Tuesday 9 April 2019

Về khái niệm “công lý” trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại Việt Nam (Nguyễn Xuân Tùng)


Về khái niệm “công lý” trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại Việt Nam

12/10/2012
Đặt vấn đề
Công lý là một khái niệm xuất hiện trong lĩnh vực triết học từ thời Hy Lạp cổ đại và được phát triển mạnh mẽ trong nền khoa học pháp lý ngày nay. Những tư tưởng, khát vọng về một nền công lý đích thực đã được Nguyễn Ái Quốc - người sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà truyền bá về Việt Nam từ năm 1925 trong tác phẩm “Bản án Chế độ thực dân Pháp”(Chương VIII - Công lý). Với nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công lý, ngay sau khi thành lập nhà nước cách mạng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến nhiệm vụ của chính quyền nhân dân trong việc bảo vệ và thực thi công lý.  Điều 47 Sắc lệnh số 13 của Chủ tịch nước ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Điều 25 Sắc lệnh này quy định: Khi các Phụ thẩm nhậm chức, tại phiên toà đầu, ông Chánh án sẽ mời các Phụ thẩm tuyên thệ, nội dung lời tuyên thệ là “Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc…”. Có thể nói, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân.
Qua quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn sau 20 năm đổi mới, một trong những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN đã được Đảng và Nhà nước ta thừa nhận là yêu cầu tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã một phần hiện thực hoá nội dung đặc trưng nói trên với yêu cầu hệ thống tư pháp phải được hoàn thiện để hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý, lẽ phải, lẽ công bằng. “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”, “Xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý…”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta (năm 2011) cũng đã tiếp tục khẳng định yêu cầu bảo vệ công lý trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Từ định hướng quan trọng này, Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi) của Uỷ ban Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã dự kiến bổ sung, làm sáng tỏ nhiệm vụ của Toà án nhân dân trước yêu cầu bảo vệ công lý: “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Như vậy, trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành một trong những mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta và là một giá trị tiến bộ xã hội nhân văn, bền vững được toàn xã hội thừa nhận và hướng tới.
1. Khái niệm “công lý” trong nền khoa học pháp lý thế giới.
Khái niệm công lý là khái niệm thu hút được nhiều sự quan tâm và tranh luận của các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực triết học, đạo đức học, chính trị học, luật học và tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của nền văn minh nhân loại. Theo cách hiểu truyền thống, công lý là khái niệm chỉ áp dụng trong quá trình tương hỗ, khi hành động của một cá nhân này hướng tới người khác. Câu hỏi về công lý (justice) và bất công (injustice) chỉ xuất hiện khi có nhiều cá nhân và có những sự kiện thực tế liên quan đến quá trình tương tác với người khác. Trong nền khoa học pháp lý thế giới, công lý là khái niệm có nội hàm khá năng động, tuỳ thuộc vào từng nền văn hoá và từng giai đoạn phát triển của xã hội trong lịch sử.
Từ góc độ lịch sử, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các phân đoạn phát triển của công lý. Theo đó, công lý trong giai đoạn thứ nhất của xã hội sơ khai được thể hiện khá rõ nét bằng sự trả thù cá nhân, bằng luật báo thù, dĩ oán báo oán. Công lý đã luôn được coi là vấn đề cốt tử trong tâm thức của các nhà làm luật từ thời cổ đại. Trong bộ luật Hammurabi của nhà nước lưỡng hà được ban hành trong khoảng thời gian từ năm 1792 đến năm 1750.TCN, công lý được được hiểu là yêu cầu áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra, đó chính là nguyên tắc báo thù Talion (mắt đền mắt, răng đền răng). Theo đánh giá, đây là một bộ luật mà nguyên tắc Talion được áp dụng một cách triệt để, tàn khốc và cứng nhắc một cách cực đoan. Ví dụ một người thợ xây làm chết con của chủ nhà thì con của người thợ xây phải bị giết theo nguyên tắc báo thù Talion.[1]
Giai đoạn thứ hai của sự phát triển nhận thức về công lý là thay sự báo thù bằng bồi thường, phạt vạ, để nhằm giữ yên ổn, hoà hảo trong nội bộ các bộ tộc, bộ lạc. Một ví dụ sinh động về cách phạt vạ khá cẩn thận, tỉ mỉ của người Abysinie trong giai đoạn này như sau: “Nếu một đứa nhỏ trên cây té xuống đúng vào một đứa bạn của nó, làm cho đứa này chết thì mẹ của đứa chết có quyền sai một đứa khác leo lên cây rồi buông tay cho rớt xuống đúng đầu đứa phạm tội”. Đến giai đoạn thứ ba, để ngăn chặn các cuộc trả thù cá nhân, toà án đã được thành lập để thẩm định, đánh giá các mức độ thiệt hại, từ đó hoà giải, điều đình, phân xử các xung đột giữa các cá nhân trong xã hội. Công lý và tư pháp xét xử đã vững bước song hành từ những bước phát triển của lịch sử văn minh nhân loại như vậy.[2]
Trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại - cái nôi của văn minh phương Tây, công lý được cho rằng bắt nguồn từ trật tự xã hội, một xã hội ổn định, có trật tự sẽ thúc đẩy sự phát triển của công lý và ngược lại, một nền công lý mạnh mẽ sẽ thúc đẩy một xã hội trật tự, ổn định. Plato, nhà triết học Hy Lạp xuất sắc, đã đặt những luận giải của mình về công lý chủ yếu trong các tranh luận về vấn đề đạo đức. Khi bị chỉ trích với các luận điểm cho rằng đạo đức là phát minh của kẻ yếu nhằm vô hiệu hoá quyền lực của kẻ mạnh và công lý không phải là đạo đức của người xuất chúng mà là thứ đạo đức nô lệ, người ta chỉ trích sự bất công chỉ khi người ta là nạn nhân chứ không phải bị lương tâm cắn rứt. Sức mạnh chính là lẽ phải và công lý chính là quyền lợi của kẻ mạnh. Đáp lại những luận điểm nêu trên, Plato cho rằng đây là những vấn đề đạo đức căn bản, những lý thuyết căn bản về luân lý. Ông nhấn mạnh công lý là một sự quan hệ giữa cá nhân, tuỳ thuộc vào tổ chức xã hội và do đó cần được nghiên cứu đồng thời, song song với cơ cấu xã hội chứ không thể được nghiên cứu như một thái độ cá nhân. Chúng ta chỉ có thể hình dung một quốc gia công bằng thì chúng ta mới đủ yếu tố định nghĩa một cá nhân công bằng. Theo Plato, công lý là một khái niệm thể hiện phẩm hạnh và sự hài hoà của cộng đồng, là kết quả của sự đồng tâm hợp tác giữa những cá nhân có đức hạnh tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng và quốc gia. Công lý liên quan trực tiếp đến sự tiết chế và khả năng tự kiểm soát của mỗi cá nhân. Công lý là một vấn đề giản dị nếu con người cũng giản dị, rời xa lòng tham lam và sự xa hoa và sống theo đúng chức phận của mình. Công lý xuất phát từ sự hài hoà và nó hướng tới những người khác thông qua những hành vi nhân hậu và tử tế.[3]
 Còn theo Aristotle, một trong những người thầy có ảnh hưởng nhất đối với bộ môn triết học chính trị, thì công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Theo ông, công lý được chia thành “công lý cải tạo” - nơi mà toà án sửa chữa một lỗi lầm do một bên phạm phải đối với bên khác và “công lý phân phối” - cách thức, nỗ lực cố gắng để công bằng với mỗi người, đúng theo những gì mà người đó xứng đáng. Theo Aristotle, công lý phân phối chính là mối quan tâm chủ yếu, hàng đầu của các nhà lập pháp. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng luật pháp và công lý là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí, trong một số xã hội, luật pháp đôi khi đi chệch hướng hoặc đối nghịch với công lý.[4]
Người La Mã tiếp tục phát triển khái niệm về công lý với nhận định rằng luật pháp là tổng hợp các quyền cá nhân. Công lý được xem là yêu cầu bắt buộc trao cho con người những quyền của họ. Tuy nhiên, người La Mã cũng không còn coi công lý là một chức năng của xã hội mà coi công lý là một nội dung và là khía cạnh pháp lý của xã hội. Nội dung này được thể chế hoá trong các chức năng của các thiết chế bảo vệ các quyền của từng cá nhân đơn lẻ hơn là dành sự quan tâm xã hội cho tất các công dân. Khái niệm về công lý tương giao ra đời khi sự trao đổi các giá trị, lợi ích giữa các cá nhân phát triển một cách mạnh mẽ với nguyên tắc là tôi trao một lợi ích cho bạn thì bạn trao một lợi ích cho tôi. Một hợp đồng trao đổi là một hành động của công lý tương giao tự nguyện mà trong đó mỗi người đều nhận được những giá trị lớn hơn với giá trị tương ứng mà anh ta đã trao đi. Mục đích của công lý tương giao là duy trì sự bình đẳng về quyền giữa các cá nhân, bảo vệ sự tự do và nhấn mạnh trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.
Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc nhóm được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người. Đây là khái niệm mang tính tổng quát và tuyệt đối, các quy định luật pháp, các nguyên tắc, luật lệ, quy tắc chỉ là những cố gắng nhằm hệ thống, hiện thực và cụ thể hoá khái niệm này. Công lý chỉ có thể giành được thông qua chế độ pháp quyền chứ không phải thông qua sự cai trị của con người. Không có công lý thì sẽ không có những đạo luật khách quan và hệ quả là các cá nhân sẽ lệ thuộc vào kẻ cai trị. Chế độ pháp quyền ở đây được hiểu là nhà nước phải bị chế ước bởi những quy định đã được ấn định trước hoặc được đoán định trước và mọi người đều bị quản lý bởi cùng các đạo luật.  
Truyền thống pháp luật tự nhiên cho rằng công lý và bất công không phụ thuộc vào luật thực định (human/positive law). Augustine, nhà triết học có ảnh hưởng lớn đầu tiên thời trung cổ, cho rằng công lý cao hơn nhà nước và là vĩnh cửu. Công lý tự nhiên cao hơn luật pháp. Luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp (Unjust laws are not laws). Thomas Aquinas, nhà triết học và thần học Italia trong truyền thống kinh viện chủ nghĩa, cũng cho rằng trong thực tế những đạo luật nhân định có thể công bằng hay không công bằng. Công lý là khái niệm cơ sở, có nội hàm rộng hơn khái niệm luật pháp. Những giá trị của công lý cung cấp những tiêu chí quan trọng cơ bản để đánh giá, thẩm định các đạo luật thực định. Một đạo luật công bằng là một đạo luật dựa trên và không đối lập với các quyền tự nhiên. Bất công chính là những hành vi liên quan đến việc vi phạm các quyền tự nhiên như các tội giết người, hành hung, trộm cắp, bắt cóc, nô lệ, hiếp dâm, gian lận hoặc các hành vi gây ảnh hưởng sai lệch nhất định đến sự phân phối thịnh vượng, thu nhập. Không có cách phân phối cụ thể nào được coi là công bằng hoặc không công bằng từ sự lựa chọn của các cá nhân. Sự phân phối lợi ích và chi phí chỉ được coi là công bằng nếu người đó được tự do lựa chọn trao đổi với người khác.
Luật pháp và công lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người bị vi phạm. Công lý không có sự nâng đỡ của luật pháp sẽ trở lên yếu đuối, mờ nhạt. Luật pháp không dựa trên các giá trị của công lý sẽ trở lên tàn bạo, hà khắc. Đạo luật Đracông năm 621 TCN là một ví dụ điển hình về sự khắc nghiệt của luật pháp khi nó không dựa trên nền tảng những giá trị công lý, ví dụ như chỉ phạm tội trộm cắp vặt như lấy trộm rau quả cũng bị xử tử, từ đó, “luật Đracông” trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ những bộ luật hoặc pháp lệnh hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính.[5] Do Luật pháp có thể tự nó lạm dụng quyền lực để vi phạm các quyền con người hoặc nhằm vi phạm các quyền của bên thứ ba nên luật pháp, ngoài việc thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp thống trị xã hội, cần phải phản ánh được đầy đủ nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội, phải “vang vọng tiếng dân” và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công lý, công bằng, lẽ phải, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người.
Tính công bằng trong quá trình áp dụng luật pháp cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý.       Một đạo luật được coi là áp dụng một cách công bằng  nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức như nhau. Luật pháp cần xử lý với các trường hợp như nhau với cách thức như nhau trừ khi có các tình tiết khác.
Trong xã hội hiện đại, những giải thích về công lý có khuynh hướng tập trung vào công lý phân phối với mục tiêu làm thế nào để xã hội có thể phân phối một cách công bằng nhất những gánh nặng và phúc lợi của đời sống xã hội, từ đó đã đưa khái niệm công lý mang tính thực tiễn và chính trị hơn là một quan niệm siêu hình trước đây. F.A. Hayek, một trong những kiến trúc sư chính của cuộc xây dựng lại chủ nghĩa tự do, khẳng định sự tương đồng giữa tính “mù” của công lý và cạnh tranh, theo ông, công lý và cạnh tranh đều không thiên vị ai và pháp luật chính là công lý hình thức.[6] Còn John Rawls, đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Mỹ, đã định nghĩa công lý là lẽ phải, điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người. Công lý là sự công bằng và công lý chính là chuẩn mực của một xã hội lý tưởng. Chuẩn mực của công bằng trong một thể chế xã hội cụ thể chính là nguyên tắc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân. Theo ông, công bằng chỉ có được khi con người tự nguyện cùng tham dự vào quá trình hợp tác xã hội để làm sao mỗi cá nhân giành được lợi ích nhiều hơn so với khi họ sống đơn lẻ.[7]
Trong tác phẩm xuất bản gần đây tại Việt Nam “ Công lý: Đâu là việc đúng nên làm?”[8], giáo sư Michael Sandel của Đại học Harvard cho rằng câu hỏi một xã hội có công bằng hay không chính là câu hỏi về cách phân phối những điều chúng ta được hưởng thụ: Thu nhập và sự giàu có, Trách nhiệm và quyền lợi, Quyền lực và cơ hội, Chức vụ và danh dự. Một xã hội công bằng phân phối những thứ này đúng cách, mỗi người nhận đúng phần mình đáng được hưởng. Nhưng câu hỏi khó khăn là ai xứng đáng được hưởng gì và vì sao? Từ cách đặt vấn đề này, người ta đã xác định ba cách phân phối theo 03 cách tiếp cận về phúc lợi, tự do và đạo đức.
(1) Xuất phát điểm từ yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng chung, từ đó đóng góp, mang lại phúc lợi cho  mỗi người, thuyết vị lợi, một triết thuyết quan trọng đã lý giải một cách sâu sắc nhất về công lý từ khía cạnh tại sao và bằng cách nào chúng ta nên tối đa hoá hạnh phúc, tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất.
(2) Cách tiếp cận thứ hai là triết thuyết về tự do với mục đích cố gắng kết nối công lý với tự do. Cách tiếp cận này đặt trọng tâm và nhấn mạnh cần phải tôn trọng các quyền cá nhân. Tư tưởng công lý có nghĩa là tôn trọng một số quyền phổ quát (một số quyền tự do của con người) được chấp nhận ngày càng rộng rãi trên thế giới ngày nay.
(3) Từ khía cạnh khuyến khích đạo đức, triết thuyết về công lý nhấn mạnh những giằng xé, mẫu thuẫn khó khăn trước những nhận định, đánh giá về đạo đức và lối sống tốt đẹp. Công lý phải gắn liền với những đức tính và quan niệm về lối sống tốt đẹp.
Các nghiên cứu ngày nay liên quan đến công lý trong lĩnh vực tư pháp xét xử cho rằng các thủ tục tố tụng chính là những cơ chế, những công cụ xã hội giúp các cá nhân tiếp cận được công lý. Nếu các cơ chế tố tụng không đủ mạnh và hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hoá quá trình thực thi các quyền cơ bản của các cá nhân. Các cơ chế tố tụng phải đáp ứng ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là người đầy tớ phục vụ, thúc đẩy công lý chứ không phải là ông chủ của công lý. Lý thuyết tìm kiếm sự thật (The truth-finding theory), một trong những học thuyết có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực tố tụng tại các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các cơ chế tố tụng đều hướng tới việc tìm ra sự thật khách quan của vụ việc nhưng công lý và sự thật khách quan của vụ việc không hoàn toàn đồng nhất. Công lý là một điều gì đó rộng lớn và có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự thật. Sự thật khách quan của vụ việc chỉ là một trong những thành tố cơ bản của công lý.[9] Trong quá trình cải cách cơ chế tố tụng, các nghiên cứu cho rằng công lý có ba yếu tố định tính cơ bản: Thứ nhất, khả năng tìm ra sự thật và tính chính xác của quyết định của toà án. Thứ hai, thời gian tiếp cận công lý phải đảm bảo, công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối (justice delayed is justice denied). Thứ ba, chi phí tài chính cho quy trình tiếp cận công lý phải đảm bảo tính hợp lý, không mang tính chất rào cản đối với quá trình tìm kiếm công lý của các tổ chức và cá nhân. Đây chính là những tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá mức độ thành công các cuộc cải cách tư pháp xét xử của các quốc gia trên thế giới.[10]
Tại Hoa Kỳ, nền khoa học pháp lý có sự phân biệt khá sâu sắc giữa “công lý theo thủ tục” và “công lý theo bản thể”. Nếu một người giết hại người khác, công lý bản thể (công bằng về nội dung) đòi hỏi kẻ sát nhân phải bị trừng phạt theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu kẻ sát nhân bị tra tấn một cách bất hợp pháp để phải thú tội thì công lý thủ tục đã không được thực thi. Trong trường hợp đó, theo truyền thống pháp luật phương Tây, công lý theo thủ tục sẽ thắng công lý theo bản thể.[11]
2. Khái niệm “công lý” tại Việt Nam.
Trong xã hội Việt Nam phong kiến, khát vọng công lý luôn lan toả trong những thành ngữ, tục ngữ phê phán thói hư, tật xấu của đội ngũ quan lại phong kiến từ xa xưa: Nén bạc đâm toạc tờ giấy (Công lý bị đồng tiền chi phối), Đất thấp trời cao (Hoàn cảnh trớ trêu, người có địa vị thấp hèn khó có thể giãi bày, kêu oan với bề trên), Quan châu có quyền đốt đuốc, thiên hạ không được thắp đèn (Nhận xét về sự bất công giữa kẻ có chức quyền và nhân dân), Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ (Nhận định về tệ tham nhũng của quan lại phong kiến)… Có thể nói, công lý, lẽ phải và sự công bằng đã trở thành khát vọng ngàn đời nay của người dân Việt Nam.
Những tư tưởng về một nền công lý đích thực, chân chính đã được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần nền “công lý thực dân” giả tạo: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người…”. Người cũng lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một hình ảnh về chế độ phi pháp quyền, vô nhân đạo và phản tiến hoá mà người Pháp áp đặt tại Việt Nam: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”.
Khát vọng và tình yêu công lý đó đã được Đảng ta tiếp tục vận động, tuyên truyền và thắp sáng thành ý nguyện của dân tộc ta, của nhân dân ta. Trong bài thơ làm công tác binh vận “Là thi sĩ’ năm 1942, đồng chí Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng đã viết:
                             Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
                             Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
                             Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
                             Yêu nhân loại, hoà bình và công lý.
Chính tình yêu công lý, khát khao công lý này đã làm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta, đưa dân tộc ta, nhân dân ta đến Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - một cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết sau gần 100 năm người dân Việt Nam phải sống dưới xiềng xích thực dân.
Ngày nay, câu chuyện về lẽ phải, về lương tri và công lý vẫn tiếp tục là một đề tài nóng bỏng giành được sự quan tâm sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Người ta vẫn sôi nổi bàn luận những câu chuyện về thói hư tất xấu như “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” với cái kiểu “công lý của làng - công lý tình cảm” ấu trĩ và yếu ớt, với tâm lý co cụm, bấu víu và đan kết trong tình cảm của người Việt để rồi không minh định được cái đúng cái sai, cái thiện cái ác. Người ta cũng còn mạnh mẽ phê phán cái thói “Cậy thế, ỷ quyền”, “Nhất thân, nhì quen” với nhận định: Ỷ lại, cậy thế, cậy quyền sẽ chỉ làm lụi bại ý chí, đạo đức và nhân cách của các thế hệ trẻ trong xã hội. Xử lý một cách triệt để những hiện tượng tiêu cực này cần lắm những Bao Công thời hiện đại, và cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của mọi công dân. Có như vậy thì xã hội mới thực sự đi lên, chiếc cân công lý mới thực sự công bằng đối với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội…[12]
Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một số quan điểm nghiên cứu đã cho rằng pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết phải là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản, lương tri và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh. Nhà nước phải thừa nhận và phục tùng lẽ phải và công lý, lấy đó làm thước đo để hướng tới sự phù hợp và hoàn thiện để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự công minh của mình.[13] Công lý chính là sự nhận thức đúng đắn và hành động đúng vì chân lí, vì công bằng và lẽ phải, phù hợp với lợi ích chung, với đạo lí của nhân dân, được xã hội và pháp luật thừa nhận.
3. Về khái niệm công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại Việt Nam.
Những giá trị của công lý có thể được nhận diện trong các chính sách bảo đảm công bằng xã hội, công bằng trong phân phối thu nhập, cơ hội phát triển và điều kiện thực hiện cơ hội nhằm thoả mãn một cách hợp lý những nhu cầu của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội, các cá nhân, xuất phát từ khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Những giá trị của công lý cũng hiện thân trong các yêu cầu về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Trong cả lý luận và thực tiễn, những quyền cơ bản của cá nhân có thể bị vô hiệu hoá hoặc bị từ chối thực thi do các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ chế tố tụng không đáp ứng được đầy đủ và kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Các cơ quan tiến hành tố tụng và các thủ tục tố tụng luôn được xác định là những yếu tố quan trọng  trong quá trình giúp các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, tiếp cận công lý. Ở mỗi quốc gia với các nền văn hoá pháp lý khác nhau sẽ tìm kiếm những phương thức khác nhau để đạt được mục tiêu này như cơ chế đối tụng (adversary system) của hệ thống luật án lệ hay cơ chế tố tụng thẩm vấn(inquisitorial system) của hệ thống dân luật.
Trong lĩnh vực tư pháp, công lý và bảo vệ công lý được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định yêu cầu xây dựng cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý và quyền con người. Chiến lược cũng xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và bảo vệ công lý. Hoạt động tư pháp mà trong đó toà án được xác định giữ vị trí trung tâm và công tác xét xử là hoạt động trọng tâm cần phải được tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng, bảo đảm có hiệu lực và hiệu quả caoThủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp cần tiếp tục được đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Các thủ tục, quy trình tố tụng cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện nhằm tạo một cơ chế tiếp cận công lý hữu hiệu, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Như vậy, khái niệm công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp là công lý trong lĩnh vực tư pháp xét xử. Công lý ở đây được hiểu là yêu cầu xử lý các vụ việc bằng các thủ tục tố tụng công bằng, hợp pháp nhằm bảo vệ lợi ích của xã hội và bảo vệ các quyền con người một cách nghiêm minh. Công lý trong tư pháp xét xử không chấp nhận hiện tượng còn để xảy ra tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố và xét xử. Công lý trong tư pháp xét xử cũng đòi hỏi sự đồng thuận cao của xã hội đối với cơ chế tố tụng, cơ quan tư pháp và các bản án, quyết định của cơ quan tư pháp. Các giá trị cao cả của lẽ phải, đạo lý, lương tâm, lương tri, đạo đức, sự vị tha, lòng trắc ẩn và các giá trị tiến bộ xã hội khác cần phải là điểm tựa, là các chuẩn mực để soi rọi các bản án, quyết định của cơ quan tư pháp. Gần đây, trên website của Tạp chí Xây dựng Đảng, khi đánh giá văn bản số 1594/MTTW-BBT ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao kiến nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu về tội danh “lập quỹ trái phép” và xử lý sai sót của bà trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự, bài viết trên Tạp chí đã có một nhận định sâu sắc trong quá trình phát triển nhận thức về công lý tại Việt Nam: Lương tri không thay được pháp luật lại càng không thể đứng trên pháp luật. Nhưng nó là cái duy nhất mách bảo giải pháp đúng trong tình huống phức tạp. Cao hơn, lương tri làm cho mọi hành vi xã hội được thừa nhận và có tình người.[14]
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng ta cũng đã khẳng định những hạn chế, bất cập của tư pháp xét xử trong quá trình giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận công lý. Đó là chính sách hình sự, chế định pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí còn có hiện tượng sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu. Những bất cập nói trên đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của các cơ quan tư pháp trong quá trình bảo vệ công lý. Nhận thức đầy đủ về công lý và yêu cầu bảo vệ công lý và quyền tiếp cận công lý của các tổ chức và cá nhân, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng ta đã khẳng định những phương hướng cải cách cơ bản sau trong lĩnh vực tư pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Thứ hai, tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó xác định toà án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp.
Thứ ba, xây đựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hoá tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ, tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh.
Thứ tư, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp./.  
Ths. Luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB


[1] Nguyễn Anh Tuấn: Khảo lược Bộ luật Hammurabi của Nhà nước lưỡng hà cổ đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2008.
[2] Will Durant: Nguồn gốc văn minh, Nhà Xuất bản văn hoá thông tin, năm 2006.
[3] Will Durant: Câu chuyện triết học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2009.
[4] Raymond Wacks: Triết học luật pháp (Phạm Kiều Tùng dịch), Nhà xuất bản tri thức, năm 2011.
[5] Vũ Dương Minh (chủ biên): Lịch sử văn minh thế giới, Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007.
[6] F.A. Hayek: Đường về nô lệ (Phạm Nguyên Trường dịch), Nhà xuất bản tri thức, năm 2009.
[7] John Rawls: Theory of Justice, The Belknap Press of Havard University Press, 1977.
[8] Michael Sandel: Justice:What’s the Right Thing to Do?: Công lý: Đâu là việc đúng nên làm?, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2011.
[9] M.P. Golding: On the Adversary system and Justice, in Bronaugh, ed, Philosophical Law – Authority, Equality, Adjudication, Privacy, 1978.
[10] Adrian Zuckerman: Justice in Crisis, from Civil Justice in Crisis: Comparative Perpectives of Civil Procedure (1999).
[11] Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao (Đồng chủ biên): Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến      (Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài), Nhà xuất bản Lao động – xã hội, năm 2012, trang 33.
[12] Nhiều tác giả: Người Việt- Phẩm chất và thói hư tật xấu, Nhà xuất bản Thanh niên - Báo Tiền phong, năm 2008.
[13] TS. Huỳnh Văn Thới: Pháp luật được “đặt ra” hay “tìm ra”?, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tại  http://phapluattp.vn/20100127110026883p1118c1119/phap-luat-duoc-dat-ra-hay-tim-ra.htm
[14] Nguyễn Thuý Hoàn: Đắc nhân tâm, Tạp chí Xây dựng Đảng tại http://www.xaydungdang.org.vn/Home/ykiendangvien/2011/4103/Dac-nhan-tam.aspx

Monday 11 March 2019

Nguồn gốc của địa danh Chu Lai từ “truyền kỳ” đến hiện thực (An Chi - An Ninh Thế Giới)



Nguồn gốc của địa danh Chu Lai từ “truyền kỳ” đến hiện thực

09:30 28/01/2009

Hầu hết các tác giả đều cho rằng nguyên từ (etymon) của địa danh Chu Lai chính là họ của Victor Krulak, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương và rằng cái tên này ra đời vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, theo nhu cầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Saturday 2 March 2019

Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại (Nhân Dân)

Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại

Thứ Bảy, 25/07/2015, 13:53:33
(http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/26979402-chien-ham-no-tung-va-to-diep-bao-huyen-thoai.html)
Công tác điệp báo là một trong bốn công tác nghiệp vụ cụ thể của lực lượng An ninh nhân dân. Điệp báo mang đầy đủ tính chất của ngành An ninh nhưng là hoạt động trong lòng địch, nên gay go, ác liệt, nguy hiểm lâu dài.
Chiến hạm nổ tung và tổ điệp báo huyền thoại
Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo (người thứ ba từ trái sang), con trai Trưởng nhóm điệp báo A13 - Hoàng Đạo với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thanh Hóa dưới Tượng đài nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi.
Ngay từ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, công tác điệp báo - tình báo đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Lực lượng Công an nhân dân phải đương đầu các cơ quan tình báo, gián điệp nhà nghề của địch. Chúng không chỉ giàu kinh nghiệm, có tiềm lực mạnh hơn ta nhiều lần, mà còn được sự hậu thuẫn của lực lượng quân sự hùng hậu và nhiều thế lực phản động. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, lực lượng điệp báo - tình báo Công an nhân dân qua các thời kỳ đã đóng góp không nhỏ vào thành tích và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có chiến công xuất sắc của Tổ Điệp báo mang bí số A13, đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Cuối năm 1947, bị thất bại thảm hại trong cuộc "hành quân Thu - Đông" trên chiến khu Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược quân sự, đồng thời tính đến việc sử dụng quân bài Bảo Đại, lập một Chính phủ bù nhìn theo "lý tưởng quốc gia", trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam. Ngày 5-6-1948, Hiệp ước Pháp - Việt (Bảo Đại) được ký kết. Thực dân Pháp ra sức mua chuộc, lôi kéo các thế lực phản động ủng hộ Chính phủ của Bảo Đại. Cơ quan tình báo chiến lược Pháp (SEH) ra sức tìm kiếm, mua chuộc những cán bộ kháng chiến "ly khai" về hợp tác "Chính phủ quốc gia bù nhìn". Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương "tương kế tựu kế" lần lượt đưa các điệp báo viên: Kim Sơn (bí số A14), Hoàng Đạo (bí số A13) vào hoạt động trong lòng địch. Tổ Điệp báo mang bí số A13 do đồng chí Hoàng Đạo làm tổ trưởng có nhiệm vụ đi sâu leo cao trong hàng ngũ địch, thu thập những tin tức chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị..., gây được nhiều tín nhiệm rất cao trong hàng ngũ chỉ huy cao cấp cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, bọn cầm đầu Chính phủ bù nhìn, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn cầm đầu phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa. Các đảng phái phản động tranh giành ảnh hưởng, đảng nào cũng muốn lôi kéo A13 và những người "ly khai kháng chiến" về mình; đồng ý "hợp tác chặt chẽ với A13" thủ lĩnh của "tổ chức ly khai kháng chiến" gọi là "Phục Việt cách mạng đảng", gọi tắt là "đảng Phục Việt", một đảng "ma" không có trong thực tế.
Với uy tín đã tạo được, A13, A14 lần lượt tiếp xúc, hội đàm bí mật với hầu hết chỉ huy cao cấp của cơ quan quân sự, tình báo Pháp, bọn cầm đầu Chính phủ bù nhìn Bảo Đại và các đảng phái phản động. Để tạo thêm sự tin cậy cho tổ chức điệp báo A13, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương đã bố trí một "chiến khu" giả tại vùng rừng núi thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và mở một đại hội "đảng Phục Việt" giả tại "chiến khu" để mời một số tên cầm đầu Việt gian ra thăm. Đinh Xuân Cầu, Ủy viên Trung ương Đại Việt quốc dân đảng đã cùng đi với A13, A14 ra "chiến khu" dự đại hội đảng Phục Việt. Khi trở về, Cầu viết một báo cáo tường trình lên Bảo Đại và quan thầy Pháp. Báo cáo này được đánh giá cao, do đó Pháp và Bảo Đại càng tin tưởng và đặt nhiều hy vọng vào "đảng Phục Việt". Bảo Đại đã phong cho A13 chức "Quốc vụ khanh" và A14 là đại úy "võ phòng Ngự lâm quân".
Mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện, nay có "chiến khu quốc gia" của "đảng Phục Việt", thực dân Pháp liền chớp lấy thời cơ. Trong "hội đàm" giữa Trung tướng A-lếch-xăng-đơ-ri và Hoàng Đạo (A13) và về việc "giải phóng khu IV", thực dân Pháp thỏa thuận sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí, tiền bạc cho "chiến khu quốc gia" để đảng Phục Việt "đảm nhiệm công cuộc giải phóng khu IV" và Pháp sẽ có vai trò hỗ trợ.
Trước tình hình hết sức phức tạp và nhạy cảm đó, Trung ương chỉ đạo: Không nên gây cho Pháp ảo tưởng trong vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến, không có lợi về chính trị, ảnh hưởng đoàn kết dân tộc tập trung đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Do đó phải kết thúc sớm chuyên án này. Thực hiện chỉ đạo, Ty Điệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo Tổ Điệp báo A13 đánh một đòn mạnh vào thực dân Pháp và tay sai, kết thúc chuyên án.
Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: "Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi". Trong thư, bà viết: "Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Phú Châu - Châu Đốc. Chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà...".
Ngày 26-9-1950, Tổ Điệp báo A13 điều được ba tên cầm đầu phản động là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng (Trung ương Đại Việt) và Nguyễn Quang Minh (Trung ương Quốc dân đảng) ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác tin tức. Đồng thời, quyết định tổ chức đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Pháp đang neo đậu ở biển Sầm Sơn, chuẩn bị chở vũ khí, đạn dược và nhiều phương tiện hậu cần tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ. Các phương án, như sử dụng chất nổ, mìn hẹn giờ, kíp mìn, va-li ngụy trang sao cho khéo léo, che mắt địch khi lên tàu, nhất là phải tìm được người đóng vai "Phu nhân Quốc trưởng" "xách va-li" lên tàu ra Hà Nội, tất cả đều được A13 tiên liệu trước. Khoảng 3 giờ sáng 27-9-1950, Công an Thanh Hóa sử dụng năm thanh niên dân quân khỏe mạnh của xã Quảng Tiến, Sầm Sơn giỏi nghề đi biển, chèo thuyền đưa tổ điệp báo gồm Hoàng Đạo (A13), Kim Sơn (A14), Nguyễn Thị Lợi (A16) đóng vai "vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo" và đồng chí Hải (A15) mang va-li có chứa 30 kg thuốc nổ ra khơi, lên Thông báo hạm A-miô-đanh-vin để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong va-li thuốc nổ và chia tay tạm biệt, 7 giờ sáng cùng ngày, Hoàng Đạo, Kim Sơn và đồng chí Hải đi thuyền trở về, chị Lợi với tư cách là "khách quý" ở lại Thông báo hạm A-miô-đanh-vin tiếp tục hành trình ra Hà Nội.
Sau 30 phút, một cột khói đen bốc cao, Thông báo hạm A-miô-đanh-vin nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp (trong đó có một trung tá, hai đại úy, tám trung úy) cùng hàng tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống đáy biển Sầm Sơn. Chị Nguyễn Thị Lợi, chiến sĩ Công an Hà Nội anh dũng hy sinh. Chị đã được Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng ba. Năm 1995, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho chị Nguyễn Thị Lợi, vì đã lập công đặc biệt xuất sắc, trực tiếp đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin.
Chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm A - miô - đanh - vin tại biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, trên đường ra Bắc Bộ, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đập tan âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bọn tay sai hòng đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, mà còn phá âm mưu đen tối của địch định lôi kéo mua chuộc những người kháng chiến "ly khai" thành lập "chiến khu quốc gia" chống lại kháng chiến, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo nên thắng lợi của chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950. Hoạt động của Tổ Điệp báo A13 trong lòng địch đánh dấu một trình độ nghiệp vụ sắc sảo của công tác điệp báo CAND Việt Nam...
Đại tá, Tiến sĩ PHAN THANH LONG
Tôi còn nhớ ông Nguyễn Hữu Sen, sống ở phố Thân Thiện, phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, một trong năm người tham gia chèo thuyền đưa tổ điệp báo lên tàu. Năm 2011, ông kể lại với tôi: "Hôm đó, trời se lạnh, chị Lợi mặc áo sáng mầu, trông khá trẻ và xinh đẹp, dễ mến. Vì nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi không dám hỏi gì, chị ấy cũng vậy, chỉ ngồi trên thuyền nhìn ra biển xa. Lúc đến hạm, chúng tôi, người neo dây thuyền, người cùng với anh Hoàng Đạo đỡ chị Lợi lên tàu. Sau khi xong việc, chúng tôi về nhà. Đến khoảng gần 5 giờ sáng, một ánh chớp sáng lòe lóe lên giữa bầu trời, rồi cột khói cao ngất trùm biển khơi, kèo theo đó là tiếng nổ dữ dội. Chúng tôi cùng nhân dân đi xem, ai cũng vui mừng, vì đoán chắc tàu của Pháp bị nổ. Chúng tôi cũng không hề biết rằng, chị Lợi đã dũng cảm hy sinh". Hai ngày sau khi Thông báo hạm A-miô-đanh-vin bị đắm, ông Sen đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì lập thành tích xuất sắc. Hiện ông đã 90 tuổi, mắt đã lòa, nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn, sống cùng con gái.
(Nhà báo Phương Thủy, Báo Công an nhân dân)

Friday 15 February 2019

Sáng sao hay là tối đèn?


Trận Vạn Tường (năm 1965) của người Việt là cuộc hành quân Starlite của Mỹ.

Sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước tập 4 (Viện Lịch Sử Quân Sự, 2013:52) viết:
Sau chiến thắng Ba Gia lần thứ nhất (5-1965), Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5 về đóng tại Vạn Tường để củng cố, huấn luyện, chuẩn bị cho hoạt động Thu – Đông. Phát hiện được đơn vị ta ở cách Chu Lai 17 km về phía đông nam, Oétmolen  ra lệnh cho lính thủy đánh bộ mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) đánh vào Vạn Tường nhằm tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân giải phóng, gây uy thế cho quân Mỹ.

Tên gọi cuộc hành quân này vốn là Satellite nhưng vì mất điện, người thư ký gõ thành Starlite (https://www.marines.mil/Community-Relations/Commemorations/Operation-Starlite/). Về sau người ta chế được một loại vật liệu chịu được sức nóng đến một vạn độ C được đặt tên là Starlite (có người dịch là đá sao) nhưng cái tên này không có liên quan gì đến trận đánh ở Việt Nam năm 1965. Không ít tài liệu sửa lại tên cuộc hành quân thành Operation Starlight, rồi người Việt dịch thành Ánh Sáng Sao.

Nhận được tin báo của lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, đóng quân ở vùng căn cứ Chu Lai, phát hiện có đơn vị chủ lực của ta (Trung đoàn 1 mang tên Ba Gia, đơn vị chủ lực của Liên khu 5) đóng quân tại Vạn Tường (xã Bình Thiện, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Oétmolen (Westmoreland) liền ra lệnh cho lính thuỷ đánh bộ mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) đánh vào Vạn Tường, nhằm tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân giải phóng, gây uy thế cho quân Mỹ.
Nguyễn Ngọc Toán, “Chiến thắng Vạn Tường – Đòn phủ đầu quân viễn chinh Mỹ”, Quân Đội Nhân Dân, http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/chien-thang-van-tuong-don-phu-dau-quan-vien-chinh-my-261537, 30/11/2014 11:17