta thời trước, dường như có một bằng chứng tâm lý mới rất gần đây hãy còn. Có ai để ý, ta vẫn thi thoảng gặp những người Bắc, nhất là phụ nữ nông thôn, có thành kiến xấu về thịt bò. Hỏi, họ bảo không thích. Hỏi lý do, có người bảo thịt bò “hôi”, người khác bảo “nóng”. Phải chăng cái lý do thực là xưa nay vốn quá ít khi ăn nên chưa “bén mùi”, ăn chưa thấy ngon, thậm chí còn thấy ngại?

Vì sao từ lạ hóa quen?

“Việt Nam thời cổ xưa”(6), các món thịt cầm thú nếu liệt kê tương đối đầy đủ và phân thành loại tỉ mỉ, thì thịt gà thịt heo dễ dàng xếp ngay vào loại “ăn thật”, thịt chó thịt vịt đại khái vào loại “ăn chơi thoải mái”, còn thịt bò vốn là loại “ăn chơi năm họa mười thì”, thêm cho dài thực đơn, chứ “thắt” hẳn vào cùng với các món thịt cơ bản rõ ràng không ổn.

Nó từ sơ hóa thân, thân đến mức nhảy vào chễm chệ trong bát phở, chuyện xảy ra lúc nào, do đâu, bí mật ấy rồi ta phải thử tìm cho ra.


Công của giặc Tây

Phở là từ phấn?

Ai cũng cho là phở sinh trưởng ở Hà Nội. Còn cái gốc của phở thì thuyết “ngưu nhục phấn”(7) phổ biến hơn cả. Thuyết ấy do nhà văn ưa kể “chuyện cũ Hà Nội” là Tô Hoài đưa ra. Theo Tô Hoài, “bên Quảng Ðông có món ăn ngưu nhục phấn(...) sang đến đây thì (...) Hà Nội hóa thành phở (...) khác hẳn cái món gốc”(8).

“Phấn” sang ta bao giờ, rồi hóa phở đại khái vào quãng thời gian nào, Tô Hoài không nói. Nếu ông biết, chắc ông không ngại gì mà không nói. Ta liều đoán xem sao.

Nhờ giặc Tây bít-tết mà khách Tàu phấn?

Cái năm Tây hạ thành Hà Nội dĩ nhiên là một năm quan trọng trong lịch sử dân tộc nói chung.(9) Trong lịch sử ẩm thực của dân tộc, tầm quan trọng của cái năm ấy có thể còn lớn hơn nhiều.

Nhé, Tây ai cũng biết chuyên ăn thịt bò. Tây chiếm Hà Nội rồi Tây ăn thịt bò Việt Nam, chứ đâu Tây có chở được bò... Gô-loa chính hiệu qua ăn. Thế là khai sinh cái nhà a-ba-toa, cái kỹ nghệ giết bò để làm món bít-tết mà nuôi Tây! Sẵn nhà sẵn búa sẵn dao, mổ xong bò cho thực dân rồi thì xoay qua mổ thêm ít con cho người Hà Nội có mua về nấu nướng gì đấy thì mua. (Dĩ nhiên thịt bò vẫn đắt, nhưng ở tỉnh thường sẵn kẻ dư tiền, nhất những kẻ đang lăng xăng hợp tác với Tây.)

Ðã nói ta vốn chỉ năm thì mười họa mới ăn chơi cái thứ thịt bò. Nay bỗng thấy các quan Tây ngày nọ qua ngày kia đều đều dùng nó, ta đâm nghĩ ngợi, rồi ta nhón bước đến cái a-ba-toa se sẽ bảo bán cho ít thịt bò, rồi về nhà ta bắt đầu loay hoay thử nấu vài món thịt bò “ăn thật” kiểu các quan Tây. Thế là con bò chập chững bước vào bữa ăn gia đình Việt Nam...

Ở Hà Nội, ngoài chủ mới người Pháp, chủ cũ người Việt, còn có một số “khách trú”, tức những Hoa kiều. Người Tàu dường như quen với thịt bò hơn ta. Trong đám Hoa kiều, có một số gốc Quảng Ðông, quê hương của ngưu nhục phấn. Từ lúc xa quê họ thèm “phấn” mà thiếu ngưu nhục để nấu, nay nhờ Tây chiếm Hà Nội họ có điều kiện để “phấn” tưng bừng, vừa ăn vừa bán. Thế là tiền thân của phở xuất hiện chính thức ở Hà Nội, có lẽ hàng đôi ba chục năm trước ngày sinh của Tô Hoài.(10)

Cái “thân trước”của phở chắc chắn không thọ, vì văn chương chữ quốc ngữ chủ yếu tả thực mà gần như không có văn thi nhân tiền chiến nào nhắc đến món ngưu nhục phấn. Hình như chỉ có một mình Tản Ðà. Theo Nguyễn Dư, trong bài “Ðánh bạc” viết vào khoảng năm 1915-1917 có câu: “Có nhẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức đêm ăn nhục phơ?”(11) Tản Ðà tuy viết văn mới nhưng thuộc thời cũ nên còn kịp ăn “phơ”, chứ những nhà văn sinh sau đẻ muộn hơn ông một chút thì có thức đêm đánh bạc cũng chỉ biết dùng có “phở” mà thôi! Nghĩa là khi văn quốc ngữ phát triển ồ ạt thì ngưu nhục phấn coi như đã... từ trần.

“Bát canh bánh”(12) chết là chí phải. Cái miệng, cái lưỡi, và cả cái bao tử, của người Việt Nam không chịu được nó đâu. Chưa thấy bát canh bánh lần nào, nhưng dễ dàng hình dung một bát đầy “bánh” và thịt bò, rắc ớt ngâm giấm, rảy xì dầu! Ta thấy lạ, ăn chơi một hai lần cho biết... chắc là cùng, chứ tội tình gì ăn tới lần thứ ba!

Mà Hà Nội ta phở?

Bát ngưu nhục phấn đầu tiên được hầu sáng bưng ra cho khách trong một cao lâu ở Hà Nội có lẽ không lâu sau ngày Pháp hạ thành Hà Nội. Bao nhiêu “nước chảy qua cầu” nữa thì đến ngày bát phở đầu tiên được một bác hàng phở múc trao cho khách ăn đang đợi ở một vỉa hè trong ba sáu phố phường?

Tú Mỡ sinh năm 1900, nhưng ai biết ông bắt đầu ăn phở năm nào...(13)

Ước ao được biết ngày sinh của phở để mừng. Ðường phở “bay” đã dài gì đâu, vậy mà ngoái lại, than ôi, đầu đường đã mịt mờ hơn “vết chim bay”(14)!


Công của máy cày

Bò từ ngoài dạ dày quê

Ðã đoán liều nhu cầu dùng thịt bò của quân xâm lược Pháp là tác nhân đầu tiên đưa con bò lại gần cái miệng của người Việt Nam. Một số đồng bào sống ở những tỉnh thành nơi quân Pháp đồn trú bắt đầu quen ăn thịt bò. Sẵn thịt, Hoa kiều, vốn bao giờ cũng ở tỉnh, nấu món ngưu nhục phấn truyền thống của họ, rồi người Việt lần lần hóa phấn ngưu thành phở bò. Các món thịt bò, nổi trội nhất là phở, theo nhau “âm thầm” đi vào bao tử chúng ta. Nói âm thầm là vì con bò vẫn chưa được ca dao chính thức tấn phong làm một “con thịt nhân dân”.

Nước Việt Nam thời Pháp thuộc, tuyệt đại đa số nhân dân sống ở nông thôn. Thịt bò muốn xưng là “thịt nhân dân” thì phải thực sự có quan hệ thân thiết với cái miệng của người dân quê. Chuyện ấy quân viễn chinh Pháp bó tay, không giúp được. Vì thế, các món thịt bò của người Việt ở tỉnh, sau một thời gian được tích cực Việt hóa, tuy giờ đã đậm đà mùi vị quê hương nhưng vẫn cứ còn đứng chơi vơi bên ngoài dạ dày dân tộc!

Tội nghiệp con bò, nó phải đợi đến hàng thế kỷ nữa mới đem được món nọ món kia về quê mà vinh quy.

Do thôi cày mà vào được trong

“Chồng cày, vợ cấy, con  đi bừa.”(15)

Khói lửa, chồng lên đường đánh giặc Pháp, “ngày trở về” thành người thương binh “bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre”. Về đến lũy tre, anh “chống nạng cầy bừa”, may có “con  xanh (vì thương yêu anh mà) hết lòng giúp đỡ”(16)... Chao ơi, tình nghĩa người-bò sao thắm thiết!

Thời oanh liệt nay còn đâu.

Ai hay về thăm nông thôn, hẳn biết cái “thế giá” của con bò nó đang sụt thê thảm. Từ đường đường ngang ngửa với “vợ, chồng”, từ một trợ tá đắc lực của thương binh, nó đang bị cái máy cày hạ xuống quá hàng con chó, xuống đến tận hàng hai con thuần nguồn đạm là con gà và con lợn!

Ở nông thôn, thịt bò nay không còn quá đắt đỏ, dân quê đã rất hiếm người ăn thấy “nóng”, có người trước chê “hôi” nay đã nghiệm ra chính cái mùi hôi ấy cũng có nét duyên dáng riêng. Bò càng xuống “giá”, thịt bò ăn càng thấy thấm đậm hương quê!

Bị máy cày đuổi ra khỏi lao động sản xuất lúa, bò đang ngày ngày thơ thẩn trên bờ ruộng đợi biến thành bê thui, bò sốt vang, phở bò, bún bò, bò bảy món, bò lụi, bò kho, bò xào, bò nhúng, bò lúc lắc v.v. Với thành tích sáng tác xuất sắc của ẩm thực Việt Nam, ai biết mười năm nữa sẽ có bao nhiêu món bò mới được “ngẫu hứng” nấu hay nướng ra. Ðó là chưa kể với đà bắt chước Tây đang cuốn mạnh hơn lũ, ta sẽ “nhập ngoại” thêm bao nhiêu món thịt bò kiểu Tây ngoài món bít-tết.

“Bò thả đồng”(17) rồi sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu. Nhiều trại nuôi bò thịt sẽ được mở ra. Khách ăn khó tính sẽ phàn nàn về chất lượng thịt bò công nghiệp, người tiêu thụ nói chung sẽ lo ngại về độ nguy hiểm của thực phẩm nhân tạo nuôi bò (nhãn hiệu “Bổ Hơn Rơm”!)...

Phở giờ mới thực sự quần chúng...

Quân Pháp hạ thành Hà Nội, người Hà Nội ăn thịt bò.

Máy cày hạ con bò, người Việt Nam cả nước ăn thịt bò.

Giờ đây con bò có quyền đòi sả trong ca dao, nhưng than ôi, ngay ở thôn quê ai nấy cũng tất bật gần đủ mười hai tháng, thì giờ đâu nữa mà ca với dao, nhất thứ ca dao “con bò ọ ọ bó sả”, hoặc lá lốt, lá xương xông, hoặc thứ lá thứ củ gì đó!

Bắt đầu là nhìn bát phở mà nghĩ đến con bò. Ðến đây, ngẫm về thân thế con bò chán, lại lẩn mẩn nhớ bát phở.

Chuyện thịt bò đang trở thành “sao” thì dính líu gì đến phở? E dính chặt đấy. Trong việc phở đang mạnh mẽ trở nên có tính quần chúng thực sự (chứ không phải chỉ tính quần chúng đô thị), thiết nghĩ cái mức phổ biến của cái thịt con bò nó có vai trò “nhất định” không hề nhỏ chút nào.

2008

Wednesday, 5 February 2014

Tản mạn bên bát phở (Trần Thu Dung - Nông Nghiệp Việt Nam)


Tản mạn bên bát phở

TS Văn học TRẦN THU DUNG    -1/28/2014 2:59:15 PM
Một lần, anh bạn Việt kiều Mỹ qua Paris chơi, chúng tôi rủ nhau đi ăn tiệm. Tôi hỏi anh thích nếm hương vị quê hương hay hương vị Pháp. Anh bạn đề nghị ăn đồ Tây với lý do: đến đâu phải nếm đặc sản nước đó, đặc sản Việt Nam (VN): nem, phở, bún, bánh cuốn... bên Mỹ bán đầy khắp. Hoá ra đặc sản VN bây giờ du lịch khắp thế giới, đặc biệt là ở Pháp và Mỹ - hai nước có lịch sử liên quan đến VN. 
Phở là món đặc sản truyền thống của Việt Nam. "Truyền thống" theo từ điển Pháp định nghĩa "là những vật thể và phi vật thể được truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác". Bánh chưng, nem là những món ăn truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ. Phở cũng là món ăn truyền thống, vì nó được nhắc đến trong tuỳ bút, văn của một số nhà văn thời tiền chiến, như Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) nhắc đến phở từ 1913.
Phở VN đã có trên 100 năm, truyền từ thế kỷ đầu 20 sang đến thế kỷ 21. Những món ghi vào từ điển là những món ăn đã nổi tiếng và quen thuộc với dân tộc đó. Cùng với áo dài, nem, bánh chưng, nước mắm, phở VN đã có trong từ điển Pháp, viết nguyên gốc.
Bàn về phở, người ta thường nói đến phở bò Bắc Kỳ. Tên gọi chứng minh thịt bò là nguyên liệu chính.
Điểm qua văn chương cổ, không thấy tả vua chúa ăn phở bò, hay tả về món phở bò. Phở chỉ xuất hiện trong văn thơ thời Pháp thuộc: Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ… Bò, phở gần như vắng hoàn toàn trong văn hoá dân gian Việt, chứng tỏ bò và phở xa lạ với người VN trước thế kỷ 20.
Thời nay, phở bò đã thành món ăn hấp dẫn quen thuộc, một tín hiệu Việt Nam 
trên toàn cầu (Ảnh minh họa)
Thời nay, phở bò đã thành món ăn hấp dẫn quen thuộc, một tín hiệu Việt Nam trên toàn cầu.
Cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes năm 1651 không có từ "phở". Trong bài "Khảo luận về dân Bắc Kỳ" (Tạp chí Đông Dương, 15/9/1907), Georges Dumonutier viết về những món ăn phổ biến ở Bắc Kỳ không điểm danh phở. Phở sớm được ưa thích, nên phở xuất hiện trong văn thơ thời Pháp thuộc, và chỉ hơn chục năm sau, phở có trong từ điển. Từ điển của Gustave Hue (Dictionnaire Annamite-Chinois-Français) xuất bản năm 1937 định nghĩa: “Cháo phở: pot-au-feu”.
Người Pháp dịch phở là pot au feu (pô- tô -phơ). Pot au feu - món súp hầm thịt bò là món ăn truyền thống của Pháp. Phở chính là sự sáng tạo của người Việt khi giao lưu văn hoá ẩm thực Pháp. Xét về nguyên liệu, nồi nước súp cổ truyền của người Pháp gần giống nồi nước dùng nấu phở, trừ rau củ.
Thịt bò toàn những thứ cứng và dai: đuôi, gân, sườn, đùi thăn, dạ dày, bạc nhạc. Tất cả hầm chung với hành củ và quế, hoa hồi, hạt tiêu. Nước dùng được lọc 1 lần cho trong, khi thịt gân mềm cho rau, củ (cà rốt, cần tây, khoai tây). Phở có dùng hành tây nướng bóc vỏ bỏ vào nước dùng cho thơm. Hành củ chỉ có đầu thế kỷ 20 khi Pháp đem vào Việt Nam, nên gọi là hành Tây. Hoa hồi (Anis) cũng không phải là hương vị quen thuộc của người Việt.
Người Pháp sống ở Đông Dương với nỗi nhớ quê hương và các món ăn dân tộc họ, đã bày cho đầu bếp Việt Nam nấu món này. Thấy món ăn hấp dẫn dễ ăn, người Việt đã Việt Nam hoá sáng tạo món súp bò của Pháp bằng cách dùng thêm hương liệu Việt có sẵn: gừng nướng, quế, thay thế khoai tây bằng bánh đa tươi thái sợi. Bánh đa, bánh cuốn là bánh có từ lâu đời của người VN. Nước dùng nấu như pot au feu, nhưng không cho rau củ.
Người Pháp khi ăn súp này thì vớt thịt miếng to cho vào đĩa sâu, ai ăn thì tự lấy cắt nhỏ ra rưới thêm nước súp và rau khoai, ăn với bánh mỳ. Người Việt không dùng dao dĩa như người Pháp, dùng đũa, nên thịt thái nhỏ theo phong tục thói quen người Việt. Thái thịt chín mỏng là tài nghệ của người đầu bếp.
Thịt chín, thịt gân thái mỏng giơ lên thấy cả ánh sáng mặt trời, nhưng không được rách vỡ, miếng gân, gầu trong vắt, khi rưới nước phở lên, nước dùng thấm xuyên qua miếng thịt, ăn miếng thịt mới cảm thấy đậm đà. Thịt hầm không nát. Gân phải mềm. Người Pháp ăn món súp bò thả hành và rắc rau mùi tây lên trên. Phở bò nguyên gốc Hà Nội cũng chỉ rắc hành và mùi và thịt chín. 
Phở xuất hiện đầu thế kỷ 20, do đó không có mặt trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Phở là món ăn ảnh hưởng món súp bò của Pháp. Vậy từ phở do chữ "Feu –phơ) mà ra. Tiếng Việt đơn âm, người Việt lúc đó đại đa số không biết tiếng Pháp, do tiếp xúc làm việc phục vụ cho người Pháp, họ nói tiếng Tây bồi, họ thường hay rút ngắn từ tiếng Pháp, nhất là khi nghe không rõ họ hay lấy từ đầu hay cuối cùng để gọi như Galon (phù hiệu quân hàm) gọi đơn giản là lon, biscuit (bánh qui – lấy âm qui đằng sau từ biscuit), chèque (séc), essence (xăng), affaire (phe), démarrer (đề), alcool (cồn), beige (be), dentelle (ren), cartouche, touche (tút, đầu đạn hoặc nghĩa là sửa lại cái gì đó)…
Chỉ người Pháp thời đó giao tiếp quen với đội phục vụ mới hiểu ngôn ngữ bồi này. Tiếng bồi thời đó là oai vì làm việc cho Tây và nói Tây hiểu, dần dần lan ra dân chúng, trở nên ngôn ngữ mới. Hầu như là những từ không có ở VN, như xăng, cồn, tút, đề…. và các món ăn của Pháp như: bơ, phô ma, bích quy…
Riêng sữa có từ ở VN, nên không vay mượn từ của Pháp kiểu đó. Sự biến từ những từ đa âm thành từ đơn âm là cách Việt hoá các từ Pháp. Người bồi bếp đã đọc chữ cuối "feu" thành "phở". Từ đó có từ phở.
Phở là món ăn của Bắc Kỳ (theo từ điển của Pháp sau này họ dịch là soupe tonkinoise tức là súp Bắc Kỳ). Điều này khẳng định phở xuất hiện ở miền Bắc
Người Tàu không có món phở, không có chữ phở. Ở nước ngoài, quán ăn nào của người Tàu có món phở, họ có ghi bằng tiếng Việt: phở bò Việt Nam (Vietnamese Nalle phở noodle soup with sliced rare beef and well done beef brisket).
Trong khi người Tàu thừa nhận phở là đặc sản của VN, thì một vài người Việt lại loay hoay chứng minh chữ "phở" là của gốc tiếng Tàu, và món phở từ món "ngưu lục phấn" (mì trâu) của Tàu. Món phở xuất phát từ món súp bò của Pháp. Phở là sự kết hợp thông minh sáng tạo từ món súp bò Pháp với nguyên liệu cổ truyền của VN.
Từ điển do người Pháp soạn cũng ghi phở: món súp Bắc Kỳ. Spagetti của Ý là do Marco Polo mang mỳ từ Tàu về. Sự sáng tạo thông minh của người đầu bếp Ý đã biến món mỳ Tàu thành món spagetti nổi tiếng thế giới.
Sushi Nhật Bản là từ cơm nắm - món ăn dân dã của nhiều nước châu Á. Không ai nói spagetti, sushi của Tàu… Trong khi đó, thật đáng buồn: Từ điển Việt - Pháp ở cuốn tái bản lần thứ 4 (trong đề có chỉnh sửa, NXB Khoa học xã hội, 1997) dịch "Phở" là "soupe chinoise" (súp Tàu)?
Phở chính là sự sáng tạo tuyệt vời của đầu bếp VN thế kỷ 20. Họ đã thả hồn Việt vào trong phở. Giao lưu văn hoá có nhiều cái lợi. Nếu tài giỏi, thông minh biết kết hợp cái cổ truyền và cái mới sẽ tạo ra những tuyệt tác mang phong cách và hồn dân tộc. Bắt chước, tạo ra cái mới đòi hỏi tài nghệ, trí tuệ của người sáng tạo. Phở là một vinh danh văn hoá ẩm thực Việt trong quá trình giao lưu với văn hoá ẩm thực phương Tây.
Sinh năm 1956 tại Hà Nội, quê gốc Nghệ An, Trần Thu Dung theo học chuyên ngành Văn học Pháp, Khoa Ngôn ngữ và văn học nước ngoài, ĐH Tổng hợp Bucarest (Romania) từ 1974 - 1979. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giành học vị tiến sĩ tại Pháp kể từ sau khi hai nước lập quan hệ ngoại giao năm 1973.
TS.Trần Thu Dung từng giảng dạy tại ĐH Sư phạm 1, Trường Viết văn Nguyễn Du và ĐH Paris 7. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về việc học - dạy tiếng Việt ở Pháp (được dùng làm đề thi môn tiếng Việt ở Paris). Bà đã in tập thơ và một số cuốn sách tại VN (cùng TS Hoàng Ngọc Hiến).