Showing posts with label chuyện nghề. Show all posts
Showing posts with label chuyện nghề. Show all posts

Friday 21 December 2012

Ma nào dẫn lối, quỷ nào đưa đàng?



Theo thông lệ, một cuộc hội nghị khoa học 1-2 ngày phải qua nhiều bước chuẩn bị rất công phu. Từ ý tưởng chủ đề đến quyết định thành lập ban tổ chức hội nghị là một bước dài, dài đến vài ba năm là chuyện bình thường nếu hội nghị xoay quanh một chủ đề nhạy cảm. Sau khi ban tổ chức ra thông báo kêu gọi cộng đồng khoa học tham gia hội nghị, các nhà nghiên cứu muốn dự hội nghị phải gửi đến ban tổ chức một bản tóm tắt báo cáo cùng với họ tên, địa chỉ liên lạc… Toàn văn báo cáo sẽ gửi sau, đúng thời hạn quy định. Căn cứ vào trình độ khoa học thể hiện trong nội dung báo cáo là chính, cộng với nhiều điều kiện khác (khả năng tiếp đón chẳng hạn), ban tổ chức sẽ gửi thư mời đến từng người. Nguyên tắc chung là thế, đủ phức tạp để công tác chuẩn bị hội nghị kéo dài cả năm và không phải ai đăng ký dự hội nghị cũng được chấp nhận. Càng phức tạp nếu đó là hội nghị quốc tế.
Hội nghị bàn về giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài mà mình xin đến nói chuyện loãng xương là trật chìa rồi (chỉ là ví dụ thôi).
Hội nghị chỉ có khả năng tiếp đón 100 nhà khoa học mà có đến 1000 người xin dự thì số người bị từ chối là 1000 – 100 = 900.
Hội nghị có thu phí mà mình không đóng phí đúng cách, đúng thời hạn, đương nhiên không có giấy mời.
Hội nghị quốc tế mà mình đang có vấn đề với công an, ban tổ chức thường chẳng dám lên tiếng mời. May mắn kiếm được giấy mời chưa chắc xin được thị thực nhập cảnh. Có thị thực nhập cảnh rồi chưa chắc qua được cửa khẩu. Vào được rồi, đăng đàn diễn thuyết xong mình lên máy bay ra về là lúc ban tổ chức đi hầu A25 mệt nghỉ. Chuyện này đã xảy ra với nhiều người, không cần nêu tên nữa.
Với người không nằm trong tầm ngắm của công an thì đi hội nghị khoa học ở Việt Nam dễ hơn đi chợ dù có thu phí hay không, kể cả khi hội trường đã hết chỗ. Chỉ cần ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Cách đây 18-19 năm tôi từng tuân lệnh thủ trưởng chuẩn bị thư mời một nữ giáo sư Việt Kiều về dự một cuộc hội nghị lớn của ngành. Bà này không có tóm tắt báo cáo, không có báo cáo toàn văn, không có phiếu đăng ký, không có gì hết, chỉ có một bức fax gửi sếp với mấy dòng vắn tắt đại ý em cần về thăm gia đình (mẹ bệnh? quên rồi)… xin… gửi cho em một thư mờiThư mời này cần làm gấp để kịp xin thị thực ở sứ quán và xin đại học tài trợ…  Thủ trưởng tôi nể bạn, không tiện từ chối, bảo lính làm thư mời. Chẳng qua ngày ấy Việt kiều xin về nước thăm thân nhân khó hơn, mệt mỏi hơn đi hội nghị khoa học nên mới nảy ra cái trò sai bảo vô lối đến nỗi gần 20 năm sau lính vẫn nhớ như in họ tên vị nữ giáo sư muốn về thăm nhà nhân tiện làm khoa học luôn.
Việc hồi hương thăm thân nhân nay đã trở nên dễ dàng nhưng vẫn chưa tuyệt nọc hạng Việt kiều về nước làm gì không biết nhưng nhân tiện làm khoa học luôn. Có vị vác một báo cáo đi đọc ở 3-4 hội nghị khác nhau, năm này qua năm nọ vẫn là một nội dung ấy, chỉ có cái tựa là khác. Có vị hiểu khoa học là thời sự, thời sự là khoa học nên đem về Việt Nam những báo cáo kiểu Tình hình giảng dạy tiếng Việt ở X châu, Y quốc từ năm bao nhiêu đến năm bấy nhiêu… hay Thế giới bây giờ bàng bạt(sic) cái này cái nọ, Việt Nam chỉ toàn một lũ ếch ngồi đáy giếng… Kinh hãi nhất là Việt kiều đời nay dám làm cả thứ khoa học mà bản thân không biết lấy mộtchữ đui. So với hai mươi năm trước, sự ngạo mạn đã đạt và vượt đỉnh. Quy định này, điều kiện nọ với các vị Việt kiều trơ tráo ấy không khác gì một mớ giấy lộn. Đã có người quen mở cửa mời họ vào bất cứ lúc nào họ muốn để họ phán bất cứ điều gì họ thích. Ai biết người quen của họ tên gì không?

Monday 11 June 2012

Ngôn ngữ học thống kê và thống kê ngôn ngữ học có gì khác nhau?


Tháng 8/1999 tôi ra bảo vệ luận án cấp nhà nước (từ ngữ cũ là bảo vệ chính thức). Một trong hai câu hỏi của thầy Đào Thản (phản biện 1) từ Hà Nội gửi vào  là:
Luận án này, theo tác giả, có nhất thiết phải thuộc chuyên ngành mã số là ngôn ngữ học so sánh không? Tại sao không thể thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học thống kê, ngôn ngữ học ứng dụng,  ngôn ngữ học toán học...?
Câu hỏi có vẻ hiền lành. Nhưng tôi thi ngành này thì không thể nộp bài của ngành khác được.
Tôi chọn cách trả lời là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê. Vừa nói đến đó thì thầy Trần Ngọc Thêm, thư ký hội đồng,  lập tức giễu:
-Anh ấy và thẩy của anh ấy là giáo sư Nguyễn Đức Dân viết chung hai quyển sách về ngôn ngữ học thống kê thế mà bây giờ lại bảo là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê.
Hội đồng và cử tọa cười ồ vui vẻ rồi chuyển sang tiết mục khác.
Nhưng quyển sách in ở nhà xuất bản Giáo Dục có tựa là Thống kê ngôn ngữ học. Tập 1 là Nhập môn in năm 1998. Tập 2 là Một số ứng dụng in năm 1999. Không phải ngôn ngữ học thống kê.
Năm 1984 thầy Dân ra quyển Ngôn ngữ học thống kê ở nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Thuật ngữ ngôn ngữ học thống kê đã được giới chuyên môn chấp nhận mấy chục năm rồi. Thầy Dân dạy ngôn ngữ học thống kê ở đại học Tổng Hợp Hà Nội từ đầu những năm 70. Tôi thay thầy dạy môn này ở đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Tên môn học trong chương trình vẫn là ngôn ngữ học thống kê. Bảo là không có ngôn ngữ học thống kê, người ta thấy buồn cười là phải.
Năm 1996 tôi sang Pháp học, thấy người ta bảo rằng thuật ngữ linguistique statistique (tiếng Việt là ngôn ngữ học thống kê) có chỗ không ổn. Việc áp dụng phương pháp thống kê trong nghiên cứu ngôn ngữ không thể là lý do duy nhất để hình thành một chuyên ngành hẹp trong ngôn ngữ học. Ngay cả một số người làm ngôn ngữ học thống kê cũng không gọi các nghiên cứu của mình là linguistique statistique. Họ thích được công nhận là một nhà ngôn ngữ học chân chính, hay là thành viên của một chuyên ngành nào đó đã có uy tín. Charles Muller, tiên sư của ngôn ngữ học thống kê ở Pháp, là một ví dụ. Sách của thầy Dân in năm 1984 trên căn bản dựa vào quyển sách kinh điển của Muller (Larousse xuất bản năm 1968) có tựa là Initiation à la statistique linguistique (Nhập môn thống kê ngôn ngữ học).
Khi nhà xuất bản Giáo Dục đề nghị viết lại quyển sách năm 1984, tôi bàn với thầy Dân đổi cái tựa cũ (Ngôn ngữ học thống kê) thành Thống kê ngôn ngữ học. Thầy vui vẻ chấp nhận sự thay đổi đó. Nhưng xem ra với giới chuyên môn, đây chỉ là một sự lạm phát từ ngữ. Để cho các bên cùng vui vẻ, có lẽ nói thế này thì ổn hơn: Ngôn ngữ học thống kê là một chuyên ngành sử dụng thống kê ngôn ngữ học. Có điều những người bác bỏ tư cách chuyên ngành hẹp của ngôn ngữ học thống kê không khi nào chấp nhận định nghĩa đó.
Ngành của tôi còn vài chục cặp thuật ngữ như vậy: xã hội-ngôn ngữ học / ngôn ngữ học xã hội, thần kinh ngôn ngữ học / ngôn ngữ học thần kinh... Nghe mà phát thần kinh luôn. Nhưng đó là câu chuyện khác ở một dịp khác.