Saturday, 28 December 2019

Nguyễn Khuyến nói tiếng Tây (Nguyễn Hùng Vĩ - Văn Hóa Nghệ An)

Nguyễn Khuyến nói tiếng Tây

  •   NGUYỄN HÙNG VĨ
  • Thứ hai, 28 Tháng 12 2009 06:08
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ

Cụ Tam nguyên Yên Đổ không chỉ giỏi sáng tác thơ ca chữ Hán, siêu việt về thơ Nôm mà ta còn thấy bóng dáng cả tiếng Tây trong thơ Cụ. Dĩ nhiên, phải đọc thơ Cụ kĩ càng một tí thì ta sẽ phát hiện ra ngay. Nhiều khi Cụ nói năng viết lách rất kín nhẽ , rất thâm trầm .

   1.Nhại tiếng Tây. Bài hát nói ông phỗng đá của Nguyễn Khuyến có đoạn đầu như sau:
                                Người đâu tên họ là gì?
                           Khéo thay chích chích chi chi nực cười.
                                Giang tay ngảnh mặt lên trời
                           Hay còn lo tính sự đời chi đây?
                           Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi
                           Cớ làm sao len lỏi đến chi đây?
                           Hay tưởng trông cây cỏ nước non này
                           Chí cũng rắp giang tay vào hội lạc
 Cái lạ đầu tiên của đoạn thơ là những câu hỏi liên tiếp mà tác giả đưa ra. Có gì mà phải hỏi nếu ông phỗng đá đó đầy rẫy các đền chùa. Người ta đều biết rằng đó là hình tượng tù binh Chiêm Thành đội đèn dâng hương. Dẫu không rõ tính danh nhưng người đâu thì có lạ gì mà phát vấn thế.
   Cái lạ thứ hai là ở tư thế và thần sắc bức tượng đá này: Giang tay ngảnh mặt lên trời/ Hay còn lo tính sự đời chi đây. Tượng cổ quả thật không có tư thế như vậy. Tượng phỗng xưa chắp tay và nhẫn nhục, khó đọc ra sự lo tính trên gương mặt. Tượng phỗng xưa thường đặt ở vị trí thấp so với người quan sát chứ không bắt người quan sát phải ngước trông như thế. Đọc đến câu Cớ làm sao len lỏi đến chi đây? thì chúng ta nhận ra đây là phỗng đá lạ lùng chứ quyết không là phỗng đá quen thuộc. Đây là những pho tượng mới nhập ngoại, lạ lùng với vốn văn hóa Nho gia lúc đó, dị ứng với tư tưởng của Nguyễn Khuyến lúc đó. Hai chữ len lỏi chứng tỏ đối với Cụ thì ông phỗng này không chính trực, không phổ biến. Tại sao nhìn một bức tượng, không những tả tư thế, mà Nguyễn Khuyến có tâm trạng đầy hoài nghi về sự xuất hiện không được đàng hoàng của nó: lo tính sự đời chi đây, len lỏi đến chi đây, chí cũng rắp
   Đến đây, chúng ta sẽ hiểu hơn câu thơ Khéo thay chích chích chi chi nực cười. Về câu thơ này, năm 1957, khi làm tập Văn thơ Nguyễn Khuyến các học giả Hoàng Ngọc Phách – Lê Thước – Lê Trí Viễn chú thích là: Chích chích chi chi: làm ra ngây ngô không biết gì việc đời. Chú như vậy có lẽ chưa trúng chăng với một hành vi lo tính, len lỏi, rắp. Tôi cho rằng, nếu Nguyễn Khuyến hỏi tên họ pho tượng mà có người đọc cho bằng tiếng Pháp là lúc đó là dê – duýt – cờ - rít ( Jé sus – Christ ) thì với lỗ tai nhà Nho nghe lạ lùng như chim hót vậy, và họ sẽ bật lên tiếng nhại chích chích chi chi. Bốn chữ này vốn có trong thơ ca phương Đông, nó là cách hình dung tiếng nói những dị tộc của những người tự coi mình là Hoa Hạ. Nguyễn Khuyến cũng vậy chăng khi Cụ vẫn gọi người Pháp xâm lược là bạch quỉ, bạch man.
   Tư tưởng chung đúc của Nguyễn Khuyến vẫn là ái quốc ưu dân, thơ văn Cụ thâm trầm tư tưởng đó, nhưng sự lựa chọn của Cụ là tùy ngộ nhi an (trong thời loạn, đành theo ngộ biến mà yên phận – Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Chu: Khảo luận về Nguyễn Khuyến – NXB Nam Sơn 1960). Bất hợp tác với giặc Pháp nhưng Cụ không tham gia các phong trào chống Pháp sôi nổi lúc bấy giờ mà khẩu hiệu thường gặp là Bình Tây sát tả. Sự ảnh hưởng tư tưởng đó là khó tránh vì Cụ chung cục, cũng như Nguyễn Đình Chiểu trước đây quyết không quăng vùa hương, xô bàn độc để theo quân tả đạo.
   Quả thật, nửa sau bài ta thấy rõ tư tưởng đó của Cụ dưới ý vị trào lộng:
                            Thanh Sơn tự tiếu đầu tương hạc
                            Thương hải thùy tri ngã diệc âu
                            Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu
                            Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác
                            Chén chú chén anh chén tôi chén bác
                            Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu
                                Nên chăng đá cũng gật đầu.
   Từ chuyện pho tượng đá, Nguyễn Khuyến quay ra đối diện với lòng mình. Chốn Thanh Sơn ư, ta tự cười tóc đã bạc như đầu hạc (không vui vẻ được nữa). Thương hải biến dời ư, ta như con cò thôi (biết làm sao bây giờ). Không chấp chuyện đâu đâu mà nhọc lòng. Túi vũ trụ này sẽ phó mặc cho đàn sau. Lạ nhỉ? Cái ông phỗng nào mà quan tâm đến vũ trụ?. Nguyễn Khuyến là nhà Nho vốn có lòng tự nhiệm đã đành (Vũ trụ nội giai ngô phận sự - Nguyễn Công Trứ). Ông phỗng đó, pho tượng đá đó phải là một biểu tượng quan trọng, có tầm vóc toàn cầu chứ không phải là cái gì quen thuộc, bình thường. Cũng vì vậy mới hi vọng thỏa hiệp mà tương tồn trong cuộc say điên đảo này: Nên chăng đá cũng gật đầu. Tóm lại, đã gian tay ngửa mặt thì khó lòng mà phỗng ta. Đó là một bức tượng Tây nhìn qua lăng kính Nguyễn Khuyến.
    Nguyễn Khuyến là vậy, yêu nước lo dân nhưng bất lực, lui về, bài Tây nhưng tùy ngộ nhi an.
   2.Chép tiếng Tây bằng chữ Nôm. Bằng chứng Cụ dùng tiếng Pháp trong thơ nằm ở bốn chữ “gốc sậy” và “la ga” trong bài thơ Về nghỉ nhà:
                          Tóc bạc lòng son chửa dám già,
                          Ơn vua nhờ được nghỉ về nhà.
                          Nước non cây cỏ còn như cũ
                          Ghế gậy cân đai thế cũng là.
                          Đất rộng biết thêm đường gốc sậy
                          Ngày rồi nghe hết chuyện la ga.
                          Ông trời có nhẽ cho ta nhỉ
                          Có ý sinh ta phải có ta.
   Về bốn chữ trong cặp câu 5,6 có nhiều người băn khoăn. Các học giả làm sách Văn thơ Nguyễn Khuyến (1957) đã nói ở trên viết: Ví dụ: Đất rộng, biết thêm đường gốc sậy/ Ngày rồi nghe kể chuyện la ga. Chúng tôi đã hỏi nhiều người, cả con cháu nhà thơ mà chúng tôi được gặp, nhưng cũng không hiểu đích xác câu thơ nói gì. Trong trường hợp này chúng tôi hoặc “thú nhận là không biết” hoặc đưa ý riêng của mình, nhưng luôn luôn thận trọng. Ở phần chú thích, họ viết về gốc gậyTích này trong các bản nôm không chú thích. Có một nhà thơ lão thành cho biết đây là việc quân Pháp đánh Bãi Sậy, căn cứ địa của ông Tán Thuật. Về la ga viết: Tích này cũng không thấy chú thích. Chúng tôi nghe nói hồi đó, chính phủ thực dân, mở đường xe lửa, những gia đình ở vào đất ấy đều phải đuổi đi nơi khác. Nông dân thì phải đi phu… nên lời oán trách truyền khắp thành thị thôn quê. Có người lại nói: chuyện la ga là chuyện góp của các nơi đưa đến. Nhà ga xe lửa là một chỗ người thành thị thôn quê gặp nhau. Không hẹn mà gặp, các tác giả sách Khảo luận về Nguyễn Khuyến (1960) cũng viết: Người Pháp khi làm đường sắt nối liền hai thành phố này có đặt một ga xép tại làng Yên Đổ. Buổi ấy cách chuyên chở bằng hỏa xa thật là mới lạ đối với dân ta. Chắc hẳn nhiều người cũng đã thán phục lối chuyên chở nhanh chóng và thuận lợi ấy. Chưa kể những hành khách đi xe cũng là những người phổ biến tin tức mau lẹ nhất từ nơi này qua nơi khác. Và chỗ nhà ga chính là một trạm đón tin. Trong một bài thơ Nguyễn Khuyến cũng đã nhắc đến “truyện la ga”: Đất rộng biết thêm đường gốc gậy/ Ngày rồi nghe hết truyện la ga.
   Rất tiếc là bài thơ Về nghỉ nhà không ghi rõ thời gian sáng tác. Đọc kĩ bài thơ cũng không thể quyết đoán rằng Cụ làm bài này ngay sau khi nghỉ về hay là một thời gian lâu sau đó. Chỉ biết rằng trong đời Nguyễn Khuyến đã chứng kiến hai sự kiện kiến trúc quan trọng, chấn động dư luận, cùng khánh thành vào năm 1902: Cầu Long Biên và Ga Hàng Cỏ. Ga Hàng Cỏ lúc đó được coi là một lâu đài bên bờ sông Hồng, Việt Nam. Theo kí ức người xưa, người Pháp thông minh đã biến móng nền thành các ô vuông đựng nước phục vụ hỏa xa nên sàn mát như thạch, người qua lại thường ghé vào nghỉ trưa tránh nóng nên chuyện trò râm ran. Còn dễ hơn nhà nghèo đi siêu thị máy lạnh ngày nay. Như vậy từ la gare đã được đi vào thơ Nguyễn Khuyến bằng chữ Nôm la ga. Vậy còn hai chữ gốc sậy thì sao?. Sự cẩn trọng của các học giả tiền bối khiến chúng ta khiến chúng ta cũng thận trọng theo. Đó là những từ Việt có nghĩa nhưng khi đặt vào câu thì quá khó hiểu dù các học giả đã cố tìm hiểu người địa phương là con cháu. Nay tôi theo các cụ đưa ý riêng của mình để bạn đọc cùng suy nghĩ. Rõ là không thật bắt buộc, nhưng nếu trong thế đối, hai chữ dưới là tiếng Pháp thì hai chữ trên cùng tiếng Pháp sẽ thú hơn nhiều. Vậy hai chữ đó có thể là corsaire với nghĩa là tàu (tầu) ô, tàu cướp. ăn cướp, cướp biển. Từ tiếng Pháp đó khi đọc sang tiếng Việt bồi sẽ là cộc xẩy, cộc xảy và khi viết Nôm sẽ dùng cốc và  để biểu âm rồi có thể đọc là gốc sậy. Đường + tàu = đường + corsaire thì quá tinh vi và thâm thúy. Có thể vừa hiểu là đường tàu vừa có thể hiểu là đường ăn cướp nước người vì thấy đất rộng hoặc vì để rộng đất. Tiếng các người ư?. Tôi chỉ hiểu hai chữ “ăn cướp”. Chơi chữ Tây mà thật thâm Nho. Chúng ta đã từng thấy Nguyễn Khuyến nhại giọng Tây ngọng ra thơ chữ Hán mà viết Đại nhân ưng tác thỉ nhân hô, khiến ai cũng hiểu là Quan lớn nên kêu là quan lợn, thì việc Cụ chơi đối cả tiếng Pháp cũng là chuyện thường tình.
    Nguyễn Khuyến là vậy. Ngày nay dù tư tưởng chúng ta thay đổi bao nhiêu đi nữa thì: Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ (Nguyễn Duy)./.
                                                                         

Tuesday, 17 December 2019

Bà ngoại anh hùng (Phạm Vũ - Tuổi Trẻ)

Bà ngoại anh hùng


26/07/2014 08:39 GMT+7

TT - “Tôi bị bắt khi hoạt động nội thành, đang mang thai bốn tháng. Thẩm vấn, tra tấn, biệt giam, đe dọa mãi vẫn không khai thác được gì, đối phương đưa bà ngoại của tôi đến và bảo bà khuyên cháu khai báo rồi sẽ được tự do về nhà sinh con.

HMOwb7bg.jpg
Tiệm bánh Trần Thượng, cơ sở cách mạng hơn 30 năm giữa Sài Gòn - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp
Bà ngoại nắm tay tôi rồi quay sang viên cảnh sát: “Cảm ơn ông đã cho tôi gặp cháu. Nó lớn rồi, còn có cha có mẹ, có chồng có em. Nó làm sao để còn nhìn mặt cha mẹ, mặt chồng, mặt em thì làm”. Nói rồi bà ra về, mắt lòa, dáng đi lụm cụm giữa hàng cảnh sát...” - bà Tố Nga kể lại câu chuyện ấn tượng nhất về bà ngoại của bà: bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo. Bà Nga kết luận giản dị: “Bà ngoại như thế đó, nên tôi chỉ có một con đường là chiến đấu đến cùng, đến hết cuộc đời này”.
Theo con làm cách mạng
Xuất thân là phụ nữ nông dân, giỏi làm ăn, những năm 1940, bà Lê Thị Mẹo và ông Nguyễn Văn Thâu, chồng bà, trở thành một điền chủ lớn ở Cần Thơ, Sóc Trăng. Là điền chủ nhưng bà vẫn giữ chất nông dân chân chất, dạy con cháu tằn tiện đến từng cái giẻ lau, tay run run ghi một chữ “Mẹo” vào giấy tờ mỗi khi chồng đi vắng. Thế nhưng nỗi đau mất nước, nỗi đau nô lệ của xứ thuộc địa lại thấm vào ông bà từ bao giờ, để khi kháng chiến nổi lên bà lại không một lời ngăn cản vợ chồng cô con gái duy nhất Nguyễn Thị Tú lao vào phong trào. Mà ngược lại bà gom hết tài sản, ruộng đất hiến cho cách mạng, cả gia đình xuống một chiếc ghe về quê cũ ở Thường Phước, Cần Thơ sinh sống.
Ông Trần Thượng Tân, chồng cô Tú, mất sớm vì bạo bệnh, để lại người vợ trẻ mới 24 tuổi và bốn con thơ. Cách mạng Tháng Tám thành công không bao lâu, Pháp chiếm lại Nam kỳ, cuộc đấu tranh đi vào những bước cam go mới. Cô Nguyễn Thị Tú được tổ chức phân công về Sài Gòn hoạt động trong khối trí thức, bà Mẹo và ông Thâu một lần nữa dọn nhà cùng đi, cùng nhau làm một hậu phương vững chắc cho con gái.
Tiệm bánh Trần Thượng một thời nổi tiếng Sài Gòn ra đời từ đó. Tiệm bánh là nơi lui tới, móc nối giao liên của phong trào cách mạng, xuyên suốt các thời kỳ Việt Minh, Mặt trận dân tộc giải phóng, các khối giáo chức, trí vận... Bà Mẹo, ông Thâu đột nhiên có thêm nhiều chàng trai, cô gái đến gọi là “ba, má”. Những chiếc bánh của tiệm Trần Thượng được giao đi khắp Sài Gòn, lợi nhuận của nó lại lên đường theo cô Nguyễn Thị Tú làm cách mạng. Bánh của Trần Thượng còn lên đường đi vào mật khu, góp vui trong các cuộc hội họp đến tiếp tế vào hầm bí mật. Những đồng chí của cô Năm Tú còn đến hôm nay ai cũng nhớ hình ảnh bà mẹ nhân hậu, chỉn chu của cô ở tiệm Trần Thượng. Có bà, cô Năm Tú yên tâm vững bước trên con đường mình chọn. Có bà, các con trai, con gái của cô được lớn lên trong yên ấm, ăn học đủ đầy và thấm đẫm tinh thần yêu nước của ông bà ngoại.
TZKnbBxp.jpg
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp
Bài học làm người
Không trực tiếp làm cách mạng nhưng bà Mẹo và ông Thâu lại chính là điểm tựa cả vật chất lẫn tinh thần cho những người cách mạng xuất thân từ gia đình ông bà. “Vì việc lớn, hi sinh bản thân, không trách móc, không đòi hỏi. Ông bà không nói, chỉ dạy cho chúng tôi bằng cuộc đời mình” - bà Tố Nga kể một câu chuyện ít được nhắc trong gia đình. Ấy là câu chuyện chiếc xe đưa ông về thăm quê bị phục kích vì lầm là xe chở sĩ quan Pháp. Những viên đạn vô tình bắn thẳng vào đứa cháu ngoại đang ngồi trong lòng, xuyên vào bụng ông, cắt rời chân phải. Bà Lê Thị Mẹo cắn răng chôn cất đứa cháu ngoại chỉ mới 3 tuổi, chứng kiến cảnh người ta cắt rời mấy miếng da còn dính lại trên chân của chồng, ba viên đạn xuyên bụng còn nằm im đó cho đến khi ông nhắm mắt. Vậy nhưng ông bà không một lời than trách những người đã gây ra mất mát oan nghiệt. Ông vẫn lặng lẽ đứng một chân điều hành tiệm bánh, bà vẫn ngược xuôi tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, các con cháu vẫn tiếp nối nhau lên đường cách mạng.
“Tôi nhớ nhất là hình ảnh bà ngoại đi thăm tù” - cả mấy chị em bà Tố Nga, Quế Nga, Tuyết Nga, Ngọc Lan đều nhắc. Cả nhà hoạt động cách mạng nên bao nhiêu năm cứ lần lượt... ở tù. Từ ông Tạ Bá Tòng (chồng sau của bà Nguyễn Thị Tú - PV), bà Năm Tú, đến Tố Nga, Quế Nga, Tuyết Nga... Khắp các trại tù: Tổng nha Cảnh sát, Nha đô thành, Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức, Côn Đảo... con cháu ở đâu, bước chân bà ngoại đi đến đó. Chiếc giỏ đệm của bà luôn được ông tự tay chuẩn bị, lèn chặt thức ăn, đồ tiếp tế, không chỉ cho con cháu mà cả những đồng đội của con cháu mình. “Bà không chỉ mang thức ăn và tình thương, bà mang cả sức mạnh” - bà Tố Nga ngùi ngùi nhắc. Cô Năm Tú bị đưa ra Côn Đảo, bà lặn lội xuống tàu, vượt biển ra thăm con. Những tên quản ngục thấy bà xuất hiện thì mừng lắm, hi vọng sự có mặt của bà sẽ lung lạc được cô con gái đang đứng đầu cuộc đấu tranh của tù nhân tại Chuồng Cọp. Gặp mẹ, chị Năm Tú nói ngay với bà điều đó. Bà hiểu, rớt nước mắt động viên con vài lời rồi quay lưng trở về đất liền. Hai lần bị ép đến gặp Tố Nga ở Tổng nha Cảnh sát cũng vậy, bà cứng cỏi dặn cháu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, con à”, rồi về.
Câu chuyện ngày 30-4
Trong vô số câu chuyện mà con cháu hôm nay kể về bà Lê Thị Mẹo, có câu chuyện về ngày 30-4, 1-5-1975. Ngày ấy, tiệm bánh Trần Thượng đông người lắm. Đầu tiên là Tố Nga bồng con gái chỉ vừa 4 tháng tuổi ra khỏi phòng biệt giam, cuống quýt vui tự do, mừng hòa bình về nhà bà ngoại. Rồi những người cháu khác, những liên lạc, giao liên của khối trí vận nô nức đến nhà. Lại có cả những người lính, sĩ quan cộng hòa vứt bỏ súng ống, hốt hoảng chạy vào cầu cứu, bà Mẹo hiền hòa lấy bánh cho ăn, lấy áo cho mặc, rồi an ủi, vỗ về, cho tiền về quê...
Buổi tối 1-5, một người đàn ông bước vào, rơm rớm nước mắt, vò mãi cái mũ, tự giới thiệu là trung tá ở Tổng nha Cảnh sát và nói với ông bà lời xin lỗi vì đã từng bắt giam, tra tấn chị Năm Tú. Đã gần 10 năm ruột gan rối bời vì không nghe tin con gái (bà Nguyễn Thị Tú mất tích trong trận càn Cedar Falls tại căn cứ Trung ương Cục năm 1967 - PV), đã qua hai ngày hi vọng mỏi mòn không thấy con về trong hòa bình, bà không khỏi đau xót. Thế nhưng bà vẫn bình tĩnh, cởi mở, trò chuyện rất hiền hòa. Ông Kiều Xuân Long, khi ấy là chánh văn phòng ban trí vận, cháu rể của bà, kể đến hôm nay chưa hết ngạc nhiên về bà ngoại: “Chiều ấy tôi vừa đến cửa, nhác thấy bóng tôi, bà ngoại liền ra đón. Bà bảo: có ông trung tá đang ở trong nhà, ông ấy đến xin lỗi gia đình. Người ta đã ngã ngựa, con đừng cư xử không phải với họ, con nhé... Bà ngoại, với bản năng bao dung của người mẹ, đã dạy tôi bài học về hòa hợp, hòa giải ngay lúc đó, ngay ngày 1-5-1975”.
“Bà ngoại của tôi là như vậy. Điều duy nhất làm bà day dứt đến phút cuối đời là chưa tìm được hài cốt của mẹ tôi. Bà không biết mình được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng nếu biết, chắc bà sẽ bảo phải có thêm cha anh hùng để dành cho ông ngoại tôi suốt đời lặng lẽ. Ông bà cho chúng tôi cả một cuộc đời để học, để noi theo...” - bà Tố Nga lặp lại, không biết đã là lần thứ bao nhiêu trong đời bà. Ấy thế mà bà còn được học, được noi theo cả cuộc đời của mẹ nữa...
______________________
Kỳ tới:Mẹ Tú
PHẠM VŨ

Sunday, 15 December 2019

Xán lạn hay sáng lạng?



Từ điển không có sáng lạng, chỉ có xán lạn, chữ Hán là燦爛, nghĩa là rực rỡ. Nhiều người quen viết sáng lạng, không dám viết xán lạn vì sợ người đọc không hiểu hoặc nghĩ là viết sai chính tả. Ai cũng viết sáng lạng mà mình không viết theo thì coi không giống ai.


Wednesday, 11 December 2019

Đáng tranh cãi ở chỗ nào?




Các bạn Trung Quốc đăng lại bài La présence de la langue française au Vietnam của PGS Phạm Thị Anh Nga với lời giới thiệu như sau:


L'article suivant, malgré certains points de vue discutables pour nous, pourra nous fournir des renseignements et données importants sur ce sujet  
(Shanghai International Studies University).

Đọc hết bài vẫn không thấy chỗ nào bị coi là quan điểm đáng tranh cãi (points de vue discutables). Toàn là thông tin và dữ liệu quan trọng (renseignements et données importants) thì có gì để cãi nhau nữa? Chuyện gì các bạn Trung Quốc không muốn cãi, hay cãi không được, thì các bạn ấy đã thiến phăng mất rồi, thành thử cái đoạn chót trong bài chỉ lủng lẳng một câu rất vô duyên, không đầu không đuôi, không hồn không vía. Nói tóm lại là vô nghĩa.

Nhưng nguồn của các bạn ấy vẫn còn ở Cap Vietnam, bài gốc ở trang nhà của PGS Phạm Thị Anh Nga.  Google một phát là ra ngay chứ bên Trung Quốc đành chịu chết thôi. Bên ấy không xài Google.

Đây là đoạn đã bị cắt:


Saturday, 23 November 2019

Alexandre de Rhodes có nói như thế không (Trần Thanh Ái - Văn Hóa Học)

Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes.


alexandre de rhodes
Từ một câu trích dẫn không rõ ràng…
Năm 1993, Vương Đình Chữ có bài viết “Một ngộ nhận về Alexandre de Rhodes”, đăng trên Công Giáo và Dân tộc số 901 ngày 4/4/1993, (trang 18-19) và năm 2006 Nguyễn Đình Đầu có bài báo “Dân ta phải biết sử ta”, đăng trên Công giáo và Dân tộc, số 1582 ngày 9/11/2006, (trang 35) đề cập đến một câu trích sau đây:
“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”
Câu trích này được tìm thấy ở trang 304 quyển Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban KHXH Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971, với ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110. Câu trích dẫn và nhất là thông tin trong ghi chú trên đây đã khiến nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng Alexandre de Rhodes có ý đồ thực dân. Để làm sáng tỏ vấn đề, Nguyễn Đình Đầu đã tìm đọc hai trang 109-110 của tài liệu trên và cả bản tiếng Việt Hành trình và truyền đạo do Hồng Nhuệ dịch[1], và đi đến kết luận là “không hề thấy câu nói sặc mùi đế quốc thực dân ấy, ngoại trừ những lời lẽ và thái độ quý mến dân tộc và trọng kính chính quyền cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của xứ ta đương thời”. Từ đó đến nay chưa thấy bài viết nào làm sáng tỏ nguồn gốc câu trích dẫn trên đây. Gần đây, khi có được các bản tiếng Pháp in lần đầu năm 1653, lần thứ hai năm 1666 và cả bản in năm 1854 của quyển sách nói trên, chúng tôi cũng đã bỏ công tìm tòi đối chiếu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra một dòng nào có ý tương tự như câu trích dẫn bên trên.
Vậy từ đâu mà có câu trích dẫn đó? Có phải câu đó là của Alexandre de Rhodes không? Nếu phải thì nó nằm ở tài liệu nào? Còn nếu không phải của Alexandre de Rhodes thì nó được trích dẫn từ đâu?
Đến những suy luận võ đoán
Roland J. cho rằng đoạn “được gọi là trích dẫn đó” chỉ là một sự sáng tạo (invention) của Thomazi mà thôi (1998, tr.42), hay nói khác hơn, đó là một sự bịa đặt! Nếu chấp nhận cách diễn giải của Roland J. thì vô hình trung cho rằng tác giả này đã cố tình vu khống Alexandre de Rhodes ! Đó là điều vô cùng tồi tệ đối với các nhà khoa học ! Vì không thể dễ dãi đồng tình với Roland J., chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm sáng tỏ nguồn gốc của câu trích dẫn trên.
Năm 2012, trong một tham luận trình bày tại hội thảo khoa học Côn Đảo – 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012), có đoạn sau đây:
“Hơn 25 năm sống ở nước ta, lúc vào Nam, lúc ra Bắc, ông [A. de Rhodes] đã mang về Pháp một tấm bản đồ đầu tiên về xứ này và cho in tại Lyon cuốn Từ điển Việt – Bồ – LaHành trình truyền đạo và lịch sử xứ Đàng Ngoài, trong đó ông đã nhận định: « Ở đây, có một chỗ cần chiếm lấy và đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú tiền lời và của cải » [5]. « Chỗ cần chiếm lấy » ấy chính là Côn Đảo.” (Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012, tr.125).
Chú thích [5] của hai tác giả trên đây cho ta biết là đoạn văn đứng trước được trích từ trang 7 của một tư liệu mang ký hiệu VT 306 ABC, do Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV biên dịch, có tên là Cuộc chinh phục xứ Đông Dương, của tác giả A. Thomazi. Đó là bản dịch của quyển La conquête de l’Indochine của A. Thomazi, do Payot xuất bản lần đầu tại Paris năm 1934. Nguyên văn của câu trên như sau: “Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse.”
Để làm sáng tỏ ngữ cảnh của câu trên, chúng tôi chép lại cả đoạn văn gồm câu đứng trước và câu đứng sau :
En Annam comme au Siam, les premiers Français que l’on vit furent des missionnaires. Le Père Alexandre de Rhodes aborda en Cochinchine en 1624, passa vingt-cinq ans dans ce pays et au Tonkin ; il en rapporta la première carte du pays, un dictionnaire annamite – latin – portugais, une histoire du Tonkin, et signala les possibilités qui s’offraient au commerce. « Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse. » De nombreux prêtres, puis des agents de la Compagnie des Indes, confirmèrent ses dires. (Thomazi A., 1934, tr.13)
Nghĩa của đoạn văn này như sau:
Ở An Nam cũng như ở Xiêm [ngày nay là Thái Lan], những người Pháp đầu tiên mà người ta gặp là các nhà truyền giáo. Cha Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, sống 25 năm ở đó và ở Đàng Ngoài; từ đây ông đã mang về [Pháp] tấm bản đồ đầu tiên của nước này, một từ điển Việt – La tinh – Bồ Đào Nha[2], một quyển lịch sử xứ Đàng Ngoài, và đã lưu ý đến những khả năng mở ra cho việc thương mãi. “Ở đó, ông viết, có một chỗ cần chiếm, và khi đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên.” Nhiều linh mục và kế đến là các đại diện của Công ty Đông Ấn đều khẳng định nhận xét của ông.
Trong ngữ cảnh trên, với cụm từ “écrivait-il” (“ông viết”) được đặt chen vào câu trích dẫn trong ngoặc kép “…”, và nhất là hai từ “ses dires” (“lời nói, câu nói của ông”) thì người đọc hiểu là Thomazi thông báo rằng lời nói trực tiếp này là của Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên tác giả không hề ghi chú câu trên được trích dẫn từ tài liệu nào, trang nào[3]. Roland J. thì cho biết rằng Thomazi có ghi chú đoạn trên đây được trích từ quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient kèm theo số trang (tr.42, ghi chú 77)
Đâu là sự thật ?
Truy tìm các tài liệu xuất bản trước năm 1934 (năm Thomazi xuất bản quyển La conquête de l’Indochine), chúng tôi bắt gặp đoạn văn sau đây trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française của A. Septans xuất bản năm 1887 (Nxb Challamel Ainé):
« En parlant du Tong-Kin, le P. Alexandre de Rhodes traite longuement du commerce. Pour lui, le Tong-Kin, par sa situation, son voisinage avec la Chine, se prête merveilleusement aux entreprises et peut devenir le siège de transactions importantes. Les Chinois y venaient en grand nombre, ils y apportaient des porcelaines, des toiles peintes et en tiraient des soieries et du bois d’aloès. Les Japonais s’y livraient autrefois à un trafic considérable, mais depuis vingt-cinq ans, ils avaient cessé de paraître dans le pays, il y avait ainsi une place à prendre et, en s’y établissant, des marchands d’Europe pouvaient y trouver une source féconde de profits et de richesses (2). » (tr.48)
(Khi nói về xứ Đàng Ngoài, cha Alexandre de Rhodes đề cập nhiều đến thương mãi. Đối với ông, xứ Đàng Ngoài vô cùng thuận lợi cho việc kinh doanh và có thể trở thành địa điểm giao dịch quan trọng. Đông đảo người Trung Hoa đến đó, họ mang đến đồ gốm sứ, vải hoa và mua tơ lụa và gỗ trầm hương. Trước kia, người Nhật đến đây buôn bán rất lớn, nhưng từ 25 năm, họ đã ngừng đến xứ này, vì thế có một chỗ cần chiếm lấy và, khi đã đặt chân đến đây, các thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn phong phú gồm lợi nhuận và tài nguyên)
Đoạn văn này được Septans ghi ở phần chú thích số 2 (trang 48) là idem., bên dưới chú thích 1 là “Castonnet-Desfossés, déjà cité”, tức là muốn nói đến tài liệu “Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine” (Quan hệ của Pháp với xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong) của Castonnet-Desfossés đăng trong Bulletin de la société académique indochinoise de France, số 2, 1883.
Trong bài viết của Castonnet-Desfossés, đoạn văn trên đây nằm ở trang 81. Đó không phải là trích dẫn của Alexandre de Rhodes, mà là của chính tác giả. Sau khi đã tóm tắt ý chính của chương XVI có tựa là “Du Traffiq, & des Marchandises des Tunquìnois” (từ trang 56-58) của quyển Histoire du Royavme de Tvnqvin của Alexandre de Rhodes, là phần nói về việc thương mãi của xứ Đàng ngoài vào những năm 1627-1646, Castonnet-Desfossés đã đi đến suy luận đó là “một chỗ cần chiếm lấy”. Cũng theo chiều hướng suy luận ấy, độc giả còn đọc được một câu tương tự của Castonnet-Desfossés khi nói về các bản tường trình của linh mục Tissanier[4] sau khi đã lưu trú tại xứ Đàng Ngoài 3 năm, từ 1658 đến 1660 :
“Pour le P. Tissanier, le Tong-Kin est un pays d’avenir et doit, tôt ou tard, attirer l’attention des Européens. La fertilité de son sol, les cours d’eau qui l’arrosent et facilitent les communications, le voisinage de la Chine annonçaient que cette contrée serait un jour des plus florissantes et deviendrait dans la suite le siège d’un commerce actif. Si l’on s’en rapporte au P. Tissanier, l’établissement des Européens dans ce pays n’était qu’une affaire de temps” (tr.82).
“Đối với cha Tissanier, xứ Đàng Ngoài là một xứ sở của tương lai, và sớm hay muộn, sẽ thu hút sự chú ý của người châu Âu. Đất đai phì nhiêu, sông ngòi thuận tiện cho việc lưu thông, vị trí gần gũi với Trung Hoa báo trước rằng tương lai vùng này sẽ là một vùng trù phú và sẽ trở thành một trung tâm thương mại nhộn nhịp. Nếu ta tin lời cha Tissanier, việc người châu Âu đặt chân đến xứ này chỉ là vấn đề thời gian” (tr.82).
Như vậy “sự cố trích dẫn” này xuất phát từ Thomazi : ông đã nhầm lẫn khi đọc được trong quyển Les commencements de l’Indo-Chine française (Paris, Nxb Challamel Ainé) của A. Septans một trích dẫn từ bài viết của Castonnet-Desfossés, rồi vội gán cho Alexandre de Rhodes bằng cách thêm vào các chữ “écrivait-il” và “ses dires”. Sự nhầm lẫn này cũng còn bắt nguồn từ cách trình bày kém rõ ràng của Septans : sau khi viết câu “Son Histoire du Tonkin a été publiée en latin à Lyon en 1652” (Quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài [của Alexandre de Rhodes] đã được xuất bản bằng tiếng la tinh ở Lyon năm 1652), Septans liền ghi câu trích của Castonnet-Desfossés khiến người đọc dễ nhầm lẫn đó là của Alexandre de Rhodes !
Cũng cần nói thêm là quyển Lịch sử xứ Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes không hề đề cập đến Côn Đảo như hai tác giả Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân đã suy luận .“Chỗ cần chiếm lấy ấy chính là Côn Đảo” như trong tham luận đã nói bên trên. Như đã giới thiệu bên trên, chẳng những đoạn trích dẫn đang bàn không phải do Alexandre De Rhodes viết, mà nó cũng không có liên quan đến Côn Đảo, tên Poulo Condore hay Pulo Condor không hề xuất hiện trong bất cứ quyển sách nào của de Rhodes, và quyển Histoire dv Royavme de Tvnqvin chỉ nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo của Đàng Ngoài mà thôi.
Tóm lại, Alexandre de Rhodes không hề viết câu “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” trong các tác phẩm của ông. Sự nhầm lẫn tai hại này bắt đầu từ A. Thomazi khi ông đã biến một suy luận của người đời sau thành phát biểu của Alexandre de Rhodes. Nguy hiểm hơn nữa, từ sự nhầm lẫn này mà đã có người suy diễn đến việc Pháp chiếm Côn Đảo hai trăm năm sau.
Tài liệu tham khảo
1. Castonnet-Desfossés H., 1883: Les relations de la France avec le Tong-kin et la Cochinchine, d’après les documents inédits des Archives du ministère de la Marine et des Colonies et des Archives du Dépôt des cartes et plans de la marine, trong Bulletin de la société académique indo-chinoise de France, số 2, 1882-1883.
2. Lục Minh Tuấn – Thái Vĩnh Trân, 2012. Về nhận thức của người Pháp đối với Côn Đảo trước năm 1862, trong Côn Đảo 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triểm (1862 – 2012) (Kỷ yếu hội thảo khoa học. Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật.
3. De Rhodes A. 1651. Histoire dv Royavme de Tvnqvin, bản dịch tiếng Pháp của Henry Albi. Lyon, Chez Iean Baptiste Devenet.
4. Roland J. 1998. Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire? đăng trong tạp chí Revue française d’histoire d’outre-mer, quyển 85, số 318, quý 1 năm 1998.
5. Septans A. 1887. Les commencements de l’Indo-Chine française. Paris, Nxb Challamel Ainé.
6. Thomazi A. 1934. La conquête de l’Indochine. Paris: Payot.
Chú thích:
[1] Bản tiếng Việt do Hồng Nhuệ dịch quyển Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh xuất bản, 1994.
[2] Thomazi viết sai: tên từ điển bằng tiếng la-tinh là Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm, et Latinvm, xuất bản tại La Mã năm 1651. Tài liệu bằng tiếng Việt thường gọi là Từ điển Việt – Bồ – La.
[3] Quyển La conquête de l’Indochine của Thomazi mà chúng tôi tham khảo do Nhà xuất bản Payot (Paris) xuất bản năm 1934 không có ghi chú nào về tài liệu được trích dẫn.
[4] Relation du voyage du P. Joseph Tissanier, Edme Martin  xuất bản năm 1663.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 5 năm 2019