Monday 8 October 2018

Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông – Kỳ 6: Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương (Trung Hiếu - Thanh Niên)

Trung Hiếu

(https://thanhnien.vn/thoi-su/giu-huyet-mach-cho-hon-ngoc-vien-dong-ky-6-vi-tong-truong-quyet-khong-roi-que-huong-556577.html)

0 Thanh Niên Online
(TNO) Sau gần 30 năm, di cốt của Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa - đã được người con gái đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) về gửi trong một ngôi chùa ở Sài Gòn.

(TNO) Sau gần 30 năm, di cốt của Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa - đã được người con gái đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) về gửi trong một ngôi chùa ở Sài Gòn.

GS Nguyễn Duy Xuân GS Nguyễn Duy Xuân - Ảnh: chụp lại tư liệu gia đình GS Xuân
Ba ngày làm bộ trưởng
Trước thời điểm 30.4.1975 hai ngày, GS Nguyễn Duy Xuân từ vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên của chính phủ mới do Tổng thổng Dương Văn Minh lập.
Ngày 30.4.1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh trước đại diện quân giải phóng miền Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chính thức sụp đổ.
Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông – Kỳ 6: Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương - ảnh 2
Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này
Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông – Kỳ 6: Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương - ảnh 3
Nguyễn Thị Nguyệt Nga thổ lộ
Sau 1975, qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, GS Xuân được đưa đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) lúc đó.
Năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, GS Võ Tòng Xuân khi đó là đại biểu Quốc hội có ý định vô trại Ba Sao để thăm lại vị viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ.
GS Xuân liên hệ với ông Hoàng Xuân Sơn, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Ninh, nhờ ông Sơn giới thiệu với ban quản lý trại Ba Sao để vào thăm GS Nguyễn Duy Xuân.
GS Võ Tòng Xuân nhớ lại: Gặp lại đồng nghiệp, GS Nguyễn Duy Xuân rất mừng. Khi đó do giỏi tiếng Anh nên ngoài thời gian lao động, ông Xuân được trại giao dịch lại một số tài liệu của Mỹ cho chính quyền. Ở trong trại, hai ông GS đều tên Xuân luận bàn về chỉ thị khoán 100 đang sôi nổi trong ngành nông nghiệp lúc đó. GS Nguyễn Duy Xuân tỏ ra vui mừng khi hay tin Đại học Cần Thơ tham gia góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất lương thực, ít nhiều tác động đến chỉ thị khoán 100.
GS Nguyễn Duy Xuân cũng là người ít nhiều tác động GS Võ Tòng Xuân về nước làm việc. Năm 1972, khi đang công tác ở Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (Philippines), GS Xuân nhận được thư của GS Nguyễn Duy Xuân gợi ý về nước làm việc.
“Anh Xuân nói đồng bằng sông Cửu Long là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp như tôi. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ”, GS Xuân kể lại.
Lần gặp gỡ ở trại Ba Sao là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng sau năm 1975 mà GS Võ Tòng Xuân gặp lại GS Nguyễn Duy Xuân. Do tuổi già và mắc bệnh hiểm nghèo, GS Nguyễn Duy Xuân đã qua đời vào năm 1986 khi đang ở trại Ba Sao.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ôm di cốt ba mình gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (TP.HCM)Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ôm di cốt ba mình gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: chụp lại tư liệu gia đình GS Xuân
Giận ba ghê gớm
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – con gái đầu của GS Nguyễn Duy Xuân – cho hay trước khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, mẹ bà đã dẫn hai người em kế là Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Như Đức di tản khỏi Sài Gòn. Ban đầu ba mẹ con sống ở đảo Guam khoảng 8-9 tháng rồi mới sang Pháp. Riêng bà Nga khi bảy tuổi đã được bà ngoại đưa sang Pháp từ năm 1968.
Sống xa gia đình từ nhỏ, lại không rành tiếng Việt nên với bà Nga, kí ức về người ba khá mờ nhạt. Số lần mà bà Nga gặp ba mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những lần GS Xuân sang Pháp công tác hay lần cô bé Nga tròn 13 tuổi lần đầu tiên về thăm Việt Nam vào năm 1974.
“Về Việt Nam lần đó, tôi có xuống Cần Thơ thăm ba. Ba dẫn tôi đi thăm đồng ruộng, thăm Viện Đại học Cần Thơ đang xây dựng. Ba giới thiệu với tôi chỗ này chỗ kia. Nhớ về ba đó là người rất ham học. Ông thường giúp đỡ những sinh viên nghèo, giúp học bổng cho họ”, bà Nga nói.
Bà Nga cho biết thời gian GS Xuân cải tạo ở trại thi thoảng gia đình vẫn gửi thư và nhờ người thân ở Việt Nam vào thăm, gửi lương thực vào cho ba mình. Ngược lại, GS Xuân cũng viết thư cho vợ con.
“Trong thư ba động viên má đừng buồn, cố gắng giữ sức khỏe để lo cho con cái. Với ba chị em tôi, ba khuyên phải cố gắng học tập, đặc biệt là phải đọc nhiều sách và giúp đỡ người khác”, bà Nga xúc động kể.
Dù ba viết thư động viên như vây nhưng những năm sau 1975, có lúc cô bé Nga giận ba mình ghê gớm. Cô hờn trách và thấy tủi thân khi nghĩ về ba. Cô không thể lý giải và không ai lý giải cho cô biết là tại sao trước và sau ngày 30.4.1975, ba cô có cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam, để mẹ con cô bơ vơ ở đất khách quê người.
Bà Nga cố kìm xúc động thổ lộ: “Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này”.
Theo GS Võ Tòng Xuân, trước ngày 30.4.1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, GS Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam.
“Ba muốn ở lại quê hương”
Bà Nga lý giải việc tìm mộ của ba hơi muộn là do khi sang Pháp, cả gia đình phải lo ổn định cuộc sống. Và những năm ở Pháp, gia đình không hiểu chính sách Việt Nam có cho phép bốc mộ với những người từng tham gia chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và bị đưa đi cải tạo hay không.
Thêm lý do nữa, khi di tản, gia đình bà mất hết liên lạc với những người đồng nghiệp của ba ở Viện Đại học Cần Thơ trước đây.
Những năm gần đây, mỗi năm bà Nga dành ra một tháng để về Việt Nam làm từ thiện, chủ yếu giúp đỡ trẻ dị tật, có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó bà mới chủ động hỏi thông tin để tìm mộ ba mình. Năm 2014, bà Nga liên hệ với trường Đại học Cần Thơ và được giới thiệu tới gặp GS Võ Tòng Xuân. Rất tiếc là dịp bà về năm ngoái trùng với đợt GS Xuân công tác dài ngày ở Ấn Độ nên ước nguyện không thành.
Về phía GS Xuân, sau khi nghe được tâm nguyện của bà Nga, ông âm thầm nhờ một người quen là ông Lê Quang Mẫn, nhà ở Long Xuyên (An Giang) nhưng quê ở Nam Định tìm giúp. Trong một lần về quê, ông Mẫn đã lên trại cải tạo Ba Sao hỏi. Từ những thông tin mà ông Mẫn cung cấp, quản lý trại đã chỉ ông Mẫn ra nghĩa địa của trại. Ngôi mộ của GS Nguyễn Duy Xuân được đánh số thứ tự 93.
Nhận được tin, GS Xuân gửi thư điện tử báo để bà Nga về Việt Nam. Cuối tháng 3.2015, bà Nga về tới Việt Nam. Ngày 29.3, GS Xuân và bà Nga ra Nam Định, lên trại Ba Sao để làm thủ tục xin bốc mộ. Sau khi bốc lên, phần xương được hỏa táng, lấy tro bỏ trong tiểu nhỏ. Sau đó, gia đình đã đưa làm lễ cầu siêu tại một ngôi chùa ở Ninh Bình.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga nhớ về những kỉ niệm với GS Nguyễn Duy XuânBà Nguyễn Thị Nguyệt Nga nhớ về những kỉ niệm với GS Nguyễn Duy Xuân - Ảnh: Trung Hiếu
“Cái hay là khi chôn cất, để làm dấu tránh thất lạc, những người chôn cất đã đặt mấy đồng tiền trong tay anh Xuân. Khi bốc mộ, mấy đồng tiền vẫn còn nguyên”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Ngày 5.4, phần tiểu chứa tro cốt GS Nguyễn Duy Xuân đã được người con gái đưa về Sài Gòn bằng đường tàu lửa, sau đó đem gửi ở chùa Thiên Hưng trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Bà Nga kể nỗi giận hờn ba kéo dài đến năm bà 44 tuổi. Sau này em trai mất, rồi tới mẹ mất, bà tìm đọc sách Phật, đọc lại tư liệu về ba mình, tìm đọc về những đất nước có hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt như Việt Nam, bà mới lý giải một phần lý do khi đó ba mình muốn ở lại quê hương. Vốn là người yêu nước, tính tình hay giúp đỡ người khác lại xuất phát từ giáo dục nên GS Nguyễn Duy Xuân mong muốn ở lại để góp một tay xây dựng quê hương sau chiến tranh.
Khi đã hiểu được tâm nguyên của ba, nỗi giận hờn, buồn tủi khi nghĩ về ba trong bà Nga dường như tan biến. Từ đó, hàng năm bà đều dành một tháng về Việt Nam giúp đỡ trẻ em nghèo khó như thực hiện một phần tâm nguyện của ba mình. Khi hiểu ý nguyện của ba, bà Nga rất đỗi tự hào về người ba của mình.

Lịch sử thể thao Saigon và Nam Kỳ (1910-1945) – Quần vợt (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

(https://hiepblog.wordpress.com/2016/04/21/lich-su-the-thao-saigon-va-nam-ky-1910-1945-quan-vot/)

Lịch sử thể thao Saigon và Nam Kỳ (1910-1945) – Quần vợt

Cũng như đá banh, môn thể thao quần vợt được chơi ở Saigon đầu tiên bắt đầu trong câu lạc bộ người Pháp, Cercle Sportif Saigonnais. Sau đó không lâu, quần vợt được người Việt Nam quan tâm. Đây là môn thể thao có tính cách cá nhân khác với môn thể thao đá banh và rugby banh bầu dục chơi theo đội. Mặc dầu vào Việt Nam cùng khoảng thời gian nhưng môn rugby, khác với đá banh, không được ưa chuộng và phổ biến trong xã hội người Việt, có lẽ là do thể lực và có phần nguy hiểm nhiều hơn so với đá banh. Ở Á Châu, chỉ có Nhật là nước duy nhất vẫn còn chơi banh bầu dục (rugby) và đội banh bầu dục Nhật là một trong những đội mạnh trên thế giới về môn thể thao banh bầu dục.
Quần vợt là một môn thể thao cá nhân được ưa chuộng trong giới thượng lưu người Việt. Chỉ trong vòng vài năm đã có nhiều các hội thể thao quần vợt đã được thành lập ở Saigon, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Vũng Tàu và các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Cercle Sportif Annamite lúc đầu chỉ chú trọng nhiều vào môn thể thao đá banh nhưng không lâu thể thao môn quần vợt cũng được lưu tâm và là môn thể thao mang lại cho Cercle Sportif Annam nhiều tiếng tăm, nhất là trong thời gian ông Triệu Văn Yên là chủ tịch và là ông bầu của hai cây vợt Chim và Giao.
Hội quần vợt Garcerie-Tennis Club có trru sở trên đường Garcerie (Phạm Ngọc Thạch) năm 1930 đã sữa xang và xây thêm các sân quần vợt ở Camp des Lettres (khu Trường Thi xưa thời nhà Nguyễn nay là nhà văn hóa thanh niên). Hội này đa số là người Việt Nam là hội viên nhưng cũng có thành viên đủ mọi giới và quốc tịch. Trong số những người quyên tiền ủng hộ Garcerie-Tennis Club để xây các sân quần vợt có các ông Triệu Văn yên, nhà nhiếp ảnh Nadal, ông Nguyễn Phong Cảnh chủ khách sạn Phong Cảnh khách lầu ở Saigon.
Trong lịch sử quần vợt Việt nam, có 3 nhân vật nổi bật là Nguyễn Văn Chim, Huỳnh Văn Giao và Võ Văn Bảy. Cả ba đã từng đoạt được các giải trong và ngoài nước và đã từng tham dự giải Grand Slam Giải quần vợt mở rộng Pháp (French Open) năm 1931 (Chim và Giao) và 1954 (Võ Văn Bảy). Riêng Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao cũng được đăng ký tham dự gỉi Grand Slam khác là Wimbleton năm 1931. Hiện cho đến nay chưa có người Việt nào đạt được thành tích như ba quần vợt nổi tiếng này trong quá khứ.
Do quần vợt càng được phổ biến và nhiều người tham gia môn thể thao được coi là thanh lịch này, năm 1921, ông Lương Văn Mỹ, chủ tịch hội quần vợt Chợ Lớn (Cholon-Tennis) đã có thông báo đến chủ tịch các hội thể thao ở Saigon-Chợ Lớn và các tỉnh Nam Kỳ về giải Championnat de Tennis. Báo Écho Annamite ngày 31/12/1921 đã đăng bức thư của ông Lương Văn Mỹ về giải này như sau
“Tôi rất hân hạnh thông báo với ông là một giải vô địch quần vợt cặp đôi (Championnat de Tennis en double) cho tất cả quần vợt tài tử người An Nam sẽ được tổ chức vào đầu năm 1922 ở ngay trung tâm sân hội chúng tôi ở Chợ Lớn. Tất cả các đội thể thao ở Nam Kỳ đều có thể tham dự, mổi hội một đội hai người.
Một cúp nghệ thuật có giá trị khoảng một tram đồng sẽ được trao cho Hội mà đại diện đã thắng ở chung kết. Hội này sẽ được tuyên bố là “vô địch bản sứ quần vợt Nam Kỳ” năm 1922.
Tất cả ghi tên tham gia đều miễn phí, tên của hai quần vợt đại diện cho hội sẽ được nhận cho đến hết ngày 15 tháng 1 1922. Sau khi có số tham dự, một chương trinh sẽ được soạn ra dưới sự giúp đỡ của các đại biểu của hai hội ở cạnh bên hội ở Chợ Lớn của chúng tôi, và sẽ được thông báo đến tất cả hội dự thi để họ có thể sắp xếp có mặt ở các ngày đã sắp sẵn các trận đấu từ vòng loại đến chung kết.
Vì lợi ích của thể thao và trên hết là môn quần vợt rất được trân trọng ở tất cả mọi người dân, tôi mong muốn ông, thưa ông chủ tịch, sẽ tham dự vào giải thể thao này với mục đích làm cho môn thể thao này càng thêm lý thú, môn thể thao mà hiện nay đang được thanh niên An Nam chơi mà không có bất kỳ sự khuyến khích nào.
Trân trọng kính chào ông chủ tịch
Chủ tịch hội quần vợt Chợ Lớn
Lương Văn Mỹ

Nhiều giải quần vợt sau đó được lập ra. Báo Écho Annamite ngày 25/1/1923 có đăng lịch trinh của giải quần vợt (Tournoi de teniis) do báo Diễn đàn Bản sứ (Tribune Indigène) tổ chức, tiền thu để giúp cho Hội thể thao An Nam, Cercle Sportif Annamite (C.S.A). Tham dự giải quần vợt này có nhiều hội viên thuộc nhiều hội thể thao Pháp và Việt như Cercle Sportif Saigonnais (C.S.S), Cercle Sportif Annamite (C.S.A), Cầu Kho, Garcerie-Tennis (G.T), Cholon Tennis (Ch. T), Club Tennis Élite de Giadinh (C.T. E. G)., Cholon Elite Tennis (Ch. E. T).
“Tranh giải quần vợt (Tournoi de Tennis)
do báo Diễn đàn bản sứ tổ chức gây quỷ cho Hội thể thao An Nam
Thứ ba 23/1/1923 lúc 16:30
Villarnel (Ch. T.) thắng Lộc (C.S.A) 6-2, 6-1
Cang (Ch. T) thắng Bảy (Caukho) 6-4, 6-5
Chiều nay 16:30
Sân 2: Tiên (G. T.) vs Mỹ (Ch.T)
Sân 3: Ngoan (Ch. T.) vs Khai (C.S.A)
Ngày mai thứ năm 25/1/1923 lúc 16:30
Sân 3: Massard (C.S.A) vs Dày (A. S. T.)
Sân 4: Chúc-Tiếng (Ch. E. T.) vs Schelling (C.S.S.)
Thứ tư 24/1/1923 lúc 16:30
Tinh (G.T.) thắng Mỹ (Ch. T.) 4-3, 6-1, 6-3
Ngoan (Ch. T.) thắng Khải (C.S.A.) 4-4, 4-2
Chiều nay lúc 16:30
Sân 3: Chúc Tiếng (Ch. E. T.) vs Schelling-Terrien (C.S.S.)
Sân 3: Massard (C.S.A.) vs Day (A.S.T.)
Ngày mai thứ sáu 26/1/1923 lúc 16:30
Sân 2: Sanh Bay (Cầu Kho) vs Kieffer-Tournois (C.S.S.)
Sân 3: Minh-Trung (C.T.) vs Thi-Nhiêu (E.G.)

csstennis
Hình 18 – Các sân quần vợt của Cercle Sportif Saigonnais, nơi giải vô địch Nam Kỳ và nhiều giải khác được tổ chức từ năm 1925 đến 1975.

Ngoài ra có nhiều giải quần vợt đặc biệt được các hội thể thao tổ chức như cúp Assomption (Qui thiên) của ông Nguyễn Văn Cang cho hội viên câu lạc bộ Garcerie-Tennis club (Écho Annamite 30/8/1927), cúp Huỳnh Văn Của, cúp Lâm Quang Vinh, cúp Jules Robin, cúp Triệu Văn Yên, cúp Nguyễn Văn Trân, cúp Trương Văn Bền,…
Cúp Lâm Quang (Coupe Lam-quang), do gia đình của tay quần vợt nổi tiếng Lâm Quang Vinh ở Trà Vinh, cho phép Hội thể thao An Nam, Cercle Sportif Annamite, quyền tổ chức cúp Lâm Quang lần đầu tiên năm 1926. Đến năm 1927, C.S.A giao cho Liên hiệp thể thao điền kinh Nam Kỳ (Fédération cochinchinoise des sports athletiques. F.C.S.A) tổ chức. Ông A. Breton chủ tịch liên hiệp đã đưa ra thể lệ thi tranh giải gồm 1 cúp cho vô dịch đơn và 2 cúp nhỏ cho vô địch đôi. Những người thắng giải mỗi năm sẽ được ghi tên và cúp và sẽ giao lại cho Liên hiệp cho giải năm tới. Nếu thắng được giải 3 năm liên tiếp sẽ được lấy cúp (đơn hay đôi) vĩnh viễn.
Mỗi tỉnh Nam Kỳ được gởi đại diện cho cúp đơn và cúp đôi. Trận bán kết và chung kết sẽ được tranh ở Saigon. Đăng ký dự giải gởi tới F.C.S.A qua Cercle Sportif Annamite hay Cercle Sportif Saigonnais. Vòng loại sẽ tranh trong mỗi vùng: vùng Sóc trăng gồm các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, etc., vùng Cần Thơ gồm các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc ẹtc, vùng Sa Đéc gồm các tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh etc., vùng Mỹ Tho gồm Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Tân An etc., và Saigon gồm Saigon, Gia Định và Chợ Lớn (theo Écho Annamite 25/3/1927).
Cúp Trương Văn Bền từ năm 1925 mục đích khuyến khích thể lực thể thao ở các trường học. Cúp dành cho tất cả các trường trung học ở Nam Kỳ tham gia.
Như đã đề cập ở trên, hai quần vợt người Việt nổi tiếng trong giai đoạn đầu là Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao, được khán giả và dân chúng gọi là Chim và Giao. Cả hai đánh cho hội Cercle Sportif Annamite do ông Triệu Văn Yên là chủ tịch và cũng là ông bầu của hai quần vợt này. Tiếng tăm của Chim và Giao trong giới quần vợt lan ra tất cả mọi tầng lớp trong xã hội từ Nam ra Bắc. Trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng có nhắc đến tên hai cây vợt nổi tiếng này khi tả Xuân tóc đỏ lúc làm chân nhặt banh trong sân quần vợt ở Hà Nội và mơ tưởng có ngày sẽ đựợc như Chim và Giao. Chim và Năm Nửa (một cây vợt cũng nổi tiếng cùng thời) lúc đầu chỉ đi làm nghề lượm banh trong các sân quần vợt ở Saigon nhưng qua sự kiên nhẫn học hỏi kỷ thuật đánh quần vợt đã trở thành tay các vợt lừng danh.
Đến năm 1927, danh tiếng của Chim được một số người dùng để hoạt động trong thương mại và truyền bá môn thể thao quần vợt. Trên đường Bonard ở số 94-96 có tiệm của ông Nguyễn Văn Trân bán các cây vợt tennis làm giống như cây vợt của Nguyễn Văn Chim và của một tay quần vợt có tiếng lúc bấy giờ là Lâm Quang Vinh. Trên báo Écho Annamite ngày 9 tháng 9 1927 có quảng các bán vơt chơi quần vợt như sau
“Các vợt của Lamquang và Chim được làm theo những dữ kiện từ vợt của hai nhà đại vô địch Nam Kỳ của chúng ta
Lâm Quang Vinh và Chim
đã thắng vẽ vang trên khắp Nam Kỳ. Bởi những đặc trưng mới, đã thu hút sự chú ý của các nhà chơi thể thao quần vợt mong muốn cải thiện lúc mình chơi quần vợt đánh với vận tốc thật nhanh.
Quí vị hãy chơi với hai cây vợt này của
Lamquang và Chim
Tên tuổi của họ là đủ quảng cáo cây vợt rồi
Đây là những cây vợt đánh hơn hết tất cả.
Nguyễn Văn Trân
94-96 Boulevard Bonnard Saigon
Téléphone No 178

lamquangvien_chim
Hình 19 – Quảng cáo bán vợt tennis của Lâm Quang Vinh và Chim (Écho Annamite 9/9/1927)

Ông Nguyễn Văn Trân, chủ tiệm ở đường Bonard, cũng là hội viên đác lực của Hội thể thao An Nam (Cercle Sportif Annam). Ông Trân cũng đã sáng lập ra giải quần vợt cúp Nguyễn Văn Trân và tặng cho giải quần vợt liên trường vào tháng 11 1928 tổ chức cho các học sinh các trường ở Nam Kỳ trên sân 1 của Cercle Sportif Annam đường Colombier (Hồ Xuân Hương), mỗi người thắng giải (1 đơn và hai đôi) sẽ nhận được một vợt Kim Tiên và một mề đay huân chương. Ông Trân vừa là một nhà kinh doanh vừa là một hâm mộ quần vợt quảng bá môn thể thao này đến quần chúng.
Thể thao Nam Kỳ đi nước ngoài đầu tiên 1928
Ngày 23/9/1928, Tổng cục thể thao Annam (Cercle Sportif Annammite) ở Saigon gởi một đội banh và các tay quần vợt nổi tiếng trong đó có Chim và Giao sang Singapore. Ðây là cuộc thi thể thao đầu tiên của người Việt Nam ở nước ngoài (5). Khác với Huỳnh Văn Giao, Chim xuất thân từ gia đình nghèo và tiểu sử của Chim lúc còn trẻ cũng không rõ lắm. Ngay cả lúc nổi tiếng, ông chỉ được biết qua tên Chim trong quần chúng hay báo chí mà ít khi tên họ rõ ràng. Có lúc là được gọi là Huỳnh Văn Chim cùng họ với Giao như trên báo Écho Annamite ở Saigon và báo The Straits Times khi đi đánh quần vợt ở Singapore. Nhưng cũng được gọi là Nguyễn Văn Chim ở giải Grand Slam quần vợt mở rộng của Pháp và giải Wimbledon và ngày nay tên con đường Nguyễn Văn Chiêm ở Saigon.
Sau khi được giấy phép ở Nam Kỳ và Singapore, đầu tháng 10 năm 1928, như đã kể trên, cùng đi với đội banh Nam Kỳ qua Singapore có hai tay quần vợt nổi tiếng, Chim và Giao. Báo The Straits Times ra ngày 9/10/1928 có đăng Chim đã thắng vô địch quần vợt Malaya championship, Paul Clerc như sau (báo đăng tên Chim là Huỳnh Văn Chim, có thể nhầm cùng họ với Huỳnh Văn Giao)
“Cho đến nay công chúng chưa có dịp gặp các tay quần vợt Nam Kỳ đến Singapore cùng với đội banh. Các tay quần vợt này có cả Huỳnh Văn Chim, vô địch Nam Kỳ, mà chất lượng có thể được đánh giá qua sự kiện là trong một trận đấu ở một sân tư gia, Chim đã đánh bại Paul Clerc, vô địch Malaya, với tỉ số 6-3, 6-4. Đó là vì sân ướt và Clerc có thể chơi hay hơn trên sân có tình trạng khác. Người ta hy vọng rằng một trận đánh biểu diễn khác sẽ được tổ chức”.
Giải Malayan Championships chỉ bắt đầu từ năm 1921 khi quần vợt ở Malaya (bao gồm luôn Singapore) bắt đầu là môn thể thao được chú ý và đang lên.
Vài ngày sau đó, tờ The Straits Times ra ngày 11 tháng 10 1928 có đăng lịch trình trận đánh quần vợt ở Singapore của giải Tournament S.R.C (Singapore Recreation Club)
Nguyễn Văn Chim, vô địch Nam Kỳ đấu với Khoo Hooi Hye vô địch người Hoa giải Singapore và giải Malayan Championship từ năm 1925 đến 1929.
Huỳnh Văn Giao đấu với Lim Bong Soo. Lim Bong Soo là tay vợt đang lên, mặc dầu nhỏ người, đánh tay trái nhưng có tài và sau này thay thế Khoo Hooi Hye trong thập niên 1930s là tay vợt hàng đầu ở Singapore. Khoo Hooi Hye và Lim Bong soo là hai tay quần vợt nổi tiếng trong lịch sử quần vợt Singapore.
Hình 20 – Vô địch quần vợt Singapore và Malaya, Khoo Hooi Hye
Vào giữa tháng 7 năm 1929, Hội thể thao An Nam có tổ chức hai buổi quần vợt vào ngày thứ bảy và chủ nhật (L’Avant-Garde 24/7/1929) trong đó hai minh tinh quần vợt Việt Nam Giao và Chim sẽ đánh biểu diễn tại sân của hội. Sân quần vợt đông đảo người tới xem tận mắt hai nhân vật mà họ ngưỡng mộ. Ngày đầu Chim thắng (6-2, 6-2, 6-1, 8-6) và ngày hôm sau thì ở sết (set) đầu Chim thắng 6-4, vào set 2 thì Chim và Giao đang ở tỉ số 6-6 thì trời mưa và gió lớn. Trận đánh vì thế phải ngừng cho đến 21 giờ tối thì tiếp tục lại, Giao thắng 9-7. Set 3 thì Chim thắng 6-4. Set 4 Giao thắng 6-1 thì trời mưa lại, lúc đó là đã 22 giờ tối. Trận đánh ngừng và chấm dứt. ChimGiao-avantgarde24july1929
Hình 21 – Chim và Giao (trên) và Triệu-văn-Yên (Nguồn: báo L’Avant-Garde 24/7/1929 trong bài phóng sự về trận đánh quần vợt giữa Chim và Giao và 9/8/1929 về Chim và Giao ở Singapore)

Giải Huỳnh Văn Của
Trong 3 người Việt Nam qua Singapore chơi quần vợt, còn có Huỳnh Văn Của. Mặc dầu không nổi tiếng bằng Chim và Giao nhưng ông cũng có nhiều thành tích. Cũng như Chim và Giao, ông Của là hội viên của Hội thể thao An Nam, Cercle Sportif Annamite, và đầu năm 1929 Của và Cang là vô địch đôi quần vợt Nam Kỳ. Chẳng may vài tháng sau ông mất đột ngột. Đây là sự mất mát lớn trong giới quần vợt thời bấy giờ. Để tưởng nhớ Huỳnh Văn Của, Hội thể thao An Nam Cercle Sportif Annamite (C.S.A) ở Saigon đã tổ chức giải Huỳnh Văn Của (coupe Huynh Van Cua) cho những người mới chơi môn thể thao quần vợt để khuyến khích tài năng trẻ để tưởng nhớ một nhà thể thao đang lên ở Saigon và Nam Kỳ
“Giải Huỳnh Văn Của
Hội thể thao An Nam tổ chức một giải thi đấu quần vợt gọi là giải Huỳnh Văn Của, để tưởng nhớ nhà vô địch quần vợt mất cách đây một năm. Giải này mở ra cho tất cả những người chơi quần vợt ở Nam Kỳ nhưng chưa bao giờ tham dự giải Lam-quang và giải Jules Robin hay giải vô địch Nam Kỳ. Giải này vì thế chỉ dành riêng cho những người mới bắt đầu chơi thể thao quần vợt.
Chúng ta nhớ lại một người chơi quần vợt tài ba của hội thể thao An Nam ở Sài Gòn là Huỳnh Văn Của, trong năm 1928 đã đi cùng với hai nhà vô địch quần vợt của chúng ta, Chim và Giao đi Singapore. Huỳnh Văn Của đã đánh thắng những tay quần vợt giỏi nhất của hội thể thao Saigon (Cercle Sportif Saigonnais) như là Tournois và Antoni. Năm ngoái, với Cang, ông đã đoạt giải đôi vô địch quần vợt Nam Kỳ
Một người rất hiền và khả ái, ông chơi thể thao với sự kính mến và tin tưởng từ tất cả những đồng nghiệp của mình. Hội thể thao An Nam ở Sài Gòn không muốn tên của một trong những hội viên của mình vừa mất bị quên lãng, một nhà thể thao tài năng sáng chói, mất đi trong sự yêu mến của cha mẹ và bạn bè ở tuổi tràn đầy sung mãn nở rộ của sự nghiệp. Từ giải Huỳnh Văn Của này, chúng tôi chắc chắn, là sẽ qui tụ rất nhiều người từ các tỉnh của chúng ta.
Đăng ký cho giải này là 3 đồng mỗi người tham dự cho quần vợt đơn và 2 đồng mỗi người cho quần vợt đôi, Hạn đăng ký là cho đến ngày 21 tháng 3 này. Nguyện vọng đăng ký xin gởi đến chủ tịch hội thể thao Saigon ở góc đường Colombier (Hồ Xuân Hương) và Pierre Flandin (Bà Huyện Thanh Quan).
Chúng tôi sẽ công bố thể lệ của giải. Hôm nay chúng tôi khuyên các nhà thể thao quần vợt ở các tỉnh nên ghi tên tham dự đông đảo giải này, giải được tạo ra chủ yếu là cho họ và sẽ, theo một cách nào đó, là một giải thưởng khuyến khích những người mới chơi quần vợt.

(Écho Annamite 12/3/1930)
Quần vợt ở các tỉnh
Các tỉnh Nam Kỳ cũng có nhiều người chơi và hâm mộ môn thể thao quần vợt, như ở Mỹ Tho trong ba ngày thể thao quần vợt được coi là to lớn chưa có tiền lệ, ngày 2, 3 và 4 tháng 8 1928, một đám đông khổng lồ như báo Écho Annamite loan tin đã đến xem và vỗ tay hoan hô trận quần vợt giữa Chim, vô địch Nam Kỳ và các tay quần vợt giỏi nhất ở Mỹ Tho, như Thế vô địch quần vợt địa phương.
Các trận đôi giữa Chim và Của ở Saigon với các cặp từ Mỹ Tho, Gò Công và Tân An phần thắng đều về phía Chim và Của. Những nhà quần vợt từ Gò Công và Tân An đã đến Mỹ Tho để có dịp luyện tập và sữa soạn cho vòng loai của giải quần vợt 11 tháng 11 1928 do Cercle Sportif Mytho tổ chức, họ đã có dịp may đọ sức với Chim và Của để có thêm nhiều kinh nghiệm (Écho Annamite 6/11/1928)
Đặc biệt được tán thưởng là các ông Tiếng và Martin từ Gò Công, Cang và Nguôn từ Tân An, Truân, Cho và Vang từ Mỹ Tho. Ông Vang với các banh chớp nhoáng và vào đúng chổ được tán thưởng vỗ tay lâu dài và được chúc tụng vì đã đứng ra tổ chức những ngày lễ hội thể thao này. Ông Vang cũng là chủ tịch hội thể thao Mỹ Tho. Trong những khán giả có ông trưởng ti hành chánh Delibes, người rất mê quần vợt và không bỏ sót trận quần vợt nào, đốc phủ Vinh, ông Ourgaud, ông Kha, chủ tịch Ủy ban liên hội thể thao An Nam (Commission Interclub Annam, C.I.A), ông bà Lafuste, ông bà Pellegrin, ông Tuấn huyện Nâm, quan tòa hòa giải ông Đạt, ông Trà ở Vĩnh Long, etc.. Ông Kha chủ tịch ủy ban liên hội đã từng dẫn các quần vợt như Chim, Của, Tuấn đến Mỹ Tho nhiều lần để phát huy môn thể thao quần vợt ở Nam Kỳ.
Chim và Giao làm rạng danh người Việt
Danh tiếng của Chim và Giao giờ đây khắp Đông Dương và Viễn Đông đều biết. Ngày 6/1/1930, triều đình Huế đã chính thức ban thưởng huy chương Nam Việt Long Bội Tinh chức kỵ sĩ (Ordre impérial du dragon d’Annam, chevalier) cho Triệu Văn Yên, ông bầu của Chim và Giao, còn Chim và Giao được trao Kim Tiền huy chương hạng ba (sapèque d’or, troisème classe).
Theo báo Écho Annamite (6/1/1930), cả ba đã có ghé Huế, trong những chuyến đi chu du đánh quần vợt và đã có nhiều người trước đây đề nghị đến triều đình thưởng huy chương cho họ, nay ngày 6/1/1930 thì họ đã được triều đình An Nam chính thức công bố. Báo Écho Annamite bình luận đây là sự kiện đáng để ý. Thứ nhất vì đây là lần đầu tiên triều đình Việt Nam đã trao huy chương cho những nhà thể thao và thứ hai trong ý nghĩa của lý do trao huân chương đã được nêu ra rõ là vì họ là những người Việt Nam đầu tiên làm rạng danh dân tộc Việt ở nước ngoài trong lãnh vực thể thao
“.. Chúng tôi nhận thấy đây là dấu hiệu thời đại khá nhiều ý nghĩa trong thái độ này của chính phủ Huế, chính phủ mà chúng ta không thể ca tụng quá được. Đã có thời, cách đây không xa, thể thao được coi như là những món giải trí không đáng kể và vô dụng, nếu không nói là hoàn toàn bị khinh miệt. Ở Đông Dương, thật ra cũng như ở Pháp, những “môn chơi bằng tay” đồng nghĩa với “môn chơi xấu xa không đoan chính” như một câu châm ngôn nổi tiếng đã nói, và may mắn thay để vực dậy thể lực của dân tộc ta đã quá yếu kém, quá suy yếu, quá bệnh hoạn, câu này càng ngày càng bị lãng quên, càng ngày càng bị phủ định bởi nhiều người và các diễn biến xảy ra.
Chúng ta nên vì thế vui mừng, thành khẩn chúc mừng phẩm giá mà họ xứng đáng hưởng được và được tôn vinh, ba người nhận huy chươn, của lứa thể thao đầu tiên này.
Rõ ràng là các tâm tính đã tiến hóa trên thế giới, và cả ở nơi chúng ta. Triều đình Huế chính họ cũng đi theo phong trào và tự cải cách theo nghĩa tốt đẹp hơn, mà người ta đã coi họ, thường không phải là không có lý do, lạc hậu cả một hệ thống, củ rich hết thời, đi ngược dòng, thù nghịch với tiến bộ, ngang ngạnh mù quáng với tất cả những gì mớ, chống đối tất cả những cải cách, những canh tân nghịch với truyền thống xưa trong quá khứ, mà họ là một người được ủy thác đầy ghen tị và nô dịch.
Cử chỉ mà triều đình sắp làm là vinh danh họ, cùng lúc vinh danh những người được nhận. Triệu Văn Yên, Huỳnh Văn Chim (*) và Huỳnh Văn Giao đã dành được huy chương từ sự đấu tranh cao độ – đó là cách nói để diễn tả, bởi vì các sân quần vợt do tính cách của chúng là những bãi chiến trận, và nói đúng hơn là những bãi chiến trận hòa bình, ở đó những dân tộc đến gần nhau hơn thay vì chia rẽ, nơi mà hận thù bị đuổi đi và thay vào đó là giống như một chiến trận, một trận chiến cao thượng – nhưng mà chúng vẫn còn là chiến trận vì ở đó có người thua và kẻ thắng, những nạn nhân và những cái chết hy sinh vì ý chí niềm tin, thậm chí có những anh hùng – nhưng không bao giờ có kẻ hèn nhát – mà những hy sinh, may mắn thay, không bao giờ đưa đến cái chết, dẫn đến đỗ máu.
Ba cá nhân mà chúng ta đề cập ở trên mang trên người của họ những huy chương với một phẩm cách đáng trọng, Những huy chương này đã tìm được đúng vị trí xứng đáng của chúng trên ngực của những người hùng gan dạ. Chúng không phải hổ thẹn đỏ mặt vì họ. Và họ, cũng vậy, không phải đỏ mặt xấu hổ vì chúng. Họ đã ngự trị đạt, được không qua những hành động ti tiện, không luồn cúi và cũng không xin xỏ. Họ không mua các huy chương này qua đồng tiền. Họ đã trả chúng bằng sự nhọc nhằn khổ cực, bằng sự cố gắng của họ, bằng tài ba của họ. Những huy chương này, đối với họ đôi khi, chỉ là một phần thưởng, một sự trợ lực làm vững lòng, một sự khuyến khích thôi. Chúng ta không đề cập nhiều, than ôi, về số lượng đồng nghiệp của họ !

(chú thích người dịch: (*) thực sự tên của Chim và Giao là Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao. Tờ Écho Annamite chắc nhầm lẫn).
Bài báo trên của báo Écho Annamite cho thấy tất cả mọi người từ quan triều, dân chúng mọi từng lớp kể cả báo giới đều nhận thấy sự xứng đáng của hai tay quần vợt và ông bầu của họ đã mang vinh danh về cho dân tộc Việt Nam ở nước ngoài. Cho tới ngày nay, Chim và Giao vẫn xứng đáng với niềm tự hào của người Việt Nam.
Chim và Giao trên phim ảnh, quần vợt Anh-Việt và giải quần vợt vô địch Malaya
Chim đã đạt được chức vô địch Đông Dương và đã đấu quần vợt với Samarq, vô địch Bắc Kỳ. Trận quần vợt này đã được quay phim và vào đầu năm 1930, một tuần trước khi Tết đã được mang ra trinh chiếu ở rạp Casino Saigon như báo Écho Annamite (17/1/1930) đã tường thuật. Phim về trận đánh quần vợt này ở rạp Casino Saigon đã được đông đảo khách đến xem và rất thành công.
Theo tờ Écho Annamite thì tiếng tăm của Samarq không những được biết khắp ở Đông Dương mà còn ở Viễn Đông nữa. Điều này cho thấy tiếng tăm của Chim bắt đầu lan rộng ra ngoài nước qua phim ảnh. Trong dịp này giám đốc hảng phim Indochine Films et Cinemas đã dành riêng 50 vé miễn phí cho Cercle Sportif Annamite ở Saigon để chia ra cho các hội viên. Chim, Giao và ông bầu của hai ông là Triệu Văn Yên, các đồng nghiệp, bạn bè và những người ái mộ đã giúp đỡ thành công cho buổi chiếu phim đầy ấn tượng này. Khán giả đã vỗ tay khen ngợi lúc xem trận quần vợt thật thanh lịch đẹp mắt này của tay quần vợt số một ở Đông Dương. Đây là cơ hội độc nhất vô nhị để thưởng lãm tài nghệ của Chim trong phòng chiếu phim trên đường Pellerin (Pasteur ngày nay) như báo Écho Annamite đã bình luận. Tiếc rằng ngày nay chúng ta chưa tìm ra được cuốn phim quí báu này.
Ngày 1 tháng 2 năm 1930, trong dịp Tết, Hội thể thao Vũng Tàu (Cap-Sport) do ông Michel Thanh là chủ tịch đã tổ chức với sự giúp đỡ của Cercle Sportif Annamite ở Saigon một trận đấu đôi quần vợt giữa Chim, Giao và hai quần vợt người Anh là Collins, Payne lúc 14 giờ chiều trên sân khách sạn Grand-Hôtel du Cap. Sân này do khách sạn bảo trợ cho hội Sport-Cap dùng cho trận quaần vợt hào hứng này. Buổi hôm đó rất nhiều người mua vé đến xem và có sự hiện diện của nhie6`u nhân vật quan trọng trong xã hội ở Saigon và Vũng Tàu. Trong trận này Chim và Giao đã thắng dễ dàng Collins và Payne. Sau đây là bài tường thuật về trận quần vợt này vào mùng 3 Tết âm lịch (Écho Annamite 5/2/1930)
“Quần Vợt – Các trận quần vợt Anh-Việt ở Vũng Tàu
“Ngày 1/2/1930, mùng 3 Tết âm lịch, thành phố nghĩ mát biển Vũng Tàu đi vào lễ hội, sau 14 giờ đã có một đám đông lớn tụ tập quanh khách sạn Grand-Hôtel, nơi mà trong 2 giờ nữa, sẽ xảy ra hai trận quần vợt mà mọi người đang chờ không kiên nhẫn. Giá vé, mà chúng tôi tin biết là, đã cho ra tổng cộng khoảng năm trăm năm chục đồng (piasters), đó là một sự thành công của buổi chiều hôm đó..Để ý là giá vé từ 1$ đến 0$40 tùy theo thứ hạng; và hai phần ba ít nhất là các khán giả được mời, những người được mời tọa lạc ở phía bên trong mà hầu như trong số họ ai cũng biết lẫn nhau.
Đến khoảng 3 giờ rưỡi tất cả ghế đã được chiếm chỗ. Các ghế ngăn đặc biệt cũng vậy. Chúng tôi nhận thấy, ngoài những người tổ chức, có sự hiện diện của ông Brégégère, giám đốc khách sạn Grand-Hôtel, ông Wolf, trưởng ti thành phố Vũng Tàu, ông Lalaurette, tỉnh trưởng tỉnh Bà Rịa, ông bà trung tá Descormes, ông bà thiếu tá Mallet, ông bà thiếu tá Francois, ông bà quản lý công ty Câble Anglais, ông begley, ông bà đại úy Nguyễn Văn Xuân, ông bà trung úy Pajot, chủ tịch Liên hiệp thể thao Vũng Tàu (Union Sportif du Cap), và đông đảo công chức, sĩ quan, các khách du lịch nghĩ mát, các người đứng đầu, phó các tổng, chức sắc các làng, mà chúng tôi xin không kể tên.
Lúc 16 giờ đúng, các tay quần vợt đôi như trong chương trinh xuất hiện trên sân với sự vỗ tay của quần chúng. Ngay sau đó, bắt đầu là các trao đổi đánh banh qua lại và sau đó là vào trận đấu dưới sự trọng tài của ông Triệu Văn Yên, chủ tịch Cercle Sportif Annamite ở Saigon. Cặp đôi quần vợt Chim và Giao đã dễ dàng hạ hai đối thủ Payne và Collins 6-1, 6-2 trong trận đánh không có biến cố gì.
Kế đó hai nhà vô địch An Nam đánh một trận biểu diễn mà sau khi dẫn 5-2, Giao đã thua Chim 5-7.
Cuối cùng là trấn đánh chính thức thứ hai giữa Cang và Collins. Đây là trận có nhiều bàn cãi vào buổi chiều hôm đó. Cang thắng dễ dàng đối thủ trong hiệp (set) đầu 6-1, nhưng bị thua ở hiệp hai 5-7. Ở hiệp ba, Collins dẫn trước 3-0, kế đó 4-1. Mọi người đều nghĩ là chiếc cúp tất yếu sẽ trở lại cho tay quần vợt người Anh, đến lúc Cang nhờ cố gắng gỡ được huề và cuối cùng thắng đối thủ 6-4.
Sau các trận đánh kết thúc, một bữa ăn trưa được khách sạn bảo trợ, tụ quanh một bàn dài ở trên sân, đối mặt ra biển, là các tay quần vợt, những “viên chức” và các đại diện báo chí. Bằng một vài lời khả ái, ông Wolf đã cám ơn các khách ăn là sự hiện diện của họ đã làm cho ngày lễ được vui hơn, mà Vũng Tàu sẽ ghi mãi vào kỹ niệm.
Những khách mời An Nam chấm dứt ngày đẹp trời này ở khách sạn ngay trung tâm thành phố, nhờ sáng kiến, tổ chức thành công mỹ mãn của ông huyện Michel Trần Thiện Thanh, chủ tịch hội thể thao Cap-Sports, với sự giúp đỡ hữu hiệu từ một ủy ban của hội thể thao này, được biết tiếng qua môn thể thao đá banh.

Đầu tháng 3 năm 1930, có tin hai nhà vô địch quần vợt Singapore Khoo Hooi Hye và Bong Soo sau khi đánh quần vợt ở Manila, trên đường sang Nhật Bản để đánh với Nhật trong giải cúp David, có thể ghé Saigon để đánh quần vợt với các vô địch Nam Kỳ. Tin này làm nức long các nhà quần vợt và khán giả hâm mộ. Duy chỉ có vấn đề mà ông chủ tịch Cercle Sportif Annamite Triêu Văn Yên còn do dự. Đó là số tiền mà hai quần vợt Khoo Hooi Hye và Bong Soo đòi hỏi là một ngàn sáu trăm đồng (piasters) cho chi phí di chuyển của họ. Đây là số tiền rất lớn cho hội thể thao An Nam ở Saigon. Theo chương trinh nếu họ đến, Chim và Giao sẽ lên Đà Lạt vài tuần trước để tập dược trong không khí trong lành ở thành phố này. Trong trường hơp Chim và Giao thắng Khoo Hooi Hye và Bong Soo thì Nam Kỳ sẽ được tham dự vào giải Davis Cup, đi Yokahoma đánh với Nhật. Cuối cùng thì dự định ghé Saigon của Khoo Hooi Hye và Bong Soo không thực hiện được.
Thật ra trước đó, báo Écho Annamite ngày 4/1/1930 đăng tin ông Triệu Văn Yên có nhận được thư của tay quần vợt nổi tiếng A. L. Rumjah ở Singapore ngõ ý muốn đến Saigon cùng với Gordon Lum và Khoo Hooi Hye để thử sức với các quần vợt Việt Nam trên đường đi dự giải quần vợt ở Manila. Saigon có cơ hội thưởng lãm các trận quần vợt giữa 3 vô địch các giải ở Á châu với các vô địch Việt Nam.
Gordon Lum, sinh ở thành phố Adelaide, là cây quần vợt trẻ người Úc gốc Hoa nổi tiếng ở Úc, sau này ông qua Thượng Hải đại diện cho Trung Quốc cùng với Khoo Hooi Hye đánh bại đội Anh trong giải Davis Cup ở Thương Hải 1930. Rumjah người Singapore gốc Ấn độ, đã từng là vô địch giải Trung Quốc 1926, 1928 và 1929. Dự định là các vô địch Việt Nam (Chim, vô địch Đông Dương, Giao, vô địch Nam Kỳ và Samarq, vô địch Bắc Kỳ) sẽ đứng ra tranh với Rumjah, Gordon Lum và Khoo Hooi Hye. Lúc đó C.S.A chưa quyết định sẽ tổ chức các trận đánh theo lối nào như kiểu cúp Davis, 4 đơn và một đôi hay theo lối khác. Sự kiện các nhà vô địch Singapore muốn đến Saigon đánh quần vợt tranh tài chứng tỏ môn thể thao quần vợt ở Saigon đạt được trinh độ và tiêu chuẩn quốc tế thời bấy giờ.
Hai năm sau khi đi Singapore, vào tháng 8 năm 1930 Chim và Giao cũng đã tham dự giải vô địch quần vợt Malaya trên sân cỏ (Malayan Lawn Tennis Championships) ở Kuala Lumpur, Giao và Chim đã áp đảo các đối thủ đến từ nhiều nước. Giải quần vợt Malaya 1930 là là thành tích cao nhất trong cuộc đời sự nghiệp thể thao của Chim và Giao.
Giao đoạt được chức vô địch đơn nam và Chim đứng nhì và trong trận chung kết đánh đôi N. E. Wise / Taylor (double), Giao và Chim đứng nhì sau khi thua cặp đôi nam Nhật Shoyo Matsukawa và Kawajiri (6-2, 4-6, 2-6). Nhưng trong trận chung kết đôi nam nữ Giao và Gras (Pháp) đã thắng N. E. Wise và Taylor (Malaya) 3–6, 6–3, 6–1.
Cercle Sportif Annamitte và giải quần vợt Triệu Văn Yên
Năm 1930-1931 là giai đoạn cực thịnh nhất của Hội thể thao An Nam, Cercle Sportif Annamite (C.S.A) trong lãnh vực quần vợt. Hội đặt ra cúp Triệu Văn Yên mang tên đương kim chủ tịch hội và năm 1931 hai cây vợt ngôi sao của hội lần đầu tiên dự giải Grand Slam, quần vợt mở rộng Pháp.
Cúp Triệu Văn Yên là giải giữa các hội thể thao để xem hội nào là vô địch cúp. Trong các trận thư hùng giữa Cercle Sportif Annamite ở Saigon và Chin Wo (Tinh Võ) Club ở Chợ Lớn gồm 3 trận đánh đơn và 2 trận đánh đôi, Cercle Sportif Annamite đã thắng 4 thua 1 (Écho Annamite 17/2/1930). Không cần phải có Chim và Giao, các tay quần vợt của Cercle Sportif Annamite Thoại, Vay, Ban và Yên đã thắng với kết quả như sau
Thoại thắng Yen-Bu 6-3, 6-3
Vay thắng Đông 6-3, 6-4
Ban (vô địch năm 1930 của C.S.A) thắng Hui-Foo 6-3, 8-6
Thoại và Vay thắng Tích và Phát, 6-3, 6-4
Hui-Foo và Đông (cựu vô địch người Hoa Chợ Lớn) thắng Ban và Yên 6-1, 6-3
Hội Cercle Sportif Annamite cũng đã tổ chức các buổi ga-la tennis và văn nghệ có nhạc tài tử và cải lương trong cùng chương trình như báo Écho Annamite ngày 17/2/1930 đã đăng như sau
“Ngày thứ bảy 22 và chủ nhật 23 tháng 2 1930 là những ngày đáng nhớ trong lịch sử thể thao quần vợt Nam Kỳ. Người ta có thể xét đoán như vậy qua chương trình đầy đủ tiết mục như sau của hội thể thao An Nam (C.S.A) ở Saigon – cũng hội này và lúc nào cũng hội này !
Chúng ta hãy bắt đầu bằng chương trình đầu tiên. Đây là cho buổi soirée thứ bảy: lúc 15 giờ các trận đánh quần vợt cho cúp Jules Robin; lúc 19 giờ các trận đánh bóng bàn (ping pong hay tennis de table); lúc 21 giờ trận quần vợt 3 sets giữa Chim và Giao, vô địch đôi Mã Lai; và lúc 22 giờ … nhảy múa dân tộc đồng quê, vui thú không quần vợt nhưng không phải hoàn toàn không thể thao, để làm đậm đà cho buổi lễ hội và để hâm nóng những cặp giò của các người yêu thích nhảy.nhạc tài tử và cải lương sẽ giúp vui cho cuộc thi này.
Ngày hôm sau, chủ nhật: 7 giờ sáng, các trận của giải cúp Jules Robin, và cũng các trận cúp nàu 3 giờ chiều; 17 giờ các trận bóng bàn (ping-pong).
Chúng tôi cũng thêm là một tác phẩm nghệ thuật của doanh nhân Nguyễn Văn Trân cũng sẽ được tặng cho người thắng trong trận quần vợt giữa Chim và Giao như đã nói trên.
Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng, giải Jules Robin hứa hẹn vượt qua tất cả những kỳ vọng lạc quan nhất, tổng cộng có cả thảy 80 trận quần vợt và 120 tay vợt tham gia gồm những người đánh giỏi nhất ở nam Kỳ và ngay cả ở nam An Nam, bởi vì các tay quần vợt từ thành phố xa xôi, Nha Trang, cũng ghi danh tham dự.
Một trang vỗ tay cho hoạt động của Hội thể thao An Nam “Cercle annamite” và sự tận tâm của chủ tịch hội này, ông Triệu Văn Yên !

Cúp Jules Robin do ông Dauverchain của hảng Ogliastro et Cie., bắt đầu từ năm 1927, đứng ra bảo trợ cho giải quần vợt do Ủy ban liên hội thể thao An Nam (Commission Interclub Annamite) tổ chức. Người thắng giải ngoài nhận cúp còn được tặng một chai rượu cognac Jules Robin (Écho Annamite 9/11/1927). Qua đó ta thấy vai trò của các công ty thương mại bảo trợ các môn thể thao để quảng cáo cho sản phẩm của công ty đã có ở Nam Kỳ trong giai đoạn đầu của các môn thể thao được ưa chuộng. Công ty Ogliastro et cie. nhắm vào các khán giả và người chơi quần vợt vì họ đa số thuộc giới thượng lưu và trung lưu. Rượu cognac Jules Robin đã được nhiều người Việt Nam lúc đó biết đến và ưa chuộng Công ty Ogliastro lúc đó là đại lý độc quyền của hảng rượu cognac Jules Robin ở Nam Kỳ.
Hình 21 – Rượu cognac Jules Robin, đại lý tại Saigon là công ty Ogliastro & Cie.
Ông Triệu Văn Yên, ngoài chức hội trưởng Cercle Sportif Annamite, ông còn là giám đốc công ty Nguyễn Văn Trác. Công ty này cũng qua ông Yên tháng 11 năm 1927 đã tặng một cúp cho đội tuyển thắng trận đá banh giữa hai đội banh Goconnaise SportiveÉtoile de Giadinh ở thành phố Gò Công. Công ty Ogliastro cũng tặng mỗi cầu thủ hai đội (22 người) một chai Jules Robin và gói thuốc lá “La Cigogne”. Ngày nay thực sự hai món này, rượu và thuốc lá, như ta biết không được quảng cáo và thương mại trong các trận thể thao ở nhiều nước.
Chim và Giao và các giải Grand Slam
Nhưng thành tích ít người biết đến là Chim đã đi qua Âu châu dự hai giải quần vợt grand slam là French Open và Wimbledon vào tháng 5 1931.
Với danh tiếng vô địch quần vợt Đông Dương lan rộng ở Á châu, năm 1931 Chim được mời qua Pháp và Anh cùng với Giao tham dự 2 giải Grand Slam lớn nhất mà tất cả các tay quần vợt trên thế giới đều ước mơ được tham dự: giải quần vợt mở rộng Pháp (French Open) và giải Wimbleton. Đây là lần đầu tiên có hai người Việt Nam tham dự các giải Grand Slam. Ngoại trừ Võ Văn Bảy sau này vào năm 1955 và Võ Văn Thanh (em Võ Văn Bảy) năm 1963 tham dự giải quần vợt mở rộng Pháp, cho đến hiện nay vẫn chưa có người Việt Nam nào khác tham dự các giải Grand Slam được.
Trong vòng hai của giải quần vợt mở rộng của Pháp (French Open) ở sân Roland Garros, Paris. Nguyễn Văn Chim đã đánh với Jean Borotra, tay quần vợt nổi tiếng của Pháp được coi là một trong “4 chàng ngự lâm pháo thủ” (4 mousquetaires) thời đó gồm Borotra, Brugnon, Cochet và Lacoste. Borotra là vô địch 15 lần hai giải Grand Slam (9 lần vô địch gỉai quần vợt mở rộng Pháp và 6 lần vô địch giải Wimbleton). Với một đối thủ như vậy, Nguyễn Văn Chim tuy thua 4-6, 3-6, 3-6 nhưng đã có gây ấn tượng với giới quần vợt thế giới.
Hình 22 – Bốn tay quần vợt ngự lâm pháo thủ nổi tiếng (“Mousquetaires”) của Pháp ở sân Roland Garros (1928) Brugnon (trái), Cochet, Lacoste và Borotra (phải) và ông bầu Pierre Gillou (chính giữa). Borotra đã đánh trong vòng đầu giải quần vợt mở rộng Pháp với Chim ở nơi này.
Theo chương trình cũng có trận ở đấu vòng đầu giữa Huỳnh Văn Giao và Andre Martin-Legeay (Pháp) ngày 18/5/1931 nhưng Andre Martin_Legeay được tuyên bố thắng (walk over) có lẽ do Giao đã không đến được.
Sau đó, Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao theo dự định là sẽ đến Luân Đôn để tham dự giải quần vợt Wimbledon. Ngày đấu vòng đầu giữa Nguyễn Văn Chim với Charles Kingsley (Anh) là 22/6/1931 như trong hồ sơ tư liệu của giải Wimbledon và ngày nay của Association of Tennis professionals (ATP) đã ghi nhưng có lẽ vì không đến được nên Kingsley được cho là thắng (walk over) để vào vòng hai. Tương tự Huỳnh Văn Giao cũng đã thua W. Legg (walk over) có lẽ vì không có mặt.
Một tay quần vợt khác nổi tiếng ở Saigon là Nứa. Năm 1933, ông đánh thắng Giao và trở thành vô địch Nam Kỳ.
nua_asie_noiuvelle1933
Hình – Nửa, vô địch Nam Kỳ đã thắng Giao 2 set 8-6, 6-3 ngày 2 tháng 4 năm 1933 (nguồn – L’Asie Nouvelle 3/1933)

Tuy vậy về độ bền bĩ, cho đến những năm cuối thập niên 1930, Chim và Giao vẫn là những cây vợt chưa có ai so bằng, mặc dầu tuổi đã bắt đầu cao. Các trận quần vợt thường được tổ chức có mặt hai cây vợt này là có nhiều người đến xem.
“Chủ nhật 10 tháng 10 1937
tổ chức bởi Liên hiệp quần vợt Nam Kỳ (Fédération Cochinchinois de Tennis)
trên sân của Cercle Sportif Saigonnais
Những trận đấu lớn quần vợt chuyên nghiệp
giữa các tay quần vợt: Chim, Nua, Giao, Nhanh, Bảo và Tiêc
Giá xem: 1$ và 0$50
Tổ chức: các ông Durand, Bonvicini và Yên

(Le Nouvellist d’Indochine 26/9/1937)
Trong giải quần vợt xuyên Đông Dương năm 1936 (24/9/1936 đến 4/10/1936), các đội quần vợt Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cam Bốt tranh giải. Mỗi đội gồm 3 người đánh 4 trận đơn và 1 trận đôi. Đội Nam Kỳ không có Chim và Giao nhưng có Nửa. Kết quả đội Trung Kỳ và Cam Bốt bị loại vào chung kết là Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Các trận đánh rất sôi nổi nhất là trận đôi với kết quả Nam Kỳ thắng 3-2 trong năm trận như sau
Nửa (Nam Kỳ) thắng Fong (Bắc Kỳ) 6-1, 6-0
Sáu (Nam Kỳ) thắng Nhân (Bắc Kỳ) 6-4, 6-1
Nhân-Dương (Bắc Kỳ) thắng Nửa – Sáu (Nam Kỳ) 6-4, 1-6, 7-5
Sáu (Nam Kỳ) thắng Fong (Bắc Kỳ) 6-2, 6-2
Nhân (Bắc Kỳ) thắng Báu (Nam Kỳ) 3-6, 6-3, 6-4
Mặc đầu tuổi đã cao, vào tháng 8 năm 1950 Nguyễn Văn Chim cũng tham dự giải Monte Carlo Country Club nhưng trong vòng hai đã thua Horsten (Pháp). Trận này đánh dấu kết thúc cuộc đời thể thao của ông. Vài năm sau thì ông mất, qua những gì ông đã mang lại cho vinh quang nước Việt và để ghi nhớ công trạng của Chim trong lãnh vực thể thao quần vợt mang lại danh tiếng cho Việt Nam và phát triển môn thể thao này ở Saigon, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955, đã đặt tên một con đường ở Saigon là đường Nguyễn Văn Chiêm ở quận 1, gần nhà thờ Đức Bà và đường Phạm Ngọc Thạch thay thế tên đường Marc Pourpe, cũng là tên của một phi công có dính liền với lịch sử hàng không Saigon.
Đường Marc Pourpe thời Pháp thuộc từ đó trở thành đường Nguyễn Văn Chiêm danh tiếng (đúng ra phải là đường Nguyễn Văn Chim) và ngày nay vẫn giữ tên như vậy. Nhưng tên đường Chiêm không đúng với tên thật của ông là Chim như đã được ghi trên các hồ sơ, tư liệu trong các giải quốc tế grand slam, các giải ở các nơi khác và báo chí trong và ngoài nước. Điều này thành phố Saigon nên phải sửa lại cho đúng, xứng đáng chính danh của tên một vận động viên thể thao nổi tiếng nhất Việt Nam.
Quần vợt và phụ nữ
Phụ nữ cũng tham gia vào môn thể thao quần vợt. Tại sân của Hội thể thao An Nam (C.S.A) đường Colombier (Hồ Xuân Hương) có xây riêng cho phụ nữ. Điều này chứng tỏ có một số đáng kể hội viên của C.S.A là phụ nữ. Báo Phụ nữ Tân Văn số ngày 25/1/1934 có đăng bài “Phụ nữ Nam-kỳ với Thể-thao” như sau
“Từ khi cái sân banh lập riêng cho phụ-nữ đã có mặt tại sân C.S.A, đường Colombier thì các chị em cũng đến thường nơi đây mà dượt banh. Các bà các cô đến đó mà tập luyện cũng khá đông như bà Yên, bà Chấn, cô Lê-thoại-Ba, cô bảy Phùng Há vân vân..
Sân C.S.A được thấy phụ-nữ ra tranh tài hai lần. Lần đầu, nhân một cuộc hội chợ tại sân này, cô giáo Năm và cô giáo Ất đã xách vợt ra mắt công chúng lần thứ nhứt. Cô Năm thắng cô Ất.
Đến nay nhân tranh giải Critérium de Cochinchine, có hai cô nữ khan hộ ở Biên-Hòa là cô Bùi thị Khâm và Đỗ thị Nổi ra mặt.
Chiều thứ bảy 13 tháng 1 1934 đã có hai trận đánh đôi.
Trận đầu ông Hy và cô Collin đánh với cô Bùi thị Khâm và ông Báu. Cặp Hy-Collin thắng trong 3 hiệp 6/1,3/6,6/2.
Trận sau ông Triệu văn Yên và bà Boyer thắng ông Thành và cô Đỗ thị Nổi 4/6, 6/4. 6/2.
Cô Khâm cầm vợt còn yếu, cô Nổi đánh banh mạnh hơn và đở nhiều trái banh hay.
Mấy bà đa6`m ngồi gần tôi cứ tấm tắc khen không ngớt. Họ cho cô Nổi ra sân banh giải lần đầu mà đánh dạn lắm, đánh nhiều mánh lới hay và có thể trông mong nơi cô Nổi nhiều\. Hai cô đều có hy vọng về sau này.
Các chị em hâm mộ thể thao nên gắn tập bền chí thì sau này, có ngày cũng sẽ có phụ-nữ An Nam xách vợt đi tranh tài nơi xứ người\. Đó là một sự vẻ-vang cho ta.
Còn cô Nam và cô Ất, chớ để cho chị em thất vọng. Trên sân quần và trong các lúc bàn về thể thao, tên của hai cô vẫn được chị em phụ-nử nhắc nhở luôn luôn. Chị em cũng còn trông mong cho có một trận đánh đôi: cô Nam và cô Ất tranh tài với cô Khâm và cô Nổi.
Nguyễn-Thị-Kiêm

Ông Triệu Văn Yên trong bài viết trên chính là hội trưởng Hội thể thao An Nam (C.S.A). Lúc trước đó vào tháng 5 năm 1932, báo Phụ-nữ Tân văn đã có tổ chức Hội chợ phụ nữ và trong Hội chợ đã có tổ chức hai môn thể thao là bóng bàn và đánh trái lăn (quần vợt). Bài bình luận “Phụ nữ và thể thao” trên báo Phụ-nữ Tân-văn 21/4/1932 của bà Kiều Oanh khuyến khích phụ nữ Việt nam chơi thể thao và đưa ra thí dụ là phụ nữ Tàu (Hoa) ở Singapore và phụ nữ Xiêm (Thái Lan) đã có lập hội chơi banh lăn (quần vợt) và banh tròn (đá banh). Như vậy có thể nói năm 1932 là khởi đầu của phụ-nữ Nam Kỳ tham gia vào thể thao.
Võ Văn Bảy
Nổi tiếng như Chim và Giao sau này trong giai đoạn 1954 đến 1984 là tay quần vợt Võ Văn Bảy. Võ Văn Bảy sinh ngày 18 tháng 7 1931 tại Vĩnh Long, năm mà Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao đang tham dự giải Grand Slam ở Pháp và Anh. Hai mươi ba năm sau, sau khi đạt giải vô địch Việt Nam, Võ Văn Bảy là người kế vị Chim và Giao đươc tham dự giải quần vợt mở rộng Pháp (French Open) ở sân Roland Garros. Nhà quần vợt trẻ tuổi đại diện Việt Nam trong vòng 1 đánh với quần vợt người Ba Tây Armando Vieira, nhưng Võ Văn Bảy đã thua 6-0, 6-1, 6-4. Tại giải quần vợt Mã Lai mở rộng (Malaysia Open) năm 1960, ông vào được bán kết nhưng sau đó thua quần vợt người Phi Luật Tân Felicismo Ampon 6-3, 6-0.
Năm 1961 là năm ông đoạt giải huy chương vàng ở Đông Nam Á vận hội (Miến Điện) sau khi đánh thắng quần vợt Thái Lan Seri Charuchinda trong trận chung kết gay cấn (6-8, 6-2, 5-7, 6-0, 6-4). Em của ông Võ Văn Bảy là Võ Văn Thành cũng tham dự giải quần vợt mở rộng Pháp vào năm 1963. Trong vòng 1, Võ Văn Thành thua quần vợt người Pháp Bruno Valle (6-1, 6-2, 6-2).
Năm 1969 là năm Võ Văn Bảy thật sự đăng quan trong sự nghiệp quần vợt của mình. Ông đoạt giải vô địch quốc tế quần vợt Mã Lai (Malaysia International Championships). Sau khi thắng quần vợt Úc Sydney Ball trong trận bán kết (7-5, 2-6, 6-2 và 6-2). Cũng trong trận bán kết, em ông Võ Văn Thành đã thua quần vợt Úc Elwyn McCabe (6-4, 6-2, 6-4).
Trong trận chung kết hào hứng giữa Võ Văn bảy và Elwyn McCabe, sau hiệp đầu (set 1) mà Võ Văn Bảy thắng McCabe với tỉ số 6-4, đến hiệp 2 khi ông dẫn trước 2-1 thì McCabe ném vợt bỏ ra ngoài vì khán giả ủng hộ Bảy và chê chọc McCabe. Hơn nữa giờ sau, trọng tài mới thuyết phục McCabe trở lại, nhưng theo luật thì một khi đã tự ý không đánh quá nữa giờ thì bị coi như là thua. Võ Văn Bảy trở thành vô địch năm 1969 giải vô địch quốc tế quần vợt Mã Lai.
Tổng luận
Saigon có một lịch sử thể thao lâu dài và phong phú từ đua xe đạp, đua ngựa, đá banh, quần vợt, quyền anh… Người Saigon đã tạo ra các hội thể thao từ thưở ban đầu trước nhất trong nước và đã để lại dấu ấn qua các đội banh nổi tiếng như Ngôi sao Gia Định, và các tay quần vợt không những có tăm tiếng khắp Đông Dương, Đông Nam Á mà còn trên thế giới qua sự tham dự các giải Grand Slam trong thập niên 1920 và 1930, được coi là thời kỳ vang son của lich sử thể thao của Saigon nói riêng và Việt Nam nói chung. Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao đã làm cho người Việt Nam được rạng danh qua những thành tích đạt được mặc dầu chúng ta biết ít về họ. Thành phố Saigon đã vinh danh qua các con đường có tên của rất nhiều danh nhân trong lịch sử dân tộc trong lãnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học nhưng trong lãnh vực thể thao chỉ có một nhà thể thao duy nhất được vinh danh, Nguyễn Văn Chiêm.
Bước theo sau với không kém thành tích trong quần vợt là Võ Văn Bảy và Phạm Huỳnh Tam Lang thủ quân của đội tuyển đá banh Việt Nam đoạt được cúp độc lập Merdeka ở Mã Lai. Qua bao nhiêu thế hệ người Saigon nói riêng và người Việt Nam nói chung rất ưa chuộng các môn thể thao đá banh, quần vợt, đua xe đạp, đua ngựa. Giáo sư Erich Wald (13) trong bài viết về xã hội Việt Nam trong thời kỳ phổ biến của radio trong thập niên 1930, cho thấy thể thao như đá banh, quần vợt, đua xe đạp và đua ngựa thu hút sự chú ý của quần chúng qua radio rất nhiều, thí dụ như truyền thanh về Chim và Giao ở Huế trong giải quần vợt cúp Bảo Đại hay ở giải quần vợt mở rông Pháp hay truyền thanh trực tiếp từ các sân đá banh, sân quần vợt, trường đua, v.v…
Một thành phố đầu đàn của một nước không những dẫn đầu về kinh tế, hay trong lãnh vực khoa học kỹ thuật mà còn sáng tạo trong lãnh vực văn hóa và xuất sắc và mạo hiểm trong lãnh vực thể thao. Thành phố Saigon đã là và sẽ như vậy.