Friday 14 September 2012

Vì sao không nên dịch từ cardinal của tiếng Pháp thành hồng y giáo chủ?



Từ cardinal trong tiếng Pháp (cardinalis trong tiếng La Tinh) được dùng để chỉ những vị giáo sĩ cao cấp nhất trong giáo hội Công giáo La Mã. Phẩm phục của các vị này có màu đỏ nên người Việt gọi họ là các vị Hồng Y. Có ba bậc Hồng Y: Hồng Y Giám Mục, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Phó tế.
Hồng Y Giám Mục là tước hiệu dành cho bảy giáo phận xung quanh La Mã. Tiếng Pháp là cardinal-évêque, tiếng Anh là cardinal-bishop, tiếng Trung Quốc là主教級樞機 (chủ giáo cấp xu cơ).
Hồng y Linh mục là tước hiệu gắn với một giáo xứ La Mã (tổng giám mục giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Mẫn là Hồng Y Linh Mục Thánh Ðường Thánh Justino tại La Mã). Tiếng Pháp gọi Hồng Y Linh Mục là cardinal-prêtre, tiếng Anh là cardinal-priest, tiếng Trung Quốc là 司鐸級樞機 (tư đạc cấp xu cơ)
Bậc cuối cùng là Hồng y Phó tế, tiếng Pháp là cardinal-diacre, tiếng Anh là cardinal-deacon và tiếng Trung Quốc là  和執事級樞機 (hòa chấp sự cấp xu cơ).
Như vậy dịch cardinalhồng y giáo chủ hay chủ giáo đều không chính xác và rất bất tiện khi ta cần dịch các từ ngữ thể hiện thứ bậc của các vị Hồng Y.

Thursday 13 September 2012

Giáo chủ và “chim giáo chủ” (Năng Lượng Mới số 145 , 10-8-2012) An Chi


Giáo chủ và “chim giáo chủ” (Năng Lượng Mới số 145 , 10-8-2012).

by An Chi on Friday, August 10, 2012 at 12:55pm ·
BẠN ĐỌC : Mục “Chuyện lạ đó đây” của Tuấn Huy trên Kiến thức Ngày nay số 791 (1-8-2012) có mẩu tin “Chim kỳ quái”, lấy từ báo Daily Hampshire Gazette với lời chú thích ảnh như sau : “Chim giáo chủ còn non có 2 đầu, 1 mỏ nhỏ giữa 2 mỏ lớn, do đột biến gien hoặc tác nhân môi trường tạo thành.” Xin ông An Chi cho biết “chim giáo chủ” là chim gì, tên của con chim này trong bài báo tiếng Anh nói trên là gì và, nhân tiện, xin ông cho hỏi việc dùng hai tiếng “giáo chủ” để chỉ một chức vụ bên Công giáo có chính xác hay không.
                                                                               Nguyễn Huỳnh Lâm, Q.1, TPHCM.
AN CHI : “Chim giáo chủ” là một cách dùng từ không thích hợp mà cách đây hơn 11 năm chúng tôi đã có nhận xét ngay trên Kiến thức Ngày nay số 382 (ngày 20-3-2001, mục “Chuyện Đông chuyện Tây”). Có người, có lẽ vì mặc nhận rằng “giáo chủ” là một cách gọi không đúng (với lối nói bên  Công giáo) nên đã gọi nó là “chim hồng y”, như Minh Long trong bài “Chim hai đầu, ba mỏ” (Vnexpress.net, ngày 1-6-2012). Có người còn gọi nó bằng một cái tên “đầy đủ” hơn, là “chào mào Hồng y giáo chủ ”, như Bảo Châu, trong “10 loại chim đẹp nhất hành tinh” trên m.tin247.com.
Tên con chim này trong bài báo của Daily Hampshire Gazette  là “cardinal”. Từ này nằm trong câu: “Britt said she found the bird near the base of a tree in her yard Monday afternoon and, figuring it wouldn't survive for long on the ground, returned it to its nest and to the pair of cardinals inside.” (“Baby bird with two heads, three beaks found in Northampton”, Gazettenet.com [Daily Hampshire Gazette],  Wednesday, May 30, 2012). Dịch nghĩa: “Bà Britt nói rằng bà đã thấy con chim gần một gốc cây trong sân (nhà) bà vào xế chiều ngày thứ hai và, nghĩ rằng nó sẽ không sống sót được lâu ở dưới đất (nên) đã đặt lại nó vào tổ cho đôi chim cardinal trong đó).”
Cardinal là từ chỉ một chức sắc Công giáo trong tiếng Anh, mượn thẳng từ tiếng Pháp trung đại, mà nguyên từ (etymon) là “cardinalis” trong ngữ đoạn “cardinalis sanctæ romanæ Ecclesiæ” của tiếng La Tinh, có nghĩa là “cốt cán của Toà Thánh La Mã”. Đặc trưng về lễ phục của chức sắc này là màu đỏ thắm nên về sau người ta còn dùng chính từ “cardinal” để chỉ một vài loài động vật hoặc thực vật có màu đó trong tiếng Pháp (có thể hoặc dùng thẳng hoặc làm định ngữ):
– giống chim sẻ lông đỏ (mà ta đang nói đến);
– một  giống cá;
– một giống bướm;
– một giống ốc;
– một giống bọ cánh cứng, còn gọi là pyrochre;
– giống hoa dơn (glaïeul) màu đỏ thắm;
  – giống nho đỏ; v.v..
Cứ như trên thì việc so sánh ở đây tuyệt nhiên không dính dáng gì đến con người hoặc tính cách của các chức sắc cốt cán bên Công giáo vì nó chỉ liên quan đến lễ phục, nói cho rõ ràng hơn, là cái màu đỏ thắm trên lễ phục của họ mà thôi. Vì vậy cho nên dịch “cardinal” của tiếng Pháp hoặc tiếng Anh thành “chim giáo chủ” hoặc “chim hồng y” là đã làm một việc không thích hợp. Diễn đạt thành chim “chào mào Hồng y giáo chủ ” thì lại càng vô lý. Có lẽ do muốn tránh cái sự vô lý này mà dân Tàu mới dịch “cardinal” thành “Bắc Mỹ hồng tước” 北美紅雀 (sẻ đỏ Bắc Mỹ). Tiếc rằng Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975), cũng dịch “cardinal” thành “chim giáo chủ” (!). Từ điển Pháp-Việt (Dictionnaire français-vietnamien) của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam do Lê Khả Kế làm tổng biên tập (Agence de Coopération Culturelle et Technique, 1981) đã dịch một cách khá hợp lý thành “chim áo đỏ”. Cách dịch này làm chúng tôi nhớ đến danh ngữ “chim áo già”, chỉ một giống chim có tên khoa học là Lonchura malacca, khá phổ biến ở trong Nam. Riêng cá nhân chúng tôi thì muốn gọi đó là “(chim) sẻ đỏ”; khi nào sợ văn cảnh có thể gây hiểu lầm thì sẽ nói rõ là “sẻ đỏ Bắc Mỹ”. Còn nếu muốn dùng một thuật ngữ thực sự chăt chẽ thì chúng tôi sẽ gọi đó là “hồng tước Bắc Mỹ”.
Trước đây, chức vụ cardinal vẫn được gọi một cách bình thường là “hồng y giáo chủ” trong tiếng Việt. Hồi tháng 4 -1955, khi Francis Spellman – kẻ đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử ở Việt Nam – đến Sài Gòn để chuẩn bị cho Ngô Đình Diệm về hất cẳng Bảo Đại, thì dân chúng và báo chí ngoài Công giáo vẫn gọi tay này một cách bình thường là “hồng y giáo chủ”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970), Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1967) và Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) đều có ghi nhận mục từ “hồng y giáo chủ”. Đây là một cách gọi hoàn toàn thích hợp. Nhưng nhiều năm gần đây, nhiều tác giả ngoài Công giáo, vì muốn tỏ ra “thức thời” nên đã theo cách nói bên Công giáo mà gọi cardinal là “hồng y” trơn tru và gạt bỏ hai tiếng “giáo chủ”. Họ không biết rằng “hồng y” chỉ là một lối nói mang tính biệt ngữ của Công giáo còn “hồng y giáo chủ” mới là một lối nói của tiếng Việt toàn dân. Cái lý do bên Công giáo mà họ đã nghe theo là: “giáo chủ” cũng là một lối nói để chỉ giáo hoàng (nên không thể gọi “hồng y” thành “giáo chủ”). Nhưng trong tiếng Việt thì hai hình vị “chủ” và “hoàng” khác nhau nhiều lắm.
“Hồng y giáo chủ” thực ra là một lối nói đã cải biên từ mấy tiếng “hồng y chủ giáo” 紅衣主教, mà  dân Tàu đã dùng để dịch “cardinal”. “Chủ giáo” 主教 là hai tiếng mà Tàu đã dùng để dịch “bishop” (giám mục) của tiếng Anh. Trong cái cấu trúc này của tiếng Hán thì “chủ” là định ngữ còn bị định ngữ, tức trung tâm, là danh từ “giáo”. Nhiều người Việt Nam không quen với kiểu chuyển loại từ động từ thành danh từ – như trường hợp của từ “giáo” – nên mới đưa “giáo” lên trước làm định ngữ cho “chủ” thành “giáo chủ” vì, theo họ, chỉ có “chủ” mới là danh từ. Nhưng hai lối nói hữu quan chỉ khác nhau về thành phần cấu tạo, cũng như về sắc thái ngữ nghĩa gốc, chứ lối nói của tiếng Việt thì tuyệt đối không sai ngữ pháp (dĩ nhiên là ngữ pháp của tiếng Tàu). Như vậy thì trong tiếng Việt, “giáo chủ” có đồng nghĩa với “giáo hoàng” hay không? Xin thưa rằng tuyệt đối không. Cái lý do đơn giản nhất mà ta có thể đưa ra ngay tức khắc là tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân không bao giờ gọi giáo hoàng là “giáo chủ”. Huống chi, trong tâm thức của người Việt thì “chủ” và “hoàng” là hai hình vị khác hẳn nhau. “Chủ” là biến thể ngữ âm hậu kỳ của  “chúa”  (chúa nhựt = chủ nhật) mà lịch sử Việt Nam thì có một giai đoạn gọi là “vua Lê chúa Trịnh”. Dòng họ Trịnh chỉ kế vị nhau làm “chúa” (chủ); chỉ có người của họ Lê mới làm “hoàng” (đế) mà thôi. Ngôi vị giữa “chủ” (chúa) và “hoàng” cách biệt nhau như thế thì ta tuyệt đối không thể nói rằng “giáo chủ” đồng nghĩa với “giáo hoàng”. Người Công giáo có thể đánh dấu bằng giữa “giáo chủ” và “giáo hoàng”. Đó là chuyện nôi bộ của họ. Nhưng ta không thể buộc tiếng Việt toàn dân cũng phải bắt chước mà làm y như họ. Đây là một điều dứt khoát.

Wednesday 12 September 2012

“Ăn vóc học hay” (An Chi / Huệ Thiên)


 ĐỘC GIẢ: Xin giải thích câu “Ăn vóc học hay”. “Vóc” là gì?
AN CHI: Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Hà Nội, 1989) giảng:vóc “là từ cũ có nghĩa là ít” và “ăn vóc học hay” là “ăn ít nhưng học giỏi” (X. tr.19). Việt-Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giảng: “Ăn cho nên vai nên vóc thì học cũng phải cho nên người”. Kể chuyện thành ngữ tục ngữ của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994) giảng: “Trong câu tục ngữ này các từ vóc và hay là những từ khó hiểu, cần được làm sáng rõ. Trước hết, hay trong học hay có nghĩa là giỏi (...). Vìhay là một tính từ nên vóc, từ đối ứng với nó cũng phải là một tính từ. Tuy vậy, trong văn học dân gian và các truyện Nôm, vóc thường xuất hiện với nghĩa danh từ để chỉ thân thể, dáng hình của con người, chẳng hạn, vóc ngọc mình vànglớn người to vóc,vóc sươngvóc bồ liễu... Với ý nghĩa này, vóc không tương ứng với hay trong học hay. Nhưng có lẽ trong tiếng Việt, vóc đã được chuyển nghĩa từ chỗ chỉ thân thể sang chỉ đặc tính khỏe mạnh của con người, chẳng hạn, có vóc được dùng để chỉ “sự cao lớn chắc chắn”, vóc dạc chỉ hình tích cao lớn. Do đó, câu tục ngữ ăn vóc học hay được hiểu là ăn khỏe, học hành giỏi giang” (Sđd, tr.62). Đặc biệt, trong bài viết “Câu đối, nội dung của nó” (trong: Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1995, tr.75-99), Phan Ngọc phân tích: “Bây giờ thử áp dụng ngữ pháp đối xứng để giải mã các thành ngữ, tục ngữ (có hai vế song song và có số tiếng ngang nhau – AC). Một khi đã theo ngữ pháp đối xứng thì kiến trúc vế này sẽ in hệt như kiến trúc của cái vế đối xứng với nó. Thí dụ, ta muốn giải mã thành ngữ “Ăn vóc học hay”. Kiến trúc “Ăn vóc” sẽ có quan hệ ngữ pháp hệt như “học hay”. Nhưng kiến trúc “Vị-Bổ” chỉ áp dụng cho “Ăn vóc” mà không thể nào áp dụng cho “Học hay” được. Kiến trúc “Vị-Trạng” có thể áp dụng cho “Học hay” nhưng lại không thể nào áp dụng cho “Ăn vóc” được. Cứ như thế, cuối cùng ta phải đến kiến trúc “Vị-Vị”. Nói khác đi, trong thành ngữ này cả bốn chữ đều là vị ngữ cả, một điều không thể thấy ở trong ngữ pháp của ngôn ngữ thông thường. Mà khi đã giải mã ngữ pháp này rồi thì câu này có nghĩa như sau: Phải ăn thì mới có vóc (thân hình to lớn), phải học thì mới tài giỏi được (...) Kiến trúc vị ngữ - vị ngữ là rất khó hiểu, nhưng chính vì khó hiểu mà làm bá chủ trong thành ngữ để cấp cho thành ngữ sắc thái ngôn ngữ của thần linh. Chả lẽ thần linh lại nói năng bình thường như dân trần tục chúng ta sao?” (Bđd, tr.90-91). Chúng tôi không tin rằng cá nhân hoặc cộng đồng đã lựa chọn – nhiều thành ngữ vốn là những cụm từ tự do rồi về sau mới được cố định hóa trong từ vựng theo lựa chọn – hoặc sáng tác những thành ngữ bốn tiếng mà Phan Ngọc cho là có cấu trúc “Vị-Vị // Vị-Vị” lại muốn tự biến mình thành những thầy phù thủy bằng cách cấp cho chúng sắc thái ngôn ngữ của thần linh. Họ càng không muốn làm chúng trở nên khó hiểu bằng cách biến chúng thành những giáo điều của một thứ học thuyết hoặc tôn giáo bí truyền. Tục ngữ, thành ngữ có chức năng truyền tải những nguyên tắc và phương châm ứng xử, những kinh nghiệm sống và sản xuất hoặc – đối với thành ngữ – những nhận định có giá trị phổ biến về tính cách của con người và thế giới chung quanh qua các thế hệ. Chẳng ai dại gì “nhiễu sự văn chương” để biến chúng thành những câu thần chú bí hiểm vì một lý do đơn giản là nếu không ai hiểu thì cũng chẳng ai làm theo.Vậy những thành ngữ hữu quan không phải là khó hiểu ngay từ đầu mà chỉ trở nên khó hiểu theo thời gian. Chỗ khó hiểu của chúng: một là với thời gian, một số trong những tiếng cấu thành chúng đã trở thành những từ cổ; hai là chúng đã bị tách khỏi hoàn cảnh lịch sử - xã hội trong đó chúng ra đời và ba là chúng đã bị từ nguyên dân gian làm cho méo mó.Phan Ngọc đã mặc nhận rằng vóc là danh từ (nên mới có khả năng làm bổ ngữ cho động từ ăn) và rằng đó là một thành tố của các từ ghép đẳng lập: sức vócvóc dáng,tầm vóc, v.v.. Ông đã chú nghĩa cho nó ở đây là “thân hình to lớn”. Chúng tôi thì cho rằngvóc là tính từ và đây là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một nguyên từ ghi bằng chữ 郁 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là úc nhưng âm chính thống lại là vúc vì thiết âm của nó là “vu cúc thiết”. Úc (vúc) là thơm, ngon; úc (vúc) liệt là thơm nức (X. thêm các từ ghép uất úcúc phứcphân úc, v.v. trong từ điển); vậy vóc có nghĩa là thơm, ngon. Còn về mặt tương ứng âm vị thì úc (vúc) ~ vóc là hoàn toàn bình thường vì uc ~ oc còn được tìm thấy qua nhiều cặp khác nữa, chẳng hạn: - (uẩn) khúc ~ (hiểm) hóc; (Nhân)Mục (địa danh) ~ (làng) Mọc; (cực) nhục ~ (cực) nhọctúc 粟 (hạt lúa) ~ thóc (gạo);trục 躅 (không dứt đi được) ~ (trằn) trọc, v.v..Tóm lại, vóc có nghĩa là thơm, ngon và “ăn vóc học hay” chỉ đơn giản có nghĩa là ăn ngon học giỏi. Cấu trúc cú pháp của thành ngữ này giống hệt của các thành ngữ: ăn ngon mặc đẹp, ăn ngon ngủ yênăn không ngồi rồi,ăn gian nói dốiăn thật làm dối ,v.v.. Nghĩa là nó gồm hai từ tổ động từ sóng đôi mà mỗi từ tổ gồm một động từ và một tính từ làm trạng ngữ cho nó. Nếu quan niệm vóc là danh từ như Phan Ngọc đã hiểu thì thế đối sẽ tức khắc trở thành chệch choạc và hiện tượng này cũng xung khắc với lý thuyết của chính ông. Thật vậy, Phan Ngọc đã cho rằng thành ngữ ăn vóc học hay “là tế bào của mọi hình thức nghệ thuật cổ xưa” với ba đặc điểm quan trọng: một là sự đối lập bằng trắc; hai là hiện tượng vần lưng mà ông gọi là vần chuỗi và ba là sự ăn khớp nhau theo nguyên lý nặng nhẹ (X. bđd, tr. 91-92). Về đặc điểm sau cùng này, Phan Ngọc giải thích:“Cha ông ta không phân biệt từ loại như chúng ta, nhưng chia từ thành nặng, nhẹ (...) Đối xứng theo nặng nhẹ tức là nặng đối với nặng chứ không đối với nhẹ (mà cũng không đối với hơi nặng – AC).Thực hay nặng tương đương với danh từ và đại từ nhân xưng. Hư hay nhẹ tương đương với thán từ (ru, nhỉ, nhé...), với những từ chỉ liên hệ (thì, và, với...) và những từ bổ nghĩa cho động từ (đã, sẽ, chẳng...).Bán thực hay hơi nặng tương đương với động từ và tính từ. Bán hư hay hơi nhẹ tương đương với từ chỉ trạng thái và những từ láy âm. (...) Cha ông ta phân biệt rành mạch danh từ với động từ, nhưng lại không phân biệt động từ với tính từ đơn tiết” (Bđd, tr.93).Từ sự giải thích của Phan Ngọc mà suy ra thì động từ và tính từ hợp thành lớp bán thực từ, phân biệt hẳn với danh từ thuộc lớp thực từ. Hai lớp này không thể đối với nhau. Điều này đúng với truyền thống nghệ thuật đối xưa nay là chưa từng có câu đối chỉnh nào, càng không có câu đối hay nào, mà danh từ của câu này lại đối với tính từ của câu kia. Vậy làm thế nào mà vóc trong “ăn vóc học hay” có thể là danh từ trong khi, đối lại với nó, hay lại là một tính từ? Chính vì thấy chỗ bất hợp lý của việc xem vóc là danh từ cho nên KCTNTN của VNNH mới khẳng định rằng đó là một tính từ (nhưng lại không thỏa đáng trong việc “đoán nghĩa” của nó). Còn Nguyễn Lân thì cũng mặc nhận rằng vóclà tính từ (nên mới giảng nghĩa là “ít”) Tóm lại, theo chúng tôi, vóc là tính từ; đó là một từ cổ, có nghĩa là thơmngon. Và ăn vóc học hay có nghĩa là ăn ngon học giỏi (cùng một kiểu cấu trúc với ăn ngon mặc đẹp, ăn ngon ngủ yên, v.v.).

TRÌNH ĐỘ CHỮ QUỐC NGỮ CỦA LM. ĐẮC LỘ TỪ NĂM 1625 ĐẾN 1644 (Đỗ Quang Chính - Dũng Lạc)

TRÌNH ĐỘ CHỮ QUỐC NGỮ CỦA LM. ĐẮC LỘ TỪ NĂM 1625 ĐẾN 1644


Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người đã góp nhiều công lao trong việc xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ mới [1] đầu tiên [2], điều đó các nhà trí thức Việt Nam ai ai cũng biết; ngay các học sinh Trung học cũng được hiểu qua sự kiện này. Dựa vào hai cuốn sách trên đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như ngoại quốc, đã đề cao công trình sáng lập chữ quốc ngữ mới của linh mục Đắc Lộ. Tuy những nhà nghiên cứu đó đều biết rằng, linh mục Đắc Lộ chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông, và đã không nêu bằng chứng đích xác của một số người khác vừa giỏi hơn, vừa có công hơn linh mục Đắc Lộ trong việc thành lập chữ viết của Việt Nam hiện nay.
Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày với bạn đọc trình độ chữ quốc ngữ mới của linh mục Đắc Lộ từ 1625-1644, dựa vào chính những tài liệu viết tay của ông, hầu giúp chúng ta nhận định đúng hơn vai trò của ông trong công cuộc sáng tác chữ quốc ngữ mới. Cũng nên xác định rằng, chúng tôi không đứng về phương diện khoa ngữ học để trình bày vấn đề, nhưng là đứng sang phương diện lịch sử. Làm công việc này, chúng tôi chỉ muốn góp phần với các nhà nghiên cứu sử học phơi bày sự thật ra ánh sáng.
Tuy nhiên, trước khi đi vào chính vấn đề, tưởng cần nhắc lại mấy dòng tiểu sử của linh mục Đắc Lộ.
Đắc Lộ tức Alexandre de Rhodes, sinh tại Avignon ngày 15-3-1593 [3] trong một gia đình gốc Do Thái và có quốc tịch Tòa thánh La Mã. Vì muốn đi Đông Á truyền giáo, nên đl đã vào nhà Tập dòng Tên tại La Mã ngày 14-4-1612, tức là gia nhập Tỉnh dòng Tên La Mã, thay vì vào nhà Tập ở Avignon thuộc tỉnh dòng Tên Lyon. Sau khi thụ phong linh mục, đl rời La Mã năm 1618 để đi Lisbõa hầu đáp tàu đi Đông Á. Vì gặp nhiều ngãng trở, nên mãi tới ngày 29-5-1623, linh mục Đắc Lộ mới tới Áo Môn. Ý định của ông là sẽ từ Áo Môn đi Nhật truyền giáo, song không đạt được ý nguyện. Do đó, cấp trên muốn cho ông đi truyền giáo tại Việt Nam. Linh mục Đắc Lộ tới Đàng Trong lần thứ nhất vào cuối năm 1621, đến đầu năm 1627, ông đi Đàng Ngoài. Từ năm 1630-1640, linh mục Đắc Lộ dạy học tại Áo Môn, từ năm 1640-1645 ông lại đến hoạt động ở Đàng Trong. Cuối năm 1645, đl bắt đầu cuộc hành trình trở về Âu Châu, nhưng mãi đến năm 1649 mới về tới Âu Châu. Sau cùng, đl qua đời tại Isfahan (Ba Tư) ngày 5-11-1660. [4]
Sau khi sơ lược tiểu sử của linh mục Đắc Lộ, bây giờ chúng tôi xin đề cập tới trình độ chữ quốc ngữ mới của ông, căn cứ trên những tài liệu viết tay của ông mà chúng tôi tìm được tại các Văn khố ở La Mã, Madrid v.v…
I. THƯ CỦA ĐẮC LỘ VIẾT NĂM 1625
Chúng ta biết linh mục Đắc Lộ tới Đàng Trong lần thứ nhất vào tháng 12-1624. Từ đó đến tháng 7-1626, đl cùng sống với mấy linh mục bạn tại Thanh Chiêm cũng gọi là Kẻ Chàm ở phía tây Hội An ngày nay [5]. Tại đây đl được linh mục Bề trên của ông là Francisco de Pina [6], người Bồ Đào Nha, dạy tiếng Việt và cũng được một em nhỏ 13 tuổi giúp ông học thêm. Sau này em nhỏ đó mang tên là Raphael Rhodes, để tỏ lòng yêu kính linh mục Đắc Lộ. [7]
Sau khi linh mục Đắc Lộ bị chúa Trịnh trục xuất hoàn toàn khỏi Đàng Ngoài vào tháng 5-1630, ông trở về Ao Môn dạy thầy học tại học viện “Madre de Deus” (Mẹ Đức Chúa Trời) của dòng Tên. Ngày 16-1-1631, Đắc Lộ viết một thư dài bằng chữ Bồ Đào Nha, gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas ở Lisbõa [19]. Thư dài trên ba trang rưỡi, viết đầy chi chít trong khổ 20cm*30cm. Nội dung bức thư trình bày hoạt động truyền giáo của linh mục Nhật Pedro Marques và nhất là của ông trong ba năm trời ở Đàng Ngoài (3-1627 đến 5-1630). Bức thư dàai như vậy, chỉ thấy một danh từ Việt là Thinhuã (Thanh Hóa) được ghi trong thư.[20]
Bản văn này Đắc Lộ soạn bằng La ngữ. Tác giả không ghi rõ niên hiệu cũng như nơi soạn thảo, tuy nhiên nội dung cho ta biết được là viết vào khoảng tháng 5-1631, lúc ông đã rời Đàng Ngoài về Ao Môn được một năm. Tài liệu viết tay này hiện lưu trữ tại Văn khố của Real Academia de la Historia de Madrid [21], khác với mấy tài liệu trên được giữ tại Archivum Romanum Societatis Iesu. Tài liệu thuật lại việc từ lúc Đắc Lộ đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19-3-1627 tới lúc linh mục Antonio F.Cardim đến Thăng Long ngày 15-3-1631. Tài liệu dài hai trang rưỡi, viết nhỏ li ti trong khổ 16cm*23cm. Bản văn này cũng chỉ có mấy chữ Việt sau đây: [22]
Cũng may chúng tôi còn tìm được một tài liệu viết tay rất dài của Đắc Lộ, tức là bản thảo cuốn Tunchinensis Historiae libri duo mà phần lớn đã được Đắc Lộ soạn vào năm 1636. Chính bản viết tay quý giá này còn giữ tại Văn khố dòng Tên La Mã [25], sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn trình độ chữ quốc ngữ mới của Đắc Lộ.
Sau đây chúng tôi tìm được một tài liệu khác cũng do linh mục Đắc Lộ sau khi Anrê Phú Yên tử đạo ngày 26-7-1644 tại Thanh Chiêm mà chính linh mục Đắc Lộ được chứng kiến. Tác giả viết bằng chữ Bồ Đào Nha, thuật lại cuộc tử đạo của Anrê với nhan đề: Relação do glorioso Martirio de Andre Catheauista Protomartir de Cochinchina alanceado, e degolado em Cachão nos 26 de Julho de 1644 tendo de Idade dezanove annos [28](Tường thuật cuộc tử đạo vinh hiển của thầy giảng Anrê, vị tử đạo tiên khởi ở Đàng Trong đã bị đâm chém tại Kẻ Chàm ngày 26-7-1644, tử đạo lúc 19 tuổi).
Chú thích
[1] Khi dùng danh từ chữ quốc ngữ mới, chúng tôi muốn phân biệt với chữ Nôm là chữ viết của Việt Nam đã xuất hiện trước

Ngày 16-6-1625, linh mục Đắc Lộ viết một bức thư bằng chữ Bồ Đào Nha gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas, Phụ tá tổng quản dòng Tên vùng Bồ Đào Nha [8], trình bày việc ông từ Ao Môn đến Đàng Trong, về sự tiến triển cuộc truyền giáo ở đây, về việc ông học tiếng Việt, về vấn đề mở cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài và ông xin được thực hiện công việc này. Bức thư dài trên hai trang giấy, viết trong khổ 15cm50*23cm. Trong thư, tác giả phiên âm hai chữ Hải Nam và Đông Kinh là Ainão và Tunquim, ngoài ra không còn chữ nào có dáng vẻ là chữ quốc ngữ mới như hai chữ trên đây. Nên nhớ rằng vào tháng 6-1625, Đắc Lộ đã tạm nói được tiếng Việt. [9]
Nếu đem so sánh bức thư trên đây với các phúc trình của các linh mục khác như Gaspar Luis, Antonio de Fontes v.v… về tình hình truyền giáo ở Đàng Trong cùng thời gian đó, ta thấy những linh mục này đã ghi một số danh từ địa dư Việt Nam.
Trong phúc trình của G.Luis người Bồ Đào Nha viết tại Nước Mặn ngày 1-1-1626 bằng La ngữ, gửi cho linh mục Tổng quản dòng Tên Mutio Vitelleschi ở La Mã, chúng ta có thể kể mấy danh từ trong nhiều danh từ khác:
Dinh Cham, Cacham: Dinh Chàm, Kẻ Chàm, “Residentia Dinh Cham vulgô Cacham” (Cư sở Dinh Chàm bình dân gọi là Ca Chàm Kẻ Chàm).[10]
Nuocman, Quanghia, Quinhin: Nước Mặn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn.[11]
Bôdê: Bồ Đề.[12]
Unghe chieu: Ông Nghè Chiêu, “Alius hoc anno mandarinus ad Ecclesiam ascriptus est, patrio nomine Unghe chieu, christiano Ignatius” (Năm nay một viên quan tên là Ông Nghè Chiêu đã gia nhập Giáo hội có tên thánh là Y Nhã) [13].
Tiếp đến một phúc trình bằng chữ Bồ Đào Nha do linh mục Antonio de Fontes viết tại Hải Phố ngày 1-1-1626, mà người nhận thư cũng là linh mục M.Vitelleschi. Chúng ta thử trích ra mấy chữ Việt trong tài liệu này:
Dĩgcham: Dinh Chàm.[14]
Sinua: Xứ Hóa (Thuận Hóa), “No principio de Janro foi o Pe Visitor a corte de Smua visitar a Rei” (Đầu tháng giêng, cha Giám sát. G.de Mattos đến chầu vua chúa Sãi ở thủ đô Thuận Hóa). [15]
Bendá: Bến Đá (xã)[16]
Onghe Chiêu: Ông Nghè Chiêu [17]
Nhít la Khấu, Khấu la nhít: Nhất là không, không là nhất. [18]
Qua hai tài liệu viết tay trên đây, xem ra hai tác giả đã chú ý đến việc ghi tiếng Việt sang mẫu tự abc, khác với thái độ có vẻ “hững hờ” của linh mục Đắc Lộ trong thư 1625. Thực ra, bởi vì bức thư của ông vắn, hơn nữa ông mới tới Việt Nam được sáu tháng, còn hai linh mục kia đã ở đây được một năm, tính đến ngày các ông viết mấy phúc trình trên.
II. THƯ CỦA ĐẮC LỘ VIẾT THÁNG 1-1631
III. TÀI LIỆU CỦA ĐẮC LỘ VIẾT THÁNG 5-1631
Sinoa :Xứ Hóa (Thanh Hóa)
Anná: An Nam
Sai: Sãi
Miá: Mía (?) “Miá domũ vocabant” (Họ gọi là nhà mía). Về chữ miá chúng tôi không rõ bây giờ phải viết thế nào? Chỉ biết rằng, theo văn mạch thì hiểu được chữ đó có nghĩa là nhà tạm trú.[23]
Ngoài ra hai chữ Bố Chính và Nghệ An cũng được viết ở đây, nhưng tác giả đã biến nó sang La ngữ: Bochinũ, Gueanũ.[24]
Tất cả ba tài liệu viết tay trên đây của linh mục Đắc Lộ đều có quá ít chữ quốc ngữ mới. Vậy nếu chỉ dựa vào mấy lá thư đó để nhận xét sự tiến triển và trình độ chữ quốc ngữ mới nơi ông, thì khó mà có được một nhận định chính xác, vì thế cần phải tìm thêm tài liệu khác.
IV. TÀI LIỆU CỦA ĐẮC LỘ VIẾT NĂM 1636
Chúng tôi biết rằng, 10 năm trời linh mục Đắc Lộ bị cầm chân ở Áo Môn thật là đau khổ đối với ông, vì ông muốn trở lại Đàng Ngoài hoạt động như trước; hay ít ra cũng được trở lại Đàng Trong, nhưng không được Bề trên chấp thuận. Sở dĩ ông phải vắng mặt ở Việt Nam từ 1630-1640, là vì một số tu sĩ ở Áo Môn không đồng ý với Đắc Lộ về ít nhiều thích nghi của ông ở Việt Nam, ví dụ: vấn đề danh từ Kitô giáo, vấn đề lập “Dòng tu” thầy giảng, việc thích nghi tập tục Việt Nam vào phụng vụ v.v… Dầu không hy vọng được trở lại Đàng Ngoài hoạt động, nhưng nhà truyền giáo của chúng ta vẫn luôn luôn muốn hiến đời sống mình cho Giáo hội Đàng Ngoài. Để tỏ lòng tha thiết với Đàng Ngoài, Đắc Lộ đã soạn thảo bản tài liệu quý giá này sau đó được xuất bản tại La Mã năm 1650 và tại Lyon năm 1651, 1652 bằng ba thứ tiếng Ý, Pháp và La ngữ.[26]
Nhờ có niên hiệu ghi trên bản thảo, chúng ta biết được linh mục Đắc Lộ đã soạn tập này vào năm 1636. Nhưng cuối bản thảo còn có mấy chương viết về tình hình truyền giáo ở Đàng Ngoài đến năm 1646; do đấy, có thể hiểu được rằng, sau năm 1646, Đắc Lộ đã viết thêm mấy chương đó và nơi soạn thảo mấy chương này có lẽ là sau khi tác giả đã về tới La Mã (27-6-1649).
Đây là bản thảo bằng La ngữ gồm 62 tờ, mỗi tờ viết trên hai mặt, tức 124 trang, phần có chữ rộng 14cm*24cm, mỗi trang trung bình gồm 43 dòng chữ viết nhỏ li ti và dầy đặc. Bản thảo chia ra 2 quyển: Quyển I: Thuật lại lịch sử tổng quát của Đàng Ngoài về phương diện địa dư, chính trị, hành chính, kinh tế, tiền tệ, thuế má, tôn giáo, văn học, phong tục v.v… Quyển II: Lịch sử truyền bá Tin Mừng ở Đàng Ngoài từ 1627-1646.
Trong bản viết tay này, lối viết các chữ Việt Nam (chữ quốc ngữ mới) cũng giống trong cuốn Tunchinensis Historiao libri duo được xuất bản năm 1652, mặc dầu đôi chỗ có khác, vì lý do nhà in không có đủ dấu, hoặc hai chữ ghép làm một, hoặc in sai.
Ví dụ: Bản thảo Bản in
cu hồn : cu hon
dạu : dau
vũ : vu
Che bich : Chebich
Tin phan : Timphan
Thinh hoa : Thin hoa
Sau đây chúng tôi xin ghi lại nhiều chữ quốc ngữ mới trong bản thảo của linh mục Đắc Lộ: [27]
Chúa oũ: Chúa ông. Chúa bàng: Chúa bằng (Trịnh Tráng). Min: Minh, Thuam: Thuận, thanh do vuan: Thanh đô vương, gna huyen: nhà huyện, Sin do: Sinh đồ, huan com: hương cống, dau thich: đạo Thích, Thicca: Thích Ca, Tin phan: Tịnh Phàn, Lautu: Lão tử, Giô: giỗ, cu hồn: cô hôn, ba hôn: ba hồn, bai via: bảy vía, cua bang: Cửa Bạng, dang: đàng, Ciua Sai: Chúa Sãi, Thinh hoa: Thanh Hóa, thai: thầy, Che Bích: Kẻ Vích, Che no: Kẻ nộ, Ghe an: Nghệ An, Bochin: Bố Chính, cà: cà, cã: cả, cá: cá, tiẽ: trẻ, tle: tre.
Tài liệu này tuy dài như thế và bàn về rất nhiều vấn đề của Đàng Ngoài, nhưng tiếc rằng tác giả đã ghi quá ít những chữ quốc ngữ mới, hơn nữa lối ghi còn luộm thuộm.
V. TÀI LIỆU CỦA ĐẮC LỘ VIẾT NĂM 1644
Linh mục Đắc Lộ viết bài này tại Thanh Chiêm ngày 1-8-1644. Tài liệu gồm 16 trang viết chưa thưa trong khổ 11cm*21cm, mỗi trang trung bình có 16 dòng chữ viết, nhưng chỉ có mấy chữ quốc ngữ sau đây:
Oũngoebo: Ông Nghè Bộ[29]
Giũ nghĩa cũ đ Chúa Jesu cho đen het hoy, cho đen blon đoy: giữ nghĩa cùng Đức Chúa Jêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.[30]
Tài liệu này vừa vắn, vừa có ít chữ quốc ngữ mới nên khó mà so sánh được với bản văn năm 1636 để thấy mức độ tiến triển của tác giả. Tuy nhiên, chúng tôi xin đưa ra một nhận xét sau đây có tính cách tổng quát là, vào năm 1644, linh mục Đắc Lộ đã viết chữ quốc ngữ mới khá hơn 8 năm trước, vì từ năm 1640 ông trở lại truyền giáo ở Đàng Trong, nên có dịp thực hành hằng ngày; ngoài ra, nếu cứ nhìn vào câu “giũ nghĩa cũ đ Chúa Jesu…” cũng thấy được phần nào mức tiến của tác giả.
Sau khi dựa vào các tài liệu viết tay của linh mục Đắc Lộ từ năm 1625-1644, nhất là nếu chỉ hạn định đến năm 1636, chúng ta biết được trong thời gian trên, ông ghi chữ quốc ngữ mới khác nhiều với hai cuốn sách của ông được ấn hành năm 1651. Nếu chỉ căn cứ vào hai cuốn sách trên đây, người ta sẽ lầm linh mục Đắc Lộ là người có công nhiều nhất trong việc sáng tác chữ quốc ngữ mới. Nhưng nhờ vào những tài liệu viết tay của Đắc Lộ, chúng ta đoán được trình độ chữ quốc ngữ mới của ông. Hơn nữa, nếu đem so sánh với linh mục Gaspar d’Amaral, vào năm 1632, chắc chắn linh mục này giỏi hơn Đắc Lộ nhiều.[31]

o0o


[2] A.De Rhodes, Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum, Rome 1651 – A.De Rhodes, Cathechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum, in Octo dies divisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà beao đạo thánh đức Chúa blời, Roma, 1651.
[3] Primeiro Cataloço das Informações commuas das Pes e Irmãos da Provincia de Japão feilo em dezembro de 1623, trong Archivum Romanum Socielatis Jesu, Jap-Sin 25 (viết tắt: ARSL, JS f.130v)
[4] Thư của linh mục Aimé Chézaud viết ngày 11-11-1660 tại Isfahan, báo tin buồn linh mục Đắc Lộ vừa qua đời (Archives des Jésuites de la Provinces de Paris, Fonds, Rybeyrète, số 29)
[5] “Ao presente temos ja tres residencias, as duas estavão formadas (Hải Phố, Nước Mặn_; a 3a eu agora na Corte do principe (Thanh Chiêm) onde ficão tre Pes dassento o Pe F.de Pina que sabe muito bem a lingua por superior, e mestre, e os Pes A.de Rhodes e A.de Fontes par subditos, e discipulos” (Thư của linh mục G.de Mattos viết tại Đàng Trong ngày 5-7-1625, gửi linh mục Tổng quản dòng Tên ở La Mã, trong ARSL, JS, 68, f.17).
[6] F. De Pina (1585-1625) là linh mục dòng Tên ở Việt Nam đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Ông chết đuối ở hải phận Quảng Nam ngày 15-12-1625 (A.de Fontes, Annua de Missam de Annam, viết tại Hải Phố ngày 1-1-1626, ARSL, JS 72, f.79r).
[7] Tên Việt Nam của em nhỏ là gì lịch sử không ghi lại. Em nhỏ này về sau theo linh mục J.M.de Leria (1597-1665) đi truyền giáo tại Lào quốc và đã tới Vạn Tượng ngày 15-7-1612. Khi Leria bỏ Lào vào năm 1647, thì Raphael Rhodes ra Đàng Ngoài buôn bán, trở thành người giàu có, và hầu như trở thành người trung gian giữa nhà cầm quyền Đàng Ngoài với các thương gia Bồ Đào Nha và Hòa Lan.
[8] ARSL, JS, 68, f.13rv
[9] A.De Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653 tr.72.
[10] Gaspar Luis, Cocincine Missionis annuae Litterae, anni 1625, ARSL, JS 71 f.61r.
[11] Ibid, f 64v-65r
[12] Ibid, f 66r
[13] Ibid, f 67r
[14] Antonio de Fontes, Annua da Missam de Annam, a que vulgarmente chamão Cochinchia, ARSL, JS 72, f. 69r, 74v, 76r
[15] Ibid, f. 70r
[16] Ibid, f. 80v
[17] Ibid, f. 81v
[18] Ibid, f. 85r
[19] ARSL, JS, 80 f. 15r-16
[20] Ibid, f. 15r
[21] A.De Rhodes, Initium Missionis Tunquinensis a 1627, trong Real Academia de la Historia de Madrid, Jesuitas, Legajo 21, Fasc.6, f.702-703v
[22] Ibid, f. 702r
[23] Ibid, f. 702v
[24] Ibid, f. 702v
[25] ARSL, JS 83 ct 84, f.1-63v
[26] A.De Rhodes, Relazione de felici successi della Santa Fede Predicata da Padri della Compagnia di Giesu nel regno di Tunchino, Roma, 1650 – A. De Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin et des grands progrez que la predication de l’Evangile y a faits en la conversion des Infidelles, Lyon 1651 – A.De Rhodes, Tunchinensis Historiae libri duo, quorum altero status temporalis hujus Regni, altero mirabiles evangelicae praedicationis progressus referuntur, Lyon 1652.
[27] ARSL, JS, 83 et 84, f 1r, 2r, 6v, 7rv, 8r, 12r, 13rv, 16v, 18rv, 23v, 24r, 25v, 26r, 30v, 40v, 41rv, 62rv,
[28] Real Acedemia de la Historia de Madrid, Jesuitas, Legejo 21 bis, Fasc.17, f 228-234v.
[29] Ibid, f. 228r, 229, 230r.
[30] Ibid, f. 231v
[31] Căn cứ vào tập tài liệu viết tay của G.d’Amaral soạn ngày 31-12-1632 tại Thăng Long.
Tác giả: Đỗ Quang Chính, sj.

Tuesday 11 September 2012

Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: những từ đã đi vào quá khứ (Nguyễn Ngọc Chính)

Nguồn: http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/97/97



Ngôn ngữ là phương tiện trao đổi ý tưởng – suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày nên cũng phải thay đổi theo cách sống và lối sống của từng thời kỳ. Sự kiện tháng 4/1975 là một cột mốc thay đổi lớn nhất trong đời sống văn hóa, chính trị và xã hội của người miền Nam, kéo theo sự mai một của một số từ ngữ vốn đã dùng quen hàng ngày.

Thay đổi sâu rộng nhất là cả một hệ thống chính trị tại miền Nam cho nên những từ ngữ có liên quan đến ý thức hệ cũ dần dần đã đi vào quá khứ. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Bài viết này có mục đích ghi lại những từ ngữ đã một thời phổ biến trong xã hội miền Nam để những thế hệ kế tiếp có thể hiểu được những gì cha ông đã thường nói trong cuộc sống hàng ngày.

Chiêu hồi là một trong những từ ngữ của Sài Gòn xưa và sẽ dần dần đi vào quên lãng. Đây là một chương trình do chính phủ Việt Nam Cộng hòa đề ra để khuyến khích các thành phần vũ trang của Mặt trận Giải phóng miềnNam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buông súng quay về với phe chính phủ. Vận động tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức: truyền đơn thả từ máy bay hoặc qua những chương trình phát thanh và đài phát thanh [1].

Giấy thông hành

Chính phủ VNCH cho in và phổ biến Giấy thông hành nhằm mục đích giúp các cán binh, du kích trở về với quốc gia. Phần trên của Giấy thông hành có cờ VNCH và cờ của các quốc gia tham chiến gồm Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Thái Lan, Đại Hàn, Tân Tây Lan và Phi Luật Tân. Giấy thông hành được viết bằng 4 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đại Hàn và tiếng Thái. Phần dưới có nội dung như sau:

“MANG TẤM GIẤY THÔNG HÀNH nầy về cộng tác với Chánh Phủ Quốc Gia các bạn sẽ được:
  • Đón tiếp tử tế
  • Bảo đảm an ninh
  • Đãi ngộ tương xứng
(Ký tên)
Nguyễn Văn Thiệu
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa

Bản nhạc Ngày Về của Hoàng Giác được dùng làm nhạc hiệu cho các chương trình phát thanh Chiêu hồi (Nghe Ngày Về qua giọng ca của Anh Ngọc trên http://www.youtube.com/watch?v=rNKpu3IEW2c):

"Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh…”

Điều khá lý thú là Hoàng Giác (sinh năm 1924) vốn là nhạc sĩ theo kháng chiến chống Pháp và đã từng là đội viên tuyên truyền trong chiến khu Việt Bắc. Năm 1947, Hoàng Giác viết Ngày về, theo ông, đó là ca khúc ưng ý nhất. Năm 1948 Hoàng Giác “dinh tê” trở về Hà Nội, hoạt động nghệ thuật như một nhạc sĩ và cũng là một ca sĩ được Hà thành hâm mộ.

Cũng giống như một số nhạc sĩ cùng thời, Hoàng Giác sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc, trong số đó có những bài hát nổi tiếng, vượt thời gian như Mơ hoaNgày vềHương lúa đồng quê. Ông hiện sống ở Hà Nội và có người con trai là nhà thơ khá nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm.

Báo Công an Nhân dân trong bài viết “Nhạc sĩ Hoàng Giác: Mãi giấc mơ hoa” có đoạn đề cập đến bản nhạc Ngày về: “Sau khi được một số ca sĩ hát ở ngoài Bắc, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, rất ngẫu nhiên, giai điệu của "Ngày về" được chính phủ Việt Nam Cộng hòa chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu hồi. Vì tình huống nhạy cảm này mà mãi đến sau 1975, bài "Ngày về" mới được hát trở lại ở ngoài Bắc với nhiều giọng ca nổi tiếng như tài tử Ngọc Bảo, Cao Minh, Lê Dung, Ngọc Tân…”

Nhạc sĩ Hoàng Giác

Những cán binh trở về với Chính phủ VNCH được gọi là người hồi chánhhay hồi chánh viên. Trong số những người hồi chánh có ca sĩ Bùi Thiện và Đoàn Chính (con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), nhà văn Xuân Vũ (tác giả hồi ký Đường Đi Không Đến  và Vượt Trường Sơn, đã qua đời tại Texas năm 2002), Trung Tá Lê Xuân Chuyên (bị tử hình vào ngày 30/4/1975), Trung tá Tám Hà, Trung tá Phan văn Xưởng, Trung tá Huỳnh Cự…

Hồi chánh viên (từ trái qua phải): Trung Tá Phạm Viết Dũng,
Trung đoàn phó Phạm Văn Xướng, Trung Tá Tám Hà

Chiêu hồi ngoài ý nghĩa chính trị còn được dùng như động từ để chiêu dụai đó, chẳng hạn như: “Hắn đã ‘chiêu hồi’ được một tay chọc trời khuấy nước về làm việc dưới trướng”. Gần đây, trênhttp://nguoivietblog.com/hagiang/?p=497, tác giả Tam Thanh có một bài viết với tiêu đề “Chiêu hồi” ngôn ngữ, bàn về cách dùng khác nhau và ý nghĩa đúng-sai của những từ ngữ xuất xứ từ miền Nam và miền Bắc.

Trần Trung Đạo trong bài “Mặc cảm chiêu hồi và khát vọng tự do” viết: “Tôi có mặc cảm rằng ra Hà Nội là đầu hàng, ra Hà Nội là chấp nhận chế độ, là một hình thức chiêu hồi. Tôi ở lại Việt Nam thêm 6 năm nhưng nhất định không đi thăm miền Bắc, dù có nhiều cơ hội…” (http://www.trantrungdao.com/?p=262).

Thuật ngữ “chém vè” cũng là một từ ngữ chính trị được sử dụng tại miềnNamChém vè nguyên thủy có ý nghĩa ẩn mình dưới nước hoặc những nơi lùm bụi rậm rạp gần bờ nước để trốn tránh. Theo một số người, “chém vè” xuất phát từ con ba ba (cua đinh) với hai càng rất khỏe còn gọi là . Hễ nghe tiếng động, hai  của nó chém mạnh rồi chui vào bùn để trốn.

Đối với chính quyền VNCH, thuật ngữ “chém vè” chỉ tình trạng các cán binh “giã từ vũ khí” để chuẩn bị “hồi chánh”. Xem ra, cũng chỉ một từ ngữ nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau tùy theo chính kiến. Đó cũng là điều dễ hiểu ở một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh về ý thức hệ.

Chuyện cười của Bác Ba Phi trong Rùa U Minh viết: “Hai bác cháu tui chạy một mạch qua tới Lung Bùn, chém vè cho tới chiều. Về chưa tới nhà thì thằng Ba Lùn chặn lại rủ vô nhà nhậu thịt rùa rang muối. Nó bảo là hồi trưa nó đốt giang sậy ven Lung Tràm, bắt được vài chục con rùa. Nghe nói mà tui tiếc hùi hụi. Hồi trưa thấy bầy rùa bò đó mà tưởng đâu xe lội nước [thiết vận xa M113, chú thích của NNC], bỏ chạy trốn. Thiệt tức!”. Chém vè ở đây chỉ thuần túy là ẩn núp.

Theo hồi ký “Chém vè giữa làng báo Sài Gòn” của nhà văn Nguyên Hùng [2], thuật ngữ “chém vè” trong trường hợp này chỉ việc những cán bộ Cộng sản, sau hiệp định Genève 1954, được đưa về Sài Gòn để “trường kỳ mai phục”, hoạt động trong lòng địch hay còn gọi là “nằm vùng”.

Nằm vùng” quả là một từ vừa gợi hình lại gợi ý. Đối với chính quyền VNCH, nằm vùng là một từ có ý miệt thị chỉ những người sinh sống tại miền Nam hoạt động bí mật cho Cộng sản, tương tự như cụm từ người ta thường nói: “Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”. Mãi đến sau năm 1975, những nhân vật nằm vùng mới dần dần lộ diện.

Theo cuốn Decent Interval của Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, có đến hàng chục ngàn cán bộ Cộng sản “nằm vùng” tại miền Nam trong cuộc chiến vừa qua. Họ có thể là một người lái taxi, đạp cyclo… hằng ngày vẫn theo đuổi công việc của mình nhưng sau 30/4/1975 họ lại là những cán bộ trong Ủy ban Quân quản giữ nhiệm vụ điều hành một thành phố Sài Gòn còn đang trong thời kỳ hỗn mang.

Ở một mức độ cao hơn, cán bộ “nằm vùng” nằm ngay trong guồng máy chính phủ Sài Gòn, nổi bật nhất là nhân vật tình báo bí ẩn Phạm Ngọc Thảo [3]. Điều bất ngờ là Thảo mang cấp bậc Đại tá của Quân lực VNCH tại miền Nam trong khi chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn không biết ông còn là Đại tá trong Quân đội Nhân dân ở miền Bắc.

Biết Phạm Ngọc Thảo từng là chỉ huy du kích Việt Minh, đầu năm 1961 Ngô Đình Nhu đã quyết định cử ông làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (tức Bến Tre) để trắc nghiệm Chương trình Bình định. Từ khi Phạm Ngọc Thảo nhậm chức, tình hình an ninh tại vùng này trở nên rất yên ổn, không còn bị phục kích hay phá hoại nữa. Tuy nhiên, do có nhiều tố cáo nghi ngờ ông là “cán bộ cộng sản nằm vùng”, ông thôi giữ chức Tỉnh trưởng và được cử sang Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu.

Tháng 9/1963 Bác sĩ Trần Kim Tuyến nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị (thực chất là cơ quan mật vụ) và Phạm Ngọc Thảo âm mưu một cuộc đảo chính. Phạm Ngọc Thảo đã kêu gọi được một số đơn vị như Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Biệt động quân, Bảo an... sẵn sàng tham gia. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1/11/1963, Phạm Ngọc Thảo được lên chức đại tá, làm tùy viên báo chí trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

Sau đó, Phạm Ngọc Thảo phải rút vào hoạt động bí mật vì ngày càng nhiều nghi vấn ông là “Việt Cộng mằm vùng”. Phạm Ngọc Thảo bị chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình và treo giải 3 triệu đồng cho ai bắt được. Cuối cùng, Phạm Ngọc Thảo bị Cục an ninh quân đội (Số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm) bắt giữ và bị thủ tiêu ngày 17/7/1965 khi mới 43 tuổi. 

Những năm hoạt động “nằm vùng” của Phạm Ngọc Thảo cho chính quyền miền Bắc được ngụy trang rất kỹ và rất ít người ở miền Nam biết ông là một nhà tình báo. Ngay cả sau 30/4/1975, nấm mộ ông vẫn chỉ là nấm mồ vô danh vì ông hoạt động “đơn tuyến”. Mãi sau này, một số đồng đội đã sưu tầm tài liệu về ông và đề nghị Nhà nước truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân... Năm 1987, nhà cầm quyền truy tặng ông danh hiệu liệt sỹ với quân hàm đại tá và mộ của ông được đưa về nghĩa trang thành phố, trên đồi Lạc Cảnh (huyện Thủ Đức).

Phạm Ngọc Thảo được coi là một trong 4 tình báo viên xuất sắc nhất của Chính phủ miền Bắc (3 người kia là Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy). Đối với Chính phủ miền Nam, cả 4 người này đều là “Việt Cộng Nằm Vùng”, không hơn không kém!

Tiểu thuyết Ván Bài Lật Ngửa của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) được mở đầu bằng câu: “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”. Nhân vật chính trong truyện, Nguyễn Thành Luân, chính là hình ảnh của Phạm Ngọc Thảo, bí danh Chín T. hay Chín Thảo.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo dưới sắc áo Quốc gia

Nhân vật “nằm vùng” thứ hai là Phạm Xuân Ẩn [4] là một thiếu tướng tình báo của Hà Nội với biệt danh Trần Văn Trung hay Hai Trung. Trong suốt thời gian chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn dưới vỏ bọc ký giả làm việc tại Việt tấn xã, cộng tác với hãng thông tấn Reuters và có nhiều bài viết trên tạp chí TimeNew York Herald TribuneThe Christian Science Monitor...

Theo một tài liệu được công bố, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về Hà Nội 498 báo cáo bao gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp, các thông tin thu lượm cùng phân tích và nhận định của Ẩn về VNCH và Hoa Kỳ. Là người đã từng được đào tạo về ngành báo chí tại Mỹ, Phạm Xuân Ẩn là nhân vật được chèo kéo bởi nhiều cơ quan tình báo miền Nam cũng như miền Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, kể cả CIA.

Ngày Sài Gòn đổi chủ, vợ con Phạm Xuân Ẩn đã rời Việt Nam theo chiến dịch di tản của người Mỹ và theo kế hoạch của miền Bắc, ông sẽ được gửi sang Mỹ để tiếp tục hoạt động tình báo. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, Phạm Xuân Ẩn đã đề nghị cấp trên cho ngưng công tác vì lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Kế hoạch thay đổi, vợ con ông đã phải mất một năm để quay lại Việt Nam theo đường vòng: Paris - Moscow - Hà Nội - Sài Gòn.

Như cái tên “định mệnh” mà ông mang, cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn lúc “ẩn”, lúc “hiện” và cũng có lúc “lên voi”, lúc “xuống chó”. Năm 1997, chính phủ Việt Nam từ chối không cho phép Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để dự một hội nghị ở New York mà ông được mời với tư cách khách đặc biệt. Trong những năm cuối đời, có vẻ như Phạm Xuân Ẩn cảm thấy thất vọng với những gì ông chứng kiến tại Việt Nam sau cuộc chiến. Ông tiết lộ với Thomas A. Bass, tác giả cuốn The Spy Who Loved Us: “Dân chúng tại đây [Việt Nam] không được viết tự do. Đó là vì sao tôi không viết hồi ký”.

Năm 1978 Phạm Xuân Ẩn ra Hà Nội học tập chính trị dành cho cán bộ cao cấp trong 10 tháng. Sự kiện này được xem như một hình thức “cải tạo” và ông giải thích vì lý do đã “sống quá lâu trong lòng địch”. Có người cho rằng ông bị nghi kị và bị quản chế tại gia, không được xuất ngoại, bị cấm tiếp xúc với bên ngoài, đặc biệt với giới báo chí ngoại quốc do cách suy nghĩ, cư xử… “rất Mỹ”.

Ông đã từng giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến rời khỏi Việt Nam vào ngày 30/4/1975 (Bác sĩ Tuyến là “xếp” cũ của Phạm Xuân Ẩn năm 1959. Cơ quan mật vụ của BS Tuyến biệt phái ông sang làm việc tại Việt tấn xã, phụ trách bộ phận các phóng viên ngoại quốc làm việc trong cơ quan này). 

Phạm Xuân Ẩn và các con

Vũ Ngọc Nhạ [5], Thiếu tướng tình báo của Hà Nội cũng là một trường hợp “nằm vùng” ngay trong đầu não của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam, kéo dài từ năm 1954 đến ngày Sài Gòn sụp đổ. Miền Bắc ca tụng ông là “điệp viên siêu hạng” với những “điệp vụ bất khả thi” trong “vụ án chính trị lớn nhất thời đại”.

Với vỏ bọc của một “con chiên ngoan đạo” đã từng sát cánh với Giám mục Lê Hữu Từ và Linh mục Hoàng Quỳnh, Phạm Ngọc Thảo trở thành một người tâm phúc, thường xuyên bàn bạc những vấn đề cơ mật với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thời Đệ nhất Cộng hòa có “bốn con rồng”:Bạch Long (Ngô Đình Diệm), Hồng Long (Ngô Đình Thục), Thanh Long(Ngô Đình Nhu) và Hắc Long (Ngô Đình Cẩn). Cố vấn Ngô Đình Nhu đã gọi Vũ Ngọc Nhạ là Hoàng Long để trở thành con rồng thứ năm trong Ngũ Long của Đệ nhất Cộng hòa.

Cuối năm 1965, do sự chạy đua quyền lực quyết liệt trong nhóm tướng trẻ, tướng Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng Vũ Ngọc Nhạ trong vai trò liên lạc viên với Công giáo, qua sự giới thiệu của Linh mục Hoàng Quỳnh, nhằm tìm chỗ dựa chính trị. Là một điệp viên, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo sử dụng vai trò này để tạo dựng các mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến giới chính trị gia cả trong dân sự lẫn quân sự.

Một lần nữa, Vũ Ngọc Nhạ trở thành “Ông Cố Vấn” sau khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống năm 1967. Đây cũng là thời điểm mạng lưới tình báo A.22 (vốn là mật danh riêng của Nhạ) được hình thành và phát triển.Thành công ngoạn mục nhất của cụm tình báo A22 là thu hút được Huỳnh Văn Trọng, một phụ tá của Tổng thống Thiệu.

Tháng 8/1968, tướng Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Chính những thông tin này đã góp một phần cho Hà Nội trước khi ngồi vào bàn đàm phán tại Paris với Mỹ.

Vũ Ngọc Nhạ và “vụ án chính trị lớn nhất thời đại

Ở trường Sinh ngữ Quân đội, một đơn vị tương đối nhỏ trong quân lực VNCH, cũng đã có vài trường hợp “nằm vùng”. Nổi bật nhất có Đại úy TVQ và Thiếu úy NCD. Đại úy Q. là người từ đơn vị chuyển về trường SNQĐ khi nhu cầu huấn luyện Anh văn cho quân đội tăng cao do chương trình Việt Nam hóa chiến tranh nhằm đào tạo quân nhân các binh chủng Hải-Lục-Không quân VNCH đi học chuyên môn tại Hoa Kỳ để về nước đảm nhận công việc của quân đội Mỹ.

Sự gia tăng bất ngờ về số khóa sinh tại trường SNQĐ khiến nhà trường phải tuyển thêm quân nhân có khả năng tiếng Anh từ các đơn vị về để đào tạo thành giảng viên. Đại úy Q. thuộc thành phần bổ xung đó. Q. về trường khi đã đeo lon Đại úy từ một đơn vị chiến tranh chính trị. Anh là một sĩ quan hiền lành, ít nói nhưng sau ngày 30/4/75 bạn bè cũ mới “bật ngửa” khi biết anh thuộc hàng ngũ… bên kia chiến tuyến.

Sau thời gian cải tạo tôi trở về Sài Gòn gặp lại Q. khi đó là nhân viên hành chánh của trường Đại học Kinh tế. Tôi tiếp xúc với anh một cách dè dặt trong một vài buổi họp mặt các anh em giảng viên cũ. Sau đó Q. biến mất khỏi các cuộc gặp gỡ, có lẽ vì không chịu nổi những xầm xì, bàn tán về vai trò “nằm vùng” của mình.

Trường hợp “nằm vùng” thứ hai ở trường SNQĐ là Thiếu úy NCD, một người được tuyển thẳng từ Thủ Đức về trường. Cũng như Đại úy Q., Thiếu úy D. là người ít nói và hầu như rất ít giảng viên trong trường để ý đến người thanh niên “trầm lặng” này. Có một số anh em giảng viên nói chính Thiếu úy NCD đã “tiếp quản” trường SNQĐ những ngày đầu tháng 5/75.

Sau này hành tung của viên thiếu úy “nằm vùng” được sáng tỏ: anh của NCD là một cán bộ cao cấp. Được coi là một trí thức Marx-Lenin, Viện sĩ NCT (Sáu Quang), anh ruột NCD, là nguyên Bí thư Thành Đoàn giai đoạn 1977 - 1981, Trưởng Ban quản lý Khu Chế Xuất – Khu Công Nghiệp đầu tiên của thành phố, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và hiện là Viện phó Viện khoa học công nghệ Phương Nam (thuộc Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam). Có người anh như vậy nên thiếu úy NCD không “nằm vùng” mới là chuyện lạ!

Với những câu chuyện “nằm vùng” điển hình ở mọi cấp chính quyền miền Nam kể trên, quân đội miền Bắc ngày càng tiến dần đến thủ đô và người Sài Gòn ngỡ ngàng trước biến cố 30/4/1975. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” có lẽ là một trong những triết lý thâm thúy nhất được rút ra trong cuộc chiến vừa qua.

===  

Chú thích:

[1] Chương trình Chiêu hồi phát động dưới thời Đệ nhất Cộng hòa vào đầu năm 1963 theo hai mô hình mẫu của Phi Luật Tân và Mã Lai Á: chương trình EDCOR của Philippines để chiêu dụ lực lượng cộng sản Hukbalahap và chương trình của Sir Robert Thompson thuộc quân đội Anh để bình định tại Malaysia.

Chương trình này trực thuộc Bộ Công dân vụ của Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu và một thời mang tên Phong trào Chiêu tập Kháng chiến Lầm đường. Sau năm 1963 thì phân ban Chiêu hồi trực thuộc Phủ Thủ tướng. Năm 1965 thì chuyển sang Bộ Thông tin. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa thì chính phủ nâng Phủ Đặc ủy Dân vận Chiêu hồi thành Bộ Chiêu hồi riêng để điều hành hệ thống chiêu hồi trên khắp 44 tỉnh thành của bốn vùng chiến thuật, mỗi tỉnh có một Ty Chiêu hồi.

Huy hiệu ngành Chiêu hồi

Năm 1967 chính phủ đưa ra chính sách Đại đoàn kết. Theo đó thì các thành phần hồi chánh không những được giúp đỡ để tái định cư và đoàn tụ cùng gia đình mà còn được trưng dụng tài năng tương xứng với công việc ở bên kia chiến tuyến. Chính sách này chưa mấy hiệu quả thì sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 xảy ra. Biến cố này làm gián đoạn chương trình Chiêu hồi vì tình hình an ninh bất ổn, nhưng đến năm 1969 thì số lượng hồi chánh lại tăng, đạt tổng số 47.023 người trong năm 1969.

Trong thời gian từ năm 1963 đến 1973 chương trình Chiêu hồi thâu nhận hơn 194.000 người hồi chánh, tức là loại được bấy nhiêu quân đối phương khỏi chiến trường. Người Hồi chánh được chuyển vào 1 trong hơn 200 trại để “học tập chính trị” trong thời gian từ bốn đến sáu tuần. Cùng lúc đó họ được phát quần áo và thức ăn, đến khi xuất trại thì trả về nguyên quán hoặc định cư ở những vùng ấn định. Một số được kết nạp vào Cục Tâm lý chiến. Ngày 18/2/1973 Bưu chính VNCH cho phát hành con tem "Chiêu hồi" với giá tiền10 đồng để kỷ niệm người hồi chánh thứ 200.000.

Tem Chiêu-Hồi của VNCH

[2] Nguyên Hùng là một trong số những nhà văn, nhà báo “nằm vùng” hoặc “thiên Cộng”. Trong số này phải kể đến Vũ Bằng, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm... Sau này còn được bổ sung thêm một đội ngũ trẻ hơn và giữ những vai trò gây tác động trong đời sống báo chí và chính trị miền Nam như Huỳnh Bá Thành (còn được biết đến qua tên Họa sĩ Ớt trên báo Điện Tín), Cung Văn, Hoàng Thái Nguyên, Nguyễn Ngọc Thạch, Hoàng Minh Phương, Kỳ Nhân...

[3] Phạm Ngọc Thảo (1922-1965) cùng 12 người từ miền Nam được cử ra Sơn Tây để theo học Khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào năm 1946. Khi ra trường, Thảo được điều về Phú Yên với nhiệm vụ giao liên. Trong thời gian này, ông được giao nhiệm vụ đưa một cán bộ vào Nam, đó chính là Lê Duẩn, người có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tình báo của ông sau này.

Thảo được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Mật vụ Ban quân sự Nam Bộ – là tổ chức tình báo đầu tiên của miền Bắc ở Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève, các cán bộ của Việt Minh (cả dân sự lẫn quân sự) đều được “tập kết” ra Bắc. Cũng có một số ít cán bộ đã được lệnh bí mật ở lại để “nằm vùng”, trong đó có PNT ở lại miền Nam để hình thành “lực lượng thứ ba” theo lệnh của Lê Duẩn.  

Dưới vỏ bọc của một giáo sư, Thảo về dạy học tại trường Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long, thuộc giáo phận của Giám mục Ngô Đình Diệm, anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giám mục Ngô Đình Thục rất quý mến Thảo, ông đã từng làm lễ rửa tội cho Thảo và coi như con nuôi. Chính Giám mục Thục đã giới thiệu ông với “cố vấn” Ngô Đình Nhu để vào làm việc ở Sở Tài chánh Nam Việt.

Nhờ chính sách “đả thực, bài phong”, khuyến khích những người theo kháng chiến cũ về với chính nghĩa quốc gia của Ngô Đình Diệm, PNT đã khôn khéo công khai hết quá khứ theo kháng chiến của mình, chỉ trừ một điều không nhận là Đảng viên Đảng Cộng sản. Năm 1956, ông được phép đưa vợ con ra Sài Gòn sinh sống, làm việc tại ngân hàng quốc gia; rồi được chuyển ngạch quân sự, mang cấp bậc Đại uý “đồng hóa”.

PNT còn được cử đi học khóa huấn luyện tại trung tâm Nhân vị, Vĩnh Long, và sau đến tháng 10/1956 gia nhập đảng Cần Lao, phụ trách tổ quân sự, giữ nhiệm vụ nghiên cứu về chiến lược và chiến thuật quân sự và huấn luyện quân sự cho các đảng viên. Trong hàng ngũ Quốc gia, Thảo đã viết 20 bài báo trên tạp chí Bách Khoa nói về các vấn đề chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo....

Những bài báo đó đã được giới quân sự chú ý và nâng cao tên tuổi của PNT. Năm 1957, ông được điều về làm việc tại Phòng Nghiên cứu chính trị tại Phủ tổng thống, thực chất là cơ quan mật vụ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Năm 1960, sau khi học một khóa chỉ huy và tham mưu ở Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, PNT được thăng thiếu tá và được cử làm Thanh tra Khu Trù Mật.

Năm 1965, Phạm Ngọc Thảo cùng thiếu tướng Lâm Văn Phát, Đại tá Bùi Dzinh và Trung tá Lê Hoàng Thao đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất nhằm lật đổ chính phủ của Tướng Nguyễn Khánh. Hội đồng tướng lãnh cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống đảo chính và ra lệnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát và 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ. Khi biết tin quyền lãnh đạo đã rơi vào tay các tướng lĩnh khác, Phạm Ngọc Thảo bỏ trốn.

Phạm Ngọc Thảo là tình báo viên hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Lê Duẩn. Nhiệm vụ của ông không phải là đưa tin mà là tác động đến sự “thay đổi chế độ”. Có thể nói, với nhiệm vụ này, tầm quan trọng của Phạm Ngọc Thảo ngang với sức mạnh của một đạo quân.

[4] Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), sinh tại xã Bình Trước, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong gia đình một viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa. Năm 1950, ông vào làm ở Sở thuế quan Sài Gòn. Thực chất lúc này ông được Việt Minh giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam và từ ViệtNam về Pháp. Đây là những bước đầu hoạt động tình báo của ông, một trong khoảng 14 ngàn điệp báo viên Cộng sản được cài cắm và hoạt động tại miền Nam.

Năm 1952, ông ra Chiến khu D và được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ - giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Năm 1953 tại rạch Cái Bát, Cà Mau trong rừng U Minh, dưới sự chủ tọa của Lê Đức Thọ (khi này là Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam), PXA được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1957, PXA qua Mỹ học ngành báo chí trong 3 năm và khi về nước ông làm việc tại Sở Nghiên cứu Chính trị của Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Từ năm 1960 đến giữa năm 1964, PXA làm việc cho Hãng thông tấn Reuters. Từ năm 1965 đến năm 1976 ông là phóng viên người Việt chính thức và duy nhất của tuần báo Time tại Sài Gòn, ngoài ra ông còn là cộng tác viên của các tờ báo khác như The Christian Science Monitor...

Murray Gart, thông tín viên trưởng của Time trong thời gian chiến tranh, sau khi biết tin PXA là một điệp viên, bực tức nói rằng: “Thằng chó đẻ ấy, tôi muốn giết nó”. Một phóng viên khác, Peter Arnett, mềm mỏng hơn: “Tôi không biết phải xử lý ra sao đối với Phạm Xuân Ẩn. Tôi hiểu anh là một người Việt Nam yêu nước, nhưng tôi vẫn cảm thấy bị phản bội về phương diện nghề nghiệp... Trong hơn một năm trời, tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhưng sau đó tôi lại nghĩ ra rằng chẳng qua đó là công việc riêng của anh”.

McCulloch từng là giám đốc các văn phòng của Time ở châu Á nói: “Tôi có căm giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động gián điệp của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩ Việt Nam là quê hương của anh. Nếu tình thế đổi ngược lại, chắc tôi cũng sẽ làm như anh mà thôi. Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường”.

[5] Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002), tên thật Vũ Đình Long, sinh tại Thái Bình, tham gia Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến, gia nhập đảng Cộng sản năm 1947, năm 1951 trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Bị kỳ thị vì xuất thân gia đình gốc địa chủ và Công giáo nên đã bỏ Việt Minh, về sống ở quê ngoại tại Phát Diệm, Ninh Bình.

Tại Ninh Bình, VNN tham gia Tổng bộ tự vệ Phát Diệm do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo. VNN trở thành phụ tá của hai vị thầy tu khét tiếng chống Cộng này. Di cư vào Nam năm 1954, VNN tiếp tục phụ giúp việc đạo cho linh mục Hoàng Quỳnh tại giáo xứ Bình An (Sài Gòn) cho đến ngày bị bắt.

Theo tiết lộ của Tiền Phong Online, VNN đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ: “Sau vài lần gặp gỡ, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, anh được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phái vào Nam hoạt động”.

Tại trại giam, VNN viết bản tường trình phân tích nguy cơ đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp” đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm và chú ý. VNN đã khéo léo tiết lộ cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là chính kiến của Giám mục Lê Hữu Từ. Đánh giá rất cao trách nhiệm và sự sâu sắc của bản báo nguy chế độ, anh em Diệm - Nhu đã mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn.

Thâm nhập vào nền Đệ nhất Cộng hòa, VNN nhanh chóng liên kết với các đồng chí nằm vùng” của mình như Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe... hình thành nên một mạng lưới tình báo (lưới A.22) nắm giữ các vị trí chóp bu trong chính phủ Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược.