Saturday 26 April 2014

Đọc bản nhận xét phản biện LV Nhã Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng (Vũ Thị Phương Anh - Nghiên Cứu Giáo Dục Việt Nam)


Friday, April 25, 2014

Đọc bản nhận xét phản biện LV Nhã Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng

Bài "phản biện bản phản biện" LV Nhã Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng đã được tôi viết và đăng trên facebook cá nhân của tôi thành 5 kỳ trong mấy ngày qua, và cũng đã dược Văn Việt đăng lên ngay sau khi hoàn tất. Do vụ NT đối với tôi có ý nghĩa khá quan trọng vì nó liên quan đến cách hành xử của giới giáo dục và khoa học, nên tôi thấy cần phổ biến nó rộng rãi hơn để nhận được những tranh luận và trao đổi của mọi người có quan tâm. Vì vậy, tôi đã biên tập lại đôi chút, chủ yếu là bỏ đi những câu chữ trùng lặp hoặc sai sót do viết vội, và đăng lên đây để lưu cho tôi và chia sẻ với mọi người. Xin mời các bạn đọc và trao đổi.
-------------- 
Phần 1
Sau một thời gian dài im lặng, "đùng một cái" Hội nhà văn VN đã cho công bố toàn văn bản nhận xét phản biện đối với LV của Nhã Thuyên của một trong những người tham gia hội đồng chấm lại luận văn - bản phản biện của PGS PTT. Là một người quan tâm đến vụ NT từ năm ngoái nên tôi đã bỏ thời gian đọc đi đọc lại bản nhận xét này, đồng thời cũng đọc lại LV của NT để xác định xem những nhận xét của ông PTT có khách quan và chính xác không.

Với tất cả sự kính trọng đối với một người có tên tuổi như ông PTT, và sự khiêm tốn của một người biết rõ rằng mình không có nghề vì không phải là dân nghiên cứu văn học, tôi xin được trao đổi lại với ông PTT một số điểm trong bản nhận xét của ông mà tôi thấy chưa hợp lý nếu không muốn nói là đầy những quy chụp ác ý. Vì bài viết của ông khá dài, nên xin được viết thành nhiều phần, bám sát theo cấu trúc bài phản biện của ông.

1. Về lý do chọn đề tài

Trong mục này, tôi nhận thấy hình như ông PTT đọc LV NT với những định kiến có sẵn, nên không hiểu đúng ý tác giả. Trong luận văn của mình, NT đã viết rất rõ rằng MM là một hiện tượng văn học khá ầm ỹ và được quan tâm nhiều ở trong và ngoài nước, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng – có lẽ là do tâm lý e ngại vì việc phổ biến thơ MM đã và đang gặp những ngăn trở của an ninh văn hóa.Trong khi đó, theo tác giả LV thì đây là một hiện tượng đáng quan tâm vì nó khá phổ biến trên thế giới, và có hẳn một lý thuyết để giải thích hiện tượng này, đó là lý thuyết về trung tâm và ngoại vi (hay là tâm và biên). Như vậy, theo tôi lý do chọn đề tài của NT là hoàn toàn hợp lý và khoa học, thậm chí là một lý do rất tốt để thực hiện nghiên cứu.

Nhưng ông PTT lkhông hiểu như thế. Bằng thủ pháp trích dẫn tùy tiện chỉ những câu chữ nào phục vụ cho những kết luận có sẵn, ông PTT dường như muốn nói rằng NT chọn MM chỉ vì muốn ủng hộ sự nổi loạn, ủng hộ 'cách mạng', nói vắn tắt là vì NT ... phản động (từ này do ông PTT sử dụng).

Có thể thấy rõ ông PTT đã hiểu sai, nếu không phải là cố tình bóp méo, ý tưởng của tác giả LV qua đoạn trích dẫn sau đây:

Tác giả cũng tự nhận thấy “cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển” của nhóm này. Và vì vậy khi nghiên cứu hiện tượng này, tác giả luận văn cũng “không được tự do”, “tính khách quan trong nghiên cứu không được đề cao”, và vì thế tác giả  “cũng là một kẻ ngoài lề khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề”.

Trích dẫn như trên, ông PTT dường như muốn nói NT có ý chống lại cơ quan an ninh văn hóa; than phiền mình "không được tự do", và bị biến thành "một kẻ ngoài lề khi ... chọn đứng về phía những kẻ bên lề". Cần chú ý là đoạn trích dẫn và diễn giải nói trên được đặt trước đoạn kết luận của mục 1, trong đó ông PTT quy kết rằng NT chọn đề tài về nhóm MM chỉ vì cô ủng hộ một dòng văn chương mang tính nổi loạn, và vì thế không thuần túy là văn chương mà là thực ra là vấn đề chính trị, phản kháng và phản động. Việc kết nối chi tiết về an ninh văn hóa (vốn nằm ở một đoạn khác trong cuốn LV để khẳng định rằng MM chưa/không được dòng văn học chính thống chấp nhận) vào trích dẫn này cũng cho thấy ý đồ quy chụp của ông PTT đối với tác giả, một sự xuyên tạc ác ý.

Do có nhiều người chưa/ không có thời gian đọc bài của ông PTT nên tôi chép lại đoạn kết luận phần 1 của ông PTT vào dưới đây cho tiện (phần in đậm). Mọi người sẽ thấy đây là một kết luận đầy ác ý:

Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầmkhông chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động.

Còn đây là phần trích nguyên văn từ LV (phần in nghiêng; tôi đã ngắt đoạn ra theo từng ý để dễ đọc):

------
Sức hấp dẫn của Mở Miệng như đối tượng trung tâm của nghiên cứu này không đem lại sự tự do cho người nghiên cứu vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, người viết không có sự tự do của việc khai phá một xác chết hay phân tích một hóa thạch, trong khi không muốn làm bác sĩ thực tập mổ xẻ một cơ thể sống và „đánh giá‟, „phê bình‟ những gì vẫn đang trong xu hướng phát triển.

Thứ hai, tính chất khách quan của nghiên cứu không được đề cao, bởi tôi sẽ tự thấy mình không có tâm thế để nói/viết về hiện tƣợng này, nếu như tôi không can dự phần nào vào đời sống thơ đương đại, như một kẻ „ở giữa‟, cũng là một kẻ „ngoài lề‟ khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề.

Tuy nhiên, tính chất không hoàn toàn khách quan và sự trải nghiệm này có thể góp thêm vào những diễn giải về một hiện tượng chưa hoàn tất, nói riêng Mở Miệng và nói chung về dòng văn học ngầm ở Việt Nam.

Nỗ lực của tôi là nỗ lực của kẻ quan sát và tái hiện, dưới góc nhìn cá nhân đối với một hiện tượng đáng kể về văn học và văn hóa nói chung trong nhiều năm qua ở Việt Nam.
------
Một người có trình độ đọc hiểu và hiểu biết về các phương pháp nghiên cứu ở mức trung bình như tôi cũng có thể thấy đoạn văn này nhằm xác lập cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả, ở đây là cách tiếp cận "nghiên cứu tham dự" (participatory research). Theo lời của NT, cách tiếp cận này là bắt buộc vì đối tượng nghiên cứu mà cô đã chọn không đem lại sự tự do cho người nghiên cứu - hoặc nói một cách đơn giản hơn, đối tượng NC này không cho phép tác giả có lựa chọn nào khác, vì các lý do đã được tác giả LV nêu rõ trong phần giải thích (các đoạn bắt đầu bằng cụm từ "thứ nhất" và "thứ hai" trong đoạn trích ở trên).

Mặt khác, NT cũng đang thừa nhận những hạn chế của cách tiếp cận mà cô đã chọn, vì một khi đã là "nghiên cứu tham dự" thì ắt hẳn nó không thể hoàn toàn khách quan (theo lời của NT, tính chất khách quan của nghiên cứu không được đề cao). Tuy nhiên, mặc dù có những hạn chế, thì chính sự chủ quan (= nhìn bằng đôi mắt của người trong cuộc) này cũng sẽ có thể giúp ta hiểu thêm về một hiện tượng mới mẻ và vẫn đang tiếp tục diễn ra như hiện tượng về nhóm MM.

Cách tiếp cận đã chọn hoàn toàn phù hợp với mục đích của tác giả là "quan sát và tái hiện dưới góc nhìn cá nhân đối với một hiện tượng đáng kể về văn học và văn hóa" (chỗ in nghiêng là lời của NT). Nói ngắn gọn, theo tôi thì lý do chọn đề tài của cuốn LV đã được viết rất tốt, nêu rõ tại sao tác giả lại chọn đề tài này (một vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ), cách tiếp cận của tác giả (nghiên cứu tham dự) và mục đích của nghiên cứu (quan sát và tái hiện một hiện tượng chưa được hiểu rõ). Nếu LV có điểm gì đó "phản động" (!?) thì điều đó không hề bộc lộ trong phần 1 của cuốn LV này.

Ngoài việc ông PTT đã quy chụp cho NT những gì cô ấy không viết, qua những gì ông PTT đã viết ở trên tôi còn ngờ rằng  ông không hiểu nhiều về các cách tiếp cận nghiên cứu đối với các ngành nhân văn (như văn hóa, văn học). Nếu ông chưa bao giờ nghe về "nghiên cứu tham dự", xin ông vui lòng google với cụm từ "participatory research", chắc chắn sẽ có rất nhiều bài viết dễ hiểu để ông có thể đọc.

Ông PTT nói sao về những gì tôi vừa viết ở trên?

Phần 2
Trong mục 1 của bài phản biện, ông PTT đã xem xét lý do chọn đề tài của NT rồi kết luận một cách quy chụp ác ý, dựa trên những trích dẫn được cắt ghép tùy tiện (như tôi đã phân tích trong Phần 1) rằng NT chọn MM chỉ vì muốn ủng hộ sự nổi loạn, hay nói ngắn gọn là vì NT "phản động" (từ của ông PTT). Trong hai phần tiếp theo, ông PTT tiếp tục trích dẫn một số câu, đoạn trong LV của NT, để từ đó đưa ra kết luận gọn lỏn rằng "Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy." Kết luận này của ông PTT có thuyết phục không? Chúng ta hãy thử xem xét lập luận của ông PTT và so sánh nó với những gì NT trong LV của cô.

2. Về lịch sử vấn đề

Không giống với phong cách đã sử dụng ở mục 1 (trích dẫn --> bình luận --> kết luận), ở phần này ông PTT chủ yếu nêu lại những gì NT đã viết, nhưng với hàm ý rất rõ ràng rằng cách làm của NT là sai vì sử dụng tài liệu phi chính thống (bài viết công bố trên mạng Internet, blog cá nhân, hải ngoại ...). Ngoài ra, tác giả vẫn tiếp tục lối trích dẫn cắt xén tùy tiện, xoáy vào những câu từ dễ gây nghi ngại và được hiểu là mang hàm ý phản động, lật đổ (chính quyền?) như "khả năng gây hấn", "cùng hội cùng thuyền", vv. Hàm ý này lộ rõ trong đoạn thứ hai của mục 2 (trích dẫn dưới đây, phần in đậm); những đoạn còn lại trong bài chỉ đơn thuần lập lại ý của tác giả LV.

Trích:
Đáng lẽ, lịch sử vấn đề ở đây phải là lịch sử nghiên cứu có liên quan đến đề tài nhưng do Mở miệng là một hiện tượng mới, lại là hiện tượng bên lề, hiện tượng thuộc về Dòng ngầm theo nhãn quan của tác giả nên phần Lịch sử vấn đề, ngoài hai tài liệu (luận văn, luận án) được thực hiện ở Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội trong năm 2009 có liên quan ít nhiều đến đề tài, thì phần lớn các tài liệu được viện dẫn đều là những bài báo, bài giới thiệu công bố trên mạng Internet, trên các Blog cá nhân. Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận”. Các chỉ dẫn về tài liệu cho thấy phần lớn là các bài báo in ở Hải ngoại, của những người mà tác giả cho là “cùng hội cùng thuyền”, cùng vị tríbên lề so với vị trí quyền lực chính thống ở Việt Nam. Nhưng “dù mang tính chất tán tụng hay chính trị, hay nghiên cứu cũng đều cho thấy sự hiện diện và khả năng gây hấn mạnh mẽ của họ”.

Vậy NT đã viết gì, và nhằm mục đích gì? Khi đọc vào LV, một lần nữa tôi thấy sự cặn kẽ và nghiêm túc của NT. Trong gần 12 trang giấy trên tổng số hơn 100 trang, tức hơn 1/10 chiều dài của LV, tác giả đã không chỉ xem xét báo mạng hoặc những bài viết ở hải ngoại, mà đi dọc suốt thời gian từ sự ra đời của MM đến những phản ứng đầu tiên trên báo mạng ở hải ngoại, đến những phản ứng của báo chí chính thống và các tác giả trong nước, rồi đến các luận văn trong nước có đề cập đến MM gần đây. Sau khi điểm qua các bài viết phê bình liên quan đến MM, tác giả NT đã tách riêng ra thảo luận một số bài viết mà theo cô là quan trọng vì nó thể hiện quan điểm khách quan  độc lập (những từ in nghiêng là của NT). Và cuối cùng, cô chỉ ra những khoảng trống mà theo cô cần phải được lấp đầy, và cũng là điều mà tác giả mong muốn thực hiện trong LV này, đó là: (1) mô tả trung thực về thực tiễn văn học sử, từ đó, dựa trên sự thẩm thấu các lý thuyết mới để nhìn lại các vấn đề của Việt Nam; (2) dùng nghiên cứu và phê bình để tạo sự tương tác với không gian ngoại biên để làm đối trọng và gây chuyển động đối với các hiện tượng bên lề như MM;  (3) cố gắng giải mã đúng lúc, thừa nhận và thấu hiểu các thân phận ngoại biên, những tiếng nói ngầm, hòng tránh được tình trạng những tiếng nói tiên phong lại có thể biến thái thành sự thủ dâm tinh thần còn những cái già cỗi thì cố thủ thành trì ù lì và chật chội của nó (một lần nữa, những từ in nghiêng là của NT, ở trang 15-16; đôi khi câu chữ có được sắp xếp lại đôi chút cho hợp với cấu trúc ngữ pháp trong câu viết của tôi).

Xin chú ý đến phần tôi nhấn mạnh (in nghiêng đậm, mục đánh số 2 ở trên): một trong những mục đích của NT là dùng nghiên cứu và phê bình để "tạo sự tương tác với không gian ngoại biên làm đối trọng và gây chuyển động“[đối với các hiện tượng bên lề như MM]. Theo tôi, đây là một quan điểm tích cực và cần thiết, thể hiện đúng vai trò tiên phong và hướng dẫn dư luận của một trường sư phạm, tất nhiên đó là một sự hướng dẫn của những người trí thức dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ những quy luật phát triển và sự bao dung đối với những hiện tượng mới, chứ không phải hướng dẫn theo cách áp đặt chủ quan, thành kiến và giáo điều như quan điểm mà ông PTT là người đại diện.

Nếu ông PTT quả đã đọc LV NT một cách nghiêm chỉnh thì tôi tin rằng ông chắc chắn cũng sẽ nhận ra những điều mà tôi đã nêu. Chính vì vậy, sự quy chụp trong bài viết của ông khiến tôi chỉ có 2 cách hiểu: một là ông không hề thực sự đọc mà chỉ lướt qua để nhặt ra những câu chữ có vẻ "phản động" nhằm minh họa cho cái kết luận mà ông (hoặc ai đó) đã có sẵn trong đầu - nói cách khác, là đọc với một thành kiến nặng nề nên không thể hiểu, như tôi đã cảm nhận sau khi đọc phần 1 của bài phản biện của ông; còn nếu không thì chỉ có thể là ông đã đọc, đã hiểu nhưng vì tư thù, muốn hại NT hoặc người hướng dẫn hoặc hội đồng chấm LV lần 1, nên cứ cố tình quy chụp để làm hại tác giả NT và những người liên quan.

Ông PTT nói sao về những điều tôi vừa viết ở trên?

Phần 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Mục 3 trong bài phản biện của ông PTT( về đối tượng và phạm vi nghiên cứu) theo tôi là một mục viết không đạt, kể cả khi xét theo chính tiêu chuẩn của ông PTT như đã được xác lập qua mục 1 và mục 2. Có thể nói, khả năng phản biện/thuyết phục người đọc của ông PTT từ mục 1 đến mục 3 thể hiện một sự giảm sút đáng kể.

Ở mục 1, ông PTT trích dẫn NT, nêu những bình luận và diễn giải của ông, rồi đưa ra kết luận (dù không mấy thuyết phục vì đầy quy chụp ác ý). Ở mục 2, ông trích dẫn rất nhiều mặc dù bình luận diễn giải hoặc kết luận gì cả, nhưng câu chữ của ông toát ra một hàm ý kết án nặng nề. Cả 2 mục trên đều có độ dài khoảng trên 20 dòng, bao gồm 3, 4 đoạn, đa số là trích dẫn.

Riêng mục 3 thì rất ngắn, chưa đến 10 dòng, gồm 2 đoạn trích dẫn và một câu kết luận như một lời phán từ trời cao vọng xuống. Xin trích nguyên văn:

“Đối tượng của luận văn là thực hành thơ của nhóm Mở miệng với vị trí bên lề và những cách tân, cách mạng trong tư tưởng nghệ thuật của họ. Mở miệng cùng với các hiện tượng khác tạo thành Dòng ngầm, thành một quá trình ngoại vi hóa đang diễn ra như một hiện tượng có tính chất quốc tế”.

“Các tác phẩm được khảo sát là những tập thơ của thành viên nhóm Mở miệng và những người cùng chí hướng. Ngoài một số bản đã bị công an văn hóa tịch thu, thiêu hủy, tư liệu nghiên cứu hầu hết là những tác phẩm thơ của Mở miệng mà Giấy vụn xuất bản được lưu giữ bằng File hoặc chuyển qua Email”.

Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy.

Tôi rất ngỡ ngàng khi đọc lời kết luận của mục 3 - mà thực ra đã gồm cả hàm ý của mục 2 khi ông PTT nhấn mạnh - một cách thiếu chính xác - rằng NT chỉ sử dụng tài liệu phi chính thống (xin xem lại phần 2). Theo ông, vì tài liệu (đã nêu ở mục 2) và đối tượng nghiên cứu là "không mang tính chính thống" nên (?) "thiếu độ tin cậy". Nhưng tại sao lại như thế?

Với kinh nghiệm và hiểu biết ít ỏi của mình, tôi không thấy có lý do gì để phải chọn một đối tượng nghiên cứu "chính thống" (mà đối tượng nghiên cứu nào được xem là chính thống nhỉ?) thì mới có thể "tin cậy" cả. Ngược lại, tôi chỉ biết rằng những người nghiên cứu có bản lãnh thì thường không thích chọn những vấn đề/đối tượng truyền thống vốn đã được quá nhiều người đi trước tìm hiểu, vì nó sẽ không còn nhiều điều mới mẻ để khám phá. Trừ phi, tất nhiên, nhà nghiên cứu áp dụng  những lý thuyết mới vào việc nghiên cứu những đối tượng truyền thống (không phải chính thống) để từ đó đưa ra những phát hiện mới mà những người nghiên cứu trước đó không nhìn ra được.

Tôi cũng không thấy tại sao việc sử dụng những tài liệu "không mang tính chính thống" (tức tài liệu công bố trên Internet, qua email, báo chí hải ngoại vv) lại làm cho nó "thiếu độ tin cậy". Trước hết, cần phải khẳng định rằng đã từ lâu (ít ra là từ đầu thiên niên kỷ mới) các tài liệu đăng trên mạng đã được xem là "chính thống" chứ chẳng còn là phi chính thống nữa. Các quy định về hình thức trình bày các tài liệu tham khảo của MLA (Modern Language Association, định dạng được sử dụng phổ biến cho khối ngành nhân văn) đều có mục dành riêng cho các tài liệu điện tử (gồm các trang web, cơ sở dữ liệu điện tử, và cả email ...), cho thấy đây là một nguồn tài liệu được sử dụng thường xuyên và phổ biến. (Xem ở đây: https://owl.english.purdue.edu/owl/resource/747/08/).

Việc NT sử dụng nhiều tư liệu điện tử khi nghiên cứu về MM chỉ đơn giản là vì các tài liệu về MM có nhiều hơn ở dạng điện tử, chứ không phải vì cô ấy cố tình bỏ qua những tài liệu ở dạng giấy mặc dù chúng có tồn tại. Lý do thì NT đã phân tích rõ từ Lý do chọn đề tài rồi: Cho đến nay MM vẫn bị xem là cấm kỵ nên không có nhiều nghiên cứu bàn luận về nó trên các diễn đàn chính thống ở VN. Chẳng lẽ ông PTT lại không hiểu điều này, hay ông có hiểu nhưng vẫn cố tình bỏ qua để có thể kết luận là tác giả đã sai khi dùng tài liệu "phi chính thống"?

Mà giả sử cứ cho rằng tài liệu điện tử quả thật bị coi là "phi chính thống" ở VN, thì điều ấy cũng không đương nhiên làm ảnh hưởng đến "độ tin cậy" của LV. Tôi không rõ ông PTT đang sử dụng từ "độ tin cậy" với nghĩa gì, vì từ này có thể dịch ra khá nhiều từ khác nhau trong tiếng Anh. Nếu là một nghiên cứu theo phương pháp định lượng (không phải là phương pháp mà NT đã chọn) thì độ tin cậy được hiểu là tương đương với reliability (=có khả năng lặp lại), hoặc tùy trường hợp cụ thể, có thể là internal validity (= sự nhất quán nội tại). Tuy nhiên, vì LVNT là một nghiên cứu định tính, nên "độ tin cậy" phải hiểu tương đương với dependability (= phù hợp với bối cảnh cụ thể) hoặc credibility (= phản ánh đúng nhãn quan của khách thể nghiên cứu). (Xem định nghĩa ở đây: http://www.socialresearchmethods.net/kb/qualval.php)

Nếu xét theo những định nghĩa vừa nêu thì NT đã làm hoàn toàn đúng: cô đã xem xét MM trong bối cảnh xã hội của nó, với tư thế “nhập cuộc” như một người bên trong để có thể hiểu đúng ý nghĩa những gì mà nhóm MM đã làm khi họ "thực hành thơ" theo một kiểu quái gở, nổi loạn, tục tĩu vv như vậy.

Chốt lại, tôi thấy rằng ở mục 2 và mục 3 của bài phản biện, ông PTT thêm một lần bộc lộ rằng mình đã hiểu sai tác giả (vô tình hoặc cố ý), đồng thời cũng lộ rõ ý đồ quy chụp bằng mọi giá bằng cách trích dẫn có dụng ý, cắt ghép tùy tiện, hoặc/và đưa ra những lời kết luận thiếu căn cứ và thiếu logic. Không những thế, có thể vì viết quá ngắn gọn (chủ yếu trích dẫn tác giả LV, sau đó phán ra những kết luận quy chụp) nên tôi không hiểu ông PTT có thực sự có những hiểu biết về các phương pháp và mô hình nghiên cứu, cũng như các thuật ngữ thường dùng để bàn về các phương pháp nghiên cứu hay không. Tất nhiên đó chỉ là những nghi ngờ và thắc mắc dựa trên một bài phản biện ngắn, và không đủ cho phép tôi kết luận về người viết phản biện. 

Tôi mong chờ được nghe lời hồi đáp của ông PTT về những gì tôi đã viết ở trên.

Phần 4
Mục 4, cũng là mục cuối cùng và quan trọng nhất trong bài phản biện của PTT, được viết rất dài vì nó liên quan đến phần chính của LV. Như tôi đã phân tích, các mục 1, 2, 3 trong bài phản biện của ông PTT chưa hoàn toàn thuyết phục, nhưng người đọc vẫn mong đợi ông PTT sẽ đưa ra những lập luận vững chắc và thuyết phục để làm căn cứ cho quyết định tước bằng của NT trong phần chính (rất dài) này.

Nhưng, thật thất vọng, phần cuối cùng của bài phản biện vẫn được viết theo cùng một cách đã thấy trong 3 mục trước, trích dẫn rất nhiều nhưng không đầu không đuôi, không có bất kỳ nhận định nào về sự phù hợp của hệ thống lý luận, tính logic của các lập luận và diễn giải, sự đầy đủ và thuyết phục của các chứng cứ của tác giả LV, mà chỉ chú trọng những đoạn có câu chữ "nhạy cảm" để từ đó suy đoán về thái độ "phản động" của tác giả, rồi sau đó đưa ra những lời phán mang tính quy chụp mà nhiều khi chẳng ăn nhập gì đến những phần đã trích dẫn. Không những thế, bài phản biện của ông PTT còn cho thấy hình như ông không thực sự đọc cuốn LV, hoặc khả năng đọc hiểu của ông có vấn đề nghiêm trọng, vì những phần tóm tắt hoặc mô tả luận văn (rất ít ỏi) của ông đều có sai sót không nhỏ.

Xin phân tích những điểm sai lầm trong bài viết của ông PTT dưới đây. Những phần in đậm là phần được trích từ trong bài viết của ông PTT, còn những phần in nghiêng là phần được trích từ LV của NT:

1. Trích:
Chương I: Ngoại vi hóa như một chiến lược tồn tại của cái khác

Có thể xem đây là chương tác giả luận văn viết về hoàn cảnh của sự ra đời nhóm Mở miệng.

Bình luận: Thực ra, chương I của LV không chỉ viết về hoàn cảnh ra đời của MM, mà quan trọng hơn là tập trung giải thích khái niệm "lề", là khái niệm căn bản cho các lập luận và diễn giải của tác giả đối với các hiện tượng bên lề trong đó có thơ MM. Có thể nói đây là phần cung cấp cơ sở lý luận cho toàn bộ luận văn. Không hiểu ông PTT đọc thế nào mà lại phán rằng đây là chương viết về hoàn cảnh ra đời của nhóm MM? Chỉ có thể nói: Hẳn là ông PTT giả định như vậy, vì đó là cấu trúc truyền thống của nhiều LV mà ông đã đọc, đã hướng dẫn, đã phản biện vv - một cấu trúc "chính thống", nói theo ngôn ngữ của ông?

Tiếc thay, NT lại đã chọn một cách làm mới mẻ, "phi chính thống" (!), và đó rất có thể là lý do khiến nhiều người đọc (như ông PTT) mà không hiểu ý của cô. Và vì vậy, họ chỉ có thể xoáy vào những câu từ mà họ nghĩ là "phản động" - vì quả thật NT dùng nhiều từ liên quan đến "chính trị", "nổi loạn", "lật đổ", "cách mạng" mà thôi - nhưng xin thưa, đó lại chính là diễn ngôn quen thuộc của cái lý thuyết mà NT đang vận dụng trong luận văn. 

2. Trích: 
Từ cơ sở lý thuyết và sự tri nhận lý thuyết của tác giả, văn học Việt Nam đương đại được nhìn nhận như sau: “Dòng ngầm văn chương và nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam đương đại đã hiển hiện như một xu thế mạnh mẽ, đặc biệt từ điểm khởi đầu thiên niên kỷ mới. Sự xuất hiện của những cặp khái niệm ngoại vi-trung tâm; chính thống-phi chính thống; phụ lưu-chính lưu… cho thấy nỗ lực mô hình hóa những không gian văn chương xung đột (thấy được và ngầm ẩn) và phân chia quyền lực; những cuộc tấn công và chống giữ, những tranh đấu khó hòa giải… khi tính thống nhất của ý thức hệ bị phá hủy”.

Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt.

Bình luận: Đoạn trích nêu trên nằm ở trang 26, tức là ở cuối phần 1 của chương 1. Trong phần này, tác giả LV tập trung nêu tổng thuật lý luận của tác giả nước ngoài về khái niệm ngoại vi-trung tâm, để rồi sau đó đưa ra nhận định của cô về thực trạng văn học VN vào đầu thế kỷ 21 theo đúng lý thuyết mà cô đã chọn (và sử dụng đúng diễn ngôn của lý thuyết ấy - xin xem lại nhận định ở đoạn trên).

Khi phán rằng đây là một "luận điểm sai trái", phải chăng ông PTT muốn nói là lý thuyết về "ngoại vi-trung tâm" là sai trái, nhưng tại sao? Phải chăng ông đang muốn nói rằng ở VN, không một ai, kể cả các nhà khoa học, có quyền tự đọc các lý thuyết mới và áp dụng nó để lý giải các hiện tượng mới mẻ đang diễn ra trong xã hội, như NT đang muốn làm trong LV của cô, mà phải chờ sự phê duyệt của ai đó ở cao hơn?

Nếu thế, tôi e rằng chúng ta không còn trong địa hạt khoa học nữa, và ông PTT đang (vô tình) khẳng định điều người ta nghi ngờ lâu nay rằng NT bị tước bằng thực ra là vì lý do chính trị (do ông và những người giống như ông không thích cái lý thuyết mà NT đang vận dụng). Còn nếu muốn tranh luận khoa học, ông cần phải chỉ ra rằng tại sao theo ông thì lý thuyết mà NT đã chọn không phù hợp để giải thích những gì đang diễn ra tại VN, cụ thể là sự xuất hiện của nhóm MM và các hiện tượng tương tự. Ông có thể giúp mọi người xóa tan nghi ngờ này chăng?

3. Trích:
Sau những phân tích, phê phán thái độ phản kháng nửa vời của nhóm Nhân văn giai phẩm, tác giả luận văn CỔ SÚY cho những động cơ cách tân và cách mạng của nhóm Mở miệng như sau:

“Nhu cầu cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự của Mở miệng – một nhóm văn chương; nhưng nhu cầu cách mạng lại trở thành điều kiện để họ thực hiện cái lẽ sống còn đó”... “Chính sự biến đổi từ nhu cầu cách tân sang cách mạng này tiết lộ một đặc tính của văn chương nghệ thuật trong mối quan hệ với bối cảnh: ý hướng cách tân văn chương không thể thực hiện được nếu không kết hợp với sự đấu tranh, với những tiếng nói đòi quyền lực, hay đòi xác lập một bản đồ văn chương mới. Đấy cũng là tiền đề cho một sự thay đổi nhận thức về tính tiên phong của văn chương giai đoạn này: mọi cách tân văn chương ở những giai đoạn khủng hoảng niềm tin và những trông đợi vào thể chế thường đến cùng với những tham vọng lật đổ ý thức hệ”.

So sánh hai nhóm (NV và MM) tác giả nhận xét: “Tính chất chính trị trong tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ, nhưng sự khác biệt về vị trí kẻ ở bên lề và kẻ ở bên trong dẫn đến sự khác biệt và bản chất ý nghĩa của từ chính trị: NV – GP quan hệ với thể chế hữu hình; MM xác lập quan hệ với những thiết chế vô hình trong sự tan rã của ý thức hệ thống nhất của thế chế”... “Ở đây không gian văn hóa đã thành không gian đấu trường của những quyền lực văn hóa với khát vọng chính đáng của sự thay thế, chuyển động”.

Kết thúc luận điểm này, tác giả luận văn HÔ HÀO: “Chính thời khắc khủng hoảng luôn là thời khắc có tính quyết định: hủy bỏ cái cũ, thiết lập cái mới, với nhu cầu của một thế hệ khác”.

Bình luận: Đoạn trích vừa nêu của PTT rất tiêu biểu cho phong cách của ông, đó là lựa chọn những đoạn có ngôn từ hoặc vấn đề được xem là "nhạy cảm" (ví dụ: hiện tượng Nhân văn - Giai phẩm; những từ ngữ như "cách mạng", "đấu tranh", "ý thức hệ", "quyền lực" ...) rồi tùy tiện đưa ra lời phán của mình về động cơ "phản động" của NT. Trong phần trích dẫn dài ở trên, ông PTT không có bất kỳ lập luận hoặc diễn giải nào, mà chỉ đưa ra hai từ quy chụp mà tôi đã viết in hoa trong đoạn trích nói trên: "cổ súy" (trong đoạn trích đầu tiên), và "hô hào" (trong đoạn trích cuối cùng). Trong khi đó, như nhiều người khác cũng đã chỉ ra, NT không hề cổ súy hay hô hào gì cả, mà chỉ đơn thuần áp dụng lý thuyết mình đã chọn để lý giải hiện tượng MM cũng như các hiện tượng tương tự (mà cô gọi là hiện tượng bên lề) mà thôi. Xin nhắc lại, ngôn ngữ mà cô sử dụng phản ánh rất rõ cái diễn ngôn quen thuộc của lý thuyết mà cô đang áp dụng. 

(Viết đến đây, tôi nhớ lại ngôn ngữ cũng rất kích động, kêu gọi sự nổi dậy, đấu tranh, chống đối ... của lý thuyết kinh tế chính trị của Karl Marx - một lý thuyết mà chắc chắn những người theo chủ nghĩa tư bản không thích, vì nó phê phán CNTB rất nặng nề. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, người ta vẫn rất quan tâm đến nó và nó vẫn được giảng dạy và nghiên cứu đến nơi đến chốn ở các nước phương tây. Tôi xin phép không bình luận thêm.)

4. Trích:
Tóm lại, đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn. Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ.

Bình luận: Đây là nhận xét kết thúc chương 1 của ông PTT. Nhận xét này vừa mâu thuẫn với nhận xét nêu trong đoạn trích đánh số 1 ở trên (đây là chương tác giả luận văn viết về hoàn cảnh của sự ra đời nhóm Mở miệng), vừa sai khi viết "văn chương chỉ là cái cớ" - vì NT không xem xét hiện tượng MM dưới góc độ văn học, mà xem xét nó dưới khía cạnh (chính trị học) văn hóa. Ông PTT cũng rất sai khi viết "đây là một luận văn chính trị trá hình" vì NT không hề trá hình gì cả (nếu trá hình thì đã chẳng dại gì mà sử dụng đầy rẫy những ngôn từ nhạy cảm, sờ đâu cũng bắt được như trong cuốn LV này). NT đã nêu rõ mục đích (không cần trá hình) của LV trước khi bước vào chương 1. Xin xem đoạn trích dưới đây (phần viết in hoa là do tôi nhấn mạnh): 

NT:
Vấn đề chính được đưa ra ở đây là VỊ TRÍ BÊN LỀ của Mở Miệng: Vị trí này là gì? Họ đã nói được kinh nghiệm gì? Họ làm gì, như thế nào? Hình ảnh tương lai của nó? Có thể bình luận gì về tính cách tân và cách mạng của nó? (tr. 18)

Cũng xin giải thích thêm với ông PTT "văn hóa học" là một ngành học liên ngành, trong đó có áp dụng rất nhiều lý thuyết của chính trị học để giải quyết những vấn đề đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Nói cách khác, văn hóa không loại trừ chính trị; chính trị cũng là văn hóa và văn hóa cũng là chính trị. Xin ông đọc tạm bài này trên wikipedia để hiểu thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Cultural_studies.

5. Trích (những từ viết in hoa là do tôi nhấn mạnh):
II. Sự khác biệt trong ý thức phản kháng của Nhóm nhân văn giai phẩm  với nhóm Mở miệng còn được tác giả đặt trong bối cảnh rộng hơn là miền Nam và miền Bắc, Hà Nội và Sài Gòn để so sánh nhằm thấy rõ “sự khác biệt trong chủ trương đường lối và ý hướng thơ ca”.

Theo Đỗ Thị Thoan, “Nhân văn giai phẩm là phản ứng Chống sự áp chế của bộ máy quản lý văn nghệ. Họ chủ yếu “đòi một thứ dân chủ gọi tên được, chống lại dàn đồng ca thơ cách mạng”. Còn nhóm Mở miệng cũng Chống nhưng hướng tới cái Khác biệt”.

Sau những phân tích, phê phán thái độ phản kháng NỬA VỜI của nhóm Nhân văn giai phẩm, tác giả luận văn CỔ SÚY cho những ĐỘNG CƠ cách tân và cách mạng của nhóm Mở miệng như sau: [...].

[...]

So sánh hai nhóm (NV và MM) tác giả nhận xét: “Tính chất chính trị trong tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ, nhưng sự khác biệt về vị trí kẻ ở bên lề và kẻ ở bên trong dẫn đến sự khác biệt và bản chất ý nghĩa của từ chính trị: NV – GP quan hệ với thể chế hữu hình; MM xác lập quan hệ với những thiết chế vô hình trong sự tan rã của ý thức hệ thống nhất của thế chế”... “Ở đây không gian văn hóa đã thành không gian đấu trường của những quyền lực văn hóa với khát vọng chính đáng của sự thay thế, chuyển động”.

Kết thúc luận điểm này, tác giả luận văn HÔ HÀO: “Chính thời khắc khủng hoảng luôn là thời khắc có tính quyết định: hủy bỏ cái cũ, thiết lập cái mới, với nhu cầu của một thế hệ khác”.

Bình luận: Cũng giống như những phần trước, ở đây ông PTT lại tiếp tục trích dẫn có dụng ý, không đầu không đuôi và rất dài,  không lập luận mà chỉ kết luận theo kiểu quy chụp dựa trên một vài câu từ có vẻ có vấn đề. Xin chú ý ngôn ngữ quy chụp của ông PTT: (phản kháng) nửa vời (của nhóm NVGP), cổ súyđộng cơ (cách tân và cách mạng của nhóm MM), hô hào.... Tôi sẽ không bình luận thêm, ai quan tâm xin đọc ở mục trích số 3 sẽ rõ. 

Không chỉ quy chụp, ông PTT còn cho thấy hoặc ông không đọc kỹ LV mà vẫn phán, hoặc khả năng đọc hiểu của ông có vấn đề, khi cho rằng NT "phê phán thái độ phản kháng NỬA VỜI" của NVGP và "cổ súy cho những ĐỘNG CƠ cách tân và cách mạng" của MM. Khi đọc vào luận văn, phần so sánh NVGP và MM (trang 32-35), ta không thể tìm ra được một chỗ nào cho thấy tác giả LV phê phán nhóm này và cổ súy cho nhóm kia, lại càng không có chỗ nào nói rằng NVGP là nửa vời, mà chỉ thấy tác giả đơn thuần phân tích sự khác biệt giữa hai nhóm: một bên là một phong trào đòi dân chủ, "chống sự áp chế của bộ máy quản lý văn nghệ", bên kia chỉ là đòi hỏi làm mới, cách tân, đòi hỏi "dân chủ trong ngôn ngữ" (những phần in đậm trong ngoặc kép là trích từ bài viết của ông PTT, còn phần in nghiêng trong ngoặc kép là trích từ LVNT).

Ngay cả khi xét theo mục đích của ông PTT là so sánh những gì NT đã viết về hai nhóm trên để quy chụp về chính trị thì ông vẫn rất sai, vì LV của NT cho thấy chính NVGP mới "triệt để" về chính trị chứ không phải là MM, vì NVGP đòi dân chủ, chống áp chế của quyền lực chính trị, còn MM thì không chống một người nào cụ thể hoặc đòi hỏi một cái gì có thể gọi tên, mà chỉ muốn tồn tại ở vị trí kẻ bên lề và làm những điều khác biệt như một chiến lược tồn tại. Ngoài ra, tôi cũng không hiểu là ông dùng từ "ĐỘNG CƠ (cách tân và cách mạng)" để nói về nhóm MM là có ý gì? Vì cả hai cụm từ (phản kháng) "NỬA VỜI" và "ĐỘNG CƠ" (cách tân và cách mạng) đều không được tác giả LV sử dụng để nói về hai nhóm nói trên. Phải chăng ông viết như vậy chỉ nhằm mục đích quy chụp về động cơ chính trị, phản động đối với NT?

Xin trích một đoạn trong LV của NT để làm chứng cứ cho những gì tôi mới viết ở trên (là điều mà lẽ ra ông PTT cũng phải làm trong bài phản biện của mình):

Nảy nở từ trong lòng đô thị Sài Gòn, Mở Miệng thừa hưởng những phẩm tính sáng tạo của di sản văn học miền Nam thời tạm chiếm. Mở Miệng ra đời trước hết là một nhóm văn chương, với những kẻ đeo đuổi văn chương, mang ý hướng cách tân nghệ thuật chứ không phải một nhóm chính trị có mục đích chống chính  sách,  vì chính sách không còn can hệ tới thế hệ của họ. Mở Miệng ra đời trước hết để PHẢN THƠ chứ không phải để PHẢN KHÁNG. Trong cùng khoảng thời gian những năm 1950, nếu ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Nhân Văn - Giai Phẩm là nỗ lực thất bại chống lại sự độc tài của lãnh đạo và đòi nghệ thuật được là nghệ thuật, thì nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn là cuộc nổi loạn mang tính khai phá về thi pháp. Mở Miệng, sinh ra trong bối cảnh „thống nhất đất nước‟ đã tiếp thu cả hai nguồn nổi loạn ấy, để bị/được gánh vác thêm vai trò của „những kẻ phản đảng‟ bên cạnh ý hướng văn chương. (tr. 34)

Nhân tiện, cũng xin nhắc ông PTT phần chú giải của NT ở trang 36 về nghĩa của từ "chính trị" đang được sử dụng theo nghĩa của văn hóa học mà NT đã dùng trong LV của cô. Ông PTT có thể phê phán phần chú giải này nếu ông thấy nó không đúng với hệ thống lý luận mà NT đã chọn, chứ không thể bỏ qua không thèm đếm xỉa đến nó, mà vẫn (cố tình?) hiểu "chính trị" (và toàn bộ diễn ngôn có liên quan) theo cách hiểu của ông, từ đó quy chụp cho NT mọi động cơ chính trị mà chẳng cần chứng cứ nào ngoài một vài câu từ mà ông không thích do đã hiểu sai. 

Trích từ LV NT (phần chữ in hoa là nhấn mạnh của tôi):
Xin được chú giải thêm, trong nghiên cứu văn hóa, thuật ngữ „chính trị‟ („politics‟ ) có một phạm vi ứng dụng rộng rãi: nó ám chỉ sự phân bố và hoạt động của quyền lực, không được /bị giới hạn với chính trị của Đảng, CŨNG KHÔNG PHẢI CHỈ ĐƯỢC XEM XÉT VỀ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA QUYỀN LỰC BỞI CHÍNH QUYỀN. [...] Quan niệm phổ biến ở Việt Nam thường đồng nhất chính trị với tính chất đối kháng, thậm chí là sự đối kháng giữa các cá nhân (thường là yếu đuối, nổi loạn, kẻ mất) với cơ chế (không cụ thể, lớn mạnh, bề thế). Nhìn như thế, cuộc đối kháng này thường là vô vọng. Những cuộc liều thân của văn nghệ vào những thành trì chính trị - hiểu theo nghĩa quyền lực nhà nước và thể chế - không bao giờ cân sức. Tuy nhiên, một QUAN NIỆM RỘNG RÃI VỀ TÍNH CHÍNH TRỊ NHƯ LÀ SỰ XÁC LẬP VỊ THẾ CỦA CÁC CÁ NHÂN VỚI NHAU TRONG MỘT BỐI CẢNH CỤ THỂ, và cùng với nó là thức nhận về bản chất chính trị của văn hóa như phân tích ở trên sẽ đưa đến nhận thức khác về sức mạnh chính trị của văn học. (trang 36)

Chính vì không hiểu diễn ngôn mà tác giả LV đang sử dụng, dẫn đến việc hiểu sai hoàn toàn những gì mà tác giả LV đã viết, nên ông PTT đã có nhiều quy chụp rất "đao to búa lớn", như có thể thấy trong đoạn trích (rất dài) dưới đây:

6. Trích:
Ở trang 73, cuối chương II, tác giả đã TỰ ĐẶT CÂU HỎI, TỰ TRẢ LỜI VÀ TỰ BỘC LỘ ĐỘNG CƠ CHÍNH TRỊ của mình khi thực hiện luận văn này: “Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao? Khi nhà thơ tự mang mình ra như tang chứng của đời sống, của sự áp chế, họ không sở hữu quyền lực thực sự. Có lẽ chính tính chất vô ích của loại hình nghề nghiệp này, những câu hỏi về vị trí, trách nhiệm của nhà văn với xã hội và bối cảnh vẫn cứ được đặt ra, nhiều nghịch lý hài hước mà khó trốn thoát. Vậy cái tình thế của một nghệ sĩ Việt Nam, hoặc là thoát khỏi bối cảnh, trở thành một công dân toàn cầu, hoặc vị nghệ thuật, vị cá nhân, hoặc gắn chặt với bối cảnh thì phải vừa chính trị, lại vừa văn nghệ và cách tân”.
  
Đây là một luận điểm mang tính chất kích động rõ rệt.

Đoạn trích nói trên cho thấy ông PTT thực sự không hiểu LV của NT đang nói gì, hẳn là do ông không hề theo dõi những cuộc tranh luận quanh đến các vấn đề chính trị của văn hóa/văn học hiểu theo nghĩa rộng mà NT đã nêu ở trên. Để phân tích ông PTT đã hiểu sai như thế nào, đã có bài viết của TS Nguyễn Thị Từ Huy đã đăng trên Tiền Vệ hôm nay (tại địa chỉ: http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=17655), nên tôi sẽ không bình luận gì hơn.

Chỉ xin nêu thêm một nhận xét ngoài lề, đó là: Ngay cả NVGP, những người thực sự đã "đấu tranh chính trị" (hiểu theo nghĩa hẹp là đấu tranh với "quyền lực bởi chính quyền" như chú giải của NT ở trên) và đã bị hệ thống trừng phạt nặng nề, sau đó vẫn có thể được phục hồi danh dự và thậm chí còn được những giải thưởng cao quý, thì tại sao việc NT phân tích, diễn giải, thảo luận về cách thực hành thơ của một nhóm thơ mà quan điểm chính thống cho rằng hoàn toàn không có giá trị, đứng ngoài lề, nghịch ngợm phá phách tục tĩu như MM lại bị cho là phản động, là âm mưu chính trị đội lốt văn chương, đe dọa chế độ như ông PTT đã kết luận trong bài phản biện của mình nhỉ?

Phần 4 của ông PTT còn rất dài; ở trên tôi mới chỉ phân tích những gì ông đã viết liên quan đến chương 1, nhưng tôi cho rằng như thế cũng đã rất đủ để chứng minh rằng ông đã hiểu sai hoàn toàn cuốn LV của NT từ lý do chọn đề tài, đến cơ sở lý luận và các thuật ngữ cơ bản; vì vậy, ông không thể nào phân tích và đưa ra những phán đoán chính xác về cuốn LV được. Vả lại, có phân tích thêm thì cũng chỉ là thừa, vì bài phản biện của ông chỉ toàn là trích dẫn theo kiểu cắt ghép tùy tiện để phục vụ mục đích quy chụp của ông, chứ không có mấy nhận định dựa trên lập luận dựa trên chứng cứ rõ ràng. Ngoài ra, các nhận định của ông sau mỗi phần cũng chỉ lặp đi lặp lại vài ý: phản động, hô hào, cổ súy, cổ vũ, kích động. Xin liệt kê ở đây những "nhận định" (rất ít ỏi) của ông PTT trong những phần mà tôi chưa thảo luận:

- Nguy hiểm hơn, tác giả luận văn còn cổ vũ cho việc đem tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra để giễu nhại, sàm sỡ ... (Xin hỏi, tác giả NT đã cổ vũ điều này bằng những lời lẽ nào, mong ông nêu rõ)

- Với sự nhìn nhận 3 phương diện “cách mạng” này của Mở miệng, tác giả luận văn trở thành người cổ súy, bênh vực nhiệt thành cho những thứ văn chương bên lề, văn chương rác rưởi, dơ bẩn, văn chương nghĩa địa. Với loại văn chương này, tất cả những gì nghiêm chỉnh nhất, thiêng liêng nhất cũng được đưa ra để biếm nhại, công kích, đả phá và kêu gọi lật đổ. (Ông PTT có nhầm không nhỉ? Chính là MM đã viết như vậy, với mục đích gì thì xin chưa bàn đến ở đây, nhưng có phải là NT đã thực sự biếm nhại công kích đả phá kêu gọi lật đổ gì đâu? Cô ấy chỉ mô tả cách "thực hành thơ" của nhóm MM thôi. Xin nói đùa một chút (cho đỡ căng thẳng vì bài viết đã quá dài): Nếu NT đã chỉ ra trong LV rằng nhóm MM đã viết một cách diễu nhại như vậy, thì thực ra là cô ấy "có công" đấy chứ, vì đã gián tiếp cảnh báo cho an ninh văn hóa biết (!) để mà cấm hoặc theo dõi (!) ...)

Điểm cuối cùng tôi muốn nêu ở đây là cách viết phản biện của ông PTT rất có vấn đề, như nhiều người khác đã chỉ ra, ví dụ bài của TS Từ Huy mà tôi đã nêu ở trên và trong nhiều bài viết khác (có thể tham khảo trên trang Văn Việt tại địa chỉ vanviet.info). Thay vì nêu tóm tắt những gì tác giả LV đã viết rồi sau đó phân tích đúng sai trên xem xét các mục đích và nhiệm vụ mà cuốn LV đã đặt ra, rồi cuối cùng mới đến việc trích dẫn từ LV để chứng minh rằng phần phân tích của mình là hợp lý, thì ông PTT đã chọn cách làm mà các sinh viên ... dốt và/hoặc lười thường hay làm, đó là chép nguyên văn từ cuốn LV (và chép rất dài), cắt ghép tùy tiện, không thèm đọc và hiểu hệ thống lý luận và thuật ngữ mà tác giả dùng, không xây dựng các lập luận để từ đó đưa ra các kết luận, mà (sau khi đã chép rất dài) chỉ đưa ra những lời phán chủ quan từ trên trời rơi xuống theo đúng định kiến sẵn có của mình. Một bản phản biện có quá nhiều lỗi như của ông PTT sao lại có thể được sử dụng để làm căn cứ thu hồi bằng thạc sĩ của NT, quả tình tôi không hiểu được.

Ông PTT có lời giải thích gì cho những phần tôi đã viết ở trên hay không? Nếu không, tôi xin phép đi đến phần kết luận của ông, trong phần 5 dưới đây.

Phần 5
Sau khi đã điểm qua LV của NT ở 4 mục mà tôi đã trình bày và tranh luận trong các phần 1, 2, 3, 4 ở trên, ông PTT đưa một số kết luận và kiến nghị. Thực tình, sau khi đọc nhận xét phản biện của ông lần đầu tiên, những kết luận và kiến nghị rất nghiêm trọng ấy đã làm tôi rất băn khoăn và tin chắc chắn rằng NT hẳn cũng đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Vì vậy, tôi đã phải đọc đi đọc lại LV của NT (hơn 100 trang) để xem có chỗ nào có thể cho phép kết luận như ông PTT đã kết luận hay không. Nhưng quả tình tôi không thể tìm thấy, đặc biệt là nếu chỉ dựa trên những trích dẫn và lập luận trong bài phản biện của ông PTT.

Với tư cách là một người đọc độc lập đã đọc kỹ cuốn LV, tôi thấy NT bị ông PTT quy chụp quá nhiều “tội”, trong khi nếu cố tình tìm “tội” thì theo tôi NT cũng chỉ có hai cái "tội" thôi. Tội đầu tiên của cô ấy là đã cố gắng viết về MM với tư cách là "người trong cuộc" (tức không thành kiến, không lên án, không tỏ vẻ ghê tởm, phẫn nộ như phản ứng của những người giống như ông PTT, ngược lại đã cố gắng thấu hiểu, thậm chí tỏ ra thông cảm). Tuy nhiên, điều đó chẳng qua cũng do nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra cho cô ấy mà thôi. Vì, để hiểu đúng những kẻ bên lề thì trước hết phải cố gắng trở thành một người trong bọn họ - đại khái giống như trong nghiên cứu xã hội học, muốn hiểu những người sử dụng ma túy thì phải nhập vai một người nghiện ma túy, để có thể thực sự hiểu được họ đã nghĩ gì và tại sao lại làm như họ đã/đang làm.

Đây là một phương pháp nghiên cứu của các ngành nhân văn rất phổ biến ở các nước phương Tây, và chính nhờ phương pháp này mà họ có thể thực sự hiểu những "vấn nạn" của xã hội và có phương cách để quản lý nó một cách hiệu quả, được những người "bị quản lý" chấp nhận mà không chống đối. Vì vậy, cái mà ông PTT có thể cho là “tội” thì thực ra lại là “công”, vì mặc dù phương pháp mà NT đã chọn chẳng có gì mới ở phương Tây, nhưng ở VN chỉ có ít người hiểu và (dám) vận dụng đến nơi đến chốn. Bởi, quả thật, chúng ta vẫn rất quen với tư duy áp đặt từ trên xuống, và vì thế cũng luôn có quan điểm lên án người khác khi hành xử không theo cái được cho là “chính thống”, chứ không chịu cố gắng hiểu và thông cảm với “những kẻ bên lề”.

"Tội" thứ hai, và đây là một điều mà tôi cho là NT và những người hướng dẫn có thể cần rút kinh nghiệm, là đã áp dụng một lý thuyết dù hoàn toàn không có gì mới nhưng vẫn còn quá xa lạ ở VN, với những ngôn ngữ nghe rất "nhạy cảm" ở một quốc gia chỉ có một đảng độc tôn về chính trị như ở VN, mà chưa có sự chuẩn bị dư luận kỹ lưỡng hơn, khiến dễ bị hiểu lầm và quy chụp nặng nề, là điều đã xảy ra. Nhưng ngay ở chỗ này, với những ầm ỹ và những tai họa mà NT đã phải trải qua cho đến giờ, thì LV của NT cũng đã có đóng góp vô cùng lớn, đó là (vô tình) làm cho rất nhiều người quan tâm đến hiện tượng mà cô ấy đã chọn để nghiên cứu, và cả hệ thống lý luận mà cô ấy đã sử dụng để mô tả và giải thích hiện tượng đó. Thực ra, trong phạm vi hẹp thì những điều mà NTđã viết trong LV chẳng có gì là ghê gớm; giới nghiên cứu văn học ở VN có đi học ở nước ngoài (hiện nay đã khá nhiều) đều hiểu rõ những lý luận và diễn ngôn này. Chỉ có ở VN thì nó mới được xem là mới, là lạ, là "can đảm", là "nhạy cảm", hoặc là "phản động" mà thôi. Thế mới thấy, khoa học xã hội và nhân văn của VN lạc hậu so với thế giới đến là chừng nào.

Đó là những nhận định mang tính kết luận của tôi về vụ NT, là một vụ việc mà tôi đã tốn vô cùng nhiều thời gian để theo dõi, vì không thể hiểu tại sao đến bây giờ người ta vẫn còn hành xử man rợ như vậy. Phần còn lại xin dành để tiếp tục chất vấn (ngắn gọn) những kết luận mà ông PTT đã đưa ra, để có sự nhất quán với cách tranh luận mà tôi đã chọn trong bài này.

Trích từ phần đầu của "Kết luận và kiến nghị của người nhận xét"; tôi đã ngắt đoạn và thêm gạch đầu hàng cho dễ đọc:
------------
- Như tác giả luận văn đã tự xác nhận [ở chỗ nào nhỉ?], đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” với rất nhiều quan điểm chính trị và học thuật sai trái,
- mang tính chất kích động, đả phá chế độ, xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá sai lệch về sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước;
- không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy;
- cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc;
- tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước...
- Luận văn lại được viết bằng một văn phong trôi chảy, có sự mở rộng trên cả hai lĩnh vực văn chương và chính trị, vì vậy, đây là luận văn nguy hiểm, cần được chỉ ra các sai sót để hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội và văn học. 

Tất cả những điểm trên tôi đã trao đổi kỹ trong 4 phần trước rồi. Chỉ xin nhắc lại: Như nhiều người khác đã nêu, ở đây ông PTT có sự nhầm lẫn giữa "tội" của nhóm MM và "tội" của tác giả LV. Ông có thể ghét MM, có thể đề nghị cấm lưu hành thơ MM, có thể tức giận về sự giễu nhại của MM đối với những cái mà ông và những người cùng suy nghĩ cho là thiêng liêng, nhưng những cái đó không phải là tội của NT. Điều duy nhất mà cô ấy là chỉ là mô tả và phân tích cách “thực hành thơ” (bao gồm các thủ pháp giễu nhại, giải thiêng gì gì đấy) theo một hệ thống lý luận mà cô ấy đã chọn vì cho rằng nó phù hợp để giải thích hiện tượng này mà thôi. Mà những lý luận ấy cũng đã tồn tại lâu rồi, chứ có mới mẻ gì cho cam!

Từ những nhận định mang tính kết luận của ông, tôi xin nêu một thắc mắc nhỏ: Nếu LV có tác dụng nguy hiểm ghê gớm như vậy, tại sao không mấy ai biết đến nó, cho đến khi nó được lôi ra từ trong một góc kẹt nào đó của TV trường ĐHSP Hà Nội để được "đấu tố" ầm ỹ trên báo chính thống từ năm ngoái, rồi lại thêm một lần ầm ỹ hơn sau vụ tước bằng âm thầm lén lút mới đây? Nếu nó thực sự đã gây tác hại, ông PTT có thể nêu một vài ví dụ được không?

Nếu ông PTT không có lời nào để giải thích, thì tôi xin kết luận rằng tất cả những gì mà hệ thống đã làm cho đến nay chỉ là một nhầm lẫn buồn cười. Rất mong mọi người bình tĩnh xem xét và trả lại cho NT cùng người hướng dẫn và các thành viên HĐ 1 những cái quyền mà họ đương nhiên phải được hưởng, và xin không làm gì thêm bất cứ điều gì khiến cộng đồng khoa học trong và ngoài nước xem thường chúng ta hơn nữa.

Rất mong những lời của tôi có thể đến tai người có trách nhiệm. Mong lắm thay.

Nghịch lý văn chương và thông điệp đẫm máu


Nghịch lý văn chương và thông điệp đẫm máu

Nhân đọc “PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” đăng trên vanvn.net ngày 19.4.2014

 Hà Nhân

10153892_10202563685587559_1694615066525449265_nBài nhận xét luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan do PGS.TS Phan Trọng Thưởng viết khá dài, ước chừng khoảng 10 trang A4. Đọc đi đọc lại thì thấy có nhiều chỗ “bi hài thống thiết” nên phải viết ra đây, coi như lời tản mạn, nhàn đàm của một “thảo dân” biết chữ.
1. Nghịch lý thứ nhất: Luận văn phức tạp, còn lời nhận xét thì đơn giản ngoài sức tưởng tượng
Tôi cho rằng luận văn của Đỗ Thị Thoan rất phức tạp trên nhiều phương diện: vấn đề phức tạp, phương pháp phức tạp, câu chữ phức tạp, kết luận phức tạp, dư luận phức tạp.
-         Vấn đề phức tạp: vì đối tượng nghiên cứu không chỉ là nhóm Mở Miệng và thơ của nhóm này mà là vấn đề “thực hành thơ” dưới góc nhìn “văn hóa”. Không thể phiên dịch “Thực hành thơ” chỉ là làm thơ (bởi nội hàm nó rộng hơn, còn có nghĩa là “nghịch thơ”, “chơi thơ”, v.v…), ở đây cần hiểu là một hành vi sáng tạo chưa định danh, một xu thế về thể loại. Nghiên cứu một xu thế văn chương cũng giống như giải một bài toán về quĩ tích, tìm một điểm M vô hình nào đó luôn động của một tập hợp điểm, phức tạp quá chứ còn gì.
-         Phương pháp phức tạp: cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong trường hợp này đòi hỏi một phương pháp liên ngành ở chiều sâu (đòi hòi quá nhiều tri thức vệ tinh như lý thuyết thơ đương đại, lý thuyết hậu hiện đại, triết học hậu hiện đại,…), đồng thời phải có bản lĩnh về loại hình học. Chỉ cần đặt câu hỏi thơ nhóm Mở Miệng có phải là thơ không, thì toàn bộ luận văn đã có nguy cơ đổ. Vì thế, cô Thoan thông minh đã đặt “Mở miệng” vào “góc nhìn văn hóa”, vào thế “thực hành”. Đó là cách “thoát” của cô. Xét về bản lĩnh học thuật, cách thoát đó cũng đã đủ làm chứng cho trình độ thạc sĩ của cô rồi.
-         Câu chữ phức tạp: Cô Đỗ Thị Thoan dùng rất nhiều câu ghép, câu phức, phương tiện liên kết câu linh hoạt, trích dẫn trùng điệp, trộn lẫn câu nghi vấn và câu khẳng định khiến người không quen đọc rất khó tiếp cận. Chưa kể những dẫn chứng về tác phẩm của nhóm Mở Miệng cũng thuộc loại ngôn từ khó đọc.
-         Kết luận phức tạp: Tuy cô Thoan có viết phần kết luận trong luận văn (theo nguyên tắc trường qui đối với luận văn cao học) nhưng vấn đề về Mở Miệng không thể kết luận, vì tính đương đại của nó, và vì bản chất khoa học xã hội, nhân văn không phải là thứ dễ đi đến một kết luận cuối cùng. Cái thông minh của cô Thoan lại nằm ở mấy câu hỏi.
-         Dư luận phức tạp: Cô Thoan viết luận văn khi mà trước đó, trong khi đó, và sau này, những đánh giá về nhóm Mở miệng vẫn còn phân hóa cao độ.
Với một núi phức tạp xoay quanh đề tài, có thể nói rằng, luận văn của cô Thoan được viết bằng tất cả sự “ngây ngô chính trị” của một người trẻ ham hiểu biết, ham đọc, ham nghĩ, ham trình bày và diễn giải, ham đặt vấn đề, ham ngắm mình qua vấn đề mà mình tâm đắc đến cao độ. (Tôi phải dùng từ “ngây ngô chính trị” trong ngoặc kép để đối lập cái nhận xét của ông Thưởng dành cho cô Thoan là “kích động chính trị”. Nếu muốn kích động, thì hỡi ôi, Thuyên ơi là Thuyên, dại gì mà viết hàng trăm trang trong một bài tập luận văn để người ta đánh giá, chấm điểm, công bố?). Cô Thoan nói về chính trị bằng sự ngây ngô trong thái độ (sống) và sự già dặn trong nhận thức học thuật (trong tình huống nghiên cứu của cô). Cái “ngây ngô” của cô Thoan rất gần với sự hồn nhiên. Cô không biết (hoặc không chú ý rằng) việc chọn lựa đối tượng nghiên cứu và cách viết của mình sẽ “chạm nọc” một thiết chế cằn cỗi, một hệ thống báo động thuần thục, một cảm hứng “truy xét” vốn tràn trề trong cái bầu khí quyển xứ này.
Ngược lại, người nhận xét (là Phó Giáo sư Phan Trọng Thưởng) lại có vẻ “già dặn” trong thái độ (sống) và “ngây ngô” trong nhận thức học thuật. “Già dặn” vì ông chấm luận văn nhưng toàn nói chuyện “quốc gia đại sự”, ngỡ như giọng của một người “ưu dân ái quốc” xa xưa. “Ngây ngô” vì chỗ cần phân tích thì ông không nói, chỗ cần lý luận thì không bàn, ông chỉ nói cái ông đã “đinh ninh”, cái ông nghĩ trước rồi đặt vào “cho tiện” (một phong cách rất chuẩn “quan cách”). Ông trích dẫn nhiều nhưng không mổ xẻ (chắc ông cũng ngại!), trích dẫn nhiều đến nỗi thi thoảng người đọc có cảm giác ông cũng …ngầm thích mấy cái dẫn chứng đó hay sao (?!), hoặc không đủ sức phân tích cái đống ngôn từ ngồn ngộn mà ông trót trích ra. Thế không “ngây ngô” thì gọi là gì?
Cô Thoan không thể nhân danh một quyền lực chính trị nào để viết (vì làm sao có được một quyền lực nào?). Cô Thoan lập luận nhiều hơn kết luận (vì cô phải cố gắng viết để còn ra bảo vệ trước hội đồng học thuật). Còn ông Thưởng thì không nhận xét mà phán xét (vì ông được cho và tự cho mình quyền đó), không lập luận mà kết luận (vì ông không có thời gian và trình độ để thông diễn). Thái độ hai chiều trong tương quan người viết-người đọc ở đây là rất “bí hiểm”.
Mà mấy cái câu kết luận của ông, hình như câu nào cũng có vấn đề. Ví dụ: “Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”. Sao vậy? Sao “một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm” thì lại “mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”? Chắc ông lo làm chính trị nên quên cách viết văn sao cho có nghĩa. Viết như thế làm gì có nghĩa gì. Một số kết luận khác trong bài nhận xét của ông Thưởng:
-         “Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt”
-         “đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn”
-         “Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ”.
-         “Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường”
Về mẫu câu, ta thấy chủ yếu ông dùng mẫu: “Đây là”, “Đó là” (vì nó rất dễ dùng). Ở câu cuối cùng, ngữ pháp tiếng Việt được ông sử dụng “loạn xạ”, ai hiểu được thì hiểu.
Viết như thế, hoặc là ông không thể suy nghĩ được nữa, do tuổi tác, do lạm dụng hay ám ảnh quá khứ quyền lực, hoặc là ông quen với một số “mẫu câu cơ bản” được rèn luyện qua mấy đợt học chính trị cao cấp, dùng để đọc người khác, cái khác, hoặc ông mất khả năng liên tưởng về ngôn từ. Cái nào cũng nguy hại quá chừng!
Dùng một cách viết đơn giản, ngây ngô như một nắm tay sắt để đối chọi lại một hiện tượng học thuật vô cùng phức tạp, đó là “bản lĩnh chính trị” của PGS Thưởng hay thói quen “viết lách” của ông từ trước đến nay? Câu hỏi này làm tôi nghĩ mãi.
2. Nghịch lý thứ hai: Luận văn viết theo phong cách khá nghệ sĩ, bản nhận xét thì có màu sắc lời nghị án của tòa.
Luận văn được viết trong tâm thế cho một người đọc lý tưởng – người đọc được đón đợi nhiều nhất trong tâm lý người viết. Điều này cũng là bình thường. Ai cũng biết đó là qui luật của tâm lý tiếp nhận, mỹ học hồi đáp. Nói như thế để thấy sự đam mê quá đà của cô Thoan trong quá trình viết luận văn. Nhưng đọc kỹ luận văn thì mới thấy là không phải cô đam mê chính nhóm Mở miệng mà cô đam mê những hiện tượng tinh thần và các rắc rối của nhóm Mở miệng xoay xung quanh những dự cảm và hệ lụy của kiểu sáng tác này. Cô đam mê đến mức viết luận văn mà như viết thơ, viết tùy bút, nhiều chỗ phóng bút mạnh mẽ, liều lĩnh để chờ đợi những tri âm của mình. Và đó cũng là điều mà Hội đồng chính thức cách đây hơn 3 năm đã trân trọng đánh giá cô. Điểm 10 của cô là điểm 10 của tiềm năng, hứng khởi chứ không phải là một sự xác quyết về tài năng tuyệt đối hay sự xác lập thái độ phe cánh chính trị. Đó là cái lý của Hội đồng chính thức lần 1. Họ có quyền nghiêng về quan điểm phóng khoáng, nghệ sĩ hay chặt chẽ, kín kẽ trong quá trình đánh giá, phản biện. Sự chênh lệch về điểm khi nghiêng về quan điểm này hay quan điểm khác hoàn toàn nằm trong cái khung đảm bảo những đúng đắn về tiêu chí đào tạo sau đại học; cho nên kết quả của Hội đồng lần 1 không có bất kỳ lý do gì để bị phủ quyết. Họ còn xa lắm mới “thấp xuống” thành cái gọi là “ổ phản động” như nhận định của ai đó trong cuộc chiến nóng hổi “đánh Nhã Thuyên” đã (và đang) diễn ra.
Nhưng có vẻ như ông Thưởng không thuộc vào số người đọc lý tưởng của cô Thoan (đương nhiên, mà ông cũng không muốn thế chút nào!). Ông thuộc vào “số khác”.
Tôi rất lấy làm lạ kỹ năng “đọc nhanh”, “đọc lướt” của PGS Phan Trọng Thưởng (và ngờ ngợ hay giáo sư không quen đọc tiếng Việt, nhất là mấy câu phức khó, dài?). Cô Đỗ Thị Thoan chưa bao giờ từ nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương”. Nhưng ông Thưởng thì chắc như đinh đóng cột: “Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương”. Nguyên văn đâu phải thế, cô Thoan viết là: “Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao?”. Ôi ông Thưởng ơi, đời thuở nhà ai lại có người ngu dại thế, lại tự nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương” làm gì cho khổ. Cô Thoan cô ấy nói rằng nếu như đặt hai câu hỏi đối với hiện tượng nhóm Mở Miệng: 1 là “cách tân văn chương mang tính chính trị”, 2 là “chính trị đội lốt văn chương” thì cả hai câu hỏi đó đều bị hạn hẹp bởi cách hiểu thô thiển về chính trị. Sau đó, cô ấy đặt ra mấy câu hỏi mở rộng. Mà mấy câu đó đều xoay quanh vấn đề bản chất của văn chương là gì? Mối quan hệ giữa văn chương và chính trị thực chất là gì? Cô Thoan quan tâm điều đó, chứ cô Thoan không gọi làng nước tới hoặc be be lên chứng minh mình là cừu đen lạc trong đám cừu trắng đâu.
Cái nghịch lý bi hài cao độ của vụ Nhã Thuyên là: Hội đồng chấm luận văn lần thứ nhất (chính thống về học thuật) là một sự hợp nhất của cái nhìn nghệ sĩ (tất nhiên nghệ sĩ tuyệt đối trong học thuật thì cũng có mặt hay dở của nó). Hội đồng thứ hai (chính thống về chính trị) là một sự “thăng hoa” của uy quyền. Điểm 10 được biểu quyết là sự cộng hợp các trạng thái nghệ sĩ của người viết, người chấm. Còn kết luận hủy diệt là sự đồng tình nhất trí của những người “bảo hoàng hơn vua”, quyết tâm sống mái chấm dứt những “thăng hoa” … không giống mình.  
3. Nghịch lý thứ ba: Luận văn thực sự là một hiện tượng trong nghiên cứu và giảng dạy văn học đương đại, bản nhận xét là một “hiện tượng ăn theo” có khả năng “nổi tiếng” hơn “chính chủ”.
Có thể nói, đến giờ phút này, PGS. TS. Phan Trọng Thưởng “nổi tiếng ngoài dự kiến”, đi vào lịch sử ngoài dự kiến. Ông có đến mấy cái nổi tiếng hơn người. Trong danh sách tham gia “thẩm định lại” luận văn cô Đỗ Thị Thoan, ông là người từng có địa vị danh giá nhất (Viện trưởng Viện Văn học). Đó là cái nổi tiếng thứ nhất. Danh giá thế mà lại dự phần vào cái “cuộc nhiễu nhương” này. Đó là cái nổi tiếng thứ hai. Tham gia chấm lại xong, ông rất bình tĩnh đưa bài nhận xét lên báo mạng (tất nhiên là báo chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam). Đó là cái nổi tiếng thứ ba. Bài nhận xét, đứa con tinh thần của ông, giờ phiêu bạt chân trời nào, bị thiên hạ đối xử ra sao, chắc ông không thể lường nổi, không thể lường hết. Đó là cái nổi tiếng thứ tư của ông. Và chắc là ông còn được nhắc đến nhiều nữa như một “huyền thoại” của “kỳ tích” đào tạo đại học xứ Việt.
4. Nghịch lý thứ tư: Người viết luận văn thì say cuồng văn chương, người viết nhận xét thì mê mẩn uy quyền
Cô Đỗ Thị Thoan quả là say nghề say chữ. Có lẽ phong cách viết của cô Thoan đã chiếm được cảm tình Hội đồng lần 1 bởi tính chuyên nghiệp và bản lĩnh ngôn từ. Cô Thoan không viết luận văn như học trò làm bài tập mà viết như một trí thức có nhiều suy nghĩ trưởng thành, sắc sảo, có một trình độ diễn đạt nhuần nhuyễn. Đó là một sự khác biệt không thể bỏ qua. Nhưng cô cũng là nạn nhân của chính mình. Cái sai lớn nhất của Nhã Thuyên là (có lẽ do quá say viết) đã chọn nhầm điểm- rơi- thái- độ với đối tượng nghiên cứu của mình: đẩy thực hành thơ của Mở miệng lên góc nhìn mỹ học (Không phải bất kỳ một hiện tượng thực hành thơ nào cũng có một nền tảng mỹ học hoặc có khả năng xây dựng một mỹ học cho mình. Ngay nhóm Xuân Thu nhã tập với hoài bão làm nên một mỹ học về Đạo, về sự trong sáng của thơ, cũng chấp nhận dở dang và không thể xem là đã có một mỹ học, huống gì những bước đi tìm kiếm và bề bộn của Mở miệng). Đó mới là cái lệch lớn nhất của luận văn. Cái lệch ấy, nếu có thể gọi là sai, thuộc về cái sai của một đẳng cấp học thuật, chứ không phải cái sai của tư cách công dân.
Thế nhưng, trong khi người viết say mê văn chương bao nhiêu thì người chấm lại mê mẩn việc tiêu diệt văn chương bấy nhiêu. Cái uy quyền mà PGS Thưởng thể hiện trong bài nhận xét thể hiện ở lượng từ vựng “an ninh” được dùng một cách hào hứng và kiên trì. Đặc biệt, như trên đã phân tích, luận văn được trích trong bài nhận xét rất nhiều (chắc là phải đến gần 80% lượng chữ), không cân đối một chút nào với mấy lời điểm chú rất “quái dị”, tối tăm của ông giáo sư.
Chỉ có sự uyên bác, tài năng và niềm tin vào chân lý học thuật mới là quyền lực cao nhất và cần có nhất ở môi trường trí thức. Ngoài ra, mọi “quyền lực khác” đều là lố bịch.
Trong cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân viết về Nguyễn Trãi của một tác giả người Pháp Yveline Féray, tôi nhớ có một câu như thế này: “Bi kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội nhỏ bé”. Cái thước thì ngắn mà đo những thứ quá cao quá dài – sự thật đó là bi kịch của cái thước hay bi kịch của cái thứ cao dài kia? Nguyễn Trãi bi kịch vì sinh ra ở Việt Nam, hay Việt Nam bi kịch vì đã giết Nguyễn Trãi? Một môi trường học thuật mà quan hệ giữa thầy và trò trở thành quan hệ dân – quan, quan hệ tử tù và thẩm phán thì hỡi ôi, trước khi cái thước ngắn cũn cỡn kia lâm vào bi kịch bất lực, nó cũng giết đi bao nhiêu thứ dài cao vô hạn; nó đo hết và trảm hết những cái vượt ra ngoài cái nó đo. Ai đã đẻ ra cái thước đó, và ai cho nó quyền được đo tất cả?
5. Nghịch lý thứ năm: Nhan đề phản chủ
Có lẽ ông Phan Trọng Thưởng suy nghĩ rất cẩn trọng để chọn một nhan đề rất nhã nhặn, lịch sự trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay: “để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”. Song, chẳng hiểu thế nào mà nội dung bài viết ấy lại làm người đọc hiểu rõ hơn thực chất về… PGS.TS Phan Trọng Thưởng! Đó là sự diễn tiến của chữ nghĩa ngoài đoán định của PGS. Nếu như thế thì chính chữ nghĩa của ông đã nổi loạn với chính ông. Vậy, chẳng phải “nổi loạn là điều kiện để sáng tạo hay sao”, thưa ông? Vậy, sao ông lại bức xúc khi người khác nói về sự “nổi loạn”?
6. Nghịch lý thứ sáu: viết về “Mở miệng” nhưng bị bắt “Im mồm”
Cô Đỗ Thị Thoan hẳn không thể tưởng tượng nổi một kết cục cười ra nước mắt: luận văn viết 3 năm được thông qua bây giờ bị hủy, hào hứng viết về “Mở miệng” thì bị tịch thu, đuổi việc và bắt “im mồm”…
Khi viết bài này, tôi luôn ám ảnh trong đầu ông Phan Trọng Thưởng là một “thiên sứ”, hoặc một “sứ giả” mang thông điệp từ một Đấng nào đó để đáp xuống cái Khoa Ngữ văn của Đại học Sư Phạm Hà Nội đang bề bộn bao nhiêu vấn đề… Đúng như cái tên ông vậy, một sự “trọng thưởng” từ phía nào đó vô hình trên cao dành cho cương vị ông có, cho tiếng nói ông nói. Ông viết nhận xét như dạo một bản “nhạc thánh”, tuyên bố về luận văn như tung chiếu chỉ!
Không một trí thức đích thực nào ở nước Việt Nam này không biết đến vụ án Nhân văn Giai phẩm hồi giữa thế kỷ XX; Gọi là một cuộc chơi cũng đúng, một cuộc chiến cũng đúng, một lỡ lầm, một quá đáng, một ăn năn, một uất nghẹn…, đều đúng! Chắc chắn rằng bao nhiêu con người ngậm khối tinh thần đau đớn đem chôn xuống ba tấc đất ngày ấy cũng đã thấm thía những tờ “thánh chỉ” có một không hai kiểu như “bản nhận xét thẩm định” của ông Thưởng. Những thông điệp bên ngoài có vẻ lịch sự, nhã nhặn, trịnh trọng tựa như lời của kẻ “cầm cân nảy mực” cho sơn hà lại chứa đựng nhiều dự cảm đẫm máu (như đã từng xảy ra). 
Văn chương, nghệ thuật không nhất thiết phải trở thành nạn nhân trong bất cứ thời đại nào, cũng như không có quy luật nào cho phép khoa học là nạn nhân của thần học cực đoan. Nhưng sự thật là: khoa học vẫn từng chết dưới tay thần học, văn chương vẫn bị chính trị hành quyết. Những cuộc “tuẫn tiết” diễn ra trong quá khứ đã chứng minh rằng khi một nền văn nghệ sống trong sự kiểm duyệt của “văn hóa công an” thì bề nào nó cũng trở thành nạn nhân. Hoặc là nó “vinh dự” trở thành một nạn nhân tự nguyện, tự mình cắt cụt chiếc cánh tự do vô tận, hoặc là nó cam khổ trở thành một nạn nhân bị cưỡng bức, mọc chiếc cánh tự do như một “quái thai” bay tới một chân trời mà điểm dừng của nó là những song sắt nhà tù lè tè dưới mặt đất.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng thật “dũng cảm” khi công bố bản nhận xét của ông (“Dũng cảm” trong nhiều nghĩa!). Vậy là vẫn còn những bản nhận xét khác nữa (vì Hội đồng thẩm định đâu chỉ một người). Ai quyết được rằng hàng tá lời thẩm định trong bóng tối kia sẽ không dắt díu tới những ngày buồn đẫm máu một thời của “nạn chữ nạn văn”…?
22.4.2014
Tác giả gửi Văn Việt

Friday 25 April 2014

Luận văn Đỗ Thị Thoan và những lời bàn (Nguyễn Xuân Đức - Văn Hóa Nghệ An)




Tôi biết về nhóm Mở Miệng từ hơn mười năm trước, nhất là thời rầm rộ “khoan cắt bê tông”; cũng có trong tay bản luận văn của Đỗ Thị Thoan từ lâu (trước cả khi “phát súng” đầu tiên nổ vào chị), nhưng không thích om sòm, vả lại nhận thấy đã có các tổ chức và cả một Hội đồng “chăm lo” công việc văn chương nên chỉ đàm đạo bên bàn trà với một số bạn bè đồng nghiệp, hoặc trao đổi thông tin cùng đôi điều bình luận khi có người hỏi. Suốt cả thời gian qua tôi đã có dịp đọc gần như hầu hết các bài viết trên các báo viết, báo mạng, blog; suy ngẫm về những lời bênh vực, bao che, những lời phê phán - thậm chí đến mức thóa mạ, cũng như những phát biểu nhằm “chính trị hóa” vấn đề ở cả hai chiều.

“Tình hình” lắng dịu xuống một dạo, nay lại bùng lên với cả những lời kêu gọi, kêu cứu, những tiếng nói của người trong cuộc và trong Hội đồng chấm luận văn lần 1 (HĐ1),... Tự thấy, đã đến lúc có thể góp đôi điều trên cách nhìn bình tĩnh, thân thiện và khoa học về nhiều vấn đề chung quanh luận văn của Đỗ Thị Thoan và những lời bàn.
Khái quát chung về những ý kiến đã công bố, có thể thấy sự việc đã được đẩy lên cực đoan ở cả hai phía. Bên nào cũng cố tìm những sơ hở, những sai sót của phía bên kia rồi cắt xén, phân tích,… khiến độc giả hết sức hoang mang, nhất là khi họ chưa có trong tay bản luận văn của Đỗ Thị Thoan. [Bản luận văn ấy giờ đã được đưa lên mạng, nhưng chắc nhiều người chưa có điều kiện tìm đọc. Hãy vào google, gõ: [pdf] đỗ thị thoan vị trí của kẻ bên lề, sẽ tìm thấy].
1. Trước hết xin nói đôi lời về nhóm thơ Mở Miệng.
(Ở đây tôi chỉ nói về những vấn đề liên quan đến luận văn Đỗ Thị Thoan).
- Cái tên “Mở Miệng” đã phản ánh ý tưởng của những người sáng lập nó, muốn tỏ một thái độ phản ứng về việc không được tự do “mở miệng”, mà ở đây là không được tự do công bố tác phẩm không qua kiểm duyệt. Tuy nhiên, đọc diễn ngôn và thực hành thơ của họ còn thấy một thái độ khác, đó là ý muốn cách tân thơ, làm mới thơ cả nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Khi trả lời Thụy Du về “thuật mở miệng”, Bùi Chát – một thành viên nhóm Mở Miệng, có rất nhiều thơ dơ và là người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn, bày tỏ: “Mở Miệng trước hết là một thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi, sau nữa là cách làm nghệ thuật của những người mang tinh thần tự doBổn thân tôi vốn thích dùng khái niệm Nghịch thơ hơn là Làm thơ”. “Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ làm thơ để cố gắng hoàn thiện 1 bài thơ hay 1 tập thơ. Cái mà tôi cố gắng hoàn thiện chính là những ý niệm về thơ” (damau.org/).
Trong thực tế, khát vọng “cách tân thơ” đã được Trần Dần khởi xướng cách đây hơn nửa thế kỷ và theo đuổi đến “trọn đời”, nhưng nhìn lại những bài thơ “cách tân” của ông, chẳng thấy bài nào được độc giả hồ hởi đón nhận, lạ hơn, chẳng thấy ai học tập ông (hay là không ai học được?), kể cả những người tán dương, ủng hộ Trần Dần hết lời. Những người thuộc thế hệ 6-7X của nhóm Mở Miệng cũng theo cái lối diễn đạt thơ không thuần tiếng Việt ấy, nhưng mạnh bạo hơn Trần Dần, họ còn đưa vào “thơ” những nội dung tục tĩu mà chính Bùi Chát đã nhận, đó chỉ là Nghịch thơ, Thơ rác, Thơ nghĩa địa”, thơ dơ.
Về mặt xã hội, phải thừa nhận rằng nhu cầu thay đổi/cách tân thơ là có thật từ cả hai phía: người sáng tác và người đọc, chứ không riêng mấy người “Mở Miệng”. Đọc những bài viết của Inrasara về thực trạng thơ sẽ thấy rõ điều đó. Một thực tế hiện nay là độc giả thấy mệt mỏi với thơ. “Ra đường là gặp nhà thơ” đã đành, trong nhà có khi cũng gặp “nhà thơ”, đến mức, ngày nay, khi những người bạn tóc điểm sương gặp nhau, họ không hỏi nhau đã nghỉ hưu chưa, mà hỏi “đã làm thơ chưa?”Gặp các nhà/quán/lều/ điếm/… thơ, cứ phải nhận thơ họ tặng, phải ngồi im nghe họ đọc, rồi lại phải nghe họ than phiền về nổi “khổ” của lòng đam mê, của “nghiệp chướng nghệ thuật họ đã mang vào thân... Thế nhưng thơ của họ cứ na ná nhau, nên xẩy ra tình trạng có thể chép lại của nhau rồi sửa đi chút ít, mà chẳng ai nhận ra. Tình trạng người làm thơ, làm văn nghệ cả hai tay trái ấy cũng được các tổ chức Hội, các phương tiện thông tin đại chúng ủng hộ. Chép thơ nhau, sửa đi chút ít rồi đăng/in, đưa dự thi và… được giải cao! Nhiều đài truyền hình địa phương có chương trình cho hội viên các “câu lạc bộ thơ” xóm, xã, phường đọc. Không riêng gì mảng sáng tác, khó như lý luân phê bình mà nhiều đêm, mở VTV cứ thấy một ông hoa chân múa tay chém gió, sang sảng luận bàn về thơ văn, nghệ thuật,… mà mở trong lý lịch quan chức của ông ra không thấy có dòng nào khai, được đào tạo về văn học, nghệ thuật. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nói về tình trạng “Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập,…”, vậy mà tình trạng ấy vẫn không có gì thay đổi, dù Nghị quyết đã “đi vào đời sống” hơn nửa thập kỷ! Xã hội tự do dân chủ, ai cũng có quyền làm thơ, quyền bốc thơm thơ nhau, chỉ có độc giả, khán giả là không được tôn trọng. Ngay cả những người trong nhóm Mở Miệng cũng vậy, cứ tưởng các anh cách tân thơ thế nào, hóa ra các anh cũng không tôn trọng độc giả, may mà các anh đang thực hành thơ và samizdat bằng cách phô tô 50 bản tặng nhau.
Nói ra thực tế đó là để chia sẻ với ý tưởng cách tân thơ của nhóm Mở Miệng. Nhưng “cách tân” như ở nhiều bài thơ các anh làm thì trước hết là các anh, sau nữa là những “nhà lý luận hiện đại/hậu hiện đại”,… hãy chứng minh xem nó có phải là “thơ” không đã. Công bằng mà nói các anh “Mở Miệng” cũng tự biết mình, khi gọi sáng tác của mình “là tác phẩm nghệ thuật”, vẫn thừa nhận “còn nó có phải là thơ hay không thì tuỳ vào quan điểm của mỗi người khi tiếp cận” (Bùi Chát).
Xin nói về phía “bạn đọc”. Trong khi Đỗ Thị Thoan khẳng định và đề cao giá trị của thơ ca Mở Miệng như một hiện tượng văn hóa có sức mạnh đột phá, có thể/sẽ phá vỡ trung tâm già cỗi của văn học cách mạng Việt Nam, còn nhà lý luận Nguyễn Hoàng Đức (người rất bênh vực Đỗ Thị Thoan), lại mở đầu bài viết của mình rằng: “Trước hết tôi xin nói rõ quan điểm của mình: tôi cũng chẳng thấy thơ của nhóm mở miệng có gì hay cả, như họ thừa nhận thơ họ chỉ là thứ rác rưởi” (diendanxahoidansu). Có bạn đọc còn vạch hết ra “Những thứ của nhóm “Mở miệng” không phải là thơ”, rằng một nhóm người chuyên viết ra những câu chữ quái dị rồi đặt cho chúng một cái tên gọi khá kêu: "thơ" (Việt Nam văn đàn quán).
Trở lại với vấn đề thử nghiệm đổi mới thơ ca của nhóm Mở Miệng, thiết nghĩ việc thực hành, thử nghiệm “cách tân” trước hết cần có những nguyên tắc/lý thuyết nhất định. Tỷ như người muốn cách tân cái máy bay không thể nhét cái thùng rác vào thay cho bộ máy rồi đem ra “thử nghiệm”. Thơ (Việt), dù là một hình thức giao tiếp đặc biệt, thì để đảm bảo “chất lượng” giao tiếp, để truyền được cảm xúc đến người đọc, trước tiên nó cần đảm bảo khả năng thông báo (dù rất phong phú) của tiếng Việt. Trong trường hợp thơ là sản phẩm văn hóa tinh thần (phi vật thể), muốn “thử” hãy xem số đông công chúng có “ngửi được” không đã.
Đành rằng với nghệ thuật, số lượng công chúng ưa thích nhiều/ít chưa hẳn là căn cứ tốt/duy nhất để khẳng định nghệ thuật ấy cao hay thấp. Ngay như nhạc giao hưởng, tranh lập thể, ở châu Âu, số người yêu thích cũng không nhiều so với fan của những dòng nhạc, dòng tranh khác, nhưng không phải vì thế mà nhạc giao hưởng, mà tranh lập thể thấp về nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng đừng cường điệu hóa câu nói chỉ có lỗ tai âm nhạc mới nghe được nhạc, đừng vỗ ngực rằng thơ tôi là sự giải tỏa tôi, để rồi saman hóa thơ ca, để rồi như một “nhà lý luận” nọ đề nghị phải dạy độc giả cách đọc tác phẩm văn chương mới. Hãy đừng bắt độc giả đọc mà không hiểu thơ ca nói gì như nghe lời lẽ các thầy Saman vậy.
Tóm lại, “thơ” của nhóm Mở Miệng mới chỉ là thái độ, là mong muốn cách tân, là những ý niệm về thơ,là thực hành cách biểu đạt “phá rối trật tự” như các anh tuyên bố/chủ trương, mà “sản phẩm làm ra” chưa mấy người đọc thấy hay. Chính người chủ trương – Bùi Chát – cũng khẳng định với Thụy Du: “Nhiều người cho rằng chúng tôi đang làm cách mạng thơ, thật ngớ ngẩn. Chị thử tưởng tượng nếu cả nền văn chương mà lại như chúng tôi thì sao, ai mà ngửi cho nổi” (damau.org/).
Điều dễ nhận thấy là trong các bài viết của những người ủng hộ Đỗ Thị Thoan, vấn đề thơ Mở Miệng có phải là văn học không, thường được né tránh/làm ngơ, kể cả ai đó lên tiếng ở tư cách “người Hội đồng”. Còn trong những bài viết phê phán luận văn Đỗ Thị Thoan, nhiều người kêu lên rằng: không thể dẫn ra những dòng thơ của nhóm Mở Miệng cũng như những lời bình của tác giả luận văn. Có người còn thách thức giáo viên hướng dẫn và người thực hiện luận văn này, cho cháu-con đọc những bài thơ đó. Quả thật, rất khó chỉ ra được giá trị nghệ thuật của những bài thơ chưa được tác giả cố gắng hoàn thiện hoặc quá dơ bẩn đến mức ngửi không nổi (Bùi Chát). Trong trường hợp này, những từ ngữ của người nghiên cứu như “nguyên sơ”, “thô ráp”, khi nơi khác được dùng để chỉ một đặc điểm, một giá trị của đối tượng, thì ở đây cũng không thể che phủ được cái nguyên sơ thô lậu đến mức lợm giọng khi đọc “thơ” và nhiều trang viết trong luận văn.
Thật đáng tiếc, trò nghịch thơ và tâm thế nổi loạn đã làm hỏng đi cái ý tưởng làm mới thơ của những người “khát khao mở miệng”.
- Vấn đề chính mà nhóm Mở Miệng hướng tới là đòi hỏi tự do ngôn luận, được giải thích là “thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi” (damau.org).
Cả ước muốn làm mới thơ lẫn đòi hỏi tự do ngôn luận đều được nhóm Mở Miệng thể hiện trong tâm thế nổi loạn của kẻ bên lề. Khi nổi loạn, bên cạnh thơ dơ, thơ rác, nhóm Mở Miệng còn làm những bài thơ phản ứng chế độ, diễu nhại cả các anh hùng dân tộc, những người được nhân dân cả nước kính trọng và nhân dân thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ, điều đó khác nào xúc phạm cả dân tộc? Đón nhận và cộng hưởng tâm thế đó trong luận văn của mình nên Đỗ Thị Thoan đã trở thành tâm điểm của nhiều bàn luận gay gắt với cả những qui kết chính trị.  
2. Về luận văn của Đỗ Thị Thoan
- Trước hết, không nên sợ tiếng, hoặc mượn tiếng “nhà khoa học bị vùi dập” mà đôn lên rằng thạc sĩ là “nhà khoa học” và luận văn thạc sĩ là một công trình khoa học (dù thi thoảng có những luận văn có giá trị khoa học). Nếu luận văn là “công trình khoa học” và người viết nó là “nhà khoa học”, chắc chẳng cần có người hướng dẫn. Dường như qua”vụ luận văn Đỗ Thị Thoan”, người mượn tiếng thì đẩy thành tội “cộng sản Việt Nam xâm hại tự do học thuật”, người sợ tiếng thì qui tội người viết “nhân danh khoa học để làm phản động”, mà ít ai chỉ ra cái đúng, cái sai của luận văn và của người thực hiện, ít ai đánh giá vấn đề toàn diện trong cái phông trường học Việt Nam.
Ở Liên Xô (và ở cả hệ thống XHCN Đông Âu) trước đây, trên đại học có 2 cấp đào tạo mà chúng ta dịch sang tiếng Việt là phó tiến sĩ và tiến sĩ. Gốc tiếng Nga của hai từ này là căng-đi-đát na-úc và đốc-tơ na-úc. Trong tiếng Nga, nghĩa gốc của chữ căng-đi-đát là chưa chính thức (dự bị, dự khuyết). Như vậy, chữ căng-đi-đát na-úc của Nga nên được hiểu là người dự bị/tập sự khoa học. Cũng chính vì thế khi gọi các căng-đi-đát là tiến sĩ thì các đốc-tơ na-úc phải được gọi là tiến sĩ khoa học. Hiện nay chúng ta chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ (không đào tạo tiến sĩ khoa học). Như vậy, dù thạc sĩ có được ngầm hiểu tương đương với căng-đi-đát na-úc thì nó cũng chỉ là dự bị/tập sự khoa học. Luận văn của họ, theo yêu cầu, cần có tính khoa học (nhất là phương pháp tiếp cận, xử lý vấn đề), nhưng trong đào tạo chưa yêu cầu nó là một công trình khoa học, mà chỉ là bài tập thực hành hoạt động khoa học. Ở nhiều trường Đại học Australia mà tôi biết, với cấp học thạc sĩ, học viên chỉ trả đủ các bài tập chuyên đề, không làm luận văn. Ngay cả cấp tiến sĩ mà Hoàng Ngọc Hiến từng đánh giá một cách hình tượng rằng: bằng tiến sĩ chỉ là cái phao để rơi xuống nước không chìm, muốn bơi được còn phải đọc, học nhiều.
- Trở lại với luận văn Đỗ Thị Thoan, phải chăng cụm từ “từ góc nhìn văn hóa” làm người đọc hiểu lệch định hướng nội dung. Nhưng thật hài hước, khi tác giả luận văn luận bàn về văn hóa (theo hướng khẳng định/ca ngợi) một sản phẩm mà chính người sinh ra nó thừa nhận “ai mà ngửi cho nổi”. Còn bàn về một sản phẩm thuộc “tiền ngôn ngữ” (chứ chưa phải tiền/cận nghệ thuật) như lời Bùi Chát, thì chỉ có thể bàn về thái độ/khát vọng “mở miệng” của những người sinh ra nó, tức là bàn về vấn đề mở miệng, chứ khó có thể bàn về văn chương như có bạn viết yêu cầu. Và cũng chính vì thế triển khai luận văn của mình, tác giả đã hướng vào 2 nội dung chính, đó là vị trí kẻ bên lề và samizdat.
* Vấn đề “vị trí kẻ bên lề” được quàng vào thuyết “trung tâm và ngoại biên”, “hậu hiện đại”. Cái trung tâm ở đây được hiểu là văn học cách mạng [mà hiện nay như tôi thấy, khung lý thuyết của nó đã trở nên “chật chội”/khó chịu đối với khá đông những người sinh ra sau các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc]. Còn cái “ngoại biên” thì chỉ thấy mấy người Mở Miệng. Hóa ra cái gọi là “những tiếng nói ngầm” chỉ là “những” của một ngoại biên! Đỗ Thị Thoan đã cố gắng chứng minh rằng cái ngoại biên [duy nhất] này sẽ phá vỡ cái trung tâm, đồng nghĩa với việc nó sẽ là cái trung tâm. Tôi đọc nhận xét của một thành viên HĐ1, trong mục trao đổi thêm với tác giả, thấy anh đã cảnh báo học viên 2 điều: một là - mượn lời học giả nước ngoài - anh căn dặn: hậu hiện đại là mãnh đất cư trú những thiên tài và kẻ bất tài; hai là nếu cái bên lề muốn thay thế cái trung tâm để trở thành toàn trị thì với thái độ cực đoan, sự thất thố rất dễ xẩy ra bởi thái độ coi mình là một điển phạm (canon) buộc tất cả mọi giá trị phải ngước nhìn và thừa nhận/phục tùng. 
Xin lưu ý thêm với Đỗ Thị Thoan rằng, chính những người Mở Miệng tự nhận sáng tác của mình có phải là thơ hay không thì tuỳ vào quan điểm của mỗi người khi tiếp cận”, tức họ cũng chưa hồ đồ khẳng định thơ mình đích thị là nghệ thuật. Họ (Bùi Chát) khẳng định nó là “tiền ngôn ngữ”, vậy hẳn nhiên nó chưa phải là nghệ thuật, nó chỉ mới là “mở miệng” do có nhu cầu. Cứ cho đó chỉ là lời khiêm tốn đi thì công việc phải làm trong luận văn này, như đã nói ở trên, là phải chứng minh những giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Tôi không hiểu tác giả luận văn dùng khoa học gì để chứng minh cái “ngoại biên” chưa phải là nghệ thuật này là “tiếng nói ngầm” về nghệ thuật, để có thể thay thế cái trung tâm hoặc tạo ra một trung tâm nghệ thuật mới trong tương lai văn nghệ nước nhà? Nếu hiểu “những tiếng nói ngầm” là thái độ phản ứng của nhóm Mở Miệng, thì trên thực tế họ đã bươi hết từ thân thể họ đến cả vùng kín của đám con gái ngủ với họ (Bùi Chát, phờ phạc với một người không phải là sony), họ cũng đã nói toẹt hết mọi suy nghĩ, kể cả việc diễu nhại, xúc phạm đến những người mà cả dân tộc kính trọng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh,… Vậy có gì là “ngầm” nữa đâu? Có chăng sự úp mở của Đỗ Thị Thoan, cố biến nó thành “tiếng nói bị bịt miệng”, để vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn. Mặt khác, nếu hiểu những tiếng nói ngầm là thái độ chính trị, thì đó chỉ là đòi hỏi thay thế cái trung tâm chứ không phải bản thân nó thay thế trung tâm. Độ vênh có tính khoa học về phương pháp tiếp cận này dường như được chúng ta bỏ qua (chứ không hẳn không ai nhìn thấy) khi đánh giá luận văn.
* Nội dung thứ 2 được quan tâm trong luận văn là samizdat.
Thứ này có lâu lắm rồi, dù đến giữa thế kỷ trước, người Nga mới đặt tên cho nó và dùng như một thuật ngữ. Trước đây (và mãi đến bây giờ), người dân lao động đã “samizdat” tác phẩm của mình bằng phương thức truyền miệng. Khi có chữ viết, xuất hiện thêm hình thức “xuất bản chui” loại tác phẩm được thể hiện bằng văn bản. Ngày nay công nghệ thông tin đã đem đến cho con người hình thức samizdat bằng “truyền mạng”. Có hàng trăm/ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật đã được đưa lên mạng, quảng bá toàn cầu trong rất nhiều mạng tiếng Việt như Tiền vệ, Gió O, Evăn, Talawas, Da màu,… mà với tôi, có những trang đem lại rất nhiều thông tin, tư liệu như Talawas. Bổ sung vào hệ thống samizdat đó, ngày nay còn có hàng trăm Blog văn nghệ cũng không kém phần lý thú của các cá nhân như Nguyentrongtao, Trannhuong, Nguyenquanglap,… Cái cách phô tô 50 bản biếu bạn bè mà “Nhà xuất bản” Giấy Vụn làm chỉ là “trò vui” trong xã hội hiện đại, chẳng có gì mới mẻ, cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Có chăng chỉ ẩn chứa khát vọng, thái độ đòi tự do công bố tác phẩm (bằng văn bản) không qua kiểm duyệt - điều mà các bác Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… đã thể hiện khi cho ra đời các Giai phẩm… hồi 1956.
Công bằng mà nói, chương II (viết về samizdat) là chương có vấn đề để viết, khi mà lý thuyết samizdat không có gì phức tạp, khi mà hệ thống Internet toàn cầu đã mở rộng khả năng và chân trời cho samizdat, khi mà những “tường lửa” của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) không đủ sức rào chắn độc giả, nhất là với những người có trí tuệ,... Tuy nhiên Đỗ Thị Thoan viết lòng thòng suốt nhiều trang đầu chương theo dạng mô tả lịch sử đối tượng, còn phần cuối lại hào hứng sa vào những bài thơ nổi loạn của nhóm Mở Miệng mà bỏ qua vai trò thử nghiệm của samizdat. Do tính chất không định bản, ngoài vai trò vượt qua rào cản kiểm duyệt về nội dung tư tưởng, samizdat còn là nơi có thể công bố những bài viết về cái tục (một cái nằm giữa văn văn hóa và phản văn hóa, rất khó viết), đặc biệt dó còn là sân chơi để văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ, thử nghiệm những sáng tạo mới. Chính nhóm Mở miệng cũng đã tận dụng tác dụng thử nghiệm/thực hành của samizdat để công bố những bài thơ nổi loạn, những bài thơ chứa cái tục, thử nghiệm hình thức phá cách trong thơ,... Chính cũng qua samizdat-truyền mạng, nhiều tên tuổi đã định hình trong làng văn như Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh,… Phải chăng tố chất nổi loạn có trong Đỗ Thị Thoan (như nhận xét của một thành viên HĐ1) đã kéo chị về với những bài thơ nổi loạn, mà quên đi vai trò mới không kém phần quan trọng của samizdat-internet?
- Đến đây cũng xin nói cụ thể thêm đôi chút về những trang viết trong bản luận văn này. Cũng là một nhà giáo lâu năm trong ngành sư phạm, tôi thật ngỡ ngàng khi đọc những trang luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tôi không ngờ một nữ sinh mới ngoài hai mươi tuổi lại có thể tiếp cận rồi đưa vào “con đẻ tinh thần” của mình những trang/chữ tục tĩu đến mức tôi không muốn dẫn ra đây (xin bạn đọc hãy đọc trực tiếp các trang 66, 67, 68 của luận văn). Phải chăng, có thế mới “hậu hiện đại”? Dù thật sự có phải bàn đến “mĩ học của cái tục” thì người ta vẫn có cách thể hiện tế nhị hơn những từ, ngữ ấy trên văn bản cơ mà. Vấn đề còn là ở chỗ cái thứ thơ phú dơ dáy trăm phần trăm ấy đâu phải là thơ, đâu phải là nghệ thuật, chỉ có tác giả luận văn mặc nhiên gọi nó là nghệ thuật để bàn về cái gọi là “mĩ học của cái tục” mà thôi. Việc khai thác khía cạnh tinh thần nổi loạn được gửi gắm trong đó, dù cần phải đem ra bàn luận thì cũng đâu cần dẫn ra hàng mấy trang viết những dòng thơ tục tằn như vậy.
Không ai cấm cũng không ai sợ những từ ngữ ấy, nhưng từ khi thoát khỏi lốt thú, biết dùng vật liệu che kín một số chỗ trên thân thể, con người gọi đó là “vùng kín” và đỏ mặt khi để lộ ra hoặc khi phải nói, phải viết, phải đọc những từ ngữ ấy. Những nữ bác sĩ, y tá hàng ngày tiếp xúc với “vùng kín” con người trong phòng điều trị, mà ngoài đời họ vẫn e dè kín đáo. Có lẽ chỉ có trong thế giới người điên “chuyện ấy” mới được thể hiện “hồn nhiên” như vậy, như được phản ánh trong phóng sự điều tra của Đỗ Doãn Hoàng: “Điên nam - điên nữ ta cùng hân hoan” (dantri).
3. Về đánh giá luận văn.
- Tôi chia sẻ với ý kiến một số thầy trong HĐ1 rằng, Đỗ Thị Thoan là một học viên thông minh, có lòng say mê, có năng lực nghiên cứu, có khát khao tự khẳng định mình,… Nhưng đọc bản luận văn cũng thấy sự đồng điệu của Đỗ Thị Thoan với tâm thế nổi loạn, khiêu khích, “phá rối trật tự”, thực hành sứ mệnh giải thiêng, giải trung tâm,… mà nhóm Mở Miệng tự nhận mình. Thậm chí bằng sự đồng điệu và cộng hưởng của mình, chị còn đẩy tinh thần ấy lên mức cao hơn, căng hơn, khi không làm được như Bùi Chát là “giảm nhiệt” bằng cách thi thoảng bộc lộ phản ứng qua ngôn từ tếu táo.
Ở cương vị người thầy giáo, việc tôn trọng, ghi nhận năng lực học viên là cần thiết, nhưng cũng cần chỉ rõ những sai sót để họ vươn lên chứ không thể “động viên” họ, nhất là vì họ trẻ, bằng thang điểm tuyệt đối, trong khi khi luận văn còn những sai sót lớn.
- Tôi đồng ý rằng Mở Miệng là một hiện tượng văn hóa hiện hữu, nhưng bản thân nó lại mang tính phản văn hóa, nên nó chỉ tồn tại trong quan hệ chung với tư cách cái khác biệt (theo cách nói: tôi khác biệt là tôi tồn tại). Việc chỉ ra tác động của hiện tượng văn hóa này vào cái trung tâm là có thể, bởi dẫu phản văn hóa thì “hành vi” phá phách của nó, ngoài “tác dụng phụ”, còn tham gia làm rạn nứt/phá vỡ tính bảo thủ của cái trung tâm vốn tồn tại như một thực thể toàn trị.
Có thể thấy, với văn phong rất tốt tác giả luận văn cảm hóa người đọc bằng lối trình bày ngụy biện, tư biện, chứng minh cái bên lề [dậy non], phản văn hóa này sẽ thay thế cái trung tâm như một qui luật của vận động và phát triển. Tuy nhiên, tác giả chỉ dùng diễn ngôn/“nói lấy được” chứ chưa/(thực ra là)không thể thể hiện bằng những luận chứng, luận cứ khoa học có sức thuyết phục. Bởi chính những người chủ trương Mở Miệng cũng hiểu giới hạn của mình, của thứ thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa ấy như một sự quậy phá hầm bà lần để gây chú ý. Trong trả lời phỏng vấn của Thụy Du trên damau, Bùi Chát từng nói: Ở khía cạnh nào đó chúng tôi cổ vũ cho cái gọi là tính thiểu số trong nghệ thuật” và Chúng tôi chấp nhận thế đứng bên lề”. Như vậy, người đọc có thể suy ra rằng: ý tưởng “giải trung tâm” thuộc về người phân tích hoặc ít ra nó được cường điệu qua lời phân tích của tác giả luận văn.
- Luận văn đã mắc lỗi qui phạm học đường.
Để hiểu vấn đề này cần nói rộng ra về nguyên lý giáo dục, rằng giáo dục là một cơ chế “cưỡng chế”. Cơ chế “cưỡng chế” này ở một số nước là qui định/luật buộc lứa tuổi học sinh phải đến trường [Chúng ta còn nhớ, tháng 5-2012, nữ sinh lớp 11, Danien Tran, người Mĩ gốc Việt, đã bị tòa án bang Texas phạt giam 24 tiếng đồng hồ cùng tiền phạt 100 USD về lỗi nghỉ học quá qui định]. Tính “cưỡng chế” của giáo dục được bộc lộ rõ nhất là ở nội dung chương trình học, cùng những qui định về thi cử. Tính cưỡng chế của giáo dục có cơ sở từ nghĩa vụ con người với xã hội, từ chức năng đào tạo nhân lực cho xã hội của ngành giáo dục. Bất kỳ nhà nước nào bỏ tiền làm giáo dục cũng nhằm đào tạo nhân lực cho xã hội theo mô hình mà nhà nước đó hướng tới. Theo đó, nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đào tạo nhân lực theo mô hình xã hội của mình, trong đó có vấn đề quan điểm chính thống đối với những vấn đề thuộc các khoa học xã hội và nhân văn. Chưa bàn đến quan điểm đó đúng hay sai, nhưng người làm giáo dục và người hưởng thụ giáo dục có bổn phận quán triệt, tuân thủ nó. Một bài thi sẽ “phạm qui” nếu trái với quan điểm chính thống. “Luật thi cử” của nhà nước Phong kiến Việt Nam xưa còn quá mức đến nỗi phạt mạnh nhất – đánh trượt ngay - với lỗi phạm húy. Theo họ, người được đào tạo để làm quan cho triều đình mà không biết tên húy kỵ của người đứng đầu – vua – thì không thể cho đậu làm quan. Quan niệm này ngày nay không phù hợp nhưng nói ra để thấy giáo dục mang tính chính trị mạnh mẽ thế nào. Chắc có bạn đọc sẽ cật vấn tôi: vậy cái quan điểm chính thống ở đây là gì? Xin thưa, về chuyên môn - những gì trái với văn học cách mạng là trái chính thống, về đao đức – những gì trái với đạo đức truyền thống của dân tộc (trong đó có xúc phạm đến các anh hùng dân tộc) là trái chính thống. Ở đây có thể có cái nhìn khác, nhưng với nhà trường, khi quan điểm đó chưa thay đổi thì vẫn phải tuân thủ. Có người cho rằng: bất kỳ hiện tượng văn học nào nẩy sinh trong xã hội cũng cần được nghiên cứu. Tôi không bác bỏ, nhưng đó là công việc của nhà khoa học chứ không phải của học sinh. Tôi có thể ủng hộ một hội thảo khao học bàn về hiện tượng văn học ngoài lề/bên lề/không chính thống; tôi không phản đối có bài viết trên tạp chí chuyên ngành về những hiện tượng văn học “bên lề”/“ngoại biên”, thậm chí một công trình khoa học dày dặn về những hiện tượng văn hóa đó, nhưng chắc chắn đó không phải và không thể là công việc của học sinh được thể hiện qua một bài thi. Học viên, khi thực hiện luận văn phải được hiểu điều này, và về phần mình - cơ sở đào tạo mà trực tiếp là giáo viên hướng dẫn cũng phải nhắc nhỡ họ.
Như vậy, ý kiến của một thành viên HĐ1 (được phát trên mạng) về 3 yêu cầu đánh giá luận văn của Đỗ Thị Thoan, đúng nhưng chưa đủ. Mà một quan niệm không đầy đủ sẽ dẫn đến một kết quả đánh giá không đầy đủ/sai lệch. Tôi không rõ những thành viên của Hội đồng đánh giá lại luận văn Đỗ Thị Thoan lần sau (HĐ2) có đề cập đến sai sót này không.
Một thành viên khác của HĐ1 lại nhận xét tinh tế rằng: tôi đánh giá cao khát vọng của người viết, cho dù không phải không còn những điểm có thể tranh luận (chúng tôi nhấn mạnh-NXĐ). Phải chăng anh đã nhận ra những lỗi trên đây của học sinh nhưng khoan dung bỏ qua? [Ở vào cương vị anh, dù có thể khoan dung bỏ qua khi Hội dồng thảo luận bỏ phiếu thông qua luận văn, thì trong khi bảo vệ tôi cũng sẽ phân tích đến tận cùng và cho học sinh giải trình/tranh luận cho đến khi nhận ra những sai sót trong luận văn của mình].
4. Về những thao tác xử lý liên quan luận văn Đỗ Thị Thoan.
Theo tôi, trong vụ việc này, dù làm đúng nguyên tắc, các cơ quan có trách nhiệm, cả Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhất là trường Đại học sư phạm Hà Nội, cũng đã có những sai sót đáng tiếc.
- Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có qui chế, qui định đối với hoạt động đào tạo trên đại học. Từ khi giao quyền xuống cho cơ sở đào tạo thì mỗi cơ sở (Trường, Học viện) đều ban hành qui chế nội bộ. Có những qui định, qui chế được cơ sở đào tạo phổ biến hàng năm đối với từng khóa đào tạo như vấn đề hình thức trình bày (cỡ chữ, font chữ, lề trái-phải-trên-dưới,…), nhưng ít nhắc học viên tuân thủ quan điểm chính thống trong một bài thi/luận văn, luận án. Vào giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đã có một luận văn thạc sĩ được bảo vệ tại trường Đại học Qui Nhơn nói trái quan điểm chính thống về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, được báo chí nêu ra, phê phán nhưng Trường Đại học Qui Nhơn và Bộ Giáo dục & Đào tạo lại không có ý kiến gì.
Những qui định về việc chấm lại, thu hồi văn bằng,… đối với người học cũng không được nêu đầy đủ, hoặc không thông báo cho học viên trong quá trình học.  
- Một số sai sót trong xử sự và trong các văn bản (có khi là lỗi soạn thảo) của trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng như của một số cơ quan Trung ương về vấn đề luận văn Đỗ Thị Thoan cũng gây dị ứng, mất lòng tin của công chúng về cách giải quyết.
Việc có một Hội đồng nào đó đánh giá luận văn, luận án không chính xác là chuyện thường tình, thế mới dẫn đến thực tế: hiện có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng không tương xứng. Trong hoạt động đào tạo, việc lập Hội đồng phúc tra, phúc khảo, đánh giá lại bài thi/luận văn, luận án khi có dư luận cũng là chuyện thường tình, cần thiết và đúng nguyên tắc. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã từng thông báo cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ về việc Bộ sẽ lập Hội đồng chấm lại một số luận án đạt điểm tối đa, và điều này đã được thực hiện trong mấy năm qua. Cơ sở pháp lý của việc lập lại Hội đồng phúc khảo không chỉ nằm trong các văn bản qui định quyền hạn Hiệu trưởng mà trước hết ở tư cách, nhiệm vụ của Hội đồng. Các Hội đồng chấm thi (cả chấm luận văn, luận án) chỉ có tư cách tư vấn để Hiệu trưởng ra các quyết định… và “tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”. Do HĐ chỉ có tư cách tư vấn nên việc cần thêm tiếng nói tư vấn bằng việc lập thêm HĐ mới cũng như sử dụng kết quả của Hội đồng nào là công việc của Hiệu trưởng. Kết quả cuối cùng, sau khi chấm lại, có thể là “180 độ ngược”, như phàn nàn của một tác giả trên mạng, cũng không có gì ngạc nhiên.
Việc trong thông báo ở một văn bản nào đó của cơ quan Trung ương nói rằng “Hội đồng ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm thạc sĩ” của học viên Đỗ Thị Thoan là không đúng (dù đó là lỗi soạn thảo văn bản thì cũng là sơ suất đáng tiếc). Hãy nghĩ xem, nếu HĐ2 có quyền hạn to như vậy thì đến lượt mình, HĐ1 lại có quyền (tương đương) công nhận lại học vị thạc sĩ cho Đỗ Thị Thoan, vụ việc này sẽ đi đến đâu? Tư cách và quan hệ công việc của hai HĐ như nhau và độc lập với nhau, không thể HĐ nọ có quyền phủ quyết kết quả của HĐ kia. Kết quả của 2 HĐ đều được Hiệu trưởng cân nhắc lựa chọn và ra quyết định cuối cùng. Ở đây, luận văn cũng được chấm lại chứ không phải/không thể thu hồi. Chất lượng luận văn được thẩm định lại chứ không phải bảo vệ lại, vì thế HĐ2 có thể yêu cầu học viên đến giải trình những nội dung thấy chưa rõ, nhưng cũng có thể không. [Xin nói thêm rằng ở một số nước tư bản, luận án (tiến sĩ) cũng chỉ được chấm, không có hình thức bảo vệ].
Những nội dung vừa nêu nếu học viên được cung cấp trong quá trình đào tạo chắc chắn sẽ tốt hơn là: để cho vụ việc xẩy ra rồi mới giải quyết, nhất là những bước giải quyết vội vã trước sức ép dư luận.
***
Như vậy, với trường hợp luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, tôi nghĩ, cần đặt trong hệ qui chiếu của hoạt động giáo dục đào tạo để xem xét. Có thế, học viên sẽ thấy rõ cái sai của mình, người đọc cũng dễ lượng thứ, các thầy cô, các cấp quản lý cơ sở giáo dục đào tạo cũng ý thức được đầy đủ hơn về trách nhiệm ban hành và quán triệt những qui chuẩn, qui phạm trong nhà trường. Trên tinh thần đó những vụ việc như luận văn của Đỗ Thị Thoan sẽ không ầm ỹ lên như hiện nay.