Wednesday, 12 March 2014

Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ? (Lê Phú Khải - Văn Chương Việt)

Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ?
Lê Phú Khải
Những  ai chưa có dịp tìm hiểu, đến nay vẫn đặt một câu hỏi là : Vì sao hai bên Việt Minh và Pháp lại chọn một nơi không hẹn trước, xa xôi hẻo lánh, tít mù cuối trời Tây Bắc, giáp ranh với nước Lào làm trận địa cho một cuộc chiến quyết định sống còn với mỗi bên ?!
            Nhà văn hóa nổi danh Nguyễn Khắc Viện, trong cuốn sách được tái bản nhiều lần "Kể  chuyện đất nước", phần nói về Tây Bắc và Điện Biên Phủ cũng phải thốt lên : "Từ trên máy bay nhìn xuống, người ta tự hỏi : Không hiểu vì sao Navarre, một trong những tướng tài ba nhất của Pháp lại đem quân nhốt mình vào cái "chậu" (tiếng Pháp là Cuvette) bốn bề bịt kín thế này. Đúng, từ máy bay nhìn xuống đồng bằng Mường Thanh với căn cứ Điện Biên Phủ quả là một cái chậu bốn bề núi cao, vào đấy là hết  đường thoát".
            Nhưng nếu đi đường bộ, với cảnh đèo cao suối sâu, đường một bên, vực thẳm một bên … Vác được 30 kg gạo lên đến chiến trường thì người dân công hỏa tuyến đã ăn hết 29 kg (!), chỉ còn để lại cho bộ đội được 1kg ! Sau đó thì phải tự kiếm ăn dọc đường mà đi về (!) Lúc đó lại có người hỏi : "Vì sao Tướng Giáp lại dẫn những đơn vị chủ lực của mình từ xa xôi đến đây để giao tranh trong hoàn cảnh vô cùng không thuận lợi ?" (NKV).
            Cái gì cũng có giá của nó. Và, lịch sử có lô-gích của lịch sử.
            Chúng ta hãy tìm hiểu "Kế hoạch Na-va" và tình hình chiến sự Đông - Xuân 1933 - 1954 sẽ trả lời được những câu hỏi trên.
            Về phía quân  ta, đến Đông Xuân 53-54, lực lượng ta đã lớn mạnh, bao gồm 7 Đại đoàn chính quy (Đại đoàn 312, 316, 308, 351, 325, 320, 304), 18 trung đoàn và 19 tiểu đoàn trên toàn quốc. Những đơn vị này vẫn đơn thuần là bộ binh. Ngoài ra ta còn có 2 trung đoàn, 8 tiểu đoàn và 4 đại đội pháo binh. Một trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo phòng không. Bên cạnh bộ đội chủ lực và địa phương quân ta còn khoảng 2 triệu dân quân du kích. Các đơn vị vũ trang của ta chủ yếu mới đánh địch ở vùng rừng núi vào ban đêm, tập trung sức mạnh đánh vào chỗ yếu của địch rồi rút lui bảo toàn lực lượng. Trong chiến dịch Tây Bắc 1952, 2 đại đoàn của ta vẫn không giành được thắng lợi trọn vẹn khi phải "nhổ" một tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Nà Sản (nhỏ hơn nhiều so với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau này)
Về phía địch, trước khi vào mùa khô 1953-1954, tổng quân số của địch là 445.000 người, gồm 146.000 quân Âu Phi (33%) và 299.000 quân ngụy. So với tổng quân số của ta là 252.000 người, như vậy so sánh lực lượng về quân số, địch vượt ta khá xa. Địch còn có pháo binh (25 tiểu đoàn), không quân (580 máy bay), 391 tàu chiến, không kể quân ngụy có 25 máy bay và 104 tàu chiến loại nhỏ và 3 tàu ngư lôi.
Trên chiến trường chính Bắc Bộ lúc đó, ta chưa thể đánh xuống đồng bằng, nơi địch có sẵn thế trận và sức mạnh của pháo binh, của không quân mà ta chưa có khả năng hạn chế.
            Một điều cần được nói rõ, và chỉ đến bây giờ, với đầy đủ tư liệu lịch sử chúng ta mới nhìn nhận sáng tỏ rằng, sau thế chiến II, Mỹ không ủng hộ Pháp quay lại Đông Dương áp đặt chủ nghĩa thực dân cũ. Thậm chí còn gây khó khăn cho Pháp trở lại Đông Dương. Nhưng khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên 1950, Mỹ thay đổi chiến lược ở Châu Á, quay lại hỗ trợ Pháp trong chiến tranh Việt Nam … vì sợ làn sóng Đỏ tràn ngập Châu Á. Tuy nhiên, dù cho Mỹ có giúp sức Pháp (73% chi phí chiến tranh Đông Dương) thì cả Mỹ và Pháp đều nhận thấy không thể giành thắng lợi quân sự ở VN để kết thúc chiến tranh lúc này, mà chỉ nhằm giành một chiến tranh quân sự quyết định, để buộc ta phải đàm phán kết thúc chiến tranh theo những điều kiện họ đặt ra.
Tháng 5/1953 Pháp cử tướng Nava (Henri Navarre) sang thay thế cho Xa-lăng, người không có khả năng "giành một chiến thắng quân sự quyết định" cho nước Pháp !
Từ khi bắt đầu chiến tranh, Pháp đã 7 lần bổ nhiệm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh tại Đông Dương. Nava là một  tướng bốn sao, 55 tuổi, nguyên tham mưu trưởng lục quân Pháp thuộc khối Bắc Đại Tây Dương. Nava đã từng chỉ huy một sư đoàn thiết giáp và được báo chí phương Tây ca ngợi là một "danh tướng" có thể "uốn nắn lại tình hình Đông Dương"!
Chỉ sau hơn 1 tháng nghiên cứu tình hình, ngày 3/7/1953 Nava trở lại Paris và đệ trình Hội đồng tham mưu trưởng và Hội đồng quốc phòng tối cao Pháp một kế hoạch giành chiến thắng trong 2 năm (!) Kế hoạch Nava được Mỹ tán thành. Kế hoạch phải chi ít nhất là 100 tỷ frăng. Một con số quá lớn ! Người ta đã bàn đến việc "nên bớt cho Nava nhiệm vụ bảo vệ nước Lào trong kế hoạch". Điều này theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có liên quan đến trận Điện Biên Phủ, và đã làm tốn nhiều giấy mực sau này !
Nhờ cơ quan tình báo Trung Quốc, ta đã có một  bản kế hoạch Nava với cả bản đồ.
Kế hoạch Nava có hai bước : Một là, trong thu đông 1953 và mùa xuân 1954, Pháp giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm ba tỉnh tự do ở đồng bằng Liên khu 5 của ta. Đồng Thời mở rộng xây dựng quân ngụy thành một lực lượng lớn mạnh để chiếm đóng (giữ đất), và xây dựng một đội quân cơ động mạnh đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực của ta. Bước hai, từ Thu đông 1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bước 1, chuyển sang tiến công chiến lược, buộc ta phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp. Nava chủ trương "luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công" !
Rõ ràng trong kế hoạch Nava không có Điện Biên Phủ !? Nava liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét dữ dội vùng tạm chiếm ở Bắc Bộ - Bình Trị Thiên và Nam Bộ.
Trong thời gian này, các địa phương của ta ngoan cường đối phó với các cuộc càn quét của địch. Quân chủ lực của ta luyện tập đánh công kiên và đánh vận động. Vào mùa khô 53 - 54, để giữ vững và phát huy quyền chủ động, ta chủ trương dùng một bộ phận chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào những hướng chiến lược mà địch tương đối yếu để giải phóng đất đai và buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó. Khoét sâu vào mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực tạo thế trận và thời cơ mới. Trên chiến trường Bắc Bộ, ta hướng tấn công lên Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào, sau đó sẽ tiến đánh Trung Lào và Hạ Lào. Ở khu 5, ta chủ trương đưa bộ đội chủ lực khu 5 lên đánh bắc Tây Nguyên để tiêu diệt sinh lực địch và bảo vệ vùng khu 5 một cách hiệu quả. Các chiến trường khác (Nam bộ, Nam Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ ta đẩy mạnh chiến tranh du kích … Bác Hồ đã kết thúc đề án tác chiến Đông Xuân 53 - 54 bằng mấy ý : Tổng quân ủy phải có kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với quân địch trên toàn quốc … Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải:"thiên biến vạn hóa" !
Hướng chính là Tây Bắc trong Đông Xuân 53-54. Nhưng lực lượng địch ở Lai Châu lại ít, chỉ cần một  đại đoàn để đánh Lai Châu. Như vậy thế trận Đông Xuân 53-54 của ta sẽ là 3 hướng : Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Tây Nguyên !
Nhưng Nava đã ra tay trước. 22 tiểu đoàn của y đánh ra Ninh Bình, trong trận đánh này một đại đoàn nhẹ do Đờ Cát-tri (De Castries) chỉ huy. Chính Cát-tri sau này là tổng chỉ huy ở Điện Biên Phủ ! Cùng với cuộc hành quân Hải Âu đánh ra Ninh Bình, Nava còn đổ bộ lên bờ biển Thanh Hóa, hoạt động chiến tranh tâm lý ở khu 4 .v.v… Những cuộc hành quân trên Nava nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công vào đồng bằng Bắc Bộ … !!! Nhưng sự thất bại của cuộc hành binh Hải Âu làm cho Nava lo lắng.
Trong lúc quân ta đang lo chưa xuất hiện một chiến trường chính, để có thể tiêu diệt một lực lượng lớn của địch trong Đông Xuân 53 - 54 thì ngày 20/11/1953 ta được tin địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ! Tiếp đó các ngày 21 và 22 … tổng cộng 6 tiểu đoàn dù tinh nhuệ đã được ném xuống Điện Biên Phủ. Đến 10/12/1953, lực lượng địch ở ĐBP đã là 10 tiểu đoàn. Rồi chiến xa, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu … được tiếp tục điều tới …
Như vậy là Nava đã thay đổi kế hoạch mà ông đã đề ra ?
Sau này, trong hồi ký của mình, Nava có biện minh cho việc đưa quân đến Điện Biên Phủ : "Hồi 18 giờ 15phút ngày 20/11/1953 một bức điện mật cho biết Đại đoàn 316 hành quân lên Điện Biên Phủ uy hiếp mạnh Lai Châu. Tôi quyết định một hành động chiếm Điện Biên Phủ … để bảo vệ Luông-Phabăng nếu không vài tuần nữa nơi đây rất nguy hiểm"! Các sứ giả phương Tây sau này cũng cho là có tập đoàn Điện Biên Phủ là vì 316 tiến lên Tây Bắc. Thực tế không phải như vậy. Đại bộ phận Đại đoàn 316 từ sau chiến dịch Tây Bắc 1952 vẫn đóng quân ở địa bàn này. Gần đây, trong cuốn hồi ức : "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện (NXB Quân đội nhân dân 2001), Đại tướng đã đưa ra một nhận định hoàn toàn mới mẻ. Nava tiến hành cuộc hành binh Hải Ly (Castor) ném quân xuống thung lũng lớn nhất vùng Tây Bắc chỉ mong Điện Biên Phủ sẽ làm vai trò "chiếc nhọt tụ độc", hy vọng thu hút được từ 1 đến 2 đại đoàn của Việt Minh, làm phân tán khối chủ lực của đối phương, tránh một cuộc đụng độ lớn ở Băc Bộ, để rảnh tay tiến hành cuộc tiến công chiến lược ở miền Trung, tạo thành khu vực chia cắt 2 miền Bắc Nam, trước sau Nava vẫn trung thành với kế hoạch ban đầu của mình. Để tránh một cuộc giao chiến ở Điện Biên Phủ mà Nava mong muốn sẽ không xảy ra, Điện Biên Phủ phải đủ mạnh để đối phương không dám tấn công …
Sai lầm của Nava và cả bộ tham mưu của ông ta ở Sài Gòn là khi nhận định :"Việt Minh không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 20.000 dân công, sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo trên 75 ly cùng với đạn pháo quá 7 ngày chiến đấu (!)".
Đó chính là điều đã khiến ĐBP xa xôi, hẻo lánh trở thành "điểm hẹn lịch sử". Trở thành "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu".
                                                                                                                                   

Dấu ấn Điện Biên Phủ :

ĐIỆN BIÊN PHỦ-  BÀI THƠ VÀ  CON NHÍM

            Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tây Bắc thực sự trở thành hướng chính như dự kiến của ta trong kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954
            Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, cách Hà Nội 480 km về phía Tây Bắc. Mường Thanh là tên gọi xưa nhất và phổ biến nhất của Điện Biên. Đời nhà Lý Mường Thanh nằm trong địa hạt châu Lâm Tây. Đời Trần nước ta có 15 lộ thì Mường Thanh thuộc Châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Đến đời Lê, Mường Thanh thuộc Châu Phục Lễ, Trấn Gia Hưng, Châu Phục Lễ tức Mường Lễ, tức Lai Châu ngày nay ….
            Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhưng phải đến năm 1890 Pháp mới đặt được ách thống trị tại Lai Châu. Theo nghị định ngày 6.1.1891 của Phủ Toàn quyền Pháp thì Lai Châu (trừ Phong Thổ) thuộc đạo binh thứ 4 nằm trong khu vực quân sự Vạn Bú. Năm 1910 tỉnh Lai Châu được thành lập, Điện Biên thuộc Phủ Điện Biên. Phủ Điện Biên có châu Điện Biên và Tổng Tuần Giáo.
            Cách mạng tháng 8 thành công nhưng Điện Biên vẫn tiếp tục nằm dưới quyền kiểm  soát của Pháp. Số là, trong cuộc đảo chính của Nhật đêm 9.3.1945, Tướng Pháp Alessandri, chỉ huy một lữ đoàn tại Sơn Tây đã đưa 6000 quân chạy qua Lai Châu sang Trung Quốc. (Lúc đó thuộc lực lượng của Đồng minh Anh - Mỹ - Tưởng chống Nhật). Khi Nhật đầu hàng, số tàn quân Pháp này lại tìm đường về Lai Châu. Và, đến Hiệp định sơ bộ 6.3.1946, 800 quân Pháp được chính thức trở lại vùng này để tiếp phòng  quân Tưởng. Tướng Lơcléc đã trực tiếp lên Điện Biên Phủ dịp này. Đến chiến dịch Tây Bắc năm 1952 Điện Biên Phủ mới được giải phóng.
Điện Biên Phủ giữ một vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc mà còn trên cả chiến trường Đông Dương. Vùng này tiếp giáp với Thượng Lào, có đường xuống Trung Lào và Hạ Lào, phía Tây là Thái Lan, Miến Điện, phía bắc giáp Trung Quốc.
            Ai đã một lần lên thăm Tây Bắc - Lai Châu - Điện Biên Phủ mới thấy thiên nhiên nước ta thật kỳ thú. Và, Điện Biên Phủ là một vẻ đẹp khác thường. Huyện Điện Biên (nay được chia làm hai, gồm huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên Đông) trước kia rộng đến 316.000 hécta, gấp hai lần tỉnh Thái Bình là một vùng núi cao hiểm trở, đỉnh cao nhất là Pú-Huổi 2178m. Giữa vùng núi rừng trùng điệp đó lại bất thần xuất hiện một lòng chảo có chiều dài đến 20km, rộng từ 7 đến 8km, bằng diện tích một huyện miền xuôi. Cánh đồng Mường Thanh nằm lọt giữa lòng chảo thung lũng Điện Biên rộng đến 4000 hécta, là vựa lúa lớn nhất của cả vùng thượng du Tây Bắc. Lòng chảo Điện Biên với cánh đồng Mường Thanh và con sông Nậm Rốn êm đềm uốn khúc giữa lòng nó khác nào một bài thơ của núi rừng Tây Bắc. Một ngày của Điện Biên có 4 mùa xuân hạ thu đông vì thế hạt gạo Mường Thanh thơm ngon kỳ lạ. Giống lúa IR64 ở miền xuôi là lúa của người nghèo đem lên trồng ở Điện Biên thành đặc sản. Gạo nếp nương của Điện Biên hạt to, trong suốt, nấu lên thơm phức cả nhà, ăn dẻo dai như cốm và không mau ngán như nếp thường …
Kể từ ngày 20.11.1953 khi 6 tiểu đoàn lính dù nhảy xuống đây thì bài thơ Điện Biên bỗng trở thành "con nhím" Điện Biên Phủ ! Con nhím đó sau này lên đến 16.200 quân gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh với 40 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 10 chiếc giăng thành một tập đoàn cứ điểm, tập hợp trong 8 trung tâm đề kháng với 49 cứ điểm có hầm hào, lô cốt, dây kẽm gai, bãi mìn bảo vệ. Tập đoàn cứ điểm còn có 2 sân bay, và hàng ngày có từ 200 đến 300 tấn lương thực, súng đạn, thuốc men do 100 máy bay từ Hà Nội, Hải Phòng chở tới yểm trợ. NaVa đã 9 lần lên Điện Biên kiểm tra "con nhím"; Còn Cô-nhi, tư lệnh quân Pháp tại Bắc Kỳ thì đến nhiều hơn vì đây là phần đất do ông ta phụ trách! Từ Paris nhiều bộ trưởng, quan chức cao cấp và tướng lãnh được cử tới thị sát tại chỗ. Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao-ơ (Eisenhower) cử các tướng O'Daniel, Thomas Trapnell đến thăm Điện Biên Phủ, sau đó là 3 sỹ quan Mỹ ở lại làm cố vấn cho Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm!
            Ai đến cũng thừa nhận Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Mà đúng thế thật, ngay cả trong thế chiến thứ 2, quân Pháp cũng chưa bao giờ xây dựng một trận địa phòng thủ dã chiến lớn đến thế. Tất cả đều đồng thanh tung hô : một pháo đài không thể tấn công !
            Duy chỉ có các nhà báo Pháp là có con mắt tinh đời. Robert Guillain phóng viên của tờ Le Monde sau khi sang thăm Điện Biên Phủ đã viết : "chẳng khác gì một hố nhốt sư tử", "một sân vận động mà Việt Minh chiếm lĩnh các bậc thang pháo đài xung quanh"! Trả lời nhà báo, Henri Amourouk của tờ Tây- Nam khi ông này đặt câu hỏi lo ngại rằng, nếu Việt Minh chiếm được các cao điểm xung quanh và bắn xuống …..De Catries, chỉ huy trưởng tập đoàn Điện Biên Phủ  đã quát to với vẻ khinh miệt : - Lại thêm ông nữa! Ông biết không, nếu ông Guillain của Le Monde trở lại đây ông ta sẽ không bước xuống được khỏi máy bay, tôi sẽ cho bốn tay súng giữ ông ta lại… Thế mà ông ấy đã từng uống Cô-nhắc (rượu mạnh - LPK) của chúng tôi…  Cả ông cũng nghĩ y như họ sao? Nếu quân Việt Minh tấn công, các anh sẽ thấy chúng tôi đón tiếp họ như thế nào? Mọi thứ đều sẵn sàng… Nếu họ bắn xuống ư? Vậy thì sao nào?! Tôi sẽ đội chiếc ca-lô đỏ lên đầu để cho họ trông được rõ hơn!!!
Trong khi nhiều người đều tin là sẽ có chiến thắng nếu Việt Minh tấn công vào Điện Biên Phủ. Riêng Nava, với tầm nhìn cao hơn, y tỏ ra dè dặt. Ngày 31.12.1953 đã bí mật chỉ thị cho Cô-nhi phải nghiên cứu một kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ khi cần thiết, cuộc hành binh ấy được biệt danh là Xênôphôn (apération Xénophon). Sự lo ngại của Nava còn thể hiện rõ qua báo cáo gửi về Paris ngày 1.1.1954 : "Tất cả đều cho cảm giác là lúc này kẻ thù quyết tâm dùng sức mạnh tiến công Điện Biên Phủ với những phương tiện rất lớn … Trường hợp bị tấn công cơ may chiến thắng của chúng ta ra sao ? Mới hai tuần lễ trước, tôi đánh giá nó là 100%… Nhưng với sự xuất hiện những phương tiện mới … tôi không thể … bảo đảm chắc chắn thắng lợi … Dù sao đi nữa Điện Biên Phủ sẽ giữ vai trò chiếc nhọt tụ độc và sẽ cho phép tránh cuộc tổng giao chiến ở đồng bằng".
Nava là một tướng năng động. Ngay khi nhậm chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương, y đã nêu cao khẩu hiệu :"luôn luôn chủ động", "luôn luôn tiến công" … Xa-lăng, người tiền nhiệm của Nava trước đó chỉ có khả năng cứu vãn và duy trì sự cầm cự của quân Pháp nên đã bị sa thải. Là một chỉ huy năng động Nava không thể để nằm yên những binh đoàn cơ động của mình ở đồng bằng. Y phải "điều binh khiển tướng", và chỗ điều đó lại là Điện Biên Phủ mới trớ trêu (!). Sau này, trong cuốn hồi ức "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện (NXB Quân đội nhân dân-2001), Đại tướng có nhận định : "Trước sau, Điện Biên Phủ chỉ giữ một vai trò thứ yếu trong kế hoạch, nhưng vẫn là một nước cờ chiến lược đã được Nava tính trước những hệ quả một cách tỉnh táo - Công bằng mà nói, tới lúc này Nava không đáng chê trách như nhiều người sau đó đã lên án !" (trang 77) .
Hạ tuần tháng 12 năm 1953 Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm cung cấp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch.
… Đại đoàn 312 từ Yên Bái được điều lên Tây Bắc. Trung đoàn 36 của Đại đoàn 308 chốt chặn con đường từ Điện Biên Phủ sang Lào. Đại đoàn 351 và các trung đoàn trưởng lựu pháo 105, cao xạ pháo được triệu tập để nhận lệnh lên đường v.v.. và ….v.v….
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác ở Khuổi Tát trước khi lên đường. Trước đó, cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh đã lên đường để không những chỉ đạo Điện Biên Phủ mà còn chỉ đạo các chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Căm-pu-chia .
"Bác hỏi Đại tướng : Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không ?
- Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cần thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ chính trị.
- Tổng tư lệnh ra mặt trận, "Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn (Trung Quốc - LPK) thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.
Khi chia tay, Bác nhắc : Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng không đánh …" (Trang 63- sách đã dẫn)
Lê Phú Khải
Ngày đăng: 14.06.2005

Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật… (Nguyễn Ngọc Thiện - Hà Nội Mới)


Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật…
Thứ Năm 6:30 25/07/2013
LTS: Gần đây, trên nhiều báo như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thanh 

tra, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ… đã có những bài, cụm bài viết 

nghiêm khắc đối thoại, phân tích chỉ ra những sai trái, lệch lạc trong Luận 

văn Thạc sĩ Ngữ văn (cùng 5 tiểu luận - phê bình thuộc dự án nghiên cứu) 

của Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên. Dưới góc độ tiếp cận nghiên cứu lý luận 

văn học, khoa học, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, người đã có hơn 20 năm 

tham gia công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ngành ngữ văn, đã có bài phân 

tích sâu sắc về luận văn nói trên. Báo Hànộimới xin giới thiệu tới độc giả 

để có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về vấn đề này.

Công trình mà chúng tôi nói ở đầu bài, tức cái gọi là “Luận văn Thạc sĩ 

Ngữ văn” thuộc chuyên ngành văn học Việt Nam của Đỗ Thị Thoan gồm 

116 trang vi tính khổ A4, hoàn thành tháng 11-2010 tại cơ sở đào tạo Sau 

Đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó ít lâu được phép đưa ra 

bảo vệ và đã “bảo vệ thành công” trước Hội đồng chấm luận văn do 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định thành lập.


Các bài viết gần đây trên báo chí phê bình, trao đổi ý kiến về luận văn và 

tiểu luận của Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên.

Thời gian cứ trôi qua, nhưng suốt gần 2 tháng nay, kể từ khi trên diễn đàn 

Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng và hiệu quả của lý luận, phê 

bình” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào các ngày 4 và 5-6-2013 tại thị 

trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khởi đầu đã có vài ba tiếng nói cảnh báo, phê 

phán hiện tượng ngụy khoa học này, thì đồng thời, liên tục trên các mặt 

báo chuyên ngành, báo hằng ngày như Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 

Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Vănvn.net (của Hội Nhà văn 

Việt Nam), Văn nghệ… đã có những bài viết, cụm bài viết nghiêm khắc đối 

thoại, phân tích chỉ ra những sai trái, lệch lạc của Luận văn này (cùng 5 

tiểu luận - phê bình thuộc dự án nghiên cứu, hoàn thành đầu năm 2012 

mang tên Những tiếng nói ngầm ký tên Nhã Thuyên - bút danh khác của 

Đỗ Thị Thoan - mà nội dung của nó là sự thoát thai, kéo dài và tiếp tục 

phát triển những quan điểm, tư tưởng của cùng một tác giả khai mở từ 

công trình Luận văn).

Trong hội thảo nói trên của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã có ý kiến 

rằng: “Trong cái mớ xô bồ lý thuyết từ Âu - Mỹ dội vào, ảnh hưởng vào 

nước ta, thì điểm nào, phương diện nào ta có thể tiếp nhận được, phù hợp 

để vận dụng soi vào thực tiễn văn học nghệ thuật nước ta, thuận với mặt 

bằng và sở trường tư duy sáng tạo, tiếp nhận ở ta. 

Nếu không sẽ bị lôi cuốn, mất đi sự tỉnh táo cần thiết, vồ vập xưng tụng 

chúng một cách thái quá, nóng vội vận dụng nó vào nghiên cứu phê bình, 

ắt sẽ không tránh khỏi sự khiên cưỡng, áp đặt, thiếu hiệu quả - nếu không 

muốn nói là rơi vào thói học đòi, theo đuôi người nước ngoài rồi tự đắc lấy 

làm sang (!)”(1).

Vì vậy, chúng tôi rất hoan nghênh và đồng tình với những tiếng nói thiện 

chí, có trách nhiệm, cảnh báo về sự nguy hiểm của công trình mang danh 

nghiên cứu khoa học được Hội đồng chấm Luận văn ngộ nhận đánh giá 

đạt xuất sắc, ở chỗ nó “nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ thơ rác rưởi”, 

thực chất là “một luận văn sai lạc”, thể hiện “một góc nhìn phản văn hóa 

và phi chính trị”. Những luận điểm nền tảng mà tác giả Luận văn dựa vào là 

sự góp nhặt tùy tiện, hiểu thiếu chính xác và chưa được nghiên cứu tường 

minh, thấu đáo các lý thuyết triết học, mỹ học của chủ nghĩa hậu hiện đại 

và các luận thuyết thời thượng khác (như lý thuyết Trung tâm - Ngoại vi, 

phạm trù Cái bên lề, Cái khác, Sự giễu nhại và Mỹ học của cái tục, 

Samizdat - tức xuất bản và phát hành văn chương bí mật, không chính 

thức…) để soi chiếu vào những ấn phẩm gọi là thơ của nhóm Mở miệng 

vốn dĩ được xuất bản chui, lưu hành ngầm ở ta và ở nước ngoài từ đầu thế 

kỷ XXI, một cách không đàng hoàng nhằm “kích động sự phản kháng và 

chống đối” tư tưởng chính thống và thể chế chính trị hiện hành, cùng sự 

nghiệp đổi mới mà cả xã hội ta dày công vun đắp ngót 30 năm nay được 

những người có lương tri trên thế giới xem trọng.

Các bài báo nói trên cũng tách bạch rõ đâu là sai trái, lệch lạc, có dấu hiệu 

nguy hiểm cần phải dè chừng và biết dừng lại đối với tác giả Luận văn và 

tập tiểu luận; đâu là trách nhiệm liên đới của cơ sở đào tạo Sau Đại học là 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với Khoa Ngữ văn, nhà giáo hướng dẫn 

Luận văn, các nhà khoa học được mời vào Hội đồng chấm Luận văn đã 

không chút đắn đo thông qua và đánh giá cao “thành công” của Luận văn. 

Người ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao ở một trung tâm giáo dục 

và đào tạo đầu ngành sư phạm ở giữa Thủ đô mà trong suốt quá trình đào 

tạo một học viên cao học từ lúc đăng ký lựa chọn đề tài, thông qua tên đề 

tài và cái khung đề cương thực hiện, phân công người hướng dẫn khoa học 

khi học viên viết Luận văn, rồi cho phép Luận văn được bảo vệ để nhận 

một sự đánh giá tối ưu của Hội đồng chấm luận văn… - một quy trình đòi 

hỏi sự chặt chẽ, nghiêm túc về khoa học, sự kiểm tra giám sát của các cơ 

quan chuyên môn hữu quan và cán bộ phụ trách quản lý, hóa ra lại lỏng 

lẻo, dễ dãi và nể nang, châm chước nhau, gây nhiều sơ hở, bất cập đáng 

trách. Điều đó khiến cho một công trình ngụy khoa học của Đỗ Thị Thoan 

chứa đựng đầy rẫy những sai trái, lệch lạc về quan điểm tư tưởng học thuật 

và lộn xộn trong phương pháp nghiên cứu, lại lọt lưới, lẳng lặng vận hành 

đến đích suôn sẻ như vậy, đến mức tác giả của nó, ảo tưởng về sự cực 

đoan, thái quá, không chút e dè, cứ tiếp tục điềm nhiên truyền bá quan 

điểm, tư tưởng học thuật dị biệt và lạc lõng của mình trên diễn đàn mạng 

internet, trong dự kiến hoạt động thực tập hợp đồng giảng dạy tại nhà 

trường.

May thay, sự kiện hy hữu này đã bị phanh phui, phơi ra ánh sáng, khiến dư 

luận rộng rãi và giới học đường không khỏi giật mình, sửng sốt!

Thực ra, như người đời từ lâu đã nhắc nhở: có khi ngay ở dưới chân đèn 

cũng có thể có những khoảng tối và thời điểm tối; ngay ở trong một cơ thể 

vốn dĩ khỏe mạnh vẫn có thể có những điểm yếu chết người gọi là “gót 

chân Asin”!

*
* *

Là người chuyên nghiên cứu về lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện 

đại từ nhiều năm nay, đã và đang tham gia vào công tác đào tạo tiến sĩ và 

thạc sĩ ngành ngữ văn tại một số cơ sở đào tạo Sau Đại học trong cả nước 

từ hơn hai mươi năm gần đây (giảng dạy, hướng dẫn hoặc chấm luận văn 

thạc sĩ, luận án tiến sĩ thuộc hai chuyên ngành nói trên), tôi xin phép được 

đề xuất một vài ý kiến để các cơ quan hữu quan và cá nhân nhà khoa học 

ngữ văn lưu ý tham khảo, xem xét như sau:

1. Triển khai nghiên cứu các vấn đề của khoa học xã hội và nhân văn ở ta 

cần khảo sát kỹ lưỡng và thận trọng, tỉnh táo, bởi đây là lĩnh vực khoa học 

liên quan đến hệ tư tưởng, thể chế chính trị và thực tiễn lịch sử, đời sống 

xã hội đương đại. Những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào 

tạo trên lĩnh vực khoa học này cần lựa chọn một chỗ đứng và lập trường 

khoa học đúng đắn, vững vàng, kiên trì hướng về lợi ích của nhân dân 

đông đảo, của dân tộc và đất nước, không thể vì bất cứ lý do gì để bị chi 

phối bởi lợi ích nhóm đối lập, làm phương hại đến sự ổn định và trật tự xã 

hội hiện hành, gây mất đoàn kết, phân tâm chia rẽ trong khối cộng đồng, 

khiến kẻ xấu, kẻ thù có thể lợi dụng.

Trong khoa học xã hội và nhân văn, có khi chỉ có thể nghiên cứu đối 

tượng trong độ lùi cần thiết của lịch sử, khi sự việc, hiện tượng đã an bài, 

xong xuôi, người nghiên cứu đã có đủ tư liệu chính xác để nhìn nhận thỏa 

đáng các khía cạnh của vấn đề. Đối với những hiện tượng, vấn đề đang 

diễn tiến, nếu cần nghiên cứu phải bình tĩnh, khách quan, nhạy cảm và 

trung thực, không thể hấp tấp chằm bặp nghiên cứu, nhân danh khoa học 

mà chủ quan, cực đoan, phiến diện, ngụy biện gây rối, hoặc kích động 

nhân tâm dao động, hướng tới sự bất an.

2. Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu cùng với các dữ kiện nghiên cứu 

phải đáng tin cậy và hợp hiến cùng với đó là phương pháp nghiên cứu 

khoa học, phù hợp, có sức thuyết phục, là rất quan trọng.

Theo tôi, sự lựa chọn của tác giả Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên nhằm đối 

tượng nghiên cứu - thơ của nhóm Mở miệng, là một việc làm khiên cưỡng, 

có ý đồ biện minh cho sự tồn tại của nhóm với những sản phẩm mà chính 

họ tự nhận gọi đó là “thơ dơ”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa” nhằm tôn vinh sự 

lệch chuẩn, chống đối lại thể chế và trật tự xã hội, bêu riếu những điều cao 

cả, thiêng liêng đối với toàn dân tộc.

Toàn bộ Phụ lục của Luận văn gồm danh mục các tác phẩm của Mở 

miệng cho thấy đây là những ấn phẩm của những người đứng ở phía bên lề 

đối lập với lợi ích của toàn xã hội. Cái gọi là tác phẩm của họ không dám 

xuất hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, photocopy, tự xuất 

bản theo kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất 

bản Samizdat (tr.108 - tr.110).

Đối tượng nghiên cứu như vậy rõ ràng là không đáp ứng các yêu cầu về 

phẩm chất và giá trị văn chương đích thực, không được thừa nhận hợp 

pháp và hợp hiến.

Từ đó, ta hiểu được vì sao việc nghiên cứu trước đó về nhóm này đã 

không bàn được về giá trị văn chương của cái gọi là thơ bộc phát từ nhóm 

Mở miệng, mà chỉ có thể đề cập đến những khía cạnh tác động xã hội của 

chúng (phê phán đó là “một nhánh kênh đen”, “thứ rác rưởi gọi là thơ” - 

như các bài đăng trên Báo Công an TP Hồ Chí Minh năm 2005, 2006; 

hoặc ngược lại ca ngợi đó là “một dòng thơ mới có tính cách tân”, “một 

cuộc cách mạng thầm lặng trong văn học”, với “những kiệt tác của tự do” 

- như đa phần bài viết trên mạng talawas; tienve.org; damau.org đã thổi 

phồng!).

Tình hình nghiên cứu như vậy đã gây không ít trở ngại cho tác giả khi viết 

mục “Lịch sử vấn đề” ở chỗ: trong số 34 đơn vị Thư mục được tác giả kể 

ra trong Thư mục nghiên cứu, thì có đến 20 thư mục lấy từ các trang mạng 

trôi nổi như trên đã nói, 5 đơn vị thư mục khác là các tài liệu do cá nhân 

bạn bè quen biết cung cấp riêng cho tác giả. Chỉ còn 9 đơn vị thư mục 

gồm các bài viết, sách dịch, sách nghiên cứu đã xuất bản chính ngạch 

hoặc Luận văn, Luận án đã bảo vệ về thơ Việt Nam đương đại là có thể 

kiểm chứng khi tác giả Luận văn trích dẫn. Song đáng tiếc những thư mục 

này lại được Đỗ Thị Thoan đánh giá thấp, cho rằng đó là “những bài báo 

vô nghĩa”, những luận văn, luận án “dè dặt trong tiếp cận và đánh giá” 

hoặc chí ít “mang tính chất điểm danh, nói theo, chỉ làm phong phú thêm 

những màu sắc của bức tranh giả mạo về thơ Việt Nam đương đại”.

Duy nhất có Luận văn của Trần Ngọc Hiếu cũng được bảo vệ trước đó tại 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các bài viết của cây bút này được Đỗ 

Thị Thoan đánh giá cao, rằng ở đó có “sự sâu sắc về tư duy”, có “tầm 

nhìn rộng ra sự khiêu khích và bản chất khiêu khích của những kẻ nổi 

loạn”, từ đó “đặt ra nhiều vấn đề có tính lý thuyết và cách thức tiếp cận 

thơ ca đương đại mà Mở miệng là một hiện tượng tiêu biểu”.

Tác giả Đỗ Thị Thoan đã tỏ ra thiên lệch khi viết Lịch sử vấn đề, nghiêng 

về khai thác những đánh giá về Mở miệng đã đăng trên mạng vì đó là của 

những người “cùng hội cùng thuyền” - những kẻ bên lề như Mở miệng. Họ 

hoang tưởng rằng những cái gọi là thơ đó có khả năng “gây hấn” mạnh 

mẽ… “tạo thành một vùng năng động mà những nhà văn học sử và những 

người nghiên cứu văn hóa có thể coi là một nguồn dữ liệu quan trọng để 

thấy được tinh thần văn chương của một thời kỳ.” (tr.13)

Trình bày về đối tượng và lịch sử vấn đề nghiên cứu như vậy, theo tôi, khó 

có thể bảo đảm sự tin cậy, khách quan, khoa học, khó có thể kiểm chứng 

được!

Luận văn đã thiếu khách quan, công bằng khi thiên về bình tán những ý 

kiến lạc lõng khen thơ của nhóm Mở miệng (mà người ta biết rằng chúng 

được xuất phát từ những động cơ khác nhau, khó có thể nói về sự lành 

mạnh của văn hóa đọc). Về phía người viết, thì tác giả đặc biệt cổ xúy cho 

Mở miệng, cho rằng thơ của họ không dừng lại ở văn bản, mà tất yếu dẫn 

đến hành động. Nói cách khác đó là “hành động thơ” để can dự vào việc 

chống sự trung tâm hóa, chống lại sự ổn định xã hội và điều hành của Nhà 

nước, chống đối bằng đòi hỏi sự lên ngôi của cái bên lề, của cái khác, 

những dòng ngầm của tư tưởng cùng là sự thừa nhận xuất bản chui, không 

chịu dễ bề để Nhà nước kiểm soát. Tóm lại là hòa cả làng, tôi cũng như 

anh, mọi sự bình đẳng, ngang bằng tuyệt đối một cách vô chính phủ (!).

Thử hỏi, viết “Lịch sử nghiên cứu vấn đề” của Luận văn với thiên kiến và 

mục đích chính trị đối lập, phản kháng đồng lõa với Mở miệng như vậy, 

thì đó có phải là khoa học và trung thực hay không?

3. Chính vì chọn lầm hay do sơ sảy lấy đối tượng nghiên cứu của Luận 

văn chuyên ngành Văn học Việt Nam nhằm vào loại thơ xuất bản chui, lén 

lút, không chính ngạch của nhóm Mở miệng và khi viết “Lịch sử vấn đề” 

chủ yếu dựa vào những ý kiến bức xúc một chiều xuất hiện trên các thông 

tin mạng trôi nổi thuộc diện ngoài luồng chính thống, thiên về xu hướng 

đối lập với chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên 

tác giả Luận văn đã buộc phải né tránh, không viết các mục Lời cam đoan 

ở đầu Luận văn, tiểu mục xác định “Mục đích nghiên cứu và Những đóng 

góp mới của Luận văn” mà theo Quy định về thể thức trình bày và bố cục 

Luận văn cần thiết, bắt buộc phải có ở phần Mở đầu. Bởi, thật là quá khó 

và không có sức thuyết phục, nếu tác giả khẳng định bảo đảm về tính 

trung thực, hợp hiến và đáng tin cậy của nguồn dữ liệu nghiên cứu, khai 

thác từ cái mớ lộn xộn kiểu đồng nát, sắt vụn, tạp - phí - lù là thứ “thơ dơ, 

thơ rác, thơ nghĩa địa” xuất bản chui kia? Bởi, làm sao trình bày toát lên 

được mục đích cao đẹp, ý nghĩa văn hóa và nhân văn (dù nhan đề Luận 

văn có trương lên vế từ “nhìn từ góc độ văn hóa” đi nữa) của việc nghiên 

cứu trong một công trình khoa học về văn học, khi mà đối tượng nghiên 

cứu - oái oăm thay - lại là những sản phẩm phi văn chương, phản văn hóa, 

phản nhân văn, tha hóa, đội lốt văn chương nhằm thực hiện một ý đồ và 

tham vọng chính trị là công kích, nói xấu chế độ dân chủ hiện hành? Bởi, 

làm sao chỉ ra được những đóng góp mới của Luận văn hướng con người 

và văn chương vươn tới những mục tiêu cao cả của Chân - Thiện - Mỹ, khi 

Luận văn dường như chỉ là một tiếng nói a dua theo với Mở miệng và các 

thế lực bất mãn, ngầm chống đối chế độ (nhưng được tác giả Đỗ Thị 

Thoan khéo ẩn giấu dưới các mỹ từ là “chia sẻ và thúc đẩy để cùng tồn 

tại” nơi vị trí như bị bủa vây trong hộp đen của Mở miệng. Theo tác giả, 

họ đã bị đối xử bất công như một thứ “quái vật”, “một vật cấm”, trong khi 

thực chất họ thực hiện “tính cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và 

nghệ thuật” (tr.17) ở chỗ dám “chối bỏ quyết liệt”, “lên tiếng đòi phá nốt 

những thành trì kiên cố của sự chuyên chế, khi niềm tin vào chế độ và sự 

tự do đang có nguy cơ tan rã” (tr.104). Lúc đầu tôi không muốn làm khó 

cho những dòng này trong Luận văn, nhưng cuối cùng vẫn phải viện dẫn ra 

đây, để độc giả không còn chút mơ hồ về sự đội lốt, giả danh thơ ca để 

đạt mục đích chính trị của Mở miệng và kiểu cổ vũ, tán dương lập trường 

quá khích, “gây hấn” của nhóm này mà tác giả Luận văn muốn tiếp tục 

châm ngòi, giữ lửa?

Qua đây có thể thấy việc thiếu vắng trình bày những khoản mục bắt buộc 

đối với một Luận văn khoa học như trên đã nói, ít nhiều đã cho thấy ngọn 

ngành những khiếm khuyết, bất cập của Luận văn, chứ không thể “châm 

chước” như Hội đồng chấm Luận văn, xem đây là một Luận văn hoàn hảo 

đến mức không phải băn khoăn chấm điểm xếp vào hạng ưu (?).

4. Rút cục, cái gọi là Luận văn khoa học ấy đã bảo vệ “thành công sáng 

giá” cách đây hơn 2 năm và Hội đồng chấm Luận văn đã bỏ phiếu tán 

thành thông qua ở trình độ xuất sắc với điểm tuyệt đối để tác giả của nó 

được vinh danh với học vị Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. 

Nhưng nay, khi có dịp nhìn lại một cách bình tĩnh theo các chuẩn mực 

khoa học, đã thấy Luận văn này ở một số phương diện bộc lộ sự đáng ngờ 

về mục đích nghiên cứu khoa học; có dấu hiệu lệch lạc về tư tưởng học 

thuật; giá trị khoa học và ý nghĩa văn hóa, nhân văn lại mỏng manh, vậy thì 

chúng ta phải ứng xử như thế nào?

Tôi thiết nghĩ, dù đây là trường hợp ít khi xảy ra, nhưng nếu Luận văn quả 

thật đó đây xuất hiện những dấu hiệu không thể xem thường, cho qua (ở 

đây, tuyệt nhiên không phải là cách nói đẩy sự việc quá lên mức nghiêm 

trọng, việc bé xé ra to) thì việc cần làm ngay là tiến hành phúc tra, thẩm 

định lại thực chất giá trị khoa học của Luận văn và kết quả đánh giá của 

Hội đồng chấm Luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thừa 

ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lập ra.

Cấp có thẩm quyền tiến hành phúc tra, thẩm định lại kết quả đào tạo đã 

rồi, cần phải là cấp trên - cơ quan chủ quản của Trường cũng là cơ quan 

quản lý cấp Nhà nước về đào tạo, tức Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nên chăng 

quý Bộ chủ quản nói trên, theo đúng Quy chế quản lý khoa học và đào tạo 

Sau Đại học do Nhà nước ban hành, cần thành lập một Hội đồng tư vấn 

khoa học chấm phúc tra Luận văn của Đỗ Thị Thoan, để có căn cứ, kết 

luận rõ ràng về các phương diện cần xem xét, đánh giá lại Luận văn, đặc 

biệt là chất lượng khoa học của nó. Ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học 

độc lập này sẽ được trình lên để lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định: hoặc là 

vẫn bảo lưu kết quả điểm của Hội đồng chấm luận văn mà nhà trường đã 

báo cáo ngay sau khi học viên Đỗ Thị Thoan bảo vệ năm 2010, hay cần 

phải cân nhắc, xem xét lại sự đánh giá “hơi bị hào phóng” của Hội đồng 

ngày trước, do không hoàn toàn phản ánh, nhìn nhận đúng giá trị thực chất 

của Luận văn?

Lúc này, cần quán triệt tinh thần, nếu việc nào làm đã đúng thì sẽ tiếp tục 

khẳng định, việc nào nhìn lại thấy là chưa đúng thì cần phải sửa chữa công 

khai trước công luận, ngõ hầu đảm bảo sự nghiêm túc, chuẩn mực, giữ gìn 

kỷ cương phép nước trong đào tạo cán bộ ở diện trình độ sau đại học.

Đối với những cán bộ khoa học quý là chuyên gia của ngành giữ vai trò 

liên đới trách nhiệm (người hướng dẫn, Hội đồng chấm luận văn, cơ quan 

quản lý khoa học và đào tạo của trường) cũng cần được nhìn nhận thấu 

đáo, có lý, có tình. Là cán bộ nhà nước, chuyên gia khoa học có học hàm 

học vị cao hoặc là đảng viên, căn cứ vào Luật Công chức và theo tinh thần 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng, những người nói 

trên cần được bảo đảm phát huy dân chủ trong phê bình và tự phê bình, 

để ngày càng làm tốt hơn phận sự của mình trong khi thực thi công vụ vì 

dân, vì nước, vì tính chất tiên tiến và nhân văn của khoa học xã hội Việt 

Nam.

Rất mong thiển kiến của chúng tôi được trao đổi chân tình và dân chủ, xây 

dựng, bảo đảm cho từng người trong đội ngũ trí thức khoa học của đất 

nước, đề cao được tinh thần “thực sự cầu thị” để tiến bộ, tiến bộ mãi, 

đoàn kết gắn bó trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, đáp ứng 

yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ và đòi hỏi nghiêm túc của nghề 

nghiệp.
Hà Nội, tháng 7-2013

 - - - - - - 
(1) Xem: - “Tài liệu Hội nghị Lý luận - phê bình văn học lần thứ III” in vi 

tính tháng 6-2013, sử dụng nội bộ của Hội Nhà văn Việt Nam, tr.248;
- Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 221 (tháng 6-2013), tr.12-13.
- “Hội nhập để nâng cao năng lực thẩm mỹ” (vanhocquenha.vn đăng ngày 

4-6-2013)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Van-hoa/599444/tu-mot-cong-trinh-nguy-

khoa-hoc-lech-lac-ve-tu-tuong-hoc-thuat%E2%80%A6