Sunday 18 December 2011

Vì sao hoa tu líp có nhiều tên thế?


Người Pháp đem hoa tu líp vào Việt Nam. Tên hoa này tiếng Pháp là tulipe.
Hồi đầu thế kỷ 20 từ điển Đào Duy Anh (1950:1835) dịch tên hoa này bằng một từ mượn của tiếng Trung Quốc là uất kim hương (鬱金香). Từ uất kim hương thông dụng ở miền Nam Việt Nam  cho đến năm 1975. Bản dịch quyển La Tulipe Noire của Alexandre Dumas ra mắt bạn đọc Việt Nam dưới nhan đề là Hoa Uất Kim Hương Đen.
Trong khi đó ở miền Bắc, trong một nỗ lực thanh lọc từ Hán Việt khỏi ngôn ngữ và đời sống, Lê Khả Kế (1978:181) dịch tulipehoa vành khăn. Cái tên này rất thích hợp với hình dạng của hoa. Bản thân từ tulipe (xuất hiện năm 1611 trong tiếng Pháp) vốn là hậu thân của từ tulipan (xuất hiện năm 1600) mà từ tulipan này lại có nguồn gốc là một từ Thổ Nhĩ Kỳ tülbend, nghĩa là cái khăn đội đầu.
Một số người biết tiếng Pháp gọi tên hoa là tuy líp. Cái tên này sau một thời gian thử thách cũng vào được từ điển (Alikanôp, 1977:472; Nguyễn Như Ý, 1999:1751; Hoàng Phê, 2006:1066). Một dạng khác là tu líp có thể xem là mượn âm Pháp hay đọc tiếng Anh (tulip) theo kiểu Việt Nam đều được. Dạng này cũng đã vào từ điển (Hoàng Phê, 2006:1063). Gần đây lại xuất hiện tiu líp, chắc chắn là mượn âm tiếng Anh, chưa vào được từ điển nhưng có thế mạnh riêng của nó.
Năm cái tên cho một loài hoa chỉ là hệ quả của những sức mạnh chi phối lịch sử nước nhà trong mấy mươi năm qua.

Friday 16 December 2011

Răm li là cái gì?

Dân xây dựng gọi vạt gỗ đóng trần là răm li. Đó là một từ gốc Pháp (lambris de  plafond). Khi từ này vào tiếng Việt, đã xảy ra hiện tượng lẫn lộn /r/ và /l/. Hai âm này đều âm lỏng. 

Thursday 15 December 2011

Đèn măng xông là đèn gì?

Từ điển không có măng xông, chỉ có măng sông (Lê Văn Đức, 1970b:893; Nguyên Tử Lực Cuộc, 1970:221; Nguyễn Như Ý, 1999:1101; Nguyễn Kim Thản, 2005:1031). Trên thực tế xưa nay, trong Nam cũng như ngoài Bắc, từ trong nước ra đến hải ngoại, người ta dùng cả măng xôngmăng sông, không coi dạng nào là sai:
* Tường nhà quét vôi xanh, gạch chỉ xanh, lại được ngọn đèn măng sông ánh sáng cũng xanh xanh. (Nguyễn Công Hoan, 2005:44)
* Tại một khúc vắng bên kia sông như thế, trong một căn chòi kín đáo có rất nhiều dừa nước bao quanh, Út Thêm và Hoàng đang ngồi cạnh nhau trong ánh sáng mờ mờ của một chiếc đèn măng sông treo ở ngoài hiên. (Chu Lai, 2008:159)
* Ngọn đèn măng sông treo lơ lửng ở trần nhà, gian giữa của ngôi trường ba gian, từng đàn mối bay vèo vèo quanh điểm sáng, rớt lả tả trên những cái ly, những đĩa kẹo và thuốc lá bày biện gọn ghẽ trên hai dãy bàn dài. (Nguyễn Ngọc Ngạn, 1994:154)
* Lấy cái đèn măng xông buồng bên mang sang đây đi, em! (Vũ Trọng Phụng, 2006s:561)
* Tuy chợ nhóm suốt đêm nhưng thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu, ngoại trừ một số sạp lớn thì có đèn măng-xông. (Võ Đắc Danh, 2008t:61)
* Người cầm đèn măng-xông trả lời gọn lỏn. (Nguyễn Tường Thiết, 2008:49)
Măng sông / măng xông là từ gốc Pháp (manchon). Đèn măng sông tiếng Pháp là lampe à manchon. Măng sông là tấm lưới dùng để bao quanh ngọn lửa đèn, chẳng những không bị cháy mà còn có tác dụng làm tăng độ sáng. Thứ lưới đặc biệt này được dệt bằng sợi gai, sợi bông hoặc sợi tơ nhân tạo visco, tẩm muối ni-trát tho-ri và ni-trát xê-ri.
Măng sông / măng xông là từ mượn âm cho nên viết cách nào tiện cho mình là được chứ cần gì phải bắt chước thật giống tiếng Pháp? Vả lại có ghi cách nào đúng được với âm gốc? Còn vì sao các nhà làm từ điển chọn măng sông mà không chọn măng xông thì đó lại là một chuyện khác.

Ca ve sao không biết nhảy?


Từ cavalier của tiếng Pháp có nhiều nghĩa, nhưng chỉ có một nghĩa vào tiếng Việt qua đường mượn âm và chỉ ở dạng giống cái (cavalière): bạn nhảy nữ

Hồi đầu thế kỷ 20 do quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân, hầu như không có phụ nữ Việt Nam chịu khiêu vũ nên bạn nhảy nữ đều là chuyên nghiệp.


Trong Kỹ Nghệ Lấy Tây ta thấy Vũ Trọng Phụng gọi họ là ca-va-li-e:

Nghe đâu bây giờ có một cô ả trong bọn ấy sang một tiệm nhảy ở Đáp Cầu xin vào làm ca-va-li-e).

Trong Truyện bốn người đăng trên báo Ngày nay số 87, Khái Hưng & Thạch Lam &  Hoàng Đạo & Thế Lữ (1937:1010) gọi là kỵ nữ (vì cavalierkỵ sĩ):
Ai nấy chỉ nghĩ tới một việc, theo đuổi một mục đích : mời được, kéo được ra sân khiêu vũ một cô kỵ nữ).


Các cô cũng được gọi là vũ nữ:
Nhưng chàng thề với chàng rằng thế nào cũng tìm dịp gây sự để tặng cho kẻ tình địch một cái tát ở ngay trước mặt cô vũ nữ đáng ghét. (Khái Hưng & Thạch Lam &  Hoàng Đạo & Thế Lữ, 1937:1010)

Vũ nữ Hán Việt (làm việc ở vũ trường) nghe sang trọng hơn gái nhảy (làm việc ở tiệm nhảy).


Sau năm 1954 vũ trường biến mất ở miền Bắc nhưng thịnh dần ở miền Nam, từ ca-va-li-e biến mất, xuất hiện các từ ca veca nhe, lấy âm tiết đầu và âm tiết cuối của từ gốc mà phát âm theo kiểu miền Nam. Thời này ca ve vẫn còn biết nhảy, làm việc chủ yếu ở vũ trường. Nếu có làm gì thêm ở đâu khác thì đó không phải là đặc điểm nghề nghiệp của họ.
Các em gái bán bar trước bẩy nhăm, những thôn nữ làm gái nhẩy ở vũ trường bây giờ đều chính danh là ca ve, có thẻ đóng dấu và được phép hành nghề. (Nguyễn Việt Hà, 2007:34)

Cuối những năm 80, khi các vũ trường xuất hiện trở lại, làm bạn nhảy vẫn là công việc chính của các cô vũ nữ. Từ điển Hoàng Phê (2006:97) chỉ ghi nghĩa này. Việc ra ngoài chơi với khách vẫn nằm ngoài phạm vi công việc của ca ve. Ai đi như thế chỉ có thể là nhảy dù / đi dù. Từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:194) mở ngoặc đơn là có khi, theo nghĩa xấu, còn bí mật kiêm hành nghề mại dâm.Ca ve thời này nhảy đầm không lương, chỉ có tiền bo tùy tâm của khách nhảy (nếu tranh được khách) mà không nhảy dù thì làm sao sống? Dần dần cái việc kiêm thêm lại thành việc duy nhất mà các cô ca ve biết làm. Bây giờ bất cứ cô gái nào đi khách cũng có thể được gọi là ca ve, không cần phải biết mặt mũi cái sàn nhảy ra sao.
Bác sĩ đi găng dày cộp, sợ bị nhiễm khuẩn cave. (Nhiều Tác Giả, 2010:130 - Võ Thị Xuân Hà)
Tùy theo địa bàn hoạt động của họ mà có ca ve đứng đường, ca ve mạng, ca ve vũ trường... Theo đẳng cấp thì có ca ve ngoại hạng, ca ve cao cấp, ca ve hạng sang, ca ve hạng bét lốp lét... Theo mức độ thành thục, có ca ve mới vào nghề và ca ve lành nghề. Theo cường độ hành nghề, có ca ve chuyên nghiệp, ca ve bán chuyên, ca ve bán chính thức. Trong số ca ve bán chuyên lại có ca ve chân dài, ca ve văn phòng, ca ve sinh viên... Tất cả các ca ve ấy khi dịch trở lại tiếng Pháp phải dùng từ pute, không dùng từ cavalière được.

Monday 12 December 2011

Màu be là màu gì?

Màu be là màu len tự nhiên, giữa màu trắng nhờ nhờ và màu nâu sáng. Be là từ mượn âm tiếng Pháp (beige).

Sunday 11 December 2011

Giẻ đáng gì mà ăn?


Hiện nay giẻ được hiểu là các thứ vải vụn hoặc quần áo rách phế thải dùng làm nùi giẻ, giẻ chùi, giẻ lau... (Lê Văn Đức, 1970a:562). Hiểu theo nghĩa đó thì câu tục ngữ Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ đâm ra ngớ ngẩn. Nhưng không ai hiểu sai ý nghĩa của câu tục ngữ đó: thợ nghề nào cũng kiếm chác được của khách hàng trên khoản vật liệu dùng cho nghề ấy (cho nên câu tục ngữ trên mới có cái phiên bản nối dài với thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc). Với nghề thợ may ngày xưa, khoản kiếm chác đáng kể là tơ lụa. Trong câu tục ngữ nói trên giẻ là một từ cổ có nghĩa là tơ lụa (Vương Lộc, 2001:70). Nghĩa này hiện nay đã mất trong ngôn ngữ phổ thông, khiến cho thợ may ăn giẻ có vẻ không ăn nhập mấy với phần còn lại của câu tục ngữ và với ý nghĩa chung của cả câu. Để cho phù hợp với cái nghĩa hiện nay của giẻ, đoạn sau của câu tục ngữ mới được cải biên một lần nữa thành thợ hàn ăn... cứt sắt.
Tục ngữ cũng có câu Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì mắt (đắt). Giẻ ở đây vẫn là tơ lụa, không phải giẻ lau, giẻ rách nên mua mới đắt.

Saturday 10 December 2011

Mì chính là mì gì?


Mì chính (người Nam gọi là bột ngọt) có công thức hóa học là NaC5NO5H8 (glu-ta-mát na-tri). Tiếng Anh là monosodium glutamate, thường được viết tắt là MSG. Liên Hiệp Châu Âu đặt cho mì chính một mã số là E 621 (chất phụ gia thực phẩm số 621). Nhìn trên bao bì thực phẩm mà thấy ký hiệu này (E621) là biết ngay nó đó.
Mì chính là một chất hóa học, không phải thức ăn làm từ bột mì và cũng chẳng có thứ mì nào tên là mì phụ. Mì chính chỉ là âm Quảng Đông của味精; âm Hán Việt vị tinh (Lê Ngọc Trụ, 1993:635), nghĩa là chất điều vị (tiếng Anh là flavour enhancer).
Trung Quốc bắt đầu sản xuất được mì chính năm 1920. Một vài thợ nấu miền Bắc đã biết sử dụng mì chính từ thời ấy nhưng đa số người dân không biết đến sự tồn tại của nó. Từ mì chính chỉ trở nên phổ biến từ năm 1957, thời điểm khởi công khu công nghiệp Việt Trì, trong đó có một nhà máy mì chính do Trung Quốc xây dựng viện trợ cho Việt Nam.