Showing posts with label phương ngữ. Show all posts
Showing posts with label phương ngữ. Show all posts

Monday 16 April 2018

CHỮ NÔM VỚI NGỮ ÂM ĐỊA PHƯƠNG NAM BỘ - Nguyễn Thị Lâm - Tạp Chí Hán Nôm số 2/1993


TB

Có một hiện tượng mà những người làm công tác nghiên cứu các văn bản Nôm địa phương không thể không xét đến. Đó là sự phản ánh ngữ âm của từng vùng vào chữ viết, tuy nhiên mỗi vùng lại có những sắc thái riêng. Điều này được quy định bởi nhiều nguyên nhân như điều kiện lịch sử, địa lý, sự giao lưu văn hóa… kết quả là tạo nên một số nét khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân. Gần đây, trong khi tiếp xúc với một số tác phẩm Nôm xuất xứ ở Nam Bộ(1) chúng tôi thấy có những đặc điểm cần lưu ý như sau:
1. Về âm đầu:
Âm đầu hay thanh mẫu là một thành tố kết hợp với âm đệm, vần và thanh điệu để tạo thành từ, đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Nếu so sánh với hệ thống phụ âm đầu ở Bắc Bộ và Trung Bộ thì Nam Bộ không có âm /v/ mà âm /v/ được thay thế bằng /z/, (chính tả ghi các phụ âm này là d và gi). Chúng ta cũng có thể thấy rõ điều này qua chữ Nôm, chẳng hạn dùng chữ “dã” 也 ghi “vả”, dùng “giới” 界 ghi “vái”:
“Vả” chăng đường còn xa, sao ông không đi mà ông ngồi xuống đó a ông Địa ?”

Vái phật trời chứng Địa người ngay” v.v…
(Địa Nàng(2), tr.6b và tr.10b)
Như vậy ở đây không còn sự phân biệt giữa ba phụ âm v, gi, d. Ngay cả ở những tác giả lớn như Nguyễn Đình Chiểu cũng có hiện tượng như vậy, chẳng hạn dùng chữ “dòng” 匇(Nôm, yếu tố Hán Việt biểu âm: dụng) để ghi âm “vòng”:

“Bĩ bàn trà rượu vừa xong,
Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ”
(Lục Vân Tiên, tr.13a).
Những chữ Nôm thuộc loại này có khoảng 2%. Ngoài ra, việc dùng chữ “giả” 者 ghi “trả”, dùng “dầu” 油 ghi “giàu” lại thể hiện dấu vết của cách phát âm không phân biệt tr và gi hoặc giữa gi với d:

“Dốc lòng trả nợ áo cơm,
Sống mà trọn nghĩa thác thơm danh hiền”.
“Mệnh Kim lại ở cung Càn,
Tuổi này là tuổi giàu sang trên đời”
(Lục Vân Tiên, tr.20a và 23a).
Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cũng đã viết:
“Phương ngữ nam Trung Bộ - Nam Bộ phản ánh sự tranh chấp giữa hai biến thể tr và gi”(3). Tình hình này có phần như ở Bắc Bộ, chẳng hạn có thể dùng song song cả hai cách phát âm: trầu - giầu, trăng - giăng, trời - giời… Hai phụ âm d và gi cũng hầu như nhập làm một /z/ cho nên trong chính tả có người viết “déo dắt” có người lại viết “giéo giắt”… Theo điều tra ngôn ngữ học thì hiện nay chỉ có một vài địa phương lẻ tẻ phía bắc Bình Trị Thiên là còn phát âm phân biệt d, gi mà thôi(4).
2. Về âm cuối.
Âm cuối kết hợp với yếu tố đứng trước nó là nguyên âm để tạo thành vần. Một đặc điểm nổi bật của ngữ âm địa phương Nam Bộ là hầu như toàn bộ những vần có phụ âm cuối [-n,-t] đều biến thành [-ng,-k]. Hiện tượng này khá phổ biến trong chữ Nôm:
-n thành -ng: chẳng hạn dùng chữ “thang” 湯 để ghi âm “than”, dùng “dạng” 樣 ghi “dạn”:
“Ghét đời U Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần”
(Lục Vân Tiên, tr.14a).
“Hổ bì mặt dày mày dạn, tiếc thay mình ngọc vóc ngà” v.v.
(Kim Thạch kỳ duyên, tr. 30b).
-t thành -k: chẳng hạn dùng “các” 各 ghi “cát”, dùng 得 “đắc” ghi “đắt”:
“Xuống sông có rắn mãng xà, doi cát trường sa đi về lục động”
(Địa Nàng, tr.6a).
“Kiệm rằng; nàng nói sai rồi,
Ai từng bán đắt, mà ngồi chợ trưa” v.v…
(Lục Vân Tiên, tr.40a).
Bởi những chữ như “than” và “thang” đều thành “thang”, “đắt” và “đắc” đều thành “đăk” nên tần số xuất hiện của loại này cũng tăng lên gấp đôi, với tỉ lệ khoảng 6%. ở đây đã có sự biến đổi của cặp phụ âm đầu lưỡi thành phụ âm gốc lưỡi. Cách phát âm này bao trùm một vùng rộng lớn từ phía Bắc Thừa Thiên - Huế vào đến tận Minh Hải. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có sự phát âm không phân biệt -n, -ng, -t, -k ở Nam Bộ là do ảnh hưởng của tiếng Triều Châu. Người Triều Châu chiếm một số lượng đáng kể trong số người Hoa di cư sang miền Nam nước ta và trong tiếng nói của họ cũng chỉ có hai cặp phụ âm cuối [-m, -p] và [-ng, -k] (5). Lý do này cũng có cơ sở bởi vì: “Chúng ta không thể phủ nhận những mối quan hệ họ hàng và ảnh hưởng qua lại, sự vay mượn lẫn nhau giữa tiếng nói của các dân tộc định cư và sống trong một vùng, trên một lục địa”(6). Trong thực tế, tiếng địa phương Nam Bộ ngoài việc giao lưu với tiếng Khơ me, tiếng Chàm là những ngôn ngữ bản địa, còn có sự tiếp xúc với tiếng Hán của những người Hoa di cư sang, nên không thể không có những mặt ảnh hưởng nhất định.
3. Về thanh điệu.
Trong tiếng Việt, thanh điệu là một đặc điểm chủ yếu giúp cho việc phân biệt tiếng nói giữa người vùng nọ với người vùng kia. Song mỗi vùng lại có một hệ thống thanh điệu riêng: Bắc Bộ nhìn chung có sáu thanh (không, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Trung Bộ phát âm không phân biệt thanh ngã với thanh nặng. Còn Thanh Hóa và các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào Nam phát âm không phân biệt thanh hỏi với thanh ngã. Người đọc cũng dễ nhận ra điều này khi tiếp xúc với các tác phẩm Nôm Nam Bộ, như dùng chữ 解 “giải” ghi “dãi”, dùng 保 “bảo” ghi “bão”
“Quản bao thân trẻ dãi dầu,
Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên”
(Lục Vân Tiên, tr.3b)
Bão tháng chín tháng mười, chớ bão đâu tháng hai tháng ba mà bão” v.v…
(Địa Nàng, tr.1a).
Loại này có khoảng 1,5%.
Khi gặp những chữ Nôm thuộc các trường hợp trên đây, nếu người đọc không chú ý đến xuất xứ của tác phẩm, thì cũng dễ cho là tác giả viết cẩu thả hoặc khắc in sai. Những chữ như “đắt” được ghi bằng “đắc”, “với” được ghi bằng “giới” hoặc “vả” được ghi bằng “dã”… thực khó có thể tìm thấy ở trong bất kỳ một cuốn tự điển, từ điển chữ Nôm nào. Nhưng đích thực đó là sự phản ánh của ngữ âm địa phương vào chữ viết. Hiện trạng này lại có thể nảy sinh ra nhiều cách viết khác nhau. Thậm chí có những chữ người vùng này sáng tạo ra thì người vùng kia không hiểu được. Nhưng xét từ các đặc điểm của ngữ âm địa phương thì không thể cho đó là những chữ viết sai. Bởi vậy, chúng ta cần có những tri thức nhất định về phương ngữ học thì mới có thể đọc và lý giải được những ví dụ tương tự như chúng tôi vừa nêu.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bất kỳ một đặc điểm nào của ngữ âm địa phương cũng ghi nhận ở trong chữ Nôm. Chúng ta biết rằng cặp phụ âm cuối [-nh, -ch] thường đứng sau các nguyên âm ngắn (i, ê). Nhưng trong cách phát âm của người Nam Bộ không có hai phụ âm cuối đó, chúng chuyển thành [-n, -t], nghĩa là ở đây có sự biến đổi của cặp phụ âm mặt lưỡi thành phụ âm đầu lưỡi. Song dù có phát âm “anh, ách” thành “ăn, ắt”, “khanh, khách” thành “khăn, khắt” thì chữ Nôm vẫn cứ ghi là 英 厄 , 卿 客 phải chăng đây là một thứ chữ đã được sử dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước. Và các nhà thơ, nhà văn của ta ngay từ thời trước cũng đã có ý thức viết thế nào cho toàn dân dễ hiểu. Dù họ là người trong Nam hay ngoài Bắc, cái ngôn ngữ mà họ sử dụng trên đại thể vẫn là dựa trên nền tảng của ngôn ngữ toàn dân. Nguyễn Du là người Nghệ Tĩnh, vậy mà trong Truyện Kiều bất hủ của ông người ta chỉ đếm được có bảy từ địa phương mà thôi(7).
Trên đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Muốn hiểu biết một cách đầy đủ, chúng ta cần cố gắng đi sâu vào nhiều tác giả, tác phẩm hơn nữa. Tuy nhiên, sự phản ánh của ngữ âm địa phương vào trong chữ Nôm vẫn là một vấn đề mang tính chất khách quan. Những cách phát âm đó không phải đã đi vào quá khứ mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu biết nhìn nhận một cách đúng mức vấn đề này thì nhất định chúng ta sẽ tiến hành công tác phiên âm, chú thích văn bản một cách có hiệu quả hơn.
CHÚ THÍCH
1. Ví dụ: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu (Nguyễn Đình Chiểu); Kim Thạch kỳ duyên (Bùi Hữu Nghĩa), Địa Nàng (khuyết danh), Phan Lương Khê lịch sử tập (có Nôm, Diệp Bá Ngự sao chép) v.v.
2. Xem Huỳnh Ngọc Trảng: Địa Nàng (Nxb. Tp. HCM. 1992). Đây là một tiết mục diễn xướng dân gian Nam Bộ có kết hợp với nghệ thuật tuồng. Những dẫn chứng trong tác phẩm này chúng tôi ghi theo bản phiên âm của Cao Tự Thanh (Sđd).
3. Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước Nxb. KHXH, 1989, tr.71.
4. Nguyễn Tri Niên - Nguyễn Phan Cảnh: Sơ lược về tình hình phát âm phân biệt d và gi hiện nay - Nghiên cứu Văn học 8-1961.
5. Hoàng Thị Châu, Sđd, tr.227.
6. Nguyễn Khánh Toàn: Về lịch sử tiếng Việt - Ngôn ngữ số 4 - 1978.
7. Hoàng Dũng - Nguyễn Tiến Mậu - Đinh Văn Thiện: Một số ý kiến về vấn đề sắc thái ngôn ngữ địa phương và văn bản Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngôn ngữ số 4-1982./.

Friday 13 April 2018

CHỮ NÔM PHẢN ÁNH NGỮ ÂM ĐỊA PHƯƠNG TRONG THIÊN NAM NGỮ LỤC (Nguyễn Thị Lâm - Tạp Chí Hán Nôm số 5/2005)


TB

Thuật ngữ ngôn ngữ học gọi chung tiếng nói của địa phương là phương ngữ. ở nước ta, có thể phân chia thành ba phương ngữ lớn: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam(1). Trong từng vùng như vậy lại có những sắc thái ngôn ngữ riêng. Sự khác nhau giữa tiếng nói các địa phương thường được thể hiện ở những đặc trưng về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, nhưng chủ yếu vẫn là trên bình diện ngữ âm(2). Điều này cũng đã được phản ánh vào chữ Nôm - một thứ chữ viết cổ xưa ghi âm tiếng nói của người Việt. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều dẫn chứng khi đi sâu vào các văn bản Nôm, nhất là các văn bản thơ ca cổ tích. Hiện nay, có thể coi Thiên Nam ngữ lục (TNNL) là một tác phẩm văn vần bằng chữ Nôm dài nhất mà ta còn bảo lưu được. TNNL ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVII và giá trị của nó đã được giới nghiên cứu khẳng định. Trong quá trình phiên âm, chú giải văn bản này(3) chúng tôi còn nhận thấy có những trường hợp muốn đọc và hiểu TNNL một cách chính xác trong một số trường hợp thì không thể không quan tâm đến vấn đề ngữ âm địa phương thể hiện trong văn bản. Vấn đề này được thể hiện ở những nội dung như sau:
1. Không phân biệt /L/ - /N/. Ví dụ:
- Dùng chữ  “nên” (Nôm) để ghi âm “lên”, dùng  “năm” (Nôm) để ghi “lăm” trong khá nhiều trường hợp:
Trẻ từ lên chín lên mười (4a, d6)
Trẻ lên bảy tám mới cho học hành (73b, d9)
Tuổi vừa lên bốn mặt nhìn vẻ vang (77a, d2)
Long Cán tuổi tuần lên ba (89b, d8)
Âu Cơ là hiệu tuổi ngoài mười lăm (3a, d3)
Mười lăm bộ lạc thửa chưng cõi bờ (4a, d6)
Mười lăm bộ lạc dương xưa (12b, d2)
Mười lăm bộ lạc sứ quân (54b, d4)
Mười tám năm trị, tuổi đầy năm lăm (78a, d1)
...
Trái lại, TNNL dùng chữ 蓮 “lên” (Nôm) để ghi “nên” trong những câu:
Tre già măng mọc để hòng gây nên (74b, d5)
Đông cung thái tử lập nên (86a, d2)
Dụ Tông vô tự triều đình lập nên (111a, d1)
Thăm tìm đế thất lập nên (125a, d6)...
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ghi đúng, như dùng chữ 戼 “nên” trong câu:
Cửa nhà căn bản lập nên,
Tốt phúc còn bền sinh được đôi trai. (90a, d7)
Cách ghi tương tự như trên còn có thể tìm thấy trong Việt sử diễn âm(4), một tác phẩm cùng thể loại diễn ca lịch sử ra đời từ thời Mạc, trong câu:
Thuở Hoàng thái tử Vệ vương,
Mới lên bảy tuổi khôn đương việc triều (16b, d3).
Trong sách Chỉ nam ngọc âm(5) cũng thấy dùng chữ 年 “niên” để ghi “lên” trong những câu:
Tiểu nhi con mọn tuổi còn lên ba (7b, d7).
Hậu tử là lên hột cơm (15a, d8)
...
Hoặc như trường hợp chữ 了 “nếu”, thông thường ghi bằng chữ 裊 “niểu”, nhưng trong nhiều trường hợp lại được viết thành (khẩu + liễu). Ví dụ:
Nếu mà khinh rẻ mẹ cha,
Áo xiêm thì cũng thành ra thú cầm
(Thi văn tạp lục,
tr. 20b)
“Nếu nhà chùa bỏ không cúng kỵ thì tôi có quyền lấy lại số ruộng đó”.
(Bia ký kỵ chùa Thạch Trì, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây)
“Dẫu là một cảnh thiên tạo địa thiết rất tinh xảo, nhưng nếu không có đức Từ lão tổ(6) tu luyện thoát hóa ở đó thì còn ai biết tới cho đến ngày nay”.
(Sài Sơn thi lục, tr.85b)
Những thí dụ như trên chứng tỏ những cách phát âm /L/ thành /N/ và ngược lại đã để lại dấu vết trong TNNL và trong các văn bản Nôm nói chung. Điều đó cho thấy người viết chữ Nôm đã phản ánh đúng âm đọc của địa phương mình. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chỉ xảy ra cách đây chưa thật lâu, chứng cớ là trong Từ điển Việt - Bồ - La của giáo sĩ Alexandre De Rhodes xuất bản tại Rôm năm 1651 đã có l, n và cách đọc của nó được mô tả đúng như hiện nay, chỉ trừ một vài trường hợp đối với l như “lăn” còn là mlăn, “lể” (trong lể gai) còn là mlể, “lồi” còn là mlồi. Lên đến thời An Nam dịch ngữ(7) (khoảng thế kỷ XV, XVI), người đời Minh đã dùng chữ Hán có l để phiên âm 45 từ Việt đọc với l . Còn n cũng đã được ghi nhận qua việc phiên âm 16 từ Việt bằng những chữ Hán hồi đó có âm -n(8). Qua đó có thể thấy rằng chữ Nôm phản ánh những cách phát âm như trên có lẽ chỉ xuất hiện vào khoảng sau thế kỷ XVII.
2. Không phân biệt /T/-/CH/ (quốc ngữ ghi là tr, ch). Ví dụ:
- Dùng 徵 “trưng” (vời đến, trưng cầu) để ghi “chưng”(từ biểu thị thời gian diễn ra sự việc được nói đến: thuở, đương, trong) ở những câu:
Đế vương chưng dấy trời đà giáng sinh (59a, d1)
Chưng khi khốn ở Nguyên quân (102b, d4)
Chưng khi ác thú xông càn (106a, da3)...
Hoặc trong Việt sử diễn âm:
Có người ở nước thánh nhân,
Ở chưng nước Lỗ, nghiệp văn nhà dòng (6a, d5)
- Dùng  “triều” (triều đình, triều đại) để ghi “chầu”, “chiều” trong những câu:
Tôn nàng làm chủ xem chầu Việt bang (2b, d6).
Mưa xuân hoa mọc chiều xuân (5b, d2)...
Sở dĩ có những cách ghi như trên, vì ở đây không có sự không phân biệt giữa hai phụ âm tắc đầu lưỡi và mặt lưỡi tr /t/ và ch /c/, chúng đều thành /c/. Hiện nay, khá nhiều nơi ở Bắc bộ phát âm những từ như “trăng sáng” thành “chăng sáng”, “đánh trống” thành “”đánh chống”, “trẻ con” thành “chẻ con”... Nói một cách khác, phụ âm tr/t/ chỉ còn tồn tại trong ý thức của người nói và được phân biệt trên chữ viết với phụ âm ch/c/ mà thôi. Tuy nhiên, trong cách mô tả của Từ điển Việt-Bồ-La đã cho thấy ở thế kỷ XVII ch/c/ là một âm tắc xát. Còn tr/t/ là một âm quặt lưỡi cũng đã có mặt nhưng nó còn đang tồn tại song song với bl, tl (bl, tl ở thuần Việt, tr ở Hán Việt) chứng tỏ nó đang ở trong quá trình chuyển hóa thành âm này. Đến khoảng cuối thế kỷ XVII thì /bl/ và /tl/ chuyển dần sang tr và gi. Dấu vết của sự chuyển biến này để lại trong tiếng Việt khá rõ, nhất là trong cách dùng chữ Hán phiên âm các tên Nôm như Từ Liêm (tlèm-trèm), Phù Lưu blầu- trầu, giầu)... /BL/ lại theo phương ngôn mà có thể chuyển thành tr hoặc gi, còn /tl/ thì chuyển thành tr hoặc l. Ví dụ: blời > trời, giời, blo > tro, gio, blai > trai, giai, blả > trả, giả, tlái > trái, lái, tlâu > trâu, tlíu tlo > líu lo, tlúc tlắc > lúc lắc(9) . Như vậy thì quá trình tr, ch nhập một cũng chỉ có thể diễn ra ít nhất vào khoảng sau thế kỷ XVII.
3. Không phân biệt S - X. Ví dụ:
- Dùng  “xướng” (xướng ca) để ghi “sướng” (sung sướng):
Chơi lâu sướng dạ càn đua,
Bộ Lĩnh ngồi hoà bảo chúng rằng bay.
(60b, d2)
- Dùng  “sĩ” (làm quan) để ghi “xảy” (bỗng, chợt, lỡ) trong những câu:
Nam tuần xảy gặp một người thiếu niên (1a, d7)
Kề triều xảy thấy một người (7b, d4)
Đi xa lo nữa xảy chân (71b, d5)
Xảy chân chẳng chấp, xảy lời chẳng chi (92a, d8)...
Những cách ghi như trên cũng chứng tỏ không còn sự đối lập trong cách phát âm giữa S - X nữa, chúng nhập làm một thành /s/ (quốc ngữ ghi: x). Nhưng trong Từ điển Việt - Bồ - La, S đã có mặt với tư cách là một âm riêng biệt, cách phát âm được mô tả là một âm xát quặt lưỡi như thường thấy ở miền Trung và miền Nam, còn X cũng có cách phát âm gần giống như hiện nay(10). Điều đó cho thấy hiện tượng nêu trên cũng chỉ xảy ra trong khoảng mấy thế kỷ gần đây.
4. Không phân biệt R - /z/ (quốc ngữ ghi là d, gi). Ví dụ:
- Dùng  “dụng” (dùng) để ghi “rùng” trong câu:
Vua nghe thấy nói rùng mình,
Nể nang lão tướng công danh đã nhiều (103a, d2)
- Dùng  “dữ” (cùng với) để ghi “giữ” trong câu:
Rao nhau gìn giữ tứ thành,
Bảo nàng Trắc Nhị mọi tình cho hay. (25b,d8)
- Dùng  “giả” (hiền giả, học giả) để ghi “dã” trong câu:
Cờ bay chấp chới dường sao,
Can qua trắng dã, đòng đao biếc lè. (17b, d1)
Có thể tìm thấy những ví dụ tương tự như:
- Dùng  “du” (dầu) ghi “giầu” (trầu) trong câu”:
Ba đồng một mớ giầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
(Lý hạng ca dao, tr.10a)
- Dùng  “dã” (trợ từ cuối câu) để ghi “giã” trong câu:
Em về giã gạo ba trăng,
Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm.
(Lý hạng ca dao, tr.99a)
Những ví dụ nêu trên cho thấy ở đây r cùng với d, gi đều phát âm như nhau thành /z/. Những từ có r tuyệt đại đa số đều là những từ thuần Việt. Ở Từ điển Việt - Bồ – La, r đã có cách đọc thống nhất, đó là một âm đầu lưỡi, hơi quặt và hơi rung, còn d được coi như một âm hoàn toàn độc lập, khu biệt với những âm khác. Cũng theo như sự mô tả của Alexandre De Rhodes, những từ hiện nay viết với gi như giời (trời), giầu (trầu), gianh (tranh) ở thời điểm đó đang còn là bl. Quá trình bl > gi đã có mầm mống từ thế kỷ XVII, chứng cứ là trong quyển từ điển này đã ghi cả blả, blả ơn (ở mục B) và giả, giả ơn (ở mục Gi). Hiện nay về mặt phát âm, ở miền Bắc không có một âm đặc biệt nào dành riêng cho r. Nhìn chung thì cả ba âm r, gi, r đều đã nhập làm một thành /z/, chỉ trừ một vài từ phiên âm kiểu như ra-đi-ô, ra-đa thì cách phát âm r có rung mới được phục hồi(11). Kết quả điều tra ngôn ngữ học cũng cho biết chỉ có một vài địa phương ở phía bắc Bình Trị Thiên là còn phát âm phân biệt d, gi mà thôi(12). Ở Nam bộ, hiện tượng phát âm không phân biệt d, gi cũng đã được phản ánh trong các văn bản Nôm, kể cả những tác giả lớn như Nguyễn Đình Chiểu(13). Theo GS Nguyễn Tài Cẩn thì sự phát âm không phân biệt giữa r và d, gi cũng là kết quả của những sự diễn biến mới chỉ xảy ra vài ba thế kỷ trở lại đây(14).
Như vậy, ở TNNL hầu như đã thể hiện được những đặc trưng về mặt ngữ âm của một số vùng thuộc phương ngữ Bắc bộ. Chữ Nôm là một thứ chữ ghi âm nên sự thể hiện những cách phát âm địa phương là một vấn đề tồn tại khách quan trong văn bản. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cứ liệu mà ta hiện biết thì những hiện tượng vừa nêu trên cũng chỉ xảy ra cách đây chưa thật lâu khi đã có sự xóa mờ gianh giới đối lập giữa các âm uốn lưỡi và âm không uốn lưỡi tương ứng l-n, tr-ch, s-x, r-d, gi tại một số vùng địa phương ở miền Bắc, khoảng sau thế kỷ XVII. Những Chữ Nôm phản ánh những cách phát âm địa phương như trên tồn tại ở TNNL cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là tác phẩm ra đời vào thời Lê nhưng văn bản được sao chép ra sớm nhất là vào đầu thời Nguyễn(15). Do đó trong văn bản, bên cạnh chữ Nôm thời Lê còn có cả những chữ Nôm xuất hiện sau thời kỳ sáng tác của TNNL. Những chữ Nôm thuộc loại thứ hai này rất có thể do người sao chép đời sau đưa vào tác phẩm. Có thể chúng không được thu thập vào trong bất kỳ một quyển từ điển, tự điển chữ Nôm nào, nhưng khi gặp chúng trong văn bản, người đọc cũng cần có một kiến thức nhất định về phương ngữ học thì mới có thể đọc hiểu và phiên âm một cách chính xác những trường hợp tương tự như chúng tôi vừa nêu. Cũng cần lưu ý thêm rằng, khi đi vào một tác phẩm Nôm cụ thể nào đó thì cũng nên chú ý một cách đúng mức đến vấn đề xuất xứ của văn bản. Bởi giống như con người, mỗi văn bản cũng thường có quê quán, lai lịch riêng, và việc đi sâu tìm hiểu những chữ Nôm phản ánh ngữ âm địa phương thể hiện trong đó có thể sẽ giúp ích ít nhiều cho việc phiên âm, chú giải một cách chính xác các văn bản Nôm mà chúng ta hiện có.

N.T.L
CHÚ THÍCH
1. Hoàng Thị Châu: Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb. KHXH, H. 1999.
2. Trần Thị Thìn: Tiếng quê ta, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 10-1999, tr.5.
3. Thiên Nam ngữ lục. Nguyễn Thị Lâm phiên âm, chú giải. Nxb. Văn học & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông-Tây, 2001.
4. Việt sử diễn âm. Nguyễn Tá Nhí sưu tầm, giới thiệu, biên dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, H. 1997.
5. Chỉ Nam ngọc âm. Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, Nxb. KHXH, H. 1985.
6. Từ lão tổ: tức Từ Đạo Hạnh, nhà sư nổi tiếng thời Lý.
7. An Nam dịch ngữ. Vương Lộc giới thiệu và chú giải, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 1995.
8. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nxb. Giáo dục, H. 1995, tr.86 và tr.108.
9. Nguyễn Ngọc San: Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 4, Nxb. Giáo dục, H. 1987, tr.267.
10. 11. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, sđd, tr.86, tr.108 và tr.114.
12. Nguyễn Tri Niên - Nguyễn Phan Cảnh: Sơ lược về tình hình phát âm phân biệt d và gi hiện nay. Nghiên cứu Văn học số 8-1961.
13. Nguyễn Thị Lâm: Chữ Nôm với ngữ âm địa phương Nam bộ, Tạp chí Hán Nôm số 2-1993.
14. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, sđd, tr.162.
15. Nguyễn Thị Lâm: "Về các văn bản Thiên Nam ngữ lục hiện còn", Tạp chí Hán Nôm số 4 - 1997./.

Thursday 1 February 2018

Đăng ký là Việt Cộng?



Đăng ký là một từ Hán Việt. Từ này đã xuất hiện trong các từ điển khá xưa như Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:171), Tự Điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue (1937:249). Trái với sự tưởng tượng của nhiều người, từ đăng ký vẫn sống và sống khỏe trong tiếng Việt ở miền Nam trước năm 1975. Nó được ghi nhận trong tất cả các từ điển phổ thông (Tự Điển Việt Pháp Phổ Thông của Đào Văn Tập (1950:213), Dictionnaire Vietnamien–Chinois–Français của Eugène Gouin (1957:395), Việt Pháp Tự điển của Đào Đăng Vỹ (1964:281), Việt Nam Tự Điển (Lê Văn Đức et al., 1971a:423). Sau năm 1975 người miền Nam mua một cọng mì, một ký thịt, nửa bao thuốc lá… đều phải đăng ký. Vì vậy nhiều người lầm tưởng đăng ký là một từ của Việt Cộng, một sản phẩm của chế độ cộng sản.

Sunday 12 January 2014

THỔ ÂM THỔ NGỮ THANH HÓA (Hoàng Tuấn Phổ - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Hai, ngày 21 tháng 10 năm 2013

THỔ ÂM THỔ NGỮ THANH HÓA


                                                    HOÀNG TUẤN PHỔ

Thanh Hóa là một vùng văn hóa, trong đó ngôn ngữ người Việt, thành phần dân tộc chủ thể rất giàu sắc thái địa phương, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ và sâu sắc.
 
Cây trôi ở làng Văn Đoài-Quảng Hòa-Quảng Xương-Thanh Hóa
                     Ảnh:Tuấn Công

 Sách “Địa chí văn hóa xã hội Thanh Hóa” cũng chỉ dành cho “lời ăn tiếng nói” người xứ Thanh số trang ít ỏi với nội dung sơ sài. Các sách Địa chí huyện Hà Trung, Địa chí huyện Thọ Xuân, chú ý đề cập vấn đề “thổ âm - thổ ngữ”, nêu rõ sắc thái địa phương, tuy nhiên chỉ giới hạn phạm vi trong huyện.

    Thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa là giọng nói và lời nói mang tính địa phương của người Thanh Hóa. Người Thanh Hóa ở đây là người Việt cư trú trên đất Thanh Hóa. Và, Thanh Hóa, chúng ta đều biết, một vùng đất lịch sử khá lâu đời: thời Hùng vương là bộ Cửu Chân, thời Bắc thuộc là quận Cửu Chân bên cạnh quận Giao Chỉ, thời phong kiến tự chủ là Châu Ái, lộ, trấn Thanh Hoa rồi tỉnh Thanh Hóa.
    Về địa lý, Thanh Hóa được đóng khung bởi ba bề núi, một mặt biển, đèo Ba Dội (Tam Điệp) mở cửa ra đồng bằng Bắc bộ bao la, khe Nước Lạnh (Hàn Khê) thông lối vào dải đất dằng dặc miền Trung. Nhìn vào bản đồ lịch sử - địa lý Việt Nam cận hiện đại, Thanh Hóa giống khu vực “đệm” ở giữa miền Bắc với miền Trung. Một số học giả người Pháp thời trước muốn đem Thanh Hóa nhập vào Bắc kỳ, dựa vào ngôn ngữ và khí hậu, để tách Thanh Hóa khỏi Trung kỳ “trực trị” của triều đình Huế, thể hiện kín đáo một quan điểm mang ý đồ chính trị, vì bấy giờ Bắc kỳ là đất bảo hộ của Pháp. Mất Thanh Hóa, nhà Nguyễn mất một hậu phương rộng lớn, kho nhân, tài, vật lực dồi dào, mất luôn chỗ dựa tinh thần đất tổ quê cha. Nhìn chung, người ta đều thấy Thanh Hóa như một nước Việt Nam thu nhỏ, có rừng, biển, có trung du, đồng bằng, núi liền núi, sông liền sông, nhiều thành phần dân tộc anh em cùng cư trú, đoàn kết thân ái, cần kiệm sáng tạo, chiến đấu dũng cảm... Trong lịch sử chưa bao giờ bị chia tách, không thể chia tách. Tính ổn định về lịch sử, địa lý và tính bền vững của cư dân bản địa người Việt Cửu Chân (xuất hiện từ thời Hùng vương và có thể xa xưa hơn nữa) là cơ sở để Thanh Hóa hình thành một kiểu lời ăn tiếng nói giàu sắc thái thổ âm - thổ ngữ. Trong tiến trình lịch sử, nhiều người từ đồng bằng sông Hồng di cư vào, từ lưu vực sông Lam chuyển ra, dĩ nhiên họ đều mang theo lời ăn tiếng nói quê hương mình, nhưng chỉ qua một vài đời, không ai còn nhận ra gốc tích. Ngược lại, người Thanh Hóa đi đến phương trời nào của Tổ quốc, dù là Hà Nội với ngôn ngữ được xem là “chuẩn” hay những miền quê Nam bộ với ngôn ngữ “lệch”, chất giọng Thanh Hóa vẫn có thể nhận ra, mặc dù họ đã cố gắng “tẩy xóa” dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh.

    Nói đến lời ăn tiếng nói Thanh Hóa, người ta thường nhấn mạnh cụm từ “mô, tê, răng, rứa”, như là điểm đặc trưng nhất. Nhưng “mô, tê, răng, rứa” từ sông Lam vào đến vịnh Hà Tiên, cả Trung - Nam bộ (quá nửa nước) đều nói, chỉ khác nhau dấu giọng (phát âm) nặng nhẹ - sự thực, vùng ngôn ngữ xứ Thanh là một thế giới âm thanh vô cùng phong phú - phong phú đến rối rắm, phức tạp, khác nào ngàn cây nội cỏ, khiến nhà nghiên cứu ngại bước chân vào. Tuy nhiên, khi nó được khám phá, hẳn ai cũng thấy hết sức thú vị. Trong một chương trình truyền hình, có sinh viên người Thanh Hóa không nói “cầm lấy” mà nói “cằm lấy” lập tức bị người dẫn chương trình phê phán với giọng châm biếm khiến cử tọa cười ồ! Tưởng chỉ là chuyện vui, hóa chuyện... buồn... cười! Buồn cho kiến thức nông cạn và thái độ thô thiển đến tức cười!
    Tiếng Hà Nội được xem là chuẩn, nhưng nếu người các địa phương trong nước phát âm chệch (không chuẩn) cũng chẳng có gì lạ. Bởi xứ sở Hà thành chẳng phải hiếm trường hợp “nói năng” không chuẩn. Ví dụ: âm tr nói thành âm gi (ông giời, giồng cây, ăn giầu...), âm tr thành âm ch (con châu, chào phúng, đánh cháo...) s thành x (xo xánh, xung xướng, cam xài, xứ xở...) âm r thành âm d (du ngủ, chín dộ, dung động...), v.v...

    Tiếng Việt phổ thông yêu cầu đọc và viết chuẩn, nhưng chưa hề quy định tất cả người Việt phải phát âm chuẩn, nói giọng chuẩn, vì hoặc là không làm được hay không nên làm bởi mất đi sự muôn màu ngàn vẻ của nó. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn học sinh thường ngày phát âm không chuẩn, khi viết và đọc ít khi mắc lỗi chính tả. Cũng có những trường hợp nếu khô cứng “chuẩn hóa” chỉ gây tác hại “nghèo hóa” tiếng Việt. Ví dụ: nhầm lẫn và lầm lẫn, lềnh phềnh và lềnh bềnh, đường sá và đàng sá, ví dụ và thí dụ, khoác lác và phét lác, nói láo và nói phét, lười biếng và lười nhác, v.v... Có những thành ngữ, tục ngữ, ca dao địa phương Thanh Hóa in dậm dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh, đã góp phần làm giàu có thêm kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam:
    - Đã mất lả lại mất cả tro bếp (lả = lửa).
    - Thuốc đắng đã tật (đã là khỏi, không phải “dã”).
    - Việc nhà nhác việc chú bác siêng (nhác = lười).
    - Anh về cho em về theo
    Bác mẹ có đánh ta leo lên giường (leo = trèo)
    - Làm đẫy không xấu bằng xay cấu ban ngày.
    (đẫy = đĩ, cấu = thóc gạo).

    Thổ âm - thổ ngữ góp phần quan trọng tạo nên sắc thái địa phương. Như dân ca Đông Anh có câu: “Ba bốn o có bợm cùng chăng...” nếu thay o bằng cô, bợm bằng bạn thì không còn là Thanh Hóa. Hay bài hát về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý: “Đi mố rồi cũng nhớ về Hà Tịnh ..” nếu thay mố bằng đâu, chữa Tịnh thành Tĩnh thì đâu phải chất dân ca xứ Nghệ. Nghe dân ca Nam bộ, ta như được dự những bữa tiệc thổ âm - thổ ngữ vùng đồng bằng sông nước Cửu Long xiết bao kỳ thú...
    Tuy vậy, đối với dân ca lời cổ vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta lại thấy những từ ngữ giống như từ Thanh Hóa, lạc bước tới: Hột (là hạt trong bài “Gọi nghé” - Dân ca Hải Phòng), phềnh (là bềnh trong bài “Qua sông hái củi” - Dân ca Hải Phòng), Dày (là đạp trong bài “Cái cong - dân ca Hà Nam), Huê (là hoa trong bài “Huê thơm bướm lượn” - Quan họ Bắc Ninh), Huê tình trong bài “Đố hoa” - Dân ca Phú Thọ ... Càng ngạc nhiên hơn khi ta được nghe người Phú Thọ - Đất tổ Hùng vương, không hát “tình là tình tình tang tình” mà cũng hát “tềnh là tềnh tềnh tang tềnh” theo lối phát âm “chệch” hay một lối biến âm phổ biến: “i” thành “ê” của người xứ Thanh. Trong lời cổ dân ca trong trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta còn gặp những từ ngữ cổ hiện nay vẫn thấy dùng ở nông thôn các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định: Sui = sôi; Tra = bỏ; Cái thời = cái giỏ; Loa = bát to loe miệng; Lội = lặn; Bứt = cắt, hái ... Đó là cổ ngữ xứ Thanh cũng là phương ngữ của một số miền quê khác: Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ... của thời đã qua?
    Vấn đề thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa không chỉ đơn thuần là thổ âm - thổ ngữ của một địa phương. Nhiều, rất nhiều trường hợp không có nguồn gốc bản địa, hoặc tiếp nhận từ miền quê khác, hay chịu ảnh hưởng qua lại của dân tộc anh em Mường, Thái... cùng sống chung hòa hợp trong một đại gia đình dân tộc trên đất Thanh. Sự tiếp biến văn hóa ấy cũng thấy ở các vùng quê văn hóa in đậm sắc thái địa phương.
    Thổ âm - thổ ngữ là hai thuật ngữ khoa học vì chúng có quan hệ mật thiết với nhau, người ta thường đề cập như một thuật ngữ kép.
    Thổ âm là sự biến âm và chuyển vần (chữ cái) theo cách phát âm có nguyên tắc và quy tắc ở mức độ nhất định. Ví dụ:
    - Cầm -> cằm; Tình -> tềnh; Cắm -> cặm; Cái -> cấy  ....
    - Trâu -> tru; Về -> viền; Củi -> củn; Bồng -> bỏng ....
    Sự biến âm thường rất dễ nhận ra đối với người ở vùng quê khác. Hãy so sánh tiếng phổ thông với tiếng Thanh Hóa, ta thấy âm “â” biến thành âm “ă”, âm “a” biến thành âm “â”, âm “i” biến thành âm “ê”, âm “ê” biến thành âm “iê”, âm “ô” biến thành âm “o”... Trường hợp âm “âu” biến thành âm “u” và ngược lại âm “u” biến thành âm “âu” dường như trái “quy luật”. Ví dụ:
    - Con trâu (phổ thông), con tru (Thanh Hóa).
    - Cây xoan đâu (phổ thông), cây xoan đu (Thanh Hóa).
    - Đi tù (phổ thông), đi tầu (Thanh Hóa). Nhưng “cây đu đủ” (phổ thông), Thanh Hóa không nói “cây đâu đẩu”  mà vẫn nói “Cây đu đủ”, tại sao? Vì Thanh Hóa gọi “Cây đu đủ” là “Cây hổng” còn đu đủ là từ du nhập, vay mượn, dùng lâu thành quen, tưởng lầm là của mình ...
    Khác thổ âm, thổ ngữ chính là cổ ngữ (tiếng cổ), lưu hành từ xa xưa của Thanh Hóa, ở Thanh Hóa. Ví dụ: trốc (đầu), trượng (mắt), cắn (sửa), me (con bê), ỉn, ỉ (con lợn), ruốc (moi), con của (vật nuôi), anh đỏ, chị đỏ (trai gái nông dân lấy vợ, lấy chồng chưa có con)...
    Có những địa danh cổ rất thú vị, giảng giải phải hàng trang sách: “Mười hai xứ Láng mười tám xứ Neo” (Thọ Xuân), “Tứ xã Bản” (Yên Định), “La Mát La Mạt” (Hà Trung), “Tạnh xá” (thành phố Thanh Hóa)... Nhiều từ ngữ cổ trong tác phẩm văn học cổ: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức Quốc Âm thi tập, Ngọa Long cương (Đào Duy Từ), Sơ kính tân trang (Phạm Thái), Song tinh bất dạ (Nguyễn Hữu Hào), Truyện Kiều (Nguyễn Du)... hiện còn thấy dùng ở nhiều làng quê Thanh Hóa.
    Hiện nay “Tiếng Thanh Hóa” đang phát triển theo hướng “chuẩn hóa” của tiếng Việt. Trong lịch sử “tiếng Thanh Hóa” đã theo chân người Thanh Hóa “mang gươm đi mở cõi” đến tận miền quê mới Cửu Long Giang và dấu vết còn in đậm nét suốt từ đèo Hoành Sơn đến vịnh Hà Tiên. Đó là niềm tự hào không của riêng người Thanh Hóa.
     Vì khuôn khổ bài báo có hạn, ở đây không thể đi sâu, còn nhiều vấn đề của thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa sẽ bàn đến trong dịp khác.
Theo Hoàng Tuấn Phổ (báo Thanh Hóa )

Saturday 18 May 2013

Đặc điểm ngữ âm phương ngữ Nghệ-Tĩnh với việc nghiên-cứu lịch sử tiếng Việt (Nguyễn Hoài Nguyên)

1. Dẫn nhập
Các kết quả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cho thấy các nhà ngữ học đã tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Có thể xuất phát từ mảng từ Hán- Việt để tìm hiểu diễn biến của hệ thống âm đầu tiếng Việt như H. Maspero (1912), Nguyễn Tài Cẩn(1977, 1995). Có thể tiếp cận từ tiếng tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại như A.Haudricourt(1953, 1954), M.Ferlus(1975, 1981, 1995), Phạm Đức Dương (1979, 1983), Trần Trí Dõi (1987, 1991, 2005). Có thể xuất phát từ các thư tịch cổ, trước hết là các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm như Lê Quán(1973), Vương Lộc(1989, 1995), Nguyễn Ngọc San(1985, 2003). Cũng có thể xuất phát từ các ngôn ngữ họ hàng với tiếng Việt như tiếng Mường, tiếng Thổ, tiếng Cuối, tiếng Chứt…và các ngôn ngữ Môn-khmer khác như cách làm của H.Maspero(1912),A.Haudricourt(1953,1954),M.Ferlus(1981),N.K.Xokolovskaja(1976, 1978). Có thể xuôi dòng lịch sử: từ nguyên sơ, tức là từ ngôn ngữ tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại theo cách của H.Maspero(1912), M.Ferlus(1981), Trần Trí Dõi(2005). Cũng có thể ngược dòng lịch sử, từ hiện đại trở về nguyên sơ như cách của Nguyễn Tài Cẩn(1995), Nguyễn Ngọc San(2003). Cùng với những hướng tiếp cận trên, có thể nghiên cứu lịch sử tiếng Việt từ góc độ phương ngữ học.
Phương ngữ học Việt đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử phát triển tiếng Việt qua những nghiên cứu, đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ giữa các vùng, các miền đất nước. Sự tồn tại và đang hành chức của một phương ngữ và giữa các phương ngữ có một mối liên hệ về lịch sử bởi vì Lịch sử tiếng Việt tìm thấy trên bản đồ phương ngữ sự ánh xạ trong không gian của sự diễn biến của nó trong thời gian [3, tr. 28]. Dĩ nhiên, cái hình ảnh lịch sử qua không gian chỉ là một khái niệm tương đối thể hiện những đặc điểm nào đó của các thời kì khác nhau của một ngôn ngữ chứ không phải thể hiện một cách trọn vẹn các giai đoạn khác nhau ấy. Nhưng trong điều kiện tư liệu quá ít ỏi thì những yếu tố bảo lưu còn vương lại ở những mảnh biến thể địa phương của tiếng Việt đương đại cũng có thể cho phép người nghiên cứu tái lập những dạng ngôn ngữ ở các thời điểm phát triển đã có trong diễn trình tiếng Việt. Vậy là, trong các phương ngữ Việt, phương ngữ Nghệ Tĩnh(PNNT) là một trong vài phương ngữ hiếm hoi còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ, thậm chí rất cổ của tiếng Việt ở các giai đoạn trước đây. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã xác nhận điều đó: Trong các vùng phương ngữ Việt, vùng phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên có một vị trí đặc biệt: đây là vùng hiện còn giữ rất nhiều nét cổ. Có thể coi đây là một kho tàng cứ liệu có thể giúp ích được rất nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt giai đoạn khá xa xưa( cách đây năm trăm năm trở lên) [1, tr. 14]. Bài viết này nêu vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ các đặc điểm ngữ âm PNNT.
2. Vị trí của phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các vùng phương ngữ Việt
Việc xác định các vùng phương ngữ Việt đã có lịch sử một thế kỉ nếu tính từ những khảo sát của L.Cadiere(1902). Tuy cuộc tranh luận về vấn đề phân vùng phương ngữ chưa có tiếng nói thống nhất nhưng vẫn phải chấp nhận một cách phân định các vùng phương ngữ để xác định PNNT thuộc vùng phương ngữ nào. Chúng tôi ủng hộ giải pháp của Hoàng Thị Châu [3] phân chia tiếng Việt thành ba vùng phương ngữ gồm phương ngữ Bắc(PNB), phương ngữ Trung(PNT) và phương ngữ Nam(PNN); theo đó, PNNT là một phương ngữ tiểu vùng cùng với phương ngữ Thanh Hóa( PNTH) và phương ngữ Bình Trị Thiên( PNBTT) thuộc vùng PNT. Nếu thừa nhận tính chất cổ là nét đặc trưng của vùng PNT thì trung tâm là tiểu vùng nào? Dựa vào các đặc trưng ngữ âm PNNT, tiến hành so sánh đối chiếu với PNTH, PNBTT và các phương ngữ khác, chúng tôi cho rằng PNNT thể hiện đầy đủ tính chất trung tâm, tiêu biểu cho vùng PNT. Điều đó phù hợp với những nhận định của Vương Hữu Lễ( 1974), Hoàng Thị Châu(1989, 2004), Nguyễn Tài Cẩn(1995) nhưng các tác giả chưa có điều kiện chứng minh.
So với cái mã chung là tiếng Việt văn hóa(TVVH) vẫn có những sự khác biệt làm nên tiếng nói của từng vùng cụ thể mà mỗi người nói tiếng Việt đều có thể cảm nhận được. Nói đến PNNT, người các địa phương khác dễ nhận ra bộ mặt ngữ âm qua cách định danh giọng Nghệ gắn với nét đặc trưng trầm, nặng, trọ trẹ được thể hiện trong ba bộ phận cấu thành âm tiết Nghệ Tĩnh là âm đầu, phần vần và thanh điệu.
Hệ thống âm đầu PNNT có 23 đơn vị vì còn bảo lưu âm đầu /p/ hiện nay không tồn tại trong TVVH và các phương ngữ khác. Theo Phan Ngọc( 1953), âm /p/ đã từng tồn tại trong tiếng Việt thế kỉ X( bằng chứng trong tiếng Mường có /p/) nhưng mất đi vào khoảng thế kỉ XII. Khác với PNB, PNNT có ba phụ âm quặt lưỡi / ƫ, ʂ, ʐ / có mặt trên toàn địa bàn. Các phụ âm có cấu âm quặt lưỡi được hình thành trong tiếng Việt thế kỉ XVII( được A.de.Rhodes ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La) được bảo tồn nguyên vẹn trong khi đó PNB mất hẳn các âm quặt lưỡi, còn PNN chỉ có / ƫ/ và /ʐ/ vì theo Huỳnh Công Tín( 1999), âm /ʂ/ đã nhập với /s/. Trong PNBTT, theo Võ Xuân Trang [10], ba phụ âm quặt lưỡi không có mặt trong 30/ 94 điểm điều tra; còn trong PNTH, trừ một vài thổ ngữ ở nông thôn, nhìn chung tình hình giống như PNB. So với PNB và PNN, PNNT vẫn giữ nguyên vẹn dãy các phụ âm tắc bật hơi / p’, t’, k’/ đối lập với các phụ âm không bật hơi / p, t, k / của tiếng Việt thế kỉ XVII trở về trước( được ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La). Trong TVVH và các phương ngữ khác, dãy phụ âm tắc bật hơi này chỉ còn lại /t’/( th), còn /p’/ > / f/( ph), /k’/ > /x/( kh) kết quả của quá trình xát hóa. ở PNTH, dãy bật hơi cũng chỉ còn lại /t’/, còn PNBTT tồn tại /p’/ nhưng chỉ có ở một thổ ngữ/ xin xem Võ Xuân Trang [10]/.
Trong phát âm, PNNT còn lưu giữ nhiều nét ngữ âm rất cổ của tiếng Việt thế kỉ XV- XVII. Một số thổ ngữ Nghệ Tĩnh như Nghi Ân, Nghi Đức(Nghi Lộc), Thanh Yên(Thanh Chương), Đức An, Đức Lập(Đức Thọ), Cương Gián(Nghi Xuân) còn tồn tại thấp thoáng các âm đầu tiền thanh hầu hóa [?b, ?d] của tiếng Việt cổ. Những dấu vết về tổ hợp phụ âm như [tl], cách cấu âm tắc, hữu thanh/ vô thanh ngạc hóa mạnh [dj], [bj], [cj] vốn có trong tiếng Việt thế kỉ XVII vẫn tồn tại trong nhiều thổ ngữ Nghệ Tĩnh. Trong cách phát âm của PNNT, [dj] tương ứng với [z]( d), [bj] tương ứng với [v], [cj] tương ứng với [z]( gi) trong TVVH. Những cách phát âm này không tìm thấy trong PNTH và các phương ngữ khác nhưng vẫn tồn tại trong một số thổ ngữ Quảng Bình thuộc PNBTT. Miêu tả một cách phát âm cụ thể, chẳng hạn, âm /z/( d) trong TVVH được người Nghệ Tĩnh phát âm [dj]. Cách phát âm này lưu giữ dấu vết của tiếng Việt trung đại mà A.de Rhoder ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La: dea(da), deải( dải), deạy(dạy), dẹam(dạm)…. Các tác giả Nguyễn Tài Cẩn(1995), M.Ferlus(1985), Vương Lộc(1995) đều thừa nhận de là biến thể của d và đã miêu tả như một âm tắc đầu lưỡi. Trong những nghiên cứu gần đây, Nguyễn Văn Lợi(2005) cho đó là phụ âm tắc, hữu thanh thở, tác giả ghi bằng kí hiệu [dh], còn Đoàn Văn Phúc(2005) lại khẳng định đây là cách phát âm tắc, đầu lưỡi tiền thanh hầu hóa, ghi bằng kí hiệu /d/. Thế nhưng, quan sát cách phát âm của người Nghệ Tĩnh(đặc biệt ở những người già) chúng tôi nhận thấy có hiện tượng thanh môn mở, đầu lưỡi đưa lên lợi tiếp ngạc tạo cảm giác lưỡi căng do bị kéo lùi về phía sau, luồng hơi đi qua thanh môn làm dây thanh rung mạnh. Đây là cách cấu âm của một phụ âm tắc, hữu thanh, ngạc hóa mạnh; vị trí cấu âm đầu lưỡi- lợi tiếp ngạc [dj]. Chúng tôi đã thu thập được 50 từ mà phần đầu âm tiết có cách cấu âm như đã miêu tả.
Từ thực tế phát âm, chúng tôi nhận thấy PNNT đã phản ánh một cách khá trọn vẹn các đặc trưng có ở phần đầu âm tiết của PNT. Xu hướng cấu âm của người Nghệ Tĩnh tiêu biểu cho lối cấu âm của PNT, đó là cách cấu âm nghiêng về chọn một bộ vị thích hợp cho phát âm phần đầu âm tiết, tức là các phụ âm. Thói quen cấu âm của người Nghệ Tĩnh là tận dụng tối đa phần gốc lưỡi. Các âm có chỗ cản tính từ răng đến gốc lưỡi có xu hướng nhích về phía sau làm cho phần cuối của khoang hầu, kèm theo đó là phần cuối của khoang miệng bị thu hẹp lại một cách đáng kể. Lối cấu âm này chỉ có ở vùng PNT, khác hẳn lối cấu âm của vùng PNB, ở đó gốc lưỡi hầu như ít hoạt động. Lối cấu âm của người Nghệ Tĩnh làm cho âm tiết bị phủ một màu tối, trầm đục hơn so với việc tận dụng tối đa khoang trước của miệng của người miền Bắc. Có lẽ do thói quen cấu âm lấy khoang sau của miệng làm trung tâm nên người Nghệ Tĩnh mới bảo lưu trọn vẹn ba âm quặt lưỡi cũng như việc thể hiện rõ ràng các âm tắc bật hơi so với các phương ngữ trong vùng.
Hệ thống vần PNNT cũng mang đặc trưng của vùng PNT. Khác với PNB, PNNT có sự phân biệt các vần ɯw(ưu)/ iw(iu), ɯɤw(ươu)/ iew( iêu), tận dụng tối đa các vần ɯn(ưn)/ ɯt(ưt), bảo lưu một lối tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần và kết vần như e:η(êêng)/ e:k(êêk), ɛ:η(eng)/ ɛ:k(ec), u:η( uung)/ u:k(uuc), o:η(ôông)/ o:k(ôôc), ɔ:η(oong)/ ɔ:k(ooc) và cả ɤ:η(ơng)/ ɤ:k(ơc), i:η(ing)/ i:k(ic). Khác với PNN, phần vần PNNT gần như giữ được trọn vẹn các yếu tố phụ âm tính ở kết vần. Các yếu tố phụ âm tính làm nhiệm vụ kết vần trong sự kết hợp với các yếu tố nguyên âm tính không chịu một sự tác động chặt chẽ như ở PNB hay một phần như ở PNN mà chúng vẫn còn là một sự sao phỏng không hoàn toàn các phụ âm có ở phần đầu âm tiết. Điều đó nói lên rằng những bộ vị cơ bản của phụ âm có ở phần đầu âm tiết đã được giữ nguyên khi sao phỏng ở phần cuối âm tiết và yếu tố nguyên âm tính đỉnh vần không có sự đối lập về trường độ. Do đó, nếu trong TVVH và các phương ngữ khác số lượng vần có trong thực tế ít hơn rất nhiều so với sự hình dung lí thuyết thì vần PNNT có số lượng tối đa(159 vần). Các vần ɯn(ưn), ɤw(ơu), ɤη(ơng) và cặp vần ɯm(ưm)/ ɯp( ưp) vừa có trong hệ thống vừa có trong thực tế phát âm. Các vần ɤw, ɤη có giá trị âm vị học vì chúng có tư cách là những đơn vị cấu tạo vỏ âm tiết làm thành từ thực tế như phơu, phơu bở, (rú) Bờng. Nhìn chung, phần vần PNNT có đặc điểm của lối cấu âm vùng PNT nhưng thể hiện một cách cực đoan và đa dạng hơn PNTH và PNBTT. Từ thực tế phát âm, có thể xác định những đặc trưng mang tính chủ đạo ở vần PNNT là: xét từ phía đỉnh vần, có thể nhận thấy các nguyên âm đỉnh vần trong TVVH có độ nâng lưỡi cao thì PNNT có độ nâng lưỡi thấp( đôi khi có hiện tượng ngược lại). Như vậy, khẩu độ của nguyên âm đỉnh vần trong PNNT theo hướng mở và trầm, kể cả các nguyên âm chuyển sắc. Nếu có các tiếp hợp giữa đỉnh vần và kết vần thì PNNT có xu hướng tiếp hợp lỏng.
Hệ thống thanh điệu Nghệ Tĩnh là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng làm nên đặc trưng giọng Nghệ. Đặc trưng nổi bật là PNNT chỉ có 5 thanh, trong đó thanh ngã và thanh nặng tương ứng với thanh nặng trong TVVH. Cũng là hệ thống 5 thanh nhưng ở PNTH và PNBTT, thanh ngã nhập với thanh hỏi như PNN. Qua phân tích ngữ âm và xác lập hệ thanh Nghệ Tĩnh có thể thấy rằng hệ thanh điệu Nghệ Tĩnh mang màu sắc tiêu biểu cho vùng PNT. Các thanh điệu được thể hiện trong vùng âm vực hẹp nên không có dấu hiệu khu biệt rõ ràng. Đường nét các thanh quá nghèo nàn và có xu hướng hỗn nhập các thanh như ngã với nặng, hỏi với nặng, sắc với hỏi…thể hiện một tình trạng rối loạn trong hệ thống thanh điệu. Phải chăng, lối cấu âm của người Nghệ Tĩnh không tận dụng các khoang cộng hưởng vùng miệng như người miền Bắc(toàn thân lưỡi nghiêng về phía trước) làm hẹp phần thoát của khoang hầu(do toàn thân lưỡi dồn về phía sau) nên đã hạn chế sự thể hiện các đặc trưng điệu tính có ở các nét ngữ âm của hệ thống thanh điệu?
Trở lên là những nét đặc trưng của sắc thái ngữ âm tạo nên sự khác biệt giữa PNNT với TVVH và các phương ngữ khác, khẳng định PNNT là trung tâm của vùng PNT, lưu giữ được nhiều dấu vết khá xa xưa của tiếng Việt, nhờ nó mà tính chất cổ của vùng PNT được khẳng định. Bởi vậy, PNNT có một vị trí nhất định trong phản ánh không gian của tiến trình phát triển theo thời gian của tiếng Việt, là một chứng tích trong việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
3. Vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ những đặc trưng ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh
Mối quan hệ giữa phương ngữ học với lịch sử tiếng Việt mà cụ thể ở đây là các tư liệu đang có ở PNNT có giá trị gì cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt? Trước hết, với lối cấu âm tiêu biểu cho PNT cùng với hệ thống âm đầu PNNT cho phép ta hình dung các xu hướng biến đổi của hệ thống âm đầu tiếng Việt ít nhất từ thế kỉ XVII đến nay. Qua phân tích và miêu tả chúng tôi khẳng định rằng PNNT gần như bảo tồn nguyên vẹn hệ thống âm đầu tiếng Việt thế kỉ XVII. Từ tư liệu âm đầu PNNT, bằng phương pháp so sánh đối chiếu có thể hình dung ở một mức độ nhất định các xu hướng biến đổi của hệ thống âm đầu tiếng Việt từ thế kỉ XVII đến nay.
Qua những mô tả về hệ thống âm đầu PNNT phần nào giúp chúng ta hình dung có một cơ chế cấu âm các phụ âm dùng phần gốc lưỡi hay phần sau của mặt lưỡi, phải chăng đó là một cơ chế cấu âm cổ đang bảo lưu trong PNNT? Sự tồn tại dãy các phụ âm tắc bật hơi gợi ý về một quá trình bật hơi hóa: p > p’, t > t’, k > k’ xẩy ra trong tiếng Việt, theo Vương Lộc [5] nó đã hình thành từ thế kỉ XV- XVI. Dựa vào hệ thống âm đầu PNNT có thể hình dung từ thế kỉ XVII đến nay, hệ thống âm đầu tiếng Việt có bốn xu hướng biến đổi sau đây:
- Xu hướng hữu thanh hóa
Hàng loạt phụ âm vô thanh đã biến đổi thành phụ âm hữu thanh trong các phương ngữ hiện nay. Quá trình hữu thanh hóa kết thúc sớm hơn đối với âm môi và có phần muộn hơn đối với âm đầu lưỡi. Bằng chứng, sang thế kỉ XVIII, trong Từ điển Việt- La(1772) và Sách sổ sang chép các việc(1822) không còn các âm đầu môi vô thanh nhưng đến thế kỉ XIX, trong Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn các âm gốc lưỡi vô thanh chưa hoàn thành quá trình hữu thanh hóa. Ta có: p, p’ > v; k, k’ > ɣ, ƫ > z hoặc j( z ở PNB, còn j ở PNN).
- Xu hướng xát hóa
Các phụ âm tắc vô thanh/ hữu thanh biến đổi thành các phụ âm xát vô thanh/ hữu thanh tương ứng. Quá trình xát hóa xẩy ra trước thế kỉ XVII nhưng đến thế kỉ XVII quá trình này vẫn chưa hoàn thành, phải sang thế kỉ XVIII mới kết thúc. Cách phát âm các âm đầu TVVH / v, z, ɣ / trong PNNT góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc các phụ âm xát tiếng Việt. Đó là quá trình p, p’ và b, bj > v; dj và cj > z; k, k’, g > x, ɣ.
- Xu hướng biến mất các âm quặt lưỡi
Từ thế kỉ XVII đến nay, các âm quặt lưỡi bị biến mất, đặc biết là âm / ƫ /. Các âm quặt lưỡi biến đổi thành các âm mặt lưỡi phẳng hoặc âm đầu lưỡi phẳng, cấu âm đơn giản hơn. Quá trình này xẩy ra vào cuối thế kỉ XIX ở vùng PNB. Đó là ʂ > s, ʐ > z, j; ƫ > c, z, j. Các âm quặt lưỡi được bảo tồn nguyên vẹn trong PNNT.
- Xu hướng đơn hóa các tổ hợp phụ âm
Qua cách phát âm của người Nghệ Tĩnh, có thể hình dung các tổ hợp âm đầu tl, bl, ml diễn biến rất phức tạp. Từ chúng đến các phụ âm tương ứng như ngày nay thường có các phụ âm trung gian. Đó là bl, tl > ƫ > c, z, t; ml > ɲ, l.
Các đặc trưng ở phần vần PNNT cũng là những cứ liệu có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử phần vần tiếng Việt. Như đã trình bày, PNNT có các nguyên âm dài [e], [ɛ], [o], [ɔ] trong các vần êng/ êc, eng/ ec, ôông/ ôôc, oong/ ooc. Cách phát âm mà đỉnh vần và kết vần có dạng tiếp hợp lỏng ở PNNT chính là cách phát âm của tiếng Việt trong lịch sử. Các vần êng/ êc, eng/ ec, ôông/ ôôc, oong/ ooc từ xa xưa người Việt cũng phát âm như người Mường. Các vần được ghi lại là anh/ ach, ong/ oc xuất hiện sau; chúng là kết quả biến đổi ngữ âm trong PNB, xẩy ra sau thế kỉ XVII nhưng chắc phải đến cuối thế kỉ XVIII mới hoàn thành vì trong Từ điển Việt- La(1772), Sách sổ sang chép các việc(1822) chúng còn xuất hiện. Trong PNN, các vần trên cũng gần như biến mất, chỉ còn từ méc(= mách). Như vậy, dựa vào các vần có nguyên âm dài trong PNNT cho phép ta hình dung sự biến đổi của vần tiếng Việt trong lịch sử: êng/ êc > ênh êch, eng/ ec > anh/ ach, uung/ uuc > ung/ uc, ôông/ ôôc > ông/ ôc, oong/ ooc > ong/ oc.
Cuối cùng là giá trị của cứ liệu PNNT cho việc nghiên cứu thanh điệu tiếng Việt. Đặc điểm nổi trội của PNNT là sự hòa nhập hai thanh ngã và nặng trong TVVH thành một thanh tương tự như một thanh đi xuống, ngắn nhưng không xuất hiện hiện tượng tắc họng kèm theo. Ngoài ra, hai thanh hỏi và sắc của TVVH cũng được thể hiện thành một thanh đi lên, hai thanh ngang và huyền cũng được thể diện thành một thanh hơi đi xuống. Vậy là, cùng với việc thể hiện đến mức rất phong phú các màu sắc, cung bậc của các yếu tố nguyên âm đỉnh vần, sự thể hiện một cách nghèo nàn các thanh điệu có trong PNNT dường như gợi ý rằng có một thế bù trừ giữa cấu chất của vần và sự thể hiện thanh điệu. Nếu cho rằng thanh điệu Việt có nguồn gốc từ các yếu tố chiết đoạn thì rõ ràng khi nói đến điều kiện để xuất hiện thanh điệu Việt, nhìn từ góc độ PNNT có thể thấy các đặc điểm điệu tính có trong hệ thanh Việt ngoài các nhân tố có từ âm đầu còn có sự góp sức khá quan trọng của các nguyên âm đỉnh vần. Sự chuyển sắc của các nguyên âm từ độ nâng thấp hơn đến độ nâng cao hơn trong một dòng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm cho âm tiết bị trầm xuống, thuộc về âm vực thấp trong việc hình thành thanh điệu.
4. Kết luận
Phương ngữ Nghệ Tĩnh dù có những khác biệt so với các phương ngữ khác như đã trình bày ở trên song vẫn là một biến thể và dạng tồn tại của tiếng Việt trong sự phát triển lịch sử của nó. Song với diện mạo như hiện nay, chúng ta không thể có một PNNT nguyên vẹn như cổ xưa mà chỉ là một phương ngữ trong sự bảo lưu, tiềm tàng của nó. Vì vậy, khi nghiên cứu PNNT, trước hết cần quan tâm đúng mức đến tiến trình phát triển của tiếng Việt trong lịch sử mà PNNT là một chứng tích, đồng thời phải quan tâm đến tính đa dạng vốn có của tiếng Việt trên các vùng đất nước.
Từ những cách phát âm của người Nghệ Tĩnh giúp ta hình dung một lối cấu âm khá cổ của người Việt- lối cấu âm tập trung phần gốc lưỡi và họng. Chính đặc điểm của lối cấu âm này tạo nên: a/ một danh sách âm đầu đầy đủ nhất mà tình trạng phương ngữ Việt đương đại có thể bảo lưu được, b/ sự nối kết chưa hoàn toàn chặt chẽ giữa nguyên âm đỉnh vần với yếu tố kết vần nảy sinh đối lập về trường độ của nguyên âm đỉnh vần và một dạng tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần với kết vần, c/ lối cấu âm làm hẹp phần thoát của khoang hầu đã hạn chế tối đa sự thể hiện các đặc trưng điệu tính có ở nét ngữ âm của hệ thanh điệu. Những nét đặc trưng ngữ âm của PNNT đã góp thêm nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu phương ngữ Việt cũng như tiến trình phát triển của hệ thống ngữ âm tiếng Việt trong lịch sử.
Tài liệu tham khảo
  1. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 1995.
  2. Nguyễn Tài Cẩn, Bàn thêm về quá trình xát hóa âm đầu tiếng Việt, Kỉ yếu hội thảo quốc tế lần thứ 5 về ngôn ngữ học và ngôn ngữ liên á, tập 1, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004.
  3. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004.
  4. Phạm Văn Hảo, Mấy phụ âm đặc biệt trong thổ ngữ Quảng Trạch, Quảng Bình, Ngữ học trẻ 2004, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2004.
  5. Vương Lộc, An Nam dịch ngữ, giới thiệu và chú giải, Trung tâm từ điển học- Nxb Đà Nẵng, H. 1995.
  6. Nguyễn Văn Lợi, Phụ âm tắc hữu thanh thở và vấn đề các phụ âm xát tiếng Việt(trên tư liệu phương ngữ BTB), Bản đánh máy, 2005.
  7. Nguyễn Hoài Nguyên, Xác định vị trí phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các phương ngữ Việt, Ngữ học trẻ 2004, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2004, tr.106- 109.
  8. Nguyễn Hoài Nguyên, Phương ngữ Bắc Trung Bộ với vấn đề các phụ âm xát trong tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2006, Hội ngôn ngữ học Việt nam, H. 2006, tr.84- 91.
  9. Đoàn Văn Phúc, Vài đặc điểm âm đầu và thanh điệu các thổ ngữ An Lộc, Thịnh Lộc với nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2005, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2006, tr.80- 85.
  10. Võ Xuân Trang, Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, H.1997.